Logo

Văn mẫu lớp 10: Phân tích Ngôn chí bài 3 của Nguyễn Trãi chọn lọc hay nhất

Những bài văn mẫu lớp 10: Phân tích Ngôn chí bài 3 của Nguyễn Trãi chọn lọc hay nhất, giúp các em nắm được dàn ý, trau dồi vốn từ và thêm ý tưởng hoàn thiện bài viết của mình.
2.1
27 lượt đánh giá

Ngôn chí (bài 3) là bài thơ nằm trong tập Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi. Tác phẩm được nghiên cứu trong chương trình Ngữ Văn 10 học kì 2 bộ sách Kết nối tri thức. Dưới đây là bài phân tích bài Ngôn chí 3 hay nhất giúp em hiểu hơn được những gì mà tác giả muốn gửi gắm, vẻ đẹp của thiên nhiên. Mời các em cùng tham khảo.

Dàn ý phân tích Ngôn chí bài 3

1. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
2. Thân bài:
2.1. Phân tích văn bản:
a. Vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên:
- Các hình ảnh gắn liền với thiên nhiên: "am trúc hiên mai", "nước", "ao", "nguyệt", "đất cày", "hoa", "đêm tuyết".
- Không gian sống yên bình, thanh tĩnh với hình ảnh của mái hiên và cây mai.
=> Không gian tách hẳn sự ồn ào, xô bồ của thế giới náo nhiệt bên ngoài.
- Khung cảnh nên thơ của thế giới tự nhiên:
+ "nguyệt": trong thơ ca cổ, ánh trăng thường gợi ra vẻ nên thơ, trữ tình, là nguồn cảm hứng bất tận để lòng người bật ra ý thơ. Câu thơ "nước dưỡng cho thanh, trì thưởng nguyệt": bóng trăng in xuống mặt nước trong xanh.
+ "Đất cày ngõ ải, lảnh ương hoa": đất đã được cày cuốc, vun xới và phơi nắng nên rất khô, tơi, bở. Đây là môi trường sống thuận lợi của cỏ cây. Đất ươm mầm những loài hoa và giúp hoa tỏa hương thơm ngát.
=> Gợi ra sự tốt tươi, trù phú của vạn vật.
=> Thiên nhiên hiện lên tràn đầy sức sống, vừa yên bình vừa thơ mộng, trữ tình.
b. Tâm trạng của nhân vật trữ tình:
- Hài lòng, mãn nguyện với cuộc sống hiện tại:
+ "Am trúc hiên mai ngày tháng qua": ngày qua ngày an yên ở nơi quê nhà.
+ "Thị phi nào đến cõi yên hà": những đàm tiếu, dị nghị của thiên hạ không thể đến được chốn ở của nhà thơ. => Nhà thơ sống ở chốn thanh tĩnh, cách xa cuộc sống xô bồ, bỏ lại bên ngoài những thứ thị phi, đúng sai, phải trái của người đời.
+ "Cơm ăn dầu có dưa muối;/ Áo mặc nài chi gấm là.": hài lòng với cuộc sống giản đơn, không màng đến vinh hoa phú quý.
- Thong thả, nhàn nhã:
+ "Nước dưỡng cho thanh, trì thưởng nguyệt": Đây là lối nói ẩn dụ, nước giữ gìn sự thanh khiết để thưởng thức ánh trăng cũng như con người giữ gìn sự liêm khiết và cốt cách cao cả.
+ "Đất cày ngõ ải, lảnh ương hoa": hoạt động cày cuốc, trồng trọt.
- Thăng hoa, lãng mạn:
+ "Trong khi hứng động vừa đêm tuyết": Cảm hứng được khơi dậy vào đêm tuyết.
+ "Ngâm được câu thần dặng dặng ca": cảm xúc tràn đầy, cất tiếng ngâm ca.
2.2. Đánh giá:
a. Nội dung:
- Bài thơ cho thấy vẻ đẹp tư tưởng, tâm hồn của tác giả Nguyễn Trãi. Đó là tình yêu thiên nhiên sâu sắc và cốt cách cao đẹp.
b. Nghệ thuật:
- Câu lục xen lẫn câu thất ở dòng thứ ba, tư.
- Hình ảnh thơ ước lệ, giản dị, gần gũi.
- Ngôn ngữ mộc mạc, mang giọng điệu của lời ăn tiếng nói hàng ngày.
3. Kết bài:
- Khẳng định giá trị của tác phẩm.

Phân tích bài Ngôn chí 3 của Nguyễn Trãi chọn lọc hay nhất

Nguyễn Trãi không chỉ là nhà văn hóa lớn mà còn là nhà thơ đại tài của dân tộc. Ông đã được UNESCO vinh danh là Danh nhân văn hóa thế giới bởi những đóng góp to lớn của mình. Tập "Quốc âm thi tập" do ông sáng tác bằng chữ Nôm đã đánh dấu sự hình thành cho thơ ca tiếng Việt, một trong số đó là "Ngôn chí" (bài 3). Đây là tác phẩm có ý nghĩa quan trọng, thể hiện được nhân cách, tư tưởng cao cả, tốt đẹp của nhà thơ Nguyễn Trãi.

Trước hết, nổi bật trong văn bản là vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên. Các hình ảnh gắn liền với thiên nhiên có thể kể đến trong tác phẩm là "am trúc hiên mai", "nước", "ao", "nguyệt", "đất cày", "hoa", "đêm tuyết". Ở hai câu thơ đầu tiên, chúng ta có thể thấy được không gian sống yên bình, thanh tĩnh qua hình ảnh mái hiên và cây mai. Từ "yên hà" ngoài việc chỉ nơi ở yên tĩnh còn diễn tả vẻ đẹp của bầu trời lúc bình minh hoặc hoàng hôn. Khói sương, khói sóng ngập tràn khắp đất trời, hòa cùng với ánh rực rỡ của bầu trời khi ngày mới sang hay lúc chiều tà. Dường như, nơi ở của nhà thơ tách biệt hoàn toàn với sự ồn ào, xô bồ của thế giới náo nhiệt bên ngoài. Ở đó chỉ có thi nhân cùng vẻ đẹp ngây ngất của đất trời.

Ở những câu thơ tiếp theo, thiên nhiên trong cảm nhận của nhân vật trữ tình thật nên thơ. Trong thơ ca cổ, ánh trăng không chỉ là ánh sáng tự nhiên xua tan đêm tối mà còn là nguồn cảm hứng vô tận để lòng người bật ra ý thơ. Câu thơ "nước dưỡng cho thanh, trì thưởng nguyệt" vừa diễn tả được độ trong của nước ao vừa khắc họa được sự huyền hoặc, lung linh của ánh trăng. Vào đêm thanh vắng, bóng trăng in xuống mặt nước trong xanh. Bức tranh thiên nhiên ấy còn hiện lên một cách chân thực và sinh động với hình ảnh của "đất" và "hoa" ở dòng "Đất cày ngõ ải, lảnh ương hoa". Đất đã được cày cuốc, vun xới kĩ càng nên rất khô, tơi và bở. Đây là môi trường sống thuận lợi của cỏ cây. Từ "ương" được hiểu là ấp ủ, làm cho một vật gì đó sinh sôi, nảy nở. Như vậy, đất ươm mầm những loài hoa, giúp hoa tỏa hương thơm ngát. Dòng thơ gợi ra sự tốt tươi, trù phú của vạn vật. Thiên nhiên hiện lên đầy sức sống, vừa yên bình vừa thơ mộng, trữ tình trong đôi mắt của một con người tràn ngập tình yêu dành cho tự nhiên.

Bên cạnh bức tranh thiên nhiên, ta còn thấy được tâm trạng, cảm xúc của nhân vật trữ tình. Trước cuộc sống hiện tại, chủ thể trữ tình bày tỏ sự hài lòng, mãn nguyện:

"Am trúc hiên mai ngày tháng qua.
Thị phi nào đến cõi yên hà."

Cụm từ "ngày tháng qua" gợi ra sự chảy trôi của thời gian. Thời gian đi qua một cách êm đềm từ ngày này qua tháng nọ cũng như cuộc sống an yên của nhân vật trữ tình. Lui về ở ẩn, những đàm tiếu, dị nghị của thiên hạ không thể đến được chốn ở của thi nhân "Thị phi nào đến cõi yên hà". Nhân vật trữ tình sống ở chốn thanh tĩnh cách xa cuộc sống xô bồ, bỏ lại bên ngoài những "thị phi", đúng sai, phải trái của người đời. Dường như, chủ thể trữ tình đã đạt đến sự tự do, tự tại trong tâm hồn.

Đến câu ba, bốn, ta thấy thể thơ đã có sự thay đổi khi câu lục xen giữa câu thất. Tác giả bày tỏ sự hài lòng với cuộc hiện hiện tại "Cơm ăn dầu có dưa muối;/ Áo mặc nài chi gấm là". Vải gấm là một loại vải có nguồn gốc từ tự nhiên, được dệt từ sợi tơ tằm. Đây được coi là loại vải thượng hạng vì có họa tiết cầu kì, bắt mắt cũng như đem đến cho người mặc cảm giác mềm mịn, mượt mà. Bởi lẽ đó, gấm chỉ dành cho các vị vua chúa, quan lại ở thuở xưa. Từ bỏ quan trường để lui về ở ẩn, nhân vật trữ tình không cần đến áo gấm lụa là, cơm ăn dù chỉ có dưa muối nhưng vẫn cảm thấy vui vẻ, mãn nguyện. Đó là cốt cách của một con người đường hoàng, cao cả, không màng vinh hoa, phú quý.

Câu thơ "nước dưỡng cho thanh, trì thưởng nguyệt" mang vẻ đẹp trữ tình, thơ mộng của thiên nhiên nhưng cũng chất chứa suy nghĩ, tâm tư của tác giả. Đây là một lối nói ẩn dụ của nhà thơ. Nước giữ gìn sự thanh khiết để thưởng thức ánh trăng cũng như con người phải giữ gìn, nuôi dưỡng sự liêm khiết để đón nhận những điều tốt đẹp. Cuộc sống hàng ngày diễn ra trong êm đềm, thong thả với công việc lao động bình dân "Đất cày ngõ ải, lảnh ương hoa". Giờ đây, nhà thơ không còn là một vị quan oai phong, lẫm liệt mà trở về sống như người nông dân ngày ngày cuốc đất, trồng trọt. Đó là cuộc sống hết sức bình dị, thảnh thơi.

Trong hai câu thơ cuối cùng, dường như cảm xúc đã đạt đến sự thăng hoa, hưng phấn. Cảm hứng của thi nhân được khơi dậy vào một đêm tuyết rơi. "Câu thần" nghĩa là câu thơ hay. Cảm xúc tràn đầy lại ngẫm nghĩ được câu thơ hay khiến nhân vật trữ tình không thể kiềm được mà cất tiếng ngâm, ca.

Như vậy, với câu lục xen lẫn câu thất cùng hình ảnh thơ ước lệ, giản dị, gần gũi và ngôn ngữ mộc mạc, mang giọng điệu của lời ăn tiếng nói hàng ngày, nhà thơ đã bộc lộ tình yêu thiên nhiên và sự hài lòng, thảnh thơi khi cáo quan về ở ẩn. Bài thơ đã tô đậm vẻ đẹp tư tưởng, tâm hồn của tác giả Nguyễn Trãi. Đó là một con người vĩ đại với nhân cách cao cả, lớn lao.

Không phải ngẫu nhiên, Nguyễn Trãi lại được các bậc anh minh trọng dụng và hậu thế ngàn đời coi trọng tôn vinh. "Ngôn chí" (bài 3) nói riêng và các sáng tác của ông đã cho thấy tư tưởng vượt thời đại, luôn gắn bó tha thiết với thiên nhiên, đất nước và con người. Bởi vậy, các tác phẩm của ông luôn sống mãi trong lòng của người dân Việt Nam.

CLICK NGAY nút TẢI VỀ dưới đây để tải bản Full của tài liệu: Văn mẫu lớp 10: Phân tích Ngôn chí bài 3 của Nguyễn Trãi chọn lọc hay nhất

Đánh giá bài viết
2.1
27 lượt đánh giá
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
Copyright © 2020 Tailieu.com
DMCA.com Protection Status