Logo

Top 3 bài văn hay Bàn luận về câu tục ngữ Học ăn, học nói, học gói, học mở

Top 3 bài văn hay Bàn luận về câu tục ngữ Học ăn, học nói, học gói, học mở lớp 7 tuyển chọn ý nghĩa nhất là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích giúp các em nâng cao khả năng viết văn để đạt điểm cao trong các bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 7
5.0
1 lượt đánh giá

Để viết các bài tập làm văn lớp 7 tốt hơn các em cần phải luyện tập chăm chỉ cũng như tham khảo thêm ở các bài văn mẫu mà chúng tôi sưu tầm và giới thiệu trong bài viết này.

Dưới đây là môt số bài văn mẫu lớp 7 Bàn luận về câu tục ngữ Học ăn, học nói, học gói, học mở sẽ giúp các em học hỏi và trau dồi vốn từ ngữ hay hơn để áp dụng vào bài làm của mình.

Bàn luận về câu tục ngữ Học ăn, học nói, học gói, học mở số 1

Từ xa xưa, ông cha ta đã coi trọng việc ăn nói trong đời sống hằng ngày. Bởi thế, trong nhiều câu ca dao tục ngữ đã khẳng định: lời nói gói vàng. Bằng kinh nghiệm sống của mình, người xưa đã đúc kết được câu: Học ăn, học nói, học gói, học mở để khuyên bảo chúng ta học hỏi để sống sao cho lịch sự, tế nhị, biết cách đối nhân xử thế, thành thạo các việc.

Có rất nhiều thứ trong cuộc sống mà con người phải học. Việc ăn tưởng chừng như là việc dễ dàng nhất rồi, nhưng không, nó lại là cái mà con người nên học đầu tiên. Học cách ăn làm sao thể hiện được mình là người có văn hóa, có học thức. Ăn làm sao để phần “người” át đi phần “con” tồn tại trong mỗi chúng ta. Ăn không chỉ là một hành động để sinh tồn, mà nó còn là một khía cạnh giúp đối phương đánh giá được phẩm chất con người của ta. Bởi thế, ăn làm sao để mọi người không dị nghị, biết được mình là con người lịch sự.

“Học nói” cũng vô cùng quan trọng. Khi ta mới bắt đầu bi bô những chữ đầu tiên trong đời, bố mẹ ta đã dạy ta những từ hay, ý đẹp. Nhưng khi lớn lên rồi, ta chủ động được lời nói của mình, thì việc dùng từ sao cho lọt tai mọi người lại là vấn đề khác. Con đường nhanh nhất để gây được thiện cảm với người khác là lời ăn tiếng nói. Muốn đạt được hiệu quả cao trong giao tiếp, trước hết bản thân ta phải biết ta đang muốn nói gì, và dùng từ ngữ như thế nào để biểu đạt được nó. Muốn làm được điều đó, trước hết mỗi người phải có được vốn kiến thức đủ rộng, có vốn từ phong phú và phải biết sử dụng chúng hợp lý. Khi giao tiếp, cần phải biết được điều gì nên nói, điều gì không, luôn cân nhắc thận trọng trước khi nói chứ không nên bộp chộp, vội vàng.

Học ăn học nói được hiểu là học để biết cách ăn, biết cách nói thế nào cho lịch sự, cho văn minh, chúng ta ai cũng hiểu điều đó. Nhưng còn học gói học mở? Nó có liên quan gì đến lối sống, cách sống?

Theo các cụ thời xưa, ở Hà Nội trước đây các gia đình giàu sang thường gói nước chấm vào lá chuối xanh đặt vào cái chén nhỏ để bày lên mâm. Lá chuối tươi thường giòn, dễ rách nên dễ bật tung khi mở. Phải thật khéo tay mới gói và mở được. Vì vậy biết gói và mở trong trường hợp này được coi là tiêu chuẩn của con người khéo tay, lịch thiệp. Và để biết gói nước chấm, biết mở chúng thì ai cũng cần phải học.

Ngày nay, khi xã hội càng phát triển, thì cách giao tiếp là một vũ khí quan trong trong mọi việc. Hàng hóa tốt, cửa hàng đẹp, những người bán lịch sự, niềm nở, đon đả thì mới có nhiều khách lui tới. Bởi thế, giao tiếp có một sức mạnh vô hình. Muốn đạt được thành công trong cuộc sống, trước hết chúng ta cần phải rèn giũa bản thân, không ngừng học hỏi, nâng cao hiểu biết thì mới nắm vững được thành công.

Câu tục ngữ là một lời nhắc nhở kín đáo, giúp chúng ta hoàn thiện bản thân hơn để tiến tới làm việc, học tập thật tốt trong môi trường hiện đại.

Mẫu bài Bình luận về câu tục ngữ Học ăn, học nói, học gói, học mở số 2

Từ ngàn xưa, có thể nói ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giữa người với người. Trong ngôn ngữ thì tiếng nói có vai trò hết sức to lớn để mọi người giao tiếp với nhau. Có nhiều câu ca dao, tục ngữ khẳng định tầm quan trọng của lời nói như: Lời nói gói vàng; Nói ngọt lọt đến xương; Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau; Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe…Bằng kinh nghiệm đúc kết được trong quá trình ứng xử, giao tiếp, để nhấn mạnh sự cần thiết của việc học nói, ông cha ta đã khuyên nhủ con cháu: Học ăn, học nói, học gói, học mở.

Trong cuộc sống hằng ngày, có rất nhiều điều con người phải học. Ăn là việc tưởng trừng dễ nhất, nhưng thực ra không dễ chút nào. Cách ăn uống phần nào thể hiện tính cách con người, cho nên muốn tỏ ra là người có văn hóa, chúng ta phải học ăn. Những bậc cha mẹ lúc kén con dâu thường xem xét rất kĩ về công, dung, ngôn, hạnh, mà cụ thể là đường ăn nết ở, lời nói, dáng đi sao cho đoan trang, khéo léo, dịu dàng, vừa mắt, vừa ý mọi người.

Muốn trở thành người tốt chúng ta phải học nhiều điều. Học nói có ý nghĩa rất lớn để con người tự hoàn thiện mình. Trong thực tế, vốn ngôn ngữ và cách sử dụng ngon ngữ của từng người có khác nhau. Nó thể hiện trình độ tư duy và năng lực làm việc của mỗi người.

Sự thật cho thấy, con đường nhanh nhất gây được thiện cảm với người mà mình giao tiếp thì không gì tốt hơn là lời nói. Mà muốn đạt hiệu quả cao trong giao tiếp thì trước hết người nói phải hiểu điều mình muốn nói và nói sao cho người nghe hiểu được điều đó. Thiếu vốn từ, người nói sẽ gặp khó khăn khi diễn đạt. Muốn nói năng được trôi chảy và chính xác, chúng ta phải học cách nói. Trước hết là phải nắm chắc vốn từ mình đã có bằng cách phải nhớ được nghĩa của từ và cách sử dụng từ đó.

Khi nói, ta phải chọn từ cho thích hợp. Khi giao tiếp, ta không chỉ dùng từ, dùng câu mà còn dùng đến đoạn, có khi dùng cả văn bản để trao đổi ý tưởng với mọi gười. Để giúp mọi người học nói được tốt, câu tục ngữ đã dùng hình ảnh học gói, học mở vừa cụ thể, vừa dễ hiểu. Muốn gói một món đồ, ta cần biết gói gì trước, gói gì sau, cũng như khi mở một món đồ, ta cần phải biết mở cái gì trước, mở cái gì sau. Vậy khi nói, ta cũng phải nên nghĩ xem nên nói điều gì trước, nói điều gì sau, luôn cân nhắc thận trọng, không nên bộp chộp, vội vàng.

Ca dao xưa đã khéo léo dạy mọi người cách nói năng sao cho dễ nghe:

Lời nói chẳng mất tiền mua,

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Lựa lời là lựa chọn từ ngữ thích hợp với đối tượng giao tiếp. Việc lựa lời thể hiện khả năng sử dụng ngôn ngữ của mỗi cá nhân. Tiếng Việt giàu đẹp và phong phú về mặt ngữ nghĩa. Hiện tượng đồng âm khác nghĩa khá phổ biến hoặc cùng một sự vật hay một hiện tượng lại có nhiều cách gọi khác nhau. Vì thế khi giao tiếp với đối tượng nào, ta phải có cách nói phù hợp với đối tượng ấy. Khi nói với người bề trên phải rất cẩn trọng trong viêc lựa lời để thể hiện thái độ lễ phép, kính trọng. Với người dưới, ta phải nói sao cho đứng đắn, dễ nghe, dễ hiểu. Với bạn bè, ta có thể sử dụng từ ngữ thân mật. Lời nói làm vừa lòng nhau là lời nói tạo ra được sự cảm thông và hiểu biết. Một điều kiện không thể thiếu trong giao tiếp.

Một lời nói hợp cảnh, hợp tình sẽ làm cho mối quan hệ thêm tốt đẹp và việc làm thêm hiệu quả. Một lời nói hớ hênh, vô ý sẽ làm hỏng hết mọi dự định, dân gian thường gọi là vạ miệng. Chọn được những lời nói thích hợp chính là ta đã làm tốt viêc lựa lời.

Mỗi người có một vố ngôn ngữ và cách diễn đạt khác nhau cho nên mới có người khéo nói, ngưới vụng nói, người nói ngọt, người nói xẵng. Tuy nhiên, muốn có khả năng lựa lời thì chúng ta phải học nói. Trước hết là học ở những người thân trong gia đình, rồi học ở thầy cô giá, bạn bè ở trường, ở lớp, học ở ngoài xã hội. Học cái hay cái đẹp trong cách dùng từ ngữ chính xác; trong cách đặt câu dúng ngữ pháp. Học lối diễn đạt giản dị, tự nhiên mà vẫn thể hiện được đầy đủ thông tin cần diễn đạt tới người nghe. Từ nói đúng, chúng ta cố gắng rèn luyện để có thể nói hay, tức là cách nói diễn cảm có sức thuyết phục đối với người nghe. Để diễn tả hiệu quả của cách nói này, tục ngữ có câu: Nói ngọt lọt đến xương. Ý nghĩa của từ ngọt ở đây chỉ sự nhẹ nhàng, khéo léo trong diễn đạt, chứ không phải sự cố tình làm ra vẻ ngọt ngào với mục đích xấu để huyễn hoặc, lừa dối người nghe. Một lời nói êm tai nhưng giả tạo không thể coi là một hành vi giao tiếp đúng đắn.

Xưa kia, ông cha chúng ta khẳng định lời nói thể hiện phẩm chất, trình dộ của con người qua câu ca dao: Người thanh tiếng nói cũng thanh, Chuông kêu khẽ đánh bên thành cũng kêu. Dân gian cũng nói: Nhất thanh nhì sắc, có nghĩa là con người ta đẹp trước hết ở giọng nói, tiếng nói, còn nhan sắc được xếp ở sau. Trong ứng xử hàng ngày, nhân dân ta coi trọng lời chào hỏi: Lời chào cao hơn mâm cỗ, ngụ ý quý trọng tấm lòng hơn vật chất, mà tấm lòng trước hết được thể hiện qua lời chào hỏi.

Ngày nay, trong nền kinh tế thị trường, lời nói lại càng quan trọng. Hàng hóa tốt, cửa hàng đẹp, nhưng người bán không lịch sự, niềm nở, đon đả thì cũng không thu hút được người mua. Cộng đồng mới, xã hội mới càng đòi hỏi mỗi chúng ta phải biết cách nói năng lịch thiệp, tế nhị.

Muốn đạt được thành công trong cuộc sống, chúng ta phải không ngừng học hỏi để nâng cao vốn sống, vốn hiểu biết. Có như thế mới đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thời đại tiên tiến. Biết bao nhiêu điều phải học mà trong đó, học nói là điều quan trọng và cần thiết vì nó tạo thuận lợi cho chúng ta khi bước vào đời.

Văn mẫu Bình luận về câu tục ngữ Học ăn, học nói, học gói, học mở số 3

Lời nói chính là ngôn ngữ phương tiện trao đổi để con người giao lưu, hiểu được tâm tư tình cảm của nhau. Trong cuộc sống của con người từ lúc sinh ra cho tới khi trưởng thành, già nua và chết đi, mỗi thời kỳ chúng ta đều phải học tập rất nhiều thứ khác nhau trong cuộc sống, bất kỳ cái gì cũng phải học

Câu tục ngữ “Học ăn, học nói, học gói, học mở” thể hiện sự cần thiết phải học tập trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống con người.

Câu nói có ý khuyên nhủ con người hãy cư xử nói năng cho thấu tình đạt lý, “lời nói chẳng mất tiền mua lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”

Trong cuộc sống giao tiếp hàng ngày, con người thường xuyên phải sử dụng ngôn ngữ để thể hiện ý kiến, thái độ sống của mình. Nếu chúng ta không biết lựa chọn ngôn ngữ thích hợp với ngữ cảnh thì sẽ làm người đối diện tỏ vẻ khó chịu, mất thiện cảm với chúng ta, khiến cho chúng ta mất điểm trước mắt họ.

Thái độ giao tiếp, ngôn ngữ cử chỉ, sẽ nói lên trình độ văn hóa, phong cách sống của một con người cho chúng ta một cái nhìn tổng quan nhất về con người đó. Một người ăn nói dịu dàng, nho nhã sẽ gây được thiện cảm hơn với người thường xuyên nói tục chửi bậy, gây phản cảm với người xung quanh.

Trong cuộc sống con người học đối nhân xử thế, ứng xử trong giao tiếp cho vừa lòng nhau giữa người với người là điều vô cùng khó. Muốn đạt được mục đích đó chúng ta phải cố gắng hoàn thiện mình, cái gì hay , cái gì tốt ở người xung quanh chúng ta nên cố gắng học hỏi, cố gắng để phát huy được ưu điểm của mình, và hạn chế những nhược điểm của mình trong mắt người khác.

Việc chúng ta phải lựa lời để nói, là một việc làm liên tục lâu dài trải qua nhiều thời gian, chứ không phải có thể học trong một ngày, hai ngày là thành công. Việc học của con người là vô tận học cho tới lúc già, lúc chết cũng vẫn phải học, bởi cuộc sống của con người không ai là hoàn hảo cả , ai cũng có những khuyết điểm sai lầm của riêng mình.

Chính vì vậy để không làm gì phải lăn tăn, hối hận suy nghĩ về sau, người xưa mới nói câu “Học ăn, học nói, học gói, học mở”

Ý nghĩa của câu nói này là bất kỳ việc gì con người ta cũng đều phải học, từ những việc đơn giản nhất như việc ăn cũng phải học. Ăn trông nồi, ngồi trông hướng thể hiện việc ăn uống có văn hóa, biết ứng xử đúng lễ nghĩa. Trước khi ăn vào nhìn trước ngó sau xem có ai lớn tuổi hơn thì mời người đó, thể hiện việc lễ nghĩa.

Trong câu nói thường ngày người xưa thường bảo “Ăn thì phải nhai, nói phải nghĩ” thể hiện việc ăn cũng không đơn giản phải nhai thật kỹ không mắc nghẹn, còn lời nói thì phải nghĩ kỹ không sẽ làm người khác khó chịu, về thái độ cư xử không đúng của mình.

Học gói, học mở thể hiện sự quan trong trong giao tiếp dù tặng quà hay nhận quà chúng ta cũng phải thể hiện thái độ trân trọng thành kính, không phải muốn làm gì thì làm theo ý của chúng ta. Câu nói này thể hiện việc cần phải học tất cả mọi thứ trong cuộc sống từ những cái dễ nhất, tới cái khó hơn…

Trong hoàn cảnh nào thì câu tục ngữ “Học ăn, học nói, học gói, học mở” đều đúng trên mọi phương diện, nó là tình cảm là lời nhắn nhủ của ông cha ta tới con cháu của mình, làm gì cũng cần nhìn trước ngó sau, cần học tập để có thể ứng xử cho đúng mực.

CLICK NGAY nút TẢI VỀ dưới đây để tải Bài văn mẫu Bàn luận về câu tục ngữ Học ăn, học nói, học gói, học mở file word, pdf hoàn toàn miễn phí

Đánh giá bài viết
5.0
1 lượt đánh giá
Có thể bạn quan tâm
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
Copyright © 2020 Tailieu.com