Logo

Giải Tiếng Việt VNEN lớp 5 Tập 1 Bài 3B: Góp phần xây dựng quê hương

Giải bài tập Tiếng Việt lớp 5 VNEN Bài 3B: Góp phần xây dựng quê hương Tập 1 sách giáo khoa chương trình mới chi tiết, dễ hiểu giúp các em tiếp thu bài học hiệu quả.
5.0
0 lượt đánh giá

Nội dung hướng dẫn giải Bài 3B: Góp phần xây dựng quê hương được chúng tôi biên soạn bám sát bộ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5 chương trình mới (VNEN). Là tài liệu tham khảo hữu ích giúp các em học tốt môn Tiếng Việt lớp 5.

Hoạt động cơ bản - Bài 3B Tiếng Việt lớp 5 VNEN

1. Quan sát bức ảnh sau và cho biết mỗi nhân vật trong vở kịch Lòng dân đang làm gì?

Giải Tiếng việt lớp 5 VNEN: Bài 3B

Quan sát bức tranh em thấy:

+ Hai tên cai và lính đang chăm chú nhìn vào một tờ giấy.

+ Dì Năm tay quàng vào vai bé An, chú cán bộ đứng ngay sau hai mẹ con dì Năm, cả ba người đều hướng mắt nhìn tên cai và lính.

2-3-4. Đọc, giải nghĩa và luyện đọc

5. Thảo luận, trả lời câu hỏi:

(1) An đã làm cho bọn giặc mừng hụt như thế nào?

(2) Chi tiết nào thể hiện rõ nhất sự ứng xử thông minh của dì Năm?

Em chọn ý đúng để trả lời:

a. Hỏi chú cán bộ chỗ để giấy tờ để đánh lừa bọn địch.

b. Đọc to tên tuổi của chồng, bố chồng để chú cán bộ nói theo cho đúng.

c. Kéo dài thời gian tìm giấy tờ để có cơ hội suy tính.

(3) Vì sao vở kịch được đặt tên là Lòng dân?

Lời giải chi tiết:

(1) Bé An đã làm cho bọn giặc mừng hụt ở chỗ: Khi trả lời tên cai, An đã nói : "Dạ, không phải tía." Bọn chúng tưởng An là trẻ con sẽ nói ra sự thật, nhưng An đã thông minh, hóm hỉnh trả lời: "Dạ cháu kêu bằng ba chứ không phải tía."

(2) Chi tiết thể hiện rõ nhất sự ứng xử thông minh của dì Năm là:

Đáp án: b. Đọc to tên tuổi của chồng, bố chồng để chú cán bộ nói theo cho đúng.

(3) Vở kịch được đặt tên Lòng dân vì: cách mạng của người dân. Người dân sẵn sàng hi sinh vì cách mạng, bảo vệ cán bộ cách mạng của người dân trong bất kì hoàn cảnh nào. Đồng thời vở kịch cũng ca ngợi sự dũng cảm, thông minh tài trí của mẹ con dì Năm đánh lừa được bọn giặc để cứu cán bộ cách mạng. Lòng dân chính là chỗ dựa vững chắc nhất cho cách mạng.

Hoạt động thực hành - Bài 3B Tiếng Việt 5 VNEN

1. Đọc bài văn sau và trả lời câu hỏi:

Mưa rào

Một buổi có những đám mây lạ bay về. Những đám mây lớn, nặng và đặc xịt lổm ngổm đầy trời. Mây tản ra từng nắm nhỏ rồi san đều trên một nền đen xám xịt. Gió nam thổi giật mãi. Gió bỗng đổi mát lạnh, nhuốm hơi nước. Từ phía nam bỗng nổi lên một hồi khua động dạt dào. Mưa đã xuống bên kia sông: gió càng thêm mạnh, mặc sức điên đảo trên cành cây.
Mưa đến rồi lẹt đẹt….lẹt đẹt…mưa giáo đầu. Những giọt nước lăn xuống mái phên nứa: mưa thực rồi. Mưa ù xuống khiến cho mọi người không tưởng được là mưa lại kéo đến chóng thế. Lúc nãy là mấy giọt lách tách, bây giờ bao nhiêu nước tuôn rào rào. Nước xiên xuống, lao xuống, lao vào bụi cây. Lá đào, lá na, lá sói vẫy tai run rẩy. Con gà sống ướt lướt thướt tìm chỗ trú. Mưa xuống sầm sập, giọt ngã, giọt bay, bụi nước tỏa trắng xóa. Trong nhà bỗng tối sầm, một mùi nồng ngai ngái, cái mùi xa lạ, man mác của những trận mưa đầu mùa. Mưa rào rào trên sân gạch. Mưa đồm độp trên phên nứa, đập bùng bùng vào lòng lá chuối. Tiếng giọt tranh đổ ồ ồ…

Nước chảy đỏ ngòm bốn bề sân, cuồn cuộn dồn vào các rãnh cống đổ xuống ao chuôm. Mưa xối nước được một lúc lâu thì bỗng trong vòm trời tối thẫm vang lên một hồi ục ục ì ầm. Tiếng sấm, tiếng sấm của mưa mới đầu mùa…

Mưa đã ngớt. Trời rạng dần. Mấy con chim chào mào từ hốc cây nào đó bay ra hót râm ran. Mưa tạnh, phía đông một mảng trời trong vắt. Mặt trời ló ra, chói lọi trên những vòm lá bưởi lấp lánh.

Câu hỏi:

a. Những dấu hiệu nào báo cơn mưa sắp đến? Những từ ngữ nào tả tiếng mưa và hạt mưa từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc cơn mưa?

b. Những từ ngữ nào tả tiếng mưa và hạt mưa từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc cơn mưa?

c. Những từ ngữ nào tả cây cối, con vật, bầu trời trong và sau trận mưa?

d. Tác giả đã quan sát cơn mưa bằng những giác quan nào?

Lời giải chi tiết:

a. Những dấu hiệu báo cơn mưa sắp đến.

+ Những đám mây lớn, nặng và đặc xịt lổm ngổm đầy trời; tản ra rồi san đều trên nền trời đen xám xịt.

+ Gió thổi giật, đổi mát lạnh, nhuốm hơi nước.

+ Một hồi khua động ở phía nam.

+ Mưa đã xuống bên kia sông.

b. Những từ ngữ tả tiếng mưa và hạt mưa từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc mưa:

+ Tiếng mưa: lẹt đẹt, lách tách, tuôn rào rào, mưa xuống sầm sập, đồm độp,

+ Hạt mưa: Ban đầu là những giọt nước lăn xuống mái phên nứa, mấy giọt lách tách, rồi tuôn rào; mưa xiên xuống, lao xuống, lao vào trong bụi cây. Khi mưa sầm sập, hạt mưa giọt ngã, giọt bay, bụi nước toả trắng xóa.

c. Những từ ngữ tả cây cối, con vật, bầu trời trong và sau trận mưa:

- Trong trận mưa

  • Lá đào, lá na, lá sói vẫy tai run rẫy.
  • Con gà: ướt lướt thướt, ngật ngưỡng.
  • Trong nhà: tối sầm, mùi nồng ngai ngái.
  • Nước chảy: đỏ ngòm, cuồn cuộn.
  • Trời: tối thẫm, ục ục ì ầm.

- Sau trận mưa

  • Trời: rạng dần, trong vắt, mặt trời ló ra.
  • Chim chào mào hót râm ran.
  • Một mảng trời trong vắt.
  • Những vòm lá bưởi lấp lánh

d. Tác giả đã quan sát cơn mưa bằng:

  • thị giác (quan sát cơn mưa, bầu trời, cây cối, cảnh vật)
  • thính giác (nghe tiếng gió thổi, âm thanh tiếng mưa rơi, tiếng chim hót)
  • khứu giác (biết được mùi nồng ngai ngái, xa lạ, man mác của những trận mưa đầu mùa)

2. Lập dàn ý cho bài văn miêu tả một cơn mưa

Đáp án và hướng dẫn giải

a. Mở bài:

-  Thời gian diễn ra cơn mưa

-  Giới thiệu bao quát về sự thay đổi của bầu trời (mây, sấm chớp, gió…): Trời oi bức, đứng gió, không khí ngột ngạt. Mây đen từ phía chân trời kéo về. Bầu trời tối sầm lại….

b. Thân bài: Diễn biến của cơn mưa:

-  Một vài hạt bắt đầu rơi, tiếng mưa xuất hiện.

- Tiếng sấm, tiếng sét vang động cả bầu trời.

- Mưa ngày càng lớn hơn, mưa tới tấp, ào ào, nổi trên mặt sân, cây cối ngả nghiêng tắm mưa.

- Đàn gà chui xuống gốc cây tránh mưa hoặc nhanh chóng tìm về chuồng trú ẩn.

- Những bác nông dân đang làm đồng đội nón, mặc áo mưa đến nơi nước đọng, khơi thông nước mưa chảy xiết, bọn trẻ tắm mưa, nô đùa huyên náo cả một vùng.

- Mưa ngớt rồi tạnh hẳn, bầu trời quang đãng, mát mẻ, vườn cây rung rinh trong gió nhẹ, những chiếc lá sạch bóng, xanh mát như ai vừa chùi

- Mấy chú gà vỗ cánh tỉa lông rồi đi tìm mồi.

c. Kết bài: Nêu cảm nhận của em về cơn mưa

- Cơn mưa đem lại cho cảnh vật và con người nguồn nước quý giá,

- Xua tan thời tiết oi bức của mùa hạ.

3. Kể một việc làm tốt góp phần xây dựng quê hương, đất nước

Ví dụ mẫu:

Trong kỳ nghỉ hè vừa qua, địa phương em tổ chức phát động phong trào “Vì màu xanh quê hương”. Em và các bạn đã tham gia hoạt động trồng cây, trồng hoa xung quanh khu vực đường làng, thôn xóm để không gian trong lành, sạch đẹp.

Học sinh chúng em tham gia rất đông, ai nấy đều háo hức. Trước khi trồng cây, hoa, chúng em được chia thành những nhóm nhỏ. Theo sự hướng dẫn của các anh chị, cô chú, chúng em tiến hành phát quang làm cỏ và thu thập rác thải để tạo những khoảng trống gieo trồng. Sau khi cỏ rác được dọn sạch sẽ, nhiều giống hoa, cây cảnh được đem đến. Nào hoa loa kèn, hoa thủy tiên, hoa mười giờ… Nào cây phượng vĩ, cây hoa sữa, cây bang… Có những cây phải mua giống, cũng có những cây người trong thôn xóm tự mang đến đóng góp. Chúng em đi khắp mọi ngóc ngách, lần lượt làm tơi xốp đất, bón phân rồi trồng cây, hoa xuống. Sau đó vun lại rồi tưới nước. Trời tháng bảy nắng như đổ lửa, ve kêu râm ran. Người nào người ấy trong đoàn đều ướt sũng mồ hôi, mệt lả. Vậy mà ai cũng hăng hái, thỉnh thoảng các anh chị còn vui vẻ đùa:

- Chẳng mấy chốc hoa nở, địa phương mình lại như công viên ấy các anh chị, các bác nhỉ?

Nghe vậy, ai cũng cười, mệt mỏi như xua tan đâu hết. Chỉ còn đó tinh thần quyết tâm làm đẹp cho quê hương mình. Từng mảnh đất trống nhanh chóng được phủ kín. Những giọt nước vừa tưới xong long lanh trong nắng hè gay gắt trên những chiếc lá như giọt pha lê trong sáng. Mãi đến cuối buổi chiều, khi mặt trời đã ngã về phía tây công việc mới hoàn thành. Xong xuôi mọi người được phân công chăm sóc cây, hoa ở gần nhà mình thường xuyên. Em cũng được giao nhiệm vụ chăm sóc bồn hoa trước cổng nhà mình. May mắn thay, sau hôm trồng cây và hoa xuống, trời chợt đổ mưa. Nước mưa tưới mát giúp cây nhanh chóng bám rễ. Mưa tạnh, cây xanh mơn mởn rung rinh trong gió. Trong suốt một thời gian, ngày nào em cũng chăm sóc, tưới nước chu đáo cho bồn hoa mình được giao. Dù nắng hay mưa, em vẫn luôn để ý không rời. Để ngăn lũ gà phá phách mà nhổ cây lên em còn cẩn thận làm cả hàng rào vây kín quanh đó.

Thời gian trôi qua, hoa phát triển dần. Từ một khóm hoa nhỏ mà lan ra mãi. Cả bồn hoa chẳng mấy chốc đã xanh um như một mâm xôi đầy ắp. Rồi một ngày cuối hè, những nụ hoa chum chím nghiêng mình trong nắng và gió. Sớm ban mai hôm sau, khi những giọt sương còn long lanh trên kẽ lá, những nụ hoa hé mở, nở bung thành bong hoa rực rỡ. Không chỉ bồn hoa nhà em, hoa trên con đường làng đều đồng loạt nở rỗ. Không gian tràn ngập sắc hoa, đẹp vô cùng.

Đến hôm nay, ngõ lớn ngõ nhỏ trong thôn xóm, đâu đâu cũng chan hòa sắc xanh của hoa lá. Quê hương em như tươi mới hẳn lên. Em rất vui mừng vì mình đã góp phần nhỏ bé xây dựng diện mạo quê hương.

Hoạt động ứng dụng - Bài 3B Tiếng Việt VNEN lớp 5

Cùng người thân tìm hiểu những việc làm tốt nơi em ở

Ví dụ:

+ Quét dọn sạch sẽ đường làng ngõ xóm.

+ Trồng cây, trồng hoa để đường làng thêm xanh sạch đẹp.

+ Nhổ cỏ, quét dọn sạch sẽ bia tưởng niệm liệt sĩ

+ Hành động thu gom rác thải sạch sẽ.

+ Tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ môi trường...

►►CLICK NGAY vào nút TẢI VỀ dưới đây để tải về Giải Bài 3B: Góp phần xây dựng quê hương Tiếng Việt lớp 5 VNEN file PDF hoàn toàn miễn phí.

Đánh giá bài viết
5.0
0 lượt đánh giá
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
Copyright © 2020 Tailieu.com
DMCA.com Protection Status