Logo

Mẫu viết bài tập làm văn số 1 lớp 6: Văn kể chuyện chi tiết nhất

Mẫu viết bài tập làm văn số 1 lớp 6: Văn kể chuyện chi tiết nhất hướng dẫn trả lời các câu hỏi giúp các em hiểu và tiếp thu bài giảng hiệu quả nhất
5.0
3 lượt đánh giá

Hướng dẫn soạn bài: Viết bài tập làm văn số 1: Văn kể chuyện SGK lớp 6 tập 1 ngắn gọn, chi tiết, bám sát nội dung chương trình học giúp các em tiếp thu bài giảng một cách dể hiểu và nhanh nhất dành cho các em học sinh lớp 6 tham khảo.

Bài TLV số 1 lớp 6 đề 1: Trong vai Lạc Long Quân, kể lại câu chuyện truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên.

Gợi ý dàn bài

a. Mở bài:

- Giới thiệu sự ra đời, tài năng và những hành động cao đẹp của Lạc Long Quân.

b. Thân bài:

- Kể các sự việc chính sau:

  • Chuyện Long Quân gặp Âu Cơ.
  • Âu Cơ sinh con.
  • Long Quân về thuỷ cung.
  • Long Quân và Âu Cơ cùng các con chia về hai miền xuôi ngược.

c. Kết bài:

- Sự ra đời của nhà nước Văn Lang và các vua Hùng.

Bài văn tham khảo

Thuở ấy, đã lâu lắm rồi, có lẽ đến hơn 4000 năm về trước, lúc đất nước ta vẫn còn hoang sơ lắm. Trên đất chủ yếu là núi đồi, cỏ cây hoa lá chứ chưa có con người đông đúc như bây giờ. Trên trời, dưới nước, mỗi vùng đất đều do các vị thần tiên cai quản, trông nom.

Là con trai của thần Long Nữ, vị thần được thần trời giao cho cai quản vùng sông nước Lạc Việt, cha mẹ đặt tên cho ta là Lạc Long Quân. Được cha mẹ chỉ dạy đủ điều từ thủa ấu thơ, lại thêm sức lực vốn có của giống rồng, ta đã luyện được rất nhiều phép lạ. Thủa ấy, khi ta còn trẻ, ta thường hay xin phép Đức Long Vương lên trần gian thăm thú, giúp dân tiễu trừ bọn yêu tinh, dạy dân cách trồng trọt, chăn nuôi, cách ăn ở. Trần gian nhiều cảnh đẹp khiến ta gắn bó như đang sống dưới thủy cung.

Một hôm, đang thoả chí ngao du sơn thuỷ, ta say hứng quá chân lên tận vùng núi cao phương Bắc. Bỗng ta gặp một thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần. Hỏi ra mới biết nàng là Âu Cơ, con gái Thần Nông. Nghe nói vùng Lạc Việt có nhiều hoa thơm, cỏ lạ, nàng xin phép cha dạo bước đến thăm. Ta cùng Âu Cơ mến cảnh hợp người, đem lòng yêu thương rồi thề ước nguyện cùng chung sống trọn đời.

Ít lâu sau, Âu Cơ có mang. Kỳ lạ thay! Đến ngày sinh nở, nàng sinh ra một cái bọc trăm trứng. Rồi trăm trứng nở ra trăm con đều đẹp đẽ, hồng hào chẳng cần bú mớm mà tự lớn lên như thổi. Vợ chồng ta hết sức vui mừng, hết lòng chăm chút cho đàn con nhỏ.

Sống ở trần thế đã lâu, ta cũng thấy nóng lòng. Ở thuỷ cung, cha mẹ đã già, công việc không biết ai gánh vác. Trăn trở nhiều lần, ta nghĩ: “Âu Cơ vốn thuộc dòng tiên hợp với non cao, ta lại là giống rồng quen sông nơi biển cả; tính tình, tập quán hẳn có nhiều cái khác nhau nên một cuộc biệt ly trong nay mai khó là tránh khỏi. Ta bèn gọi trăm con cùng Âu Cơ và nói:

- Ta và vàng tuy sống chưa lâu nhưng nghĩa tình đến sông cạn đá mòn cũng không thay đổi. Ta nghĩ, ta là giống rồng, nàng là giống tiên, vậy khó mà tính kế dài lâu được. Nay vì đại nghiệp và vì sự mưu sinh của trăm con, ta sẽ đưa 50 con xuống biển, nàng đưa 50 con lên núi, chia nhau ra mà cai quản các phương hễ có việc gì thì báo cho nhau để mà tương trợ.

Âu Cơ nghe thấy hợp tình cũng đành nghe theo, cuộc chia ly ngậm ngùi, da diết.

Ta đưa 50 con xuống vùng đồng thấp dạy các con nghề biển mà an cư lập nghiệp. Âu Cơ đưa các con lên núi cao, lập con trưởng làm vua, lấy hiệu là Hùng Vương, đóng đô ở đất Phong Châu, đặt nước hiệu là Văn Lang, truyền đời nối ngôi đều lấy hiệu Hùng Vương, không hề thay đổi.

Sau đó rất lâu, ta và Âu Cơ không gặp lại nhau nhưng tình nghĩa vẫn không phai. Hơn thế, nghĩa “đồng bào” trong trăm con ta cũng không thay đổi. Bởi thế cho nên đến tận ngày nay, trên đất nước ta dẫu có tới trên 50 dân tộc, nhưng đều là anh em ruột thịt một nhà.

Bài tập làm văn số 1 lớp 6 đề 2: Kể lại một câu chuyện cổ tích Sọ Dừa bằng lời văn của em.

Gợi ý dàn bài

a. Mở bài:

- Kể về hoàn cảnh gia đình và sự mang thai kì lạ của mẹ Sọ Dừa.

b. Thân bài:

- Kể về các sự việc chính sau:

  • Hình thù kì dị của Sọ Dừa.
  • Sọ Dừa đi ở cho nhà phú ông.
  • Cô út phát hiện ra Sọ Dừa là một chàng trai tuấn tú.
  • Sọ Dừa giục mẹ sang hỏi con gái phú ông.
  • Sọ Dừa cưới và sống hạnh phúc cùng cô út.
  • Sọ Dừa đi thi.
  • Cô út bị hai cô chị hãm hại.

c. Kết bài:

- Vợ chồng Sọ Dừa gặp nhau. Hai cô chị xấu hổ bỏ đi biệt xứ.

Bài văn tham khảo

"Ò ó o… o!". Nghe tiếng gà gáy, cô út choàng tỉnh dậy. Phải mất một lúc, cô mới hình dung nổi tình cảnh hiện tại của mình. Cô vừa thoát khỏi bụng con cá mập to tướng, một mình trên hoang đảo, xung quanh chỉ có đôi gà để làm bạn.

Cô bỗng nhớ lại tất cả, bắt đầu từ cái ngày kì lạ ấy. Thấy hai cô chị kiên quyết không ai chịu đem cơm cho Sọ Dừa, cô đành nhận lời đi. “Tuy dung mạo có hơi xấu nhưng dù sao cậu ta cũng biết nói tiếng người, thậm chí còn ăn nói rất dễ thương nữa là đằng khác” – cô nghĩ.

Từ đằng xa cô đã nghe thấy tiếng sáo du dương trầm bổng. Lạ quá! Ai thổi sáo thế nhỉ? Không lẽ lại là Sọ Dừa? Nhưng anh ta làm sao mà thổi sáo được kia chứ. Cô vẫn nhớ cái ngày Sọ Dừa xuất hiện ở nhà cô. Trông anh ta thật buồn cười, cứ lăn lông lốc dưới đất như một quả bí, vậy mà ăn nói đến là khéo. Hai cô chị trông thấy Sọ Dừa thì quay mặt đi, riêng cô không thấy sợ mà lại thương con người dung mạo kì dị, nhất là khi thấy anh ta làm việc gì cũng đến nơi đến chốn, chăn cả đàn bò mà con nào con nấy cứ béo tròn nung núc. Cô lên đưa cơm nhưng thực ra cũng muốn đến xem anh chăn bò như thế nào.

Đến gần, cô út lại càng ngạc nhiên. Sao lại có cái võng mắc ở kia, lại có ai đang nằm trên đó thổi sáo nữa chứ! Hay đó là người anh em của Sọ Dừa mà cô không biết? Thế anh ta đâu rồi?

Mải suy nghĩ, cô út dẫm phải một cành cây khô làm phát ra tiếng động. Cô cúi xuống nhìn rồi ngẩng lên, sửng sốt khi không thấy cả chiếc võng lẫn chàng thanh niên đâu cả. Chỉ có anh chàng Sọ Dừa, lúc trước không thấy đâu, giờ đang ở dưới gốc cây mà cười toe toét:

- Chào cô út! Cô mang cơm cho tôi hay là lên thăm tôi đấy?

Cô út không trả lời vì còn đang thắc mắc. Cô hỏi anh:

- Cái anh chàng vừa nằm trên võng thổi sáo đâu rồi?

Sọ Dừa chối biến:

- Chắc cô trông nhầm đấy chứ tôi ở đây suốt, làm gì có anh chàng nào thổi sáo đâu!

Cô út không tin là mình nhầm. Cô chợt nghĩ ra một điều khác thường. Phải rồi, Sọ Dừa nếu cứ thế kia thì làm sao có thể chăn được cả đàn bò, lại còn chàng trai trẻ, chiếc võng vừa đây mà đã biến mất… Cô không hỏi thêm gì nữa, đưa cơm cho anh rồi đi về, lòng vui rộn ràng.

Khi phú ông hỏi các cô con gái xem ai đồng ý lấy Sọ Dừa là hỏi lấy lệ để từ chối khéo bà mẹ đó thôi, lão chắc không cô gái nào lại đồng ý lấy một người kì dị, xấu xí như Sọ Dừa. Cô út đã làm cho ông bố một phen chưng hửng:

- Cha đặt đâu, con xin ngồi đấy ạ!

Hai cô chị trề môi chê em gái sao mà ngốc nghếch. Phú ông tức bầm gan tím ruột nhưng đã trót hứa với bà mẹ rồi, đành hẹn ngày dẫn cưới. Lão thách thật nặng nhưng cô út thầm đoán và mong rằng, điều đó không khó gì đối với người chồng tương lai của cô. Quả nhiên, Sọ Dừa không những mang đồ dẫn cưới đến đủ mà còn mang thêm rất nhiều người hầu hạ nữa khiến cho ai nấy cũng phải ngạc nhiên: Xưa nay có thấy ai ra vào nhà Sọ Dừa đâu?

Đám cưới đang ăn uống linh đình, cô bèn bế Sọ Dừa vào nhà trong rồi thì thầm:

- Nào người chồng yêu quý của em, chàng xuất hiện đi thôi chứ!

Sọ Dừa mỉm cười, bắt cô quay mặt đi và nhắm mắt lại. Khi chàng bảo cô mở mắt ra thì trước mặt đúng là chàng trai trẻ hôm nào. Hai người sánh vai nhau ra chào quan khách. Mọi người hết sức ngỡ ngàng, hai người phải giải thích mãi, thậm chí Sọ Dừa còn phải hoá phép lại như cũ, mọi người mới tin là thật. Đám cưới đã vui lại càng vui hơn nữa.

Sọ Dừa học giỏi, đỗ trạng nguyên, được vua cử đi sứ nước ngoài, để cô ở lại. Cô có ngờ đâu hai bà chị vốn rất ghen tức khi thấy em lấy được người chồng vừa trẻ đẹp lại có tài, rắp tâm làm hại em để cướp chồng. Hai chị rủ em đi bơi thuyền rồi đẩy em xuống biển. Một con cá rất to bơi qua, nuốt luôn cô vào bụng. Thật may là Sọ Dừa như đã biết trước mọi chuyện. Chàng dặn cô luôn mang theo bên mình một con dao, quả trứng gà và hòn đá lửa. Có con dao, cô tự rạch bụng cá khiến cá chết, dạt vào bờ. Cô chui ra, lại có thịt cá ăn luôn, có lửa để nướng cá và có con gà để bầu bạn.

Một hôm cô đang loay hoay nướng cá để ăn dần, bỗng con gà trống gáy vang:

- Ò. ó. o…phải thuyền quan trạng, rước cô tôi về!

Cô vội bỏ cá đấy chạy ra. Đúng là chồng cô rồi. Chàng đã đi sứ về, ngang qua nghe tiếng gà gáy, lại thấy có bóng người như vợ mình bèn cho thuyền vào đón. Hai vợ chồng gặp nhau, mừng mừng tủi tủi.

Nghe lời chồng, lúc gần về đến nhà cô nấp vào trong khoang thuyền. Nghe thấy hai bà chị thi nhau kể với Sọ Dừa về cái chết thương tâm của cô, cô bèn bước ra. Hai cô chị thấy em xuất hiện, ngượng quá, không nói không rằng bỏ đi biệt tích.

Cô cùng người chồng sống bên nhau hạnh phúc đến già.

Bài viết tập làm văn số 1 lớp 6 đề 3: Kể lại truyền thuyết Bánh chưng, bánh giầy bằng lời văn của em.

Bài viết 1: Trong vai Lang Liêu kể lại truyền thuyết Bánh chưng, bánh giầy.

Ta là Lang Liêu - người con trai thứ 18 của vua Hùng. Mẹ của ta đã mất từ khi ta còn rất nhỏ. Ta lớn lên trong sự ghẻ lạnh của vua cha. So với các anh em khác, ta phải chịu nhiều thiệt thòi. Thế nhưng, ta vẫn trưởng thành vô cùng khỏe mạnh và làm nhiều việc tốt, có ý nghĩa. Quanh năm ta chăm lo việc đồng áng, trồng lúa, trồng khoai. Sống vui vẻ bằng sức lao động của mình.

Vua cha ta là một vị vua tài, dưới thời của ngài giặc ngoại lai đã bị dẹp yên. Điều mà ông luôn đắn đo nhất, chính là phải làm sao cho dân chúng được ấm no. Đến nay, vua cha tuổi đã già, nên ông muốn truyền ngôi cho con. Thế nhưng ông có đến 20 người con trai nên ông băn khoăn rất nhiều. Một hôm, ông cho gọi ta và cả 19 người anh em khác đến, rồi tuyên bố rằng: nhân lễ Tiên vương năm nay, ai làm vừa ý của vua Hùng thì sẽ được truyền ngôi báu.

Khi nghe vua cha tuyên bố, ta vừa mừng vừa lo. Mừng vì ta cũng có cơ hội được nối ngôi cha như các anh em khác. Lo là vì trong nhà ta chỉ có những thứ tầm thường như lúa, khoai, trong khi các anh em ta thì có biết bao sơn hào hải vị quý hiếm. Nỗi lo ấy khiến ta nhiều đêm trằn trọc không ngủ được. Một hôm, trong lúc ngủ chập chờn, ta nằm mơ thấy thần đến tìm. Thân đã dạy ta những điều rất quý:

- Trong trời đất, không gì quý bằng hạt gạo. Chỉ có gạo mới nuôi sống con người và ăn không bao giờ chán. Các thứ khác tuy ngon, nhưng hiếm, mà người không làm ra được. Còn lúa gạo thì mình trồng lấy, trồng nhiều được nhiều. Hãy lấy gạo làm bánh mà lễ Tiên Vương.

Nhờ lời dạy của Thần mà ta nhận ra được giá trị của những hạt gạo mà lâu nay vẫn xem là tầm thường. Ngày hôm sau, ta ngay lập tức chuẩn bị bánh để dâng lễ Tiên vương. Ta chọn thứ gạo nếp thơm lừng, trắng tinh, hạt nào hạt nấy tròn mẩy, đem vo thật sạch, lấy đậu xanh, thịt lợn làm nhân, dùng lá dong trong vườn gói thành hình vuông, nấu một ngày một đêm thật nhừ. Sau đó, ta đã đem gạo nếp đồ lên, giã nhuyễn rồi nặn hình tròn để đổi kiểu, đổi vị.

Đến ngày lễ Tiên Vương, giữa một rừng sơn hào hải vị, món bánh của ta đã khiến vua cha vừa ý nhất. Khi vua cha gọi ta lên để hỏi về món bánh, ta đã đem những lời thần dạy nói lại với người. Thế là sau một hồi ngẫm nghĩ, vua cha đã chọn bánh của ta để dâng lên tế Trời, Đất và Tiên Vương. Lễ xong, bánh được đem ra mời quần thần, ai cũng tấm tắc khen ngon. Sau đó, vua cha đặt tên cho hai món bánh đó là bánh chưng và bánh giầy. Rồi tuyên bố truyền ngôi cho ta.

Từ đó về sau, bánh chưng và bánh giầy trở thành món bánh đặc trưng của ngày Tết nước ta.

Bài viết 2: Trong vai vua Hùng kể lại truyền thuyết Bánh chưng, bánh giầy.

Ta là Hùng Vương - vị vua tài giỏi của nước Văn Lang. Trong suốt những năm tháng cai trị đất nước, ta đã đánh thắng giặc Ân, bảo vệ độc lập cho dân tộc. Tuy nhiên đến nay ta đã già rồi, nên muốn truyền ngôi lại cho con. Thế là, ta đã gọi 20 người con của mình đến và tuyên bố:

- Tổ tiên ta từ khi dựng nước, đã truyền được sáu đời. Giặc Ân nhiều lần xâm lấn bờ cõi, nhờ phúc ấm Tiên Vương ta đều đánh đuổi được, thiên hạ được hưởng thái bình. Những ta già rồi, không sống mãi ở đời, người nối ngôi ta phải nối được chí ta, không nhất thiết phải là con trưởng. Năm nay, nhân lễ Tiên vương, ai làm vừa ý ta, ta sẽ truyền ngôi cho, có Tiên Vương chứng giám.

Đến ngày lễ Thần, 20 người con của mình đều đem phần lễ của mình để bày ra trước mắt ta. Đủ tất cả các loại sơn hào hải vị quý hiếm. Chợt ta dừng lại trước một mâm bánh trông khá đơn giản, nổi bật giữa rừng của lạ. Thế là ta cho gọi ngay chủ nhân của món bánh ấy. Thì ra đó chính là Lang Liêu - đứa con trai thứ 18 của ta. Mẹ Lang Liêu mất sớm. Ta lại quá bận rộn với việc nước mà lơ là đến con. Thật may là Liêu vãn lớn lên mạnh khỏe và thông minh. Khi ta hỏi Liêu về chiếc bánh, Liêu nói với ta rằng chiếc bánh này là do Thần dạy cho với ngụ ý xem trọng giá trị của hạt lúa.

Nghe xong ta suy ngẫm một hồi, và cảm thấy những lời của Thần thật đúng đắn. Vì vậy, ta liền chọn món bánh của Lang Liêu để tế thần. Xong xuôi, món bánh được đem xuống cho mọi người cùng thưởng thức. Ta và các quần thần ai cũng thấy rất ngon. Thế là ta họp mọi người lại và tuyên bố:

- Bánh hình tròn là tượng Trời ta đặt tên là bánh Giầy. Bánh hình vuông là tượng Đất, các thứ như thịt mỡ, đậu xanh, lá dong là tượng cầm thú, cây cỏ muôn loài, ta đặt tên là bánh chưng. Lá bọc ngoài, mĩ vị để trong là ngụ ý đùm bọc nhau. Lang Liêu đã dâng lễ vật hợp ý ta. Lang Liêu sẽ nối ngôi ta, xin Tiên vương chứng giám.

Quyết định của ta được tất cả mọi người ủng hộ. Thế là Lang Liêu nối ngôi ta trở thành Vua Hùng đời tiếp theo. Và cũng từ đó, món bánh chưng và bánh giầy trở thành món bánh làm nên hương vị Tết của đất nước ta.

Bài viết TLV số 1 lớp 6 đề 4: Kể lại truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm bằng lời văn của em.

Bài viết 1: Trong vai Lê Thận kể lại truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm.

Tôi là Lê Thận - một người làm nghề đánh cá ở Thanh Hóa. Tôi sống trong những năm tháng đất nước bị giặc Minh đặt ách đô hộ. Bọn chúng coi dân ta như cỏ rác, làm nhiều điều bạo ngược, khiến tôi và nhân dân căm hận đến tận xương tủy.

Một hôm, như thường lệ, tôi lại thả lưới ở một khúc sông vắng. Tuy nhiên cả hai lần liên tục tôi đều vớt được một thanh sắt lớn. Hai lần đầu tôi ném lại thanh sắt xuống sông, đến lần thứ ba thì tò mò về điều kỳ lạ này, nên tôi đã đem thanh sắt ấy về nhà. Khi soi lên ánh lửa thì tôi nhận ra đó là một lưỡi gươm. Biết đây là thanh gươm quý nên tôi đem nó cất cẩn thận.

Một thời gian sau, tôi gia nhập nghĩa quân Lam Sơn để đánh đuổi giặc MInh ra khỏi bờ cõi. Tôi đã chiến đấu hết mình, luôn hăng hái, gan dạ, không sợ nguy hiểm. Một hôm, chủ tướng Lê Lợi đến nhà tôi. Tự nhiên lúc đó, lưỡi gươm được cất ở góc nhà sáng rực lên, chiếu rõ hai chữ Thuận Thiên trên thân gươm. Tuy nhiên, lúc ấy tôi và mọi người cũng không cho rằng đây là gươm quý.

Bẵng đi một thời gian. Một hôm, khi nghĩa quân bị giặc đuổi, tôi và chủ tướng Lê Lợi trên đường chạy thoát đã bị lạc nhau. Ba ngày sau, khi gặp lại nhau, tôi nhìn thấy chủ tướng có mang theo một chuôi gươm nạm ngọc. Ngay lập tức, tôi đem lưỡi gươm ra dâng cho chủ tướng. Chuôi gươm và lưỡi gươm vừa như in. Thấy vậy, tôi quỳ xuống, nâng gươm và ngẩng đầu nói với chủ tướng:

- Đây là Trời có ý phó thác cho minh công làm việc lớn. Chúng tôi nguyện đem xương thịt của mình theo minh công, cùng với thanh gươm thần này để báo đền Tổ quốc!

Từ đó, nhuệ khí của nghĩa quân ngày càng tăng mạnh. Thanh gươm thần trong tay chủ tướng Lê Lợi tung hoành khắp các trận địa, làm cho quân Minh bạt vía. Nghĩa quân ngày càng lớn mạnh và đánh đuổi sạch bóng quân Minh trên đất nước ta.

Một năm sau, khi hòa bình lập lại, khi vua Lê Lợi đang đi dạo thuyền rồng trên hồ Tả Vọng, thì Rùa Vàng xuất hiện và nói: “Xin bệ hạ hoàn gươm lại cho Long Quân!”. Thế là vua Lê Lợi dâng gươm kính cẩn đưa cho Rùa Vàng. Cũng từ hôm đó, hồ Tả Vọng được đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm.

Bài viết 2: Trong vai Long Quân kể lại truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm.

Ta là Long Quân - một vị thần của sông nước, biển cả của nước Nam. Lúc bấy giờ nước Nam đang phải gánh chịu sự đô hộ của giặc Minh. Lũ giặc độc ác đó xem nhân dân nước Nam như cỏ rác, làm nhiều điều bạo ngược, khiến ai nấy đều căm hận đến tận xương tủy. Trước tình hình đó, ta quyết định phải giúp nhân dân nước Nam dành lại độc lập.

Sau một thời gian suy nghĩ, ta quyết định cho nhân dân nước Nam mượn sức thanh gươm thần của mình để đánh giặc. Tuy nhiên, ta đã tách thanh gươm làm hai phần là lưỡi gươm và chuôi gươm để nhắc nhở nhân dân về sự đoàn kết chặt chẽ. Bởi dù có sức mạnh của gươm thần mà nhân dân không đoàn kết cùng nhau thì khó mà chiến thắng được.

Thế là ta đã đưa lưỡi gươm có khắc dòng chữ Thuận Thiên đến chỗ một người làng chài ở Thanh Hóa tên là Lê Thận. Anh chàng này kéo lên được lưỡi gươm hai lần đều ném lại xuống nước. Phải đến lần thứ ba mới chịu mang về nhà. Còn chuôi gươm thì ta đưa cho Lê Lợi - người lãnh đạo của khởi nghĩa Lam Sơn. Khi lưỡi gươm và chuôi gươm này gặp nhau thì sẽ phát ra ánh sáng màu nhiệm và phát huy được sức mạnh phi thường. Cũng như khi chủ tướng gặp được những tướng lĩnh xông xáo, trung thành và quyết tâm chiến đấu vì tổ quốc, thì nghĩa quân mới lớn mạnh được.

Sau khi nhận được gươm thần, nghĩa quân Lam Sơn ngày một lớn mạnh, tung hoành khắp các trận địa, làm cho quân Minh bạt vía. Uy thế của nghĩa quân ngày một lan xa. Họ không phải trốn tránh như trước nữa, mà chủ động đi tìm giặc để tấn công. Nghĩa quân cũng không phải ăn uống kham khổ như trước nữa vì đã có nguồn lương thực dồi dào từ những kho lương thực chiếm được của giặc. Gươm thần tiếp thêm sức mạnh cho nghĩa quân đánh đuổi sạch toàn bộ giặc Minh trên lãnh thổ đất nước ta. Điều này làm ta hết sức vui mừng và tự hào về con dân nước Nam.

Một năm sau, khi đất nước đã thái bình, ta nhận thấy đã đến lúc thu hồi trở lại thanh gươm thần nên đã sai Rùa Vàng đến gặp Lê Lợi. Nhà vua đã ngay lập tức đem gươm thần trả lại để Rùa Vàng mang gươm về cho ta. Thật không ngờ, sự kiện ấy đã khiến Lê Lợi đổi tên hồ Tả Vọng thành hồ Hoàn Kiếm.

►► CLICK NGAY vào nút TẢI VỀ bài Viết bài tập làm văn số 1: Văn kể chuyện chi tiết, ngắn gọn bản file word, file pdf hoàn toàn miễn phí từ chúng tôi.

Đánh giá bài viết
5.0
3 lượt đánh giá
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
Copyright © 2020 Tailieu.com