Logo

Soạn Giáo Dục Công Dân 6 Bài 1: Tự hào về truyền thống gia đình, dòng họ - Kết nối tri thức

Soạn Giáo Dục Công Dân 6 Bài 1: Tự hào về truyền thống gia đình, dòng họ - Kết nối tri thức có lời giải bài tập, trả lời câu hỏi trong SGK chi tiết, ngắn gọn nhất. Hỗ trợ học sinh nắm chắc kiến thức trong bài học.
3.0
5 lượt đánh giá

Mời các em học sinh và quý thầy cô tham khảo hướng dẫn giải SGK GDCD 6 Bài 1: Tự hào về truyền thống gia đình, dòng họ - Kết nối tri thức được đội ngũ chuyên gia biên soạn đầy đủ và ngắn gọn dưới đây.

Khởi động trang 5 GDCD 6 Bài 1 - Kết nối tri thức

Cùng nghe bài hát Lá cờ (sáng tác: Tạ Quang Thắng) để trả lời câu hỏi: Bài hát nói về truyền thống nào của gia đình Việt Nam? Chia sẻ hiểu biết của em về truyền thống đó?

Phần khởi động.

Trả lời câu hỏi phần khởi động trang 5 SGK KNTT

Đề bài: Cùng nghe bài hát Lá cờ (sáng tác: Tạ Quang Thắng) để trả lời câu hỏi:

1. Bài hát nói về truyền thống nào của gia đình Việt Nam?

2. Chia sẻ hiểu biết của em về truyền thống đó?

Lời giải chi tiết:

a) Bài hát kể về những câu chuyện của cha, mẹ tác giả đã trải qua những ngày tháng khó khăn nhất trong lịch sử, người cha anh dũng chiến đấu với quân thù, người mẹ chăm chỉ làm lụng. Cho dù chông gai, gian khó cuộc sống của họ vẫn vui vẻ, lạc quan, cất tiếng hát để át tiếng bom. Tác giả rất tự hào về truyền thống yêu nước của gia đình mình, rất tự hào vì mang dòng máu đỏ, da vàng của người Việt Nam.

b) Những hiểu biết của em về truyền thống đó: Truyền thống yêu nước của nhân dân Việt Nam đã được hình thành và đúc kết từ rất lâu, từ thế hệ này sang thế hệ khác và tinh thần yêu nước ấy không bị phai nhòa mà còn được vun đắp nhiều hơn qua những tháng năm. Từ thủa dựng nước, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo đúng đắn, tài giỏi của các vị Tướng, sự lãnh đạo tài ba của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa Việt Nam đi hết từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Vì vậy, là một học sinh em rất cần phải học tập và rèn luyện để trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ, xứng đáng với những gì ông cha ta đã để lại cho ngàn đời sau.

Khám phá trang 5, 6 Giáo dục công dân 6 Bài 1 - Kết nối tri thức

Khám phá 1:

Đề bài: Em hãy đọc thông tin dưới đây và trả lời câu hỏi:

Dòng họ Đặng ở Sơn La là dòng họ có truyền thống hiếu học. Qua nhiều thế hệ, các gia đình trong dòng họ luôn quan tâm, chăm lo việc học hành của con em mình. Trẻ em đến tuổi đều được tới trường, nhiều em đạt thành tích cao trong học tập. Nhiều thành viên trong dòng họ đã trưởng thành, là cán bộ có đóng góp tích cực trong việc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Con cháu trong dòng họ luôn tự hào và không ngừng phát huy truyền thống gia đình, dòng họ hiếu học. 

a. Dòng họ Đặng ở Sơn La có truyền thống gì? Em có suy nghĩ gì về truyền thống ấy?

b. Hãy kể tên các truyền thống gia đình, dòng họ mà em biết.

Lời giải chi tiết:

a. Dòng họ Đặng ở Sơn La có truyền thống hiếu học.  

Truyền thống hiếu học của dòng họ Đặng rất đáng tự hào, cần giữ gìn và phát huy, nhờ truyền thống hiếu học mà tất cả trẻ em được sinh ra được đi học, nhiều người đã thành tài có ích cho đất nước.

b. Tên các truyền thống gia đình, dòng họ mà em biết: truyền thống hiếu học, truyền thống làm gốm, truyền thống yêu nước, truyền thống yêu thương và giúp đỡ, truyền thống làm bánh, truyền thống làm muối, truyền thống đoàn kết,...

Khám phá 2:

Đề bài: Em hãy đọc các trường hợp dưới đây và trả lời câu hỏi:

1. Dung xa nhà lên huyện học. Mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống hay học tập, Dung lại nhớ ông ngoại, người đã cần cù lao động, khai khẩn đất đai để trồng trọt, chăn nuôi. Cũng như ông ngoại, bố mẹ của Dung không quản khó khăn, vất vả để tiếp tục mở rộng và phát triển kinh tế. Dung cảm thấy tự hào về tinh thần lao động chăm chỉ và không ngại khó khăn của ông ngoại và bố mẹ mình. Nhờ đó, bạn có động lực để tiếp tục học tập tốt dù ở xa nhà.

2. Gia đình Nam có nhiều thế hệ sống chung một nhà, việc duy trì nề nếp, gia phong “kính trên, nhường dưới”, “uống nước nhớ nguồn” đã trở thành truyền thống của gia đình. Mỗi thế hệ có nề nếp, cách nghĩ, cách sống khác nhau nhưng mọi người biết chia sẻ, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của khác nhau nên cuộc sống gia đình luôn đoàn kết, vui vẻ, đầm ấm.

a. Việc tự hào về truyền thống gia đình, dòng họ đã giúp ích gì cho Dung?

b. Việc duy trì nề nếp, gia phong đã đem lại điều gì cho gia đình Nam?

c. Theo em, truyền thống gia đình, dòng họ có ý nghĩa như thế nào đối với mỗi cá nhân, gia đình và xã hội?

Lời giải chi tiết:

a. Việc tự hào về truyền thống gia đình, dòng họ và hình ảnh người ông ngoai, bố mẹ Dung tần tảo vất vả làm lụng để phát triển kinh tế đã giúp Dung có động lực, tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục học tập tốt dù ở xa nhà.

b. Việc duy trì nề nếp, gia phong đã đem lại ý nghĩa cho gia đình Nam: Mọi người trong gia đình đều biết chia sẻ, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhau nên cuộc sống gia đình luôn đoàn kết, vui vẻ, đầm ấm.
c. Theo em, truyền thống gia đình, dòng họ có ý nghĩa sau: giúp ta có thêm kinh nghiệm và sức mạnh trong cuộc sống, góp phần làm phong phú truyền thống, bản sắc dân tộc Việt Nam.

Khám phá 3:

Đề bài: Em hãy đọc các trường hợp dưới đây và câu trả lời câu hỏi:

1. Năm nào cũng vậy, Linh luôn háo hức mong chờ đến sáng mùng một Tết Nguyên đán. Khi đó, mọi thành viên trong gia đình đều tụ họp đông đủ, cùng nhau đi chúc tết ông bà và những người thân trong gia đình, dòng họ. Tết năm nay, Linh còn học được rất nhiều lời chúc có ý nghĩa để chúc mừng ông bà, bố mẹ và những người thân.

2. Tuổi thơ của An đã gắn bó với tiếng đàn bầu vì bà ngoại và mẹ của An đều là nghệ sĩ đàn bầu nổi tiếng. Từ đó, An đã được tập đàn cùng bà và mẹ. Giờ đây, kỹ thuật đánh đàn của An đã khá điêu luyện. An luôn mong muốn sẽ có nhiều cơ hội mang nét độc đáo của tiếng đàn bầu Việt Nam giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế.

a. Theo em, việc làm của Linh và gia đình sẽ mang đến cảm xúc như thế nào cho người thân?

b. Em có suy nghĩ gì về mong muốn của bạn An?

c. Từ việc làm của gia đình bạn Linh và bạn An, theo em mỗi người cần làm gì để giữ gìn, phát huy truyền thống gia đình, dòng họ?

Lời giải chi tiết

Lời giải chi tiết:

a. Theo em, việc làm của Linh và gia đình sẽ mang đến cảm xúc: Những lời chúc của Linh dành cho ông bà, bố mẹ sẽ khiến họ rất vui, hạnh phúc, tạo không gian gần gũi tràn đầy yêu thương vào dịp Tết nguyên đán.

b. Suy nghĩ của em về mong muốn của An: An đang chủ động, tích cực giữ gìn, phát huy truyền thống chơi đàn bầu của bà và mẹ. Đàn bầu là một nhạc cụ truyền thống Việt Nam, vì vậy An không những giữ gìn và phát huy nét truyền thống của dân tộc mình mà còn giới thiệu truyền thống tốt đẹp này ra cộng đồng quốc tế.

c. Từ những việc làm của bạn Linh và An, theo em để giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ mình em cần: Trước hết, em phải hiểu về truyền thống của gia đình, dòng họ mình, sau đó tích cực chăm chỉ học tập, rèn luyện bản thân, phát huy những truyền thống tốt đẹp của gia đình, biết ơn và tự hào về những giá trị của gia đình, phát triển bản thân để xứng đáng với những truyền thống tốt đẹp của ông cha đã để lại.

Luyện tập trang 7 Giáo dục công dân 6 Bài 1 - Kết nối tri thức

Luyện tập 1:

Đề bài: Em đồng tình hay không đồng tình với ý kiến nào dưới đây? Vì sao?

a. Lao động cần cù, chăm chỉ là một nét đẹp của truyền thống gia đình, dòng họ.

b. Giữ gìn truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ là thể hiện lòng trân trọng và biết ơn với cha mẹ, ông bà, tổ tiên.

c. Chỉ những gia đình, dòng họ giàu có mới có truyền thống tự hào.

Lời giải chi tiết

Lời giải chi tiết:

- Em đồng tình với (a) (b). Vì lao động cần cù, chăm chỉ và biết ơn cha mẹ, ông bà tổ tiên thể hiện sự kính trọng, yêu thương và luôn nối dõi truyền thống gia đình, dòng họ mình.

- Em không đồng tình với ý kiến (c). Vì nghề nào cũng là nghề cao quý, chúng ta cần trân trọng ngành nghề và truyền thống của gia đình mình, cho dù truyền thống đó có giàu hay nghèo về kinh tế. Chính truyền thống gia đình đã cho chúng ta những giá trị tốt đẹp để phát triển bản thân trở thành công dân có ích cho xã hội.

Luyện tập 2:

Đề bài: Xử lý tình huống

1. Dòng họ Nguyễn Huy của Bình có truyền thống hiếu học. Hằng năm, cứ vào đầu năm học, dòng họ lại tổ chức trao phần thưởng cho con cháu đạt thành tích cao trong học tập và thi đỗ vào đại học. Năm nay, Bình không được nhận phần thưởng vì kết quả học tập chưa cao.

Theo em, Bình cần làm gì để phát huy truyền thống hiếu học của dòng họ?

2. Gia đình Hải có nghề truyền thống làm đồ chơi trung thu. Ông nội của Hải được vinh danh là nghệ nhân nổi tiếng. Bố mẹ của Hải vẫn luôn say mê làm ra những chiếc mặt nạ, đèn ông sao, đèn lồng,... và mong muốn bạn tiếp nối nghề truyền thống của gia đình. Có người khuyên Hải không nên theo nghề truyền thống của gia đình vì vất vả và không còn phù hợp với xu thế hiện nay nữa.

Nếu là Hải, em sẽ nói với người khuyên em như thế nào?

3. Gia đình Tuấn có truyền thống yêu nước. Ông của Tuấn là lão thành cách mạng, bố của Tuấn đang làm việc trong quân đội. Tuấn rất tự hào về truyền thống gia đình mình nhưng lại muốn trở thành một doanh nhân, bởi theo Tuấn làm công việc gì mà có đóng góp cho đất nước cũng là tiếp nối truyền thống của gia đình. Tùng, bạn của Tuấn, thì lại phản đối và cho rằng Tuấn phải tiếp nối công việc, nghề nghiệp được truyền thống từ đời ông, cha đến nay mới tiếp nối truyền thống của gia đình.

Em đồng tình với ý kiến của bạn nào? Vì sao?

Lời giải chi tiết

Xử lý tình huống:

1. Theo em, Bình cần làm để phát huy truyền thống hiếu học của dòng họ: Để phát huy truyền thống hiếu học của gia đình thì Bình cần rất cố gắng và nỗ lực trong học tập, rèn luyện đạo đức thật tốt để có nhận được nhận quà từ dòng họ và để bố mẹ tự hào về Bình. 

2. Nếu em là Hải, em sẽ nói với người khuyên em: mặc dù truyền thống làm đồ chơi Trung thu của gia đình là vất vả nhưng đổi lại được đó là niềm vui của các bạn nhỏ được trọn vẹn, và đây cũng là truyền thống của gia đình nên em cũng sẽ tiếp tục theo chân ông bà cha mẹ để giữ truyền thống đó mãi về sau.

3. Em đồng tình với ý kiến của Tùng. Vì truyền thống gia đình, dòng họ là những gì được lưu truyền từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác thì mới được gọi là truyền thống gia đình, dòng họ.

Vận dụng trang 8 GDCD 6 Bài 1 - Kết nối tri thức

Vận dụng 1:

Đề bài: 

1. Em hãy viết thư cho ông bà, bố mẹ để nói lên niềm tự hào của em về truyền thống gia đình, dòng họ và chia sẻ những việc em sẽ làm để phát huy những truyền thống tốt đẹp đó.

Lời giải chi tiết

Lá thư gửi ông bà, bố mẹ để nói lên niềm tự hào của em về truyền thống gia đình, dòng họ của em như sau:

Hà Nội, ngày....tháng....năm...

Mẹ yêu quý của con!

Thời gian qua con cảm thấy rất tự hào về truyền thống làm đèn trung thu của mình. Bởi nhờ có những chiếc đèn của gia đình mình làm ra mà các bạn nhỏ đã có một cái tết trung thu trọn vẹn, tràn đầy niềm vui. Con đã nhìn thấy những chiếc đèn lồng đỏ tươi, có chiếc thì vàng óng, đường phố lung linh sắc đèn hoa, không thể bỏ qua những hò hát reo ca của trẻ con, tiếng “tùng…tùng…”của chiếc trống cơm hòa cùng vào đoàn người trên phố cùng đón Tết trung thu lòng con thấy rạo rực vui sướng. Con rất tự hào về truyền thống làm đèn trung thu của gia đình mình, con hứa sẽ cố gắng học tập tốt hơn để sau này sẽ đưa truyền thống của gia đình mình ngày càng vươn xa.

Con gái yêu của mẹ!

Ký tên

Vận dụng 2:

2. Em hãy lập và thực hiện kế hoạch giữ gìn, phát huy truyền thống gia đình dòng họ của em theo bảng mẫu sau:

Lời giải chi tiết

Bảng kế hoạch giữ gìn, phát huy truyền thống gia đình, dòng họ của em: (HS tự liên hệ bản thân)

►►CLICK NGAY vào nút TẢI VỀ dưới đây để tải về Soạn Giáo Dục Công Dân 6 Bài 1: Tự hào về truyền thống gia đình, dòng họ - Kết nối tri thức file PDF hoàn toàn miễn phí.

Đánh giá bài viết
3.0
5 lượt đánh giá
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
Copyright © 2020 Tailieu.com