Logo

Phân tích bài Từ ấy để thấy tâm trạng một thanh niên say mê lí tưởng lớp 11

Top 4 bài văn hay: Phân tích bài thơ Từ ấy để thấy tâm trạng của một thanh niên say mê lí tưởng lớp 11 tuyển chọn hay nhất, là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích giúp các em nâng cao khả năng viết văn để đạt điểm cao trong các bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 11.
3.3
3 lượt đánh giá

Bài văn mẫu: Phân tích bài thơ Từ ấy để thấy tâm trạng của một thanh niên say mê lí tưởng Văn 11 tuyển chọn, hay nhất sẽ giúp các em học sinh đưa ra các lập luận, lý lẽ chính xác và ý nghĩa nhất để hoàn thành xuất sắc bài viết của mình.

Bài văn mẫu số 1: Phân tích bài thơ Từ ấy để thấy tâm trạng của một thanh niên say mê lí tưởng

   Trong nền văn học Việt Nam, Tố Hữu được coi là "lá cờ đầu của nền thơ ca cách mạng". Từ một thanh niên trí thức tiểu tư sản, được giác ngộ lí tưởng, Tố Hữu đã trở thành một chiến sĩ cộng sản. Thơ Tố Hữu gắn với cuộc sống cách mạng và chính trị, thời sự đất nước. Các tác phẩm chính: Từ ấy, Việt Bắc, Gió lộng, Ra trận, Máu và hoa,...

   Từ ấy (1937 - 1946) là chặng đường đầu của thơ Tố Hữu. Tập thơ gồm 3 phần: Máu lửa, Xiềng xích và Giải phóng. Bài thơ Từ ấy là bài thơ có ý nghĩa mở đầu và cũng có ý nghĩa như một tuyên ngôn về lẽ sống của một chiến sĩ cách mạng cũng là tuyên ngôn nghệ thuật của nhà thơ. Bài thơ là tâm nguyện của người thanh niên yêu nước: niềm vui sướng, say mê mãnh liệt, những nhận thức mới về lẽ sống, sự chuyển biến sâu sắc trong tình cảm,…

   Tâm trạng nhà thơ có sự vận động qua ba khổ thơ: Niềm vui sướng, say mê khi gặp lí tưởng (khổ 1); những nhận thức mới về lẽ sống (khổ 2); sự chuyển biến sâu sắc trong tình cảm.

   Sự vận động của tâm trạng nhà thơ được thể hiện sinh động bằng những hình ảnh tươi sáng, các biện pháp tu từ gợi cảm và ngôn ngữ giàu nhạc điệu.

   Hai câu thơ mở đầu trong khổ thơ 1 được viết theo bút pháp tự sự, nhà thơ kể lại một kỉ niệm không quên của đời mình:

    Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

    Mặt trời chân lí chói qua tim

   Từ ấy là cái mốc thời gian có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời cách mạng và đời thơ của Tố Hữu. Khi đó nhà thơ mới 18 tuổi, đang hoạt động tích cực trong Đoàn Thanh niện Cộng sản Huế, được giác ngộ lí tưởng cộng sản, được kết nạp vào Đảng. Bằng những hình ảnh ẩn dụ: nắng hạ, mặt trời chân lí, chói qua tim, Tố Hữu khẳng định lí tưởng cách mạng như một nguồn sáng mới làm bừng sáng tâm hồn nhà thơ. Nguồn sáng ấy không phải là ánh thu vàng nhẹ hay ánh xuân dịu dàng mà là ánh sáng rực rỡ của một ngày nắng hạ. Hơn thế, nguồn sáng ấy còn là mặt trời, và là mặt trời khác thường, mặt trời chân lí - một sự liên kết sáng tạo giữ hình ảnh và ngữ nghĩa. Mặt trời của thiên nhiên đem lại cho nhân gian ánh sáng, hơi ấm, sự sống thì Đảng cũng là nguồn sáng kì diệu tỏa ra những tư tưởng đúng đắn, hợp lẽ phải, báo hiệu những diều tốt lành cho cuộc sống. Cách gọi lí tưởng như vậy thể hiện thái độ thành kính, ân tình. Thêm nữa, những động từ "bừng", (chỉ ánh sáng phát ra đột ngột), "chói" (ánh sáng có sức xuyên mạnh) càng nhấn mạnh ánh sáng của lí tưởng đã hoàn toàn xua tan màn sương mù của ý thức tiểu tư sản và mở ra trong tâm hồn nhà thơ một chân trời mới của nhận thức, tư tưởng, tình cảm.

   Ở hai câu sau, bút pháp trữ tình lãng mạn, cùng với hình ảnh so sánh đã diễn tả cụ thể niềm vui sướng vô hạn của nhà thơ trong buổi đầu đến với lí tưởng cộng sản. Đó là một thế giới tràn đầy sức sống với hương sắc của các loài hoa, vẻ tươi xanh của cây lá, âm thanh rộn rã của tiếng chim ca hót. Đối với khu vườn hoa lá ấy, còn gì đáng quý hơn ánh sáng mặt trời? Đối với tâm hồn người thanh niên đang "băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời", còn gì quý giá hơn khi có một lí tưởng như có cây hoa lá đón ánh sáng mặt trời, chính lí tưởng cộng sản đã làm tâm hồn con người tràn đầy sức sống và niềm yêu đời làm cho cuộc sống của con người có ý nghĩa hơn. Tố Hữu là một nhà thơ nên vẻ đẹp và sức sống mới ấy tâm hồn cũng là vẻ đẹp và sức sống mới của hồn thơ. Cách mạng không đối lập với nghệ thuật mà đã khơi dậy sức sống, đem lại một cảm hứng sáng tạo mới cho hồn thơ.

   Ở khổ thơ thứ hai, trong quan niệm về lẽ sống, giai cấp tư sản và tiểu tư sản có phần đề cao cái tôi cá nhân chủ nghĩa. Khi dược giác ngộ lí tưởng, Tố Hữu khẳng định quan niệm mới về lẽ sống và sự gắn bó hài hòa "cái tôi" cá nhân và" cái ta" chung của mọi người. Với động từ "buộc", câu 1 là một cách nói quá thể hiện ý thức tự nguyện sâu sắc và quyết tâm cao độ của Tố Hữu muốn vượt qua giới hạn của "cái tôi" cá nhân để sống chan hòa với mọi người ("trăm nơi" là một hoán dụ chỉ mọi người sống ở khắp nơi). Với từ "trang trải" ở câu 2, có thể liên tưởng tâm hồn nhà thơ trải rộng với cuộc đời, tạo ra khả năng đồng cảm sâu xa với hoàn cảnh của từng con người cụ thể.

   Hai câu thơ sau cho thấy tình yêu thương con người của Tố Hữu không phải là thứ tình thương chung chung mà là tình cảm hữu ái giai cấp. Câu 3 khẳng định trong mối liên hệ với mọi người nói chung, nhà thơ đặc biệt quan tâm đến quần chúng lao khổ. Ở câu 4, "khối đời" là một ẩn dụ chỉ một khối người đông đảo cùng chung cảnh ngộ trong cuộc đời, đoàn kết chặt chẽ với nhau cùng phấn đấu vì một mục tiêu chung. Có thể hiểu: khi "cái tôi" chan hòa trong "cái ta", khi cá nhân hòa mình vào tập thể cùng lí tưởng thì sức mạnh của mỗi người sẽ dược nhận lên gấp bội.

   Tóm lại, Tố Hữu đặt mình giữa dòng đời và trong môi trường rộng lớn của quần chúng lao khổ, ở đấy Tố Hữu đã tìm thấy niềm vui và sức mạnh mới không chỉ bằng nhận thức mà còn bằng tình cảm mến yêu, bằng sự giao cảm của những trái tim. Qua đó, Tố Hữu cũng khẳng định mối liên hệ sâu sắc giữa văn học và cuộc sống, mà chủ yếu là cuộc sống của quần chúng nhân dân.

   Trước khi được giác ngộ lí tưởng, Tố Hữu là một thanh niên tiểu tư sản. Lí tưởng cộng sản không chỉ giúp nhà thơ có được lẽ sống mới mà còn giúp nhà thơ vượt qua tình cảm ích kỉ, hẹp hòi của giai cấp tiểu tư sản để có được tình hữu ái giai cấp với quần chúng lao khổ. Hơn thế, đó còn là tình thân yêu ruột thịt. Những điệp từ "là" cùng với từ "con" "em", "anh" và số từ ước lệ "vạn" (chỉ số lượng hết sức đông đảo) nhấn mạnh, khẳng định một tình cảm gia đình thật đầm ấm, thân thiết, cho thấy nhà thơ đã cảm nhận sâu sắc bản thân mình là một thành viên của đại gia đình quần chúng lao khổ. Tấm lòng đồng cảm, xót thương của nhà thơ còn biểu hiện thật xúc động, chân thành khi nói tới những "kiếp phôi pha" (những người đau khổ bất hạnh, những người lao động vất vả, thường xuyên dãi dầu mưa nắng để kiếm sống) những em nhỏ "không áo cơm cù bất, cù bơ" (những em bé không nơi nương tựa phải lang thang vất vưởng, nay đây mai đó). Qua những lời thơ ấy, người đọc thấy được lòng căm hận của nhà thơ trước bao bất công, ngang trái của cuộc đời cũ. Chính vì những kiếp phôi pha, những em nhỏ cù bất cù bơ ấy mà người thanh niên Tố Hữu hăng say hoạt động cách mạng, và họ cũng trở thành đối tượng sáng tác chủ yếu của nhà thơ (cô gái giang hồ trong Tiếng hát sông Hương; chú bé đi ở trong Đi đi em; ông lão khôn khổ trong Lão đầy tớ; em bé bán bánh trong Một tiếng rao đêm,...).

   Đến đây có thể thấy, về quan điểm nhận thức và sáng tác, bài thơ là tuyên ngôn cho tập Từ ấy nói riêng và cho toàn bộ tác phẩm của Tố Hữu nói chung. Cần nói rõ: đó là quan điểm của giai cấp vô sản với nội dung quan trọng là nhận thức sâu sắc về mối quan hệ giữa cá nhân với quần chúng lao khổ, với nhân loại cần lao.

   Từ ấy là lời tâm nguyện của thanh niên yêu nước giác ngộ và say mê lí tưởng cách mạng. Sự vận động của tâm trạng nhà thơ được hiện sinh động bằng những hình ảnh tươi sáng, bằng các biện pháp tu từ và ngôn ngữ giàu nhạc điệu. Từ ấy đánh dấu một thời điểm quan trọng trong cuộc đời Tố Hữu và trong sự nghiệp thơ ca của ông. Bài thơ không ngừng hấp dẫn độc giả các thế hệ.

Bài văn mẫu số 2: Phân tích bài thơ Từ ấy để thấy tâm trạng của một thanh niên say mê lí tưởng

     Huế cái nôi của làng điệu dân ca một mảnh đất giàu truyền thống văn hóa và cách mạng. Khi nhắc đến Huế người ta sẽ nghĩ đến những người con gái dịu dàng thướt tha trong tà áo tím, nhớ đến dòng sông Hương thơ mộng. Đặc biệt hơn nữa người ta sẽ nhớ đến nhà thơ Tố Hữu – người con của đất Huế. Tố Hữu sinh ra đã thiệt thòi, thiếu thốn về tình cảm, cha thương hay đi xa, mẹ thì mất sớm. Vì vậy mà hồn thơ Tố Hữu luôn có khát khao cháy bỏng. Khát khao say mệ lí tưởng được thể hiện rõ nhất bài thơ Từ ấy. Trong nền văn học nước nhà, Tố Hữu được coi là lá cờ đầu trong nền thơ ca cách mạng. Thơ của ông gắn với cuộc sống cách mạng và chính trị thời sự, đất nước. Từ ấy là bài thơ thể hiện: niềm vui sướng, say mê mãnh liệt, những nhận thức mới về lẽ sống, sự chuyển biến sâu sắc trong tình cảm của người thanh niên yêu nước.

     Tuổi trẻ là những gì đẹp đẽ nhất Hai câu thơ mở đầu được viết theo bút pháp tự sự, nhà thơ kể lại một kỉ niệm không quên của đời mình: Niềm vui sướng, say mê khi gặp lí tưởng

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lí chói qua tim

     “Từ ấy” là câu nói để đánh dấu mốc thời gian quan trọng trong cuộc đời cách mạng của Tố Hữu.Khi đó nhà thơ mới 18 tuổi, được giác ngộ lí tưởng cộng sản, được kết nạp vào Đảng. “Bừng nắng hạ, mặt trời chân lí, chói qua tim”, những hình ảnh ẩn dụ có ý nghĩa tượng trưng cho lí tưởng của đảng. Lí tưởng của đảng là chân chính, là ánh sáng nó sẽ quét sạch mây mù đen tối, đưa dân tộc đến ngày mai tươi sáng. Hình ảnh “nắng hạ” là hình ảnh của nắng hè rực rỡ, ấm áp hay là hình ảnh ẩn dụ chỉ lý tưởng Cộng Sản giống như nắng hạ rực rỡ, ấm áp, đột ngột, bất ngờ bừng sáng trong tâm hồn của nhà thơ. Mặt trời chân lý” chính là hình ảnh ẩn dụ chỉ lý tưởng Cộng Sản là một ánh sáng rực rỡ, vĩ đại, diệu kỳ, là chân lý của sự đúng đắn. “Chói qua tim” chỉ cái tính chất cũng đột ngột soi rõ, chói sáng tâm hồn nhà thơ và “tim” cũng là hình ảnh thể hiện tình cảm, tâm hồn.

     Ở hai câu sau, bút pháp trữ tình lãng mạn, cùng với hình ảnh so sánh đã diễn tả niềm vui sướng vô hạn của nhà thơ trong bưởi đầu đến với lí tưởng cộng sản. Đó không chỉ là một thế giới mới với những hình ảnh đầy sức sống như hương sắc của các loài hoa,âm thanh rộn rã của tiếng chim. Mà ở đó còn có ánh sáng mặt trời, ánh sáng của Đảng, lí tưởng của Đảng đã soi sáng cho tâm hồn cho con người ấy. Chính lý tưởng của Đảng đã làm cho tâm hồn con người tràn đầy sức sống và thêm yêu đời hơn. Cách mạng không đối lập với nghệ thuật mà đã khơi dậy sức sông, đem lại một cảm hứng sáng tạo mới cho hồn thơ.

     Trong quan niệm về lẽ sống, giai cấp tư sản và tiểu tư sản có phần đề cao cái tôi cá nhân chủ nghĩa. Khi được giác ngộ lí tưởng, Tố Hữu khẳng định quan niệm mới về lẽ sống và sự gắn bó hài hòa cái tôi cá nhân và cái ta chung của mọi người. Với động từ buộc, câu một là một cách nói quá thế hiện ý thức tự nguyện sâu sắc và quyết tâm cao độ của Tố Hữu muốn vượt qua giới hạn của cái tôi cá nhân để sống chan hòa với mọi người. Với từ trang trải ở câu 2, có thể liên tưởng tâm hồn nhà thơ trải rộng với cuộc đời, tạo ra khả năng đồng cảm sâu xa với hoàn cảnh của từng con người cụ thể.

     Ở những câu thơ tiếp theo sau khi tiếp nhận lý tưởng Đảng và hồi sinh tâm hồn, người thanh niên cộng sản Tố Hữu đã có một sự thay đổi về nhận thức, đó là phải gắn bó yêu thương những người lao khổ để xiết chặt đội ngũ chiến đấu, tác giả viết:

“Tôi buộc lòng tôi với mọi người

Để tình trang trải với trăm nơi

Để hồn tôi với bao hồn khổ

Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”.

     Nhà thơ nguyện buộc lòng của mình với lòng của nhân dân để tình yêu con người, tình yêu đất nước được lan tỏa muôn nơi. Hai chữ “buộc” và “trang trải” tình cảm với mọi người với trăm nơi đã thể hiện cái nhận thức khá toàn diện về một quan niệm sống mới, tức là một nhân sinh quan mới. Như vậy quan niệm về gắn bó và chia sẻ tình cảm của Tố Hữu có địa chỉ cụ thể và có mục đích cụ thể. Khổ thơ thứ hai nhà thơ đã phản ánh kết quả của lý tưởng Đảng được soi chiếu vào tâm hồn nhà thơ ở khổ thơ thứ nhất. Đó là sự hình thành một nhân sinh quan mới, đó là quan niệm sống vì mọi người vì cách mạng.

     Sau khi diễn tả quá trình tiếp nhận ánh sáng Đảng, sự thay đổi nhận thức cuộc sống, nhà thơ đi đến nêu lên trách nhiệm của mình đối với cuộc đời đối với cách mạng ở khổ thơ cuối cùng. Ông đã là con của vạn nhà, là em của vạn kiếp phôi pha, là anh cảu vạn đầu em nhỏ không áo cơm cù bất cùa bơ. Ông đã tự nhận mình mình là người thân của tất cả mọi người trong đất nước, là người thân cùng sẻ chia của hàng vạn số phận. Nhà thơ nêu lên trách nhiệm của mình nhưng không phải chung chung mà rất cụ thể, rất đúng với vai trò của người thanh niên trong thời điểm thời bấy giờ.

     Bài thơ “Từ ấy” của Tố Hữu là một bài thơ vừa có tính triết lý sâu sắc, vừa rất gần gũi, bình dị, thân thuộc. Sau mấy chục năm đọc lại, những vần thơ đó vẫn là một câu hỏi thấm thía mà những người cộng sản hôm nay không thể không suy ngẫm một cách nghiêm túc để tự mình tìm ra lời giải đáp thấu đáo. Giữa cái chung và cái riêng, giữa cộng đồng – tập thể và cá nhân, giữa vật chất tầm thường và tinh thần – tư tưởng của người cộng sản.

Bài văn mẫu số 3: Phân tích bài thơ Từ ấy để thấy tâm trạng của một thanh niên say mê lí tưởng

     Tố Hữu là gương mặt nhà thơ tiêu biểu của nền văn học Việt Nam, đồng thời cũng là nhà cách mạng sôi nổi nhiệt huyết, do đó ta có thể dễ dàng bắt gặp chất trữ tình chính trị trong mỗi áng thơ văn của Tố Hữu. Hầu hết những sáng tác thơ văn của Tố Hữu đều được khơi dậy từ những sự kiện chính trị, lịch sử nên có thể nói tập hợp những sáng tác thơ văn của Tố Hữu là cuốn biên niên sử bằng thơ của cách mạng Việt Nam. Một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của Tố Hữu chính là Từ ấy– bài thơ thể hiện tâm trạng hân hoan vui sướng của một thanh niên say mê lí tưởng cách mạng.

     Trong nền văn học cách mạng Việt Nam, Tố Hữu đóng vai trò như lá cờ đầu trong nền thơ ca ấy, với lí tưởng cách mạng sâu đậm, Tố Hữu đã gắn cuộc sống và cả sự nghiệp sáng tác của mình với cách mạng chính trị của đất nước. Bài thơ Từ ấy được sáng tác trong thời điểm vô cùng đặc biệt, đó là thời điểm năm 1938 khi Tố Hữu chính thức được giác ngộ cách mạng và đứng trong hàng ngũ của những người cộng sản. Sự biến chuyển sâu sắc, rõ nét trong tâm hồn người thanh niên trẻ được thể hiện ngay trong chính khổ thơ đầu tiên:

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lí chói qua tim

Hồn tôi là vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim”

     Từ ấy là mốc thời gian năm 1938 khi Tố Hữu vừa tròn 18 tuổi và chính thức trở thành người chiến sĩ cộng sản. Để thể hiện tác động mạnh mẽ của lí tưởng cộng sản đối với tâm hồn của chàng thanh niên trẻ tuổi, Tố Hữu đã sử dụng hàng loạt những hình ảnh giàu chất gợi hình “nắng hạ”, “mặt trời chân lí”, “vườn hoa lá”.

     Trong cảm nhận của Tố Hữu, lí tưởng của Đảng chính là mặt trời chân lí, là ánh sáng có thể xua đi bóng tối nô lệ, mang đến ánh sáng của tự do, hạnh phúc cho cả dân tộc.”Nắng hạ” lại là ánh nắng ấm áp bất chợt bừng sáng trong tâm hồn nhà thơ. “Chói qua tim” chỉ cái đột ngột, mạnh mẽ của sự tác động của Đảng đối với cuộc sống, thế giới tâm hồn của nhà thơ.

     Khi được giác ngộ cách mạng, Tố Hữu đã khẳng định lẽ sống, lí tưởng sống cao đẹp của mình, tác giả tự nguyện gắn bó hài hòa với tất cả những con người lao động cùng khổ trong xã hội để làm thành “khối đời” vững chắc:

“Tôi buộc lòng tôi với mọi người

Để tình trang trải với trăm nơi

Để hồn tôi với bao hồn khổ

Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”

     Tác giả đã gắn cái tôi cái nhân với cái ta chung của cộng động để gắn kết, tạo ra mối quan hệ gần gũi, gắn bó với bao người cùng khổ để cùng sống, cùng chiến đấu với nhân dân để cùng thực hiện trách nhiệm với đất nước, quê hương.

     Từ “buộc” và “trang trải” đã thể hiện tình cảm thống nhất cùng nhận thức sâu sắc về mối quan hệ gắn bó, đồng cảm, sẻ chia của tác giả và những con người trong xã hội. Sau khi đã khẳng định lẽ sống của bản thân, nhà thơ đã đi đến khẳng định trách nhiệm, vị trí của bản thân trong khối đời vững mạnh đó:

“Tôi đã là con của vạn là

Là em của vạn kiếp phôi pha

Là anh của vạn đầu em nhỏ

Không áo cơm cù bất cù bơ”

     Bài thơ Từ ấy tiếng lòng đầy say mê, hào hứng của chàng trai khi bắt gặp ánh sáng của cách mạng. Tâm trạng của nhà thơ được thể hiện bằng hàng loạt những hình ảnh tươi sáng, đa nhạc điệu. Tiếng thơ hào hứng, tiếng lòng say mê ấy của Tố Hữu sẽ không ngừng hấp dẫn độc giả các thế hệ sau nữa.

Bài văn mẫu số 4: Phân tích bài thơ Từ ấy để thấy tâm trạng của một thanh niên say mê lí tưởng

     Tuổi trẻ là những gì đẹp đẽ nhất mà cuộc đời chúng ta có được và trải qua. Nhắc đến tuổi trẻ là nhắc đến thanh xuân, là những năm tháng được sống hết mình để không phải hối hận khi nghĩ về nó, để không phải sống phí một cuộc đời thanh xuân chán nản, buồn thương. Và Tố Hữu cũng có một tuổi trẻ như thế, rạo rực, mê say, tuổi trẻ với ông thật rạng rỡ biết bao khi bắt gặp được lý tưởng soi rọi - lý tưởng của Đảng cộng sản Việt Nam, giúp ông viết nên những vần thơ đẹp qua bài "Từ ấy". Bài thơ đã thể hiện được tâm trạng vui sướng và hào hứng của một thanh niên say mê lý tưởng, say mê cách mạng.

"Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lý chói qua tim

Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim..."

     Một thanh niên trẻ tuổi, sống hết mình, được giác ngộ lý tưởng của Đảng và là một thành viên của Đảng. Chàng trai trẻ kể từ ấy trở nên rạo rực hơn, phấn chấn hơn trong cả ý chí và tâm hồn, trở thành một chiến sĩ cộng sản chân chính thân yêu. Đó là kỉ niệm, mốc son chói lọi không thể nào quên trong cuộc đời tác giả. Lý tưởng cách mạng là nguồn sáng rực rỡ là ánh mặt trời soi rọi tâm hồn người chiến sĩ, sưởi ấm những lạnh giá bấy lâu lạc lối cùng đường. Một thứ ánh sáng của tự do, của chân lý vĩnh hằng không bao giờ có thể chối bỏ đã soi rọi tâm hồn, bừng sáng trái tim của nhà thơ trẻ. Đảng- ánh sáng diệu kì, mang lại niềm hy vọng sự sống cho nhân dân, tương lai tươi đẹp cho dân tộc. Người thanh niên trẻ giàu nhiệt huyết ấy dường như đang mong đợi, đón chào những chân trời phía trước- một sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và tình cảm. Tâm hồn giờ đây đang rạo rực thiết tha và sinh động như tất thảy hương sắc của loài hoa, nhịp nhàng tiếng chim ca trong vườn thắng lợi. Ánh sáng cách mạng đã tiếp thêm sức mạnh cho người thanh niên trẻ yêu nước hướng tới những điều tốt đẹp, thương yêu.

"Tôi buộc lòng tôi với mọi người

Để tình trang trải với trăm nơi

Để hồn tôi với bao hồn khổ

Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời"

     Không phải là chủ nghĩa cá nhân, không phải đề cao cái tôi nữa mà từ khi có ánh sáng của tư tưởng cách mạng cái tôi ấy được hòa chung vào cái ta cộng đồng, vì cộng đồng. Để được sống chan hoà, vui vẻ với nhân dân với mọi người. Để cùng nhau chung sức đoàn kết gắn bó thành "khối đời", mạnh mẽ và cùng nhau tranh đấu. Đó là mong muốn thiết tha ,tình cảm yêu thương, sẻ chia sâu sắc dành cho nhau giữa con người với con người, gần gũi, thân thương. Và vượt lên thế nữa, đó là tình cảm của một người thanh niên nhập cuộc, tự nguyện gắn bó mình với nhân dân, như người thân ruột thịt, chung dòng máu dân tộc. Bản thân như một thành viên trong đại gia đình nhân dân đói khổ, vươn tới những chân trời yêu thương, chân trời của sự sẻ chia, của sự tranh đấu. Và đó còn là tiếng nấc nghẹn lòng của thanh niên trẻ khi thấy những mảnh đời bất hạnh xót xa, là tiếng nói căm hờn lũ giặc tàn ác, gian manh. Tố Hữu đã nói lên tiếng nói của hàng vạn thành niên yêu nước " quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" lúc bấy giờ , là tiếng nói của những sức sống trẻ, sống và hành động, tình nguyện hết mình vì lý tưởng của Đảng, lý tưởng giải phóng dân tộc.

     Bài thơ như một lời thúc giục thế hệ trẻ chúng em sống và hành động, xứng đáng với niềm tin yêu sự hi sinh của bao thế hệ cha anh. Hãy sống có lí tưởng, có mục đích học tập và phấn đấu, tình nguyện và gắn bó với mọi người, sống hết mình với tuổi trẻ, với nhân dân.

CLICK NGAY vào nút TẢI VỀ dưới đây để tải các bài văn mẫu: Phân tích bài thơ Từ ấy để thấy tâm trạng của một thanh niên say mê lí tưởng Văn lớp 11 file word, pdf hoàn toàn miễn phí.

Đánh giá bài viết
3.3
3 lượt đánh giá
Có thể bạn quan tâm
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
Copyright © 2020 Tailieu.com