Kì thi giữa học kì 2 sắp tới, nhu cầu tìm kiếm nguồn tài liệu ôn thi chính thống có lời giải chi tiết của các em học sinh là vô cùng lớn. Thấu hiểu điều đó, chúng tôi đã dày công sưu tầm Top 3 đề thi giữa học kì 2 lớp 4 môn Tiếng Việt (có đáp án) năm 2022 - 2023 Phần 2. Mời các em cùng quý thầy cô theo dõi đề tại đây.
A. Kiểm tra Đọc, Nghe, Nói
I. Kiểm tra đọc thành tiếng (3 điểm)
Thời gian cho mỗi em khoảng 1-2 phút.
Giáo viên kiểm tra kĩ năng đọc thành tiếng đối với học sinh các bài Tập đọc đã học từ tuần 19 đến tuần 27 trong SGK Tiếng Việt 4, Tập hai.
II. Kiểm tra đọc hiểu kết hợp kiểm tra từ và câu (7 điểm)
Đọc bài sau và trả lời câu hỏi
CÂY XOÀI
Ba tôi trồng một cây xoài. Giống xoài quả to, ngọt và thơm lừng. Mùa xoài nào cũng vậy, ba đều đem biếu chú Tư nhà bên vài ba chục quả.
Bỗng một năm gió bão làm bật mấy chiếc rễ. Thế là cây xoài nghiêng hẳn một nửa sang vườn nhà chú Tư. Rồi đến mùa quả chín, tôi trèo lên cây để hái. Sơn (con chú Tư) cũng đem cây có móc ra vin cành xuống hái. Tất nhiên tôi ở trên cây nên hái được nhiều hơn. Hái xong, ba tôi vẫn đem biếu chú Tư vài chục quả . Lần này thì chú không nhận. Đợi lúc ba tôi đi vắng, chú Tư ra đốn phần cây xoài ngã sang vườn chú . Các cành thi nhau đổ xuống. Từng chiếc lá xoài rơi lả tả, nhựa cây ứa ra . Ba tôi về thấy vậy chỉ thở dài mà không nói gì.
Mùa xoài lại đến. Lần này, ba tôi cũng đem biếu chú Tư vài chục quả . Tôi liền phản đối. Ba chỉ nhỏ nhẹ khuyên tôi:
- Chú Tư sống dở, mình phải sống hay như thế mới tốt, con ạ !
Tôi tức lắm nhưng đành phải vâng lời. Lần này chú chỉ nhận mấy quả thôi. Nhưng từ đó cây xoài cành lá lại xum xuê . Đến mùa, cây lại trĩu quả và Sơn cũng chẳng còn ra tranh hái với tôi nữa.
Đơn giản thế nhưng ba tôi đã dạy cho tôi cách sống tốt ở đời.
Mai Duy Quý
Khoanh vào chữ cái có câu trả lời đúng :
Câu 1. Ai đã trồng cây xoài? (0,5 điểm)
a. Ông bạn nhỏ.
b. Mẹ bạn nhỏ.
c. Ba bạn nhỏ.
Câu 2. Tại sao chú hàng xóm lại không nhận xoài biếu như mọi năm? (0,5 điểm)
a. Vì chú không thích ăn xoài.
b. Vì xoài năm nay không ngon.
c. Vì chú thấy con mình cũng hái xoài.
Câu 3. Ba của bạn nhỏ đã có thái độ như thế nào khi thấy cây xoài bị đốn phần cành ngả sang nhà hàng xóm ? (1 điểm)
Câu 4. Đợi lúc ba bạn nhỏ đi vắng chú Tư đã làm gì? (0,5 điểm)
a. Dựng phần cây xoài bị ngã sang vườn nhà chú lên.
b. Chặt phần cây xoài bị ngã sang vườn nhà chú.
c. Để nguyên phần cây xoài bị ngã ở vườn nhà mình.
Câu 5. Bạn nhỏ đã rút ra điều gì qua câu chuyện này? (1 điểm)
a. Không nên cãi nhau với hàng xóm.
b. Bài học về cách sống tốt ở đời.
c. Không nên chặt cây cối.
Câu 6. Thái độ của bạn nhỏ như thế nào khi ba bảo bạn mang xoài sang biếu chú Tư? (0,5 điểm)
a. Tức giận.
b. Vui vẻ.
c. Không nói gì.
Câu 7. Khoanh vào từ không thuộc nhóm có lợi cho sức khỏe:
Tập thể dục, nghỉ mát, khiêu vũ, đánh bóng bàn, nhảy dây, hút thuốc lá, bơi lội
Câu 8. Ghi lại câu kể Ai làm gì? có trong các câu sau: (0,5 điểm)
“Ba tôi trồng một cây xoài. Giống xoài quả to, ngọt và thơm lừng… “
Câu 9. Tìm một số từ thể hiện nét đẹp trong tâm hồn tính cách của người cha trong câu chuyện trên. (1 điểm)
Câu 10. Xác định chủ ngữ và vị ngữ trong câu sau: (1 điểm)
“Tiếng lá rơi xào xạc.”
B. Kiểm tra Viết
I. Chính tả ( 2 điểm) – Thời gian 20 phút
Nghe – viết: Bài Sầu riêng ( TV 4, Tập 2, Trang 35), viết từ: Hoa sầu riêng trổ vào cuối năm...đến tháng năm ta.
II. Tập làm văn ( 8 điểm) Thời gian 40 phút.
Đề bài: Em hãy tả lại một cây mà em yêu thích.
A. Kiểm tra Đọc, Nghe, Nói
Phần đọc hiểu kết hợp kiểm tra từ và câu : Mức độ 1;2 - 0.5điểm, Mức độ 3;4 - 1 điểm
Câu 1. c
Câu 2. c
Câu 3. Bố bạn nhỏ chỉ thở dài không nói gì, vẫn tiếp tục sống tốt và biếu xoài.
Câu 4. b
Câu 5. b
Câu 6. a
Câu 7. hút thuốc lá
Câu 8. Ba tôi trồng một cây xoài.
Câu 9. HS ghi tối thiểu được 2 từ : nhân hậu, vị tha, tốt bụng,…
Câu 10.
Tiếng lá rơi / xào xạc.
CN VN
B. Kiểm tra Viết
I/ Chính tả : (2 điểm)
Chữ viết đúng mẫu, đều đẹp phạm ít lỗi chính tả cho 2 điểm.
Các trường hợp còn lại giáo viên căn cứ để cho điểm.
II/ Tập làm văn : (8 điểm)
* Tham khảo
Ở sân trường em có rất nhiều loại cây, cây bàng với những tán lá xanh um tỏa bóng che mát cho sân trường hay cây phượng với hoa đỏ rực tuyệt đẹp nhưng có lẽ em thích nhất là cây bằng lăng.
Cây bằng lăng mà em thích nằm bên cạnh lớp em. Thân cây to màu nâu với những đường vân sần sùi. Cây được trồng trong bồn với những bông hoa bé xinh được xếp ở xung quanh. Cây cao tầm 2 mét, cành lá tỏa ra tứ phía trông như những cánh tay khổng lồ vậy. Lá bằng lăng có màu xanh thẫm, to bằng bàn tay của người lớn. Lá bằng lăng không có viền răng cưa mà thay vào đó là những đường gân lá kéo dài từ cuống lá đến hết chiếc lá.
Mùa hè đến bằng lăng bắt đầu nở rộ. Hoa bằng lăng có màu tím rất đẹp mắt. Hoa bằng lăng có nhiều cánh, mỗi cánh hoa đều mềm như lụa và nhẹ như nhung. Những cánh hoa ấy ôm ấp bao bọc lấy nhụy hoa màu vàng tươi bên trông tạo ra một sự hài hòa về màu sắc. Khi các bông hoa nở rộ cũng là lúc toàn bộ cây được bao phủ bởi màu tím chói mắt. Từ xa nhìn lại cây hoa lúc này trông chẳng khác gì một chiếc ô khổng lồ màu tím sang trọng tỏa bóng che mát cả một khoảng sân rộng.
Hoa bằng lăng từ lâu đã được coi là hoa học trò bởi màu hoa rất giống màu mực tím cũng bởi vì hoa nở đúng vào mùa thi. Mỗi lần ngồi trong lớp em lại lơ đãng hướng ra cửa sổ ngắm nhìn những chùm hoa màu tím thanh thanh ấy, cảm xúc vừa buồn mà lại vừa vui. Vui là vì sắp được lên một lớp mới còn buồn là vì phải xa bạn bè thầy cô. Khi hoa bằng lăng bắt đầu rơi xuống cũng là lúc cây bắt đầu có quả. Quả bằng lăng lúc non sẽ có màu xanh lục bảo, hương thơm nhẹ, thanh khiết. Khi chín quả sẽ tự tách ra thành từng múi một.
Em rất yêu cây bằng lăng này bởi nó gắn liền với rất nhiều những kỉ niệm về tuổi học trò ngây thơ đầy nắng và gió của em. Em sẽ luôn chăm sóc và giữ cho cây luôn được tươi tốt.
A. Kiểm tra Đọc, Nghe, Nói
I. Kiểm tra đọc thành tiếng: (3 điểm)
- Mỗi học sinh đọc đúng, rõ ràng và diễn cảm một đoạn văn hoặc khổ thơ (với tốc độ khoảng 75 tiếng/phút) trong các bài tập đọc đã học từ Tuần 19 đến Tuần 27 (Tiếng Việt lớp 4 – Sgk tập 2) do HS bốc thăm.
- Trả lời được 1 – 2 câu hỏi liên quan đến nội dung đoạn văn (thơ) đã đọc theo yêu cầu của giáo viên.
II. Kiểm tra đọc - hiểu kết hợp kiểm tra kiến thức tiếng Việt: (7 điểm)
Em hãy đọc thầm bài văn sau:
HÌNH DÁNG CỦA NƯỚC
Màn đêm đã buông xuống. Trong không gian yên ắng chỉ còn nghe thấy tiếng tí tách của những hạt mưa rơi. Nằm trong nhà bếp ghé mắt ra cửa sổ, anh Đũa Kều hỏi bác Tủ Gỗ.
- Bác Tủ Gỗ ơi, nước thì có hình gì bác nhỉ? Không kịp để bác Tủ Gỗ lên tiếng, Cốc Nhỏ nhanh nhảu:
- Tất nhiên là nước có hình chiếc cốc rồi. Anh Đũa Kều chưa bao giờ nhìn thấy nước được đựng vừa in trong những chiếc cốc xinh xắn à? Bát Sứ không đồng tình, ngúng nguẩy:
- Cốc Nhỏ nói sai rồi! Nước có hình giống một chiếc bát. Mọi người vẫn đựng nước canh trong những chiếc bát mà.
Chai Nhựa gần đấy cũng không chịu thua:
- Nước có hình dáng giống tôi. Cô chủ nhỏ lúc nào chẳng dùng tôi để đựng nước uống.
Cuộc tranh cãi ngày càng gay gắt. Bác Tủ Gỗ lúc này mới lên tiếng:
- Các cháu đừng cãi nhau nữa. Nước không có hình dạng cố định. Trong tự nhiên nước tồn tại ba thể: rắn, lỏng, khí. Ở thể rắn nước tồn tại dưới dạng băng. Ở thể khí nước tồn tại ở dạng hơi nước và nước chúng ta sử dụng hàng ngày để sinh hoạt là thể lỏng.
Tất cả mọi người lắng nghe chăm chú và nhìn nhau gật gù:
- Ô! Hóa ra là như vậy. Chúng cháu cảm ơn bác Tủ Gỗ.
Lê Ngọc Huyền
Em trả lời mỗi câu hỏi, làm mỗi bài tập theo một trong hai cách sau:
- Khoanh tròn vào chữ cái trước câu trả lời đúng .
- Viết ý kiến của em vào chỗ trống.
Câu 1:(0,5đ) Côc Nhỏ, Chai Nhựa và Bát Sứ tranh cãi nhau về điều gì?
A. Tác dụng của nước.
B. Hình dáng của nước.
C. Mùi vị của nước.
D. Màu sắc của nước
Câu 2:(0,5đ) Ý kiến của Cốc Nhỏ, Chai Nhựa và Bát Sứ về hình dáng của nước có gì giống nhau?
A. Nước có hình chiếc cốc
B. Nước có hình cáibát
C. Nước có hình của vật chứa nó.
D. Nước có hình cái chai
Câu 3:(0,5đ) Lời giải thích của bác Tủ Gỗ giúp ba bạn Bát Sứ, Cốc Nhỏ và Chai Nhựa hiểu được điều gì về hình dáng của nước?
A. Nước không có hình dáng nhất định, có hình của vật chứa nó.
B. Nước có hình dáng nhất định.
C. Nước tồn tại ở thể rắn, thể lỏng và thể khí
D. Nước tồn tại ở thể thể lỏng và thể khí.
Câu 4:(0,5đ) Vì sao ba bạn Cốc Nhỏ, Chai Nhựa và Bát Sứ đã tranh cãi gay gắt?
A. Các bạn không giữ được bình tĩnh khi có ý kiến khác mình.
B. Các bạn không nhìn sự việc từ góc nhìn của người khác.
C. Các bạn không có hiểu biết đầy đủ về điều đang được bàn luận.
D. Cả ba ý trên.
Câu 5:(1đ) Nối các câu ở cột A với các kiểu câu ở cột B cho phù hợp.
A | B |
Màn đêm đã buông xuống | Câu kể Ai làm gì? |
Hóa ra là như vậy | Câu kể Ai thế nào? |
Chúng cháu cảm ơn bác Tủ Gỗ. | Câu khiến |
Các cháu đừng cãi nhau nữa. | Câu kể Ai là gì? |
Câu 6:(0,5đ) Dấu gạch ngang trong câu: - Bác Tủ Gỗ ơi, nước thì có hình gì bác nhỉ? có tác dụng gì?
A. Đánh dấu phần chú thích trong câu.
B. Đánh dấu chỗ bắt đầu lời nói của nhân vật trong đối thoại.
C. Đánh dấu các ý trong một đoạn liệt kê.
D. Cả ba ý trên.
Câu 7: (0,5đ) Từ nào không điền được vào chỗ trống trong câu sau: Đũa Kều chưa bao giờ nhìn thấy nước được đựng vừa in trong những chiếc cốc..................à?
A. nhỏ xinh
B. xinh xinh
C. xinh tươi
D. xinh xắn
Câu 8:(1đ) Viết tiếp bộ phận vị ngữ để tạo thành câu kể Ai làm gì?
Bác Tủ Gỗ……………………………………
Câu 9: (1 điểm) Chuyển câu kể sau thành 1 câu hỏi và 1 câu khiến: “Nam học bài.”
- Câu hỏi:
- Câu khiến:
Câu 10: (1đ) Khi tranh luận một vấn đề nào đó với người khác em cần lưu ý điều gì?
Hãy viết một câu để bày tỏ ý kiến của mình.
B. Kiểm tra Viết
I. Chính tả (Nghe – viết) (2 điểm) - 15 phút:
GV đọc cho học sinh viết đoạn văn sau:
Hình dáng của nước
Chai Nhựa gần đấy cũng không chịu thua:
- Nước có hình dáng giống tôi. Cô chủ nhỏ lúc nào chẳng dùng tôi để đựng nước uống.
Cuộc tranh cãi ngày càng gay gắt. Bác Tủ Gỗ lúc này mới lên tiếng:
- Các cháu đừng cãi nhau nữa. Nước không có hình dạng cố định. Trong tự nhiên nước tồn tại ba thể: rắn, lỏng, khí. Ở thể rắn nước tồn tại dưới dạng băng. Ở thể khí nước tồn tại ở dạng hơi nước và nước chúng ta sử dụng hàng ngày để sinh hoạt là thể lỏng.
Tất cả mọi người lắng nghe chăm chú và nhìn nhau gật gù:
- Ô! Hóa ra là như vậy. Chúng cháu cảm ơn bác Tủ Gỗ.
II. Tập làm văn: (8 điểm)
Đề bài: Em hãy miêu tả một loài cây mà em yêu thích nhất.
A. Kiểm tra Đọc, Nghe, Nói
I. Đọc thành tiếng
Học sinh đọc một đoạn văn thuộc một trong các bài sau và trả lời 1 hoặc 2 câu hỏi về nội dung bài đọc do giáo viên nêu.
1. Trống đồng Đông Sơn
(Đoạn từ “Trống đồng Đông Sơn … nhảy múa.”, sách TV4, tập 2 - trang 17)
2. Sầu riêng
(Đoạn từ “Sầu riêng … trổ vào cuối năm.”, sách TV4, tập 2 - trang 34)
3. Hoa học trò
(Đoạn từ “Mùa xuân … bất ngờ dữ vậy.”, sách TV4, tập 2 - trang 43)
4. Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ.
(Đoạn từ “Em cu Tai … vung chày lún sân.”, sách TV4, tập 2 - trang 48)
HƯỚNG DẪN ĐÁNH GIÁ
1/ - Đọc sai từ 2 đến 4 tiếng trừ 0,5 điểm, đọc sai 5 tiếng trở lên trừ 1 điểm.
2/ - Đọc ngắt, nghỉ hơi không đúng từ 2 đến 3 chỗ: trừ 0,5 điểm.
- Đọc ngắt, nghỉ hơi không đúng từ 4 chỗ trở đi: trừ 1 điểm.
3/ - Giọng đọc chưa thể hiện rõ tính diễn cảm: trừ 0,5 điểm.
- Giọng đọc không thể hiện tính diễn cảm: trừ 1 điểm.
4/ - Đọc nhỏ, vượt quá thời gian từ 1 đến 2 phút: trừ 0,5 điểm.
- Đọc quá 2 phút: trừ 1 điểm
5/ - Trả lời chưa đủ ý hoặc diễn đạt chưa rõ ràng: trừ 0,5 điểm
- Trả lời sai hoặc không trả lời được: trừ 1 điểm.
II. Đọc thầm
Vùng đất duyên hải
Ninh Thuận - vùng đất duyên hải quanh năm nắng gió - là nơi có nhiều khu vực làm muối nổi tiếng bậc nhất của cả nước như Cà Ná, Đầm Vua.
Nhờ thời tiết khô ráo, lượng mưa thấp, đất phù sa giàu dinh dưỡng, thoát nước tốt, người dân Ninh Thuận đã phát triển mô hình trồng nho thành công. Vườn nho Ba Mọi có diện tích khoảng 15.000m2 là điểm du lịch sinh thái luôn mở rộng cửa chào đón du khách. Ninh Thuận có những đồi cát mênh mông trông giống sa mạc. Một bên là núi, một bên là biển, con đường nối dài bởi rừng nho, ruộng muối đã tạo nên tuyến đường ven biển lãng mạn nhất Việt Nam.
Đến Ninh Thuận, chỉ cần dậy thật sớm ra biển Ninh Chữ đón bình minh lên, bạn sẽ được trải nghiệm sống trong không khí mua bán tươi vui của cảng cá hay tham gia kéo lưới với ngư dân làng chài.
Trên hành trình rong ruổi khám phá Ninh Thuận, bạn sẽ được hưởng những luồng gió mát mẻ thổi về từ biển, không khí khô nhẹ dễ chịu, nắng nhiều nhưng không ra mồ hôi.
Ngoài những vườn nho xanh mướt, tháp Chàm cổ kính hay với biển xanh cát trắng, Ninh Thuận còn có những cánh đồng cừu rộng lớn… Đồng cừu An Hòa với số lượng đàn rất lớn từ vài trăm cho đến cả ngàn con.
Theo Tạp chí Du lịch
Em đọc thầm bài “Vùng đất duyên hải” rồi làm các bài tập sau:
Câu 1. Ninh Thuận là vùng đất: (Đánh dấu × vào ô trước ý đúng nhất)
ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ nước ta.
duyên hải quanh năm nắng gió.
ở cao nguyên Đắc lắc, Tây Nguyên.
ngập trũng quanh năm ở đồng bằng Nam Bộ
Câu 2. Điều kiện thuận lợi để Ninh Thuận trồng nho thành công là: (Đúng ghi Đ, sai ghi S vào ô trống)
Thời tiết khô ráo, lượng mưa thấp.
Đồi cát mênh mông trông giống sa mạc.
Đất phù sa giàu dinh dưỡng, thoát nước tốt.
Câu 3. Đến biển Ninh Chữ lúc bình minh, du khách sẽ được trải nghiệm những gì?
Câu 4. Hãy nối từ ở cột A với từ ở cột B cho thích hợp.
A | B |
Biển Ninh Chữ | cánh đồng cừa rộng lớn đến hàng ngàn con |
Đồng cừa An Hòa | tham gia kéo lưới với ngư dân làng chài |
Vườn nho Ba Mọi | có tuyến đường ven biển lãng mạn nhất Việt Nam |
Ninh Thuận | điểm du lịch sinh thái luôn mở cửa đón du khách |
Câu 5. Ngoài Ninh Thuận, em hãy viết một câu giới thiệu một cảnh đẹp khác của Việt Nam mà em biết.
Câu 6. Câu “Ninh Thuận có những đồi cát mênh mông trông giống sa mạc.” có:
….. tính từ. Đó là từ: ………………………
Câu 7. Trong bài đọc có một dấu gạch ngang. Dấu gạch ngang đó có tác dụng là: (Em hãy đánh dấu × vào ô trước ý đúng nhất)
Đánh dấu chỗ bắt đầu lời nói của nhân vật trong đối thoại.
Đánh dấu từ ngữ được hiểu theo nghĩa đặc biệt.
Đánh dấu phần chú thích trong câu văn.
Đánh dấu các ý được liệt kê trong đoạn văn.
Câu 8. Trong đoạn 4: “Trên hành trình rong ruổi………không ra mồ hôi”.
Em hãy tìm và ghi lại:
- Từ láy là động từ: …………………………
- Từ láy là tính từ: …………………………..
Câu 9. Hãy nối từ ở cột A với từ ở cột B cho thích hợp.
Người dân Ninh Thuận trồng nho, nuôi cừu. | Ai làm gì? |
Cà Ná, Đầm Vua là khu vực làm muối nổi tiếng | Ai thế nào? |
Gió mát thổi về từ biển, không khí khô nhẹ dễ chịu | Ai là gì? |
Vườn nho Ba Mọi là điểm du lịch sinh thái. |
Câu 10. Em hãy đặt một câu kể Ai thế nào? để chỉ đặc điểm bên ngoài hoặc tính tình một bạn trong lớp mà em yêu mến.
B. Kiểm tra Viết
I. Chính tả (Nghe - đọc) Thời gian: 15 phút
Bài “Bãi ngô” (Sách Tiếng Việt 4, tập 2, trang 30; 31)
Viết đầu bài và đoạn “Thế mà chỉ ít lâu sau … làn áo mỏng óng ánh.”
II. Tập làm văn Thời gian: 40 phút
Đề bài: Thiên nhiên xung quanh em rất nhiều cây xanh. Hãy tả một cây bóng mát hoặc cây ăn quả hoặc cây ra hoa mà em yêu thích.
Trên đây là tổng hợp 3 đề thi Tiếng Việt giữa kì 2 lớp 4 năm 2022 - 2023 (có đáp án) được tải nhiều Phần 2. Hy vọng sẽ là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích giúp các em học sinh ôn luyện, chuẩn bị tốt cho bài kiểm tra giữa kì 2 sắp tới.
TẢI VỀ Bộ 3 đề thi giữa học kì 2 lớp 4 môn Tiếng Việt năm 2022 - 2023 Phần 2 (có đáp án) bản FULL file Word/PDF tại nút TẢI VỀ dưới đây: