Bài văn mẫu: Phân tích vẻ đẹp cổ điển và hiện đại trong bài Tràng giang Văn 11 tuyển chọn, hay nhất sẽ giúp các em học sinh đưa ra các lập luận, lý lẽ chính xác và ý nghĩa nhất để hoàn thành xuất sắc bài viết của mình.
Trong phong trào Thơ Mới ta không chỉ nhắc đến Xuân Diệu với những vần thơ tình đầy lãng mạn mà còn phải nhắc đến một Huy Cận, nhà thơ của vạn lí sầu. Nếu như phong trào Thơ Mới ai ai cũng hăng hai cách tân, đổi mới, Huy Cận lại tìm cho mình một hướng đi riêng, ông vẫn lặng lẽ kết hợp hài hòa giữa chất cổ điển và hiện đại trong các bài thơ của mình. Tràng giang chính là một bài thơ xuất sắc nhất thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa hai nét tưởng đối lập nhau ấy là cổ điển và hiện đại.
Chất cổ điển ở đây có thể hiểu là sự tiếp nối những phẩm chất, những nét vốn có của văn học trung đại. Còn chất hiện đại được hiểu là sự tiếp thu những nét mới mẻ trong văn học phương Tây. Dung hòa hai yếu tố này trong một tác phẩm không phải là điều dễ dàng.
Trước hết về chất cổ điển trong bài thơ Tràng giang, tinh thần trung của tập thơ Lửa thiêng không phải là sự chối bỏ quá khứ, với tập thơ này Huy Cận chủ trương có sự kết hợp, vận dụng những tinh hoa của văn học truyền thống vào các bài thơ của mình. Bởi vậy, không chỉ Tràng giang mà tất cả các bài thơ trong tập thơ này của ông đều có màu sắc của văn học cổ điển. Với tác phẩm này, nét cổ điển đầu tiên chính là ở đề tài, cảm hứng mà bài thơ đề cập đến. Đề tài đứng trước sông rộng, trời cao nhận thấy sự nhỏ bé, hữu hạn của con người là đề tài thường thấy trong văn học trung đại. Chất cổ điển đó thể hiện ở ngay nhan đề bài thơ, tuy là tác phẩm được sáng tác trong phong trào thơ mới nhưng lại có một cái tên rất cổ điển: Tràng giang. Tràng vốn là một âm đọc khác của trường – dài, còn giang là từ để chỉ chung tên của các dòng sông. Ngay từ nhan đề người đọc đã nhận thấy không gian cổ kính của bài thơ, với không gian mênh mông, bát ngát có phần rợn ngợp trải dài ra trước mắt. Kết hợp với nhan đề, đề từ của tác phẩm cũng đậm dấu ấn cổ điển:
Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài
“Trời rộng sông dài” gợi lên cái mênh mông, vô tận của vũ trụ. Trong không gian đó con người trở nên cô đơn, bé nhỏ, đầy ám ảnh. Đây là tâm trạng của rất nhiều thi nhân trước đây, có thể kể đến như Trần Tử Ngang: “Tiền bất kiến cổ nhân/ Hậu bất kiến lai giải/ Niệm thiên địa chi du du/ Đọc thương nhiên nhi thế hạ”. Dường như trước sự mênh mông, vô cùng của vũ trụ con người đều chợt thấy mình thật đơn độc, nhỏ bé bởi vậy mà nỗi sầu muộn càng thể hiện rõ nét hơn. Huy Cận cũng không thoát khỏi tâm trạng chung đó, từ láy “bâng khuâng” đã nói lên tâm trạng u buồn, lạc lõng của nhân vật trữ tình trước mênh mông sóng nước.
Chất cổ điển trong Tràng giang còn được biểu hiện qua hệ thống thi liệu mà Huy Cận sử dụng. Hàng loạt thi liệu cổ được sử dụng trong bài thơ: bến cô liêu, thuyền, dòng sông, cánh bèo, cánh chim là những hình ảnh thường thấy trong thơ cổ như: “Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi” (Bà Huyện Thanh Quan), “Cô chu thôi lạp ông/ Độc điếu hàng giang tuyết” (Liễu Tông Nguyên)... Mọi sự vật trong thơ ông đều trong trạng thái tàn lụi, héo úa, tan tác chia lìa: bèo hàng nối hàng không có một chút liên hệ với nhau, những cảnh bèo phiêu dạt cũng như chính số phận lênh đênh của con người trong xã hội đó; đò qua sông không có lấy một chuyến, bến cô liêu, quạnh quẽ,… Không gian hoang vu, vắng lặng, dù đã cố gắng tìm kiếm hơi thở của sự sống nhưng có lẽ Huy Cận đã hoàn toàn thất bại, chỉ có “lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”. Hình ảnh những đám mây trắng, cánh chim cuối bài thơ: Lớp lớp mây cao đùn núi bạc/ Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa, cũng là một hình ảnh phổ biến của văn học cổ như trong câu thơ của Vương Bột: “Chiếc cò bay với ráng pha/ Sông xanh cùng với trời xa một màu”. Ở đây Huy Cận đã vận dung linh hoạt bút pháp chấm phá, chỉ một nét chấm nhỏ đã vẻ ra không gian mênh mông, rộng lớn với “lớp lớp” núi chồng lên nhau, chẳng khác nào những đám mây trong thơ Đỗ Phủ: “Mặt đất mây đùn cửa ải xa”. Không gian được mở rộng thêm ở chiều cao, và trong không gian ấy cánh chim hay cũng chính con người trở nên bé nhỏ đến đáng thương. Bóng chiều phải chăng quá nặng đã làm cánh chim phải sa xuống, cánh chim bé nhỏ, đáng thương đến tội nghiệp. Đặc biệt trong câu thơ cuối: “Dòng sông dờn dợn vợi con nước/ Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”, Huy Cận đã tiếp thu thi liệu của văn học Trung Quốc: Nhật mộ hương quan hà xứ thị/ Yên ba giang thượng sử nhân sầu. Để nói lên nỗi cô đơn, nỗi nhớ quê hương tha thiết, khắc khoải của bản thân trong khoảnh khắc ngày tàn.
Nghệ thuật đối cũng là bút pháp phổ biến trong văn học cổ. Trong văn bản Huy Cận sử dụng hàng loạt hình ảnh đối với sự kết hợp hết sức linh hoạt, uyển chuyển: sóng gợn đối với thuyền, nắng xuống đối với trời lên, sông dài đối với trời rộng,… tất cả hình ảnh đối lập tương phản đó đã thể hiện được cái mênh mông, bao la của vũ trụ và sự nhỏ bé, hữu hạn của con người. Ngoài ra, hệ thống từ láy cũng góp phần tạo nên âm hưởng cổ điển cho văn bản. Từ láy được Huy Cận sử dụng từ đầu đến cuối bài thơ: lặng lẽ, mênh mông, chót vót, lớp lớp,… đã làm rõ nét hơn dấu ấn đường thi cho tác phẩm.
Mặc dù, tiếp thu tinh hoa của văn học cổ điển nhưng Tràng giang vẫn là bài thơ mang đậm dấu ấn hiện đại. Tính hiện đại đó được đan xen, thể hiện ngay trong cái cổ điển của bài thơ. Dù đề tài cảm hứng là nỗi sầu nhân thế khi đứng trước thiên nhiên mênh mông, rộng lớn, nhưng không chỉ dừng lại ở nỗi buồn chung mà đối với Huy Cận đó còn là nỗi buồn rất riêng, nỗi buồn cá nhân khi phải sống trong thời điểm đất nước bị mất chủ quyền, nhân dân sống trong cảnh nô lệ, xiềng xích.
Chất liệu trong bài thơ cũng có sự vận dụng tài tình bút pháp hiện đại với những hình ảnh sáng tạo hết sức chân thực, đời thường:
“Củi một cành khô lạc mấy dòng”
“Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”
Hình ảnh củi khô, chợ chiều, bờ xanh bãi vàng là hiện thực đời sống hết sức đời thường, ở đây không hề có bút pháp ước lệ, không hề có nét chấm phá mẫu mực của đường thi mà tất cả là “hiện thực sống sít” của cuộc sống. Có lẽ lần đầu tiên trong văn học, hình ảnh “củi” xuất hiện trong thơ ca, nó là một điểm rất mới, rất hiện thực trong thơ Huy Cận. Từ “củi” được đảo lên đầu cầu nhấn mạnh vào sự vô giá trị của nó, không chỉ vậy nó còn là một cành củi khô không còn sự sống. “Lạc mấy dòng” gợi nên cái chơ vơ, bất định, vô phương hướng không biết đi đâu về đâu. Nó vừa là số phận của con người Việt Nam, vừa là thân phận bơ vơ của cái tôi Thơ Mới lạc lõng trước cuộc đời. Một bức tranh xơ xác, tiêu điều, là hiện thực cuộc sống u ám, ảm đạm của chính người dân Việt Nam lúc bấy giờ. Đồng thời hình ảnh đó cũng gợi lên một quê hương thật gần gũi và quen thuộc đối với mỗi con người Việt Nam.
Trong sự cô đơn đến tột cùng, Huy Cận tìm kiếm một hơi thở, một âm thanh của sự sống, nhưng chỉ nhận lại: “Đâu tiếng là xa vãn chợ chiều”. Là âm thanh nhỏ, vẳng lại khiến người nghe không thể xác định được rõ âm thanh đến từ đâu, âm thanh tưởng làm cho bức tranh tâm trạng đỡ quạnh hiu buồn bã, thì nay lại càng sầu muộn hơn vị sự quạnh quẽ, vắng lặng đến khôn cùng của không gian. Trong hai câu thơ cuối mặc dù ảnh hưởng từ câu thơ của Thôi Hiệu, nhưng cảm xúc của nhân vật không bị ẩn đi, mà được bộc lộ một cách trực tiếp: “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”.
Ngoài ra, những kết hợp từ mới lạ như: buồn điệp điệp, sâu chót vót đã tăng tính chất hiện đại cho bài thơ. Từ “buồn” kết hợp với từ láy “điệp điệp” khiến cho nỗi buồn mênh mông, dàn trải và kéo dài ra mãi. Từ sâu chót vót cũng là một sáng tạo từ đặc biệt, chót vót vốn chỉ dùng để chỉ độ cao, nhưng lại được Huy Cận kết hợp với từ sâu, khiến cho câu thơ mở rộng ra các chiều kích khác nhau, nhấn mạnh hơn nữa sự mênh mông của vũ trụ.
Cuối cùng tính hiện đại được thể hiện trong thể thơ. Huy Cận sử dụng thể thất ngôn trường thiên, nhưng ở đây được chia khổ rõ ràng, khác với thơ cổ, thơ thất ngôn trường thiên không chia khổ. Và con người xuất hiện trong tác phẩm không bị chìm khuất trước thiên nhiên mà vẫn mạnh mẽ thể hiện, bộc lộ trực tiếp cái tôi, tâm tư tình cảm của chính mình.
Tràng giang là bài thơ có sự kết hợp hài hòa giữa chất đường thi cổ điển và chất hiện đại của phong trào Thơ Mới. Đây không phải “kiểu bình cũ rượu mới” mà là sự kế thừa và tiếp thu hết sức tinh tế của ông. Với bài thơ này ta thấy được một Huy Cận với vốn hiểu biết uyên thâm, nội lực dồi dào. Đằng sau những vần thơ ấy còn là lòng yêu nước thâm trầm mà sâu sắc.
“Tràng Giang” là một trong những bài thơ hay nhất, tiêu biểu nhất cho phong cách thơ của Huy Cận trước cách mạng tháng Tám. Bài thơ được viết vào mùa thu năm 1939, in trong tập Lửa Thiêng. Cảm xúc thơ được khơi gợi chủ yếu từ cảnh sông Hồng mênh mang sóng nước… Với bút pháp nghệ thuật đặc sắc, tác giả đã vẽ lên một bức tranh thơ mang vẻ đẹp hòa quyện giữ cổ điển và hiện đại, đồng thời bộc lộ cái tôi cô đơn, cái tình đời, lòng yêu nước thầm kín mà tha thiết.
Tựa đề của bài “Tràng Giang” xuất phát từ nghĩa Hán-Việt. “Tràng” là dài, “Giang” là sông, kết hợp lại “Tràng Giang” mang nghĩa là “Sông Dài”. Nhưng tại sao nhà thơ lại không đặt nhan đề của bài là “Sông Dài” mà lại lấy là “Tràng Giang”. Bởi lẽ “Tràng Giang” mang một sắc thái cổ kính, trang nhã, vần “ang” gợi nên sự mênh mang, bát ngát của sóng nước, còn là nỗi niềm của nhà thơ cũng mênh mang, vô định. Hai từ “Tràng Giang” như cho ta một nét buồn man mác, mang màu sắc cổ điển. “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài” đã toát lên không chỉ là cảnh mà còn là tình. Cảnh “trời rộng sông dài” còn tình người “bâng khuâng”. Bên cạnh đó, câu đề từ cũng gợi ra nét nhạc chủ âm cho bài thơ. Nét đẹp cổ điển của Tràng giang hiện lên qua những hình ảnh thiên nhiên hùng vĩ nhưng lại mang nỗi buồn da diết: “Sóng gợn Tràng Giang buồn điệp điệp”. Một hình ảnh đẹp đẽ của sóng gợn những từ ngữ “buồn điệp điệp” ở cuối câu thơ đã làm cho ta một cảm nhận về nỗi buồn dạt dào. Hình ảnh: “Lớp lớp mây cao đùn núi bạc” vẽ lên vẻ đẹp thiên nhiên tráng lệ, hùng vĩ, nhưng cũng không làm trôi đi nỗi sầu. Câu thơ cuối bài: “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà” được gợi từ hai câu thơ trong bài Hoàng Hạc lâu của nhà thơ Thôi Hiệu thời Đường, được nhà thơ Tản Đà dịch: “Quê hương khuất bóng hoàng hôn – Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”. Qua đó nói lên nỗi sầu xa xứ, nỗi buồn đau trăn trở và thêm da diết, ý thơ thêm sâu, tình thơ thêm lặng.
Cùng với nét đẹp cổ điển, vẻ đẹp hiện đại trong Tràng Giang cũng được nhà thơ thể hiện rất đặc sắc với bút pháp nghệ thuật điêu luyện. Những hình ảnh thơ rất bình dị, rất đời thường tưởng chừng như vô nghĩa nhưng lại rất có ý nghĩa: “ Con thuyền xuôi mái nước song song” đã tô đậm sự lẻ loi, đồng thời là sự chia li, là sự ám ảnh về những kiếp người lênh đênh, lạc loài: “Củi một cành khô lạc mấy dòng”. Hình ảnh thơ: “Lơ thơ cồn nhỏ – Đâu tiếng làng xa – nắng xuống trời lên – Sông dài, trời rộng, bến cô liêu”, là không gian được mở rộng và đẩy cao hơn, cảnh vật càng thêm vắng lặng, nhà thơ lắng nghe âm thanh cuộc sống nhưng chỉ cảm nhận được đây chính là tiếng dội hoang vắng của cõi lòng. Tác giả khẳng định sự có mặt của con người nhưng chỉ là để phủ nhận nó, chỉ còn thiên nhiên đẹp, cô quạnh. Hình ảnh: “bèo dạt về đâu – Mênh mông không một chuyến đò ngang” đã khắc sâu nỗi buồn về sự li tán, tan tác. “Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa” biểu tượng cho cái tôi nhỏ nhoi, cô độc trước cuộc đời ảm đạm, không có niềm vui. Vẻ đẹp hiện đại của bài thơ với tất cả những hình ảnh dường như vô nghĩa lí ấy đã tạo cho “Tràng Giang” một cái tính không bao giờ tắt trong bức tranh thiên nhiên mịt mờ, ảm đạm, đẹp nhưng quá đỗi buồn tẻ.
Sự kết hợp của hai vẻ đẹp cổ điển và hiện đại đã tạo nên một “Tràng Giang” cao đẹp, rộng lớn, mênh mang, hùng vĩ. Qua đó, Huy Cận đã bộc lộ nỗi sầu của một cái tôi cô đơn trước thiên nhiên hoang sơ nhưng thấm đượm tình người và lòng yêu nước thầm lặng, da diết.
“Thơ mới” xuất hiện trên thi đàn văn học Việt Nam như một dàn đồng ca đa sầu, đa cảm với những cái “tôi” cá nhân riêng. Và trong bức tranh nhiều cung bậc cảm xúc đó, Huy Cận được biết đến với hồn thơ buồn đến độ “ảo não”. Tác giả Hoài Thanh cũng đã từng viết về điều này: “... Ta ngẩn ngơ buồn trở về cùng Huy Cận” (“Thi nhân Việt Nam). “Tràng giang” là một trong những bài thơ hay nhất và thể hiện rõ nhất nỗi buồn của Huy Cận. Trong bài thơ, chất cổ điển và hiện đại cùng quyện hòa qua từng câu chữ, thi liệu, hình ảnh, ý thơ để làm nổi bật một tâm hồn giao hòa cùng vũ trụ, mang trong mình nỗi sầu nhân thế hòa quyện cùng tình yêu đất nước thầm kín.
Phong vị cổ điển của bài thơ trước hết được thể hiện rõ qua nhan đề “Tràng giang”. Tác giả đã sử dụng từ Hán Việt để tạo nên sắc thái cổ kính, trang trọng khiến cho dòng sông như chảy từ một thuở xa xưa nào đó của lịch sử và thấm nhuần bao áng cổ thi. Đặc biệt, tác giả nói “Tràng giang” thay cho cách nói “Trường giang” thông thường đem đến cảm giác dòng sông như dài hơn, rộng hơn, mênh mang đến vô tận, bởi sự lặp lại của âm “ang” – một âm tiết mở có độ vang.
Xuyên suốt bài thơ, vẻ đẹp cổ điển và hiện đại cùng quyện hòa một cách tinh tế trong từng khổ thơ, thể hiện rõ qua từng câu chữ, từng hình ảnh, thi liệu. Ở khổ thơ thứ nhất, tác giả đã sử dụng ý thơ của tao nhân xưa cùng những hình ảnh quen thuộc trong thơ cổ để chấm phá lên bức tranh của “Tràng giang” gam màu cổ điển:
“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng”
Ngay từ câu thơ đầu tiên, chúng ta đã thấy được phong vị cổ điển thông qua hình ảnh “sóng gợn”, gợi nhắc đến những vần thơ của Đỗ Phủ- bậc “thi thánh” trong nền văn học Trung Hoa ở bài “Đăng cao”:
“Vô biên mộc lạc tiêu tiêu hạ
Bất tận trường giang cổn cổn lai”
(“Rào rào lá trúc rừng cây thẳm
Cuồn cuộn sông về sóng nước tuôn”)
(Trích “Đăng cao”- Đỗ Phủ)
Nếu như nhà thơ Đỗ Phủ miêu tả thiên nhiên thông qua sự đối lập giữa sóng nước tuôn trào trong không gian của rừng cây thăm thẳm thì tác giả Huy Cận lại sử dụng nghệ thuật đối xứng “buồn điệp điệp”- “nước song song”. Những từ láy như “điệp điệp”, “song song” vừa tả sóng nước trên sông, vừa gợi nỗi lòng người và được đặt cuối mỗi câu thơ một cách tinh tế làm cho âm hưởng ngân vang và lan tỏa hơn. “Tràng giang” với muôn vàn con sóng nhỏ, nỗi buồn vô hình của thi nhân đã mượn chuyển động của từng con sóng để trở nên hữu hình. “Thuyền” và “nước” vốn là hai khái niệm gần gũi mang tính chất ước lệ trong thơ ca cổ được nhà thơ sử dụng và miêu tả trong sự đối xứng: con thuyền “xuôi mái” trôi trên dòng sông, sóng không vỗ vào mạn thuyền mà là “nước song song”. Nghệ thuật đối của thơ Đường đã được tác giả vận dụng một cách linh hoạt, tạo nên sự cân đối, nhịp nhàng. Nhờ đó, cảnh vật hiện lên trong sự tĩnh lặng mang phong vị cổ điển. Còn ở hai câu thơ sau, bên cạnh vẻ đẹp cổ điển, bài thơ lại nét hiện đại của thơ mới qua hình ảnh: “Củi một cành khô lạc mấy dòng”. Nếu thơ ca cổ đề cao vẻ đẹp sơn thủy hữu tình của “phong, hoa, tuyết, nguyệt” thì Huy Cận lại thả trên dòng tràng giang một cành củi khô - một chi tiết vô cùng chân thực và thường thấy trong thơ hiện đại. Biện pháp đảo ngữ đã được tác giả vận dụng một cách tinh tế để tạo nên cách diễn đạt độc đáo: “Củi một cành khô lạc mấy dòng” thay cho cách nói thông thường: “Một cành củi khô lạc mấy dòng” vừa nhấn mạnh trạng thái khô khan, héo hon và không còn sức sống của cành củi, đồng thời nhấn mạnh sự ít ỏi qua việc sử dụng số từ “một”, từ đó độc giả có thể thấy được tâm trạng cô đơn của thi nhân giữa dòng “Tràng giang” trong không gian ba chiều vô cùng rộng lớn, bao la.
Và khi rời dòng sông, đôi mắt của thi nhân lại đưa cái nhìn quan sát toàn cảnh của tràng giang:
“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều”
Gam màu cổ điển tiếp tục xuất hiện trong bức tranh thiên nhiên qua thi liệu, hình ảnh và ngôn từ. Trên những cồn cát nhỏ xuất hiện những làn gió “đìu hiu” mang nặng tâm trạng của nhân vật trữ tình. Tác giả đã vận dụng khéo léo từ ngữ “đìu hiu”vốn xuất hiện trong bản dịch “Chinh phụ ngâm” khi miêu tả không gian chiến trường thê lương và ảm đạm: “Non Kỳ quạnh quẽ trăng treo/ Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò”. Việc nhà thơ Huy Cận chịu ảnh hưởng từ thơ văn cổ không chỉ đem đến phong vị cổ điển mà còn có tác dụng khắc họa cảnh nhưng vẫn chất chứa và mang nặng tâm trạng của nhân vật trữ tình.
Chất cổ điển và hiện đại cùng quyện hòa được thể hiện rõ nhất ở khổ thơ cuối của bài thơ. Cảnh được gợi lên với bút pháp nghệ thuật quen thuộc của thơ ca cổ khi miêu tả cánh chim trong hoàng hôn
“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa”
Trong thơ ca xưa, cánh chim là thi liệu được dùng để điểm xuyết bức tranh thiên nhiên vào buổi chiều tà. Chúng ta từng bắt gặp hình ảnh cánh chim qua những ca dao hay rất nhiều tác phẩm văn học trung đại nổi tiếng:
“Chim bay về núi tối rồi”
(Ca dao)
“Chim hôm thoi thót về rừng”
(Truyện Kiều)
Trong thơ cổ, nỗi buồn hiu quạnh đã được gợi lên thông qua việc lấy không gian để miêu tả thời gian. Còn trong thơ Huy Cận, chúng ta cũng bắt gặp không gian trời chiều cùng cánh chinh đem đến phong vị cổ điển và gợi nhắc đến câu thơ của Vương Bột đời Đường: “Lạc hà cô lộ dữ tề phi” (Nắng chiều cùng cánh cò đơn chiếc đang bay). Cánh chim như một giọt nắng chiều đang rớt xuống và mang theo tâm trạng của người thi nhân.
Như vậy, bài thơ “Tràng giang” đã khắc họa bức tranh thiên nhiên về dòng sông gần gũi và quen thuộc, ẩn chứa bức tranh tâm trạng với nỗi sầu thiên cổ, sầu vũ trụ và sầu nhân thế. Tất cả đã được thể hiện qua sự quyện hòa của phong vị cổ điển và những nét hiện đại và mới mẻ.
Trong phong trào thơ mới 1932-1945, ta đã biết đến một Xuân Diệu luôn mang theo mình nỗi ám ảnh thời gian, thì Huy Cận lại được mệnh danh là nhà thơ luôn luôn mang nỗi ám ảnh không gian. Và cái nỗi ám ảnh ảnh ấy được thể hiện thông qua một bài thơ rất nổi tiếng của Huy Cận và cũng là bài thơ rất nổi tiếng của phong trào thơ mới giai đoạn 1932-1945, đó là Tràng Giang.
Huy Cận (1909-2005), tên thật là Cù Huy Cận, quê ở Hương Sơn, Hà Tĩnh. Xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo, ông là một trong những tác giả có nền học vấn vững chắc và bài bản nhất trong phong trào thơ mới, 20 tuổi đỗ tú tài, 24 tuổi là một kỹ sư canh nông. Ông tham gia vào cách mạng khá sớm vào năm 23 tuổi, ông là người hiếm hoi có cả sự nghiệp chính trị và văn chương đầy vẻ vang. Sự nghiệp sáng tác của ông được chia làm hai giai đoạn, trước cách mạng ông được biết đến là một trong những tác giả tiêu biểu nhất của phong trào thơ mới với tập Lửa thiêng, tập thơ đầu tay vinh danh ông trong phong trào thơ mới, sau cách mạng Huy Cận đã có một thời gian dài dừng lại, sau đó vào năm 1958 ông đã sáng tác lại với tác phẩm Đoàn thuyền đánh cá. Phong cách nghệ thuật của Huy Cận là sự giao hòa giữa vẻ đẹp cổ điển và hiện đại, ở nội dung đó là sự đan xen giữa nỗi sầu của vũ trụ, của thế nhân với nỗi cô đơn của cá nhân, về nghệ thuật đó là sự hòa trộn giữa hệ thống thi pháp thơ Đường và những nét thi pháp của thơ tượng trưng Pháp.
Tràng giang nằm trong tập thơ Lửa thiêng, xuất bản vào năm 1940, tác phẩm là sự hợp nhất của một nỗi sầu mênh mang và vẻ đẹp của dòng sông mênh mông sóng nước vừa cổ điển, vừa hiện đại, trên trời rộng, dưới sông dài.
Đọc toàn bài thơ, ta đã nhận ra ngay vẻ đẹp cổ điển và hiện đại hiện lên thật sắc nét trong cả nhan đề và lời đề từ. Với nhan đề Tràng giang, rõ ràng đây là một từ Hán Việt với hai âm mở "ang", âm thanh khi phát ra gợi nên những cái cảm giác về một không gian vừa cao, vừa xa lại vừa rộng, dài của một con sông hun hút chảy đến cuối trời, mang đến cho độc giả sự tĩnh lặng, cùng nỗi buồn mênh mang mờ mịt, đậm chất cổ điển. Lời đề từ: "Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài" vừa thâu tóm cả tình thơ vừa thâu tóm cả cảnh thơ một cách tinh tế, thể hiện được cái nỗi buồn thời đại của tác giả trước cảnh thiên nhiên rộng lớn, mang tầm vóc vũ trụ, đồng thời là nỗi buồn cô đơn trước khung cảnh quá mức mênh mang, vô định. Có thể nói nỗi sầu của tác giả là một nỗi sầu vừa cổ điển lại vừa hiện đại, hiện đại ở chỗ Huy Cận sầu cho bản thân, sầu cho cái "tôi" đầy cô đơn của mình, cổ điển ở chỗ nhà thơ lấy cái hoàn cảnh gây nên cái sầu đó chính là thiên nhiên trầm lặng, rộng lớn, giống với nhiều nhà thơ cổ thường đem nỗi buồn gửi gắm vào thiên nhiên, "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ".
Ta lần lượt phân tích rõ cái vẻ đẹp vừa cổ điển vừa hiện đại ấy qua từng khổ của bài. Ở khổ thơ đầu tiên đó là bức tranh sông nước buồn vắng.
"Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song.
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng."
Câu đầu tiên ta thấy là một bức tranh mà ở đó có hai đối tượng được tác giả tái hiện, đó là thiên nhiên "sóng gợn tràng giang", giữa một dòng sông vừa rộng lại vừa dài lại chỉ có những gợn sóng lăn tăn do gió thổi nhẹ mà nên, gợi cho ta cảm giác thật tĩnh lặng và khoáng đạt của dòng sông. Cụm "buồn điệp điệp" vừa tái hiện tâm trạng của thiên nhiên, lại cũng vừa tái hiện tâm trạng của lòng người. Hình ảnh "Con thuyền xuôi mái nước song song" thật lặng lẽ, êm đềm và có chút xót xa vương vấn, bởi ở ngay câu sau đó là hình ảnh xuôi ngược, chia lìa của hai sự vật vốn dĩ chung đôi "thuyền về nước lại", điều đó đã gợi lên một mối "sầu trăm ngả", dường như nỗi sầu đã lan rộng cả lòng sông. Câu thơ cuối đoạn, có lẽ là câu thơ nhấn mạnh nhất nỗi buồn của tác giả "Củi một cành khô lạc mấy dòng", rõ ràng câu thơ chỉ tả một cành củi khô, lênh đênh trên sóng nước, nhưng nghĩ kỹ ta sẽ mường tượng ra tâm hồn khô héo và cô đơn, vô định của tác giả. Đây là hình ảnh thơ mang nét hiện đại, ở chỗ so với những hình ảnh ước lệ khác như thuyền, nước hay sóng, thì hình ảnh củi khô gần như lạc quẻ, tuy nhiên chính nó đã đem lại nét phá cách cho cả bài. Chung quy lại nỗi buồn của tác giả là một nỗi buồn nhuốm màu cổ điển lại cũng có nét hiện đại, buồn mênh mang bao trùm lên cả cảnh vật, bởi rõ trong mắt người buồn chẳng có cảnh nào vui là thế. Đồng thời nhịp điệu của đoạn thơ cũng mang đậm màu sắc cổ điển ở những từ láy "điệp điệp", "song song", một bút pháp thường thấy trong Đường thi.
"Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu."
Ở khổ thơ tiếp tác giả quay sang miêu tả những thứ khác, rất nhiều từ láy được sử dụng như "lơ thơ", "đìu hiu", "chót vót", kết hợp với những hình ảnh mang tính đối lập như "Nắng xuống, trời lên", "Sông dài, trời rộng", đã mang đến cho từng vần thơ một nét đẹp cổ điển đậm đà. Thêm vào đó những cảnh vật và hoạt động diễn ra đều mang một nét buồn sâu lắng, cồn lơ thơ, gió đìu hiu, làng xa vãn chợ chiều, sông dài, trời rộng, bến cô liêu, tất cả đều gợi tả cảm giác cô đơn trong cái sắc tĩnh lặng cổ điển. Nét hiện đại ở trong khổ thơ là sự chuyển dịch cảm giác đầy thú vị và độc đáo "Nắng xuống, trời lên sâu chót vót", có hợp lý không khi cho cảm giác "sâu" đi với một tính từ chỉ độ cao "chót vót", nhưng chỉ có thế mới thể hiện hết được cái khoảng cách giữa sông với trời, giữa con người với vũ trụ bao la. Đây là một nét phá cách rất hiện đại mà những vần thơ cổ không làm được, bởi sự quy định chặt chẽ và an toàn.
"Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng;
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng."
Khổ thơ này có một hình ảnh rất cổ điển, ấy là bèo, bèo tượng trưng cho kiếp số lênh đênh và vô định của đời người, và có rất nhiều cánh bèo như thế "hàng nối hàng", thể hiện cái nỗi buồn rợn ngợp của tác giả trước cảnh "Mênh mông không một chuyến đò ngang". Câu thơ tiếp theo tác giả đã trực tiếp thể hiện cái cảm xúc thật của mình: "Không cầu gợi chút niềm thân mật", đây lại là một nét hiện đại trong thơ, câu cuối "Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng" đó là phiếm chỉ sự cô đơn cùng cực, chỉ toàn bờ bãi nào có một tâm hồn khác.
"Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà."
Trong khổ thơ cuối ta nhìn thấy nhiều nét đẹp cổ điển hơn, mặc dù câu thơ đầu "Lớp lớp mây cao đùn núi bạc," là một câu thơ được Huy Cận lấy ý từ một bài thơ cổ của Đỗ Phủ, trong câu "Mặt đất mây đùn cửa ải xa", nhưng nhà thơ đã có sự sáng tạo trong việc sử dụng từ láy "lớp lớp" khiến người ta liên tưởng đến độ dày đặc của mây vờn quanh núi, khiến màu núi gần như màu bạc. Trong đó, từ "đùn" lại mang đến một nét động cho bài thơ, một nét hiện đại, bởi giữa cái yên ắng, tĩnh lặng ta lại mới thấy được một cái động tĩnh là như thế. Đến câu "Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa", hình ảnh chim nghiêng cánh vốn đã quá quen thuộc trong thơ ca cổ điển, nó mang lại một cái ý thức thời gian kín đáo, dợn buồn. Nhưng đến hai câu sau trái ngược với nét cổ điển của câu trước thì lại là tâm tư thật giản dị và rõ ràng của tác giả thông qua những câu chữ hết sức thẳng thắn, nhà thơ đang nhớ nhà, nhớ quê, đây là cái nét hiện đại của hồn thơ Huy Cận, không ước lệ trong những cảm xúc cốt yếu của mình.
Tràng giang một trong những bài thơ xuất sắc của Huy Cận, tiêu biểu cho phong trào thơ mới những năm 1932-1945. Trong bài, ta nhận thấy những vẻ đẹp trữ tình vừa cổ điển lại vừa hiện đại của khung cảnh thiên nhiên bao la rộng lớn, đồng thời cũng là tâm trạng của tác giả trong nỗi buồn xa quê, nhớ nhà. Những điều đó đã gián tiếp thể hiện cái tình đời, lòng yêu quê hương đất nước tha thiết của Huy Cận qua những vần thơ của Tràng giang.
Huy Cận là một trong những trụ cột của phong trào Thơ Mới. Cùng thế hệ với Huy Cận, nhiều người hăng hái vận dụng cái mới trong thơ Tây phương nhằm cách tân về thi pháp, riêng tác giả thi phẩm Lửa thiêng thì thường lẳng lặng kết hợp và dung hòa giữa chủ nghĩa tượng trưng trong thơ Pháp với cái hàm súc, sâu lắng của thơ Đường để tạo cho thơ mình một vẻ đẹp riêng : vẻ đẹp cổ điển mà hiện đại.
Có thể coi nét đặc sắc của bài thơ Tràng giang là ở sự kết hợp hài hòa hai phẩm chất: màu sắc cổ điển và chất hiện đại.
Tràng giang còn là một thi phẩm được viết trên tinh thần không khước từ với truyền thống. Tác giả vận dụng được nhiều nét tinh hoa của văn chương trung đại và tạo cho bài thơ một vẻ đẹp hài hoà giữa màu sắc cổ điển và màu sắc hiện đại phù hợp với phong cách thơ giàu suy tưởng của chính mình. Màu sắc cổ điển đậm đà, in dấu ấn toàn diện tạo nên vẻ độc đáo của một bài Thơ Mới.
Bài thơ mới lại có nhan đề bằng chữ Hán. “Tràng” (một âm đọc khác của “trường”) gợi sự cổ kính. “Giang” là tên chung để chỉ các dòng sông. Hai chữ này gợi một không gian cổ kính, trang trọng, bát ngát như trong Đường thi, gợi nhớ câu thơ nổi tiếng của Lý Bạch: “Duy kiến trường giang thiên tế lưu” (Hoàng Hạc Lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng). Ngay từ thi đề, nhà thơ đã khéo gợi lên vẻ đẹp cổ điển cho bài thơ. "Tràng giang" là một cách nói chệch đầy sáng tạo của Huy Cận. Hai âm "ang" đi liền nhau đã gợi lên trong người đọc cảm giác về con sông, không chỉ dài vô cùng mà còn rộng mênh mông, bát ngát. Hai chữ "tràng giang" mang sắc thái cổ điển trang nhã, gợi liên tưởng về dòng Trường Giang trong thơ Đường thi, một dòng sông của muôn thuở vĩnh hằng, dòng sông của tâm tưởng.
Tứ thơ "Tràng giang" mang nét cổ điển như thơ xưa: Nhà thơ thường ẩn đằng sau cái mênh mông sóng nước, không như các nhà thơ mới thường thể hiện cái tôi của mình. Nhưng nếu các thi nhân xưa tìm đến thiên nhiên để mong hòa nhập, giao cảm, Huy Cận lại tìm về thiên nhiên để thể hiện nỗi ưu tư, buồn bã về kiếp người cô đơn, nhỏ bé trước vũ trụ bao la.
“Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”.
Trời rộng gợi cảm giác về sự vô biên của vũ trụ. Sông dài tạo ấn tượng về cái vô cùng của không gian. Trời rộng và sông dài mở ra không gian ba chiều gợi cảm giác rợn ngợp của con người cô đơn, bé nhỏ trước cái mênh mang, bất tận của trời đất. Tâm trạng này từng được diễn tả một cách sâu sắc trong những vần thơ cô đọng, đầy ám ảnh của Trần Tử Ngang trong Đăng U Châu đài ca:
Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu bất kiến lai giả
Niệm thiên địa chi du du
Độc thương nhiên nhi thế hạ
(Người trước không thấy ai
Người sau thì chưa tới
Ngẫm trời đất thật vô cùng
Một mình xót xa mà rơi lệ)
Niềm ám ảnh thường trực trong thơ Huy Cận là sự hữu hạn của kiếp người trước cõi vô biên của vũ trụ. Mỗi khi đối diện với một không gian rộng lớn, mênh mang nỗi ám ảnh trên thường thăng hoa thành niềm cô đơn, sầu muộn khó hóa giải.
Thơ Huy Cận thiên về suy tưởng triết lý hơn là giãi bày, bộc lộ. Câu đề từ giản dị, ngắn gọn với chỉ bảy chữ nhưng đã thâu tóm được cảm xúc chủ đạo của cả bài: "Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài". Trước cảnh "trời rộng", "sông dài" sao mà bát ngát, mênh mông của thiên nhiên, lòng con người dấy lên tình cảm "bâng khuâng" và nhớ. Từ láy "bâng khuâng" được sử dụng rất đắc địa, nó nói lên được tâm trạng của chủ thể trữ tình, buồn bã, u sầu, cô đơn, lạc lõng. Và con "sông dài", nghe miên man tít tắp ấy cứ vỗ sóng đều đặn khắp các khổ thơ, cứ cuộn sóng lên mãi trong lòng nhà thơ làm rung động trái tim người đọc.
Ở Tràng giang, ta bắt gặp nhiều hình ảnh quen thuộc trong thơ cổ: con thuyền, dòng sông, cánh bèo, mặt nước. Có những hình ảnh tượng trưng thường gặp trong thơ cổ : Tràng giang, sông dài, trời rộng, bến cô liêu, mây cao, núi bạc, cánh chim nhỏ, bóng chiều sa, khói hoàng hôn, cuộc sống con người thì buồn tẻ, chán chường với "vãn chợ chiều", mọi thứ đã tan rã, chia lìa.
Nhà thơ lại nhìn về dòng sông, nhìn cảnh xung quanh mong mỏi có chút gì quen thuộc mang lại hơi ấm cho tâm hồn đang chìm vào giá lạnh, về cô đơn. Nhưng thiên nhiên đã đáp trả sự khao khát ấy bằng những hình ảnh càng quạnh quẽ, đìu hiu:
Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng,
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cần gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.
Hình ảnh cánh bèo trôi bồng bềnh trên sông là hình ảnh thường dùng trong thơ cổ điển, nó gợi lên một cái gì bấp bênh, nổi trôi của kiếp người vô định giữa dòng đời. Bèo trôi hàng nối hàng càng khiến lòng người rợn ngợp trước thiên nhiên, để từ đó cõi lòng càng đau đớn, cô đơn. Bên cạnh hàng nối hàng cánh bèo là "bờ xanh tiếp bãi vàng" như mở ra một không gian bao la vô cùng, vô tận, thiên nhiên nối tiếp thiên nhiên, đường không có con người, không có chút sinh hoạt của con người, không có sự giao hoà, nối kết.
Huy Cận lại khéo vẽ nét đẹp cổ điển và hiện đại cho bầu trời trên cao:
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa.
Bút pháp chấm phá với "mây cao đùn núi bạc" thành "lớp lớp" đã khiến người đọc tưởng tượng ra những núi mây trắng được ánh nắng chiếu vào như dát bạc. Hình ảnh mang nét đẹp cổ điển thật trữ tình và lại càng thi vị hơn khi nó được khơi nguồn cảm hứng từ một tứ thơ Đường cổ của Đỗ Phủ:
Mặt đất mây đùn cửa ải xa.
Cổ điển ở tứ thơ sóng đôi
“Tràng giang” được cấu tứ trên nền cảm hứng không gian sóng đôi. Có dòng “Tràng giang” thuộc về thiên nhiên trong tư cách một không gian hữu hình và (cũng có) dòng “Tràng giang” tâm hồn như một không gian vô hình trong tâm tưởng. Đây vốn là cấu tứ quen thuộc của Đường thi.
Tiếp cận Tràng Giang trong tư cách dòng sông thiên nhiên có thể thấy một điều đặc biệt: khổ thơ nào cũng có thông điệp về nước. Thông điệp trực tiếp là các từ : “nước”, “con nước”, "dòng”… Thông điệp gián tiếp là các từ : “sóng gợn”, “cồn nhỏ”, “bèo dạt”, “bờ xanh”, “bãi vàng”…
Tiếp cận Tràng giang với tư cách dòng sông cảm xúc trong tâm hồn lại phát hiện thêm một điều thú vị nữa: Cảnh nào cũng gợi buồn. Sóng buồn vô hạn (buồn điệp điệp); gió đầy tử khí: “đìu hiu” gợi nhớ đến câu: “Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò” (Chinh phụ ngâm); bến sông cô đơn vắng vẻ: “bến cô liêu”; nước với nỗi buồn trải khắp không gian: “sầu trăm ngả”.
Màu sắc cổ điển còn được bộc lộ qua cách sử dụng nghệ thuật đối của Đường thi nhưng khá linh hoạt và phóng túng. Chẳng hạn: “Sóng gợn…” đối với “Con thuyền…”; “Nắng xuống" đối với "trời lên…”; “sông dài" đối với "trời rộng…”. Nhưng đóng góp quan trọng hơn cả là nghệ thuật đối được sử dụng một cách triệt để bằng hai hệ thống hình ảnh mang tính tương phản giữa một bên là những sự vật nhỏ bé, gợi suy ngẫm về cái hữu hạn của kiếp người: thuyền, củi, bến, bèo, cánh chim… và một bên là những hình ảnh lớn lao, hùng tráng gợi liên tưởng về cái vô hạn của vũ trụ: sông dài, trời rộng, lớp lớp mây cao, núi bạc…
Sử dụng hệ thống từ láy gợi âm hưởng cổ kính: (10 lần/ 16 dòng thơ, cách ngắt nhịp truyền thống: 3/4). Hệ thống từ láy trải khắp bài thơ: “Tràng giang”, “điệp điệp”, “song song”, “lơ thơ”, “đìu hiu”, “chót vót”, “mênh mông”, “lặng lẽ”, “lớp lớp”, “dợn dợn”.
Ngoài ra, tác giả còn sử dụng sáng tạo thi liệu của Đường thi với rất nhiều hình ảnh và chất liệu quen thuộc. Đặc biệt câu kết mượn thẳng ý thơ của Thôi Hiệu trong bài Hoàng Hạc Lâu : “Yên ba giang thượng sử nhân sầu” (Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai - Tản Đà dịch). Điểm khác biệt ở hai tác giả là : Nỗi nhớ nhà của Thôi Hiệu được gợi từ hình ảnh “khói sóng” còn nỗi nhớ của Huy Cận không cần tác động của ngoại giới (Không khói hoàng hôn) vì đã là một yếu tố nội tâm thường trực. Đây cũng là nét khác biệt cơ bản của hai cách phô diễn cảm xúc tạo nên đặc điểm riêng của thi pháp thơ trung đại và thi pháp thơ hiện đại khiến người đọc phải phân tích vẻ đẹp cổ điển và hiện đại trong bài thơ Tràng giang một cách kĩ càng hơn, sâu sắc hơn.
Dù bài thơ Tràng giang có in đậm màu sắc cổ điển trên một số phương diện như đã phân tích thì hiện đại vẫn là nét chính của thi phẩm này. Bởi cảm hứng chủ đạo của bài thơ là nỗi buồn mênh mang, sâu lắng của cái tôi cô đơn trước vũ trụ được bộc lộ một cách trực tiếp qua một cách diễn đạt cô đọng và hàm súc. Tâm trạng của một cái tôi lãng mạn đó lại được thể hiện bằng bút pháp tả thực vừa phá vỡ qui tắc ước lệ truyền thống vừa đem đến một phong cách trữ tình mới.
Nét hiện đại trong Tràng giang trước nhất thể hiện ở “nỗi buồn thế hệ” của một “cái tôi” Thơ mới thời mất nước “chưa tìm thấy lối ra”, qua xu hướng giãi bày trực tiếp “cái tôi” trữ tình (buồn điệp điệp, sầu trăm ngả, không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà…), qua những từ ngữ sáng tạo mang dấu ấn xúc cảm cá nhân của tác giả (sâu chót vót, niềm thân mật, dợn…).
Mặt khác, Tràng giang cũng không thiếu những hình ảnh, âm thanh chân thực của đời thường, không ước lệ (củi khô, tiếng vãn chợ chiều, bèo dạt…). Bài thơ hiện đại và là một bài thơ mới. Có cái mới của hồn thơ, có cái mới của chủ thể trữ tình. Khác với thơ xưa, tâm trạng của chủ thể trữ tình, cảm hứng cá nhân của nhà thơ chạy suốt toàn bài mới là nhất quán. Nó khác hẳn với kết cấu đề - thực - luận - kết, hay tiền giải - hậu giải của thơ Đường. Bài thơ hiện đại trong cách cảm nhận sự vật, trong cách sử dụng thi liệu hình ảnh : củi, sông, nắng, bèo, cát, cây xanh, cánh chim,... Tất cả làm nên một bức tranh thiên nhiên quê hương gần gũi, quen thuộc. Bởi nó đã in dấu, đã hằn sâu, đã hòa cùng dòng chảy và đã lẫn vào những cảnh quê hương sông nước trên khắp đất nước Việt Nam yêu dấu.
Ngay trong khổ thơ đầu, nỗi sầu muộn đã thấm vào cái nhìn cảnh vật. Tuy thuyền và nước “song song” nhưng “thuyền về” ngược hướng với “nước lại” gợi liên tưởng về một sự ngổn ngang trăm mối trong lòng. Và hình ảnh gây ấn tượng chính là hình ảnh củi trong câu “Củi một cành khô lạc mấy dòng”. Theo lời thổ lộ của chính tác giả, trong bản thảo, ông đã băn khoăn nhiều, cân nhắc rất kỹ trước khi chọn hình ảnh này. Quả nhiên, chi tiết giàu chất thực đó mang đến cho câu thơ một màu sắc hiện đại. Hình ảnh “củi” không chỉ tạo một ấn tượng mới mẻ mà còn gợi những liên tưởng và suy ngẫm về kiếp người lam lũ, tủi cực, lênh đênh…
Mạch cảm xúc trong khổ thơ tiếp theo diễn tả nỗi ám ảnh về cái hờ hững, mất liên lạc giữa con người và tạo vật cùng cảm giác trống trải của tâm hồn con người trước cái thế giới hoang vắng với hình ảnh bóng cây “lơ thơ” trên những cù lao nhỏ trơ trọi và ngọn gió hiu hắt buồn như thổi về từ nghìn năm trước. Cảm giác trống trải trước một không gian hoang sơ, vắng lặng càng được tô đậm khi tác giả sử dụng nghệ thuật diễn tả cái động để làm nổi bật cái tĩnh:
“Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều…”.
Câu thơ này từng gợi ra hai cách hiểu. Một, âm thanh vẳng tới mơ hồ như có như không của phiên chợ vẫn ở làng xa khiến nhân vật trữ tình thấm thía hơn nỗi cô đơn trước một không gian tĩnh lặng gần như tuyệt đối. Hai, đây chỉ là một ý nghĩ bất chợt, gần như một ảo giác do những mong mỏi thầm kín trong thẳm sâu hồn người vào khi chiều xế trong thời điểm tâm hồn rơi vào một nỗi cô đơn mang tính muôn thuở.
Nhưng câu thơ "Nắng xuống trời lên sâu chót vót" mới thực sự gây ấn tượng mạnh bởi cách sử dụng nghệ thuật tiểu đối, bởi lối dùng từ mới mẻ, táo bạo (cách dùng hình dung từ "sâu chót vót" thay cho cách diễn đạt thông thường cao chót vót) vừa mở ra chiều cao mênh mang đến thăm thẳm của bầu trời vừa diễn tả nỗi cô đơn của cái tôi trữ tình, đặc biệt là cảm giác rợn ngợp của con người hữu hạn trước một vũ trụ vô biên.
Nếu câu thơ vừa phân tích chủ yếu gợi ấn tượng rợn ngợp bởi nỗi cô đơn do chiều cao vô cùng của bầu trời đem lại thì câu thơ tiếp theo sử dụng nhịp 2/2/3 cùng hàm ý nhấn mạnh vào các tính từ miêu tả không gian : sông dài/ trời rộng/ bến cô liêu… nghe tựa như một tiếng thở dài đầy bâng khuâng và sầu muộn của cái tôi trước tạo vật hững hờ. Nỗi sầu muộn đó sẽ còn tiếp tục gây ám ảnh trong khổ thơ tiếp theo khi cái tôi trữ tình đối diện với một thiên nhiên gần như ngoảnh mặt làm ngơ với bao nỗi niềm cần chia sẻ của con người:
Bèo dạt về đâu hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng
Trong khổ thơ có những câu hỏi không thể có câu trả lời. Những câu hỏi như để khơi sâu thêm nỗi buồn, cảm giác hẫng hụt và đặc biệt là tình cảnh bơ vơ của cái tôi trước một thế giới không còn là nơi nương tựa quen thuộc như muôn nghìn năm trước nữa.
Trong khổ thơ còn có sự diễn đạt mang tính tăng cấp nhấn vào các ngôn từ mang tính phủ định khiến người đọc nảy sinh những liên tưởng và so sánh. Từ “khách vắng teo” của Nguyễn Khuyến qua “đã vắng người sang những chuyến đò” của Xuân Diệu cho đến hàng loạt từ “không đò”, “không cầu”, “lặng lẽ” của Huy Cận là cả một hành trình “càng đi sâu càng thấy lạnh” (Hoài Thanh) của con người khi bước vào thế giới hiện đại.
Khổ thơ cuối diễn tả một sự đối lập cao độ giữa con người với vũ trụ. Cái mênh mông của không gian: “lớp lớp mây cao đùn núi bạc” tương phản gay gắt với hình ảnh “chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa”. Rõ ràng, không còn là cánh chim mang tính nghệ thuật thuần túy duy mĩ như trong Đường thi: “Chiếc cò bay với ráng pha/ Sông xanh cùng với trời xa một màu - Vương Bột” hay cảnh “Bạch lộ song song phi hạ điền” (Đôi cò trắng song song bay xuống cánh đồng - Thiên Trường vãn vọng - Trần Nhân Tông) nữa. Cánh chim ở đây chứa đựng cái tôi rợn ngợp trước hoàng hôn, gợi ám ảnh về cái hữu hạn của kiếp người trước cái vô hạn của tạo hoá.
Nhu cầu tìm về một hình ảnh thân thương, quen thuộc sưởi ấm lòng người trong bối cảnh nỗi cô đơn đang ngập tràn tâm trạng như sắp dìm cái tôi trữ tình vào một nỗi buồn vừa mang tính muôn thuở vừa chưa từng trải qua bao giờ sẽ là một tất yếu. Đấy là lý do vì sao bài thơ kết thúc bởi hai câu:
Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà
Vừa như chịu ảnh hưởng từ hai câu thơ của nổi tiếng của Thôi Hiệu: Nhật mộ hương quan hà xứ thị/ Yên ba giang thượng sử nhân sầu vừa như muốn đối lập với người xưa bằng lối bộc lộ cảm xúc trực tiếp theo phong cách của con người thời hiện đại.
Tràng giang là một trong số không nhiều thi phẩm tuyệt tác của phong trào Thơ Mới. Cả bài thơ vừa mang nét đẹp cổ điển, vừa mang nét hiện đại. Vẻ đẹp cổ điển được thể hiện qua lối thơ bảy chữ mang đậm phong vị Đường thi, qua cách dùng từ láy nguyên, qua việc sử dụng các thi liệu cổ điển quen thuộc như: mây, sông, cánh chim... Và trên hết là cách vận dụng các tứ thơ cổ điển, gợi cho bài thơ không khí cổ kính, trầm mặc của thơ Đường.
Cả bài thơ "Tràng giang" bàng bạc trong không khí Đường thi, không khí cổ điển dân tộc. Điều ấy được tạo nên bằng hàng loạt yếu tố được thống nhất nhuần nhuyễn (từ đề tài đến thể thơ, từ hình ảnh đến ngôn ngữ,...). Nào tứ thơ lữ khách trước hoàng hôn, con người trước cái mênh mang của vũ trụ, nào "lớp lớp mây cao", "chim nghiêng cánh", nào "khói hoàng hôn" trên sông nước mênh mông,... tất cả đều phảng phất sắc màu Đường thi, sắc màu cổ điển. Vẻ đẹp hiện đại lan tỏa qua các câu chữ sáng tạo, độc đáo của nhà thơ như "sâu chót vót", dấu hai chấm thần tình. Nhưng vẻ đẹp ấy đọng lại cuối cùng là tâm trạng nhớ quê hương ngay khi đứng giữa quê hương, nét tâm trạng hiện đại của các nhà tri thức muốn đóng góp sức mình cho đất nước mà đành bất lực, không làm gì được. Trong cái "cũ" lại ẩn chứa một tình cảm rất thời đại: nỗi buồn cô đơn của một cá nhân trong lòng xã hội thực dân nửa phong kiến.
Bài thơ là một thể hiện đặc sắc của hiện tượng "bình cũ rượu mới" thú vị trong văn chương. Nếu Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong tất cả những nhà thơ mới thì Huy Cận là nhà thơ có công tô bồi cho lâu đài thơ mới càng thêm lồng lộng sáng đẹp. Là một nhà thơ mới nhưng Huy Cận đã hoà vào dòng chảy của thơ Mới một cách nhuần nhị những yếu tố cổ điển của văn học trung đại Việt Nam, của Đường thi. Trong nỗi niềm “mang thiên cổ sầu” của người phương Đông xưa trước con người và vũ trụ, nhà thơ lồng vào đấy nỗi cô đơn của con người cá nhân ý thức cái tôi cá thể vừa tiếp thu được từ triết học và thơ ca phương Tây.
Cái tôi cá thể từ văn hoá văn học Pháp bước xuống cuộc đời để rồi cảm nhận nỗi cô đơn, bất lực của mình, nên ngoái nhìn về phía quê nhà, về phía truyền thống, mong cầu được sống với cái ta làng xã ngày xưa. Thơ ông, do đó chính từ việc phân tích vẻ đẹp cổ điển và hiện đại trong bài Tràng giang mà người đọc có thể thấy sự hoà hợp giữa thi pháp thơ Đường với thi pháp thơ tượng trưng Pháp.
CLICK NGAY vào nút TẢI VỀ dưới đây để tải các bài văn mẫu: Phân tích vẻ đẹp cổ điển và hiện đại trong bài Tràng giang Văn lớp 11 file word, pdf hoàn toàn miễn phí.