Logo

Bài văn Phân tích hình ảnh Bác Hồ qua bài thơ Tức Cảnh Pác Bó (Chọn lọc)

Bài văn Phân tích hình ảnh Bác Hồ qua bài thơ Tức Cảnh Pác Bó (Chọn lọc) là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích giúp các em nâng cao khả năng viết văn để đạt điểm cao trong các bài thi môn Ngữ văn 8
4.0
4 lượt đánh giá

Mời các bạn cùng tham khảo Văn mẫu Phân tích hình ảnh Bác Hồ qua bài thơ Tức Cảnh Pác Bó lớp 8 được chúng tôi chọn lọc và giới thiệu ngay dưới đây nhằm giúp các em học sinh mở rộng vốn từ và tham khảo thêm các ý tưởng cho bài viết của mình.

Bài văn mẫu Phân tích hình ảnh Bác Hồ qua bài thơ Tức cảnh Pác Bó

Hồ Chí Minh – vị cha già kính yêu, nhà cách mạng, nhà văn hóa, nhà văn, nhà thơ vĩ đại của của dân tộc Việt Nam; Người cống hiến cả cuộc đời của mình cho quê hương đất nước, vị lãnh tụ đáng kính, nhưng một đời sống bần hàn, thanh bạch. Cốt cách của Người, không phải tìm ở đâu xa, mà được thể hiện ngay trong những bài thơ do Bác sáng tác. Trong thơ mình, Bác vừa là một thi sĩ có tâm hồn lãng mạn, bay bổng nhưng cũng là một chiến sĩ có tinh thần thép, đầy ung dung và lạc quan. Tức cảnh Pác Bó là bài thơ thể hiện rõ điều đó.

Sau 30 năm bôn ba khắp năm châu tìm đường cứu nước, tháng 2 – 1941, Nguyễn Ái Quốc đã bí mật trở về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người sống trong hang Pác Bó – một hang núi nhỏ sát biên giới Việt – Trung (Thuộc huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng). Điều kiện sinh hoạt ở đây rất gian khổ. Phải thường ăn cháo ngô, măng rừng thay cơm; bàn làm việc là một phiến đá bên bờ suối Lê-nin. Bài thơ Tức cảnh Pác Bó đã ra đời trong hoàn cảnh như vậy.

Tức cảnh Pác Bó là một bài thơ tứ tuyệt bình dị, tự nhiên:

“Sáng ra bờ suối, tối vào hang,
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng.
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang”

Ba câu thơ đầu, Bác nhắc đến điều kiện ăn – ở – làm việc của mình. Vậy nơi thâm sơn cùng cốc ấy, Người ăn – ở và làm việc thế nào?

“Sáng ra bờ suối, tối vào hang”, câu thơ đầu tiên của bài thơ cho ta biết được không gian sống của Bác Hồ, đó là không gian núi rừng hoang sơ, dân dã, có suối và hang. Không phải là một ngôi nhà, hay một căn biệt thự xa hoa – lộng lẫy. Câu thơ ngắt nhịp 4/3, tạo thành hai vế sóng đôi và đặc biệt có sự đối xứng nhịp nhàng: “sáng” – “tối”, “suối” – “hang”, “ra” – “vào” toát lên cảm giác về sự nhịp nhàng, nề nếp: sáng ra, tối vào. Hơn nữa, giọng điệu của câu câu cũng thật thoải mái, phơi phới, cho thấy Bác Hồ sống thật ung dung, hòa điệu nhịp nhàng với nhịp sống núi rừng. Và điều đó cũng chứng tỏ rằng, Người sống rất giao hòa, giao cảm với thiên nhiên, gắn bó và yêu thiên nhiên sâu sắc.

Tình yêu thiên nhiên của Người được thể hiện trong nhiều bài thơ, ví dụ trong bài Ngắm trăng, Bác viết:

“Trong tù không rượi cũng không hoa

Cảnh đẹp đêm nay, khó hững hờ;”

Mặc dù ở trong ngục tù gian khổ, nhưng người vẫn không quên hướng ra ngoài kia, để thưởng trăng và khao khát cuộc thưởng trăng đủ đầy với rượi và hoa.

Câu thơ thứ hai vẫn tiếp tục mạch cảm xúc đó, nhưng có thêm nét vui đùa: “Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng”. Lương thực, thực phẩm ở đây thật đầy đủ, đầy đủ tới mức dư thừa, luôn có sẵn. Có người hiểu ý câu thơ này là dù phải ăn cháo bẹ, rau măng rất khổ nhưng tinh thần vẫn sẵn sàng. Hiểu như vậy không sai về ngữ pháp nhưng không phù hợp với tinh thần chung, giọng điệu chung (đùa vui, thoải mái) của bài thơ, cũng tức là không phù hợp với mạch cảm xúc của tác giả.

Ở hang Pắc Bó điều kiện sống rất khó khăn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bài viết Từ Pác Bó đến Tân Trào có kể lại: “Những khi trời mưa to, rắn rết chui cả vào chỗ nằm. Có buổi sáng, Bác thức dậy thấy một con rắn rất lớn nằm khoanh tròn ngay cạnh Người (…) Bác sốt rét luôn. Thức ăn cũng rất thiếu (…) Có thời gian, cơ quan chuyển vào vùng núi đá trên khu đồng bào Mán Trắng, gạo cũng không có, Bác cũng như anh em khác phải ăn cháo bẹ hàng tháng”. Mặc dù bữa ăn chỉ có cháo bẹ, rau măng làm bạn nhưng qua giọng điệu vui đùa, hóm hỉnh toát lên một tinh thần lạc quan, ung dung, tự tại. Dù cho có khó khăn đến đâu thì người chiến sĩ cách mạng vẫn không sờn lòng, nản chí. Vẫn một tư thế cống hiến hết mình vì dân tộc, vì đất nước.

Điều kiện ăn – ở đã khó khăn, thế nên điều kiện làm việc của Người cũng khó khăn không kém: “Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng”. Vẫn là một bàn đá trong núi sâu, “chông chênh” như vận mệnh đất nước, nhưng trái ngược với hoàn cảnh đó là tinh thần của Bác vững như bàn thạch. Cách mạng Việt Nam lúc cao trào, lúc thoái trào nhưng xu hướng là đi lên và phát triển. Bác vẫn tin cách mạng Việt Nam sẽ thành công. Cho nên gánh trên vai trọng trách nặng nề mà Bác vẫn ung dung khẳng định: “Cuộc đời cách mạng thật là sang”. Một chữ “sang” như nhãn tự, tỏa sáng cả bài thơ, tỏa sáng cả những năm tháng sống trong rừng sâu, hang tối của nhà cách mạng! Một chữ “sang” đủ phủ nhận tất cả gian khổ, hiểm nguy, khẳng định tính cao quý của đời cách mạng bởi vì người cách mạng luôn lạc quan tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp đó. Câu thơ cuối cùng khẳng định niềm tin mãnh liệt của người chiến sĩ cách mạng vào sự nghiệp cứu nước. Đối với Người, dù sự nghệp ấy, con đường ấy, có gặp biết bao gian lao, khổ cực đi chăng nữa, thì cuối cùng cũng sẽ thành công.

Và bởi niềm tin, sự lạc quan lớn lao đó, Hồ Chí Minh đã tìm thấy con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam, đập tan xiềng xích nô lệ, mở ra thời kỳ độc lập tư do cho đất nước. Đáng tự hào biết bao!

Tức cảnh Pác Bó – một bài thơ tứ tuyệt nhẹ nhàng, giản dị, tự nhiên như hơi thở, như lời ăn tiếng nói hàng ngày. Nhưng đằng sau nó chúng ta bắt gặp một một Hồ Chí Minh – là sự kết hợp hài hòa giữa con người thi sĩ và con người chiến sĩ. Hình ảnh đó luôn in đậm trong lòng độc giả và trở thành tấm gương sáng cho muôn đời noi theo.

Tham khảo thêm:

►► CLICK NGAY vào TẢI VỀ dưới đây để download Văn mẫu Phân tích hình ảnh Bác Hồ qua bài thơ Tức Cảnh Pác Bó Ngữ văn lớp 8 hay nhất file word, pdf hoàn toàn miễn phí.

Đánh giá bài viết
4.0
4 lượt đánh giá
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
Copyright © 2020 Tailieu.com
DMCA.com Protection Status