Logo

Đề thi thử THPT Quốc Gia 2021 môn Văn có đáp án tỉnh Lạng Sơn - Lần 1

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2021 môn Văn tỉnh Lạng Sơn (Lần 1) có lời giải chi tiết, được chúng tôi cập nhật mới nhất từ hệ thống kho đề thi, đề kiểm tra trên cả nước. Hỗ trợ học sinh ôn luyện hiệu quả
5.0
1 lượt đánh giá

Nhằm đáp ứng nhu cầu ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT tốt nhất, chúng tôi xin giới thiệu đến các em học sinh và quý thầy cô bộ đề thi thử THPT quốc gia môn Văn lần thứ nhất năm học 2020-2021 của tỉnh Lạng Sơn biên soạn chính thức.

Đáp án đề thi thử thpt quốc gia 2021 môn Văn  tỉnh Lạng Sơn được trình bày chi tiết và hỗ trợ file tải về định dạng word, pdf đầy đủ dưới đây giúp các em làm quen và nắm vững kiến thức trọng tâm cũng như phương pháp giải các loại đề thi thử đại học môn Văn tốt nhất.

Đề thi thử THPT quốc gia 2020-2021 môn Văn tỉnh Lạng Sơn - Lần 1

I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Xã hội và đời sống đã có nhiều thay đổi thì dù ít dù nhiều nếp nhà có biến đổi cũng là lẽ đương nhiên. Nhưng, quan trọng nhất là hồn cốt của gia phong vẫn còn được giữ, có giá trị định hình, nuôi dưỡng nhân cách của mỗi thành viên, đặc biệt là con cái.

Nếp nhà là sự gắn bó giữa các thành viên, là những người trong gia đình phải biết yêu thương nhau, nhường nhịn nhau, nhưng đùm bọc không có nghĩa là chấp nhận những việc làm sai trái của những người trong gia đình mình. Bảo bọc nhau bằng cách là bảo ban giữ những điều tốt đẹp và để ứng xử với người trong gia đình, với người ngoài xã hội. Nếp nhà mà giữ không tốt thì đừng nói chuyện giữ cho xã hội tốt đẹp được. Điều đáng nói, giữ nếp nhà là giữ những điều tốt đẹp, chứ không phải tự vun vén cho riêng gia đình mình. Quan trọng để giữ nếp nhà là người lớn phải là tấm gương soi chiếu để cho con cái học theo. Cha mẹ mà không tốt - như bây giờ đang có hiện tượng xã hội xảy ra là cha mẹ có quyền có chức mà cố vơ vét rồi tham nhũng khi làm quan - thì con cái không thể nên thành được.

.....

Cho nên, gia đình là cái mốc đầu tiên, gia đình rồi mới tới làng xã, rồi tới môi trường rộng lớn hơn là xã hội. Xã hội có tốt đẹp hay không thì phải xuất phát từ cái gốc quan trọng nhất là gia đình. Văn hóa gia đình mà không lo giữ thì xã hội cũng sẽ loạn.

(Nguyễn Sự - Người lớn phải là tấm gương soi chiếu. Dẫn theo Tuổi trẻ online ngày 25.02.2018)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt của đoạn trích.

Câu 2. Theo tác giả, nếp nhà là gì?

Câu 3. Anh/Chị  hiểu ý kiến: "giữ nếp nhà là giữ những điều tốt đẹp, chứ không phải tự vun vén cho riêng gia đình mình" như thế nào?

Câu 4. Anh/Chị có đồng tình với quan điểm “Xã hội có tốt đẹp hay không thì phải xuất phát từ cái gốc quan trọng nhất là gia đình.” không? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về cách giữ gìn văn hóa gia đình trong xã hội hiện đại.

Câu 2 (5,0 điểm) Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của hình tượng sông Đà qua đoạn trích sau:

Tôi có bay tạt ngang qua Sông Đà mấy lần, và thấy đó cũng là thêm cho mình một góc độ nhìn một cách nhìn về con sông Tây Bắc hung bạo và trữ tình. Từ trên tàu bay mà nhìn xuống Sông Đà, không ai trong tàu bay nghĩ rằng cái dây thừng ngoằn ngoèo dưới chân mình kia lại chính là cái con sông hằng năm và đời đời kiếp kiếp làm mình làm mẩy với con người Tây Bắc và phản ứng giận dỗi vô tội vạ với người lái đò Sông Đà. Cũng không ai nghĩ rằng đó là con sông của câu đồng dao thần thoại Sơn Tinh Thuỷ Tinh “Núi cao sông hãy còn dài - Năm năm báo oán đời đời đánh ghen”. Hình như khi mà ta đã quen đọc bản đồ sông núi, thì mỗi lúc ngồi tàu bay trên chiều cao mà nhìn xuống đất nước Tổ quốc bao la, càng thấy quen thuộc với từng nét sông tãi ra trên đại dương đá lờ lờ bóng mây dưới chân mình. Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai va cuồn cuộn mù khói Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên Sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống dòng nước Sông Đà. Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của Sông Gâm Sông Lô. Mùa thu nước Sông đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về. Chưa hề bao giờ tôi thấy dòng Sông Đà là đen như thực dân Pháp đã đè ngửa con sông ta ra đổ mực Tây vào mà gọi bằng một cái tên Tây láo lếu, rồi cứ thế mà phiết vào bản đồ lai chữ.

(Trích Người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân, Ngữ văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019, tr.190-191)

Đáp án đề thi đề thi thử THPT quốc gia môn văn 2021 tỉnh Lạng Sơn (lần 1)​​​​​​​

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt: Nghị luận

Câu 2. Nếp nhà là sự gắn bó giữa các thành viên, là những người trong gia đình phải biết yêu thương nhau, nhường nhịn nhau, nhưng đùm bọc không có nghĩa là chấp nhận những việc làm sai trái của những người trong gia đình mình.

Câu 3. Học sinh tự trình bày quan điểm của cá nhân mình về: giữ nếp nhà là giữ những điều tốt đẹp, chứ không phải tự vun vén cho riêng gia đình mình.

Câu 4. Học sinh có thể trả lời đồng ý hoặc không đồng ý với quan điểm của tác giả. Giám khảo cho điểm tùy vào việc giải thích hợp lý, thuyết phục của thí sinh.

Gợi ý: Đồng tình với quan điểm: “Xã hội có tốt đẹp hay không thì phải xuất phát từ cái gốc quan trọng nhất là gia đình.”.

Vì: Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội. Gia đình bao gồm các thành viên, mỗi thành viên cũng chính là một công dân. Khi gia đình có nền tảng tốt, có những thành viên ưu tú thì xã hội sẽ phát triển tốt đẹp. Ngược lại, nếu gia đình đi xuống thì xã hội cũng sẽ kém phát triển, tụt lùi.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Gợi ý:

- Nếp nhà là gì? Một số quan điểm về nếp nhà

+ “Nhà phải có gia phong”, đó chính là nếp nhà, mà bây giờ nếp nhà được gọi là văn hóa gia đình.

+ Nếp nhà là rường cột gia đình.

+ Nếp nhà lung lay sẽ khiến đạo đức gia đình xuống cấp, đời sống trong gia đình theo đó bất ổn.

+ Nếp nhà vững thì gia đình mới ổn định và phát triển.

- Nếp nhà của người Việt: là những cách ứng xử, là lời ăn tiếng nói, là tình yêu đối với truyền thống văn hóa gia đình. (truyền thống kính trọng người già, tôn sư trọng đạo, nếp hiếu học, là tình yêu với nghề gia truyền, nét văn hoá kinh doanh, trách nhiệm với di sản của thế hệ trước để lại... )

- Trong xã hội hiện đại, những tác động từ sự hội nhập phát triển tới gia đình rất mạnh mẽ, bao gồm cả mặt tích cực và tiêu cực.

+ Tích cực: đời sống gia đình văn minh, tiến bộ, phát triển hơn.

+ Tiêu cực:

  • Đó là tình trạng bạo lực gia đình vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức, mức độ khác nhau, phụ nữ và trẻ em bị xâm hại, bạo hành gia tăng.

  • Đời sống hôn nhân bất ổn với tỷ lệ "ly hôn xanh" ngày một nhiều.

  • Có không ít gia đình đã thay thế việc giao tiếp với nhau bằng công nghệ; trong những bữa cơm, cha mẹ, con cái cứ mỗi người một smartphone, một mối quan tâm riêng.

  • Ở ngoài xã hội bỏ rất nhiều công sức để chăm sóc nhân viên, chiều chuộng sếp, giữ chân khách hàng nhưng về nhà lại không quan tâm chăm sóc người thân.

  • Gia đình bị chi phối mạnh mẽ bởi công nghệ ngày một nhiều...

- Làm thế nào để giữ gìn nếp nhà trước cuộc sống hiện đại?

+ Người lớn trong gia đình cần làm gương để con cái noi theo.

+ Giáo dục, tuyên truyền để mỗi người dân có ý thức giữ gìn, bảo vệ nếp nhà trong sự hội nhập là cấp thiết.

- Liên hệ với bản thân em và gia đình.

Câu 2 (5,0 điểm)

I. Mở Bài

- Nguyễn Tuân là cây bút tài hoa, uyên bác, cả đời say mê tìm kiếm vẻ đẹp của cuộc sống .

- Ông có sở trường về thể loại tuỳ bút . Một trong những sáng tác tiêu biểu của ông là tùy bút “ Người lái đò sông Đà” .

- Tác phẩm đã khắc hoạ vẻ đẹp đa dạng vừa hung bạo vừa trữ tình của con sông Đà và ca ngợi người lái đò giản dị mà kỳ vĩ trên dòng sông .

II . Thân Bài

1. Giới thiệu chung .

- Tuỳ bút “Người lái đò sông Đà” được in trong tập tùy bút “Sông Đà” (1960), gồm 15 bài tuỳ bút và một bài thơ ở dạng phác thảo. Tác phẩm được viết trong thời kì xây dựng CNXH ở miền Bắc.

- Đó là kết quả của chuyến đi thực tế của nhà văn đến Tây Bắc trong kháng chiến chống Pháp,đặc biệt là chuyến đi thực tế năm 1958. Nguyễn Tuân đến với nhiều vùng đất khác nhau, sống với bộ đội, công nhân và đồng bào các dân tộc. Thực tiễn xây dựng cuộc sống mới ở vùng cao đã đem đến cho nhà văn nguồn cảm hứng sáng tạo.

- Ngoài phong cảnh Tây Bắc uy nghiêm, hùng vỹ và tuyệt vời thơ mộng, Nguyễn Tuân còn phát hiện những điểm quý báu trong tâm hồn con người mà ông gọi là “thứ vàng mười đã được thử lửa, là chất vàng mười của tâm hồn Tây Bắc.”

- Qua “Người lái đò sông Đà”, Nguyễn Tuân với lòng tự hào của mình đã khắc họa những nét thơ mộng, hùng vỹ nhưng khắc nghiệt của thiên nhiên đất nước qua hình ảnh con sông Đà hung bạo và trữ tình.

- Đồng thời, nhà văn cũng phát hiện và ca ngợi chất nghệ sĩ, sự tài ba trí dũng của con người lao động mới : chất vàng mười của đất nước trong xây dựng CNXH qua hình ảnh người lái đò sông Đà. Từ đó nhà văn ca ngợi sông Đà, núi rừng Tây Bắc vừa hùng vĩ vừa thơ mộng, đồng bào Tây Bắc cần cù, dũng cảm, rất tài tử, tài hoa.

2. Phân tích hình tượng dòng sông Đà trong đoạn trích.

- Trước hết, con sông đà được Nguyễn Tuân miêu tả là dòng sông hung bạo, dữ dội . Khi hung bạo, sông Đà là kẻ thù số một sẵn sàng cướp đi mạng sống con người: "cái con sông hằng năm và đời đời kiếp kiếp làm mình làm mẩy với con người Tây Bắc và phản ứng giận dỗi vô tội vạ với người lái đò Sông Đà."

- Bên cạnh tính cách hung bạo, dưới ngòi bút Nguyễn Tuân con sông Đà lại rất trữ tình, gợi bao cảm xúc làm mê say lòng người. Khi trữ tình, sông Đà hiền hoà, mềm mại, huyền ảo như mái tóc của một phụ nữ kiều diễm: con sông tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mây mù khói núi Mèo nương xuân.

- Không chỉ đẹp ở hình dáng, sông Đà còn gợi cảm ở màu sắc, mà tác giả đã bao lần dày công quan sát mới nói hết được vẻ độc đáo ấy:

+ Mùa xuân, nước Sông Đà xanh màu “xanh ngọc bích”, tươi sáng, trong trẻo, lấp lánh. Tác giả dừng lại giải thích rõ hơn màu xanh không phải xanh canh hến.

+ Mùa thu, nước Sông Đà lại “lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về”.

+ Đặc biệt, nhà văn khẳng định chưa bao giờ con sông có màu đen như thực dân Pháp đã “đè ngửa con sông ta ra đổ mực Tây vào”, và gọi bằng cái tên lếu láo Sông Đen.

=> Thể hiện tình yêu, niềm tự hào trước vẻ đẹp của dòng sông của đất nước, quê hương, xứ sở.

- Khi tả con sông Đà trữ tình, Nguyễn Tuân đã sử dụng những câu văn nhẹ nhàng, êm ái. Câu ngắn, vị ngữ diễn tả trạng thái bình lặng, để lại trong lòng người âm hưởng mênh mang, thơ mộng .

III . Kết bài

Trong tùy bút “ Người lái đò sông Đà”, nhà văn Nguyễn Tuân đã rất thành công trong việc sử dụng nhiều thuật ngữ của các ngành nghề khác nhau nhằm miêu tả vẻ hùng vĩ, thơ mộng của con sông Đà và mở ra bao liên tưởng độc đáo, bất ngờ trong tâm trí người đọc. Qua đó, ta thấy được tài hoa, vốn văn hoá uyên thâm và phong cách nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Tuân. Đồng thời ta còn thấy được cảm hứng ngợi ca, tự hào về chất vàng thiên nhiên, về giang sơn gấm vóc Việt Nam của tác giả.

Tham khảo thêm đề thi thử THPT Quốc gia khác:

Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm các bộ đề ôn thi tốt nghiệp THPTQG năm 2021 môn Văn và nhiều môn học khác đang được cập nhật mới liên tục tại trang của chúng tôi. Hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân nội dung hữu ích này nhé.

►►CLICK NGAY vào nút TẢI VỀ dưới đây để tải về đề thi thử môn Văn năm học 2020-2021 tỉnh Lạng Sơn lần thứ nhất, giúp ôn thi tốt nghiệp THPT quốc gia hiệu quả nhất:

Đánh giá bài viết
5.0
1 lượt đánh giá
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
Copyright © 2020 Tailieu.com