Logo

Bài văn mẫu: Phân tích hình ảnh bà Tú trong bài thơ Thương vợ lớp 11

Top 2 bài văn hay: Phân tích hình ảnh bà Tú trong bài thơ Thương vợ lớp 11 tuyển chọn ý nghĩa nhất, là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích giúp các em nâng cao khả năng viết văn để đạt điểm cao trong các bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 11.
5.0
1 lượt đánh giá

Bài văn mẫu: Phân tích hình ảnh bà Tú trong bài thơ Thương vợ Văn 11 tuyển chọn, hay nhất sẽ giúp các em học sinh đưa ra các lập luận, lý lẽ chính xác và ý nghĩa nhất để hoàn thành xuất sắc bài viết của mình.

Bài văn mẫu số 1: Phân tích hình ảnh bà Tú trong bài thơ Thương vợ

   Tú Xương là người có tố chất thông minh từ nhỏ, ông từng tám lần đi thi nhưng chỉ đậu đến Tú tài vì phạm húy. Cuộc đời ông đầy những chua chát, đắng cay và tất cả những điều đó đã được thể hiện đầy đủ trong các bài thơ của ông. Thơ của Tú Xương dành một dung lượng khá lớn viết về vợ của mình, một điều hiếm thấy xưa nay. Và trong chùm đề tài ấy bài thơ Thương vợ là bài hay nhất, chỉ với bài thơ này nhưng hình ảnh bà Tú đã hiện lên với đầy đủ vẻ đẹp cũng như số phận của người phụ nữ.

    Mở đầu bài thơ, Tú Xương giới thiệu về công việc của bà Tú:

    Quanh năm buôn bán ở mom sông

    Nuôi đủ năm con với một chồng

    Câu thơ đã giúp người đọc đã hình dung được công việc của bà Tú đó là làm nghề buôn bán gạo, công việc đó kéo dài triền miên, mang tính tuần hoàn hết tuần này nối tiếp đến tuần khác, dường như trong cuộc đời bà không có lấy một giây phút được nghỉ ngơi, thư giãn. Hơn nữa nơi bà làm ăn buôn bán lại chứa đựng đầy sự nguy hiểm – mom sông – phần đất nhô ra phía lòng sông, đây là phần đất chênh vênh và có thể bị ngã bất cứ lúc nào. Bà Tú đã phải chịu đựng biết bao vất vả, cực nhọc, cuộc sống mưu sinh đầy gian truân khiến cho bà dù biết những nguy hiểm nhưng vẫn không thể bỏ bởi phải: “Nuôi đủ năm con với một chồng”. Trong xã hội phong kiến, người đàn ông vốn được mặc định coi là trụ cột gia đình, lo toan về kinh tế cho cả nhà, nhưng ở đây trong gia đình Tú Xương trụ cột ấy lại chính là bà Tú. Bà không chỉ nuôi con mà nuôi cả chồng, như vậy là sáu miệng ăn chưa tính đến bà. Chữ “đủ” chứa đựng nhiều ý nghĩa, đủ là nuôi cả gia đình; đủ còn có thể hiểu là đủ ăn đủ mặc, và đủ cả những thú vui thanh cao, tao nhã của ông Tú. Đặc biệt trong cách đếm “năm con với một chồng” là cách đếm lạ, Tú Xương tự tách mình riêng, đặt sau con cho thấy nỗi hổ thẹn trong ông khi không giúp được gì cho bà Tú, và sự trách sự vô tích sự của bản thân. Câu thơ như một lời tự trào chính mình của tác giả. Hai câu thơ đầu tiền, tác giả đã khắc họa thành công sự tảo tần, tháo vát mà cũng đầy vất vả, cơ cực của bà Tú.

    Không dừng lại ở đó, hai câu thơ tiếp theo càng tô đậm hơn nữa sự vất vả của bà Tú trong công cuộc mưu sinh: “Lặn lội thân cò khi quãng vắng/ Eo sèo mặt nước buổi đò đông”. Hai từ “lặn lội” “eo sèo” được đảo lên đầu câu câu tô đậm nỗi vất vả, nhọc nhằn của bà Tú. Đồng thời từ lặn lội kết hợp với hình ảnh thân cò đầy ám ảnh đã khắc đậm nỗi truân chuyên của bà Tú. Hình ảnh con cò trong ca dao vốn để chỉ những người nông dân nhọc nhằn, vất vả:

    Cái cò mà đi ăn đêm

    Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao

    Ông ơi ông vướt tôi nao

    Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng ….

    Và bà Tú cũng chẳng khác những thân cò kia, một mình lặn lội kiếm ăn, chịu đựng để nuôi chồng, nuôi con. Công việc ấy lại vô vàn nguy hiểm “khi quãng vắng” “buổi đò đông” phải chen lấn, xô đẩy, đầy cực nhọc, vất vả. Với hai câu thơ ba và bốn, đã khắc sâu hơn nữa nỗi nhọc nhằn trong cuộc mưu sinh của bà Tú. Đằng sau đó, ta còn thấy tiếng uất nghẹn của một người chồng nhìn thấy nỗi cơ cực của vợ mà không thể đỡ đần. Và hơn cả là nỗi niềm thương xót, cảm phục và biết ơn vợ sâu sắc của Tú Xương.

    Một duyên hai nợ âu đành phận

    Năm nắng mười mưa dám quản công

    Trong hai câu thơ tác gỉa sử dùng thành ngữ và cách nói tăng cấp: “một duyên hai nợ” “năm nắng mười mưa” đã khắc họa cuộc đời cơ cực, tủi nhục của bà Tú. Bà với ông Tú, duyên thì ít mà nợ thì nhiều. Ông Tú tự thấy mình là một gánh nợ trong suốt cuộc đời người vợ. Nhưng người mẹ, người vợ đó không hề ý thức rằng đó là sự hi sinh. Như bao người phụ nữ Việt Nam khác, bà làm mọi việc một cách tự nhiên, âm thầm, không hề đòi hỏi, oán trách. Bà Tú coi đó như một lẽ thường tình, nào có kể công. Cách nói cam chịu “âu đành phận” “dám quản công” là ông Tú ngao ngán về chính mình, xót xa cho thân phận bà Tú mà thốt lên, mà kể công thay cho bà.

    Khắc họa hình ảnh bà Tú, Tú Xương đã vận dụng tài tình nghệ thuật đảo ngữ (lặn lội, eo sèo), sử dụng thành ngữ (một duyên hai nợ, năm nắng mười mưa). Giọng điệu đan xen hài hòa giữa trữ tình và trào phúng trong đó giọng trữ tình là chủ đạo để làm nổi bật lên vẻ đẹp nhân cách, phẩm chất của bà Tú.

    Bài thơ khắc họa một cách chân thực, xúc động hình ảnh bà Tú đảm đang, tháo vát, giàu đức hi sinh và lòng vị tha. Bà Tú là điển hình cho đức hi sinh, sự tảo tần của người phụ nữ Việt Nam. Đồng thời tác phẩm cũng cho ta thấy bức chân dung tinh thần của chính nhà thơ – một con người bất đắc chí nhưng nhân cách cao đẹp.

Bài văn mẫu số 2: Phân tích hình ảnh bà Tú trong bài thơ Thương vợ

   Phụ nữ là một đề tài lớn trong văn học Việt Nam. Từ các tác phẩm văn chương hiện lên với vẻ đẹp chân dung, đức hạnh trên nhiều bình diện. Tuy nhiên hiếm có thi nhân nào viết về người phụ nữ với tư cách là người vợ bằng tình cảm chân thành của một người chồng như trong thơ Trần Tế Xương. “Thương vợ” là một bài thơ tiêu biểu khắc họa sinh động hình ảnh bà Tú cùng với những phẩm chất tốt đẹp giàu đức hi sinh, chịu thương chịu khó và nhẫn nại, kiên cường vì chồng con. Hình ảnh ấy đã trở thành điển hình cho nét đẹp của người phụ nữ Việt.

   Hình ảnh bà Tú xuất hiện với công việc vất vả và gian truân, gánh nặng trách nhiệm gia đình đè lôi vai người vợ hiện lên thật sinh động, giàu giá trị nhân văn qua bốn câu thơ đầu:

    “Quanh năm buôn bán ở mom sông

    Nuôi đủ năm con với một chồng

    Lặn lội thân cò khi quãng vắng

    Eo sèo nước mặt buổi đò đông”

   Nghề nghiệp của bà Tú là buôn bán. Nhắc đến nghề buôn là người ta thường nghĩ ngay đến sự an nhan và giàu có “Phi thương bất phú” nhưng với bà Tú lại đối lập hoàn toàn với điều đó. Không gian buôn bán ở đây là “mom sông” - nơi “đầu sóng ngọn gió” với bao nguy hiểm, là “cái địa điểm cheo leo chênh vênh, chứ không phải ở cái bến ngang sông tấp nập bình thường”. Thời gian làm việc là “quanh năm” thời gian đằng đẵng hết ngày này, tháng khác lại năm nọ chẳng bao giờ được nghỉ ngơi dù là ngày nắng hay ngày mưa. Vì miếng cơm manh áo để “Nuôi đủ năm con với một chồng” không cho phép bà được an nhàn một giờ khắc. “Đủ” ở đây là đủ không chỉ về cơm ăn mà còn áo mặc, mọi thứ không thừa nhưng cũng không thể thiếu. Nào có phải là một chồng hai con như xã hội hiện đại mà là “năm con” rất đông, con số nhiều được đặt ngang hàng để đối với “một chồng” số ít tạo nên một đòn gánh cân bằng trên đôi vai của bà Tú. Chi phí cho ông Tú_ nhà Nho “dài lưng tốn vải” ngang bằng với cơm ăn áo mặc của năm đứa con gộp lại. Điều đó cho thấy trách nhiệm lo kinh tế gia đình thật chẳng hề dễ dàng đối với một người phụ nữ sống trong thời buổi khó khăn con người ta bon chen nhau kiếm từng xu từng hào.

   Hình ảnh “Thân cò” lặn lội càng gợi thêm sự cơ cực và cô độc của người đàn bà tảo tần. Thân cò trong văn học truyền thống là biểu tượng cho người nông dân nói chung và người phụ nữ Việt Nam nói riêng. Hình ảnh “Thân cò” với nghệ thuật đảo ngữ “lặn lội thân cò” gợi lên một thân phận, số phận cụ thể, nhỏ bé, mong manh giữa cuộc đời. Tú Xương đã vận dụng thành công ngôn ngữ của dân gian vào trong ý thơ của mình để đặc tả sự gian truân mà bà Tú phải chịu. Khi thì “lặn lội” lúc “quãng vắng”, khi thì “eo sèo” lúc “buổi đò đông”. Tú Xương phả là một người chồng hết mực yêu thương và cảm thông với vợ mới có thể viết được những câu thơ hay và đặc sắc khi nói về cái vất vả mà vợ mình phải gánh chịu.

   Bấy nhiêu cực khổ ấy nhưng bà Tú chẳng nề hà, kêu than lấy một lời. Bà giàu đức hi sinh và rộng lượng để âm thầm cam chịu, chấp nhận tất cả những gian nan, cực khổ một lòng vì chồng vì con vì mái ấm gia đình.

    “Một duyên hai nợ âu đành phận

    Năm nắng mười mưa dám quản công”

   là như vậy, dù cho “ Cha mẹ thói đời ăn ở bạc” và “Có chồng hờ hững cũng như không” nhưng bà vẫn không một lời oán trách. Bà coi đó là cái duyên phận, tình nghĩa vợ chồng và là trách nhiệm của một người vợ có chồng là thi sĩ. Bốn câu thơ cuối là lời của Tú Xương thác ra giọng của bà Tú để bày tỏ, để nói hộ lòng vợ. Ông cũng tự trách bản thân mình là một người chồng “hờ hững” không giúp gì được cho vợ mà ngược lại còn là gánh nặng trên đôi vai của bậc hiền phụ. Trách mình trách đời cũng là cách gián tiếp để ông Tú ca ngợi, đề cao công lao và phẩm chất của vợ theo cái cách chưa từng có trong thơ văn trung đại:

    “Vuốt râu nịnh vợ, con bu nó

    Quắc mắt khinh đời cái bộ anh”.

   Bài thơ “Thương vợ” của Trần Tế Xương với những bút pháp nghệ thuật đặc sắc kết hợp tài tình giữa ngôn ngữ đời thường với ngôn ngữ bác học trong tám câu thơ Đường luật giải quy phạm đã khắc họa thành công hình ảnh bà Tú_ người vợ, người phụ nữ đảm đang, tháo vát giàu lòng yêu thương, rộng đức hi sinh vì gia đình. Con người ấy xuất hiện trong những câu thơ trữ tình sâu lắng trở thành một biểu tượng đẹp cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam.

   Trong xã hội ngày nay với những xô bồ của cuộc sống không ít những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ bị vùi lấp đi bởi giá trị của đồng tiền, của danh vọng và địa vị. Bài thơ “Thương vợ” được đưa vào chương trình phổ thông là một bài học giàu giá trị nhân văn để các em học tập và là tấm gương để những người phụ nữ hiện đại phần nào soi mình vào đó gìn giữ nét đẹp truyền thống mà vẫn phù hợp với thời đại.

CLICK NGAY vào nút TẢI VỀ dưới đây để tải các bài văn mẫu: Phân tích hình ảnh bà Tú trong bài thơ Thương vợ Văn lớp 11 file word, pdf hoàn toàn miễn phí.

Đánh giá bài viết
5.0
1 lượt đánh giá
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
Copyright © 2020 Tailieu.com
DMCA.com Protection Status