Logo

Top 2 bài văn Vì sao Lão Hạc chọn cái chết bằng bả chó lớp 8 hay nhất

Top 2 bài văn Vì sao Lão Hạc chọn cái chết bằng bả chó lớp 8 hay nhất là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích giúp các em nâng cao khả năng viết văn để đạt điểm cao trong các bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 8
2.3
5 lượt đánh giá

Mời các bạn cùng tham khảo Văn mẫu Vì sao Lão Hạc chọn cái chết bằng bả chó? Văn lớp 8 được chúng tôi chọn lọc và giới thiệu ngay dưới đây nhằm giúp các em học sinh mở rộng vốn từ và tham khảo thêm các ý tưởng cho bài viết của mình.

Bài văn mẫu Vì sao Lão Hạc chọn cái chết bằng bả chó số 1 ý nghĩa nhất

Lão Hạc là nhân vật chính trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao. Dường như tất cả những đau đớn, khổ cực của cuộc đời dồn hết lên đôi vai gầy guộc của lão Hạc. Vợ mất sớm, một mình lão gà trống nuôi con. Lúc con lớn lên, vì không có tiền để cho cậu con trai lấy vợ khiến anh ta quẫn chí bỏ đi làm đồn điền cao su. Việc ấy khiến lão Hạc ân hận cả đời. Đến tận lúc tìm đến cái chết, lỗi ân hận vì không thể lo vợ cho con vẫn hằn sâu trong đôi mắt của lão. Đây cũng chính là nguyên nhân đẩy lão Hạc đến tận cùng của những bi kịch.

Cả đời lão Hạc chìm trọng cô đơn và ân hận. Ân hận vì không lo đủ tiền cưới vợ cho con. Ân hận vì không thể chờ đến ngày con trở về. Ân hận vì phải bán cậu Vàng – người bạn thân thiết giúp lão bớt cô đơn trong những năm tháng cuối đời. Ân hận vì lỡ lừa một con chó… Những nỗi ân hận ấy khiến cuộc đời vốn tăm tối của lão càng chìm trong đau đớn.

Trước hết lão Hạc là người hết lòng thương con. Khi con bỏ đi đồn điền cao su, lão ở nhà ngóng từng ngày, từng giờ đứa con trai dại dột ấy trở về. Lão nuôi cậu vàng không chỉ đơn giản để có người bầu bạn. Cậu vàng được mua về với mục đích sẽ thịt làm đám cưới cho con lão. Nhưng đám cưới không có, cậu Vàng “bất đắc dĩ” trở thành người bạn của lão Hạc. Trong câu chuyện mà lão Hạc thường nói với cậu Vàng, lão vẫn nhắc đến chuyện sẽ “giết” cậu vàng để làm đám cưới cho con. Đó không chỉ là câu chuyện với con vật tội nghiệp ấy mà lão đang nói với chính mình. Đó là mong mỏi, là mơ ước của lão Hạc. Không giây phút nào lão không mong con trở về để lão có thể cưới vợ cho con. Đó là việc làm cuối cùng lão có thể làm cho con. Nhưng đứa con cứ biệt vô âm tín. Lão cứ chờ đợi, chờ đợi trong vô vọng.

Chính vì vậy, lão Hạc lần lữa mãi không nỡ bán. Chuyện lão ráo bán cậu Vàng ông giáo nghe đã thấy nhàm rồi. Cũng bởi lão vẫn nuôi cái vi vọng mong manh là có thể lo được đám cưới cho con. Bán đi cậu vàng, chính là lão Hạc bán đi hi vọng ấy. Lão không thể chờ con trai về được nữa. Chấm dứt hi vọng cũng có nghĩa là chấm dứt sự sống. Ngay từ giây phút thằng Mục, thằng Xiên bắt cậu Vàng mang đi, lão Hạc đã có quyết định của mình rồi. Lão sẽ chấm dứt cuộc sống của mình. Chính vì vậy, việc làm đầu tiên sau khi bán cậu Vàng là lão Hạc nhờ ông giáo giữ mảnh vườn và tiền làm ma cho mình.

Cậu Vàng là người bạn chia sẻ vui buồn với lão Hạc. Đó không chỉ là kỷ vật của con để lại, không chỉ là hiện thân của niềm hi vọng cưới vợ cho con mà còn là người thân duy nhất bên lão lúc tuổi già bóng xế. Lão chỉ có con chó để chia sẻ sớm tối. Lão chăm sóc nó, yêu thương, chiều chuộng nó như chiều một đứa cháu nội. Lão nói chuyện với cậu Vàng như nói chuyện với một con người.

Còn gì đau đớn hơn khi tự tay chấm dứt sự sống của người bạn thân yêu nhất của mình! Chẳng ai có thể thấu hết được nỗi đau đớn ấy của lão Hạc. Chính vì vậy “lão cười mà như mếu và đôi mắt ầng ậc nước”. Chính vì vậy, “Mặt lão đột nhiên co rúm lại, những nếp nhăn xô lại ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu của lão nghoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc.” Nam Cao rất tinh tế khi miêu tả nỗi đau của người đàn ông cả đời chịu bao tủi nhục đắng cay. Nỗi đau ấy hiện hình trên khuôn mặt khắc khổ của lão. Nỗi đau ấy bật thành những giọt nước mắt.

Chính nỗi đau đớn khi bán đi hi vọng cưới vợ cho con, tự tay giết chết người bạn thân thiết nhất của mình và đặc biệt là nỗi ám ảnh: “Thì ra tôi bằng này tuổi đầu lại đi lừa một con chó” khiến lão Hạc tìm đến cái chết bằng bả chó. Cái chết ấy thật dữ dội và đau đớn. Đó có thể là cách lão Hạc chuộc lỗi với cậu Vàng. Chọn cái chết ấy, lão sẽ bớt đi cái cảm giác tội lỗi và ân hận.

Nhiều người cho rằng Nam Cao quá tàn nhẫn khi chọn cái chết dữ dội và đau đớn cho lão Hạc. Tuy nhiên, cái chết ấy có thể hoàn thiện nhân cách của một con người. Một người nông dân nghèo khổ, túng quẫn nhưng đến lúc chết vẫn không muốn mắc nợ ai – kể cả mắc nợ một con chó!

Bài văn mẫu số 2 Vì sao Lão Hạc chọn cái chết bằng bả chó hay nhất

Cùng với Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng,… Nam Cao là một cái tên không thể thiếu khi nhắc tới những nhà văn hiện thực nhân đạo. Tham gia vào dòng văn học 1930-1945 tuy là muộn so với các nhà văn khác nhưng bằng cách “khơi những nguồn chưa ai khơi” Nam Cao đã ghi vào lòng độc giả những ấn tượng riêng và có một vị trí đứng vững chắc. Ông viết rất nhiều tác phẩm như “Sống mòn”, “Một bữa no”, “Đời thừa”… nhưng không thể không kể tới tác phẩm “Lão Hạc”. Nhân vật Lão Hạc trong truyện là một nhân vật đã để lại trong người đọc ít nhiều suy nghĩ.

Lão Hạc là một lão nông nghèo nhưng có nhiều phẩm chất tốt đẹp, đáng quý.Nhân vật Lão Hạc là nhân vật điển hình, đại diện cho mỗi tầng lớp người nông dân rơi vào hoàn cảnh trớ trêu nhưng toát lên những vẻ đẹp tâm hồn sáng trong.

Lão Hạc có một cuộc đời hết sức bi thảm. Vợ lão mất sớm, một mình lão gà trống nuôi con. Đến tuổi anh con trai lấy vợ thì nhà lão nghèo quá, nhà gái lại thách cao, nên anh con trai không lấy được vợ, phẫn chí bỏ đi đồn điền cao su. Lão ngày ngày, vò võ mong mỏi con về, đơn độc, chỉ có con chó Vàng - kỉ vật của con bầu bạn cùng. Lão sống qua ngày, trong cái đói nghèo và đơn độc. Và chính vì đói, vì nghèo như thế, nên cuối cùng, lão phải bán đi người bạn duy nhất của lão, chỗ dựa cuối cùng của lão – cậu Vàng. Để giữ được tấm lòng thanh sạch của mình, lão phải ăn bả chó tự tử, chết như một con chó. Cuộc đời của lão Hạc là một cuộc đời đơn độc, quay quắt trong cái đói nghèo, bị cái đói nghèo đày đọa. Nam Cao đã thông qua cuộc đời của lão Hạc để tố cáo xã hội thực dân nửa phong kiến, dồn đẩy người nông dân tới bước đường cùng bằng tiếng nói đanh théo, nhưng không kém phần chua xót.

Tuy ở một hoàn cảnh đáng buồn như vậy, nhưng lão Hạc có một tấm lòng vị tha, nhân hậu.Với cậu Vàng – kỉ vật của con trai lão, lão yêu quí nó như “một bà mẹ hiếm hoi yêu quý đứa con cầu tự”. Lão cưng nựng, vỗ về, vuốt ve nó; cho nó ăn cơm như nhà giàu ăn cơm bát; lão ăn gì cũng không quên phần nó, gắp cho nó một miếng, lão ăn bao nhiêu, nó cũng ăn như thế, thậm chí có phần hơn lão… Lão cũng coi nó như một người bạn, ngày ngày lão tâm sự, trò chuyện với nó như thể nó cũng là một con người. Lão đối với một con chó, một loài vật mà ông giáo cho là sinh ra để người ta giết thịt lại nhân hậu, yêu thương đến vậy thì với con người, lão con đối xử đến như thế nào nữa? Tấm lòng của lão quả thật khiến chúng ta cảm phục.

Đối với cậu Vàng, lão yêu quí như vậy, thì đối với anh con trai của lão, thì tình cảm ấy còn được nhân lên gấp vạn lần. Chỉ vì nhà nghèo, không cưới được vợ cho con, làm con uất chí, bỏ đi đồn điền cao su mà lão tự dằn vặt mình mãi. Để cưới vợ, anh con trai đòi bán mảnh vườn, nhưng lão không cho không phải vì lão muốn giữ mảnh vườn cho lão, mà lão nghĩ nếu cưới vợ về, vườn bán rồi thì ở đâu mà làm ăn sinh sống, và rồi có bán thì cũng làm sao mà đủ tiền. Lão nghĩ thế, nhưng anh con trai có thấu cho lão?Anh bỏ đi đồn điền cao su, để lại lão ở nhà vò võ chờ con.Lão nghĩ tốt, lo cho tương lai con, nhưng khi con trai bỏ đi, lão lại tự dằn vặt mình, đày đọa tinh thần mình.Những câu nói lão nói với cậu Vàng, nhưng lại chất chưa biết bao nhiêu tình cảm nhớ thương cho anh con trai. Lão nói với cậu Vàng đấy, nhưng lại như nói với con mình.Lão làm việc gì, lão suy nghĩ gì cũng là hướng về con trai mình. Tiền bòn vườn lão để dành, không tiêu tới để khi con trai về, lão nhẩm tính sẽ có gần trăm đồng bạc, thêm vào cho con cưới vợ và làm kế sinh nhai.Thế nhưng, lão lại ốm. Một cơn ốm kéo dài buộc lão phải tiêu tới số tiền đó.Chỉ vậy thôi mà lão đã thấy đau lòng.Lão ăn vào tiền của con trai lão – số tiền mà khi con trai về lão định trả con. Điều này làm lão khổ tâm hết sức. Hành động của lão gửi ông giáo mảnh vườn, nhờ ông giáo giữ hộ cũng là để giữ hộ cho con lão: “của mẹ nó thì nó hưởng”. Mọi suy nghĩ, việc làm của lão đều hướng tới con trai. Thậm chí, cái chết của lão cũng là vì con.Lão chết để mở ra đường sống cho con lão, lão chết một cái chết trong sạch để lại tiếng thơm cho con vì lão sống ngày nào là ăn vào tiền, vào đường sống của con ngày ấy. Xưa nay, không ít người cha, người mẹ hi sinh cơm ăn, áo mặc vì con, hi sinh một phần thân thể vì con nhưng hi sinh cả mạng sống của mình như lão Hạc lại là một trường hợp hiếm thấy. Tình yêu con của lão Hạc thật đặc biệt. Không ồn ào, sôi nổi, không thể hiện qua hành động hay lời nói, lão lặng lẽ yêu con trong tâm tưởng, mọi hành động của con lão đều cho là do lão. Là do lão đẩy con tới những hành động ấy rồi tự dằn vặt mình, tự gánh lấy những suy nghĩ, hành động để chuộc lại lỗi lầm. Quả thật, tình yêu thương con của lão khiến chúng thật vô cùng cảm động.

Lão Hạc mang một tấm lòng tự trọng cao cả. Lão tự trọng từ với một con chó, với con trai lão, với bà con hàng xóm, với ông giáo và với cả chính bản thân mình.Khi bán con chó, lão đau khổ, vì lão “bằng này tuổi đầu mà còn trót lừa một con chó”. Lão nhớ ánh mắt của cậu Vàng, mà theo như lời lão là một ánh mắt đầy trách móc, mắng lão tệ hại: “A!Lão già tệ lắm!Tôi ăn ở với lão thế mà lão đối xử với tôi thế này à?”. Ánh nhìn đó làm lão ám ảnh và day dứt không nguôi. Lão từ chối mọi sự giúp đỡ của ông giáo, lão lại chuẩn bị sẵn tiền làm ma cho bản thân, gửi ông giáo, để khi lão có việc thì ông giáo đưa ra, coi như là của lão có chút ít, còn lại thì nhờ bà con hàng xóm cả. Lão làm vậy để không phiền lụy tới ai. Từ đó, lão bòn vườn, mò cua,ốc, trai ăn để sống qua ngày, thà chết chứ không chịu mắc nợ ai. Có lẽ hành động bán cậu Vàng của lão chính là bước chuẩn bị cho cái chết của lão. Lão xin Binh Tư ít bả chó với lý do bắt cho nhà khác – một lý do làm Binh Tư tự nghĩ lão giả bộ hiền lành thế nhưng cũng ghê ra phết, một lý do làm ông giáo hiểu lầm lão, hiểu lầm một con người đã “khóc vì trót lừa một con chó, một con người nhịn ăn để có tiền làm ma”.Vậy nhưng hóa ra, lão ăn bả chó để tử tự, để giữ vẹn nguyên tấm lòng trong sáng của lão. Lão ăn bả chó, lão chết như một con chó, vật vã, quằn quại trong đau đớn, để chuộc tội với cậu Vàng. Lão ăn bả chó cũng là để không bị cuộc sống dồn đẩy, bị tha hóa biến chất như Binh Tư, hay Chí Phèo… Cái chết của lão cũng chính là sự tự trọng của lão với con lão. Lão sống mà phải dựa vào tiền của con thì thà lão chết con hơn. Lão Hạc có một tấm lòng thật đáng. Lão Hạc có một tấm lòng thật đáng trân trọng – lòng tự trọng của lão nông nghèo nhưng trong sạch. Lão chọn “chết trong còn hơn sống đục” khi bị dồn vào đường cùng.Tấm lòng nhân đạo của Nam Cao đã được thể hiện rất rõ. Thông qua cuộc đời bi thảm, nhưng phẩm chất thì sáng trong của lão Hạc, Nam Cao quả đã “khơi được những nguồn chưa ai khơi” và chính điều này đã đưa ông lên một vị trí vững chắc trong dòng văn học 1930-1945.

Nhân vật lão Hạc đã để lại trong lòng người đọc nhiều cảm xúc sâu sắc. Đây là một nhân vật điển hình, đại diện cho tầng lớp những người nông dân trong xã hội cũ: tuy đói nghèo nhưng có những phẩm chất cao đẹp. Nam Cao đã rất thành công trong cách xây dựng nhân vật. Thông qua cái nhìn ông giáo – một nhà trí thức, Nam Cao đã gián tiếp thể hiện tấm lòng của mình với người nông dân và đặt ra vấn đề “đôi mắt”: “Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi... toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương...”. Tác giả cũng đã sử dụng nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật rất rõ nét. Tâm lý nhân vật lão Hạc được thể hiện qua những hành động, lời nói của lão, nhiều đoạn đối thoại mà như độc thoại. Bên cạnh đó, tác giả cũng sử dụng nhiều khẩu ngữ, làm câu chuyện chân thực, sinh động, gần gũi với người nông dân.

Nhân vật lão Hạc quả thật đã để lại trong lòng người đọc ít nhiều suy nghĩ. Qua đó cũng thể hiện tài năng,tấm lòng của Nam Cao. Phải là một cây bút xuất sắc, một nhà văn thấu hiểu, am tường về người nông dân tới tận cùng, dành cho họ những tình cảm yêu mến, trân trọng cảm thông sâu sắc mới viết nên một truyện ngắn hay như thế. Với một nhân vật lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên, Nam Cao đã khẳng định được tên tuổi của mình. Ông đã “khơi được những nguồn chưa ai khơi” và ghi lại trong lòng độc giả những tình cảm yêu mến.

Nam Cao (1917-1951) là một trong những nhà văn Việt Nam tiêu biểu nhất thế kỷ 20. Nhiều truyện ngắn của ông được xem như là khuôn thước cho thể loại này. Dưới đây là tổng hợp những bài phân tích khá hay tác phẩm Lão Hạc.

►► CLICK NGAY vào TẢI VỀ dưới đây để download Văn mẫu Vì sao Lão Hạc chọn cái chết bằng bả chó Ngữ văn lớp 8 hay nhất file word, pdf hoàn toàn miễn phí.

Đánh giá bài viết
2.3
5 lượt đánh giá
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
Copyright © 2020 Tailieu.com
DMCA.com Protection Status