Logo

Soạn văn 11 Bài ca ngắn đi trên bãi cát chi tiết nhất

Soạn văn 11 Bài ca ngắn đi trên bãi cát - Cao Bá Quát chi tiết nhất hướng dẫn trả lời các câu hỏi trang 42 SGK giúp các em hiểu và tiếp thu bài giảng hiệu quả nhất
5.0
0 lượt đánh giá

Soạn văn lớp 11: Bài ca ngắn đi trên bãi cát do Cao Bá Quát sáng tác thuộc môn Ngữ văn lớp 11 học kỳ 1. Bài soạn dưới đây giới thiệu với các bạn để tham khảo về hình tượng nhân vật trữ tình của bài thơ và con đường trên bãi cát dài tượng trưng cho đường đời xa xôi mờ mịt giúp học tập tốt môn Ngữ Văn lớp 11 chuẩn bị cho bài giảng sắp tới đây của mình.

Mẫu 1: Soạn bài Bài ca ngắn đi trên bãi cát lớp 11

Kiến thức cơ bản

Cao Bá Quát (1809-1854) người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh (nay là ngoại thành Hà Nội). Ông là người tài năng, đức độ nhưng từng chịu nhiều bất hạnh. Ông tong ra làm quan với triều Nguyễn, rồi từ quan và tham gia lãnh đạo khởi nghĩa nông dân để rồi chịu cái án tru di tam tộc oan nghiệt.

Sa hành đoản ca thuộc thể thơ cổ thể, không gò bó vào luật, vần gieo tương đối tự do... Bài thơ thể hiện tâm trạng của một con người đang cảm thấy bế tắc trên đường đời. Để thể hiện tâm trạng ấy tác giả đã dùng hình ảnh có ý nghĩa biểu tượng: một con người đi trên con đường giữa bãi cát dài. Tâm sự của nhân vật trữ tình trong bài thơ chính là những nỗi niềm day dứt của nhà thơ Cao Bá Quát trong hành trình đi tìm lí tưởng sống cho riêng mình. Qua đó thể hiện vấn đề nhanạ đường của người trí thức trong thời kì chế độ phong kiến đã suy tàn và niềm khao khát vươn tới lí tưởng sống cao đẹp của con người. Bài thơ có nhiều yếu tố hiện đại thể hiện những sáng tạo nghệ thuật của tác giả.

Rèn kĩ năng

Con đường trên bãi cát dài biểu trưng cho đường đời xa xôi mờ mịt. Con đường đi tìm chân lí vô cũng gian nan và nhiều thử thách. Hình ảnh này có ý nghĩa biểu tượng nghệ thuật cho tâm trạng của nhân vật trữ tình xuyên suốt bài thơ. Đó là sự trăn trở day dứt, là khao khát tìm kiếm con đường lí tưởng cho cuộc đời.

Hình tượng nhân vật trữ tình của bài thơ là hình tượng có ý nghĩa biểu tượng. Đó là một con người cô đơn lẻ loi bước đi những bước vô cùng nặng nhọc và vất vả giữa một bãi cát mênh mông nắng cháy. Người đi ấy đi nhưng bước đi đầy tâm sự. Nguyên nhân sự khó nhọc cất bước ấy không phải là do bãi cát hay con đường mà do tâm trạng. Thông thường đi trên cát thật khó khăn. Bãi cát dài rộng lại khiến ta nghĩ đến những sa mạc mênh mông. Nơi chỉ hứa hẹn với người đến những điều cực khổ và không may mắn. Chọn hình ảnh bãi cát và con đường độc bộ của nhân vật trữ tình là một bài thơ là một lựa chọn rất hiện đại của tác giả.

Người khách bộ hành cô đơn trên con đường đầy gian nan là hình tượng khái quát cho quá trình con người đi tìm chân lí giữa cuộc đời mờ mịt.

Nhà thơ đã nói lên một quy luật phổ biến của đời sống: con người luôn không ngừng đua chen để dành lấy danh lợi. Và chính điều đó khiến con người rơi vào bi kịch.

Tác giả đã dùng nhiều đại từ nhân xưng khác nhau để chỉ nhân vật trữ tình – tác giả, điều này giúp cho nhà thơ có thể cảm nhận tâm trạng ở nhiều vị trí, nhiều chủ thể khác nhau, đồng thời có thể thể hiện độc thoại, đối thoại với chính mình, qua đó thể hiện tâm trạng mâu thuẫn của tác giả trong quá trình đi tìm lí tưởng sống cho mình. Nhân vật trữ tình với các trạng thái tâm trạng khác nhau được thể hiện một cách đa chiều cho thấy diễm biến tâm trạng phức tạp của tác giả khi đứng trước hiện thực mù mịt.

Các câu cảm thán (Trèo non, lội suối, giận khôn vơi!, Bãi cát dài, bãi cát dài ơi!) câu hỏi tu từ (Người say vô số, tỉnh bao người?, Tính sao đây? Đường bằng mờ mịt, Đường ghê sợ còn nhiều, đâu ít?, Anh đứng làm chi trên bãi cát?) đã góp phần rất quan trọng vào việc thể hiện thành công tâm trạng bế tắc và khát khao tìm ra con đường đi đúng cho bản thân. Sự xuất hiện nhiều lần hai loại câu này đã thể hiện nỗi băn khoăn day dứt đến tuyệt vọng và cả nhữung mâu thuẫn đang giằng xé nội tâm của người đi khi tìm mãi không ra lối thoát cho đường đời.

Từ tâm trạng của nhân vật trữ tình có thể suy đoán rằng, tác giả làm bài thơ này sau nhiều lần thất bại và thất vọng trước cuộc đời. Vì thất bại nên nhân vật trữ tình đang muốn tìm một con đường mới. Nhưng con đường mới trên cát thì thật khó khăn. Bài thơ thể hiện rất rõ sự bế tắc của nhà thơ khi đi tìm hướng đi đúng đắn cho cuộc đời mình. Trên thực tế, Cao Bá Quát cũng không ngừng tìm hướng đi, tìm lí tưởng sống cho mình. Ông cũng đã từng loay hoay trong vòng tròn của chế độ thi cử, của con đường quen thuộc "tề gia trị quốc bình thiên hạ" của nhà Nho. Những Cao Bá Quát đã thất bại. Có lẽ, đây là bài thơ thể hiện khá trung thực tâm sự của cái Tôi cá nhân thi sĩ, điều còn ít thấy trong văn học trung đại.

Tư liệu tham khảo

"... Bài thơ dựng một hình tượng nhân vật (Khách đi đường, cái tôi của tác giả) với ba cung bực cảm xúc và suy tưởng, càng về cuối càng sâu sắc cứng cỏi, đầy bản lĩnh.

a. Sáu câu đầu:

Bãi cát, bãi cát dài,
....
Trèo non lội suối, giận không nguôi.

vẽ một chân dung con người thật gan góc, quả cảm, vừa đẫm chất hiện thực, vừa mang ý nghĩa ẩn dụ đặc sắc.

  • Bãi cát, cũng là cuộc sống nói chung dài rộng, mênh mông luôn thử thách con người. Điệp từ "bãi cát" nối nhau hai lần và hình ảnh con người bước lên một bước, lại như bị đẩy lùi một bước trong ánh chiều tà mặt trời lặn dựng được thật chính xác những khó khăn, thử thách của cuộc đời đối với mỗi kiếp người.
  • Giữa bãi cát buổi chiều tà ấy, người khách bộ hành đã gắng gỏi tưởng đến kiệt sức. Mỗi bước anh đi là một dòng nước mắt và mồ hôi tuôn trào lã chã. Nhưng anh không nản, trái lại chỉ tự giận mình không có phép tiên để chiến thắng đường dài, cát bỏng. Câu thơ "Không học được tiên ông phép ngủ, Trèo non, lội suối giận không nguôi" tuy là một lời than về sự hạn hẹp tài năng sức lực của mình, nhưng vẫn cháy lên một khát vọng.

b. Bốn câu tiếp:

"Xưa nay phường danh lợi...
Say cả, hỏi tỉnh được mấy người."

là một sự đối chứng nghiêm khắc để khách bộ hành cũng chính là nhà thơ kẻ đang rong ruổi trên bãi cát cuộc đời tự động viên mình mà tiếp tục vững bước. Đặt hình ảnh người khách bộ hành đi trên bãi cát "Trèo non, lội suối..." với hình ảnh bọn người danh lợi "Gió thoảng hơi men trong quán rượu" bên nhau, thái độ khẳng định và phê phán của Cao Bá Quát thật rõ ràng dứt khoát. Câu hỏi "Say cả, hỏi tỉnh được mấy người", rạch ròi một sự đánh giá. Nói cụ thể hơn, đối với Cao Bá Quát "Phường danh lợi" kia là những kẻ ... "Say cả". "Người tỉnh" chả mấy ai và đang rong ruổi, đọa đày trên bãi cát mịt mờ, đầy trắc trở.

c. Sáu câu tiếp, nhất là bốn câu cuối cùng:

Nghe ta ca "cùng đồ" một khúc:

Phía bắc núi Bắc, núi muôn lớp,
Phía nam núi Nam, sóng muôn đợt,
Sao mình anh còn trơ trên bãi cát?

Cất cao lên tiếng hát cứng cỏi đầy bản lĩnh của người khách bộ hành, cũng chính là thái độ sống mạnh mẽ của Cao Bá Quát. Bài ca "cùng đồ" của nhà thơ vừa tiếp nối hình ảnh bãi cát khủng khiếp ở đoạn trên, vừa nhận mạnh thêm những thử thách mới. "Phía bắc núi Bắc... Phía nam... sóng muôn đợt". Vậy là con đường trước mặt người đi đâu chỉ có cát mà thêm cả núi non hiểm trở, "sóng biển" trập trùng nối tiếp. Trước cả một vũ trụ dữ dội như thế "Sao mình anh còn trơ trên bãi cát?". Câu kết của bài thơ ngân lên như một lời tự vấn, hay một lời hứa, lời thề, một khát vọng quyết tâm tiếp bước, một mình tiếp bước. Có lẽ câu thơ mang cả ba ý nghĩa ấy. Trước những thử thách của cuộc đời, Cao Bá Quát đã từng băn khoăn day dứt, muốn buông xuôi, nhưng rồi ông lại vượt lên và bằng một bản lĩnh của nhà nho chân chính yêu thương con người, căm ghét bất công để đi tới và cuối cùng thì tham gia cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương chống lại triều đình nhà Nguyễn thối nát.

Tóm lại qua bài Sa hành đoản ca này, chúng ta hiểu rõ hơn nhân cách của nhà thơ Cao Bá Quát. Đó là một con người không chỉ rất tài hoa, giàu tình cảm nhân đạo mà luôn luôn sống cứng cỏi, bản lĩnh, từng vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách của cuộc đời và không nguôi khát vọng đạp bằng mọi chông gai, mọi cát bỏng rộng dài trên con đường đi tới...".

(Nhà văn và tác phẩm trong nhà trường phổ thông – Phạm Thái, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nxb Giáo dục, 1997)

Mẫu 2: Soạn văn 11 Bài ca ngắn đi trên bãi cát

Bố cục

Phần 1 (4 câu đầu): Hình ảnh đi trên bãi cát dài bất tận và hình ảnh lữ khách.

Phần 2 (6 câu tiếp theo): Tâm trạng suy tư của lữ khách.

Phần 3 (còn lại): Sự bế tắc của lữ khách trước con đường trắc trở phía trước.

Câu 1 trang 42 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Hình ảnh tả thực:

+ Đi một bước như lùi một bước “nhất bộ nhất hồi khước”.

+ Mặt trời lặn vẫn còn đi “Nhật nhập hành vị dĩ”.

+ Nước mắt lã chã rơi “lệ giao lạc”.

Ý nghĩa tượng trưng: con đường dài không nhìn thấy điểm dừng, hành trình miệt mài, bất tận nhưng đầy mỏi mệt, đau khổ.

Câu 2 SGK Ngữ văn 11 tập 1 trang 42

- Giải nghĩa:

+ “Không học được…giận khôn vơi”: Người bộ hành không có phép thần thông để vượt qua mọi gian khổ như tiên ông nên oán giận đời.

+ “Xưa nay,…đường đời”: Phàm là những kẻ ham danh lợi đều phải vượt qua nhiều khổ ải như thế.

+ “Đầu gió…tỉnh bao người”: Không phải ai cũng vượt qua được cám dỗ của men rượu.

- Sự liên kết ý nghĩa: Người bộ hành nghĩ về con đường mình phải đi đầy gian khó mà không tránh khỏi oán giận, nghĩ đến lẽ đời và sức cám dỗ kinh khủng của danh lợi, khiến bao kẻ bất chấp để lao theo.

Câu 3 Ngữ văn 11 tập 1 trang 42 SGK

Tâm trạng của lữ khách: đầy bế tắc, không tìm ra được hướng đi đúng đắn cho mình.

⇒ Thể hiện tầm tư tưởng của Cao Bá Quát: sự chán ghét con đường danh lợi tầm thường, khao khát thay đổi cuộc sống.

Câu 4 tập 1 trang 42 SGK Ngữ văn 11

Nhịp điệu bài thơ: ngắt nghỉ linh hoạt (nhịp 2/3, 3/5, 2/2/3, 2/5,…), nhịp dài ngắn đan xen.

⇒ Thể hiện sự trắc trở, gập ghềnh của con đường đi.

⇒ Thể hiện cảm xúc bế tắc, chán ghét của nhân vật trữ tình.

Luyện tập

Cao Bá Quát khởi nghĩa chống nhà Nguyễn vì chán ghét thực tại đời sống xô bồ, phù phiếm lúc bấy giờ. Ông muốn cải tạo xã hội, tìm lại những giá trị đích thực tốt đẹp.

Ý nghĩa

Bài ca ngắn đi trên bãi cát với nhịp thơ độc đáo, đã biểu lộ sự chán ghét của một người tri thức đối với con đường danh lợi tầm thường đương thời, niềm khao khát thay đổi cuộc sống qua dòng suy tư của nhân vật trữ tình về con đường danh lợi gập ghềnh, trắc trở.

Mẫu 3: Soạn Bài ca ngắn đi trên bãi cát Ngữ văn 11

Về Tác Giả, Tác Phẩm Bài ca ngắn đi trên bãi cát

Tác giả

Cao Bá Quát (1809? – 1855) tự là Chu Thần, hiệu là Cúc Đường, Mẫn Hiên, người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc quận Long Biên, Hà Nội). Ông mất trong cuộc khởi nghĩa chống lại chế độ phong kiến nhà Nguyễn. Cao Bá Quát là một nhà thơ tài năng và bản lĩnh, được người đương thời tôn thờ là Thánh Quát. Thơ văn ông bộc lộ thái độ phê phán mạnh mẽ chế độ phong kiến trì trệ, bảo thủ, và chứa đựng tư tưởng khai sáng có tính chất tự phát, phản ánh nhu cầu đổi mới của xã hội Việt Nam trong giai đoạn giữa thế kỉ XIX.

Tác phẩm

- Hoàn cảnh sáng tác: Cao Bá Quát đi thi Hội. Trên đường vào kinh đô Huế, qua các tỉnh miền Trung đầy cát trắng (Quảng Bình, Quảng Trị) (hình ảnh bãi cát dài, sóng biển, núi là những hình ảnh có thực gợi cảm hứng cho nhà thơ sáng tác bài thơ này).

- Thể thơ: thể ca hành, có tính chất tự do, phóng khoáng, không bị gò bó về số câu, độ dài của câu, niêm luật, bằng trắc, vần điệu.

Hướng dẫn soạn bài Bài ca ngắn đi trên bãi cát

Câu 1 trang 42 sách giáo khoa Ngữ Văn 11 Tập 1

- Bãi cát dài lại bãi cát dài: mênh mông dường như bất tận, nóng bỏng.

→ Hình ảnh tả thực: đẹp nhưng dữ dội, khắc nghiệt đã gợi ý cho nhà thơ sáng tác bài thơ này.

→ Hình ảnh biểu tượng: con đường đầy khó khăn mà con người phải vượt qua để đi đến danh lợi.

- Hình ảnh người đi trên bãi cát:

+ Đi một bước như luì một bước: nỗi vất vả khó nhọc.

+ Không gian đường xa, bị bao vây bởi núi sông, biển.

+ Thời gian: mặt trời lặn vẫn còn đi.

+ Nước mắt rơi → khó nhọc, gian truân.

=> Mượn hình ảnh con người như bị sa lầy trong những bãi cát dài, để thể hiện nỗi niềm day dứt, đau xót của tác giả đi trên con đường tìm lý tưởng nhưng xã hội bù nhìn không cho ông lối thoát.

Câu 2 sách giáo khoa Ngữ Văn 11 Tập 1 trang 42

Sáu câu thơ:

Không học được tiên ông phép ngủ

Trèo non, lội suối, giận khôn vơi!

Xưa nay, phường danh lợi,

Tất cả trên đường đời.

Đầu gió hơi men thơm quán rượu

Người say vô số, tỉnh bao người?

có vẻ rời rạc, không gắn bó với nhau nhưng thực chất là một liên kết logic, chặt chẽ. Danh lợi (việc học hành, thi cử, để đạt tới một vị trí chốn quan trường) chính là khái niệm xâu chuỗi toàn bộ đoạn thơ. Hai câu thơ đầu thể hiện nỗi chán nản của nhà thơ vì tự mình phải hành hạ mình để theo đuổi công danh. Trong khi đó, bốn câu thơ còn lại nói về sự cám dỗ của chuyện công danh đối với người đời. Hình ảnh người đời thấy ở đâu có quán rượu ngon đều đổ xô đến, mấy ai tỉnh táo thoát ra khỏi sự cám dỗ của rượu. Danh lợi cũng dễ làm say người.

=> Sáu câu thơ là bước chuẩn bị cho kết luận của tác giả: cần phải thoát khỏi cơn say danh lợi vô nghĩa.

Câu 3 Ngữ Văn 11 Tập 1 trang 42 sách giáo khoa

Tâm trạng của tác giả khi đi trên bãi cát là trạng chán nản, mệt mỏi rã rời. Tầm tư tưởng cao rộng của nhà thơ chính là ở chỗ đã nhận ra tính chất vô nghĩa của lối học khoa cử, của con đường công danh theo lối cũ.

Người đi trên cát sa lầy trong cát hay chính là hình tượng kẻ sĩ cô độc, lẻ loi đầy trăn trở nhưng kì vĩ, vừa quả quyết vừa tuyệt vọng trên con đường đi tìm chân lí đầy chông gai.

Câu 4 Tập 1 trang 42 sách giáo khoa Ngữ Văn 11

Nhịp điệu của bài thơ được tạo nên chủ yếu nhờ sự thay đổi độ dài của các câu thơ cũng như sự khác nhau trong cách ngắt nhịp của mỗi câu thơ, đem lại khả năng diễn đạt phong phú. Cách ngắt nhịp của bài thơ khá linh hoạt, khi thì là nhịp 2/3, khi lại là 4/3. Câu cuối cùng không có cặp đối, như một câu hỏi buông ra đầy ám ảnh. Nhịp điệu diễn tả sự gập ghềnh, trúc trắc của những người đi trên bãi cát dài, muốn thoát ra khỏi con đường công danh vô nghĩa, tầm thường.

Luyện tập

Câu hỏi trang 42 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1: Qua bài thơ này ...

Bài ca ngắn đi trên bãi cát chỉ là một minh chứng nổi bật trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của Cao bá Quát khi nhắc đến chuyện công danh như một nỗi ám ảnh đầy bế tắc. Ví dụ như trong bài Đắc gia thư, thị nhật tác, ông viết:

Dư sinh phù danh ngộ

Thập niên trệ văn mặc

(Đời ta lầm lỡ vì cái danh hờ

Hàng chục năm chìm đắm trong bút mực)

Và còn rất nhiều bài thơ khác, ông tỏ ra chán ghét việc học hành và thi cử văn chương để kiếm danh lợi. Vì vậy, đây là nguyên nhân khiến Cao Bá Quat nhận ra rằng cần phải làm một việc gì đó lớn lao hơn, có ý nghĩa hơn. Đó là lý do dẫn ông đến với cuộc khởi nghĩa chống lại nhà Nguyên.

CLICK NGAY vào TẢI VỀ dưới đây để download soạn văn lớp 11 Bài ca ngắn đi trên bãi cát file word, pdf hoàn toàn miễn phí.

Đánh giá bài viết
5.0
0 lượt đánh giá
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
Copyright © 2020 Tailieu.com