Logo

Soạn Giáo Dục Công Dân 10 Bài 12: Công dân với tình yêu, hôn nhân và gia đình

Soạn Giáo Dục Công Dân 10 Bài 12: Công dân với tình yêu, hôn nhân và gia đình. Hướng dẫn học sinh giải các bài tập trong sách giáo khoa (SGK) chi tiết kèm lý thuyết tổng hợp. Giúp học sinh ôn tập hiệu quả.
2.8
2 lượt đánh giá

Mời các em học sinh tham khảo ngay nội dung hướng dẫn soạn GDCD 10 Bài 12: Công dân với tình yêu, hôn nhân và gia đình được bày chi tiết, dễ hiểu nhất dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bài học này, từ đó chuẩn bị tốt cho tiết học sắp tới nhé.

Giải bài tập SGK Bài 12 GDCD 10 trang 86

Bài 1 (trang 86 sgk Giáo dục công dân 10)

Hiện nay, trong học sinh có những bạn nam và nữ chơi thân với nhau và giúp đỡ nhau trong học tập cũng như trong hoạt động hàng ngày. Chúng ta có nên gán ghép và cho rằng hai bạn đó yêu nhau hay không? Theo em, ở lứa tuổi này đã nên yêu đương hay chưa? Vì sao?

Trả lời:

- Chúng ta không nên gán ghép rằng hai bạn đó yêu nhau vì như vậy là nhầm lẫn giữa tình yêu và tình bạn, dễ khiến hai bạn nảy sinh những hiểu lầm, xấu hổ dẫn đến bất hòa, tan vỡ tình bạn.

- Theo em, ở lứa tuổi này chưa nên yêu vì việc chính của học sinh là học tập, rèn luyện tri thức để hoàn thiện bản thân. Những tình cảm ở lứa tuổi này nên giữ ở tình bạn trong sáng, hồn nhiên để tình bạn luôn được bền vững.

Bài 2 (trang 86 sgk Giáo dục công dân 10)

Trong bài học nêu lên một số điều nên tránh trong tình yêu. Em có đồng ý với những điều đó không? Nếu có ý kiến gì khác, em hãy cho biết ý kiến của mình.

Trả lời:

- Em đồng ý với những điều nên tránh trong tình yêu.

- Vì nếu yêu quá sớm, yêu một lúc nhiều người, yêu để chứng tỏ khả năng chinh phục bạn khác giới hoặc yêu đương vì mục đích vụ lợi, quan hệ tình dục trước hôn nhân có thể dẫn đến những hậu quả xấu, ảnh hưởng đến cuộc sống tương lai của bản thân. Vì vậy trước tình yêu cần suy nghĩ chín chắn, biết tự chịu trách nhiệm trước bản thân với những hành động của mình.

Bài 3 (trang 86 sgk Giáo dục công dân 10)

Hiện nay, có một số người chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không muốn đăng kí kết hôn vì ngại sự ràng buộc của pháp luật. Em có đồng tình với cách sống này không? Vì sao?

Trả lời:

- Em không đồng tình với cách sống này.

- Vì sống với nhau như vợ chồng nhưng không kết hôn theo luật định thì không được coi là vợ chồng. Trong trường hợp này họ không được pháp luật bảo vệ với tư cách là gia đình, vợ, chồng. Lối sống này phản ánh sự thiếu tinh thần trách nhiệm với xã hội và dễ gây ra những hậu quả xấu.

Bài 4 (trang 86 sgk Giáo dục công dân 10)

Theo em, điểm khác biệt lớn nhất trong chế độ hôn nhân hiện nay ở nước ta với chế độ hôn nhân trong xã hội phong kiến trước đây là gì?

Trả lời:

- Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi đã kết hôn.

* Chế độ hôn nhân nước ta hiện nay:

+ Hôn nhân 1 vợ 1 chồng, vợ chồng bình đẳng.

+ Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ dựa trên tình yêu chân chính: Tự nguyện: Cá nhân tự do kết hôn theo luật định; tiến bộ: bảo đảm về mặt pháp lí (có đăng kí kết hôn). Hôn nhân tự nguyện và tiến bộ còn thể hiện ở việc bảo đảm nguyên tắc tự do li hôn.

* Chế độ hôn nhân trong xã hội phong kiến trước kia:

+ Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng.

+ Hôn nhân cho cha mẹ sắp đặt, tiêu chuẩn là sự môn đăng hộ đối.

+ Trong nhà "chồng chúa vợ tôi" .

+ Nữ thập tam, nam thập lục (tảo hôn).

- Điểm khác biệt lớn nhất của chế độ hôn nhân hiện nay ở nước ta với chế độ hôn nhân trong xã hội phong kiến trước đây là hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng.

Bài 5 (trang 86 sgk Giáo dục công dân 10)

Trước đây, quan niệm về một gia đình có phúc là “con đàn, cháu đống”. Em thấy quan niệm này còn phù hợp trong xã hội ngày nay không? Vì sao?

Trả lời:

- Quan niệm này không còn phù hợp trong xã hội ngày nay.

- Vì:

+ Trước đây, lao động nông nghiệp cần nhiều nhân công nên gia đình nhiều con sẽ có lợi trong sản xuất, hỗ trợ kinh tế gia đình.

+ Ngày nay, sinh nhiều con sẽ tạo nên gánh nặng cho kinh tế gia đình, tạo áp lực về dân số cho quốc gia. Mỗi gia đình chỉ nên có một hoặc hai con để nuôi dạy cho tốt, tạo điều kiện để con cái được chăm sóc phát triển toàn diện.

Bài 6 (trang 86 sgk Giáo dục công dân 10)

Em hãy sưu tầm một số câu ca dao, tục ngữ về tình yêu, hôn nhân và gia đình.

Trả lời:

      “Đôi ta như thể con dao

   Năng liếc nên sắc, năng chào nên thương”

      “Ước gì sông rộng một gang

   Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi”

      “Hôm qua tát nước đầu đình,

   Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen

      Em được thì cho anh xin

   Hay là em để làm tin trong nhà

      Áo anh sứt chỉ đường tà

   Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu”

   “Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn”

      “Râu tôm nấu với ruột bầu

   Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”

      “Rủ nhau xuống bể mò cua

   Đem về nấu quả mơ chua trên rừng

      Em ơi chua ngọt đã từng

   Non xanh nước bạc ta đừng quên nhau

Lý thuyết GDCD lớp 10 Bài 12

I. Kiến thức cơ bản

1. Tình yêu

a. Tình yêu là gì?

- Tình yêu là sự rung cảm và quyến luyến sâu sắc giữa hai người khác giới, phù hợp nhau về nhiều mặt, có nhu cầu gắn bó và tự nguyện hiến dâng cho nhau cuộc sống của mình.

- Tính xã hội của tình yêu:

   + Tình yêu phụ thuộc vào quan niệm xã hội

   + Kết quả tình yêu dẫn tới những vấn đề xã hội phải quan tâm.

   + Tình yêu cùng với sự phát triển xã hội sẽ càng thoát khỏi ham mê bản năng.

b. Thế nào là một tình yêu chân chính?

- Tình yêu chân chính là tình yêu trong sáng, lành mạnh, phù hợp với quan điểm đạo đức, tiến bộ xã hội.

- Biểu hiện:

   + Chân chất, quyến luyến, cuốn hút, gắn bó.

   + Sự quan tâm sâu sắc đến nhau, không vụ lợi

   + Sự chân thành, tin cậy và tôn trọng từ hai phía

   + Lòng vị tha thông cảm.

c. Một số điều cần tránh trong tình yêu nam nữ thanh niên.

- Yêu đương quá sớm, nhầm lẫn tình bạn với tình yêu

- Yêu một lúc nhiều người, hoặc vụ lợi trong tình yêu.

- Không quan hệ tình dục trước hôn nhân.

2. Hôn nhân

a. Hôn nhân là gì? Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi đã kết hôn.

b. Chế độ hôn nhân ở nước ta hiện nay

Thứ nhất: Hôn nhân tự nguyện và tiến bộ

- Hôn nhân tự nguyện và tiến bộ là hôn nhân dựa trên tình yêu chân chính.

- Tự nguyện trong hôn nhân thể hiện qua việc cá nhân được tự do kết hôn theo luật định.

- Hôn nhân tiến bộ là hôn nhân bảo đảm về mặt pháp lí.

- Hôn nhân tự nguyện và tiến bộ còn thể hiện ở việc đảm bảo quyền tự do li hôn.

Thứ hai: Hôn nhân một vợ, một chồng, vợ chồng bình đẳng

- Hôn nhân dựa trên tình yêu chân chính là hôn nhân một vợ một chồng, tình yêu là không thể chia sẻ được.

- Bình đẳng trong quan hệ vợ chồng là nguyên tắc cơ bản trong gia đình mới. Sự bình đẳng không phải là sự cào bằng, chia đôi…

3. Gia đình, chức năng của gia đình, các mối quan hệ gia đình và trách nhiệm của các thành viên.

a. Gia đình là gì?

Gia đình là một cộng đồng chung sống và gắn bó với nhau bởi hai mối quan hệ cơ bản là quan hệ hôn nhân và quan hệ huyết thống.

b. Chức năng của gia đình:

- Chức năng duy trì nòi giống

- Chức năng kinh tế

- Chức năng tổ chức đời sống gia đình

- Chức năng nuôi dưỡng, giáo dục con cái

c. Mối quan hệ và trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình.

Quan hệ giữa cha mẹ và con cái:

- Cha mẹ: Có trách nhiệm yêu thương, nuôi dưỡng, giáo dục và tạo điều kiện cho con học hành, con cái trở thành công dân có ích cho xã hội.

- Con cái: Có bổn phận kính trọng, hiếu thảo, giữ gìn danh dự và truyền thống gia đình.

Quan hệ giữa ông bà và con cháu:

- Ông bà thương yêu, quan tâm chăm sóc, gương mẫu trong giáo dục các cháu.

- Cháu kinh trọng, hiếu thảo, yêu thương ông bà.

Quan hệ giữa anh, chị em: Thương yêu, tôn trọng, đùm bọc, bảo ban, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

►► CLICK NGAY vào đường dẫn dưới đây để TẢI VỀ lời giải Giáo Dục Công Dân 10 Bài 12: Công dân với tình yêu, hôn nhân và gia đình chi tiết, đầy đủ nhất, file pdf hoàn toàn miễn phí từ chúng tôi, hỗ trợ các em ôn luyện giải đề đạt hiệu quả nhất.

Đánh giá bài viết
2.8
2 lượt đánh giá
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
Copyright © 2020 Tailieu.com
DMCA.com Protection Status