Logo

Soạn văn 7 CD Tập 2 bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống trang 45

Soạn văn 7 CD Tập 2 bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống trang 45 chi tiết, dễ hiểu nhất, giúp các em học sinh hiểu và tiếp thu bài giảng đạt hiệu quả.
1.2
8 lượt đánh giá

Hướng dẫn giải và trả lời câu hỏi trong bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống lớp 7 trang 45 Tập 2 bộ sách Cánh diều chính xác nhất, mời các em học sinh và phụ huynh tham khảo.

Soạn Ngữ văn lớp 7 Bài: Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống trang 45 (Cánh diều)

1. Định hướng

a) Nghị luận về một vấn đề trong đời sống là nêu lên và trình bày ý kiến của mình (tán thành hay phản đối) về một vấn đề nào đó của đời sống bằng cách đưa ra được lí lẽ rõ ràng, kết hợp với bằng chứng đa dạng để thuyết phục người đọc, người nghe.

Vấn đề của đời sống thường do đề bài nêu lên nhưng cũng có thể do người viết tự xác định từ những vấn đề đặt ra trong cuộc sống, chẳng hạn:

- Thế nào là yêu nước?

- Yêu tiếng mẹ đẻ có phải là yêu nước? 

- Thế nào là sống giản dị? 

- Tại sao cần tôn trọng đạo lý “uống nước nhớ nguồn”? 

- Cần biết sống vì người khác. 

b) Để viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống, các em cần: 

-Xác định được vấn đề cần bàn luận.

- Tìm hiểu các tư liệu liên quan đến vấn đề xã hội cẩn nghị luận đó (tư liệu thực tế, những chuyện đã nghe, đã đọc, chuyện đã chứng kiến hay trải nghiệm của bản thân,...).

- Giải thích vấn đề và làm sáng tỏ ý kiến của mình bằng việc nêu ra lí lẽ và bằng chứng. Ví dụ: Trong văn bản Tinh thần yêu nước của nhân dân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lí lẽ khẳng định đồng bào ta ngày nay tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước của cha ông, đồng thời làm sáng tỏ điều đó bằng việc liệt kê các bằng chứng về biểu hiện của lòng yêu nước trên nhiều lĩnh vực, vùng miền, tuổi tác, giới tinh, tầng lớp xã hội,... Từ đó, tác giả đi đến lí lẽ tuy các biểu hiện khác nhau nhưng tất cả đều thể hiện lòng yêu nước của nhân dân ta.

2. Thực hành

Bài tập:

Viết bài văn trả lời cho câu hỏi: “Thế nào là lối sống giản dị?”.

a) Chuẩn bị

- Đọc kĩ lại văn bản Đức tính giản dị của Bác Hồ (Phạm Văn Đồng) và xem lại nội dung đọc hiểu của văn bản này,

- Xem mục Định hướng nêu trên để nắm vững các yêu cầu của bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống xã hội

=>Xác định được vấn đề cần bàn luận.

=> Tìm hiểu các tư liệu liên quan đến vấn đề xã hội cẩn nghị luận đó (tư liệu thực tế, những chuyện đã nghe, đã đọc, chuyện đã chứng kiến hay trải nghiệm của bản thân,...).

=> Giải thích vấn đề và làm sáng tỏ ý kiến của mình bằng việc nêu ra lí lẽ và bằng chứng.

- Tập hợp những hiểu biết từ sách báo và đời sống thực tế về những lời dạy và tấm gương có lối sống cao đẹp, giản dị.

=> Tấm gương sống giản dị: chủ tích Tôn Đức Thắng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: "Bác Tôn là con người vô cùng giản dị, vẫn là người công nhân, vẫn giữ cái búa, cái kìm... và tự chữa lấy xe đạp của Bác. Bác Tôn của chúng ta là một con người như thế, một người công nhân tiêu biểu cho tinh thần cách mạng, đạo đức cách mạng cao quý nhất của giai cấp công nhân, của dân tộc Việt Nam, của Đảng chúng ta, của dân tộc Việt Nam chúng ta". Những hành động từ chối đặc lợi, đặc quyền được thể hiện rõ nét ở con người Chủ Tịch Tôn Đức Thắng với ba lần từ chối nhận nhà do Trung ương phân.

b) Tìm ý và lập dàn ý

- Tìm ý cho bài viết bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi sau:

+ Thế nào là giản dị?

=> Giản dị là lối sống đơn giản, bỏ qua những sự cầu kì và không chạy đua theo xu hướng xã hội, sống phù hợp với hoàn cảnh của mình, không sống xa rời thực tại.

+ Tính giản dị được biểu hiện qua những phương diện nào?

=> Tính giản dị được biểu hiện qua những phương diện như lời ăn tiếng nói, lối sống, ăn mặc, hành động, bằng lòng với thực tại, không đòi hỏi cao từ phía người khác….

+ Tại sao cần sống giản dị?

=> Cần sống giản dị bởi: tạo cho chúng ta sự nhẹ nhàng, thoải mái cho cuộc sống, thoải mái cho mọi người xung quanh, tiết kiệm thời gian và tiền bạc…

+ Em biết những tấm gương nào về lối sống giản dị trong thực tế, sách báo,...?

=> Tấm gương về sống giản dị: chủ tịch Tôn Đức Thắng, chủ tịch Hồ Chí Minh…

+ Em có suy nghĩ như thế nào về việc rèn luyện cho mình lối sống giản dị?

=> Việc rèn luyện cho mình lối sống giản dị là việc làm cần thiết: thay đổi nhận thức về tiền bạc, dành thời gian cho người thân yêu; bằng lòng với những gì mình có…

- Lập dàn ý cho bài viết bằng cách lựa chọn, sắp xếp các ý theo bố cục ba phần:

Mở bài

+ Dẫn dắt vấn đề cần nghị luận, ví dụ: Những nhân vật vĩ đại lại thường là những người giản dị.

+ Nêu vấn đề: Cần sống giản dị.

Thân bài

+ Nêu quan niệm về lối sống giản dị? Ví dụ: Giản dị là lối sống đơn giản, cần kiệm.

+ Nêu biểu hiện của lối sống giản dị trong sinh hoạt đời sống (ăn, mặc, Ở, nói, viết,...).

+ Phân tích ý nghĩa của lối sống giản dị.

Ví dụ:

• Giản dị tạo nên sự hoà đồng, kết nối, cảm thông lớn với mọi người.

• Một số tấm gương đã chứng minh vẻ đẹp của lối sống giản dị.

+ Liên hệ với bản thân trong việc rèn luyện lối sống giản dị. Cần diễn đạt chân thật, cụ thể suy nghĩ của bản thân.

Kết bài

+ Khẳng định vai trò của lối sống giản dị. Ví dụ: Giản dị là một phẩm chất cao quý cần có ở mỗi con người

+ Nêu suy nghĩ về hướng rèn luyện của em.

c) Viết

Dựa vào dàn ý đã làm, thực hành viết với những yêu cầu khác nhau:

- Rèn luyện viết các đoạn văn: đoạn mở bài, đoạn kết bài, đoạn văn phát triển một ý ở thân bài,...

- Viết bài văn nghị luận hoàn chỉnh. 

Bài văn tham khảo

Mỗi người là một phiên bản khác nhau không ai giống ai, vì thế mà mỗi người sẽ có một tính cách, một lối sống riêng: có người thích sống ở phố, chạy theo xu hướng mới, có người thích thôn quê dân dã yên bình, thích những gì đơn giản. Xã hội ngày càng phát triển, càng văn minh thì lối sống giản dị lại càng trở nên cần thiết. Vậy giản dị là gì và lối sống giản dị được biểu hiện như thế nào?

Trước hết, hiểu ngắn gọn giản dị là sống đơn giản bỏ qua những sự cầu kì và không chạy đua theo xu hướng xã hội, sống phù hợp với hoàn cảnh của mình, không sống xa rời thực tại. Lối sống giản dị được biểu hiện qua muôn mặt đời sống trên các phương diện như lời ăn tiếng nói, lối sống, ăn mặc, hành động, bằng lòng với thực tại, không đòi hỏi cao từ phía người khác….Giản dị trong cách ăn mặc đó là mặc đơn giản, không lòe loẹt cầu kì và đặc biệt là phù hợp với từng hoàn cảnh khác nhau. Đơn cử khi tham gia một đám hiếu không nên mặc váy mà nên mặc quần áo trơn, ít họa tiết nhất có thể, tối màu; còn khi tham gia đám hỉ có thể mặc váy sáng màu nhạt, không nên quá cầu kì kiểu cách, miễn sao tạo được sử thoải mái trong hoạt động và giao tiếp. Còn trong lời ăn tiếng nói, giản dị được biểu hiện ở chỗ nói với âm thanh vừa đủ nghe, lời lẽ ngắn gọn đơn giản, dễ hiểu tránh lời thô lỗ dung tục và nói đúng, trúng vấn đề giao tiếp. Giản dị trong hành động, sinh hoạt được biểu hiện ăn đủ chất, đủ lượng, không làm thừa và đổ bỏ lãng phí, sống hòa đồng với mọi người xung quanh, tự nhiên và gần gũi trong cách cư xử….

Sống giản dị không chỉ đem lại nhiều lợi ích cho bản thân mà còn đem lại lợi ích cho cộng đồng, xã hội Khi sống giản dị tạo nên sự thanh thản, bình yên trong tâm hồn và sự nhàn nhã, thư thái trong nhịp sống. Sống giản dị còn giúp cho con người hoà đồng với tự nhiên, gắn bó sâu sắc với các cá nhân khác và là một trong những cách để mỗi người sống thật, sống có hứng thú, có ý nghĩa. Đơn cử như khi ăn nói giản dị, văn phong nhẹ nhàng, chân thật thường được mọi người xung quanh yêu quý. Cách nói chuyện nhanh gọn, đi đúng vấn đề sẽ chiếm được cảm tình từ đối phương. Giản dị trong cách ăn nói khiến cho mục đích giao tiếp thành công hơn. Nội dung ngôn từ ngắn gọn súc tích tiết kiệm được nhiều thời gian giao tiếp. Từ đó mang lại thành công cho người giản dị… Tuy nhiên chúng ta không nên nhầm lẫn sống giản dị với sống xuề xoà, dễ dãi, cẩu thả, vì trong những trường hợp này, cái giản đơn bên ngoài là biểu hiện của sự thiếu ý thức ở bên trong. Ăn nói giản dị, dễ hiểu khác với ăn nói cộc lốc, thiếu lễ độ, thiếu tôn trọng người khác. Chủ Tịch Hồ Chí Minh là một trong những tấm gương sáng ngời về lối sống giản dị. Đứng đầu một đất nước nhưng người vẫn mang dép cao su, áo vải, ăn những bữa cơm chỉ vài ba món, ở nhà sàn mái lá… Vì thế sự nghiệp, sức sống của Người đã vượt mọi giới hạn thông thường về không gian, thời gian, còn tiếng thơm muôn đời. Hay Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến rất giàu trách nhiệm, nặng tình đời song không tham đua chen chốn quan trường mà chọn thanh bần đế chan hoà với không gian suối rừng thôn dã, tìm sự tự do và thanh thản trong tâm hồn... 

Như vậy có thể thấy, giản dị là một trong những phẩm chất cao quý của con người, mỗi người cần tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất ấy trước hết là giúp ích cho bản thân, sau là giúp ích cho cộng đồng, xã hội. Để sống giản dị, cần một năng lực sống, năng lực tâm hồn và quyết tâm cao, cũng cần hoà mình vào cuộc sống đế sống và cảm nhận, cần loại bỏ lòng tham và bù đắp tình yêu cuộc sống. Đó là cách để tránh mọi cám dỗ, giảm áp lực tinh thần và nâng cao bản lĩnh văn hoá. Bản thân em cũng cố gắng học tập và tu dưỡng, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với mọi người và sống cởi mở, chân thành, đơn giản. 

d) Kiểm tra và chỉnh sửa 

Tham khảo việc kiểm tra và chỉnh sửa các lỗi về viết đã nêu ở Bài 6, mục d (trang 15).

►►CLICK NGAY vào nút TẢI VỀ dưới đây để tải về Soạn Văn 7 Bài: Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống trang 45 Tập 2 - Cánh diều file PDF hoàn toàn miễn phí.

Đánh giá bài viết
1.2
8 lượt đánh giá
Tham khảo thêm:
    CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
    Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
    Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
    Copyright © 2020 Tailieu.com