Tổng hợp những cách viết đoạn văn về lòng biết ơn lớp 9 tuyển chọn, là tài liệu tham khảo hữu ích giúp các em nắm được bố cục và phương pháp viết một bài văn nghị luận về một vấn đề trong xã hội.
1. Mở bài
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: đạo lí của lòng biết ơn.
Lưu ý: Học sinh tự lựa chọn cách dẫn trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào khả năng của mình.
2. Thân bài
a. Giải thích
Biết ơn: cảm kích, trân trọng và có hành động báo đáp trước những hành động, việc làm tốt đẹp hoặc sự giúp đỡ của người khác dành cho mình.
b. Phân tích
• Biểu hiện của lòng biết ơn:
Nói “cảm ơn”, trân trọng những việc làm của người khác đối với mình khiến bản thân mình tốt hơn.
Giúp đỡ lại người khác ngay khi có thể, sống chan hòa với mọi người, không so đo, đố kị với bất kì ai.
Khi nhận ơn nghĩa của người khác thì biết truyền tải đi những thông điệp tốt đẹp.
• Lợi ích, ý nghĩa của lòng biết ơn:
Việc nhận ơn nghĩa từ người khác khiến cho cuộc sống của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn, vượt qua được những khó khăn trước mắt, từ đó sống tốt hơn.
Mỗi con người sống với lòng biết ơn thì xã hội sẽ trở nên tốt đẹp hơn, giàu tình cảm hơn và gắn bó với nhau nhiều hơn.
Lòng biết ơn giúp chúng ta rèn luyện những đức tính tốt đẹp khác, truyền tải những thông điệp tích cực ra xã hội.
c. Chứng minh
Học sinh tự lấy dẫn chứng về những người có lòng biết ơn để minh họa cho bài làm văn của mình.
Lưu ý: dẫn chứng phải nổi bật, tiêu biểu và xác thực, được nhiều người biết đến.
Gợi ý: các học sinh của cụ giáo Chu Văn An dù trưởng thành và có địa vị trong xã hội vẫn không quên ơn nghĩa dạy dỗ của thầy, vào ngày mừng thọ thầy, họ vẫn tề tựu đông đủ, kính cẩn với thầy.
d. Phản biện
Trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người lạnh lùng vô cảm, nhận được sự giúp đỡ, ơn nghĩa của người khác nhưng ngoảnh mặt làm ngơ hoặc đứng nhìn người khác gặp hoàn cảnh khó khăn mà không giúp đỡ,… những người này đáng bị xã hội thẳng thắn phê phán.
3. Kết bài
Khái quát lại vấn đề nghị luận: đạo lí của lòng biết ơn.
Rút ra bài học, liên hệ thực tiễn đến bản thân mình.
“Sống, trong đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi…” nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết ra những lời hát vô cùng ý nghĩa để khuyên nhủ mỗi con người sống có ích hơn. Bên cạnh việc sống có ích, mỗi chúng ta cần sống với lòng biết ơn, uống nước nhớ nguồn.
Lòng biết ơn từ lâu đã trở thành một phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam ta và được răn dạy, thể hiện qua nhiều câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ khác nhau. Lòng biết ơn là sự cảm kích, trân trọng và có hành động báo đáp trước những hành động, việc làm tốt đẹp hoặc sự giúp đỡ của người khác dành cho mình. Lòng biết ơn được thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau như: người sau nhớ ơn công lao của thế hệ đi trước, con cái biết ơn cha mẹ, người được giúp đỡ mang ơn những mạnh thường quân,… lòng biết ơn luôn tồn tại trong cuộc sống này và lan tỏa vô cùng tốt đẹp.
Lòng biết ơn được biểu hiện bằng hành động thiết thực của con người. Chúng ta biết nói “cảm ơn” khi được người khác giúp đỡ, trân trọng những việc làm của người khác đối với mình khiến bản thân mình tốt hơn. Bên cạnh đó, việc chúng ta giúp đỡ lại người khác ngay khi có thể, sống chan hòa với mọi người, không so đo, đố kị với bất kì ai cũng là một cách lan tỏa thông điệp lòng biết ơn. Việc sống với lòng biết ơn mang lại những lợi ích và ý nghĩa quan trọng đối với mỗi con người. Việc nhận ơn nghĩa từ người khác khiến cho cuộc sống của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn, vượt qua được những khó khăn trước mắt, hướng đến tương lai, giá trị bền vững, lâu dài. Mỗi con người sống với lòng biết ơn thì xã hội sẽ trở nên tốt đẹp hơn, giàu tình cảm hơn và gắn bó với nhau nhiều hơn. Bên cạnh đó, lòng biết ơn giúp chúng ta rèn luyện những đức tính tốt đẹp khác, truyền tải những thông điệp tích cực ra xã hội.
Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện nay vẫn còn có nhiều người lạnh lùng vô ơn, nhận được sự giúp đỡ, ơn nghĩa của người khác nhưng ngoảnh mặt làm ngơ hoặc đứng nhìn người khác gặp hoàn cảnh khó khăn mà không giúp đỡ. Lại có những người tuy có điều kiện nhưng lại khoanh tay đứng nhìn, không giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn… những người này đáng bị xã hội thẳng thắn phê phán.
Mỗi người chỉ được sống một lần, chúng ta hãy sống với lòng biết ơn, yêu thương và trân trọng mọi người để làm cho xã hội này ngày càng tốt hơn, con người được sống tình cảm hơn vì vốn dĩ: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.
Một trong những đức tính quý báu của con người Việt Nam đó là truyền thống về đạo lý của lòng biết ơn. Biết ơn là sự ghi nhớ, trân trọng những gì mình nhận được từ người khác từ đó có những hành động thiết thực để đền đáp công ơn đó. Người có lòng biết ơn là người có những việc làm và hành động thiết thực đẹp đẽ. Lòng biết ơn của con người Việt Nam được thể hiện ở tục thờ cúng ông bà tổ tiên, những hành động hướng về, tri ân những người có công với đất nước như: ngày thương binh liệt sĩ, ngày nhà giáo Việt Nam, ngày bác sĩ Việt Nam,… những ngày này con người ta tưởng nhớ về nhau, dành cho nhau những lời chúc, những món quà và những điều tốt đẹp nhất. Lòng biết ơn của con người giúp đất nước phát triển nhân văn hơn, giàu tình cảm hơn. Là một người học sinh, tương lai tươi sáng của đất nước, mỗi chúng ta ngay từ bây giờ hãy tích cực trau dồi và rèn luyện đức tính biết ơn để sau này trở thành một con người vừa có tài lại vừa có đức xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của cha ông đi trước.
Từ xưa đến nay, ông cha ta vẫn luôn căn dặn thế hệ mai sau cần phải “uống nước nhớ nguồn”, phải luôn ghi nhớ công lao của những người đã cho ta cuộc sống của ngày hôm nay. Bởi vậy, lòng biết ơn luôn là thái độ sống cần phải nâng niu và trân trọng. Trong xã hội ngày nay, lòng biết ơn là truyền thống tốt đẹp từ đời xưa để lại. Mỗi người, mỗi cá nhân cần phải nhận thức được điều này để cùng nhau xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Lòng biết ơn hay “uống nước nhớ nguồn” được hiểu theo nghĩa cả nghĩa đen và nghĩa bóng. “Uống nước” là hành động hằng ngày chúng ta vẫn làm đều đặn, khi chúng ta uống nước, nâng niu trên tay tài nguyên thiên nhiên quý giá thì chúng ta cần phải nhớ rằng nguồn gốc của nó từ đâu mà có, ai đã mang đến cho chúng ta uống. Còn theo hàm ý sâu xa hơn thì uống nước nhớ nguồn là nói lên lòng biết ơn, nhớ về cội nguồn của mình với tấm lòng thành kính, thiêng liêng nhất. Mỗi người chúng ta sinh ra đều có nguồn gốc, không ai tự nhiên mà sinh ra. Mỗi ngày chúng ta trưởng thành và khôn lớn, công lao dưỡng dục, sinh thành ấy rất vĩ đại. Cần phải nghĩ về họ, nghĩ về quá khứ và những gì đã qua để thấy được những nhọc nhằn vất cả mà họ đã trải qua để đổi lấy sự yên bình cho chúng ta hôm nay. "Biết ơn" mang giá trị nhân văn sâu sắc, là tấm lòng giữa người với người. Biết ơn không chỉ là nói suông, cần thể hiện bằng hành động thì nó mới thực sự ý nghĩa. Ngày nay, sự biết ơn được biểu hiện trên nhiều mặt, nhiều khía cạnh. Đâu đâu chúng ta cũng thấy được lòng biết ơn luôn hiển hiện khắp nơi. Là điều mà mỗi người đều có thể nhận thức được là cần làm, cần ghi nhớ. Hằng ngày chúng ta bưng bát cơm trắng, dẻo thơm để ăn chúng ta có biết rằng để làm ra hạt cơm thơm lừng, trắng tinh ấy người nông dân đã đổ ra biết bao nhiêu công sức, mồ hôi, nước mắt. Nhọc nhằn một nắng hai sương, lo lắng vụ mùa thất bát là những điều mà không phải ai cũng thấy và cảm nhận được. Để có một xã hội thái bình thịnh vượng như ngày hôm nay, ông cha ta đã phải trải qua bao cuộc chiến tranh xâm lược đẫm máu và nước mặt. Bao nhiêu người đã ngã xuống, bao nhiêu người còn ở lại nhưng thân thể không được lành lặn nữa. Họ – những con người đánh đổi cả tuổi trẻ, đánh đổi cả một người vì sự nghiệp thống nhất đất nước. Hằng năm vẫn có ngày lễ kỉ niệm các anh hùng thương binh liệt sĩ 27-7 với mục đích nhớ lại, biết ơn những gì mà họ đã mang lại cho chúng ta hôm nay. Như vậy lòng biết ơn luôn hiện diện xung quanh cuộc sống của chúng ta, chỉ là chúng ta không tinh tế để nhận ra. Ai cũng có một cội nguồn để nhớ về để nâng niu và trân trọng. Nhưng biết ơn là điều không phải ai cũng có thể làm được. Có rất nhiều người đã chà đạp lên thành quả của xã hội, không coi trọng những gì mình đang có, điều đó đồng nghĩa với việc không coi trọng thế hệ đi trước đã dựng xây và cống hiến. Ý thức ấy sẽ khiến cho họ càng ngày càng không biết nâng niu và trân trọng cuộc sống. Đối với thế hệ trẻ này nay thì rèn luyện, bồi đắp sự biết ơn là điều cần thiết để không quên cội nguồn, nhắc nhở bản thân trân trọng thành quả của quá khứ.
Lòng biết ơn được xem là một trong những truyền thống đạo lý tốt đẹp của con người Việt Nam chúng ta. Nó được coi như thước đo phẩm giá, nhân cách đạo đức của một người. Vậy lòng biết ơn có ý nghĩa như thế nào trong cuộc sống của chúng ta?
Vậy lòng biết ơn có nghĩa là gì? Lòng biết ơn đó là tình cảm biết trân trọng, ghi nhớ công ơn của người khác dành cho mình, đã giúp đỡ mình vượt qua cơn hoạn nạn khó khăn. Tại sao chúng ta phải có lòng biết ơn? Bởi vì nó thể hiện đạo đức cần có ở mỗi chúng ta. Khi biết ơn một ai đó đã giúp đỡ, cưu mang mình vượt qua số phận ngặt nghèo, vất vả, nó khiến cho con người trở nên tốt đẹp hơn trong nhân cách, trong suy nghĩ của mình, giúp cho ta tin tưởng, tin yêu thêm trong cuộc sống. Bên cạnh đó, lòng biết ơn còn là cơ sở xây dựng nên những thứ tình cảm tốt đẹp khác nữa như tình cảm bạn bè, tình yêu thương, lòng kính trọng… Và trong một khía cạnh khác của cuộc sống. Khi chúng ta thừa hưởng những thành quả tốt đẹp mà người khác mang lại cho ta, ta cần phải nhớ ơn đến người đó. Ví như, bổn phận là con cái chúng ta phải luôn luôn nhớ ơn ba mẹ đã khổ nhọc sinh thành, nuôi nấng và dạy dỗ ta nên người. Không chỉ nhớ ơn ba mẹ, mà còn phải biết ơn thầy cô - những người lái đò thầm lặng, luôn mang đến cho chúng ta những điều kỳ diệu, tuyệt vời của kiến thức nhân loại, những tình cảm thiêng liêng từ trường lớp. Đồng thời để ta được hưởng những thành quả của ngày hôm nay với một đất nước hòa bình, độc lập, tự do và hạnh phúc. Cha anh ta đã phải đổi biết bao xương máu, nước mắt để đánh đổi. Họ đã phải hi sinh cả tuổi thanh xuân của mình. Vì vậy, bổn phận của chúng ta là phải luôn khắc cốt ghi tâm sự hi sinh cao cả đó. Trong kho tàng ca dao, tục ngữ của ông cha ta cũng đã để lại muôn vàn câu ca dao, tục ngữ thể hiện sự biết ơn như:
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Uống nước nhớ nguồn
Con ơn ghi nhớ lời này
Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy chớ quên.
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Có danh có vọng nhớ thầy khi xưa.
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng.
Mặt khác, bên cạnh những con người luôn biết ơn là những kẻ vong ơn bội nghĩa. Những con người này cuộc sống có tốt đẹp hơn một chút thì lại vội vàng quên đi cội nguồn, gốc gác của mình. Quên đi những người đã mang đến cho họ cuộc sống ấm êm, hạnh phúc và sự trưởng thành. Họ đã quên đi người cha người mẹ, người thầy người cô của mình. Những kẻ không bao giờ biết ơn đã đề cập ở trên chắc chắn chính là những kẻ cần phải bị xã hội lên án, phê phán. Những câu tục ngữ, ca dao cũng đề cập đến vấn đề này như:
Qua cầu rút ván
Có trăng quên đèn
Có mới nới cũ
Được cá quên nơm
Ăn cháo đá bát
Vong ân bội nghĩa
Có mới thì nới cũ ra
Mới để trong nhà, cũ để ngoài sân
Tóm lại, lòng biết ơn là phẩm chất đạo đức cao quý của con người. Biết ơn, đền đáp công ơn mà người khác dành cho mình là điều nên làm bởi đó chính là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Riêng bản thân em, em sẽ luôn nhớ ơn ba mẹ mình, thầy cô của mình và luôn ý thức có trách nhiệm giữ gìn, vun đắp, phát huy bằng những việc làm cụ thể
Lòng biết ơn là một trong những vẻ đẹp của đạo lý dân tộc. Lòng biết ơn thể hiện phẩm chất đạo đức cần phải có ở mỗi một chúng ta. Trong cuộc sống, chúng ta mang ơn cha mẹ, thầy cô, những người lao động làm ra sản phẩm cho chúng ta dùng… Công ơn của thế hệ đi trước đã cho ta bầu trời tự do và cuộc sống yên bình, Lẽ nào ta sống mà quên ơn những người vì hạnh phúc của mình? Biết ơn sẽ làm cho cuộc sống mỗi người tốt đẹp hơn. Ai cũng sẽ có những hành động tốt đem lại niềm vui cho người khác. Lòng biết ơn là cơ sở bền vững cho những tình cảm tốt đẹp như lòng yêu nước, thương dân, hiếu thảo với cha mẹ, kính yêu thầy cô… Quả như cha ông ta đã nhắc nhở: "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Chúng ta luôn học tập và thể hiện sâu sắc ý nghĩa của sự biết ơn trong cuộc sống thường nhật của mình.
Trong cuộc sống, lòng biết ơn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự hoàn thiện và phát triển nhân cách con người. Lòng biết ơn là tấm lòng tri ân, luôn ghi nhớ công ơn nuôi dạy, giúp đỡ của người khác với mình. Lòng biết ơn được biểu hiện ở cả trong suy nghĩ lẫn những hành động từ cụ thể đến lớn lao. Đó là suy nghĩ, thái độ trân trọng, kính mến, là hành động trả ơn, báo đáp công ơn của bản thân với những người có ơn với mình. Cụ thể, đất nước Việt Nam đã thể hiện lòng biết ơn của mình bằng những ngày lễ mang tính chất kỉ niệm, tưởng nhớ, ví dụ như ngày 20/11 là ngày để tất cả thế hệ học sinh cả nước tri ân đối với công lao dạy dỗ của thầy cô giáo, ngày 27/7 là ngày ghi nhớ công lao của thương binh liệt sĩ – những người đã hi sinh máu xương, cuộc đời của mình để bảo vệ Tổ quốc… Lòng biết ơn có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng và là sợi dây để gắn bó tình cảm giữa người với người. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, có rất nhiều người đi ngược lại với truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, có thái độ và hành động vô ơn, “ăn cháo đá bát”. Những hành vi này đều đáng bị lên án để họ có thể nhận thấy lỗi sai, từ đó thay đổi nhận thức, suy nghĩ một cách tích cực nhất.
►►CLICK NGAY vào nút TẢI VỀ dưới đây để tải về Top 6 đoạn văn 200 chữ về đạo lý của lòng biết ơn lớp 9 chọn lọc hay nhất file Word, pdf hoàn toàn miễn phí!