Logo

Top 4 bài Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Sóc Trăng lớp 8 siêu hay

Top 4 bài Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Sóc Trăng lớp 8 siêu hay là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích giúp các em nâng cao khả năng viết văn để đạt điểm cao trong các bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 8
5.0
1 lượt đánh giá

Mời các bạn cùng tham khảo Văn mẫu Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Sóc Trăng lớp 8 được chúng tôi chọn lọc và giới thiệu ngay dưới đây nhằm giúp các em học sinh mở rộng vốn từ và tham khảo thêm các ý tưởng cho bài viết của mình.

Văn mẫu Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Sóc Trăng số 1 hay nhất

Chùa thường được gọi là chùa Mã Tộc, ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer tọa lạc ở số 73B đường Lê Hồng Phong, phường 3, thị xã Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Chùa được dựng vào khoảng thế kỷ XVI và đã được trùng tu nhiều lần. Ở các cây trong vườn chùa từ lâu đã có những đàn dơi sinh sống rất đông nên chùa còn được gọi là chùa Dơi. Chùa tôn trí pho tượng đức Phật bằng đá, cao 1,50m và nhiều bộ kinh luận viết trên lá cây thốt nốt. Nhà sư trụ trì Kim Rênh đã tổ chức trùng tu ngôi chùa trong 2 năm 1994-1995. Ngày nay, chùa là điểm chiêm bái và tham quan du lịch nổi tiếng ở Sóc Trăng.

Chùa Dơi ở Sóc Trăng thuộc đồng bằng sông Cửu Long tên cổ là Mahatup, còn gọi là chùa Mã Tộc. Ngôi chùa nằm trong một khu vườn rộng khoảng 3 ha, um tùm các loại cây ăn quả như xoài, vú sữa, sầu riêng, măng cụt... Gọi là chùa Dơi vì ngôi chùa nổi tiếng với một đàn dơi hàng vạn con. Ban ngày dơi treo mình trên các cành cây ngủ yên lành. Có nhiều cây dơi treo dốc đầu ngủ, chi chít nhễ lá. Khoảng thời gian từ tháng năm đến tháng tám là mùa sinh sản, mỗi dơi mẹ ôm một dơi con mà ngủ. Đi lại trong vườn chùa phải thật yên tĩnh, một tiếng ồn cũng có thể làm dơi mẹ giật mình, đánh rơi con.

Dơi trong chùa thuộc loại dơi quạ (Flying-fox). Con dơi mới đẻ sải cánh đã dài tới 50 cm, dơi trưởng thành sải cánh khoảng 1m và nặng xấp xỉ 1,5 kg. Đã từ hàng trăm năm nay, đàn dơi chọn vườn chùa làm nơi cư trú và nghỉ ngơi ban ngày. Hoàng hôn xuống, chúng thức giấc bay lên, ríu rít gọi nhau, lượn qua lượn lại mấy vòng, rồi mới từ giã ngôi chùa đi kiếm ăn. Có một điều rất lạ là dơi không hề ăn một trái chín nào ở vườn chùa. Chúng tung cánh bay đi xa, kiếm ăn trên những miệt vườn khắp vùng sông Tiền, sông Hậu, để rồi sáng sớm lại trở về ngủ trong vườn chùa. Có những cành cây ăn trái của nhà dân ngả sang vườn chùa thì đàn dơi cũng tránh, không con nào chịu ngủ trên những cành cây đó.

Đây là một điều thực tế, không phải là huyền thoại. Trong tình hình môi trường đang bị hủy hoại, chim thú đang bị săn bắt tàn bạo như hiện nay, thì chùa Dơi vẫn còn là một môi trường tốt và thanh bình cho hàng vạn con dơi. Đất lành chim đậu, có thể nói các nhà sư ngày trước đã tìm được một nơi đất lành để dựng chùa, mời gọi được đàn dơi về đây.

Phía sau vườn chùa hiện nay có hai ngôi mộ chôn hai con heo, được xây bằng xi - măng và được vẽ hình khá trân trọng cùng ghi ngày chết, tuổi thọ của heo. Sư cả Kim Rênh, vị sư trụ trì đời thứ 19 của chùa Dơi cho biết, trước đây, một số hộ chăn nuôi ở Sóc Trăng có những con heo con mới sinh ra bàn chân có 5 móng, họ sợ, vì thông thường heo chỉ có 3 móng, không dám nuôi mà cũng không dám giết bèn đem gửi ở chùa. Có đến 7, 8 con heo 5 móng như vậy - cả đực lẫn cái. Đặc biệt, cứ một vài tháng một lần, cả bầy heo lớn trước nhỏ sau tự động kéo nhau "đi dạo" một vòng từ chùa ra chợ Sóc Trăng cả vài cây số rồi tự động trở về chùa! Năm ngoái hai con heo lớn tuổi nhất (7 tuổi) già chết, chùa đem chôn sau vườn. Sau đó có người khách từ thành phố Hồ Chí Minh xuống viếng chùa đã bỏ tiền ra mua vật liệu thuê người xây mộ và vẽ hình hai chú heo. Hiện chùa vẫn còn nuôi 4 -5 con heo 5 móng, con già nhất còn sống cũng đã 5 tuổi, khá mập và nặng nề, chỉ nằm một chỗ…

Nhưng chùa Dơi không chỉ nổi tiếng bởi những thứ đó. Ở đồng bằng sông Cửu Long có chừng 600 ngôi chùa của đồng bào dân tộc Khmer, thì chùa Dơi nổi lên như một quần thể kiến trúc đẹp vào bậc nhất. Mái chùa gồm hai tầng lớp ngói màu. Phía đầu hồi, bốn đầu mái được chạm trổ tinh xảo hình rắn Naga cong vút. Trên đỉnh chùa có một ngọn tháp nhọn. Hàng cột đỡ bao quanh chùa, mỗi cột có một tượng tiên nữ Kemnar đôi tay chắp trước ngực như đang cất lời đón chào khách thăm viếng. Trong chính điện (sanctury) có một pho tượng Phật Thích Ca bằng đá nguyên khối trên một tòa sen cao khoảng hai mét. Khắp trên tường chùa là những bức tranh miêu tả cuộc đời Đức Phật, từ lúc ra đời tới khi được khai minh rồi nhập Niết bàn. Bên cạnh đó còn có một pho tượng sinh động miêu tả Đức Phật cưỡi trên rắn thần Muchalinda.

Trong khu vườn rộng còn có nhiều bảo tháp (stupa) chứa di hài các nhà sư quá cố, có lò hỏa táng, nhà ở của các sư và nhà hội Sa La như kiểu nhà rông hay hội trường...

Ban ngày đi thăm vườn chùa rợp bóng mát, nhìn hàng vạn con dơi treo mình ngủ trên cây mới thấm thía cái giá trị của sự bình yên, của một môi trường trong lành đang ngày càng trở nên cần thiết cho chim thú và cho chính con người

Văn mẫu Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Sóc Trăng số 2 chọn lọc

Nếu có dịp ghé Sóc Trăng, các bạn nên đến với Chùa Dơi – một địa chỉ du lịch độc đáo nổi tiếng của vùng này. Nằm cách thị xã Sóc Trăng 3km về phía Nam, Chùa Dơi mà tiếng Khơ Me gọi là Serâytécbômabatúp, có nghĩa là do phúc đức tạo nên.

Chùa Dơi ra đời cách đây gần 400 năm (chùa có tên là chùa Mã Tộc hay chùa Ma Ha Túc). – Chùa nằm cách thị xã Sóc Trăng 2km là một trong những điểm thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế. Chùa Dơi độc đáo bởi hàng ngàn tượng phật, tượng tứ linh (Long, ly, quy, phượng…) đều nặn từ đất sét cùng với vẻ đẹp kỳ thú do dơi và quạ tạo nên.

Không ai nhớ nổi Chùa này ra đời khi nào và do ai trụ trì đầu tiên. Song điều đó cũng không phải là sự đặc biệt gì. Nét độc đáo của Chùa này chính là nơi hội tụ của hằng hà sa số Dơi. Bao bọc quanh chùa là cả một cánh rừng với đủ loại cây, song nhiều nhất vẫn là Sao và Dầu. Có hàng vạn con Dơi tá túc ở cánh rừng này. Có những con lớn đến mức sải cánh dài cả mét treo đen kịt trên các nhánh cây. Cả ngày chúng tớn tác kiếm ăn đâu không rõ, cứ chiều đến, từ khắp nơi hàng vạn con Dơi lại trở về sân chùa.

Khách du lịch đến thăm Chùa thú nhất là được ngắm nhìn đàn dơi bay kín cả bầu trời mỗi khi hoàng hôn. Trong cái tĩnh mịch của ngôi chùa cổ giữa rừng, tiếng vỗ cánh của đàn Dơi có thể làm những ai yếu bóng vía phải hãi hùng.

Cứ đến mùa mưa (tháng 5, tháng 6) là mùa sinh sản của Dơi. Hầu hết Dơi ở chùa đều đẻ mỗi lứa mỗi con, song số lượng Dơi thì không hề tăng thêm mà đang có nguy cơ tụt giảm bởi rất nhiều người đến đây bắt dơi bằng cách chăng lưới hoặc dùng lồng chụp. Mỗi ngày như thế, đám người này có thể bắt hàng ngàn con. Thịt dơi cũng là món khoái khẩu của mấy bợm nhậu. Nghe bảo nó thơm và ngon như thịt gà.

Các vị sư ở đây rất tích cực bảo vệ đám dơi bởi họ cho rằng cái sự dơi đổ về chùa chính là phúc lành nhà phật cho ngôi chùa này. Bên sự độc đáo kỳ lạ kia, du khách cũng có thể thỏa mãn với nét kiến trúc của ngôi chùa cổ này trong sự hoà đồng của nền văn hoá Việt – Miên thể hiện ở điêu khắc Ăng-co với nhiều phù điêu và hoa văn trên làng loạt cột đài nơi chính điện. Nếu có biện pháp tốt để trùng tu ngôi chùa (hiện đang bị đổ nát khá nhiều) và bảo vệ được đàn dơi – ngôi chùa này chắc chắn sẽ là một điểm du lịch kỳ thú của miền sông nước Sóc Trăng.

Văn mẫu Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Sóc Trăng số 3 ý nghĩa

Du khách đến chùa Dơi Sóc Trăng cứ ngỡ ngàng tưởng như cây trái trúng mùa với những chùm quả nặng trĩu. Không khí mát mẻ, thanh tịnh chỉ có tiếng gió xào xạc và thỉnh thoảng xen vào tiếng kêu chít chít của những chú dơi con tìm mẹ… Tất cả tạo thành một bản hòa tấu với nhạc điệu du dương của thiên nhiên làm say mê lòng người.

Hiện nay, các hiện vật trong chùa Dơi Sóc Trăng còn chủ yếu là tượng các Phật như: tượng Phật Thích Ca ngồi thiền định cao 2m bằng xi-măng và nhiều bức tượng nhỏ khác bằng xi-măng và vật liệu khác do phật tử cúng chùa. Ngoài ra còn có khung cửa võng (bao lam) bằng gỗ sơn son thiếp vàng chạm trổ hình chim muông, hoa lá, đặc biệt có hoạ tiết hình những chú dơi; một cái giường chạm hoa lá tinh xảo, sơn son thếp vàng; hai tủ lớn có chạm hoa văn theo mô típ cổ truyền của người Khmer. Đặc biệt hơn cả là trong sảnh của đại đức trụ trì và phòng khách chùa nổi tiếng miền Tây này còn có bức tượng của một đại đức đã viên tịch, với kích thước giống y như người thật trong tư thế thiền định làm bằng xi-măng đã làm cho gian phòng khách ấm cúng và sinh động, hấp dẫn.

Chùa Dơi Sóc Trăng với quần thể kiến trúc đẹp, có giá trị thẩm mỹ cao. Ngoài chức năng thoả mãn nhu cầu sinh hoạt của đời sống tâm linh, còn hướng con người đến chân – thiện – mỹ, làm điều hay lẽ phải, làm việc thiện, tích phúc cho đời. Ở đây chúng ta thấy rõ nghệ thuật tạo hình Khmer đồng bằng sông Cửu Long, trong đó chùa Dơi Sóc Trăng là một minh chứng, mang tính tôn giáo. Nhưng Phật giáo Nam tông trong xã hội Khmer hiện nay không phải là tôn giáo thoát tục, lánh xa cuộc đời mà hòa nhập vào cuộc sống đời thường với phương châm “tốt đạo, đẹp đời”.

Cái đẹp và sức thu hút của chùa nổi tiếng miền Tây này là cảnh quan gần gũi với thiên nhiên, với một quần thể kiến trúc mở, hoà quyện với môi trường sống của con người – thực vật – động vật nơi đây đã gắn bó với con người từ lâu đời. Hơn nữa, cộng đồng dân cư ở đây có sự giao lưu giữa ba dân tộc Việt – Khmer – Hoa kết hợp với tinh hoa văn hoá, nghệ thuật trong cuộc sống, học hỏi lẫn nhau cùng phát triển. Ngoài ra, Chùa Dơi còn là trung tâm sinh hoạt giáo dục – văn hoá và các lễ thức cúng kiếng, lễ hội của đồng bào Khmer, vừa là tụ điểm sinh hoạt văn hoá của cộng đồng cư dân địa phương. Ngày 12 tháng 02 năm 1999, Bộ Văn hóa – Thông tin đã ra Quyết định số 05/1999/QĐ-BVHTT công nhận chùa Dơi Sóc Trăng là di tích nghệ thuật cấp quốc gia.

Chùa Dơi Sóc Trăng là một môi trường sinh thái kết hợp hài hoà giữa thiên nhiên, văn hoá và cuộc sống đời thường. Chùa còn là một thắng cảnh, một địa điểm du lịch, tham quan và hành hương viếng Phật nổi tiếng của du khách trong và ngoài tỉnh. Danh lam thắng cảnh Chùa Dơi Sóc Trăng sẵn sàng đón khách thập phương ghé thăm và chắc hẳn làm chuyến đi của du khách thêm nhiều bất ngờ, thú vị… xin bạn hãy nhanh chân.

Văn mẫu Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Sóc Trăng số 4 tuyển chọn

Dám chắc một điều rằng, với những ai có niềm yêu thích và đam mê khám phá các kiến trúc tôn giáo đặc sắc thì không khỏi ngưỡng mộ và ao ước về những ngôi chùa có kiến trúc độc đáo và rực rỡ tại xứ chùa vàng. Tuy nhiên việc đi thật xa để nhìn ngắm một cảnh quan không phải là ai cũng có thể thực hiện và tại sao chúng ta không nhìn về quê hương, về mảnh đất Sóc Trăng màu mỡ, với lời hát Dù Kê và điệu múa Lâm Thôn say lòng của văn hóa Khơ Me, và cả những ngôi chùa với lối kiến trúc tương tự xứ chùa vàng thậm chí còn có nhiều nét đặc biệt do có pha trộn cả văn hóa Việt. Trong số các chùa ở Sóc Trăng tôi nhiệt liệt đề cử chùa Dơi, một ngôi chùa với cái tên khá lạ, hiện nay là một địa điểm hấp dẫn, thu hút nhiều khác du lịch nhất tỉnh này.

Sở dĩ gọi là chùa Dơi là bởi ngôi chùa được dựng cạnh một cánh rừng trồng nhiều các loại cây sao và cây dầu, môi trường lý tưởng là nơi cư ngụ cho hàng vạn con dơi, cứ chiều chiều chúng lại tỏa ra kín cả một vùng trời quanh chùa để bắt đầu công cuộc kiếm ăn. Mà theo tín ngưỡng Khơ Me việc dơi tụ tập quanh chùa là một điềm tốt, ý chỉ phúc lành, chính vì vậy người ta cũng gọi ngôi chùa là chùa Dơi, dựa trên nét đặc trưng này. Ngoài ra chùa Dơi còn có tên khác là chùa Mã Tộc theo cách đọc của người Hoa, còn trong tiếng Khơ Me chùa có tên là Sêrây tê chô mahatup (do đức phúc tạo nên). Hiện nay chùa tọa lạc ở đường Văn Ngọc Chính, phường 3, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, là ngôi chùa duy nhất thờ phụng đức Phật Thích Ca của cộng đồng dân tộc Khơ Me tại tỉnh Sóc Trăng, là sự hòa trộn kiến trúc độc đáo giữa hai nền văn hóa Việt Nam và Cam-pu-chia. Chùa Dơi được xây dựng cách đây 451 năm, tức là vào khoảng năm 1569, ban đầu được dựng tạm bằng tre và lá, sau đó chính điện được tôn tạo lại bằng gạch ngói, và sau nhiều lần tinh chỉnh chùa mới có được phong thái khang trang, nguy nga, rực rỡ như ngày hôm nay. Với lịch sử dài lâu, sự độc đáo trong kiến trúc, giá trị tôn giáo văn hóa sâu sắc lên đến hàng nửa thế kỷ, ngày nay chùa Dơi đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia bắt đầu từ năm 1999, được nhà nước quan tâm và bảo tồn chặt chẽ.

Về kiến trúc toàn bộ khuôn viên chùa nằm trong một khu vực rộng 4 ha, các công trình chính yếu bao gồm: Ngôi chánh điện, Sala, nhà hội của sư sãi và tín đồ, phòng ở của sư sãi và trụ trì, các tháp để tro người chết, phòng khách... xung quanh được bao bọc bởi nhiều loại cây cổ thụ nhiều năm tuổi. Chùa thờ phật Thích Ca Mâu Ni với lối kiến trúc mang đậm nét văn hóa Campuchia với màu vàng cam chủ đạo và những hoa văn độc đáo. Chính điện được xây cao và lớn nhất, với diện tích nền khoảng 235 mét vuông, dựng trên nền xi măng cao hơn 1m so với mặt đất. Cửa chính điện hướng về phía Đông, để đón ánh bình minh. Kiến trúc mái chính điện gồm 4 tầng chồng lên nhau, trên đỉnh có một ngọn tháp nhỏ nhuộm vàng. Toàn bộ phần mái được lợp bằng loại ngói màu khác nhau bao gồm xanh, đỏ, và vàng nhạt, xếp tinh tế, cẩn thận, mà nhìn từ xa trông như mái chùa được chia thành các ô hình thoi đều và đẹp. Phần rìa mái và các góc nhọn của mái được trang trí bằng hình rắn Naga nhuộm vàng. Chống đỡ phần mái là các cột tròn cách đều nhau, dàn trải xung quanh chính điện, ở mỗi cột lại được trang trí một bức tượng tiên nữ Kemnar có cánh, đang chắp tay trước ngực. Tiến sâu vào chánh điện du khách sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng bức tượng phật Thích Ca được tạc từ đá nguyên khối, sơn son thiếp vàng, với chiều cao khoảng 2m và được đặt trên một tòa sen cao khoảng 1,5m ngay giữa chính điện. Bên cạnh đó ở chính điện còn sắp xếp thờ tự các tượng phật nhỏ khác. Đồng thời ở đây cũng trưng bày các bức tranh miêu tả về các giai đoạn cuộc đời của phật Thích Ca, kết hợp với các bộ kinh lá thốt nốt và các hiện vật có niên sử hàng trăm năm mang đậm nét văn hóa Khơ Me Nam Bộ. Bên cạnh chính điện thì một điểm khá đặc sắc làm nên nét kỳ bí của khu chùa này ấy chính là những ngôi mộ heo năm móng, theo truyền thuyết được xem là "cốt tinh" của con người, sẽ mang đến điềm xúi quẩy cho gia chủ, thế nên chúng được gửi cho nhà chùa nuôi dưỡng, được Phật độ hóa và khi chết được chôn cất tử tế tại chùa. Ngoài ra lối kiến trúc hòa hợp với thiên nhiên của ngôi chùa cũng là một địa điểm vãn cảnh thú vị, du khách sau khi tham quan có thể ngồi lại tại khuôn viên chùa dưới những tán cây với tuổi thọ còn nhiều hơn tuổi đời của họ để tịnh tâm, nghỉ mệt và tận hưởng sự thanh bình tại chốn liêng thiêng này.

Ngày nay chùa Dơi đã trở thành một địa điểm thu hút nhiều khách du lịch tham quan bởi lối kiến trúc độc đáo, cùng với những câu chuyện tâm linh bí ẩn mang đậm màu sắc văn hóa Khơ Me. Ngoài ra nơi đây còn trở thành không gian sinh hoạt văn hóa - giáo dục, là nơi tổ chức có lễ hội thờ tự, cúng bái truyền thống của đồng bào dân tộc Khơ Me, cũng như các sinh hoạt cộng đồng của cư dân địa phương. Đồng thời với lối kiến trúc có giá trị thẩm cao và đặc sắc, chùa Dơi không chỉ là nơi để con người thờ phụng, thỏa mãn đời sống tâm linh mà nó còn hướng con người ta đến cái thiện, tránh xa cái ác, gieo vào tâm hồn con người những giá trị tốt đẹp, ảnh hưởng tích cực đến thế giới quan của cư dân địa phương.

"Về Đại Tâm thăm người bạn Khơ Me, nghe hát dù kê và điệu múa Lâm Thôn, sóc sờ bai, bòn, tâu na bòn, tâu na bòn ơi...", nếu có một lần được ghé đến vùng đất Sóc Trăng xinh đẹp, đừng tiếc chi một lần tìm đến với ngôi chùa Dơi để được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hài hòa của lối kiến trúc kết hợp Việt-Cam-Hoa, để được hưởng bầu không khí linh thiêng phật pháp tại chốn đất lành chim đậu này bạn nhé.

CLICK NGAY vào TẢI VỀ dưới đây để download Văn mẫu Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Sóc Trăng Ngữ văn lớp 8 hay nhất file word, pdf hoàn toàn miễn phí.

Đánh giá bài viết
5.0
1 lượt đánh giá
Có thể bạn quan tâm
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
Copyright © 2020 Tailieu.com