Luật thi hành án hình sự là gì? Bộ luật này có hiệu lực từ khi nào? Đồng thời, bộ luật đưa ra những nguyên tắc, nghị quyết, nghị định như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu rõ nội dung văn bản luật thi hành án hình sự 2019 chi tiết tại đây.
Là hoạt động thi hành các bản án, quyết định hình sự của Tòa án về hình phạt tử hình, hình phạt tù, hình phạt tù cho hưởng án treo, hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt quản chế hoặc cấm cư trú, các hình phạt tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, trục xuất, phạt tiền, tịch thu tài sản.
Thực hiện những bản án hình sự và quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Văn bản hướng dẫn Luật thi hành án hình sự năm 2019 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.
Các bạn CLICK vào file tải miễn phí bên dưới để download về Luật thi hành hình sự 2019.
Bên canh việc quy định các nguyên tắc chung trong quá trình thi hành án hình sự thì Luật Thi hành án hình sự còn quy định các nguyên tắc đặc thù trong việc thi hành hình phạt và biện pháp tư pháp, cụ thể như sau:
1. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Việc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, đảm bảo lợi ích của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân là nguyên tắc được thể hiện trong tất cả các giai đoạn hoạt động lập pháp và áp dụng luật. Đây là nguyên tắc được quy đinh rất rõ trong Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định tại Điều 8.
Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ.
Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền.
2. Bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.
Trong quá trình xét xử vụ án thì tùy thuộc vào tính chất của từng vụ án mà Tòa án ra bản án, quyết định tố tụng. Bản án, quyết định của Tòa án khi đã có hiệu lực của pháp luật thì phải được nghiêm chỉnh chấp hành. Việc chấp hành nghiêm chỉnh trong nguyên tắc này mang ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Nguyên tắc này được quy định tại Điều 28 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của mình, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện và thực hiện yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhiệm vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án.
3. Bảo đảm nhân đạo xã hội chủ nghĩa; tôn trọng danh dự, nhân phẩm, quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành án, người chấp hành biện pháp tư pháp, quyền, lợi ích hợp pháp của pháp nhân thương mại chấp hành án.
Nguyên tắc nhân đạo là nguyên tắc cơ bản của pháp luật nước ta về tính khoan hồng. Trong pháp luật thi hành án nguyên tắc khoan hồng được thể hiện ở các khía cạnh như:
Mục đích hoạt động thi hành án hình sự là việc thực thi công lý, bảo đảm sự công bằng cho mọi người trong xã hội trước quy định của pháp luật và bảo vệ có hiệu quả các loại lợi ích trong xã hội. Chính vì vậy nguyên tắc nhân đạo đòi hỏi trước hết, hoạt động thi hành án hình sự phải bảo đảm bảo vệ có hiệu quả, hài hòa các lợi ích khác nhau, tôn trọng nhân phẩm và danh dự của cá nhân.
4. Kết hợp trừng trị và giáo dục cải tạo trong việc thi hành án; áp dụng biện pháp giáo dục cải tạo phải trên cơ sở tính chất, mức độ phạm tội, độ tuổi, sức khỏe, giới tính, trình độ học vấn và các đặc điểm nhân thân khác của người chấp hành án.
5. Thi hành án đối với người dưới 18 tuổi chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành người có ích cho xã hội.
6. Khuyến khích người chấp hành án ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động cải tạo, tự nguyện bồi thường thiệt hại.
7. Bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo hành vi, quyết định trái pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành án hình sự.
Quyền khiếu nại, tố cáo hành vi, quyết định trái pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành án hình sự được quy định tại Điều 32 như sau:
Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại, cá nhân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc của bất cứ cá nhân nào thuộc các cơ quan đó.
Cơ quan, người có thẩm quyền phải tiếp nhận, xem xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo kịp thời, đúng pháp luật; gửi văn bản kết quả giải quyết cho người khiếu nại, tố cáo, cơ quan, tổ chức khiếu nại và có biện pháp khắc phục. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo do Bộ luật này quy định.
Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống người khác.
8. Bảo đảm sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình trong hoạt động thi hành án hình sự, tái hòa nhập cộng đồng theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình thực hiện thấy còn có một số khó khăn, vướng mắc; xin được trao đổi cùng đồng nghiệp, cụ thể như sau:
1. Về thi hành quyết định thi hành án phạt tù
Tại khoản 4 Điều 23 Luật thi hành án hình sự năm 2019 quy định: "…Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại bỏ trốn thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu ra quyết định truy nã và tổ chức truy bắt;..."
Theo quy định này thì Cơ quan Thi hành án hình sự (THAHS) cấp tỉnh hoặc cấp quân khu ra quyết định truy nã. Tuy nhiên, Luật THAHS không quy định cụ thể việc Cơ quan THAHS cấp huyện phải xác minh bao nhiêu lần để xác định người bị kết án phạt tù bỏ trốn, trong thời gian bao nhiêu ngày thì Cơ quan THAHS cấp huyện phải có văn bản thông báo đến Tòa án đã ra quyết định thi hành án để Tòa án đề nghị Cơ quan THAHS có thẩm quyền ra quyết định truy nã theo quy định tại Điều 10 Thông tư liên tịch số 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 09/10/2012 của Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao (Thông tư này hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và Luật Thi hành án hình sự năm 2010 về truy nã; đến nay Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và Luật Thi hành án hình sự năm 2010 đã hết hiệu lực thi hành nên cần có Thông tư khác thay thế cho phù hợp với luật hiện hành).
Trong Luật Thi hành án hình sự năm 2019 cũng như Luật Thi hành án hình sự năm 2010 và Thông tư liên tịch số 13 đều không có khái niệm cụ thể thế nào là bỏ trốn, không quy định cụ thể về thủ tục đối với việc thi hành đối với các trường hợp người bị kết án phạt tù được tại ngoại không có mặt tại địa phương khi đã hết thời hạn 07 ngày phải có mặt tại trụ sở Cơ quan THAHS Công an cấp huyện hoặc Cơ quan THAHS cấp quân khu.
Thực tế hiện nay, một số Cơ quan THAHS cấp huyện có biểu hiện chậm đưa người bị kết án phạt tù được tại ngoại đi chấp hành án với lý do xác minh là người bị kết án đi lao động ngoài nơi cư trú, thường xuyên đi về chứ không phải là bỏ trốn nên không ra văn bản báo cáo Tòa án đã ra quyết định thi hành án để đề nghị Cơ quan THAHS có thẩm quyền ra quyết định truy nã. Cơ quan THAHS cấp huyện trao đổi thông tin cho Viện kiểm sát là Cơ quan THAHS đến nhà người bị kết án thực hiện việc áp giải thi hành án nhưng họ đi làm không có nhà nên chưa đưa người bị kết án đi chấp hành án được. Đối với những trường hợp như trên phần nào gây khó khăn cho Viện kiểm sát khi thực hiện chức năng kiểm sát như khó ban hành Kiến nghị vì không viện dẫn được quy định pháp luật mà Cơ quan THAHS Công an cấp huyện vi phạm trong việc áp giải thi hành án, Viện kiểm sát chỉ thông qua công tác phối hợp với Cơ quan THAHS cùng cấp để nắm tình hình và đôn đốc thực hiện việc áp giải người bị kết án phạt tù đi chấp hành án.
2. Về thủ tục hoãn chấp hành án phạt tù
Tại khoản 2 Điều 24 Luật thi hành án hình sự 2019 quy định: " Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được đơn hoặc văn bản đề nghị hoãn chấp hành án phạt tù, Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án phải xem xét, quyết định..."
Luật thi hành án hình sự 2019 không có quy định Tòa án sau khi nhận được đơn đề nghi phải xác minh đối với điều kiện hoãn thi hành án của người bị kết án, ngoài ra cũng không có văn bản pháp luật nào quy định Tòa án phải xác minh đối với đơn đề nghị xin hoãn chấp hành án phạt tù dẫn đến có nhiều cách hiểu không đúng, người bị kết án lợi dụng, cố tình nộp đơn vào Tòa án nhằm kéo dài thời gian đi chấp hành án.
Mặt khác, Thông báo của Tòa án gửi Viện kiểm sát cùng cấp chỉ nêu không chấp nhận đơn xin hoãn chấp hành án phạt tù của người bị kết án vì không đủ điều kiện (lý do chung chung). Qua đó Viện kiểm sát gặp khó khăn khi kiểm sát nội dung này.
3. Ý kiến đề xuất
Mặc dù Luật thi hành án hình sự 2019 có hiệu lực từ 01/01/2020, song văn bản pháp luật liên quan cũng chưa có sự thống nhất, đề nghị Liên ngành trung ương hoặc Liên ngành cấp tỉnh có văn bản hướng dẫn cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thống nhất trong quá trình thực hiện.
Trên đây là những thông tin về bộ luật thi hình án hình sự đã được chúng tôi cập nhật đến các bạn và đi kèm theo đó là link tải miễn phí văn bản luật đinh dạng file PDF. Cảm ơn các bạn đã theo bài viết này!