Logo

Các bài văn mẫu Tả lại quang cảnh dòng sông Hương (tuyển chọn)

Các bài văn mẫu Tả lại quang cảnh dòng sông Hương (tuyển chọn) là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích giúp các em nâng cao khả năng viết văn để đạt điểm cao trong các bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 6
4.0
2 lượt đánh giá

Để viết tốt hơn các em cần phải luyện tập chăm chỉ cũng như tham khảo thêm ở các bài văn mẫu Tả lại quang cảnh dòng sông Hương lớp 6 tại chuyên trang của chúng tôi. Nó sẽ giúp các em có thêm nhiều kiến thức về Tả lại quang cảnh dòng sông Hương lớp 6 ý nghĩa phong phú và những từ ngữ hay hơn để áp dụng vào bài làm của mình.

Dưới đây là môt số bài văn Tả lại quang cảnh dòng sông Hương lớp 6 ngắn gọn, có ý nghĩa nhất được chia sẻ miễn phí, hỗ trợ các em ôn luyện hiệu quả. Mời các em học sinh cùng quý thầy cô tham khảo.

2 Mẫu tham khảo Tả quang cảnh dòng sông Hương

Bài văn Tả lại quang cảnh dòng sông Hương số 1

Sông Hương như một dải lụa hiền hòa miên man chảy rồi như một người dẫn đường xuôi dòng nước đưa chúng ta đến miệt vườn Vỹ Dạ với vườn hoa thảm cỏ xanh mướt, ngược lên Thiên Mụ để thả mình theo tiếng chuông chùa văng vẳng, rồi đột ngột rẽ vào sông Bạch Yến tới bến Huyền Không để phiêu diêu cùng với gió mây, với thế giới của hoa thơm trái ngọt và thiền giữa một không gian cổ kính.

Đã biết bao lần đến Huế, lúc vội vã, lúc thong dong, nhẩn nha nhưng Huế đã để lại trong mỗi chúng ta một tình cảm hết sức đặc biệt tựa như là một cố nhân vậy. Không sao quên được bởi Huế dịu dàng quá, thậm chí đến cái nắng cũng dè dặt sợ làm người khác khó chịu, nhưng cũng rất đỗi ngây thơ tinh nghịch xiên qua vành nón Huế (nay đã là thương hiệu) trêu chọc những cô nữ sinh trường Quốc Học, Hai Bà Trưng đang tha thướt trong tà áo dài. Còn những ngày mưa Huế lại khoác trên mình tấm áo choàng cổ kính, đượm buồn dễ gợi cho khách cái cảm giác nhớ mong...

Không những cảnh đẹp, người hay mà còn nghe nói Huế xưa có nhiều trò chơi lãng mạn và lịch lãm, rồi có cả những thú vui trần tục như: Thả thuyền, chơi trăng, ca Huế, ngủ đò, thả thơ. Tinh hoa của những trò chơi ấy nay vẫn còn và còn được nâng lên tầm cao mới trở thành văn hóa du lịch mà chỉ có ở Huế. Gọi là ngủ đò nhưng có ai xuống đò để ngủ bao giờ. Thoạt đầu người ta xuống đò để nghe ca Huế để thỏa mãn cái thú tiêu dao trên sông nước cùng với gió trăng và nghe chuyện nhân tình thế thái qua mỗi làn điệu ca Huế. Về sau này cũng có giai đoạn thái quá, ngủ đò có lúc dường như trở thành mua hoa bán nguyệt nhưng đó là chuyện của ngày xưa bây giờ chỉ là những câu chuyện kể lại mà thôi.

Thả thơ là canh bạc văn chương vừa có tính sát phạt vừa đậm chất trí tuệ, tài năng, mưu lược nên được không ít văn nhân sĩ tử đam mê và muốn thi thố. Để có một cuộc thả thơ người ta phải kết những con đò lại với nhau thành những chiếc bằng để tổ chức thả thơ. Nhà cái sẽ trải một cái chiếu giữa thuyền cùng dăm ba ngọn đèn dầu phụng rọi vào và cuộc thả thơ bắt đầu. Cái thú tham gia của kẻ sĩ là vừa được vận dụng hết những kiến thức thánh hiền đã được học vừa được chơi vơi bồng bềnh trên sông nước lại được nghe ca Huế réo rắt, du dương bên tai, hoặc nỉ non cùng với nhã nhạc... Ca Huế hình thành từ dòng ca nhạc dân gian với ca nhạc cung đình, nhã nhạc trang trọng uy nghi có thần thái của ca nhạc thính phòng. Ca Huế thể theo hai dòng lớn là điệu Bắc và điệu Nam với trên 60 tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc. Thú nghe ca Huế tao nhã, đầy sức quyến rũ.

Đến đây du khách sẽ được ngồi trên những con thuyền rồng mà các vua chúa xưa hay ngự, trong khoang thuyền dàn nhạc rất đa dạng gồm đàn tranh, đàn nguyệt, tỳ bà, nhị, đàn tam, xênh... Các nhạc công, ca công còn rất trẻ, nam mặc áo the, quần thụng đầu đội khăn xếp, nữ vận những chiếc áo dài cổ từ thời võ vương Nguyễn Phúc Khoát giữa thế kỷ 18, trước mũi thuyền là khoảng không gian rộng để hóng mát, ngắm trăng. Huế về đêm, sông Hương trở nên huyền hoặc hơn, ánh đèn điện hắt xuống dòng sông như tráng một lớp ánh bạc, gió mơn man, dìu dịu như xoa nhẹ lòng du khách, thuyền bồng bềnh trôi giữa dòng chở đầy khách và nhạc công. Các nhạc công dụng các ngón đàn khá chau chuốt như ngón nhẫn, ngón mổ, dây, búng, ngón phi, ngón rãi những khúc ca tiếng nhạc lúc khoan, lúc nhặt làm nên tiết tấu xao động tận đáy hồn lữ khách.

Tả cảnh dòng sông Hương

Điệu Bắc có âm sắc tươi vui, trang trọng như: phú lục, cổ bản, lưu thủy, khúc lộng gồm phẩm tiết, nguyên tiêu, liên hoàn, hồ quảng, tây mai, tẩu mã, kim tiền, xuân phong, long hổ, bình bản. Điệu Nam thì réo rắt, du dương như: Nam ai, Nam bình, quả phụ, nam xuân, tương tư khúc, hành vân. Điệu Nam là sự sáng tạo tuyệt vời có biệt tài khơi gợi nội tâm, âm hưởng của giai điệu đem lại cho người nghe cái cảm giác bâng khuâng tiếc thương, buồn cảm, nó như sợi tơ mong manh chạm vào tận đáy lòng du khách, gợi lên nhiều nỗi tương tư...

Trời đã khuya lắm rồi, văng vẳng phía xa tiếng gà gáy sáng cùng tiếng chuông chùa Thiên Mụ điểm năm canh. Trong khoang thuyền nhạc vẫn réo rắt, lời ca vẫn nồng nàn, cái giọng Huế ngọt ngào và dễ thương quá, du khách vừa lâng lâng cùng cung nhã nhạc vừa say đắm trong cái ánh mắt của ca công e lệ kín đáo nhưng cũng vô cùng nồng ấm thiết tha... khúc tương tư theo yêu cầu của du khách qua giọng hát của cô gợi buồn da diết, bài quả phụ ảo não sầu thương. Sau tuần rượu chúc mừng lại có người đề nghị được nghe cô hát khúc lưu thủy. Và bằng một giọng ca thật đắm đuối pha lẫn chút giận hờn trách móc, lời ca lại cất lên giữa sông Hương trong cảnh đêm tàn.

Không gian như lắng đọng, thời gian như ngưng tụ chỉ có lòng du khách đang thả hồn cùng tiếng hát mê ly... và chợt nhận ra rằng đằng sau cái giọng ca ngọt ngào ấy là nội tâm phong phú của người con gái Huế, âm thầm kín đáo và cũng rất đỗi tinh tế. Xa xa bên kia Thiên Mụ hiện ra mờ ảo, ngọn tháp Phước Duyên dát ánh trăng vàng, sóng vỗ in mạn thuyền rồi gợn vô hồi xa mãi cùng tiếng đàn réo rắt, du dương.

Bài văn Tả lại quang cảnh dòng sông Hương số 2

Sông Hương là con sông lớn chảy qua giữa lòng Thành phố Huế, nổi tiếng có vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình. Sông có nhiều tên gọi: Lô Dung, Linh, Dinh, Kim Trà, Hương. Có truyền thuyết nói rằng, sở dĩ đó gọi là sông Hương bởi tại đầu nguồn sông có nhiều giống cỏ Thạch Xương Bồ đưa mùi hương vào dòng nước. Bởi thế sông Hương không chỉ đẹp mà nước sông còn thơm nữa.

Người nước ngoài khi dịch tên con sông này sang tiếng Pháp, tiếng Anh cũng dùng chữ rivière des Parfums hoặc Perfume of River. Nhưng cũng có người cho rằng tên Hương của sông là gọi theo địa danh - sông chảy qua huyện Hương Trà (trước là Kim trà) nên mới mang tên này.

Sông Hương có hai nhánh lớn, đều bắt nguồn từ dãy Trường Sơn. Nhánh Tả Trạch xuất phát từ Động Dài, chảy qua 55 ngọn thác lớn nhỏ đến ngã ba Bằng Lãng. Nhánh Hữu Trạch bắt đầu từ phía đông núi Trấn Sơn, chảy qua 14 dòng thác rồi đến nhập với dòng Tả Trạch ở ngã ba trên. Kể từ ngã ba Bằng Lãng về đến biển dòng sông trở nên rộng rãi, nước chảy hiền hoà. Quanh năm trừ những ngày lũ lụt nước sông đều xanh biếc.

Sông Hương không dài, toàn bộ dòng sông chỉ 100 km. Còn tính riêng đoạn sông chính được gọi là sông Hương chỉ dài khoảng 30 km. Từ ngã ba Bằng Lãng, sông Hương nhẹ nhàng, chậm rãi chảy qua các làng mạc trù phú của vùng ngoại vi Huế, đi vào giữa lòng thành phố, rồi tiếp tục uốn lượn qua các miền quê ở hạ lưu trước khi ra biển.

Sông Hương đẹp từ nguồn, uốn lượn quanh co giữa núi rừng, đồi cây mang theo những mùi vị hương thơm của thảo mộc rừng nhiệt đới. Dòng sông chầm chậm lướt qua các làng mạc xanh tươi, rợp bóng cây của Kim Long, Nguyệt Biều, Vĩ Dạ, Ðông Ba, Gia Hội, Chợ Dinh, Nam Phổ, Bao Vinh, quyện theo mùi thơm của các loài hoa xứ Huế.

Dòng sông xanh trong vắt lung linh như ngọc bích dưới ánh mặt trời, những con thuyền Huế xuôi ngược, dọc ngang với điệu hò man mác, trầm tư, sâu lắng giữa đêm khuya. Ði chơi bằng thuyền để được ngắm cảnh Hương Giang thơ mộng, nghe những điệu hò, dân ca xứ Huế lúc trời đêm thanh vắng là thú vui muôn thuở của bao lớp du khách...

Quang cảnh đôi bờ sông, nào thành quách, phố xá, vườn cây, chùa tháp... bóng lồng mặt nước phản chiếu lung linh làm cho dòng sông đã yêu kiều càng nên thơ, nên nhạc. Nhiều người nghĩ rằng sở dĩ Huế có được cái êm đềm, dịu dàng, yên tĩnh phần lớn là nhờ sông Hương, dòng sông xanh đã đem lại cho thành phố cái chất thơ trầm lắng, cái trong sáng hài hoà toả ra từ vùng đất có chiều sâu văn hiến.

Sông Hương là con sông gắn bó mật thiết với với đời sống văn hoá của người Huế. Các hình thức sinh hoạt văn hoá truyền thống như nghe ca Huế trên sông, đua thuyền, thả đèn ... đến nay vẫn được bảo lưu khá nguyên vẹn. Sông Hương cũng là dòng sông gắn liền với thi ca, nhạc hoạ. Nhiều bài thơ, nhiều bức tranh, nhiều tranh ảnh, nhiều bài hát nổi tiếng đã lấy dòng sông này làm nguồn cảm hứng sáng tác.

Thời Nguyễn, ông vua thi sĩ Thiệu Trị đã xem Sông Hương là một trong 20 thắng cảnh của đất Thần Kinh và có làm bài thơ “Hương Giang Hiểu Phiếm” đề vịnh. Bài thơ này đã được khắc vào bia đá dựng bên bờ sông Hương, ở vị trí bên cạnh Phu Văn Lâu. Đến nay bia vẫn được bảo quản khá tốt.

Sông Hương có tự bao giờ,và đẹp cũng tự bao giờ? Khi bình minh, mơ màng trong sương khói, đến khi chiều tà, vàng rực ánh hoàng hôn. Sông Hương còn đẹp cả qua những lam lũ kiếm sống của người dân chài lưới... Những chiếc thuyền ngược xuôi kiếm sống mưu sinh, bất chợt cũng làm nên một xứ Huế mơ màng, lãng mạn.Sắc tím trên dòng sông như vô tình làm nên một Huế nên thơ mang lại nét biểu tượng riêng cả về dòng sông lẫn về con người nơi đây, vừa dịu dàng, vừa đằm thắm lại quyến rũ đến mê hồn.

Cùng với núi Ngự Bình, sông Hương đã, đang và sẽ mãi mãi là biểu tượng của Huế. Nhiều người đã cho rằng, sông Hương là một trong những dòng sông đẹp nhất thế giới.

►► CLICK NGAY vào nút TẢI VỀ Bài văn mẫu Tả lại quang cảnh dòng sông Hương lớp 6 chi tiết, ngắn gọn bản file word, file pdf hoàn toàn miễn phí từ chúng tôi.

Đánh giá bài viết
4.0
2 lượt đánh giá
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
Copyright © 2020 Tailieu.com
DMCA.com Protection Status