Logo

Soạn Giáo Dục Công Dân 6 Bài 5: Tự lập - Kết nối tri thức

Soạn Giáo Dục Công Dân 6 Bài 5: Tự lập - Kết nối tri thức có lời giải bài tập, trả lời câu hỏi trong SGK chi tiết, ngắn gọn nhất. Hỗ trợ học sinh nắm chắc kiến thức trong bài học.
4.5
2 lượt đánh giá

Mời các em học sinh và quý thầy cô tham khảo hướng dẫn giải SGK GDCD 6 Bài 5: Tự lập - Kết nối tri thức được đội ngũ chuyên gia biên soạn đầy đủ và ngắn gọn dưới đây.

Khởi động trang 22 GDCD 6 Bài 5 - Kết nối tri thức

Đề bài: Hãy cùng tham gia cùng các bạn tham gia trò chơi “Giải ô chữ”

- Giải ô chữ để tìm từ chìa khóa. Ai tìm được từ khóa nhanh nhất sẽ chiến thắng.

- Chia sẻ hiểu biết của em về từ chìa khóa đó.

1. Hàng ngang số 1 gồm 7 chữ cái, chỉ thành tích nổi bật của học sinh hơn mức bình thường.

2. Hàng ngang số 2 gồm 6 chữ cái, chỉ sự đối lập với ỷ lại.

3. Hàng ngang số 3 gồm 7 chữ cái, chỉ sự đồng nghĩa với làm việc.

4. Hàng ngang số 4 gồm 6 chữ cái, chỉ hoạt động chính của học sinh ở trường học.

5. Hàng ngang số 5 gồm 6 chữ cái, chỉ thái độ tôn trọng và đúng mực đối với.

Lời giải chi tiết

- Các từ khóa trong các ô hàng ngang:

1. Xuất sắc

2. Tự giác

3. Làm việc

4. Học tập

5. Lễ phép

- Các ô chữ chính hàng dọc:  TỰ LẬP

Khám phá trang 22, 23, 24 Giáo dục công dân 6 Bài 5 - Kết nối tri thức

Khám phá 1:

Câu 1:

Đề bài: Em hãy đọc câu chuyện sau và trả lời câu hỏi:

Hai bàn tay

Trước khi ra đi tìm đường cứu nước, Bác Hồ còn rất trẻ, mang tên Nguyễn Tất Thành. Lúc đó, anh Thành có một người bạn tên là Lê. Một lần, cùng nhau đi chơi phố, đột nhiên Thành nhìn thẳng vào mắt bạn, hỏi:

- Anh Lê, anh có yêu nước không?

Câu hỏi đột nhiên khiến anh bạn ngạc nhiên, lúng túng trong giây lát rồi trả lời:

- Tất nhiên là có chứ!

- Anh có thể giữ bí mật không?

Người bạn đáp:

- Có.

Anh Thành nói tiếp:

- Tôi muốn sang nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta. Nhưng nếu đi một mình, thật ra cũng có nhiều mạo hiểm như khi đau ốm. Anh muốn đi với tôi không?

- Nhưng bạn ơi, chúng ta lấy đâu ra tiền mà đi?

- Đây, tiền đây. Anh Thành vừa nói vừa giơ hay bàn tay – Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và đi. Thế anh cùng đi với tôi chứ?

Bị lôi cuốn vì lòng hăng hái của bạn, anh Lê đồng ý, nhưng sau khi suy nghĩ về cuộc phiêu lưu đó, anh Lê không có đủ can đảm để giữ lời hứa. 

Vài ngày sau, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước…

(Theo Bác Hồ kính yêu, NXB Kim Đồng, Hà Nội, 1980)

a. Vì sao Bác Hồ quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước với hai bàn tay trắng?

b. Từ câu chuyện về Bác Hồ, em hiểu thế nào là tự lập?

Lời giải chi tiết:

a)  Bác Hồ quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước vì: Trước những ách thống trị của bọn thực dân Phương Tây, các tầng lớp nhân dân Việt Nam bị bóc lột hết sức nặng nề, mâu thuẫn trong xã hội Việt Nam ngày càng sâu sắc làm nội bộ lục đục, không có đường lối chung. Người thanh niên tên Nguyễn Tất Thành sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống yêu nước, hiếu học sớm đã có chí đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào. Khi không có gì trong tay, nhưng với ý chí kiên cường, bất khuất, tràn đầy tình yêu thương, có bản lĩnh gan dạ hết lòng vì tổ quốc, Nguyễn Tất Thành đã quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước.

b) Từ câu chuyện về Bác Hồ, theo em tự lập là chúng ta luôn phải tự chủ động, tự giác làm những công việc trong cuộc sống, không cần dựa dẫm, ỷ lại vào người khác, là đức tính tốt đẹp của con người làm họ có trách nhiệm hơn.

Câu 2:

Đề bài: Em hãy quan sát các bức tranh, đọc thông tin dưới đây để trả lời câu hỏi:

Hình ảnh: (trang 23, 24)

Thông tin: Hải là con trong gia đình khá giả. Nhà có bác giúp việc nhưng không vì thế mà Hải ỷ lại, dựa dẫm vào bác. Bạn luôn tự giác dọn dẹp phòng, gấp quần áo, chăn màn,… Những lúc rảnh rỗi, Hải còn phụ giúp bác nhặt rau, nấu cơm, lau nhà. Trong học tập, Hải luôn tự hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

a.Em hãy xác định những biểu hiện tự lập và chưa tự lập trong các bức tranh và thông tin trên.

b. Em còn biết những biểu hiện nào khác ngoài tính tự lập?

Khám phá 1 trang 22, 23, 24 GDCD 6 Bài 5 - Kết nối tri thức

Khám phá 1 trang 22, 23, 24 GDCD 6 Bài 5 - Kết nối tri thức

Lời giải chi tiết:

a. Những biểu hiện của sự tự lập và chưa tự lập trong các bức tranh và thông tin trên: 

- Những biểu hiện tự lập: Hình 1 – tự khâu lại áo; Hình 3 – Tự giác nấu cơm ăn sớm để học bài cho kịp giờ; bạn Hải trong thông tin trên, cho dù gia đình có khá giả, có bác giúp việc riêng nhưng Hải luôn tự giác làm những việc của mình, còn phụ giúp bác giúp việc những công việc như: nhặt rau, gấp quần áo, chăn màn,…

- Những biểu hiện chưa được tự lập: Hình ảnh 2 – trong giờ kiểm tra bạn đã không tự giác làm bài của mình mà chờ bạn bên cạnh làm xong rồi chép bài, đồng thời thể hiện sự không trung thực.

b. Những biểu hiện khác ngoài tính tự lập:

- Tự giác vệ sinh cá nhân.

- Thức dậy sớm không cần bố mẹ gọi. 

- Tự dọn dẹp, sắp xếp phòng ngủ.

- Phụ giúp bố mẹ những công việc nhà.

- Chủ động học bài, làm hết tất cả các bài tập.

Khám phá 2:

Đề bài: Em hãy đọc các trường hợp dưới đây và trả lời câu hỏi:

1. Bố của Hưng mất sớm, mẹ vất vả lao động nuôi hai anh em ăn học. Hưng luôn ý thức phải làm tốt các việc cá nhân của mình đồng thời giúp đỡ mẹ mọi việc trong gia đình. Khi mẹ ốm phải nằm viện, Hưng lo toan hết việc nhà, chăm sóc mẹ và em chu đáo. Năm học nào Hưng cũng đạt danh hiệu học sinh Giỏi.

a. Hưng đã thể hiện tính tự lập như thế nào?

b. Tính tự lập đã đem lại điều gì cho Hưng?

2. Anh Luận là người dân tộc Mường được bình chọn là Doanh nhân trẻ xuất sắc. Tuy gia đình khó khăn nhưng anh vẫn cố gắng học và đã thi đỗ vào trường đại học. Để đóng tiền học phí và sinh hoạt, anh đã làm thêm nhiều việc: phát tờ rơi, gia sư, phục vụ bàn... Ra trường, anh trở về quê hương làm thuê, tự tích lũy tiền và bắt đầu kinh doanh cà phê. Doanh nghiệp của anh ngày càng phát triển, tạo công việc làm cho nhiều người ở buôn làng.

a. Tính tự lập của anh Luận đã mang lại điều gì cho anh và cho xã hội?

b. Từ các trường hợp trên, em hãy cùng bạn thảo luận và cho biết ý nghĩa của tự lập đối với bản thân, gia đình và xã hội.

Lời giải chi tiết

1. Tình huống 1: 

a. Những biểu hiện tính tự lập của Hưng: Cho dù bố mất sớm, mẹ vất vả lao động nuôi hai anh em Hưng ăn học, vì thấy Hưng phải tự lập làm tốt các công việc cá nhân đồng thời giúp mẹ trong mọi việc nhà, chăm em chu đáo.

b. Tính tự lập trên đã đem lại cho Hưng kết quả là: Hưng đã học được tính tự lập và luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi.

2. Tình huống 2: 

a. Tính tự lập của Luận đã mang lại cho anh và xã hội sau: Anh Luận là người dân tộc, sinh ra ở vùng quê nghèo nhưng anh có ý chí tự lập từ nhỏ, quyết tâm vượt lên số phận, cố gắng học tập thật tốt và đã đỗ đại học, lo toan công việc nhà, chăm sóc mẹ và em. Ấy vậy mà anh học đại học tự lo tiền ăn học bằng nhiều nghề khác nhau, hiện tại đã trở thành một doanh nhân thành đạt, doanh nghiệp của anh ngày càng phát triển, tạo công ăn việc làm cho nhiều người.

b. Ý nghĩa của tự lập đối với bản thân, gia đình và xã hội là: khi chúng ta biết tự lập thì rất dễ thành công trong cuộc sống và xứng đáng nhận được sự tôn trọng của mọi người.

Luyện tập trang 25 Giáo dục công dân 6 Bài 5 - Kết nối tri thức

Câu 1:

Đề bài: Em hãy nêu một số biểu hiện về tự lập và trái với tự lập trong học tập và trong sinh hoạt hằng ngày.

Lời giải chi tiết:

- Những biểu hiện của tính tự lập trong cuộc sống hằng ngày: tự giác làm những công việc cá nhân; những công việc dễ mà vừa sức mình; không dựa dẫm và ỷ lại vào bố mẹ hoặc người khác; chủ động học tập và làm bài tập về nhà, chăm chỉ học tập, rèn luyện đạo đức,…

- Những biểu hiện trái với tính tự lập trong học tập và sinh hoạt hằng ngày là: quá ỷ lại hoặc dựa dẫm vào bố mẹ và người khác; không làm được những công việc cá nhân; không làm những việc nhỏ nhặt; lười biếng trong học tập và lao động,...

Câu 2:

Đề bài: Em hãy kể về hành vi ỷ lại, dựa dẫm và phụ thuộc vào người khác mà em đã hoặc gặp nghe kể trong học tập, cuộc sống. Em rút ra bài học gì từ những hành vi đó?

Lời giải chi tiết:

- Những hành vi ỷ lại, dựa dẫm và phụ thuộc vào người khác mà em biết: 

+ Học sinh không tự giác làm bài tập về nhà còn phải để bố mẹ, thầy cô thúc giục và nhắc nhở.

+ Để đồ đạc cá nhân của mình lộn xộn, bừa bãi không ngăn nắp.

+ Thường xuyên thức dậy muộn nếu không có bố mẹ nhắc nhở

+ Không vệ sinh cá nhân sạch sẽ.

...

- Từ những hành vi trên em rút ra bài học cho bản thân: Là học sinh, khi còn nhỏ chúng ta phải tự rèn luyện tính tự lập, tự lập trong những công việc nhỏ hằng ngày sau đó chúng ta sẽ có những kỹ năng, bản lĩnh và tự tin tự lập trong học tập và những công việc lớn hơn. Sống tự lập rất có ích cho con người, nó giúp chúng ta trưởng thành hơn, tạo ra sự tự tin và dũng cảm để đương đầu với những khó khăn, thử thách trong cuộc sống, tự lập sẽ giúp con đường đi đến thành công dễ dàng hơn.

Câu 3:

Đề bài: Xử lý tình huống:

1. Tan học sớm, Hoa rủ các bạn vào nhà mình ăn cơm trưa. Về tới nhà, Hoa chợt nhớ ra là lúc sáng mẹ về quê thăm bà ốm nên không nấu cơm sẵn như mọi ngày. Hoa và các bạn cùng vào bếp những loay hoay mãi không biết nấu gì để ăn trưa vì từ trước tới giờ đều được mẹ làm giúp

Nếu là Hoa, em sẽ làm gì?

2. Mặc dù nhà ngay gần trường những hàng ngày bố mẹ vẫn phải đưa đón An đi học. Thấy vậy, Hải nói: “Sao cậu không tự đi học?”. An trả lời: “Mình là con trai duy nhất trong nhà, bố mẹ không chăm mình còn chăm ai. Mình mới học lớp 6, bố mẹ chăm sóc như vậy là đương nhiên”.

Nếu là Hải, em sẽ nói gì với An?

Lời giải chi tiết:

1. Trong tình huống này, nếu em là Hoa em sẽ xử lý như sau: Em có thể gọi điện cho mẹ nhờ mẹ chỉ cách nấu những món đơn giản; hoặc có thể tra cứu trên internet/sách dạy nấu ăn để tự tay vào bếp nấu bữa trưa cho mình và các bạn.

2. Nếu là Hải em sẽ nói với An như sau: An nên tự giác đến trường, không nên phiền bố mẹ như vậy vì nhà bạn gần trường có thể chịu khó đi, mình nên tập tính tự giác khi còn nhỏ từ những việc mình có thể làm.

Vận dụng trang 25 GDCD 6 Bài 5 - Kết nối tri thức

Câu 1:

1. Em hãy lập và thực hiện kế hoạch rèn luyện tính tự lập của bản thân theo gợi ý sau: các lĩnh vực rèn luyện (học tập, sinh hoạt hằng ngày), công việc thực hiện, biện pháp thực hiện, kết quả rèn luyện.

Lời giải chi tiết:

1. Em hãy lập và thực hiện kế hoạch rèn luyện tính tự lập của bản thân, theo gợi ý sau; các lĩnh vực rèn luyện (học tập, sinh hoạt hằng ngày); công việc thực hiện; biện pháp thực hiện; kết quả rèn luyện. (HS tự liên hệ bản thân)

Câu 2

2. Sắp tới kì nghỉ hè, bố mẹ dự định cho em về quê ngoại một tháng sống cùng với ông bà. Em hãy thiết kế một cuốn sổ tay để nhắc nhở bản thân trong sinh hoạt và học tập. (Nội dung chính của sổ tay: thời gian, nội dung nhắc nhở, cách thức thực hiện, tự đánh giá).

Lời giải chi tiết:

2. Sắp tới kì nghỉ hè, bố mẹ dự định cho em về quê ngoại một tháng sống cùng ông bà. Em hãy thiết kế một cuốn sổ tay; thời gian nội dung nhắc nhở; cách thức thực hiện; tự đánh giá. (HS tự liên hệ bản thân).

►►CLICK NGAY vào nút TẢI VỀ dưới đây để tải về Soạn Giáo Dục Công Dân 6 Bài 5: Tự lập - Kết nối tri thức file PDF hoàn toàn miễn phí.

Đánh giá bài viết
4.5
2 lượt đánh giá
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
Copyright © 2020 Tailieu.com
DMCA.com Protection Status