Nhằm đáp ứng nhu cầu ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT tốt nhất, chúng tôi xin giới thiệu đến các em học sinh và quý thầy cô Đề khảo sát chất lượng môn Văn lớp 12 lần thứ ba năm học 2021-2022 của trường THPT Chuyên Lam Sơn - Thanh Hóa biên soạn chính thức chính thức.
Đáp án KSCL môn Văn lớp 12 THPT Chuyên Lam Sơn - Thanh Hóa lần 3 năm 2022 thuộc sở GD Thanh Hóa được trình bày chi tiết và hỗ trợ file tải về định dạng word, pdf đầy đủ dưới đây giúp các em làm quen và nắm vững kiến thức trọng tâm cũng như phương pháp giải các loại đề thi thử đại học môn Văn tốt nhất.
Đề thi gồm 2 phần Đọc hiểu và Làm văn, thí sinh làm bài trong thời gian 120 phút.
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích:
đã bao giờ em bóc lịch
thấy qua vô nghĩa một ngày
rồi em ghi vào nhật kí
...ngày mai như ngày hôm nay...
đã bao giờ em hoảng hốt
khi mình bất lực trước mình
và em thấy trong đôi mắt
có gì ứa ra
vô hình
nếu có xin em đừng sợ
thật ra là rất bình thường
tất cả chúng ta đều thế
mỗi khi cần được yêu thương
(Lẽ giản đơn - Nguyễn Thế Hoàng Linh, thivien.net)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Bài thơ được viết theo thể thơ nào?
Câu 2. Trong bài thơ, tác giả đã nhắc đến những cảm giác, tâm trạng gì mà “em” có thể đã hoặc sẽ gặp trong cuộc đời?
Câu 3. Nêu hiệu quả của phép điệp cấu trúc được sử dụng trong bài thơ.
Câu 4. Qua điều mà tác giả muốn nhắn nhủ tới “em” trong bài thơ, anh/ chị rút ra bài học gì?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm).
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về những điều cần làm để mỗi ngày trôi qua không vô nghĩa.
Câu 2 (5,0 điểm)
Hồn Trương Ba: (một mình) Mày đã thắng thế rồi đấy, cái thân xác không phải của ta ạ, mày đã tìm được đủ mọi cách để lấn át ta... (sau một lát) Nhưng lẽ nào ta lại chịu thua mày, khuất phục mày và tự đánh mất mình? “Chẳng còn cách nào khác”! Mày nói như thế hả? Nhưng có thật là không còn cách nào khác? Không cần đến cái đời sống do mày mang lại! Không cần!
(Đứng dậy, lập cập nhưng quả quyết, đến bên cột nhà, lấy một nén hương châm lửa, thắp lên. Đế Thích xuất hiện.)
Đế Thích: Ông Trương Ba! (thấy vẻ nhợt nhạt của Hồn Trương Ba) Ông có ốm đau gì không? Một tuần nay tôi bị canh giữ chặt quá, không xuống đánh cờ với ông được, nhưng ông đốt hương gọi, đoán là ông có chuyện khẩn, tôi liều mạng xuống ngay. Có việc gì thế?
Hồn Trương Ba: Ông Đế Thích ạ, tôi không thể tiếp tục mang thân anh hàng thịt được nữa, không thể được!
Đế Thích: Sao thế? Có gì không ổn đâu!
Hồn Trương Ba: Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn là tôi toàn vẹn.
Đế Thích: Thế ông ngỡ tất cả mọi người đều được là mình toàn vẹn cả ư? Ngay cả tôi đây. Ở bên ngoài, tôi đâu có được sống theo những điều tôi nghĩ bên trong. Mà cả
Ngọc Hoàng nữa, chính người lắm khi cũng phải khuôn ép mình cho xứng với danh vị Ngọc Hoàng. Dưới đất, trên trời đều thế cả, nữa là ông.Ông đã bị gạch tên khỏi sổ Nam Tào. Thân thể thật của ông đã tan rữa trong bùn đất, còn chút hình thù gì của ông đâu!
Hồn Trương Ba: Sống nhờ vào đồ đạc, của cải của người khác, đã là chuyện không nên, đằng này cái thân tôi cũng phải sống nhờ vào anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!
Đế Thích: (không hiểu) Nhưng mà ông muốn gì?
Hồn Trương Ba: Ông từng nói: Nếu thân thể người chết còn nguyên vẹn, ông có thể làm cho hồn người đó trở về. Thì đây, (chỉ vào người mình) thân thể anh hàng thịt còn lành lặn nguyên xi đây, tôi trả lại cho anh ta. Ông hãy làm cho hồn anh ta được sống lại với thân xác này.
Đế Thích: Sao lại có thể đổi tâm hồn đáng quý của bác lấy chỗ cho cái phần hồn tầm thường của anh hàng thịt ?
Hồn Trương Ba: Tầm thường, nhưng đúng là của anh ta, sẽ sống hòa thuận được với thân anh ta, chúng sinh ra là để sống với nhau. Vả lại, còn…còn chị vợ anh ta nữa…chị ta thật đáng thương!”
(Trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt – Lưu Quang Vũ, SGK Ngữ văn 12, trang 149, NXBGD)
Cảm nhận của anh/ chị về nhân vật Hồn Trương Ba trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về triết lí nhân sinh mà nhà văn Lưu Quang Vũ gửi gắm qua nhân vật.
Đáp án đề thi KSCL môn Văn THPT Chuyên Lam Sơn - Thanh Hóa 2022 lớp 12 lần 3 được cập nhật từ đội ngũ chuyên gia giải đề. Mời các em học sinh và quý thầy cô theo dõi.
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1. Thể thơ: tự do
Câu 2. Trong bài thơ, tác giả nhắc đến những cảm giác, tâm trạng mà “em” có thể đã hoặc sẽ gặp trong cuộc đời: thấy vô nghĩa, thấy hoảng hốt, bất lực, thấy trong mắt có gì ứa ra vô hình.
Câu 3.
- Biện pháp tu từ điệp cấu trúc: Cấu trúc câu “đã bao giờ…” kết hợp với tình huống hành động hoặc tâm trạng cụ thể.
- Tác dụng:
+ Nhấn mạnh những khoảnh khắc con người vấp phải cảm xúc tiêu cực, khiến ta thấy nhàm chán, mệt mỏi, bế tắc. Từ đó, thể hiện rõ hơn điều nhà thơ muốn nhắn nhủ: Những điều khiến ta nhận thấy cuộc sống đang trôi qua vô nghĩa sẽ được xoa dịu, không còn nữa khi ta cảm nhận được trọn vẹn ý nghĩa của tình yêu thương.
+ Góp phần mang đến cho bài thơ giọng điệu đậm tính tự sự, thủ thỉ nhưng sâu lắng. Sự lặp lại của cấu trúc câu thơ tạo nhịp điệu, làm tăng tính liên kết, sức biểu cảm cho lời thơ.
Câu 4.
- Điều tác giả muốn nhắn nhủ tới “em” trong bài thơ: Đừng sợ hãi khi phải đối mặt với cảm giác trống rỗng, âu lo, hoảng hốt, bất lực trong cuộc sống. Bởi đó là lẽ bình thường ai cũng có thể trải qua. Khi đó tình yêu thương sẽ giúp con người vượt qua.
- Rút ra bài học phù hợp. Có thể nêu bài học theo hướng: biết cho – nhận yêu thương; mạnh mẽ, bản lĩnh trước những thử thách của cuộc sống; bình thản, an nhiên trước cuộc đời; sẵn sàng đón nhận, nâng niu mọi cảm xúc; lạc quan ...
II. LÀM VĂN
Câu 1
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: những điều cần làm để cuộc sống trôi qua không vô nghĩa.
c. Triển khai vấn đề nghị luận: Học sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai nhưng phải lí giải được vấn đề, có thể theo hướng sau:
- Nhận thức rõ hoàn cảnh sống, vị trí và năng lực của bản thân; sự quý giá của thời gian và hậu quả đáng tiếc khi để thời gian trôi đi vô nghĩa.
- Đặt ra những mục tiêu, kế hoạch; sử dụng thời gian hợp lí; kiên trì, bền bỉ thực hiện bằng tất cả nhiệt huyết, say mê.
- Góp những giá trị sống ý nghĩa, lan tỏa yêu thương đến mọi người, xây đắp xã hội nhân văn, phát triển.
d. Chính tả, ngữ pháp:Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có dẫn chứng, cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2. Cảm nhận về nhân vật Trương Ba trong đoạn trích. Từ đó, nhận xét về triết lí nhân sinh nhà văn Lưu Quang Vũ gửi gắm qua nhân vật.
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: cảm nhận nhân vật Trương Ba; nhận xét về triết lí nhân sinh nhà văn Lưu Quang Vũ gửi gắm qua nhân vật.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm: Học sinh có
thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần đảm bảo các yêu cầu sau:
c1. Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và nhân vật
c2. Cảm nhận về nhân vật Trương Ba trong đoạn trích
- Bối cảnh xuất hiện của nhân vật:
+ Sống trong xác hàng thịt, Hồn Trương Ba phải trải qua bi kịch đau đớn nghiệt ngã: bị tha hoá, bị thể xác sai khiến trở nên tầm thường, bị người thân hắt hủi xa lánh.
+ Bị đẩy vào tình cảnh bế tắc, tuyệt vọng và muốn gặp Đế Thích để tìm lối thoát.
- Thân phận bi kịch:
+ Trương Ba phải trải qua bi kịch đau đớn: Phải sống nhờ, sống gửi (Sống nhờ vào đồ đạc, của cải của người khác, đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt); phải sống “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”, không được là chính mình; bị thân xác sai khiến, lấn át (Mày đã thắng thế rồi đấy, cái thân xác không phải của ta ạ, mày đã tìm được đủ mọi cách để lấn át ta)
+ Trương Ba dằn vặt, đau khổ, tuyệt vọng và quyết định tìm một cuộc sống đích thực (lấy hương thắp gọi Đế Thích và bày tỏ nguyện vọng cùng sự lựa chọn của mình); Phải đấu tranh với Đế Thích, phải lựa chọn chấm dứt sự sống để được là “tôi toàn vẹn”.
- Vẻ đẹp:
+ Ngay thẳng, dũng cảm: Trương Ba luôn ý thức, dằn vặt về cảnh ngộ tha hóa của bản thân (Mày đã thắng thế rồi đấy, cái thân xác không phải của ta ạ); kiên quyết không thỏa hiệp với cái xấu, cái ác, dám đấu tranh với phần thấp hèn, ti tiện trong con người mình (Nhưng lẽ nào ta lại chịu thua mày, khuất phục mày và tự đánh mất mình…); Dứt khoát từ bỏ sự sống cho xác hàng thịt mang lại để được sống là chính mình (Không cần đến cái đời sống do mày mang lại! Không cần!); dám chỉ trích sai lầm của quan trời (Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!)
+ Có quan niệm sống đúng đắn sâu sắc và khao khát vươn tới sự sống cao đẹp: sống phải hòa hợp, thống nhất, toàn vẹn giữa thể xác và tâm hồn, bên trong và bên ngoài, sống là chính mình. (Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được) không thể sống nhờ, sống dựa, sống phụ thuộc (Sống nhờ vào đồ đạc, của cải của người khác là chuyện không nên). Sự sống là quan trọng, song “sống như thế nào” còn quan trọng hơn.
+ Nhân hậu, cao thượng: quyết định lựa chọn cái chết để giải thoát nỗi khổ đau cho những người thân yêu; muốn đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho những người xung quanh, như cu Tị, chị Lụa, vợ anh hàng thịt, anh hàng thịt.
- Nghệ thuật: Đặt nhân vật trong tình huống chứa xung đột căng thẳng, gay gắt; ngôn ngữ kịch giàu tính cá thể; độc thoại nội tâm, lời đối thoại giàu ý nghĩa, giàu tính triết lí.
c3. Nhận xét về triết lí nhân sinh nhà văn gửi gắm qua nhân vật
- Triết lí nhân sinh nhà văn Lưu Quang vũ gửi gắm qua nhân vật Trương Ba: Được sống là điều may mắn nhưng sống ý nghĩa mới thực sự quan trọng; Chỉ khi sống hòa hợp giữa thể xác và linh hồn, bên trong và bên ngoài thống nhất toàn vẹn, sống là chính mình con người mới thực sự hạnh phúc; Để được sống là chính mình, sống ý nghĩa, con người phải biết đấu tranh chống lại sự dung tục, tầm thường, chiến thắng nghịch cảnh.
- Triết lí nhân sinh sâu sắc góp phần mang lại chiều sâu giá trị nhân văn cho tác phẩm và khẳng định tài năng, tấm lòng người nghệ sĩ luôn ý thức “truy vấn không ngừng về nhân sinh mang tinh thần nhân bản lớn lao” (Nguyễn Đăng Điệp)
d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo:Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề; có cách diễn đạt mới mẻ.
►►CLICK NGAY vào nút TẢI VỀ dưới đây để tải về Đề khảo sát chất lượng lớp 12 môn Văn 2022 THPT Chuyên Lam Sơn - Thanh Hóa đợt 3 có đáp án file tải PDF hoàn toàn miễn phí!