Logo

9 Mẫu bài văn kể lại một chuyến đi tham quan di tích lịch sử lớp 8 hay nhất

Tham khảo Top 9 bài văn kể lại một chuyến đi tham quan di tích lịch sử lớp 8 hay nhất tại đây. Nội dung được chọn lọc từ các bài viết đạt điểm cao của các em học sinh trên cả nước.
2.2
204 lượt đánh giá

Đề bài: Viết bài văn kể lại một chuyến đi tham quan di tích lịch sử.

Dàn ý bài văn kể lại một chuyến đi tham quan di tích lịch sử lớp 8

1. Mở bài

- Giới thiệu khái quát về chuyến tham quan di tích lịch sử, văn hóa.

- Bày tỏ cảm xúc của em khi được trực tiếp tham gia chuyến đi.

2. Thân bài

- Kể lại cụ thể diễn biến của chuyến tham quan (trên đường đi, lúc đến điểm tham quan, trình tự các điểm đến thăm, những hoạt động chính trong chuyến đi…).

- Thuyết minh, miêu tả và nêu ấn tượng của em về những nét nổi bật của di tích lịch sử, văn hóa đó (thiên nhiên, con người, công trình kiến trúc…)

3. Kết bài

Nêu cảm xúc, suy nghĩ của em về chuyến tham quan, di tích lịch sử văn hóa.

Viết bài văn kể lại một chuyến đi tham quan di tích lịch sử lớp 8 - Lăng Bác

Tổ chức tham quan cho học sinh là hoạt động thường niên của trường em vào mỗi dịp tháng 5 cuối năm học. Năm nay chúng em đã được các thầy cô cho đi thăm lăng Bác, ai ai cũng vô cùng hồi hộp và sung sướng khi sắp được gặp Bác Hồ.

Viết bài văn kể lại một chuyến đi tham quan di tích lịch sử lớp 8 - Lăng Bác

Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh

Đúng 7h sáng học sinh có mặt tại trường và di chuyển lên các xe có dán đúng tên lớp cùng sự hỗ trợ cảu các thầy cô chủ nhiệm và hội phụ huynh.

Chỉ sau khoảng 45 phút đi chuyển, cả trường đã đến nơi. Ngay khi bước xuống xe cảm giác đầu tiên của em là sự choáng ngợp bởi không gian rộng lớn và sự trang nghiêm, thành kính nơi đây. Đường vào lăng Bác có rất nhiều những chú bộ đội đứng gác lăng, các chú đứng trang nghiêm với khẩu súng trên vai. Các chú bộ đội là người ngày đêm canh giữ, bảo vệ bình yên cho giấc ngủ của Bác, ai cũng có khuôn mặt thật nghiêm trang.

Hôm ấy không chỉ có thầy cô và chúng em đến thăm lăng và còn rất nhiều những đoàn tham quan khác, họ đến từ khắp nơi của Tổ Quốc. Đôi khi em còn bắt gặp những đoàn tham quan của những du khách nước ngoài. Nhìn những đoàn tham quan, em cũng như các bạn đều tràn ngập cảm xúc tự hào.

Sau lễ duyệt binh, chúng em được các thầy cô hướng dẫn xếp hàng để đi vào lăng. Không gian trong lăng không rộng lắm nhưng không khí lại vô cùng thành kính, thiêng liêng. Bác nằm đấy, đôi mắt hiền từ nhắm lại như đang chìm vào giấc ngủ sâu, miệng Bác như hé một nụ cười. Bác như phát ra vầng hào quang chói lọi, vừa suy nghĩ, vừa gần gũi.

Sau khi được vào lăng thăm Bác, chúng em còn được các thầy cô cho đi thăm ao cá Bác Hồ cùng với vườn cây Bác Hồ nằm trong khu di tích phủ Chủ tịch.

Chuyến đi thăm lăng Bác Hồ đối với em quả thật một trải nghiệm quý giá khi em được tận mắt nhìn thấy chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại cũng như lối sống giản dị đơn sơ của Bác. Em mong lớn lên mình sẽ rèn luyện thật tốt để xứng danh cháu ngoan Bác Hồ.

Viết bài văn kể lại một chuyến đi tham quan di tích lịch sử lớp 8 - Cố đô Huế

Bài mẫu 1:

Có ai đó đã từng nói rằng: “Cuộc đời là những chuyến đi”. Chúng ta đi để thấy được rằng thế giới thật rộng lớn, còn nhiều điều mà bản thân chưa khám phá hết. Bản thân tôi cũng có những chuyến đi bổ ích như vậy.

Cuối tuần, tôi đã có một chuyến tham quan cùng với các thành viên trong lớp Trường học đã tổ chức cho học sinh toàn trường một chuyến ghé thăm kinh thành Huế. Chúng tôi đã được có thêm nhiều điều bổ ích sau chuyến đi này.

Từ tối hôm trước, mẹ đã giúp tôi chuẩn bị các đồ dùng cần thiết. Tôi đi ngủ thật sớm để sáng hôm sau đến trường cho đúng giờ. Buổi sáng, tôi thức dậy ăn sáng và được mẹ đưa đến trường. Đúng sáu giờ, học sinh của từng lớp phải tập hợp ở sân trường. Cô giáo chủ nhiệm yêu cầu lớp trưởng điểm danh sĩ số. Sau đó, chúng tôi xếp thành hàng để lên xe. Khoảng sáu giờ ba mươi phút, xe đã xuất phát. Bác hội trưởng và hội phó của hội phụ huynh học sinh cũng đi cùng. Chúng tôi cảm thấy hào hứng lắm. Từ Đà Nẵng vào Huế phải đi mất gần hai tiếng mới đến nơi. Trên đường đi, chúng tôi vừa ngắm nhìn đường phố, vừa trò chuyện vui vẻ. Chị hướng dẫn viên còn tổ chức một số trò chơi để bầu không khí thêm sôi động.

Khoảng hai tiếng sau, xe đã đi đến nơi. Chúng tôi theo sự hướng dẫn của cô giáo chủ nhiệm đã xuống xe. Ai cũng háo hức, mong được nhanh vào tham quan. Chúng tôi xếp thành hai hàng, rồi đi tham quan theo sự hướng dẫn của chị hướng dẫn viên. Đi đến đâu, chúng tôi cũng được dừng lại, nghe chị thuyết trình về nơi đó. Một số bạn còn đặt ra những câu hỏi để chị hướng dẫn viên giải đáp.

Kinh Thành Huế được xây dựng vào năm 1805 dưới thời vua Gia Long và được kéo dài gần ba mươi năm năm đến thời vua Minh Mạng. Thành gồm có mười cửa chính. Bên trong kinh thành bao gồm: Phòng thành (xây dựng từ những năm 1805 - 1817), Hoàng thành và Tử cấm thành (1840), đàn Nam Giao… Và cả những lăng tẩm, phủ chúa nổi tiếng như lăng Gia Long (1814 - 1820) lăng Minh Mạng (1820 - 1840), lăng Tự Đức (1864 -1867) rất uy nghi, tráng lệ.

Kết thúc buổi tham quan, tôi đã học thêm nhiều kiến thức bổ ích về mảnh đất cố đô. Tôi càng thêm yêu mến và tự hào về lịch sử của dân tộc. Các thành viên trong lớp cũng có được nhiều bức ảnh kỉ niệm đẹp.

Tôi cảm thấy chuyến đi này thật bổ ích. Tôi cũng mong rằng sẽ có thêm nhiều chuyến đi hơn nữa cùng với bạn bè và thầy cô.

Kinh thành Huế

Kinh thành Huế

Bài mẫu 2:

Vào mỗi dịp hè em đều được bố mẹ cho đi thăm quan 1 địa điểm du lịch để xả hơi sau một năm học vất vả cũng như nâng cao vốn hiểu biết của mình về những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của đất nước. Và địa điểm lần này em được trải nghiệm cùng bố mẹ đó chính là cố đô Huế.

Để di chuyển vào Huế, cả gia đình em đã lựa chọn phương tiện lúc đi là tàu hỏa để em được ngắm nhìn thêm những vùng đất của tổ quốc trải dài suốt quãng đường từ Hà Nội đến Huế. Chuyến tàu của em xuất phát lúc 10 giờ tối. Ngồi trên tàu ngắm đường phố Hà Nội về đêm thật đẹp. Sau một giấc ngủ đêm, buổi sớm thức dậy được ngắm nhìn cảnh đẹp của các tỉnh thành trên đường tàu đi qua khiến em thấy rất háo hức. 2 bên đường là nhà cửa xen lẫn với cảnh núi rừng xanh mát. Tới khoảng hơn 10h sáng tàu chính thức đến ga Huế. Sau khi từ ga tàu về đến khách sạn để cất đồ, cả nhà lại bắt đầu khám phá những món ăn nổi tiếng của xứ Huế mộng mơ. Bún bò Huế chính là món ăn đầu tiên gia đình lựa chọn để dùng trong bữa trưa. Quả thật đến với Huế ta mới cảm nhận được hương vị bún bò Huế trọn vẹn, đậm đà mà không nơi nào có được. Sau khi đã thưởng thức xong bữa trưa, chùa Thiên Mụ chính là điểm đến của cả gia đình em vào buổi chiều khi trời đã dịu nắng. Chùa Thiên Mụ nằm bên bờ Bắc của sông Hương, cách trung tâm TP Huế khoảng 5km về phía Tây. Sở hữu một phong cảnh hữu tình, chùa Thiên Mụ như níu chân du khách dừng bước thật lâu mỗi khi đến nơi đây. Đây không chỉ là chốn tâm linh đơn thuần mà còn là thắng cảnh đẹp cố đô. Rời chùa Thiên Mụ, điểm tiếp theo được gia đình em lựa chọn chính là đồi Vọng Cảnh. Đồi Vọng Cảnh Huế mang dáng vẻ hài hòa giữa cây cối, núi non, sông nước. Ngồi trên đỉnh đồi nhìn xuống dòng sông Hương thơ mộng và ngắn hoàng hôn quả là một kiệt tác của thiên nhiên.

Sau một ngày dài hòa mình vào với xứ Huế mộng mơ em thấy thêm yêu con người và cảnh vật nơi đây. Em mong muốn sẽ được khám phá nhiều địa danh cũng như món ăn nới xứ Huế để có thêm những trải nghiệm tuyệt vời ở vùng đất cố đô.

Viết bài văn kể lại một chuyến đi tham quan di tích lịch sử lớp 8 - Nhà tù Hỏa Lò

Ở Hà Nội có rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng. Và tôi đã có dịp đến thăm nhà tù Hỏa Lò để biết thêm nhiều kiến thức vô cùng bổ ích.

Viết bài văn kể lại một chuyến đi tham quan di tích lịch sử lớp 8 - Nhà tù Hỏa Lò

Nhà tù Hỏa Lò

Chiều chủ nhật, tôi và chị gái đã bắt xe buýt từ nhà để đến thăm nhà tù Hỏa Lò. Xe đi mất khoảng ba mươi phút là đến nơi. Nhà tù Hỏa Lò nằm ở số 1 phố Hoả Lò, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nơi đây được mệnh danh là “địa ngục trần gian” - được thực dân Pháp xây dựng để giam giữ các chiến sĩ cách mạng vô cùng quan trọng của Việt Nam.

Chị gái đã đi mua vé vào cửa. Sau đó, chúng tôi lần lượt có các khu vực nhà giam gồm có một nhà dùng cho việc canh gác; một nhà dùng làm bệnh xá; một nhà dùng làm nhà thương bố thí; hai nhà dùng để giam bị can (chưa thành án); một nhà dùng để làm phân xưởng thợ mộc, sắt, may, da; năm nhà dùng để giam tù nhân đã thành án; bốn trại xà lim để giam tử tù, tù nhân nguy hiểm, tù nhân vi phạm nội quy nhà tù. Ở mỗi khu vực nhà giam đều có những bảng chú thích để người xem hiểu rõ hơn. Tôi đặc biệt ấn tượng nhất khi đến nhìn tham quan nhà giam dành cho tù nhân phạm tội tử hình. Chiếc máy chém dành cho phạm nhân tử hình sẽ khiến bất cứ ai nhìn thấy phải rùng mình.

Những nhà giam nhỏ bé, chật hẹp với bốn bức tường dày không có gì lọt qua được cũng khiến tôi cảm thấy ám ảnh. Sự tối tăm, tù túng khiến cho tôi cảm nhận được sự khổ cực cũng như sự kiên cường của những chiến sĩ cách mạng khi bị giam giữ ở đây. Từ đó, tôi càng cảm thấy tự hào và biết ơn về công lao to lớn của những người chiến sĩ cách mạng.

Đúng như câu: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” - chuyến tham quan nhà tù Hỏa Lò đã giúp tôi có thêm nhiều kiến thức bổ ích. Tôi mong rằng sẽ có thêm nhiều chuyến tham quan như vậy.

Viết bài văn kể lại một chuyến đi tham quan di tích lịch sử lớp 8 - Tràng Kênh (Hải Phòng)

Để có được một buổi dã ngoại về lịch sử, cô chủ nhiệm lớp em đã xin phép nhà trường cùng ban phụ huynh tổ chức cho chúng em một buổi tham quan. Ngày chủ nhật mong chờ đã đến, địa điểm nơi lớp em đến là khu di tích lịch sử Tràng Kênh tại huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Chuyến đi này không những giúp em có điều kiện được chiêm ngưỡng một quần thể công trình kiến trúc đẹp mà còn có cơ hội học hỏi, tìm hiểu rất nhiều kiến thức lịch sử.

Viết bài văn kể lại một chuyến đi tham quan di tích lịch sử lớp 8 - Tràng Kênh (Hải Phòng)

Khu di tích Tràng Kênh - Hải Phòng

Đúng bảy giờ sáng, xe lăn bánh từ cổng trường, cả lớp em vô cùng háo hức. Từ trung tâm thành phố Hải Phòng, xe chúng em đi qua hai cây cầu chúng em thì sang đến huyện Thủy Nguyên. Sau thời gian khoảng 20 phút, xe dừng lại tại quần thể khu di tích lịch sử Tràng Kênh.

Khu di tích Tràng Kênh Hải Phòng có địa chỉ nằm tại thôn Tràng Kênh, thuộc thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, cách trung tâm Thành phố Hải Phòng chỉ 20km về phía Đông Bắc.

Theo bước chân và sự hướng dẫn của bác hướng dẫn viên, chúng em đi vào thăm quan khu di tích. Từ cổng vào chúng em đã nhìn thấy một vườn đá cuội và một trụ đá cao chừng 5m, mặt trước có 7 chữ “Giang san vượng khí Bạch Đằng thâu”. Ba mặt trái, phải, sau khắc công lao và thần tích của vua Ngô Quyền, vua Lê Đại Hành và đại vương Trần Hưng Đạo. Đi sâu vào trong là các dãy bon sai, cây cổ thụ. Ngôi đền đầu tiên trong di tích là Tràng Kênh Vọng Đế, thờ vua Lê Đại Hành. Tiếp đó là Linh từ Tràng Kênh thờ Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, người chỉ huy chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, rồi đến đền Bạch Đằng Giang thời Ngô Quyền, đánh thắng quân Nam Hán năm 938. Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh là địa điểm cuối cùng trong tứ linh từ của di tích. Ngoài ra, khu di tích Bạch Đằng Giang còn có: đền thờ Thánh Mẫu, khu nhà bảo tàng trưng bày hiện vật cọc Bạch Đằng được bảo tồn nguyên trạng trong bể thủy tinh. Từ ngôi chùa phỏng theo chùa Đồng (Yên Tử, Quảng Ninh) được xây trên núi Tràng Kênh, du khách sẽ bao quát được toàn cảnh vẻ đẹp của cả vùng Tràng Kênh. Mới đây, khu di tích xây thêm 3 pho tượng đồng tạc Ngô Quyền, Lê Đại Hành và Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, mỗi pho tượng cao 11m, đặt trên quảng trường nổi, hướng ra sông Bạch Đằng, xung quanh là một bãi cọc mô phỏng bãi cọc Bạch Đằng xưa kia.

Quảng trường Chiến thắng là điểm cuối trong chuyến tham quan, công trình được hoàn thành vào cuối năm 2016. Quảng trường lát đá granit vươn ra sông, gồm 3 pho tượng của Đức Ngô Quyền vương, vua Lê Đại Hành và Đức Thánh Trần cao 11m bằng đồng. Mô hình bãi cọc lim bịt sắt gồm 180 cọc được phục dựng lại dưới lòng sông.

Sau khi chúng em được cô giáo chủ nhiệm và bác hướng dẫn viên dẫn đi tham quan, tìm hiểu xong toàn bộ khu di tích thì đã đến trưa. Chúng em có khoảng một tiếng rưỡi để ăn uống và nghỉ ngơi. Chúng em bảo nhau tranh thủ ăn thật nhanh, rồi cùng đi dạo quanh khu di tích, tham gia một số trò chơi tập thể vô cùng hấp dẫn. Cuộc chơi kết thúc cũng là lúc chúng em phải trở về thành phố trong sự tiếc nuối.

Có thể nói, chuyến tham quan đến khu di tích Tràng Kênh thật thú vị và bổ ích. Sau khi trở về, em tin rằng mình sẽ có một bài báo cáo thật hấp dẫn, và sẽ đạt được một kết quả cao nhất.

Viết bài văn kể lại một chuyến đi tham quan di tích lịch sử lớp 8 - Đền Hùng

Bài văn mẫu 1

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng 3

Truyền thống uống nước nhớ nguồn từ lâu đã là một đức tính tốt đẹp được truyền qua các thế hệ người Việt. Chính vì vậy cứ đến ngày 10/3 âm lịch hàng năm hàng triệu người con đất Việt lại trở về đền Hùng để cùng tưởng nhớ đến công ơn các vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước.

Và thật may mắn, trong dịp lễ hội đền Hùng năm ngoái em đã có dịp đến thăm đất tổ thông qua chuyến du lịch thăm quan trải nghiệm do nhà trường tổ chức.

Tối hôm trước ngày đi thăm quan đền Hùng, cả đêm em đã không ngủ được vì hồi hộp khi mình sắp được đặt chân đến vùng đất linh thiêng đền Hùng. Sáng hôm đó em dạy rất sớm, mang theo chiếc balo đã được mẹ chuẩn bị đầy đủ đồ ăn và vật cần thiết cho chuyến đi. Đúng 6h30 phút sáng, đoàn xe thăm quan của trường bắt đầu chuyển bánh. Trên xe thầy cô và các bạn ai ai cũng vui mừng khi sắp được đến thăm quan đền Hùng.

Đến 8h30 cả đoàn đã đến cổng khu di tích lịch sử đền Hùng. Cảm giác đầu tiên khi đặt chân xuống vùng đất địa linh nhân kiệt thờ tự 18 đời vua Hùng là một cảm xúc tự hào khôn tả. Bao quanh khu di tích là cảnh núi non hùng vĩ với nhiều cây đại thụ vững chãi như: thiên tuế, đa, trò, thông…

Điểm thăm quan đầu tiên cả đoàn bước vào là khu di tích Đền Hạ tương truyền là nơi xưa kia mẹ Âu Cơ sinh ra 100 trứng. Tiếp theo, em cùng thầy cô và các bạn leo tiếp để khu di tích đền  Trung tương truyền xưa kia Vua Hùng bàn việc nước và ngắm cảnh thiên nhiên, núi sông cùng các Lạc tướng, Lạc Hầu. Nhìn ngôi đền đứng uy nghiêm giữa núi non đại ngàn trong tâm trí em như vang vọng lại tiếng nói của ngàn xưa, những buổi họp quan bàn việc nước của các vua Hùng. Tiếp theo, chúng em lại tiếp tục di chuyển đến đền Thượng, là nơi nằm cao nhất trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh. Thời xưa, vua Hùng thường lên trên đỉnh núi để thực hiện nghi lễ cầu mong trời đất, thần lúa phù hộ mưa thuận gió hòa, nhân khang vật thịnh.

Sau khi thăm quan đền Thượng thì chúng em được tự do thăm quan trong khu di tích đền Hùng. Buổi chiều, đúng 3h cả đoàn lại lên xe trở về trường.

Chuyến đi đền Hùng đã kết thúc tốt đẹp. Đây thực sự là một trải nghiệm tuyệt vời và đáng nhớ đối với em cùng các bạn học sinh để tìm hiểu thêm về cội nguồn của mình cũng như nhiều thông tin bổ ích về khu dic tích đền Hùng cũng như con người và vùng vũng đất Phú Thọ.

Viết bài văn kể lại một chuyến đi tham quan di tích lịch sử lớp 8 - Đền Hùng

Đền Hùng - Phú Thọ

Bài văn mẫu 2:

Vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương, tôi đã có dịp đến thăm đền Hùng - một di tích lịch sử quan trọng của nằm ở tỉnh Phú Thọ.

Từ sáng sớm, tôi đã thức dậy để chuẩn bị. Khoảng năm giờ, tôi cùng bố mẹ bắt xe để đi đến đến Hùng. Xe đi khoảng gần hai tiếng thì đến nơi. Nơi đây vô cùng đông đúc, rất nhiều người về đền Hùng để tưởng nhớ công ơn của các vua Hùng. Tôi cùng bố mẹ đến từng địa điểm để dâng hương.

Khu di tích lịch sử đền Hùng gồm có đền Hạ, chùa Thiên Quang, đền Trung, đền Thượng, lăng Vua Hùng, đền Giếng, đền Tổ Mẫu Âu Cơ, đền Quốc Tổ Lạc Long Quân và cùng với đó là các công trình phụ trợ nhằm phục vụ nhu cầu tâm linh của đồng bào cả nước về Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm.

Đầu tiên, tôi được đến thăm đền Hạ - theo tìm hiểu đền được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII – XVIII. Kiến trúc kiểu chữ nhị bao gồm Tiền bái và Hậu cung. Kiến trúc đền Hạ đơn sơ, kèo cầu suốt, quá giang đóng trụ, mái lợp ngói mũi. Tương truyền rằng đây là nơi mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng.

Tiếp đến là chùa Thiên Quang, chùa xưa có tên gọi là “Viễn Sơn Cổ Tự” sau đổi thành “Thiên Quang Thiền Tự”. Ngôi chùa được xây dựng vào thời Trần đến thế kỷ XV xây dựng lại, thời Nguyễn chùa được đại trùng tu. Rồi đến đền Trung hay còn có tên gọi khác là Hùng Vương Tổ miếu được xây dựng vào thời Lý - Trần. Đến thế kỷ XV, đền bị giặc Minh tàn phá, sau này được xây dựng lại, kiến trúc hiện nay kiểu chữ nhất gồm ba gian, kiến trúc đơn sơ không có cột, kèo cầu quá giáng cột trốn gối vào tường, mái lợp ngói mũi. Tương truyền là nơi các Vua Hùng cùng Lạc Hầu, Lạc Tướng ngắm cảnh và họp bàn việc nước. Nơi đây cũng là nơi vua Hùng thứ 6 đã nhường ngôi cho Lang Liêu người con hiếu thảo sáng tạo ra bánh chưng, bánh dày.

Sau đó, chúng tôi lần lượt đến dâng hương tại đền Thượng, đền Giếng, đền Tổ Mẫu Âu Cơ, đền Quốc Tổ Lạc Long Quân. Ở mỗi địa điểm, tôi lại được bố mẹ kể cho nghe nhiều câu chuyện hấp dẫn.

Sau chuyến đi, tôi cảm thấy thêm biết ơn các vua Hùng và càng thêm tự hào về nguồn gốc của dân tộc.

Viết bài văn kể lại một chuyến đi tham quan di tích lịch sử lớp 8 - Thành Cổ Loa

Vào dịp nghỉ hè, tôi được về thăm quê ngoại ở huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Tôi đã có khá nhiều trải nghiệm bổ ích và thú vị.

Viết bài văn kể lại một chuyến đi tham quan di tích lịch sử lớp 8 - Thành Cổ Loa

Thành Cổ Loa - Hà Nội

Chắc hẳn các bạn đã được nghe đến thành Cổ Loa gắn với truyền thuyết về vua An Dương Vương. Tôi đã được chị Hồng - chị họ dẫn đi tham quan nơi đây. Chuyến đi sẽ diễn ra vào ngày thứ bảy. Sáng hôm đó, tôi thức dậy từ rất sớm. Tôi ăn sáng thật nhanh. Vì địa điểm đến thăm là một nơi văn hóa tâm linh nên tôi đã chọn một bộ trang phục gọn gàng, kín đáo. Đúng bảy giờ, chị Hồng lái xe máy đưa tôi đi. Chúng tôi đi mất khoảng mười lăm phút là đến nơi.

Đến nơi, chị Hồng đi gửi xe. Sau đó, chị dắt tôi đi thăm quan từng địa điểm. Từ đền thờ vua An Dương Vương đến đình Cổ Loa (hay còn gọi là Ngự Triều Di Quy), kế tiếp là Am Mỵ Châu (am Bà Chúa hay đền thờ Mỵ Châu), chùa Cổ Loa, chùa Mạch Tràng (Quang Linh tự), cuối cùng là đình Mạch Tràng. Ở mỗi địa điểm, chị lại kể cho tôi nhiều câu chuyện hấp dẫn.

“Ai về đến huyện Đông Anh
Ghé xem phong cảnh Loa Thành Thục Vương
Cổ Loa hình ốc khác thường
Trải qua năm tháng, nẻo đường con đây”

Thành Cổ Loa có giá trị về nhiều mặt. Về quân sự, thành Cổ Loa thể hiện sự sáng tạo độc đáo của người Việt cổ trong công cuộc bảo vệ đất nước. Về văn hóa, thành Cổ Loa trở thành một di sản văn hóa - một bằng chứng về sự sáng tạo cũng như trình độ kỹ thuật cũng như văn hóa của người Việt cổ.

Kết thúc chuyến tham quan, tôi đã có thêm nhiều kiến thức bổ ích. Không chỉ vậy, tôi còn thêm yêu mến và tự hào về mảnh đất quê hương xinh đẹp của mình.

Hy vọng Top 9 bài văn kể lại một chuyến đi tham quan di tích lịch sử lớp 8 hay nhất chúng tôi chia sẻ trên đây sẽ giúp các em học sinh có thêm ý tưởng hay để hoàn thiện bài viết của mình. Cảm ơn đã theo dõi bài viết!

Tham khảo thêm nhiều tài liệu học tập hữu ích khác tại chuyên trang của chúng tôi!

Đánh giá bài viết
2.2
204 lượt đánh giá
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
Copyright © 2020 Tailieu.com
DMCA.com Protection Status