Thơ Nguyễn Bính “chân quê”, giản dị, mộc mạc, nhẹ nhàng, trong sáng, và hồn nhiên như ca dao trữ tình. Ông viết về làng quê qua lăng kính tình cảm lãng mạn, biểu lộ một tình quê, một hồn quê chân tình và gần gũi. Giáo sư Lê Đình Kỵ có nhận xét về thơ Nguyễn Bính: “Nổi bật lên ở Nguyễn Bính là ca dao, ở cảm xúc lẫn tư duy, ở cả ý, tình, và điệu,...”
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
Một người chín nhớ mười mong một người.
Gió mưa là bệnh của giời,
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.
Hai thôn chung lại một làng,
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?
Ngày qua ngày lại qua ngày,
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng.
Bảo rằng cách trở đò giang,
Không sang là chẳng đường sang đã đành.
Nhưng đây cách một đầu đình,
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi...
Tương tư thức mấy đêm rồi,
Biết cho ai, hỏi ai người biết cho!
Bao giờ bến mới gặp đò?
Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau?
Nhà em có một giàn giầu,
Nhà anh có một hàng cau liên phòng.
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông,
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?
Hoàng Mai, 1939
Bài thơ này được sử dụng trong phần đọc thêm các chương trình SGK Văn học 11 giai đoạn 1990-2006, Ngữ văn 11 từ 2007.
Nguồn:
1. Nguyễn Bính, Lỡ bước sang ngang, Nhà in Lê Cường, 1940
2. Tuyển tập Nguyễn Bính, NXB Văn học, 1986
3. Tinh tuyển văn học Việt Nam (tập 7: Văn học giai đoạn 1900-1945), Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, NXB Khoa học xã hội, 2004.
Hôm qua em đi tỉnh về,
Đợi em ở mãi con đê đầu làng.
Khăn nhung, quần lĩnh rộn ràng.
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!
Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?
Nói ra sợ mất lòng em,
Van em! Em hãy giữ nguyên quê mùa.
Như hôm em đi lễ chùa,
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh.
Hoa chanh nở giữa vườn chanh,
Thầy u mình với chúng mình chân quê.
Hôm qua em đi tỉnh về,
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.
(1936)
Bài thơ này đã được nhạc sĩ Trung Đức phổ nhạc thành bài hát cùng tên, và nhạc sĩ Song Ngọc phổ nhạc thành bài hát Hương đồng gió nội.
Nguồn:
1. Nguyễn Bính, Nước giếng thơi, NXB Hội Nhà văn, 1957
2. Nguyễn Bính, Tâm hồn tôi, Nhà in Lê Cường, 1940
3. Hoàng Xuân, Nguyễn Bính - thơ và đời, NXB Văn học, 2003
4. Nguyễn Bính Hồng Cầu, Nguyễn Bính toàn tập (tập 1), NXB Hội Nhà văn, 2017.
Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già.
Lòng trẻ còn như cây lụa trắng,
Mẹ già chưa bán chợ làng xa.
Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay,
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy.
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ,
Mẹ bảo: Thôn Đoài hát tối nay.
Lòng thấy giăng tơ một mối tình.
Em ngừng thoi lại giữa tay xinh.
Hình như hai má em bừng đỏ,
Có lẽ là em nghĩ đến anh.
Bốn bên hàng xóm đã lên đèn,
Em ngửa bàn tay trước mái hiên.
Mưa thấm bàn tay từng chấm lạnh,
Thế nào anh ấy chẳng sang xem.
Em xin phép mẹ vội vàng đi,
Mẹ bảo: xem về kể mẹ nghe.
Mưa nhỏ nên em không ướt áo,
Thôn Đoài cách có một thôi đê.
Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm,
Em mải tìm anh chả thiết xem.
Chắc hẳn đêm nay đường cửi lạnh,
Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em.
Chờ mãi anh sang anh chả sang,
Thế mà hôm nọ hát bên làng.
Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn,
Để cả mùa xuân cũng bẽ bàng.
Mình em lầm lụi trên đường về,
Có ngắn gì đâu môt dải đê!
Áo mỏng che đầu, mưa nặng hạt,
Lạnh lùng em tủi với đêm khuya.
Em giận hờn anh cho đến sáng,
Hôm sau mẹ hỏi hát trò gì.
“- Thưa u họ hát...” Rồi em thấy
Nước mắt tràn ra, em ngoảnh đi.
*
Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay,
Hoa xoan đã nát dưới chân giày.
Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ,
Mẹ bảo mùa xuân đã cạn ngày.
Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày!
Bao giờ em mới gặp anh đây?
Bao giờ Hội Đặng đi ngang ngõ,
Để mẹ em rằng hát tối nay?
(1936)
Bài thơ này đã được nhạc sĩ Huy Thục phổ nhạc thành bài hát cùng tên.
Nguồn:
1. Nguyễn Bính, Lỡ bước sang ngang, Nhà in Lê Cường, 1940
2. Tinh tuyển văn học Việt Nam (tập 7: Văn học giai đoạn 1900-1945), Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, NXB Khoa học xã hội, 2004
3. Tuyển tập Nguyễn Bính, NXB Văn học, 1986
4. Hoàng Xuân, Nguyễn Bính - thơ và đời, NXB Văn học, 2003.
Cô nhân tình bé của tôi ơi!
Tôi muốn môi cô chỉ mỉm cười
Những lúc có tôi, và mắt chỉ
Nhìn tôi những lúc tôi xa xôi.
Tôi muốn cô đừng nghĩ đến ai,
Đừng hôn dù thấy bó hoa tươi.
Đừng ôm gối chiếc đêm nay ngủ,
Đừng tắm chiều nay biển lắm người.
Tôi muốn mùi thơm của nước hoa,
Mà cô thường xức, chẳng bay xa,
Chẳng làm ngây ngất người qua lại,
Dẫu chỉ qua đường khách lại qua.
Tôi muốn những đêm đông giá lạnh,
Chiêm bao đừng lẩn quất bên cô,
Bằng không, tôi muốn cô đừng gặp
Một trẻ trai nào trong giấc mơ.
Tôi muốn làn hơi cô thở nhẹ,
Đừng làm ẩm áo khách chưa quen.
Chân cô in vết trên đường bụi,
Chẳng bước chân nào được giẵm lên.
Nghĩa là ghen quá đấy mà thôi,
Thế nghĩa là yêu quá mất rồi,
Và nghĩa là cô và tất cả,
Cô, là tất cả của riêng tôi.
Bài thơ này đã được nhạc sĩ Trọng Khương phổ nhạc thành bài hát cùng tên.
Nguồn:
1. Nguyễn Bính, Lỡ bước sang ngang, Nhà in Lê Cường, 1940
2. Hoàng Xuân, Nguyễn Bính - thơ và đời, NXB Văn học, 2003
I.
“- Em ơi, em ở lại nhà,
Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương.
Mẹ già một nắng hai sương,
Chị đi một bước trăm đường xót xa.
Cậy em, em ở lại nhà,
Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương.
Hôm nay xác pháo đầy đường,
Ngày mai khói pháo còn vương khắp làng.
Chuyến này chị bước sang ngang
Là tan vỡ giấc mộng vàng từ nay.
Rượu hồng em uống cho say,
Vui cùng chị một vài giây cuối cùng.
(Rồi đây sóng gió ngang sông,
Đầy thuyền hận, chị lo không tới bờ)
Miếu thiêng vụng kén người thờ,
Nhà hương khói lạnh, chị nhờ cậy em.
Đêm qua là trắng ba đêm,
Chị thương chị, kiếp con chim lìa đàn.
Một vai gánh lấy giang san...
Một vai nữa gánh muôn vàn nhớ thương.
Mắt quầng, tóc rối tơ vương,
Em còn cho chị lược gương làm gì!
Một lần này bước ra đi,
Là không hẹn một lần về nữa đâu.
Cách mấy mươi con sông sâu,
Và trăm nghìn vạn dịp cầu chênh vênh.
Cũng là thôi... cũng là đành...
Sang ngang lỡ bước riêng mình chị sao?
Tuổi son nhạt thắm phai đào,
Đầy thuyền hận, có biết bao nhiêu người!
Em đừng khóc nữa, em ơi!
Dẫu sao thì sự đã rồi, nghe em!
Một đi bẩy nổi ba chìm,
Trăm cay, ngàn đắng, con tim héo dần.
Dù em thương chị mười phần,
Cũng không ngăn nổi một lần chị đi.”
Chị tôi nước mắt đầm đìa,
Chào hai họ để đi về nhà ai...
Mẹ trông theo, mẹ thở dài,
Dây pháo đỏ bỗng vang trời nổ ran.
Tôi ra đứng ở đầu làng,
Ngùi trông theo chị khuất ngàn dâu thưa.
II.
Trời mưa ướt áo làm gì?
Năm mười bẩy tuổi chị đi lấy chồng.
Người ta: pháo đỏ rượu hồng,
Mà trên hồn chị: một vòng hoa tang.
Lần đầu chị bước sang ngang,
Tuổi son sông nước đò giang chưa tường.
Ở nhà, em nhớ mẹ thương,
Ba gian trống, một mảnh vườn xác xơ.
Mẹ ngồi bên cửi xe tơ,
Thời thường nhắc: Chị mày giờ ra sao?
“- Chị bây giờ”... Nói thế nào?
Bướm tiên khi đã lạc vào vườn hoang.
Chị từ lỡ bước sang ngang,
Trời dông bão, giữa tràng giang, lật thuyền.
Xuôi dòng nước chảy liên miên,
Đưa thân thế chị tới miền đau thương.
Mười năm gối hận bên giường,
Mười năm nước mắt bữa thường thay canh.
Mười năm đưa đám một mình,
Đào sâu chôn chặt mối tình đầu tiên.
Mười năm lòng lạnh như tiền,
Tim đi hết máu, cái duyên không về.
“Nhưng em ơi, một đêm hè,
Hoa xoan nở, xác con ve hoàn hồn.
Dừng chân trên bến sông buồn,
Nhà nghệ sĩ tưởng đò còn chuyến sang.
Đoái thương, thân chị lỡ làng.
Đoái thương phận chị dở dang những ngày.
Rồi... rồi... chị nói sao đây!
Em ơi, nói nhỏ câu này với em...
...Thế rồi máu trở về tim,
Duyên làm lành chị duyên tìm về môi.
Chị nay lòng ấm lại rồi,
Mối tình chết đã có người hồi sinh.
Chị từ dan díu với tình,
Đời tươi như buổi bình minh nạm vàng.
“Tim ai khắc một chữ “nàng”
Mà tim chị một chữ “chàng” khắc theo.
Nhưng yêu chỉ để mà yêu,
Chị còn dám ước một điều gì hơn.
Một lầm hai lỡ keo sơn,
Mong gì gắn lại phím đờn ngang cung.
Rồi đêm kia, lệ ròng ròng,
Tiễn đưa người ấy sang sông, chị về.
“Tháng ngày qua cửa buồng the.
Chị ngồi nhặt cánh hoa lê cuối mùa.”
III.
Úp mặt vào hai bàn tay,
Chị tôi khóc suốt một ngày một đêm.
“- Đã đành máu trở về tim,
Nhưng khôn buộc nổi cánh chim giang hồ.
Người đi xây dựng cơ đồ...
Chị về giồng cỏ nấm mồ thanh xuân.
Người đi khoác áo phong trần,
Chị về may áo liệm dần nhớ thương.
Hồn trinh ôm chặt chân giường,
Đã cùng chị khóc đoạn trường thơ ngây.
Năm xưa đêm ấy giường này,
Nghiến răng... nhắm mắt... cau mày... cực chưa!
Thế là tàn một giấc mơ,
Thế là cả một bài thơ não nùng!
Tuổi son má đỏ môi hồng,
Bước chân về đến nhà chồng là thôi!
Đêm qua mưa gió đầy giời,
Trong hồn chị, có một người đi qua...
Em về thương lấy mẹ già,
Đừng mong ngóng chị nữa mà uổng công.
Chị giờ sống cũng bằng không,
Coi như chị đã ngang sông đắm đò.”
Bài thơ này được đăng lần đầu trên Tiểu thuyết thứ năm năm 1939, sau được in trong tập thơ cùng tên. Bài thơ gồm tổng cộng 110 câu lục bát, nội dung là tâm sự của một cô gái vì hoàn cảnh phải đi lấy chồng, bỏ lại mối tình đầu. Bản in trên Tiểu thuyết thứ năm và tập thơ Lỡ bước sang ngang đều đề “Gửi chị Trúc”. Chị Trúc cũng được Nguyễn Bính nhắc đến trong nhiều bài thơ khác, nhưng nguyên mẫu là ai thì có nhiều giả thuyết. Có người cho đó là vợ người anh ruột ông, nhà viết kịch Trúc Đường. Người lại cho đó là một thiếu phụ đã có chồng, thầm yêu Trúc Đường, và từng bỏ chồng ở với Trúc Đường 110 ngày, đúng bằng số câu của bài thơ Nguyễn Bính viết để tặng họ kỷ niệm thời gian sống bên nhau.
Sau khi đăng báo, bài thơ được mọi người thuộc đủ tầng lớp, từ bình dân đến trí thức, say mê, và Nguyễn Bính nổi danh khắp nơi. Vì vậy, tập thơ Lỡ bước sang ngang khi ra đời đã được đón nhận rộng rãi.
Bài thơ này đã được nhạc sĩ Song Ngọc phổ nhạc thành bài hát cùng tên.
Nguồn:
1. Nguyễn Bính, Lỡ bước sang ngang, Nhà in Lê Cường, 1940
2. Tinh tuyển văn học Việt Nam (tập 7: Văn học giai đoạn 1900-1945), Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, NXB Khoa học xã hội, 2004
3. Tuyển tập Nguyễn Bính, NXB Văn học, 1986
4. Hoàng Xuân, Nguyễn Bính - thơ và đời, NXB Văn học, 2003.
Những cuộc chia lìa khởi tự đây,
Cây đàn sum họp đứt từng dây.
Những đời phiêu bạt, thân đơn chiếc,
Lần lượt theo nhau suốt tối ngày...
Có lần tôi thấy hai cô bé,
Sát má vào nhau khóc sụt sùi.
Hai bóng chung lưng thành một bóng,
“- Đường về nhà chị chắc xa xôi?”
Có lần tôi thấy một người yêu,
Tiễn một người yêu một buổi chiều,
Ở một ga nào xa vắng lắm!
Họ cầm tay họ, bóng xiêu xiêu.
Hai chàng tôi thấy tiễn chân nhau,
Kẻ ở sân toa, kẻ dưới tàu,
Họ giục nhau về ba bốn bận,
Bóng nhoà trong bóng tối từ lâu.
Có lần tôi thấy vợ chồng ai,
Thèn thẹn đưa nhau, bóng chạy dài,
Chị mở khăn giầu, anh thắt lại:
“- Mình về nuôi lấy mẹ, mình ơi!”
Có lần tôi thấy một bà già,
Đưa tiễn con đi trấn ải xa.
Tàu chạy lâu rồi, bà vẫn đứng,
Lưng còng đổ bóng xuống sân ga.
Có lần tôi thấy một người đi,
Chẳng biết vì đâu, nghĩ ngợi gì!
Chân bước hững hờ theo bóng lẻ,
Một mình làm cả cuộc phân ly.
Những chiếc khăn mầu thổn thức bay,
Những bàn tay vẫy những bàn tay,
Những đôi mắt ướt nhìn đôi mắt,
Buồn ở đâu hơn ở chốn này?
*
Tôi đã từng chờ những chuyến xe,
Đã từng đưa đón kẻ đi về.
Sao nhà ga ấy, sân ga ấy,
Chỉ để cho lòng dấu biệt ly?
Hà Nội, 1937
Nguồn:
1. Nguyễn Bính, Nước giếng thơi, NXB Hội Nhà văn, 1957
2. Nguyễn Bính, Tâm hồn tôi, Nhà in Lê Cường, 1940
3. Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng, Việt Nam thi nhân tiền chiến, NXB Sống Mới, Sài Gòn, 1968
4. Hoàng Xuân, Nguyễn Bính - thơ và đời, NXB Văn học, 2003.
Trải nghìn dặm trời mây bạn tới.
Thăm quê tôi, tôi rất đỗi vui mừng!
Bạn nán lại cùng tôi thêm buổi nữa.
Để tôi xin kể nốt chuyện quê hương.
...Quê hương tôi có cây bầu cây nhị
Tiếng “đàn kêu tích tịch tình tang...”
Có cô Tấm náu mình trong quả thị,
Có người em may túi đúng ba gang.
Quê hương tôi có ca dao tục ngữ,
Ông trăng tròn thường xuống mọi nhà chơi.
Một đĩa muối cũng mặn tình chồng vợ,
Một dây trầu cũng nhắc chuyện lứa đôi.
Con chim nhỏ cũng đau hồn nước mất
“Cuốc cuốc” kêu rỏ máu những đêm vàng
Chân ngựa đá cũng dính bùn trận mạc.
Theo người đi cứu nước chống xâm lăng.
Quê hương tôi có bà Trưng, bà Triệu
Cưỡi đầu voi, dấy nghĩa, trả thù chung.
Ông Lê Lợi đã trường kỳ kháng chiến,
Hưng Đạo vương đã mở hội Diên Hồng.
Quê hương tôi có múa xoè, hát đúm,
Có hội xuân liên tiếp những đêm chèo.
Có Nguyễn Trãi, có “Bình Ngô đại cáo”.
Có Nguyễn Du và có một “Truyện Kiều”.
Quê hương tôi có Trường Sơn một dải,
Có Hồng Hà lại có Cửu Long Giang
Có Hà Nội có hồ Tây, hồ Kiếm.
Chợ Đồng Xuân bày đủ mặt hàng.
Quê hương tôi có sầu riêng, măng cụt
Lòng bưởi đào, lòng gấc đỏ như son.
Có gạo tám xoan thổi nồi đồng điếu,
Cam xã Đoài ai bóc cũng thơm ngon.
Cánh đồng nào cũng chôn vàng giấu bạc,
Bờ biển nào cũng chói ngọc ngời châu.
Có thanh quế ngửi qua là khỏi bệnh,
Có cây lim đóng cả một thân tầu.
Quê hương tôi có những người con gái
“Một ngày hai bữa cơm đèn...”
Cách sông cái cũng bắc cầu dải yếm,
Cho chàng sang đính ước chuyện nhân duyên.
Trong bụng mẹ đã từng mê tiếng hát;
Nên quê tôi ai cũng biết làm thơ.
Những trẻ nhỏ nằm nôi hay đặt võng,
Sớm hay chiều, đều mượn cánh cò đưa.
Khi có giặc những tre làng khắp nước,
Đều xả thân làm ngọn mác, mũi chông,
Những trai gái thôn Đông, xóm Bắc
Thoắt vươn vai thành những anh hùng...
Quê tôi đó - bạn ơi! - là thế đó.
Mà nghìn năm rặt những tiếng kêu thương
Sung sướng làm sao! Bỗng một ngày: có Đảng
Có Bác Hồ, làm sống lại quê hương.
Đánh Nhật, đuổi Tây cứu dân, dựng nước
Hai mươi năm kể biết mấy công trình!
Và từ đây, núi sông và cuộc sống.
Và quê hương mới thực sự của minh.
Cuộc đời mới con người cũng mới,
Khắp bốn phương lộng lẫy ánh sao cờ,
“Đoàn quân Việt Nam đi... chung lòng cứu quốc...”
Đầu ngẩng cao từ cách mạng mùa thu.
Những xiềng xích nghìn năm đều bẻ gãy.
Những bài ca điệu múa lại vui tươi.
Những trận khóc đêm dài không có nữa.
Thành thị nông thôn rộn rã tiếng cười.
Trong luỹ tre xanh vui mùa hợp tác,
Mái ngói nhô lên như những nụ hoa hồng.
Chung ruộng, chung trâu, chung lòng, chung sức
Chung con đường gặt lấy ấm no chung.
Trong xưởng máy tưng bừng như đám hội.
Những chủ nhân là chính những công nhân.
Tiếng máy reo chen tiếng cười tiếng hát,
Chẳng còn đâu tiếng chủ thét, cai gầm!
Những nhà thơ được tự do ca ngợi,
Quê hương. Tổ quốc, con người...
Và đời sống khỏi túng, nghèo, đói, khổ.
Khỏi bị ai khinh rẻ, dập vùi!
Đời trước thường mơ chuyện tiên, chuyện Phật,
Truyện thiên đường trong những cõi hư vô...
Đời nay dựng thiên đường trên mặt đất,
Dựng mùa xuân trong tất cả bốn mùa.
Khi con người được tự do giải phóng.
Đất rộng hơn mà trời cũng xanh hơn.
Quả trên cành cũng thêm ngon, thêm ngọt,
Hoa trong vườn cũng thêm sắc, thêm hương.
Và ý nghĩa những ca dao, tục ngữ
Ngày càng thêm thắm thiết, ngọt ngào.
Và “Truyện Kiều” mới có chân giá trị,
Và Nguyễn Du mới thành đại thi hào.
Thửa ruộng cũ cấy thêm mùa lúa mới,
Khung trời quê mọc những nóc lò cao.
Dây “cao thế” đã chăng dài khắp nẻo,
(Xóm làng tôi điện sẽ át trăng sao).
Những gỗ tốt đã dựng câu lạc bộ,
Gạo tám xoan thơm bếp lửa nhân dân.
Những cô Tấm tự tay xây hạnh phúc
Chẳng phải gian nan hoá kiếp mấy lần.
Và lớp lớp những anh hùng xuất hiện.
Sức thanh niên: sức Phù Đổng là đây!
Đẩy biển lùi ra, ngăn sông đứng lại,
Khẩu súng trường cũng hạ nổi máy bay.
Hội Diên Hồng thôn xã nào cũng mở,
Chuyện “kháng chiến trường kỳ” ai cũng nhớ nhập tâm.
“Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”
Câu ấy giờ đây đã đúng cả trăm phần.
Đảng cùng dân đã viết thêm lịch sử,
Lửa Điện Biên sáng dậy cả trăm năm.
Lửa Ấp Bắc, Chu Lai cũng bừng rực rỡ,
Lửa chiến công đang chói lọi miền Nam.
Khi có Đảng, có Bác Hồ lãnh đạo;
Có truyền thống cha ông để lại tự bao đời.
Thì đánh Mỹ nhất định là phải thắng
Chuyện ấy, quê tôi, thành chuyện dĩ nhiên rồi.
***
Câu chuyện quê tôi, sơ sài mấy nét.
Bạn trở về xin kể mọi người hay.
Riêng phần tôi có thơ này tặng bạn,
Tặng quê mình, nhân dịp tết năm nay.
(Tết Bính Ngọ, 1966)
Nguồn:
1. Báo Văn nghệ Nam Hà, số Tết Bính Ngọ (1966), trang 3
2. Hoàng Xuân, Nguyễn Bính - thơ và đời, NXB Văn học, 2003.
Đôi ta lưu lạc phương Nam này
Trải mấy mùa qua én nhạn bay
Xuân đến khắp trời hoa rượu nở
Mà ta với người buồn vậy thay
Lòng đắng sá gì muôn hớp rượu
Mà không uống cạn mà không say
Lời thề buổi ấy cầu Tư Mã
Mà áo khinh cừu không ai may
Người giam chí lớn vòng cơm áo
Ta trí thân vào nợ nước mây
Ai biết thương nhau từ buổi trước
Bây giờ gặp nhau trong phút giây
Nợ thế chưa trả tròn một món
Sòng đời thua đến trắng hai tay
Quê nhà xa lắc, xa lơ đó
Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay
Tâm giao mấy kẻ thì phương Bắc
Ly tán vì cơn gió bụi này
Người ơi buồn lắm mà không khóc
Mà vẫn cười qua chén rượu đầy
Vẫn dám tiêu hoang cho đến hết
Ngày mai ra sao rồi hãy hay
Ngày mai có nghĩa gì đâu nhỉ?
Cốt nhất cười vui trọn tối nay
Rẫy ruồng châu ngọc, thù son phấn
Mắt đỏ lên rồi cứ chết ngay
Hỡi ơi Nhiếp Chính mà băm mặt
Giữa chợ ai người khóc nhận thây
Kinh Kha giữa chợ sầu nghiêng chén
Ai kẻ dâng vàng, kẻ biếu tay?
Mơ gì ấp Tiết thiêu văn tự
Giày cỏ gươm cùn ta đi đây
Ta đi nhưng biết về đâu chứ?
Đã đẩy phong yên lộng bốn trời
Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ
Uống say mà gọi thế nhân ơi!
Thế nhân mắt trắng như ngân nhũ
Ta với nhà ngươi cả tiếng cười
Dằn chén hất cao đầu cỏ dại,
Hát rằng phương Nam ta với ngươi.
Ngươi ơi! Ngươi ơi! Hề ngươi ơi!
Ngươi ơi! Ngươi ơi! Hề ngươi ơi!
Ngươi sang bên ấy sao mà lạnh,
Nhịp trúc ta về lạnh mấy mươi...
Đa Kao 1943
Nguồn: Hoàng Xuân, Nguyễn Bính - thơ và đời, NXB Văn học, 2003.
Từ đó về đây sống rất nghèo
Bạn bè chỉ có gió trăng theo
Những thằng bất nghĩa xin đừng đến
Hãy để thềm ta xanh sắc rêu
Nguồn: Tuyển tập Nguyễn Bính, NXB Văn học, 1986.
Gửi chị Trúc
Bốn bể vẫn chưa yên sóng gió;
Xuân này em chị vẫn tha hương,
Vẫn ăn cái Tết ngoài thiên hạ,
Son sắt say hoài rượu bốn phương.
Em đi non nước xa khơi quá!
Mỗi độ xuân về bao nhớ thương;
Mỗi độ xuân về em lại thấy,
Buồn như tên lính ở biên cương.
Thời chưa gặp đỏ, nằm xuông mãi;
Xuông cả ân tình rượu cũng xuông.
Trước mặt bút nghiên, sầu tịch mịch,
Quanh mình chăn chiếu rộn tang thương.
Một thân quán trọ sầu phong toả.
Đốt ngọn đèn lên, bóng rợn tường.
Đêm ba mươi Tết quê người cũng,
Tiếng pháo giao thừa dậy tứ phương.
Chị ạ, em không người nước Sở,
Nhớ nhà đâu mượn địch Trương Lương.
Đất khách tình dâng hoà mắt lệ,
Ôi nhà! Ôi chị! Ôi quê hương!
Từ em lưu lạc ngoài muôn dặm,
Một đoạn đường đi một đoạn trường.
Cửa quan chẳng mở, đầu Viên bạc;
Tri kỷ không ai, mắt Tịch cuồng.
Thôn dã từng quen mùi đạm bạc,
Thị thành thêm chán miếng cao lương.
Vụng tính bỏ rơi đi hạnh phúc,
Xảy ra đánh vỡ mất thiên đường.
Trăm ván cờ cao, trăm ván bại,
Nước người thêm thẹn tiếng mang chuông.
Trò đời cúi mặt xem thiên hạ,
Thực đáng cười thay, thực đáng thương!
Trọc phú ti toe bàn thế sự;
Đĩ già tấp tểnh nói văn chương.
Đã coi đồng bạc như non Thái,
Lại học đòi theo thói Mạnh Thường.
Lẳng lơ đi võng, đi tàn cả;
Gái chính chuyên kia đứng vệ đường.
Đất đổi hoa màu, nhà đổi chủ,
Trâu quên mục tử, ngựa quên chuồng.
Thay đen đổi trắng bao canh bạc;
Vẽ nhọ, đen râu mấy lớp tuồng.
Trói vo hồn lại ba đồng bạc,
Bán rẻ đời đi nửa đấu lương.
Chao ôi! Giả dối, ôi mai mỉa!
Sống chật phồn hoa một lũ Mường.
Chị ơi, tất cả là vô nghĩa,
Chả nhiễu điều nào phủ giá gương.
Tay trắng bạn bè đều tránh mặt;
Sa cơ thân thích cũng khinh thường.
Sông lạnh thấy đâu người gọi gió;
Trăng tà tìm mãi kẻ mài gươm.
Áo xanh bạc nửa màu sương gió,
Xót kẻ ăn nằm trong gió sương.
Đầy vơi tâm sự cùng ai tỏ,
Mộng lạnh đêm xưa, chiếu lạnh giường.
Quê nhà gối chiếc, thôi rồi kẻ,
Chia nửa vầng trăng với dặm trường.
Son phấn hững hờ niềm sắt đá,
Sông hồ vò võ nỗi yên cương.
Chị ạ, duyên em mà chẳng đẹp,
Chỉ vì không đọc chuyện Tây Sương.
Người yêu buổi ấy lên xe cưới,
Cũng khóc cho tròn ý nhớ thương.
Khấp như sử nữ vu quy nhật.
Lệ có thành sông, chuyện cũng thường.
Trò đời chẳng hẹn nhau lần gặp;
Đập nát cho rồi nửa mảnh gương.
Duyên mới đẹp lòng người sử nữ;
Đầu sông ai nhớ cuối sông Tương.
Tàn lạnh lòng em từ buổi ấy,
Vơi tình thôi hết cả tơ vương.
Chị ở quê chồng, xuân có đẹp?
Con đò bến cũ có thê lương?
Nêu cao, pháo nổ, trầm thơm ngát.
Hoa bưởi, hoa cam rụng ngập vườn.
Mưa xuân rắc bụi quanh làng mạc,
Gái lịch, trai thanh chật phố phường.
Lá lộc hồ tơ, tay ngọc hái,
Sông hồ vò võ nỗi yên cương.
Nhưng dù Tết đẹp hay xuân đẹp,
Chắc chị chưa hề nguôi nhớ thương.
Người đi buổi ấy tàn hoa phượng,
Cõi Thục xa xôi mấy dặm trường.
Phong ba từ nổi trong đời chị,
Tóc rối xuân xanh, má nhạt hường.
Qua đò mấy độ sầu sông nước,
Dệt mộng bao lần tủi phấn hương.
Tháng hẹn chờ rơi cơn lá úa,
Đêm Tần đợi khuyết cái trăng xuông
Chỉ tổ tài cao, trời đất ghét,
Một thân oan khổ có trăm đường
Cuối thu mưa nát lòng dâu bể,
Ngày muộn, chuông đau chuyện đá vàng.
Em thường cầu nguyện thường van vái,
Một sớm thanh bình mặt đại dương.
Bao giờ em được về quê cũ,
Dâng chị bài thơ xuân cố hương.
Chiều về chầm chậm trong hiu quạnh,
Tơ liễu theo nhau chảy xuống hồ,
Tôi thấy quanh tôi và tất cả
Kinh thành Hà Nội quấn khăn sô.
Nước mắt chạy quanh, tình thắt lại,
Giờ đây tôi khóc một người về,
Giờ đây tôi thấy hồn cay đắng,
Như có ai mời chén biệt ly.
Sáng nay vô số lá vàng rơi,
Người gái trinh kia đã chết rồi.
Có một chiếc xe màu trắng đục,
Hai con ngựa trắng bước hàng đôi,
Đem đi một chiếc quan tài trắng,
Và những vòng hoa trắng lạnh người.
Theo bước những người khăn áo trắng,
Khóc hồn trinh trắng mãi không thôi.
Để đưa nàng đến nghĩa trang này,
Nàng đến đây rồi ở lại đây.
Ờ nhỉ! Hôm nay là mấy nhỉ,
Suốt đời tôi nhớ mãi hôm nay...
Sáng nay, sau một cơn mưa lớn,
Hà Nội bừng lên những nắng vàng.
Có những cô nàng trinh trắng lắm,
Buồn rầu theo vết bánh xe tang.
Từ nay xa cách mãi mà thôi,
Tìm thấy làm sao được bóng người,
Vừa mới hôm nào còn thẹn thẹn.
Tay cầm sáp đỏ đặt lên môi.
Chiếc áo màu xanh tựa nước hồ,
Nàng vừa may với gió đầu thu.
Gió thu còn lại bao nhiêu gió,
Chiếc áo giờ đây ở dưới mồ!
*
Chắc hẳn những đêm như đêm qua,
Nàng còn say mộng ở chăn hoa.
- Chăn hoa ướp một trời xuân sắc -
Đến tận tàn canh, rộn tiếng gà.
Chắc hẳn những đêm như đêm kia,
Nửa đêm lành lạnh gió thu về.
Nàng còn thao thức ôm cho chặt
Chiếc gối nhung mềm giữa giấc mê.
Nhưng sáng hôm nay nàng lặng im,
Máu đào ngừng lại ở nơi tim.
Mẹ già xé vội khăn tang trắng,
Quấn vội lên đầu mấy đứa em.
Người mẹ già kia tuổi đã nhiều,
Đã từng đau khổ biết bao nhiêu!
Mà nay lại khóc thêm lần nữa,
Nước mắt còn đâu buổi xế chiều?
Những đứa em kia chưa khóc ai,
Mà nay đã khóc một người rồi!
Mà nay trên những môi ngoan ấy,
Chả được bao giờ gọi: Chị ơi!
*
Nàng đã qua đời để tối nay,
Có chàng đi hứng gió heo may,
Bên hồ để mặc mưa rơi ướt,
Đếm mãi bâng quơ những dấu giầy...
Người ấy hình như có biết nàng,
Có lần toan tính chuyện sang ngang.
Nhưng hồn nàng tựa con thuyền bé,
Vội cắm nghìn thu ở suối vàng.
Có gì vừa mất ở đâu đây?
Lòng thấy mềm như rượu quá say.
Hốt hoảng chàng tìm trong bóng tối:
Bàn tay lại nắm phải bàn tay.
*
Chỉ một vài hôm nữa, thế rồi
(Người ta thương nhớ có ngần thôi.)
Người ta nhắc đến tên nàng để,
Kể chuyện nàng, như kể chuyện vui.
Tôi với nàng đây không biết nhau,
Mà tôi thương tiếc bởi vì đâu?
“Mới hay tự cổ bao người đẹp,
Chẳng hẹn trần gian đến bạc đầu.”
Hà Nội, 1940
Bài thơ này đã được nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân phổ nhạc thành bài hát Hồn trinh nữ.
Nguồn:
1. Nguyễn Bính, Lỡ bước sang ngang, Nhà in Lê Cường, 1940
2. Hoàng Xuân, Nguyễn Bính - thơ và đời, NXB Văn học, 2003
3. Hoàng Hồng, Nguyễn Bính - thơ, NXB Văn học, 2010.
Thơ thẩn đường chiều một khách thơ,
Say nhìn xa rặng núi xanh lơ,
Khí trời lặng lẽ và trong trẻo,
Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ.
Hỡi cô con gái hái mơ già!
Cô chửa về ư? Đường thì xa,
Mà ánh trời hôm dần một tắt,
Hay cô ở lại về cùng ta?
Nhà ta ở dưới gốc cây dương,
Cách động Hương Sơn nửa dặm đường,
Có suối nước trong tuôn róc rách,
Có hoa bên suối ngát đưa hương.
Cô hái mơ ơi!
Chả giả lời nhau lấy một lời,
Cứ lặng rồi đi, rồi khuất bóng,
Rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi.
(1937)
Đây là bài thơ đầu tiên của Nguyễn Bính gửi đăng báo, trên Tiểu thuyết thứ năm. Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành bài hát cùng tên.
Nguồn:
1. Nguyễn Bính, Lỡ bước sang ngang, Nhà in Lê Cường, 1940
2. Tuyển tập Nguyễn Bính, NXB Văn học, 1986
3. Hoàng Xuân, Nguyễn Bính - thơ và đời, NXB Văn học, 2003
Hội làng mở giữa mùa thu,
Giời cao, gió cả, giăng như ban ngày.
Hội làng còn một đêm nay,
Gặp em còn một lần này nữa thôi!
Phường chèo đóng Nhị độ mai,
Sao em lại đứng với người đi xem?
Mấy lần tôi muốn gọi em,
Lớp Mai Sinh tiễn Hạnh Nguyên sang Hồ.
Tình tôi mở giữa mùa thu,
Tình em lẳng lặng kín như buồng tằm.
(1936)
Nguồn:
1. Nguyễn Bính, Nước giếng thơi, NXB Hội Nhà văn, 1957
2. Nguyễn Bính, Tâm hồn tôi, Nhà in Lê Cường, 1940
3. Hoàng Xuân, Nguyễn Bính - thơ và đời, NXB Văn học, 2003
Hôm nay ăn hỏi tưng bừng,
Ngày mai thì cưới, độ chừng ngày kia.
Nàng cùng chồng mới nàng về,
Rồi cùng chồng mới nàng đi theo chồng.
Tôi về dạm vợ là xong!
Vợ người làng, vợ xóm đông, quê mùa.
Vợ tôi không đợi, không chờ,
Không nhan sắc mấy, không thơ mộng gì.
Lấy tôi bởi đã đến thì,
Lấy tôi không phải là vì yêu tôi.
Hôm nay tôi cưới vợ rồi,
Từ nay tôi đã là người bỏ đi!
Pháo ơi! mày nổ làm gì?
Biến ra tất cả pháo xì cho tao!
Có sách in tiêu đề bài thơ là Nàng đi lấy chồng.
Nguồn:
1. Nguyễn Bính, Tâm hồn tôi, Nhà in Lê Cường, 1940
2. Kiều Văn, Thi ca Việt Nam chọn lọc - Thơ tình Nguyễn Bính, NXB Đồng Nai, 2005.
Anh đi chẳng hẹn ngày về,
Chỉ thề ao buộc, tóc thề ai chôn?
Muốn gì, em muốn gì hơn!
Hôn hoàng nay lại hoàng hôn mai ngày.
Môi khô tóc liễu thân gầy,
Anh xa, em kẻ lông mày với ai?
Thơ không làm trọn một bài,
Đàn không gượng gẩy một vài khúc ngâm.
Ông tơ già lắm nên nhầm,
Ai cho sum họp, ai làm chia phôi.
Chẳng thà đừng kết duyên đôi,
Có cho đoàn tụ để rồi xa nhau.
Tính năm tính tháng thêm rầu,
Ấy hai con én ngang lầu bay bay.
Nguồn: Thơ và giai thoại Nguyễn Bính, Vũ Nam, NXB Lao Động, 1999
Trên đây chúng tôi đã giới thiệu đến bạn những tác phẩm thơ hay, ấn tượng nhất của thi sĩ Nguyễn Bính, cảm ơn đã theo dõi bài viết. Tham khảo thêm nhiều bài thơ hay của những tác giả nổi tiếng khác tại chuyên trang của chúng tôi.
► CLICK NGAY nút TẢI VỀ dưới đây để tải và in tập thơ của Nguyễn Bính.