Logo

Giải Tiếng Việt VNEN lớp 5 Tập 1 Bài 3A: Tấm lòng người dân

Giải bài tập Tiếng Việt lớp 5 VNEN Bài 3A: Tấm lòng người dân Tập 1 sách giáo khoa chương trình mới chi tiết, dễ hiểu giúp các em tiếp thu bài học hiệu quả.
5.0
0 lượt đánh giá

Nội dung hướng dẫn giải Bài 3A: Tấm lòng người dân được chúng tôi biên soạn bám sát bộ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5 chương trình mới (VNEN). Là tài liệu tham khảo hữu ích giúp các em học tốt môn Tiếng Việt lớp 5.

Hoạt động cơ bản - Bài 3A Tiếng Việt lớp 5 VNEN

Câu 1.

Quan sát bức tranh và cho biết

a) Tranh vẽ những ai?

b) Tranh vẽ cảnh gì?

Tấm lòng nhân dân

Lời giải chi tiết:

Quan sát bức tranh ta thấy:

+ Tranh vẽ các nhân vật: dì Năm, bé An, chú cán bộ, cai, lính.

+ Tranh vẽ cảnh tên cai và lính đang chĩa súng vào chú cán bộ, bé An đang ôm mẹ bị trói bên mâm cơm đang ăn dở.

Câu 2.

Nghe thầy cô (hoặc bạn) đọc đoạn kịch sau:

Lòng dân

Nhân vật:

+ Dì Năm - 29 tuổi

+ An -12 tuổi, con trai dì Năm

+ Lính

+ Cai

Cảnh trí: Một ngôi nhà nông thôn Nam Bộ. Cửa nhà quay vào phía trong sân khấu. Bên trái kê một cái bàn, hai cái ghế. Bên phải là một chõng tre, trên có mâm cơm.

Thời gian: Buổi trưa. Má con dì Năm đang ăn cơm thì một chú cán bộ bị địch rượt bắt chạy vô. Dì Năm chỉ kịp đưa chú một chiếc áo để thay, rồi bảo chú ngồi xuống chõng vờ ăn cơm. Vừa lúc ấy, một tên cai và một tên lính chạy tới.

Cai: - Anh chị kia!

Dì Năm: - Dạ, cậu kêu chi?

Cai: - Có thấy một người mới chạy vô đây không?

Dì Năm: - Dạ, hổng thấy.

Cán bộ: - Lâu mau rồi cậu?

Cai: - Mới tức thời đây.

Cai: - Thiệt không thấy chớ? Rõ ràng nó quẹo vô đây (vẻ bực dọc). Anh nầy là...

Dì Năm: - Chồng tui. Thằng nầy là con.

Cai: - (Xẵng giọng) Chồng chị à?

Dì Năm: - Dạ, chồng tui.

Cai: - Để coi. (Quay sang lính) Trói nó lại cho tao (chỉ dì Năm). Cứ trói đi. Tao ra lịnh mà (lính trói dì Năm lại).

An: - (Ôm dì Năm, khóc òa) Má ơi má!

Cán bộ: - (Buông đũa đứng dậy) Vợ tôi...

Lính: - Ngồi xuống! (Chĩa súng vào chú cán bộ) Rục rịch tao bắn.

Dì Năm: - Trời ơi! Tui có tội tình chi?

Cai: - (Dỗ dành) Nếu chị nói thiệt, tôi thưởng. Bằng chị nhận anh này là chồng, tôi bắn chị tức thời, đốt luôn cái nhà này nữa.

Dì Năm: - Mấy cậu... để tui...

Cai: - Có thế chớ! Nào, nói lẹ đi!

Dì Năm: - (nghẹn ngào) An... (An "dạ"). Mầy qua bà Mười... dắt con heo về..., đội luôn năm giạ lúa. Rồi ... cha con ráng đùm bọc lấy nhau.

(còn nữa)

Câu 3.

Ghép mỗi từ ngữ dưới đây với lời giải nghĩa phù hợp:

a. Ráng

(tiếng Nam Bộ)

b. Quẹo vô

(tiếng Nam Bộ)

c. Thiệt

(tiếng Nam Bộ)

d. Hổng thấy

(tiếng Nam Bộ)

e. Lẹ

(tiếng Nam Bộ)

g. Cai

 

(1) ... : chức vụ thấp nhất trong quân đội thời trước, chỉ xếp trên lính thường.

(2) ... : không thấy.

(3) ... : thật.

(4) ... : rẽ vào.

(5) ... : nhanh.

(6) ... : cố, cố gắng.

Lời giải chi tiết:

(1) Cai: chức vụ thấp nhất trong quân đội thời trước, chỉ xếp trên lính thường.

(2) Hổng thấy: không thấy.

(3) Thiệt: thật.

(4) Quẹo vô: rẽ vào.

(5) Lẹ: nhanh.

(6) Ráng: cố, cố gắng

Câu 4. 

Cùng luyện đọc:

+ Phân công vai để đọc

+ Mỗi em đọc một đoạn, tiếp nối nhau cho đến hết bài

+ Chú ý đọc phân biệt tên nhân vật, lời nói của nhân vật và lời chú thích về thái độ, hành động của nhân vật.

Câu 5.

Thảo luận, trả lời câu hỏi:

(1) Chú cán bộ gặp chuyện gì nguy hiểm?

(2) Dì Năm đã nghĩ cách gì để cứu chú cán bộ?

(3) Nối từng ô ở cột A với ô thích hợp ở cột B?

Bài 3A: Tấm lòng người dân

(4) Chi tiết nào bất ngờ làm em thích thú nhất trong đoạn kịch? Vì sao?

Lời giải chi tiết:

1) Chú cán bộ bị địch đuổi bắt nên chạy vào nhà dì Năm nhờ sự giúp đỡ.

(2) Dì Năm đã đưa cho chú một chiếc áo để thay, rồi bảo chú ngồi xuống chõng vờ ăn cơm và giả vờ làm chồng để đánh lừa bọn giặc.

(3) Nối ở cột A với ô thích hợp ở cột B là:

Tình nghĩa nhân dân

a – 3: Dì Năm nhận chú cán bộ là chồng - cho thấy dì Năm rất nhanh trí và cho thấy người dân rất yêu quý và sẵn sàng bảo vệ người cách mạng

b – 1: Chú cán bộ gọi dì Năm là “vợ tôi” - cho thấy chú cán bộ hiểu ngay ý dì Năm, nhập vai rất nhanh.

c – 2: Dì Năm xin bọn lính được nói nhưng không phải để khai ra chú cán bộ mà nói những lời chấp nhận cái chết, trăng trối với hai cha con. - cho thấy dì Năm cương quyết bảo vệ chú cán bộ cho dù bị bắn chết.

(4) Khi địch có ý nghi ngờ chú cán bộ, chị đã tra lời ngay

- Chồng tui. Thằng này là con.

Em thích nhất chi tiết này nhất dì Năm nhanh trí giúp chú cán bộ khỏi hiểm nguy. Cách trả lời rất tự nhiên, không chút ngần ngại.

Hoạt động thực hành - Bài 3A Tiếng Việt VNEN lớp 5

Câu 1.

Thi xếp nhanh các từ vào nhóm thích hợp:

 - Chuẩn bị: Hai nhóm chơi, mỗi nhóm có một bộ thẻ từ: giáo viên, đại uý, trung sĩ, thợ điện, thợ cơ khí, thợ cấy, thợ cày, học sinh tiểu học, học sinh trung học, kĩ sư, bác sĩ, tiểu thương, chủ tiệm.

- Từng bạn trong nhóm lấy một trong các thẻ từ.

- Thi xếp nhanh thẻ từ vào một trong 6 nhóm từ sau:

a. Công nhân

b. Nông dân

c. Quân nhân

d. Trí thức

e. Doanh nhân

g. Học sinh

Lời giải chi tiết:

a. Công nhân

b. Nông dân

c. Quân nhân

d. Trí thức

e. Doanh nhân

g. Học sinh

thợ điện, thợ cơ khí

thợ cấy, thợ cày

Đại uý, trung sĩ

giáo viên, bác sĩ, kĩ sư

Tiểu thương, chủ tiệm

Học sinh tiểu học, học sinh trung học.

Câu 2.

Đọc truyện sau và trả lời câu hỏi:

Con Rồng cháu Tiên

Ngày xửa ngày xưa, ở miền đất Lạc Việt, có một vị thần tên là Lạc Long Quân. Thần mình rồng, sức khoẻ vô địch, lại có nhiều phép lạ. Bấy giờ, ở vùng núi cao có nàng Âu Cơ xinh đẹp tuyệt trần, nghe vùng đất Lạc Việt có nhiều hoa thơm cỏ lạ bèn tìm đến thăm. Hai người gặp nhau, kết thành vợ chồng. Đến kì sinh nở, Âu Cơ sinh ra một cái bọc trăm trứng. Kì lạ thay, trăm trứng nở ra một trăm người con đẹp đẽ, hồng hào và lớn nhanh như thổi. Sống với nhau được ít lâu, Lạc Long Quân bảo vợ:
- Ta vốn nòi rồng ở miền nước thẳm, nàng là dòng tiên ở chốn non cao. Kẻ trên cạn, người dưới nưóc, tập quán khác nhau, khó mà ở cùng nhau lâu dài được. Nay ta đem năm mươi con xuống biển, nàng đưa năm mươi con lên núi, chia nhau cai quản các phương, khi có việc thì giúp đỡ lẫn nhau, đừng quên lời hẹn.
Một trăm người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ sau này trở thành tổ tiên của người Việt Nam ta. Cũng bởi sự tích này mà người Việt Nam thường tự hào xưng là con Rồng cháu Tiên và thân mật gọi nhau là đồng bào.

Theo Nguyễn Đổng Chi

a) Vì sao người Việt Nam ta gọi nhau bằng đồng bào?

Đồng bào: những người cùng chung giống nòi, cùng đất nước (đồng: cùng, bào: màng, bọc thai nhi)

b) Tìm và viết vào vở những từ ngữ bắt đầu bằng tiếng "đồng". (có nghĩa là “cùng”)

M:

- đồng hương (người cùng quê)

- đồng lòng (cùng một ý chí)

c) Đặt câu với một trong những từ ngữ vừa tìm được

Lời giải chi tiết:

a. Người Việt Nam ta thường gọi nhau là đồng bào vì bắt nguồn từ truyền thuyết người Việt được sinh ra từ bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ, cùng một bào thai và cùng một mẹ. Đó là niềm tự hào của người Việt Nam.

b. Những từ bắt đầu bằng tiếng đồng: đồng môn, đồng chí, đồng ca, đồng tâm, đồng nghĩa, đồng hành, đồng đội, đồng hương, đồng lòng, đồng tình, đồng ý, đồng minh, đồng bằng, đồng cảm, đồng thanh, đồng nghiệp...

Giải nghĩa 1 số từ:

+ Đồng môn: Cùng học một thầy, cùng trường.

+ Đồng chí: Người cùng chí hướng.

+ Đồng ca: Cùng hát chung một bài.

+ Đồng cảm: Cùng chung cảm xúc, cảm nghĩ.

+ Đồng ý: Cùng chung ý kiến đã nêu

+ Đồng thanh: Cùng hát, cùng nói.

+ Đồng tâm: Đồng lòng.

+ Đồng nghiệp: Cùng làm một nghề

+ Đồng nghĩa: Cùng một nghĩa.

+ Đồng đội: Người cùng chiến đấu.

+ Đồng hành: Cùng đi một đường.

c. Đặt câu:

Học sinh tham khảo các câu sau:

+ Trong công ty Phú Đạt, tôi và Ngọc là đồng nghiệp của nhau.

+ Dù trong hoàn cảnh nào, nhân dân ta vẫn đồng lòng bảo vệ tổ quốc

+ Tất cả chúng em đồng thanh hát vang bài Quốc ca.

+ Em luôn đồng cảm với những bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Câu 3.

Nghe thầy (cô) đọc và viết vào vở: Thư gửi các học sinh (từ Sau 80 năm giời nô lệ đến nhờ một phần lớn ở công học tập của các em)

Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em.

Câu 4.

a) Viết vần của từng tiếng trong hai dòng thơ sau vào mô hình cấu tạo vần dưới đây:

Em yêu màu tím
Hoa cà, hoa sim

M:

Tiếng

Vần

Âm đệm

Âm chính

Âm cuối

Tím

 

i

m

b) Dựa vào mô hình cấu tạo vần, em hãy cho biết khi viết một tiếng, dấu thanh cần được đặt vào đâu.

- Cấu tạo của vần gồm những phần nào?

- Nêu nhận xét về vị trí dấu thanh của các cặp chữ sau:

Chí/Chị Hoả/Hoạ

- Sự khác nhau về cách đặt vị trí dấu của dấu nặng với các dấu còn lại là gì?

Lời giải chi tiết:

a. Điền vào mô hình cấu tạo vần như sau:

Tiếng

Vần

Âm đệm

Âm chính

Âm cuối

Em

 

e

m

Yêu

 

u

Màu

 

a

u

Tím

 

i

m

Hoa

o

a

 

 

a

 

Hoa

o

a

 

Sim

 

i

m

b. Dấu thanh của một tiếng khi viết cần đặt ở phần vần, phía trên hoặc phía dưới âm chính của tiếng

+ Cấu tạo của vần gồm có: âm đệm, âm chính và âm cuối.

+ Vị trí dấu thanh của các cặp chữ chí - chị và hoả - hoạ đều đặt ở âm chính.

+ Sự khác nhau về các đặt vị trí dấu của dấu nặng với các dấu còn lại là: Dấu nặng đặt bên dưới âm chính, các dấu khác đặt trên âm chính.

Hoạt động ứng dụng - Bài 3A Tiếng Việt 5 VNEN

Cùng người thân sưu tầm những câu chuyện, những bài thơ về tình quân dân, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ?

Học sinh tham khảo các bài thơ sau:

Bài thơ "Anh bộ đội về làng"

Nhớ làng phát động không nguôi,
Hôm nay được trở về nơi ba cùng.
Con đường, bờ ruộng, khúc sông,
Bóng tre, màu rạ; như trong ruột rà.
Dù không đất tổ, quê cha,
Nơi say công tác, đó là quê hương.
Mỗi lời thăm hỏi, vấn vương;
Mỗi em níu áo, lòng thương lạ lùng!
Bước về nhà rễ cố nông,
Con nay cán bộ, mẹ trong chấp hành.
Mẹ mừng, nước mắt chảy quanh,
Nấu khoai, chặt mía, như giành bấy nay:
- “Anh đi, để lại điếu cày,
Mẹ trông thấy điếu, ngày ngày nhớ anh.
Bữa ăn bát nhút, nồi canh,
Cháu thơ nhắc nhở nhìn quanh ghế ngồi.
Đội về, thôn xã sáng tươi,
Có anh hai tháng, cuộc đời mẹ hay”.
Nhìn nhà, nhìn cửa đổi thay,
Cháu thêm chiếc áo, chuồng nay có bò.
Băng vườn, tạt lối quanh co,
Thăm lân, thăm xóm, chuyện trò mừng sao!
Nghe tin sản xuất nâng cao,
Mở năm lớp học, giếng đào được ba.
Hỏi thăm sức khoẻ gần xa,
Trẻ em hết ghẻ, cụ già lành ho.
Hỏi thăm khoai sắn đói, no?
Vải nay đắt, rẻ? mật giờ thấp, cao?
Hỏi mình đoàn kết ra sao?
Hỏi mưu địa chủ đứa nào còn ngoe?
- Bà con hỏi lại, muốn nghe
Những tin thắng trận, câu vè, bài thơ.
Trầu ăn thắm miệng, thuốc đưa,
Mừng trông các cụ bây giờ khoẻ vui;
- Rằng: “Đi công tác nhiều nơi,
Chúng con thường vẫn nhớ khoai xã nhà;
Không đâu bằng ở quê ta
Khoai ăn thoả thích, nhiều mà dẻo, ngon.
Nhớ khoai là nhớ bà con
Gian lao vẫn một lòng son ngọt bùi”.

Những người đấu cật, chung vai,
Gặp nhau sao xiết rộng, dài tình thương!
Tình yêu đất nước quê hương
Là tình kính mến, yêu thương đồng bào.

(Xuân Diệu)

Bài thơ "Chú đi tuần"

Thân yêu tặng các cháu học sinh miền Nam:

Gió hun hút lạnh lùng
Trong đêm khuya phố vắng,
Súng trong tay im lặng,
Chú đi tuần đêm nay
Hải Phòng yên giấc ngủ say,
Cây rung theo gió, lá bay xuống đường...

Chú đi qua cổng trường
Các cháu miền Nam yêu mến
Nhìn ánh điện qua khe phòng lưu luyến
- Các cháu ơi! Giấc ngủ có ngon không?
Cửa đóng che kín gió,
Ấm áp dưới mền bông,
Các cháu cứ yên tâm ngủ nhé.

Trong đêm khuya vắng vẻ,
Chú đi tuần đêm nay,
Nép mình dưới bóng hàng cây,
Gió đông lạnh buốt đôi tay chú rồi!
- Rét thì mặc rét, cháu ơi!
Chú đi giữ mãi ấm nơi cháu nằm.

Mai các cháu học hành tiến bộ,
Đời đẹp tươi, khăn đỏ tung bay.
Cháu ơi! Ngủ nhé, cho say!

(Trần Ngọc)

Bài thơ "Bao giờ trở lại"

Các anh đi
Ngày ấy đã lâu rồi
Xóm làng tôi còn nhớ mãi
Các anh đi
Bao giờ trở lại
Xóm làng tôi trai gái vẫn chờ mong
Làng tôi nghèo
Nho nhỏ bên sông
Gió bấc lạnh lùng
Thổi vào mái rạ
Làng tôi nghèo
Gió mưa tơi tả
Trai gái trong làng vất vả ngược xuôi
Các anh về mái ấm nhà vui
Tiếng hát câu cười
Rộn ràng xóm nhỏ
Các anh về tưng bừng trước ngõ
Lớp đàn em hớn hở theo sau
Mẹ già bịn rịn áo nâu
Vui đàn con nhỏ rừng sâu mới về
Từ lưng đèo
Dốc núi mù che
Các anh về
Xôn xao làng tôi bé nhỏ
Nhà lá đơn sơ
Nhưng tấm lòng rộng mở
Nồi cơm nấu dở
Bát nước chè xanh
Ngồi vui kể chuyện tâm tình bên nhau
Anh giờ đánh giặc nơi đâu
Chiềng Vàng, Vụ Bản, hay vào Trị Thiên
Làng tôi thắng lợi vụ chiêm
Lúa thêm xanh ngọn, khoai lên thắm vồng
Giảm tô hai vụ vừa xong
Đêm đêm ánh đuốc dân công rực đường
Dẫu rằng núi gió đèo sương
So anh máu nhuộm chiến trường thấm chi

Bấm tay tính buổi anh đi
Mẹ thường vẫn nhắc: biết khi nào về ?
Lúa xanh xanh ngắt chân đê
Anh đi là để giữ quê quán mình
Cây đa, bến nước, sân đình
Lời thề nhớ buổi mít tinh lên đường
Hoa cau thơm ngát đầu nương
Anh đi là giữ tình thương dạt dào

Các anh đi
Khi nào trở lại
Xóm làng tôi
Trai gái vẫn chờ mong
Chờ mong chiến dịch thành công
Xác thù chất núi bên sông đỏ cờ
Anh đi chín đợi mười chờ

Tin thường thắng trận, bao giờ về anh?

►►CLICK NGAY vào nút TẢI VỀ dưới đây để tải về Giải Bài 3A: Tấm lòng người dân Tiếng Việt lớp 5 VNEN file PDF hoàn toàn miễn phí.

Đánh giá bài viết
5.0
0 lượt đánh giá
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
Copyright © 2020 Tailieu.com
DMCA.com Protection Status