Lời giải chi tiết bài tập trong VBT Sinh 9 Bài 23: Đột biến số lượng nhiễm sắc thể được chúng tôi biên soạn bám sát yêu cầu trong sách bài tập. Mời các em học sinh và quý thầy cô theo dõi tại đây.
Quan sát hình 23.1 SGK và cho biết: quả của 12 kiểu cây dị bội (2n+1) khác nhau về kích thước, hình dạng và khác với quả ở cây lưỡng bội bình thường như thế nào?
Trả lời:
Sai khác của 12 kiểu cây dị bội so với cây lưỡng bội:
+ về kích thước: so với quả ở cây lưỡng bội, các quả ở cây dị bội II, III, VI, IX có kích thước lớn hơn, các quả ở cây dị bội IV, V, VII, VIII, X, XI, XII có kích thước nhỏ hơn.
+ về hình dạng: so với quả ở cây lưỡng bội, hình dạng quả ở cây dị bội II, III, V, IX, X thiên về dạng tròn hơn, quả ở cây dị bội IV, VI, VII, VIII, XI, XII, XIII thiên về dạng bầu dục hơn.
+ quả của cây ở 12 dạng dị bội khác biệt nhau hoàn toàn về kích thước và hình dạng
Quan sát hình 23.2 SGK và giải thích sự hình thành các thể dị bội có (2n+1) và (2n – 1) NST.
Trả lời:
Trong quá trình phát sinh giao tử, một cặp NST ở cơ thể bố (hoặc mẹ) không phân li trong giảm phân, hình thành nên 1 giao tử có số lượng NST là (n+1) và 1 giao tử có số lượng NST là (n-1).
Khi các giao tử này kết hợp với giao tử bình thường (số lượng NST là n) của cơ thể mẹ (hoặc bố) sẽ tạo thành hợp tử có số lượng NST trong bộ NST lần lượt là (2n+1) và (2n-1), từ đó phát triển thành các thể dị bội (2n+1) và (2n-1) NST.
Điền từ hoặc cụm từ thích hợp vào chỗ trống trong các câu sau:
Đột biến thêm hoặc mất ………………….. thuộc một cặp NST nào đó có thể xảy ra ở người, động vật và thực vật. Các đột biến này thường do một cặp NST ……………… trong giảm phân, dẫn đến tạo thành giao tử mà cặp NST tương đồng nào đó có 2 NST hoặc không có NST.
Trả lời:
Đột biến thêm hoặc mất một NST thuộc một cặp NST nào đó có thể xảy ra ở người, động vật và thực vật. Các đột biến này thường do một cặp NST không phân li trong giảm phân, dẫn đến tạo thành giao tử mà cặp NST tương đồng nào đó có 2 NST hoặc không có NST.
Những dạng nào sau đây thuộc thể dị bội? (chọn phương án trả lời đúng nhất)
A. Dạng 2n – 1
B. Dạng 2n – 2
C. Dạng 2n + 1
D. Cả A, B, C
Trả lời:
Chọn đáp án D. Cả A, B, C
Giải thích: Thể dị bội là cơ thể mà trong tế bào sinh dưỡng có một hoặc một số cặp NST bị thay đổi về số lượng: (2n+1): thêm 1 NST ở 1 cặp, (2n-1): mất 1 NST ở 1 cặp, (2n-2): mất cả hai NST ở 1 cặp.
Sự biến đổi số lượng NST ở một cặp NST thường thấy những dạng nào?
Trả lời:
Sự biến đổi số lượng NST ở một cặp NST thường thấy các dạng: thêm 1 NST, mất 1 NST, mất 1 cặp NST
Cơ chế nào dẫn đến sự hình thành thể dị bội có số lượng NST của bộ NST là (2n+1) và (2n – 1)?
Trả lời:
Cơ chế hình thành thể dị bội có số lượng NST của bộ NST là (2n+1) và (2n – 1)
+ Trong quá trình phát sinh giao tử, một cặp NST ở cơ thể bố (hoặc mẹ) không phân li trong giảm phân, hình thành nên 1 giao tử có số lượng NST trong bộ NST dơn bội là (n+1) và 1 giao tử có số lượng NST trong bộ đơn bội là (n-1).
+ Khi các giao tử này kết hợp với giao tử đơn bội bình thường (số lượng NST là n) của cơ thể mẹ (hoặc bố) sẽ tạo thành hợp tử có số lượng NST trong bộ NST lần lượt là (2n+1) và (2n-1), từ đó phát triển thành các thể dị bội có số lượng NST trong bộ NST lần lượt là (2n+1) và (2n-1).
Hãy nêu hậu quả của hiện tượng dị bội thể?
Trả lời:
Hậu quả của hiện tượng dị bội thể: khi cơ thể có một hay một số cặp NST bị thay đổi về số lượng sẽ gây nên những thay đổi về gen, từ đó gây những sai khác về kiểu hình hoặc gây bệnh cho cơ thể.
►►CLICK NGAY vào nút TẢI VỀ dưới đây để tải về Giải vở bài tập Sinh học lớp 9 Bài 23: Đột biến số lượng nhiễm sắc thể (Ngắn nhất) file PDF hoàn toàn miễn phí.