Logo

Top 3 bài văn hay: Phân tích bài Tự tình 2 lớp 11 tuyển chọn hay nhất

Top 3 bài văn hay: Phân tích bài Tự tình 2 lớp 11 tuyển chọn hay nhất là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích giúp các em nâng cao khả năng viết văn để đạt điểm cao trong các bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 11.
2.8
4 lượt đánh giá

Bài văn mẫu Tự tình 2 Văn 11 tuyển chọn, hay nhất sẽ giúp các em học sinh đưa ra các lập luận, lý lẽ chính xác và ý nghĩa nhất để hoàn thành xuất sắc bài viết của mình.

Dàn ý mẫu bài thơ Tự Tình 2 của Hồ Xuân Hương

Mở bài

- Trình bày những nét tiêu biểu về nữ sĩ Hồ Xuân Hương: Nữ sĩ được mệnh danh: “Bà chúa thơ Nôm” với rất nhiều những bài thơ thể hiện sự trân trọng vẻ đẹp và niềm cảm thông, thương xót cho số phận những người phụ nữ

- Giới thiệu bài thơ Tự tình II: Đây là một trong số 3 bài thơ trong chùm thơ Tự tình thể hiện nỗi niềm buồn tủi trước cảnh ngộ lỡ làng

Thân bài

1. Hai câu đề: Nỗi niềm buồn tủi, chán chường

• Câu 1: Thể hiện qua việc tái hiện bối cảnh:

- Thời gian: + Đêm khuya, trống canh dồn – nhịp gấp gáp, liên hồi của tiếng trống thể hiện bước đi thời gian gấp gáp, vội vã ⇒ Con người chất chứa nỗi niềm, bất an

- Không gian: “văng vẳng”: lấy động tả tĩnh ⇒ không gian rộng lớn nhưng tĩnh vắng

⇒ Con người trở nên nhỏ bé, lạc lõng, cô đơn

• Câu 2: Diễn tả trực tiếp nỗi buồn tủi bằng cách sử dụng từ ngữ gây ấn tượng mạnh:

- Từ “trơ” được nhấn mạnh: nỗi đau, hoàn cảnh “trơ trọi”, tủi hờn, đồng thời thể hiện bản lĩnh thách thức, đối đầu với những bất công ngang trái

- Cái hồng nhan: Kết hợp từ lạ thể hiện sự rẻ rúng

⇒ Hai vế đối lập: “cái hồng nhan” >< “với nước non”

⇒ Bi kịch người phụ nữ trong xã hội

2. Hai câu thực: Diễn tả rõ nét hơn tình cảnh lẻ loi và nỗi niềm buồn tủi

• Câu 3: gợi lên hình ảnh người phụ nữ cô đơn trong đêm khuya vắng lặng với bao xót xa

- Chén rượu hương đưa: Tình cảnh lẻ loi, mượn rượu để giải sầu

- Say lại tỉnh: vòng luẩn quẩn không lối thoát, cuộc rượu say rồi tỉnh cũng như cuộc tình vướng vít cũng nhanh tan, để lại sự rã rời

⇒ Vòng luẩn quẩn ấy gợi cảm nhận duyên tình đã trở thành trò đùa của số phận

• Câu 4: Nỗi chán chường, đau đớn e chề

- Hình tượng thơ chứa hai lần bi kịch:

    + Vầng trăng bóng xế: Trăng đã sắp tàn ⇒ tuổi xuân đã trôi qua

- Khuyết chưa tròn: Nhân duyên chưa trọn vẹn, chưa tìm được hạnh phúc viên mãn, tròn đầy ⇒ sự muộn màng dở dang của con người

- Nghệ thuật đối → tô đậm thêm nỗi sầu đơn lẻ của người muộn màng lỡ dở

⇒ Niềm mong mỏi thoát khỏi hoàn cảnh thực tại nhưng không tìm được lối thoát.

3. Hai câu luận: Nỗi niềm phẫn uất, sự phản kháng của Xuân Hương

- Cảnh thiên nhiên qua cảm nhận của người mang niềm phẫn uất và bộc lộ cá tính:

    + Rêu: sự vật yếu ớt, hèn mọn mà cũng không chịu mềm yếu

    + Đá: im lìm nhưng nay phải rắn chắc hơn, phải nhọn hoắt lên để “đâm toạc chân mây”

    + Động từ mạnh xiên, đâm kết hợp với bổ ngữ ngang, toạc: thể hiện sự bướng bỉnh, ngang ngạnh    + Nghệ thuật đối, đảo ngữ ⇒ Sự phản kháng mạnh mẽ dữ dội, quyết liệt

⇒ sức sống đang bị nén xuống đã bắt đầu bật lên mạnh mẽ vô cùng

⇒ Sự phản kháng của thiên nhiên hay cũng chính là sự phản kháng của con người

4. Hai câu kết: Quay trở lại với tâm trạng chán trường, buồn tủi

• Câu 7: - Ngán: chán ngán, ngán ngẩm

- Xuân đi xuân lại lại: Từ “xuân” mang hai ý nghĩa, vừa là mùa xuân, đồng thời cũng là tuổi xuân

⇒ Mùa xuân đi rồi trở lại theo nhịp tuần hoàn còn tuổi xuân của con người cứ qua đi mà không bao giờ trở lại ⇒ chua chát, chán ngán

• Câu 8:- Mảnh tình: Tình yêu không trọn vẹn

- Mảnh tình san sẻ: Càng làm tăng thêm nỗi chua xót ngậm ngùi, mảnh tình vốn đã không được trọn vẹn nhưng ở đây còn phải san sẻ

- Tí con con: tí và con con đều là hai tính từ chỉ sự nhỏ bé, đặt hai tính từ này cạnh nhau càng làm tăng sự nhỏ bé, hèn mọn

⇒ Mảnh tình vốn đã không được trọn vẹn nay lại phải san sẻ ra để cuối cùng trở thành tí con con

⇒ Số phận éo le, ngang trái của người phụ nữ trong xã hội phong kiến, phải chịu thân phận làm lẽ

5. Nghệ thuật

- Ngôn ngữ thơ điêu luyện, bộc lộ được tài năng và phong cách của tác giả:

    + Sử dụng từ ngữ, hình ảnh giàu sức tạo hình, giàu giá trị biểu cảm, đa nghĩa

- Thủ pháp nghệ thuật đảo ngữ: câu hỏi 2, câu 5 và câu 6

- Sử dụng động từ mạnh: xiên ngang, đâm toạc.

Kết bài

- Khẳng định lại những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm

- Thông qua bài thơ thể hiện giá trị hiện thực và bộc lộ tấm lòng nhân đạo sâu sắc của một nhà thơ “phụ nữ viết về phụ nữ”

Bài văn mẫu số 1: Phân tích bài thơ Tự Tình 2 của Hồ Xuân Hương

Hồ Xuân Hương là một trong những nữ sĩ tài ba bậc nhất của văn học Trung đại Việt Nam. Bà để lại sự nghiệp sáng tác đồ sộ, giàu giá trị trên cả mảng thơ chữ Nôm và chữ Hán. Nổi bật trong tác phẩm của bà là tiếng nói thương cảm với số phận người phụ nữ và bài thơ Tự Tình (bài II) là một trong những bài thơ như vậy.

Bài thơ nằm trong chùm thơ Tự tình, gồm có tất cả ba bài, được viết theo thể thơ Đường luật. Tác phẩm là nỗi thương mình trong sự cô đơn khi phải chịu cảnh làm lẽ, khao khát hạnh phúc mãnh liệt. Đồng thời bài thơ cũng thể hiện thái độ bứt phá, vùng vẫy, muốn thoát khỏi cảnh ngộ éo le để có thể đạt được hạnh phúc, nhưng cuối cùng bi kịch vẫn hoàn bi kịch.

Bài thơ mở đầu là thời điểm canh khuya, khi con người đối diện thật nhất với chính mình, nhưng cũng chính lúc đó Xuân Hương tự nhận ra tình cảnh đáng thương của chính mình:

    Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn

    Trơ cái hồng nhan với nước non.

Trong đêm khuya thanh vắng, nhịp gấp gáp của tiếng trống “dồn” càng trở nên vội vã, gấp gáp hơn. Đó cũng chính là những bước đi thời gian vội vàng đang chảy trôi trước mắt người con gái. Đồng thời tiếng trống đó cũng chính là sự rối bời trong tâm trạng của nhân vật trữ tình. Đối diện với nhịp thời gian vội vàng, gấp gáp là hình ảnh “trơ cái hồng nhan”. Chữ “trơ” được đặt ngay ở đầu câu nhấn mạnh nỗi cô đơn, trơ trọi của người phụ nữ. Nhưng bên cạnh nỗi đau đớn, xót tủi cho thân phận lại thể hiện một Xuân Hương thật bản lĩnh. “Trơ” không chỉ là sự bẽ bàng mà còn là thách thức với xã hội, với cuộc đời. Hai câu thơ đầu là tiếng than cho số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến, hồng nhan mà bạc mệnh.

    Trong cái cô đơn, tội nghiệp đến tột cùng ấy, con người tìm đến rượu để khây khỏa nỗi niềm:

    Chén rượu đưa hương say lại tỉnh

    Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn

Nhưng rượu cũng không thể làm cho nhân vật vơi đi nỗi cô đơn, sầu muộn. Chén rượu uống vào mà lại càng tỉnh hơn, để nhân vật trữ tình càng thấm thía hơn nỗi cô đơn, lẻ bóng của mình. Tìm đến trăng làm bạn, để tâm sự trò truyện thì lại nhận ra thực tại phũ phàng. Nỗi niềm chất chứa đã thấm dần và lan vào cảnh vật. Quả thực “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Hai câu thơ tác giả sử dụng rất thành công cụm từ: “say lại tỉnh” cho thấy cái vòng luẩn quẩn, tình duyên trở thành trò đùa của tạo hóa, càng uống lại càng tỉnh, lại càng nhận ra sự hẩm hiu duyên phận của chính mình; “khuyết chưa tròn” vầng trăng là ngoại cảnh mà cũng chính là tâm cảnh, tạo nên sự đồng nhất giữa cảnh vật và con người. Trăng sắp tàn mà vẫn khuyết cũng như con người tuổi xuân vội vã trôi qua mà tình duyên vẫn chưa trọn vẹn. Bốn câu thơ đầu đã khắc họa sâu sắc nỗi đau, bi kịch của người phụ nữ trong xã hội cũ.

    “Xiên ngang mặt đất rêu từng đám/ Đâm toạc chân mây đá mấy hòn”. Các động từ mạnh “xiên, đâm” kết hợp với “ngang, toạc” đã thể hiện sự ngang ngạnh, phẫn uất đến tột cùng của nhân vật trữ tình. Nếu như người phụ nữ trung đại nổi bật lên với tính cách cam chịu, khuất phục trước số phận thì ở đây lại xuất hiện một người phụ nữ hoàn toàn khác. Những sinh vật nhỏ bé dường kia không chịu mềm yếu trước hoàn cảnh thực tại, phải mọc xiên, đâm ngang để tìm sự sống. Đá phải kiên cường, rắn chắc để có thể đêm toạc chân mây. Biện pháp đảo ngữ trong hai câu thơ đã cho thấy sự phẫn uất của cỏ cây, đá đó đồng thời cũng chính là nỗi niềm của con người trước thực tại cuộc sống. Bởi vật, hình ảnh rêu xiên ngang, đá đâm toạc chân mây cũng chính là sự phản kháng của người phụ nữ trước thực tại nhiều bất công, ngang trái.

    Ngán nỗi xuân đi, xuân lại lại

    Mảnh tình san sẻ tí con con.

Trong câu thơ có hai chữ “xuân” xuất hiện, chữ “xuân” thứ nhất là tuổi xuân của con người, “xuân” thứ hai là mùa xuân của vạn vật. Hai chữ xuân này kết hợp với từ “lại” đã nhấn mạnh tuổi xuân của con người một đi không trở lại, trái ngược với mùa xuân của thiên nhiên đất trời, mỗi khi xuân của đất trời quay lại đồng nghĩa với tuổi xuân của con người ngày một rút ngắn, nỗi chán ngán lại càng gia tăng. Thủ pháp nghệ thuật tăng tiến, nhấn mạnh vào sự nhỏ bé dần, làm cho hoàn cảnh càng trở nên éo le hơn: “Mảnh tình san sẻ tí con con”. Mảnh tình vốn đã bé, đã nhỏ nay lại phải san sẻ lại càng trở nên ít ỏi, eo hẹp hơn. Tình cảnh đó thật xót xa, tội nghiệp. Hai câu thơ kết thể hiện nỗi lòng sâu kín của người phụ nữ trong xã hội cũ: với họ tình yêu, hạnh phúc thật mong manh, bé nhỏ.

Hồ Xuân Hương là bậc thầy trong sử dụng ngôn ngữ, thông qua khả năng diễn đạt tư tưởng, tình cảm của nhân vật trữ tình: tả âm thanh (văng vẳng), tả cảm giác (trơ, say, lại tỉnh, ngán), tả động thái (xiên ngang, đâm toạc),… Nghệ thuật đảo ngữ tài tình (xiên ngang, đâm toạc). Giọng điệu thơ phẫn uất, tủi hờn. Tất cả đã hòa quyện với nhau để diễn tả sự cô đơn, thân phận bé nhỏ của người phụ nữ trong xã hội cũ.

Với ngôn ngữ giản dị, giàu sức gợi cảm, sử dụng thành công phép đối, tác phẩm vừa nói lên số phận rẻ rúng, bi kịch người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Đồng thời còn cho thấy khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của Hồ Xuân Hương nói riêng và của người phụ nữ trong xã hội cũ nói chung.

Bài văn mẫu số 2: Phân tích bài thơ Tự Tình 2 của Hồ Xuân Hương

Hồ Xuân Hương là nữ sĩ tài ba ở nước ta vào cuối thế kỉ XVIII — đầu thế kỉ XIX. Ngoài tập "Lưu Hương kí" bà còn để lại khoảng 50 bài thơ Nôm, phần lớn là thơ đa nghĩa, vừa có nghĩa thanh vừa có nghĩa tục. Một số bài thơ trữ tình đằm thắm, thiết tha, buồn tủi... thể hiện sâu sắc thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ, với bao khao khát sống và hạnh phúc tình duyên. Chùm thơ "Tự tình" phản ánh tâm tư tình cảm của Hồ Xuân Hương, của một người phụ nữ lỡ thì quá lứa, duyên phận hẩm hiu,... Bài thơ này là bài thứ hai trong chùm thơ Tự tình" ba bài.

Thi sĩ Xuân Diêu trong bài "Hồ Xuân Hương bà chúa thơ Nôm" đã viết: "Bộ ba bài thơ trữ tình này cùng với bài "Khóc vua Quang Trung" của công chúa Ngọc Hân là một khóm riêng biệt, làm tiếng lòng chân thật của người đàn bà tự nói về tình cảm bản thân của đời mình trong văn học cổ điển Việt Nam..." Ông lại nhận xét thêm về đỉệu thơ, giọng thơ: "...trong bộ ba bài thơ tâm tình này, bên cạnh bài thơ vần "ênh” và bài thơ vần "om" oán hận, thì bài thơ vần "on" này mong đợi, chon von".

    "Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,

    Trơ cái hồng nhan với nước non.

    Chén rượu hương đưa say lại tĩnh,

    Vầng trăng bống xế khuyết chưa tròn.

    Xiên ngang mặt đất rêu từng đám,

    Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.

    Ngán nỗi xuân đi, xuân lại lại,

    Mảnh tình san sẻ tí con con!".

Hai trong ba bài thơ, nữ sĩ đều nói về đêm khuya, canh khuya. "Tự tình" bà vi "Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom - Oán hận trông ra khắp mọi chòm". Ở bài thơ này cũng vậy, bà tỉnh dậy lúc canh khuya, hay thao thức suốt đêm khuya, tâm trạng ngổn ngang phiền muộn. Âm thanh "văng vẳng" của tiếng trống từ một chòi canh xa đưa lại như thúc giục thời gian trôi nhanh, tuổi đời người đàn bà trôi nhanh: "Canh khuya văng vẳng trống canh dồn". "Hồng nhan" là sắc mặt hồng, chỉ người phụ nữ. "Trơ" nghĩa là lì ra, trơ ra, chai đi, mất hết cảm giác. "Nước non": chỉ cả thế giới tự nhiên và xã hội.

Câu thơ: "Trơ cái hồng nhan với nước non" nói lên một tâm trạng: con người đau buồn nhiều nỗi, nay nét mặt thành ra trơ đi trước cảnh vật, trước cuộc đời, tựa như gỗ đá, mất hết cảm giác. Nỗi đau buồn đã đến cực độ. Từ "cái" gắn liền với chữ "hồng nhan" làm cho giọng thơ trĩu xuống, làm nổi bật cái thân phận, cái duyên phận, cái duyên số đã quá hẩm hiu rồi. Ta có cảm giác tiếng trống dồn canh khuya, thời gian như cơn gió lướt qua cuộc đời, lướt qua số phận và thân xác nhà thơ. Con người đang than thân trách phận ấy đã có một thời son trẻ tự hào: "Thân em vừa trắng lại vừa tròn", có phẩm hạnh một "tấm lòng son" trọn vẹn, lại tài năng, thế mà nay đang trải qua những đêm dài cay đắng. Qua đó, ta thấy cái xã hội phong kiến buổi ấy chính là tác nhân đã làm xơ xác, khô héo phận hồng nhan.

Đằng sau hai câu đề là những tiếng thở dài ngao ngán. Cố vẫy vùng để thoát ra, bươn ra khỏi cái nghịch cảnh nhưng đâu dễ! Tiếp theo là hai câu thực:

    "Chén rượu hương đưa say lợi tỉnh,

    Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn".

Nghệ thuật đối rất thân tình: "Chén rượu" với "vầng trăng", trên thì "hương đưa", dưới lại có "bóng xế", đặc biệt ba chữ "say lại tỉnh" vời "khuyết chưa tròn" đăng đối, hô ứng nhau làm nổi bật bi kịch về thân phận người đàn bà dang dở, cô đơn. Muốn mượn chén rượu để khuây khoả lòng mình, nhưng vừa nâng chén rượu lên môi mùi hương phả vào mặt, đưa vào mũi. Tưởng uống rượu cho say để quên đi bao nỗi buồn, nhưng càng uống càng tỉnh. "Say lại tỉnh" để rồi tỉnh lại say, cái vòng luẩn quẩn ấy về duyên phận của nhiều phụ nữ đương thời, trong đó có Hồ Xuân Hương như một oan trái. Buồn tủi cho thân phận, bao đêm dài thao thức đợi chờ, nhưng tuổi đời ngày một "bóng xể". Bao hi vọng đợi chờ. Đến bao giờ vầng trăng mới "tròn"? Đến bao giờ hạnh phúc đến trong tầm tay, được trọn vẹn, đầy đủ? Sự chờ mong gắn liển với nỗi niềm khao khát. Càng cô đơn càng chờ mong, càng chờ mong càng đau buồn, đó là bi kịch của những người đàn bà quá lứa lỡ thì, tình duyên ngang trái, trong đó có Hồ Xuân Hương.

Hai câu trong phần luận, tác giả lấy cảnh để ngụ tình. Đây là hai câu thơ tả cảnh "lạ lùng" được viết ra giữa đêm khuya trong một tâm trạng chán ngán, buồn tủi:

    "Xiên ngang mặt đất rêu từng đám,

    Đâm toạc chân mây đá mấy hòn".

Ý thơ cấu trúc tương phản để làm nổi bật cái dữ dội, cái quyết liệt của sự phản kháng. Từng đám rêu mềm yếu thế mà cũng "xiên ngang mặt đất" được! Chỉ có rải rác "đá mấy hòn" mà cũng có thể "đâm toạc chân mây" thì thật kì lạ! Hai câu thơ, trước hết cho ta thấy thiên nhiên tiềm ẩn một sức sống đang bị nén xuống đã bắt đầu bật lên mạnh mẽ vô cùng. Thiên nhiên trong thơ Hồ Xuân Hương không chỉ mang màu sắc, đường nét, hình khối mà còn có gương mặt, có thái độ, có hành động, cũng "xiên ngang...", cũng "đâm toạc"... mọi trở ngại, thế lực. Xuân Hương vốn tự tin và yêu đời. Con người ấy đang trải qua nhiều bi kịch vẫn cố gắng gượng với đời. Phản ứng mạnh mẽ, dữ dội nhưng thực tại vẫn chua xót. Đêm đã về khuya, giữa cái thiên nhiên dào dạt, bốn bề mịt mùng bao la ấy, người đàn bà hẩm hiu càng cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết. Chẳng thế mà trong bài "Tự tình", nữ sĩ đã buồn tủi viết:

    "Mõ thảm không khua mà cũng cốc,

    Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om ?".

Cả nỗi đau trần thế như dồn tụ lại đáy lòng một người đàn bà cô đơn. Khao khát được sống trong hạnh phúc, được làm vợ, làm mẹ như mọi người đàn bà khác. Nhưng "hồng nhan bạc mệnh"! Đêm càng về khuya, người đàn bà không thể nào chợp mắt được, trằn trọc, buồn tủi, thân đơn chiếc, thiếu thốn yêu thương, xuân đi rồi xuân trở về, mà tình yêu chỉ được "san sẻ tí con con", phải cam chịu cảnh ngộ:

    "Ngán nỗi xuân đi, xuân lại lại,

    Mảnh tình san sẻ tí con con".

Xuân đi qua, xuân trở lại, nhưng với người phụ nữ thì "mỗi năm mỗi tuổi như đuổi xuân đi"... Chữ "ngán" nói lên nỗi đau, nỗi buồn tủi của người đàn bà lỡ thì quá lứa, đang trải qua sự mòn mỏi, đợi chờ. Tình duyên, tình yêu như bị tan vỡ, tan nát thành nhiều "mảnh", thế mà chua chát thay chỉ được "san sẻ tí con con". Câu thơ là tiếng than thân trách phận. Phải chăng đây là lần thứ hai Hồ Xuân Hương chịu cảnh làm lẽ ? Tình đã vỡ ra thành "mảnh" lại còn bị "san sẻ", đã "tí" lại "con con". Mỗi chữ như rưng rưng những giọt khóc. Câu thơ này, tâm trạng này được nữ sĩ nói rõ thêm trọng bài "Lấy chồng chung":

    "Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng,

    Chém cha cái kiếp lấy chồng chung,

    Năm thì mười hoạ hay chăng chớ,

    Môt tháng đôi lẩn có cũng không!.".

Tóm lại, "Tự tình" là lời tự than, tự thương xót, buồn tủi cho duyên số, duyên phận hẩm hiu của mình. Càng thao thức cô đơn, càng buồn tủi. Càng buồn tủi, càng khao khát được sống trong hạnh phúc trọn vẹn, đầy đủ. Thực tại nặng nề, cay đắng bủa vây, khiến cái hồng nhan phơi ra, "trơ" ra với nước non, với cuộc đời. Người đọc vô cùng cảm thông với nỗi lòng khao khát sống, khao khát hạnh phúc của nữ sĩ và người phụ nữ trong xã hội cũ. Giá trị nhân bản là nội dung sâu sắc nhất của chùm thơ “tự tình" của Hồ Xuân Hương.

Cách dùng từ rất đặc sắc, độc đáo thể hiện phong cách nghệ thuật Hồ Xuân Hương: "trơ cái hồng nhan", "say lại tỉnh", "khuyết chưa tròn", "xiên ngang", "đâm toạc", "ngán nỗi", "lại lại", "tí con con",... Chữ dùng sắc nhọn, cảnh ngụ tinh, diễn tả mọi đau khổ bi kịch về duyên số. Qua bài thơ này, ta càng thấy rõ Hồ Xuân Hương đã đưa ngôn ngữ dân gian, tiếng nói đời thường vào lời ca, bình dị hoá và Việt hoá thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Bà xứng đáng là "Bà chúa thơ Nôm" của nền thi ca dân tộc.

Bài văn mẫu số 3: Phân tích bài thơ Tự Tình 2 của Hồ Xuân Hương

    “Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi

    Này của Xuân Hương đã quệt rồi”

Hồ Xuân Hương - bà chúa thơ Nôm, một hiện tượng đặc biệt của thơ ca trung đại Việt Nam. Nữ thi sĩ có số phận éo le, ngang trái nên hồn thơ của bà là tiếng nói đại diện cho những người phụ nữ sống trong xã hội phong kiến với một khát vọng tình yêu, hạnh phúc lứa đôi. Chùm thơ “Tự tình” của bà gồm ba bài là sự phản ánh đặc sắc tâm tư, tình cảm của nhà thơ_ một người phụ nữ “hồng nhan bạc phận” đường tình duyên không trọn vẹn, quá lứa lỡ thì. Trong đó “Tự tình bài II” được coi là bài thơ hay nhất, giàu cảm xúc và lắng đọng nhất.

    “Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn

    ...Mảnh tình san sẻ tí con con!”

Bài thơ được viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật nhưng cái đặc sắc không phải viết bằng chữ Hán mà được viết bằng ngôn ngữ dân tộc chữ Nôm. Phải đến thời kì Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du thì phong trào làm thơ Nôm mới đạt đến đỉnh cao thực sự. Hồ Xuân Hương là người phụ nữ đa tài, đa tình mà số phận truân chuyên. Bà là con vợ lẽ, lại đã từng muộn màng đường tình duyên, từng mang thân đi làm lẽ và sống trong cảnh góa bụa. Chính hoàn cảnh ấy là cảm hứng cho bà sáng tác chùm thơ “Tự tình”. Bài thơ “Tự tình II” là hình ảnh người phụ nữ cô đơn, lẻ loi trong đêm khuya thanh vắng than ngẫm, đau xót cho thân phận của mình.

Phân tích bài thơ theo bố cục đề thực luận kết của thể thơ Đường luật. Với hai câu thơ đầu là không gian, thời gian cùng với tâm trạng tê tái của người phụ nữ.

    “Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn

    Trơ cái hồng nhan với nước non”

Thời gian ở đây là lúc đêm khuya khi mà con người chìm sâu vào trong giấc ngủ để nghỉ ngơi sau một ngày lao động mệt mỏi, thì nhân vật trữ tình ở đây lại thao thức, trằn trọc không ngủ được. Không gian là khoảng không bao la, rộng lớn yên tĩnh, vắng lặng nghe thấy “văng vẳng trống canh dồn” báo hiệu thời gian trôi qua rất nhanh. Nghệ thuật lấy động tả tĩnh lấy cái âm thanh “văng vẳng” của tiếng trống canh để nói cái không gian tĩnh lặng về đêm. Lấy cái ngoại cảnh để nói tâm cảnh. Là cảnh vật tác động đến con người hay là vì “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Đêm khuya thanh vắng là lúc con người ta trở nên bé nhỏ và lạc lõng vô cùng khi giường đơn gối chiếc đối diện với chính mình mà cảm thấy “trơ”. “Trơ”ở đây là trơ trọi, là cô độc chỉ có một mình, được đặt ở đầu câu càng nhấn mạnh nỗi đau, sự bất hạnh của một người phụ nữ có “hồng nhan”. Ấy là chỉ cái vẻ đẹp nhan sắc bên ngoài của người con gái “Thân em vừa trắng lại vừa tròn” nhưng cũng là để nói đến cái phẩm hạnh “Tấm lòng son” bên trong. Chữ “cái” nhằm cụ thể hóa đối tượng diễn tả “cái hồng nhan” cho thấy sự tủi hổ, bẽ bàng khi nhan sắc, đức hạnh của người phụ nữ bị coi rẻ, bị mỉa mai. “Nước non” chỉ cả thế giới tự nhiên và xã hội bên ngoài. “Trơ” phải chăng cũng là sự thách thức “nước non” của một con người có cá tính mạnh mẽ, táo bạo. Nó có cùng hàm nghĩa với chữ “trơ” trong câu thơ sau của Bà Huyện Thanh Quan: “Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt”. Vì lắm đau buồn mà nét mặt con người như trơ ra trước cảnh vật, trước mọi người như hóa đá không còn cảm giác. Người đọc tưởng như nghe được cả tiếng thở dài, ngao ngán của người phụ nữ trước duyên phận bẽ bàng.

Hai câu thực là lựa chọn của tác giả khi sầu tìm đến rượu, bà muốn mượn chút hương nồng để quên đi nỗi buồn nhưng càng uống lại càng tỉnh lại càng đau, nỗi buồn không nguôi trong vòng xoáy luẩn quẩn.

    “Chén rượu hương đưa say lại tỉnh

    Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”

Ngẩng đầu lên ngắm trăng mà trăng đã xế khi chưa lúc nào tròn. Vầng trăng ở đây vừa là hình ảnh thiên nhiên vừa là hình ảnh tượng trưng cho tuổi xuân của thi sĩ sắp qua đi mà tình yêu vẫn chưa bao giờ được trọn vẹn, được ắp đầy. Nghệ thuật đối trong hai câu thơ thật tài tình, đăng đối, hô ứng nhau cùng nhau làm nổi bật lên thân phận của một khách hồng nhan bạc mệnh tài hoa mà phải chịu cảnh dang dở. Nguyên do ấy là vì đâu? Phải chăng như Nguyễn Du đã từng nói về “Tài mệnh tương đố”, vì “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”.

Nếu như bốn câu thơ đầu là hoàn cảnh và tâm trạng cô đơn, lẻ bóng của tác giả thì bốn câu thơ sau là ý thức phản kháng mạnh mẽ, là tâm thế muốn bứt phá, muốn thay đổi số phận của mình nhưng càng cố gắng, càng hy vọng, càng mong muốn bao nhiêu thì lại càng thất vọng, xót xa bấy nhiêu khi “Mảnh tình san sẻ tí con con”. Đó chính là bi kịch của người phụ nữ có duyên phận hẩm hiu.

Hai câu luận là hai câu thơ tả cảnh ngụ tình, mượn ngoại cảnh để nói cái “chí”, cái “tình”bên trong của mình.

    “Xiên ngang mặt đất rêu từng đám

    Đâm toạc chân mây đá mấy hòn”

Rêu và đá là hai sự vật nhỏ bé nhưng không hề yếu mềm mà mang một sức sống mãnh liệt có thể “xiên ngang mặt đất” và “đâm toạc chân mây”, kết hợp với nghệ thuật đảo ngữ, sử dụng các động từ mạnh “xiên”, “đâm” cộng với bổ ngữ “ngang”, “toạc” vừa nhấn mạnh trạng thái của thiên nhiên nhưng cũng là để nhấn mạnh tâm trạng của con người phẫn uất, phản kháng không chịu chấp nhận số phận. Bà căm ghét cái kiếp làm lẽ mà thốt lên rằng: “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung/ Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng”

Phản ứng của bà tuy mạnh mẽ, dữ dội nhưng thực tại vẫn đắng cay, chua chát. Hồ Xuân Hương sống vào khoảng thời gian cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX. Đây là thời kì mà chế độ phong kiến Việt Nam rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng, mâu thuẫn xã hội ngày càng trở nên sâu sắc. Sống trong một xã hội “trọng nam khinh nữ” với chế độ đa thê nhà thơ muốn cất lên tiếng nói nhằm đấu tranh cho nữ giới, đòi quyền bình đẳng, muốn được sống, được yêu thương và có được cuộc đời hạnh phúc. Nhưng việc ấy không hề dễ dàng bởi chính bản thân bà vẫn đang phải chịu số phận éo le, ngang trái.

Số phận của thi sĩ cũng chính là số phận của biết bao những người phụ nữ trong xã hội xưa. Chính điều đó đã khiến cho Nguyễn Du phải khóc than cho thân phận của nàng Tiểu Thanh, nàng Kiều và những người phụ nữ như Hồ Xuân Hương:

    “Đau đớn thay thân phận đàn bà

    Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”

Hai câu kết nói về tận cùng của sự đau khổ, chán chường, buồn tủi tác giả thương cho thân cho phận của chính mình:

    “Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại

    Mảnh tình san sẻ tí con con!”

“Ngán”ở đây là tâm trạng, cảm xúc ngao ngán, chán nản cuộc đời ngang trái. Xuân chỉ mùa xuân của đất trời, mùa của muôn hoa đua nở khoe sắc khoe hương, mùa của sum họp nhưng còn có hàm ý chỉ tuổi trẻ, tuổi xuân thì của người phụ nữ. Từ “Lại” cho thấy sự tuần hoàn lặp đi lặp lại. Mùa xuân của thiên nhiên, đất trời qua đi rồi trở lại, nó đến mang đi mùa xuân của con người mùa xuân ấy thì chỉ một đi để rồi “Ngày xanh mòn mỏi, má hồng phôi pha” (Truyện Kiều).

Đáng lẽ mùa xuân tươi đẹp căng tràn nhựa sống trở về con người phải cảm thấy hớn hở, vui mừng thì thi sĩ lại càng cảm thấy thêm ê chề, ngao ngán bởi lẽ xuân đến là một lần tuổi đời lại thêm, tuổi trẻ dần qua đi mà bản thân mình vẫn đơn độc, thiếu thốn yêu thương khi “Mảnh tình san sẻ tí con con!” mảnh tình đã nhỏ bé lại còn san sẻ “Tí con con” tạo nên cảm xác xót thương, đau đớn, ngậm ngùi và ấm ức. Nghệ thuật tăng tiến nhấn mạnh vào những điều nhỏ bé càng làm cho nghịch cảnh càng trở nên éo le hơn.

Tự tình II là bài thơ tự than thân, tự bộc lộ, tự nói lên nỗi lòng của một người phụ nữ lận đường tình duyên nhưng luôn khao khát có được một tình yêu trọn vẹn xứng đáng với tấm chân tình của mình. Đặc sắc nghệ thuật của bài thơ cho thấy tài năng thi ca của tâm hồn thi sĩ với việc sử dụng nghệ thuật lấy động tả tĩnh, thủ pháp tả cảnh ngụ tình, dùng động từ mạnh kết hợp nghệ thuật đảo ngữ và các từ láy “văng vẳng”, “con con” với nghệ thuật tăng tiến càng làm cho bài thơ trở nên sâu sắc, thẫm đượm cái ý cái tình của người phụ nữ có nhiều nét độc đáo, mới lạ trong nền thơ ca văn học dân tộc.

Những hình ảnh giản dị với tâm trạng vừa buồn tủi, xót xa lại vừa uất ức cho thân kiếp làm lẽ của người phụ nữ đồng thời cũng là bi kịch và khát vọng hạnh phúc cá nhân của Hồ Xuân Hương. Bài thơ truyền tải ý nghĩa nhân văn sâu sắc tới độc giả dù sống trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhưng con người vẫn cố gắng vươn lên muốn thay đổi số phận, thay đổi nghịch cảnh mong muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn với hạnh phúc lứa đôi và tình duyên trọn vẹn.

CLICK NGAY vào nút TẢI VỀ dưới đây để tải các bài văn mẫu: Phân tích bài Tự Tình 2 Văn lớp 11 file word, pdf hoàn toàn miễn phí.

Đánh giá bài viết
2.8
4 lượt đánh giá
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
Copyright © 2020 Tailieu.com
DMCA.com Protection Status