Logo

Top 5 bài văn phân tích một tác phẩm văn học bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt đường luật

Những bài văn mẫu lớp 8: Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt đường luật. Giúp các em trau dồi vốn từ, có thêm ý tưởng hoàn thiện bài viết.
2.4
10 lượt đánh giá

Hy vọng những bài viết chúng tôi chia sẻ dưới đây sẽ là nguồn tư liệu tham khảo hữu ích dành cho các em học sinh và thầy cô giáo, chi tiết bài viết dưới đây.

Dàn ý viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học

1. Mở bài

Giới thiệu khái quát, ngắn gọn về tác giả bài thơ (nhan đề, đề tài, thể thơ…); nêu ý kiến chung về bài thơ.

2. Thân bài

- Phân tích đặc điểm nội dung:

  • Phân tích hình tượng thơ (thiên nhiên, con người…)
  • Phân tích cảm xúc, tâm trạng của nhà thơ.
  • Khái quát chủ đề của bài thơ.

- Phân tích một số nét đặc sắc về nghệ thuật:

  • Cách sử dụng thể thơ thất ngôn bát cú và tứ tuyệt Đường luật (theo mô hình chuẩn mực hay có sự cách tân).
  • Những nét đặc sắc trong nghệ thuật tả cảnh, tả tình.
  • Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ (từ ngữ, cấu trúc thơ, biện pháp tu từ…)

3. Kết bài

Khẳng định vị trí và ý nghĩa của bài thơ.

Bài văn phân tích một tác phẩm văn học - Thất ngôn bát cú

Bài văn mẫu 1:

Bà Huyện Thanh Quan là một nữ thi sĩ nổi tiếng trong nền văn học trung đại của nước ta. “Qua Đèo Ngang” là một tác phẩm rất tiêu biểu cho phong cách thơ của bà. Bài thơ đã khắc họa khung cảnh thiên nhiên Đèo Ngang thoáng đãng mà heo hút, thấp thoáng sự sống con người nhưng vẫn còn hoang sơ. Đồng thời nhà thơ còn qua đó gửi gắm nỗi nhớ nước thương nhà.

Tác giả đã khắc họa khung cảnh thiên nhiên nơi Đèo Ngang trong một buổi chiều tà:

“Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,

Cỏ cây chen đá, lá chen hoa”

Cụm từ “bóng xế tà” gợi ra thời điểm kết thúc của một ngày. Nhà thơ đang một mình đứng trước nơi đèo Ngang. Tiếp đến câu thơ “Cỏ cây chen đá, lá chen hoa” là hình ảnh ước lệ mang tính biểu tượng, khắc họa khung cảnh thiên nhiên đèo Ngang. Việc sử dụng điệp từ “chen” kết hợp với hình ảnh “đá, lá, hoa” thật tinh tế. Vẻ đẹp thiên nhiên của đèo Ngang tuy hoang sơ nhưng lại tràn đầy sức sống. Khung cảnh thiên nhiên Đèo Ngang được nhà thơ khắc họa chỉ bằng vài nét nhưng lại hiện ra đầy chân thực và sinh động.

Và không thể thiếu trong bức tranh thiên nhiên đó là hình ảnh con người. Nghệ thuật đảo ngữ “lom khom - tiều vài chú” cho thấy hình ảnh vài chú tiều với dáng đứng lom khom dưới chân núi. Và “lác đác - chợ mấy nhà” gợi ra hình ảnh vài căn nhà nhỏ bé thưa thớt, lác đác bên sông. Nhà thơ muốn nhấn mạnh vào sự nhỏ bé của con người trước thiên nhiên rộng lớn. Con người chỉ nằm là một chấm buồn lặng lẽ giữa một thiên nhiên rộng lớn. Thiên nhiên mới là trung tâm trong bức tranh đèo Ngang.

Thiên nhiên càng cô quạnh, tâm trạng của tác giả càng cô đơn. Điều đó được bộc lộ ở những câu thơ tiếp theo:

“Nhớ nước, đau lòng, con quốc quốc

Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia”

Hình ảnh “con quốc quốc” và “cái gia gia” không chỉ là hình ảnh thực về hai loại chim (chim đỗ quyên, chim đa đa). Việc sử dụng thủ pháp lấy động tả tĩnh: tiếng kêu “quốc quốc”, “đa đa” để qua đó bộc lộ nỗi lòng nhớ thương của mình với đất nước, quê hương. Đọc đến đây, chúng ta dường như có thể lắng nghe được tiếng kêu khắc khoải, da diết đang vang lên trong vô vọng.

Câu thơ “Dừng chân đứng lại, trời, non, nước” khắc họa hình ảnh nhà thơ một mình đứng tại nơi Đèo Ngang, đưa mắt nhìn ra xa cũng chỉ thấy thiên nhiên rộng lớn phía trước (có bầu trời, có núi non, dòng sông). Sự cô đơn của nhà thơ: “một mảnh tình riêng” - tình cảm riêng tư của nhà thơ không có ai để chia sẻ:

“Dừng chân đứng lại trời, non, nước

Một mảnh tình riêng, ta với ta"

Trong thơ Nguyễn Khuyến cũng từng sử dụng cụm từ “ta với ta”:

“Đầu trò tiếp khách trầu không có

Bác đến chơi đây ta với ta”

Trong “Bạn đến chơi nhà, từ “ta” đầu tiên chỉ chính nhà thơ - chủ nhà, còn từ “ta” thứ hai chỉ người bạn - khách đến chơi. Từ “với” thể hiện mối quan hệ song hành, gắn bó dường như không còn khoảng cách. Qua đó thể hiện tình bạn gắn bó tri âm tri kỷ của nhà thơ. Còn trong thơ Bà Huyện Thanh Quan, cụm từ “ta với ta” ở đây đều chỉ nhà thơ, lúc này bà chỉ có một mình đối diện với chính mình, cô đơn và lẻ loi. Sự cô đơn ấy dường như chẳng thể có ai cùng chia sẻ.

Như vậy, Qua đèo Ngang đã thể hiện được tâm trạng của Bà Huyện Thanh Quan trước khung cảnh đèo Ngang hoang sơ. Bài thơ chứa đựng những tình cảm, ý nghĩa sâu sắc.

Bài văn mẫu 2:

Nguyễn Khuyến là một nhà thơ lớn của dân tộc. Một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông là “Bạn đến chơi nhà”. Bài thơ đã ca ngợi tình bạn chân thành, thắm thiết:

“Đã bấy lâu nay, bác tới nhà
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.
Ao sâu nước cả, khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp khách, trầu không có,
Bác đến chơi đây ta với ta!”

Cụm từ “đã bấy lâu nay” chỉ thời gian rất lâu rồi, người bạn của Nguyễn Khuyến mới đến chơi nhà. Điều đó khiến cho nhà thơ rất vui mừng, hạnh phúc. Cùng với cách xưng hô “bác” thể hiện mối quan hệ gần gũi, thân mật. Câu thơ đầu như một tiếng reo vui, một lời đón khách đầy cởi mở.

Dẫu vậy thì hoàn cảnh của nhà thơ lúc này cũng thật là éo le. Trẻ em thì đi vắng rồi, không có người để sai đi mua đồ tiếp đãi bạn được vì chợ ở quá xa. Tưởng rằng như vậy là chưa đủ, nhà thơ còn liệt kê một loạt các sự vật như “ao sâu - khôn chài cá”, “cải chửa ra cây, cà mới nụ, bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa”. Thậm chí miếng trầu - ngay cả thứ quan trọng nhất bởi có câu “miếng trầu là đầu câu chuyện” thì ở đây cũng không có. Sự thiếu thốn đã được đẩy lên đến tận cùng. Nhưng sự thiếu thốn đó không khiến cho thi sĩ buồn khổ mà còn đầy lạc quan, yêu đời. Bài thơ mang giọng điệu hóm hỉnh mà lạc quan, yêu đời.

Tuy là vật chất thiếu thốn, nhưng tình cảm bạn bè mới là thứ đáng quý nhất. Câu thơ cuối như một lời khẳng định cho tình bạn tri kỉ của Nguyễn Khuyến: “Bác đến chơi đây ta với ta”. Bà Huyện Thanh Quan cũng đã từng sử dụng cụm từ “ta với ta” trong bài Qua Đèo Ngang:

“Dừng chân đứng lại trời, non, nước
Một mảnh tình riêng ta với ta”

Đại từ “ta” ở đây chỉ cùng một người, chỉ chủ thể trữ tình hay chính là tác giả. Lúc này Bà Huyện Thanh Quan đang chỉ có một mình nơi đèo Ngang hoang vu. Thời gian chiều tà gợi buồn và nỗi cô đơn, sợ hãi trước dòng thời gian trôi chảy. Không gian tuy rộng lớn nhưng chỉ toàn những vật vô tri, vô giác. Có xuất hiện hình ảnh đời sống con người nhưng hết sức thầm lặng, nhỏ bé. Âm thanh sự sống đơn điệu, gợi nỗi buồn sâu thẳm. Con người lẻ loi trước vũ trụ mênh mông. Nhớ về quê hương, thương xót cho hoàn cảnh của đất nước, trước thiên nhiên rộng lớn chỉ có mình cô độc.

Ngược lại, trong thơ Nguyễn Khuyến, đại từ “ta” thứ nhất chính là nhà thơ, còn đại từ “ta” thứ hai chỉ người bạn. Từ “với” cho thấy mối quan hệ song hành, gắn bó. “Ta với ta” đồng nghĩa với tôi với bác, chúng ta với nhau. Cuộc sống tuy nghèo khó, thiếu thốn nhưng có bạn lại thấy vui vẻ, hạnh phúc. Nhà thơ không hề cảm thấy cô đơn, buồn bã mà lại vô cùng vui vẻ, hạnh phúc. Tình bạn tri kỉ thật đáng ngưỡng mộ, cảm phục biết bao nhiêu.

Như vậy, “Bác đến chơi nhà” đã khắc họa một tình bạn chân thành thật đáng ngưỡng mộ. Bài thơ khá tiêu biểu cho phong cách thơ của Nguyễn Khuyến.

Bài văn mẫu 3:

Từ xưa đến nay, tình yêu quê hương đất nước luôn là nguồn cảm hứng dồi dào của thi sĩ trong và ngoài nước. Có rất nhiều cách để thể hiện tình cảm trân quý ấy vào thơ ca, nếu Lý Bạch đem lòng da diết với ánh trăng xưa trong “Tĩnh dạ tứ”, thì Hạ Tri Chương – một nhà thơ cũng rất nổi tiếng ở đời Đường – chọn cách gửi gắm lời tâm sự, tiếng lòng man mác buồn của một người con xa xứ trở về thăm quê, khi cảnh vật vẫn còn đấy nhưng người quen thì chẳng còn. Bài thơ “Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê” là một tác phẩm tiêu biểu của tác giả Hạ Tri Chương, thể hiện tấm lòng son sắc thuỷ chung với quê hương non nước, để lại nhiều suy nghĩ, ấn tượng trong lòng người đọc.

Là một nhà văn sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống hiếu học, sớm xa quê hương từ khi còn rất nhỏ, cuộc đời bôn ba, làm nhiều chức quan to trong triều đình, đến cuối đời lại gặp khó khăn, về quê an hưởng tuổi già. Trong chính tình huống trở về nơi chôn rau cắt rốn sau năm mươi năm xa cách ấy đã trở thành nguồn cảm hứng để tác giả viết bài thơ “Hồi hương ngẫu thư” – “Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê”. Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật đã thể hiện nỗi nhớ quê hương sâu nặng và cả sự buồn bã, tâm trạng đau thương, đau đớn, xót xa vì lại trở thành người lạ ngay trên mảnh đất mình sinh thành của một người con xa xứ.

Hai câu thơ đầu bài thơ đã tái hiện câu chuyện hồi hương sau năm mươi năm xa cách của nhà thơ:

“Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi”

(Khi đi trẻ, lúc về già)

Câu thơ cho người đọc đồng cảm với hoàn cảnh về thăm quê éo le của tác giả. Có lẽ nỗi buồn phải đi xa quê hương là thứ day dứt, triền miên đối với nhiều người. Hạ Tri Chương cũng như thế, ông phải rời xa mảnh đất quen thuộc của mình khi tuổi đời còn rất trẻ. Trải qua mấy chục năm nơi đất khách quê người, nay được trở về chốn cũ, thì cũng là lúc mái tóc đã chuyển màu. Chỉ với hai cặp từ đối lập “đi-về” và “trẻ-già”, ta có thể cảm nhận được sự khắc nghiệt của thời gian, nó có thể làm thay đổi mọi thứ. Khi còn tuổi trẻ, còn sức khoẻ thì ông phải rời xa quê hương để đi tìm công danh sự nghiệp, và khi trở lại chốn quen cũ thì tuổi cũng đã già. Câu thơ này còn ẩn chứa một nỗi buồn man mác vì cả một đời người, đến lúc tuổi đã già, đến lúc gần đất xa trời thì tác giả mới được trở về với quê hương ruột thịt sau ngần ấy năm xa cách muôn trùng. Tuy không có lời nào thể hiện hàm ý buồn thương, nhưng cách viết nhấn mạnh sự đối lập khoảng thời gian cho người đọc thấy được nỗi tự trách, bận rộn một đời cho đến tận khi tóc bạc mới ngậm ngùi trở về.

Tuy xa cách là thế, nhưng Hạ Tri Chương vẫn luôn mang bên mình cái hồn của quê hương, người đọc hiểu tình yêu quê hương không đổi trong lòng tác giả

“Hương âm vô cải, mấn tao tồi”

(Giọng quê vẫn thế, tóc đà khác bao)

Câu thơ này ông tiếp tục sử dụng nghệ thuật đối: hương âm – mấm mao, vô cải – tồi. Bao trùm lên toàn bộ câu thơ là sự tương phản, đối lập giữa cái đổi thay và cái không đổi thay. Câu thơ thứ hai tựa như một lời khẳng định chắc nịch của tác giả. Cho dù trải qua nhiều năm bôn ba, ngoại hình thay đổi, mái tóc bạc phơ nhưng cái riêng, cái tinh tuý đặc trưng của mỗi vùng quê là giọng nói vẫn sẽ không thay đổi. Điều đó chứng tỏ ông luôn ý thức được tầm quan trọng của “giọng quê”- một vẻ đẹp mang giá trị tinh thần sâu sắc. Tác giả đã lấy cái thay đổi để làm nổi bật lên cái không thay đổi, từ đó khẳng định tình cảm gắn bó máu thịt, bền chặt cuả mình với quê hương. Qua đó ta có thể cảm nhận được tình yêu quê hương, ý niệm hướng về quê hương luôn chất chứa trong lòng tác giả, mặc dù tuổi đã cao, tóc đã bạc nhưng vẫn luôn nhớ đến và tìm về cội nguồn.

Ở hai câu thơ sau, độc giả xót xa, tiếc nuối, ngậm ngùi trước sự thay đổi quê hương và đồng cảm với tác giả

“Nhi đồng tương kiến, bất tương thức

Tiểu vấn: Khách tòng hà xứ lai”

(Trẻ con nhìn lạ không chào

Hỏi rắng: Khách ở nơi nào tới chơi)

Sự bàng hoàng pha lẫn chút nuối tiếc, nghẹn ngào của thi sĩ được thể hiện một cách tinh tế trong hai câu thơ cuối bài. Sau nhiều năm xa xứ, ngày trở lại quê hương, tác giả lại trở thành thích khách trên chính quê hương của mình. Câu hỏi của đám trẻ thơ – lớp thế hệ mới ở nơi sinh ra tác giả - vô tình đã chà xát thêm vào vết thương lòng của nhà thơ. Dẫu biết đây là một điều hiển nhiên theo quy luật tự nhiên của thời gian, nhưng nó cũng trở thành một nghịch cảnh khi bạn bè đồng chang lứa giờ đây mỗi người đã có một hướng đi riêng, và dường như quê hương không còn là của mình nữa. Dẫu quê hương, con người có thay đổi ra sao thì nỗi niềm mong nhớ về cội nguồn luôn khắc khoải trong lòng Hạ Tri Chương. Ta có thể nhận thấy tác giả có một mong muốn, khao khát mãnh liệt được níu kéo thời gian, để được cảm nhận một cách trọn vẹn nhất những vẻ đẹp, những tình cảm mà ông đã bỏ lỡ trong suốt nửa thế kỉ đi tìm công danh và sự nghiệp.

Tình cảm của Hạ Tri Chương trong bài thơ khiến độc giả liên tưởng tới tình cảm yêu tha thiết quê hương của Tố Hữu trong Nước non ngàn dặm:

Nửa đời, tóc ngả màu sương
Nhớ quê, anh lại tìm đường thăm quê

....

“Người đi, tóc hãy còn xanh,

Mai về, dù bạc tóc anh cũng về”

Từ đó, ta nhận ra rằng tình cảm yêu quê hương đất nước là một thứ tình cảm vô cùng trân quý và khó có gì thay đổi được. Cùng với sự phát triển ngày càng hiện đại của cuộc sống, con người ta có cơ hội được đặt chân đến rất nhiều nơi hiện đại, mới mẻ, nhưng có lẽ hai chữ “quê hương” – cội nguồn của mỗi người vẫn sẽ mãi là nơi đẹp nhất và chứa đựng nhiều kỉ niệm đáng quý nhất của một đời người.

Bài thơ có kết cấu độc đáo, giữa hai phần tự nhiên, hợp lý, gây được bất ngờ cho người đọc. Tác giả vận dụng nghệ thuật đối tài tình cho thấy sự đổi thay của nhiều yếu tố song chỉ có tình yêu quê hương của tác giả là không đổi. Ngôn ngữ dồn nén, giàu sức biểu cảm. Ta có thể thấy sự chuyển đổi giọng điệu giữa hai câu đầu và hai câu sau khá rõ nét. Nếu như hai câu đầu chủ yếu mang giọng khách quan, cái ngậm ngùi chỉ được thể hiện ngầm ẩn. Dấu ấn thời gian in đậm nét trong các câu thơ, mọi thứ đều thay đổi duy chỉ có giọng quê là vẫn giữa nguyên. Trong hai câu sau hoàn cảnh trở nên ngang trái, trớ trêu: nhà thơ trở thành khách trên chính quê hương của mình. Sự tươi tỉnh, hồn nhiên, cùng câu hỏi của bọn trẻ đã làm rõ hơn sự thay đổi của con người, của quê hương. Như vậy, ẩn sau giọng điệu bi hài, hóm hỉnh là cảm giác buồn bã, ngậm ngùi của một người con luôn tha thiết yêu quê hương. Với lớp ngôn từ, giọng điệu vừa đùa vui, hóm hỉnh vừa ngậm ngùi, buồn bã đã cho thấy tình yêu quê hương tha thiết, sâu nặng của tác giả. Qua tác phẩm này ta cũng thấy được tình yêu quê hương là một tình cảm thiêng liêng và đáng trân trọng.

Bài thơ “Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê” là một tác phẩm đặc sắc của đề tài quê hương non nước. Bằng lối dụng từ tinh tế, câu văn hàm súc, Hạ Tri Chương đã đem người đọc đến với nhiều cung bậc cảm xúc, từ tâm trạng vui vẻ, hào hứng khi được đặt chân về chốn cũ, cho đến cảm xúc tiếc nuối, bồi hồi khi nhận ra nơi đây đã thay đổi quá nhiều. Nhưng dù mọi thứ có đổi thay ra sao, thì tình cảm của tác giả dành cho nơi đã sinh ra mình vẫn sẽ không thay đổi, vì quê hương của mỗi người là duy nhất:

“Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi

Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nổi thành người.”

Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học - Tứ tuyệt Đường luật

Bài văn mẫu 4:

Bài thơ Nam quốc sơn Hà là lời khẳng định đanh thép chủ quyền lãnh thổ của quốc gia dân tộc cũng như nêu cao ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền đó trước mọi kẻ thù:

"Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư."

Khi kể về sự ra đời của bài thơ, đã có rất nhiều truyền thuyết. Nhưng nổi tiếng nhất là vào năm 1077, quân Tống do Quách Quỳ chỉ huy sang xâm lược nước ta. Vua Lý Nhân Tông sai Lý Thường Kiệt đem quân chặn giặc ở phòng tuyến sông Như Nguyệt. Bỗng một đêm, quan sĩ nghe từ trong đền thờ hai anh em trương Hống và Trương Hát - hai vị tướng đánh giặc giỏi của Triệu Quang Phục được tôn là thần sông Như Nguyệt - có giọng ngâm bài thơ này.

Trong quan niệm của xã hội xưa thì toàn bộ diện tích lãnh thổ, của cải vật chất, con người của một đất nước đều thuộc về nhà vua. Người có quyền quyết định tất cả mọi thứ, thậm chí cả quyền sinh sát. Cách dùng từ “hoàng đế nước Nam” muốn chỉ người đứng đầu của một quốc gia - thể hiện sự ngang hàng với phương Bắc. Câu thơ thứ hai tiếp tục là một lời khẳng định. Hình ảnh “thiên thư” có nghĩa là sách trời. Lãnh thổ, địa phận của đất nước đã được ghi tại sách trời. Điều này khẳng định chủ quyền lãnh thổ của dân tộc ta là một chân lý không thể chối cãi và thay đổi được.

Với lời khẳng định đó, hai câu thơ sau tiếp tục khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ dân tộc. Câu hỏi tu từ “Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?” giống như một lời răn đe, cảnh cáo cho những kẻ xâm lược đi xâm lược lãnh thổ là đang làm trái ý trời. Và từ đó, câu thơ cuối cùng vang lên đầy đanh thép. Những kẻ đi xâm lược, cướp nước của dân tộc khác sẽ không có được kết thúc tốt đẹp. Giọng thơ dõng dạc, hùng hồn, đanh thép nhằm thể hiện quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc.

Có thể khẳng định, “Nam quốc sơn hà” được coi là bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Bài thơ đã thể hiện được tinh thần yêu nước, cũng như ý chí quyết tâm bảo vệ của nhân dân ta trước mọi kẻ thù xâm lược.

Bài văn mẫu 5:

Bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương đã thể hiện sự trân trọng trước vẻ đẹp, phẩm chất trong trắng của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội xưa. Đồng thời, tác giả cũng bày tỏ niềm thương cảm cho cuộc đời lận đận của họ:

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”

Bài thơ mang hai nét nghĩa. Trước hết là nét nghĩa tả thực - miêu tả hình ảnh bánh trôi nước. Tác giả đã miêu tả hình dáng bên ngoài: màu sắc (vừa trắng), hình dáng (vừa tròn). Cùng với đó là cách thức làm bánh luộc bánh trong nước, khi nào bánh nổi lên mặt nước có nghĩa là đã chín. Bên trong nhân bánh thường được làm bằng đường phên. Viên bánh rắn hay nát phụ thuộc vào tay người nắn có khéo léo. Hình ảnh tả thực chiếc bánh trôi từ hình thức đến cách thức.

Nhưng không chỉ mang nét nghĩa như vậy, Hồ Xuân Hương còn muốn nói đến vẻ đẹp và số phận của người phụ nữ trong xã hội xưa qua hình ảnh “bánh trôi nước”. Mở đầu bằng cụm từ “thân em” - đây là một mô-típ đã rất quen thuộc trong ca dao:

“Thân em như trái bần trôi
Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu”

Hay như:

“Thân em như ớt chín cây
Càng tươi ngoài vỏ, càng cay trong lòng”

Ở bài thơ “Bánh trôi nước” hay các bài ca dao, dân ca đều xuất phát từ niềm thương cảm, xót xa cho số phận của người phụ nữ trong xã hội xưa. Họ là những con người nhỏ bé trong xã hội. Cuộc đời trôi nổi, bấp bênh và không được tự quyết định cuộc sống của bản thân, chịu sự chi phối của người khác.

Vẻ đẹp của người phụ nữ hiện lên “vừa trắng lại vừa tròn” gợi ra một thân hình khá đầy đặn, nước da trắng hồng. Đó là chuẩn mực của người phụ nữ đẹp trong xã hội xưa. Xinh đẹp là vậy, nhưng cuộc đời lại nhiều bất hạnh. Thành ngữ “bảy nổi ba chìm” gợi ra một cuộc đời vất vả, gặp nhiều gian truân. Câu thơ “rắn nát mặc dầu tay kẻ nạn” đã nói lên số phận phải phụ thuộc vào người khác, không được tự mình quyết định. Nhưng dù có chịu nhiều bất hạnh, người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương vẫn gìn giữ được tâm hồn cao quý: “Mà em vẫn giữ tấm lòng son”. : Dù cuộc đời có khó khăn, khổ cực thì họ vẫn giữ được tấm lòng thủy chung, son sắc và không thay đổi. Hình ảnh người phụ nữ hiện lên với đầy đủ nét đẹp từ ngoại hình đến tâm hồn. Bài thơ sử dụng ngôn ngữ bình dị, hình ảnh ẩn dụ, thể thơ thất ngôn tứ tuyệt cô đọng, hàm súc… nhằm làm nổi bật nên ý nghĩa mà nhà thơ muốn gửi gắm.

Như vậy, “Bánh trôi nước” là một tác phẩm giàu giá trị nhân văn sâu sắc. Từ đó, chúng ta cần phải trân trọng, yêu thương những người phụ nữ hơn.

Trên đây là tổng hợp 5 bài văn phân tích một tác phẩm văn học (bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt đường luật). Hy vọng sẽ là nguồn tư hiệu hữu ích giúp em hoàn thiện bài viết của mình.

Đánh giá bài viết
2.4
10 lượt đánh giá
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
Copyright © 2020 Tailieu.com
DMCA.com Protection Status