Logo

Hướng dẫn soạn văn 7 bài Từ đồng nghĩa ngắn gọn nhất

Soạn ngữ văn 7 bài Từ đồng nghĩa được chúng tôi bám sát theo chương trình của sách giáo khoa để học sinh tham khảo hiểu rõ về khái niệm từ đồng nghĩa, cách vận dụng từ đồng nghĩa vào ngữ cảnh và văn bản.
5.0
1 lượt đánh giá

Qua việc soạn văn Từ đồng nghĩa giúp học sinh lớp 7 hiểu được từ đồng nghĩa là gì? Phân biệt được thế nào là từ đồng nghĩa hoàn toàn và từ đồng nghĩa không hoàn toàn, rèn luyện kỹ năng phân tích từ đồng nghĩa vào bài tập vận dụng. Mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây.

Soạn văn bài Từ đồng nghĩa

Kiến thức cơ bản soạn ngữ văn lớp 7 từ đồng nghĩa

Thế nào là từ đồng nghĩa?

a) Có thể thay hai từ rọi, trông trong bản dịch thơ Xa ngắm thác núi Lư của Tương Như bằng từ nào? Tại sao có thể thay được như vậy?

Gợi ý: Tra từ điển để nắm được nghĩa của từ rọi, trông. Có thể thay các từ đồng nghĩa vào vị trí này, chẳng hạn: thay rọi bằng chiếu, thay trông bằng nhìn,...

b) Trông trong bản dịch thơ Xa ngắm thác núi Lư có nghĩa là "nhìn để nhận biết". Ngoài nghĩa đó ra, từ trông còn có những nghĩa sau:

  • Coi sóc, giữ gìn cho yên ổn;

  • Mong.

Tìm các từ đồng nghĩa với mỗi nghĩa trên của từ trông.

Gợi ý: Một từ nhiều nghĩa có thể thuộc nhiều nhóm đồng nghĩa khác nhau. Từ trông có thể thuộc những nhóm đồng nghĩa khác nhau tương ứng với các nghĩa của nó. Với nghĩa "nhìn để nhận biết", trông có các từ đồng nghĩa: nhìn, ngó, nhòm, liếc,... Với nghĩa "coi sóc, giữ gìn cho yên ổn", từ trông có các từ đồng nghĩa: trông coi, chăm sóc, chăm nom,... Với nghĩa "mong", từ trông có các từ đồng nghĩa: mong, ngóng, trông mong, trông chờ,...

Phân loại từ đồng nghĩa

a) So sánh nghĩa của từ quả và trái trong hai ví dụ sau:

Rủ nhau xuống biển mò cua
Đem về nấu quả me chua trên rừng

(Trần Tuấn Khải)

Chim xanh ăn trái xoài xanh,
Ăn no tắm mát đậu cành cây đa.

(Ca dao)

Gợi ý: Hai từ này đồng nghĩa hoàn toàn với nhau, có thể thay thế được cho nhau trong văn cảnh.

b) Nghĩa của từ bỏ mạng và hi sinh trong hai câu dưới đây có chỗ nào giống và khác nhau?

- Trước sức tấn công như vũ bão và tinh thần chiến đấu dũng cảm tuyệt vời của nghĩa quân Tây Sơn, hàng vạn quân Thanh đã bỏ mạng.

- Công chúa Ha-ba-na đã hi sinh anh dũng, thanh kiếm vẫn cầm tay.

(Truyện cổ Cu-ba)

Gợi ý: Hai từ đã cho:

  • Giống nhau: đều dùng để chỉ cái chết.

  • Khác nhau: Về sắc thái biểu cảm (từ hi sinh chỉ cái chết đáng tôn trọng, ngược lại từ bỏ mạng thường dùng để chỉ cái chết của những kẻ xấu xa)

Hai từ này tuy cũng có những nét nghĩa tương đồng nhưng có những trường hợp không thể thay thế được cho nhau.
Như vậy, có thể chia từ đồng nghĩa thành hai loại chính:

a) Từ đồng nghĩa hoàn toàn:

Là những từ cùng chỉ một sự vật, hiện tượng, cùng biểu thị một khái niệm; nói chung, chúng có thể thay thế cho nhau. Ví dụ: trái - quả; vùng trời - không vận; có mang - mang thai - có chửa.

b) Từ đồng nghĩa không hoàn toàn

  • Từ đồng nghĩa có sắc thái khác nhau, ví dụ: chết - hi sinh - từ trần - tạ thế - trăm tuổi - khuất núi - qua đời - mất - thiệt mạng - bỏ xác - toi mạng, ...

  • Từ gần nghĩa: Tức là những từ về cơ bản là đồng nghĩa nhưng có một vài nét nghĩa nào đó khác nhau. Ví dụ: mang, khiêng, vác đều có nghĩa là hoạt động di chuyển một vật gì đó, nhưng mang thì không có nét nghĩa bộ phận cơ thể thực hiện hoạt động; khiêng là hoạt động di chuyển có sự cộng tác của nhiều người dùng tay nâng vật lên; vác là hoạt động di chuyển bằng cách để vật lên vai.

Sử dụng từ đồng nghĩa

a) Thử thay các từ đồng nghĩa quả / trái và bỏ mạng / hi sinh trong các ví dụ trên rồi rút ra nhận xét:

Gợi ý:

  • quả và trái là những từ đồng nghĩa hoàn toàn hay không hoàn toàn?

  • bỏ mạng và hi sinh đồng nghĩa với nhau hoàn toàn hay không hoàn toàn?

Những từ đồng nghĩa hoàn toàn thì có thể thay thế cho nhau mà không ảnh hưởng gì đến ý nghĩa của câu (có thể thay quả bằng trái và ngược lại); còn các từ đồng nghĩa không hoàn toàn thì việc thay thế sẽ dẫn đến sự thay đổi ý nghĩa của câu, nhất là sắc thái nghĩa biểu cảm (không thể thay bỏ mạng bằng hi sinh, vì mặc dù đều có nghĩa gốc là chết nhưng bỏ mạng mang sắc thái khinh bỉ, còn hi sinh lại mang sắc thái kính trọng, ngợi ca.)

b) Có thể thay tiêu đề đoạn trích Sau phút chia li (bài 7) bằng Sau phút chia tay được không? Vì sao?

Gợi ý: Chinh phụ ngâm khúc là văn bản thơ cổ. Sau phút chia li và Sau phút chia tay chỉ khác nhau ở từ chia li và chia tay. Hai từ này đồng nghĩa với nhau: đều có nghĩa là "rời nhau, mỗi người đi một nơi". Nhưng người biên soạn SGK đã chọn từ chia li vì từ này mang sắc thái cổ xưa, phù hợp với văn bản thơ cổ hơn, gợi ra cảnh ngộ của người chinh phụ xưa rõ ràng hơn.

Rèn luyện kĩ năng soạn ngữ văn lớp 7 bài từ đồng nghĩa

Tìm từ Hán Việt đồng nghĩa điền vào bảng sau:

Từ thuần Việt:

- Gan dạ

- Nhà thơ

- Mổ xẻ

- Đòi hỏi

- Loài người

- Của cải

- Nước ngoài

- Chó biển

- Năm học

- Thay mặt

Gợi ý: Tìm từ có nghĩa giống với các từ cho trước rồi tra từ điển Hán Việt để kiểm tra lại. Các từ đồng nghĩa là: gan dạ - dũng cảm, nhà thơ - thi sĩ, mổ xẻ - phẫu thuật, đòi hỏi - yêu cầu, loài người - nhân loại, của cải - tài sản, nước ngoài - ngoại quốc, chó biển - hải cẩu, năm học - niên khoá, thay mặt - đại diện.

Tìm từ có nguồn gốc Ấn - Âu đồng nghĩa với các từ sau:

  • máy thu thanh

  • xe hơi

  • sinh tố

  • dương cầm

Gợi ý:

  • Máy thu thanh – ra-đi-ô

  • Sinh tố – vi-ta-min

  • Xe hơi – ô tô

  • Dương cầm – pi-a-nô

Tìm một số từ địa phương đồng nghĩa với từ toàn dân.

Gợi ý: Làm theo mẫu.

  • Heo – lợn

  • Lê-ki-ma – quả trứng gà

  • Vô – vào

Tìm từ đồng nghĩa thay thế các từ in đậm trong các câu sau đây:

(1) Món quà anh gửi, tôi đã đưa tận tay chị ấy rồi.

(2) Bố tôi đưa khách ra đến cổng rồi mới trở về.

(3) Cậu ấy gặp khó khăn một tí đã kêu.

(4) Anh đừng làm như thế người ta nói cho đấy.

(5) Cụ ốm nặng đã đi hôm qua rồi.

Gợi ý: (1) - trao, chuyển; (2) - tiễn; (3) - kêu ca, ca thán; (4) - mắng; (5) - mất.

Phân biệt nghĩa của các từ trong các nhóm từ đồng nghĩa sau đây:

  • ăn, xơi, chén;

  • cho, tặng, biếu;

  • yếu đuối, yếu ớt;

  • xinh, đẹp;

  • tu, nhấp, nốc.

Gợi ý: Các nhóm từ gồm các từ đồng nghĩa, chỉ khác nhau về sắc thái biểu cảm.

  • ăn: sắc thái bình thường; xơi: sắc thái lịch sự, xã giao; chén: sắc thái suồng sã, thân mật.

  • cho: sắc thái bình thường, có khi là thái độ của người cao hơn đối với người thấp hơn, có khi là sắc thái ngang bằng, thân mật; biếu: thể hiện sự kính trọng, của người dưới với người trên; tặng: không phân biệt ngôi thứ trên dưới.

  • yếu đuối: thiếu hụt hẳn về thể chất và tinh thần; yếu ớt: nói về sức mạnh thể chất, thiếu sức lực hoặc có tác dụng coi như không đáng kể.

  • xinh: dùng bình phẩm với người còn trẻ, thiên về hình dáng bên ngoài, chỉ vẻ nhỏ nhắn, ưa nhìn; đẹp: nghĩa rộng hơn, không chỉ dùng bình phẩm về hình thức, được xem là cao hơn, toàn diện hơn xinh.

  • tu: uống nhiều, liền một mạch, không mấy lịch sự; nhấp: uống từng tí một bằng đầu môi, thường là để cho biết vị; nốc: uống nhiều, nhanh, thô tục.

Chọn từ thích hợp điền vào các câu dưới đây:

a) thành tích, thành quả

  • Thế hệ mai sau sẽ được hưởng ... của công cuộc đổi mới hôm hay. (thành quả)

  • Trường ta đã lập nhiều ... để chào mừng ngày Quốc khánh mồng 2 tháng 9. (thành tích)

b) ngoan cường, ngoan cố

  • Bọn địch ... chống cự đã bị quân ta tiêu diệt. (ngoan cố)

  • Ông đã ... giữ vững khí tiết cách mạng. (ngoan cường)

c) nhiệm vụ, nghĩa vụ

  • Lao động là ... thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của mỗi người. (nghĩa vụ)

  • Thầy hiệu trưởng đã giao... cụ thể cho lớp em trong đợt tuyên truyền phòng chống ma tuý. (nhiệm vụ)

d) giữ gìn, bảo vệ

  • Em Thuý luôn luôn... quần áo sạch sẽ. (giữ gìn)

  • ... Tổ quốc là sứ mệnh của quân đội. (bảo vệ)

Trong các từ đồng nghĩa và các cặp câu sau, câu nào có thể dùng hai từ đồng nghĩa để thay thế nhau, câu nào chỉ có thể dùng một trong hai từ đồng nghĩa đó?

a) đối xử, đối đãi

  • Nó ... tử tế với mọi người xung quanh nên ai cũng mến nó. (đối xử / đối đãi)

  • Mọi người đều bất bình trước thái độ... của nó đối với trẻ em. (đối xử)

b) trọng đại, to lớn

  • Cuộc Cách mạng tháng Tám có ý nghĩa... đối với vận mệnh dân tộc. (trọng đại / to lớn)

  • Ông ta thân hình... như hộ pháp. (to lớn)

Đặt câu với mỗi từ: bình thường, tầm thường, kết quả, hậu quả

Gợi ý: Tra từ điển để phân biệt nghĩa giữa bình thường và tầm thường, kết quả và hậu quả; chú ý nghĩa của hai từ tầm thường và hậu quả mang sắc thái tiêu cực (tầm thường: giá trị thấp, tẻ nhạt, không được đánh giá cao; hậu quả: kết quả có hại từ việc làm không đúng hoặc xấu xa, điều không mong muốn); bình thường: không có gì đặc biệt, không được đánh giá cao; kết quả: cái thu được, có thể tốt hoặc không tốt, đúng hoặc sai, không thể hiện thái độ đánh giá,... Tham khảo các câu sau:

  • Tôi thấy nó cũng bình thường thôi.

  • Tôi không nghĩ anh lại làm cái việc tầm thường ấy.

  • Bài toán này cậu giải ra kết quả bao nhiêu?

  • Dốt nát là hậu quả của bệnh lười.

  • Chất độc màu da cam của đế quốc Mĩ đã để lại hậu quả khôn lường cho người dân.

Phát hiện các từ dùng sai và thay thế bằng từ khác cho đúng.

Ông bà cha mẹ đã lao động vất vả, tạo ra thành quả để con cháu đời sau hưởng lạc.

Trong xã hội ta, không ít người sống ích kỉ, không giúp đỡ bao che cho người khác.

Câu tục ngữ "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" đã giảng dạy cho chúng ta lòng biết ơn đối với thế hệ cha anh.

Phòng tranh có trình bày nhiều bức tranh của các hoạ sĩ nổi tiếng.

Gợi ý:

  • Thay hưởng lạc bằng hưởng thụ;

  • Thay bao che bằng đùm bọc hoặc che chở;

  • Thay giảng dạy bằng dạy;

  • Thay trình bày bằng trưng bày.

File tải miễn  phí soạn bài ngữ văn lớp 7 từ đồng nghĩa:

CLICK NGAY vào đường dẫn dưới đây để tải bài giải bài tập ngữ văn 7 bài từ đồng nghĩa chi tiết, ngắn gọn bản file word, file pdf hoàn toàn miễn phí từ chúng tôi.

Hy vọng với tài liệu trên sẽ hữu ích cho các bạn trong học tập. Chúc các bạn học tốt!

Đánh giá bài viết
5.0
1 lượt đánh giá
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
Copyright © 2020 Tailieu.com