Logo

Phân tích bức tranh mùa thu qua bài thơ Câu cá mùa thu lớp 11 tuyển chọn

Top 2 bài văn hay: Phân tích bức tranh mùa thu qua bài thơ Câu cá mùa thu lớp 11 tuyển chọn ý nghĩa nhất, là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích giúp các em nâng cao khả năng viết văn để đạt điểm cao trong các bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 11.
2.7
6 lượt đánh giá

Bài văn mẫu: Phân tích bức tranh mùa thu qua bài thơ Câu cá mùa thu Văn 11 tuyển chọn, hay nhất sẽ giúp các em học sinh đưa ra các lập luận, lý lẽ chính xác và ý nghĩa nhất để hoàn thành xuất sắc bài viết của mình.

Bài văn mẫu số 1: Phân tích bức tranh mùa thu qua bài thơ Câu cá mùa thu

   Mùa thu – đề tài của thi ca muôn đời. Mỗi người nghệ sĩ có những cảm nhận riêng mỗi độ thu về khiến cho kho tàng thơ ca viết về mùa thu càng trở nên phong phú và đặc sắc hơn. Trong số những bài thơ kiệt tác viết về mùa thu ta không thể không nhắc đến chùm ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến, đặc biệt là bài Câu cá mùa thu – tác phẩm điển hình cho phong cảnh làng quê Bắc Bộ.

    Bức tranh mùa thu hiện lên với vẻ đẹp cổ điển vốn có của thi ca muôn đời với cái tĩnh lặng trong cảnh và tâm của người nghệ sĩ. Bài thơ mở ra bằng không gian hẹp, ở gần:

    Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

    Mùa thu đối với Nguyễn Khuyến không chỉ được cảm nhận ở những cơn gió se se đặc trưng mà còn được cảm nhận ở làn nước trong veo lạnh lẽo. Nhưng cảm nhận của ông thật tinh tế, vận dụng mọi giác quan để cảm biết mùa thu. Cái lạnh lẽo thấm vào da thịt. Màu nước trong veo có thể nhìn thấu xuống đáy. Trong cái trong veo của nước bằng sự nhạy cảm, Nguyễn Khuyến còn nhanh chóng nhận ra “sóng biếc theo làn hơi gơn tí”. Chỉ gợn một nét rất nhỏ, rất thanh, khiến cho người đọc cảm nhận được cái tĩnh lặng tuyệt đối của không gian.

    Không gian được mở rộng khi hình ảnh thu thiên được tác giả nắm trọn từng vẻ đẹp:

    Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt.

    Câu thơ cho thấy độ cao thẳm thăm của không gian, màu xanh không chỉ gợi nên cái êm dịu của bầu trời, mà nó còn khiến cho vòm trời trở nên rộng rãi khoáng đạt hơn. Không dừng lại ở đó, thi nhân còn nhận ra những chiếc lá mùa thu khẽ đưa vèo trong gió: Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo. Nếu như ở những bài thơ khác, hình ảnh lá rơi bao giờ cũng gợi về sự tàn lụi, héo úa, sự chia phôi đôi ngả, như trong câu thơ của Nguyễn Du:

    Người lên ngựa kẻ chia bào

    Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san

    Thì trong câu thơ của Nguyễn Khuyến tuyệt nhiên không gợi lên cảm giác đó. Chiếc lá rơi như một lẽ rất tự nhiên của tạo hóa, khi thu về chỉ cần một cơn gió thoáng qua cũng khiến những chiếc lá chao mình liệng rơi xuống đất. Câu thơ đã nắm trọn khoảnh khắc, thần thái của mùa thu êm dịu, thanh bình. Những hình ảnh trong thơ Nguyễn Khuyến thật bình dị, thân thuộc, những câu thơ không chỉ cho người đọc cảm nhận đầy đủ, trọn vẹn cái hồn thu mà còn cảm được cái hồn của cuộc sống ngày xưa, đó là cuộc sống êm đềm, bình dị, thanh thản.

    Trong không gian thu đầy tĩnh lặng ấy con người xuất hiện chỉ là một nét vẽ rất nhỏ, rất khẽ: “Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”. Đặc biết cuối bài thơ, trong không gian đầy chất thu ấy hiện lên dáng người ung dung bất động: Tựa gối buông cần lâu chẳng được. Không gian ao nhỏ hẹp, kết hợp với dáng dáng ngồi “tựa gối” thu mình trong chiếc thuyền bé tạo nên sự hòa hợp bất ngờ giữa người và cảnh. Dường như trong không gian ấy mọi vật đều trở nên bé lại, nhỏ lại. Người đi câu mà dường như không bận tâm đến chuyện câu cá, trong cái buông cần lâu chẳng được ẩn chứa cả một sự thờ ơ, không quan tâm, cả nỗi niềm, tâm trạng.

    Với bút pháp lấy động tả tĩnh tài tình để miêu tả chuyển động của cảnh vật và âm thanh sóng gợi đôi chút, lá khẽ đưa nhanh, tầng mây lơ lửng dường như khiến cả không gian ngập đầy trong sự yên tĩnh. Đặc biệt trong câu thơ cuối tiếng động khẽ của cá đớp mồi dưới chân bèo cũng khiến người thi nhân cảm nhận được, qua đó càng cho thấy rõ hơn cái tĩnh mịch của không gian, cảnh vật. Với bút pháp chấm phá, lấy động tả tĩnh bức tranh thu cổ điển dưới ngòi bút Nguyễn Khuyến hiện lên thật trong lành, thanh tĩnh và yên bình.

    Bên cạnh vẻ đẹp cổ điển, bức tranh thu của ông còn mang cái thần thái riêng của mùa thu đồng bằng Bắc Bộ. Nét chân thực, riêng biệt đó được thể hiện qua hàng loạt các hình ảnh quên thuộc của đời sống ở làng quê Việt Nam: thuyền câu, ngõ trúc, ao bèo,… Ngoài ra ông còn sự dụng một cách thuần thục, tài tình vốn ngôn ngữ đời sống: trong veo, bé tẻo teo, đưa vèo, vắng teo,… để thổi hồn vào bức tranh thiên nhiên. Ngôn từ vốn hết sức bình dị nhưng lại tóm được tất cả cái thần, cái hồn của thiên nhiên làng cảnh Việt Nam. Với ngòi bút đậm chất hội họa và vô cùng tinh tế, Nguyễn Khuyến đã khắc họa bức tranh mùa thu nên thơ với những nét đặc trung nhất của mùa thu ở làng quê đồng bằng Bắc Bộ.

    Qua bức tranh làng cảnh Việt Nam vào thu người đọc cảm nhận được tình yêu thiên nhiên, niềm tha thiết với cuộc đời sâu sắc của tác giả. Không chỉ vậy, bằng lớp ngôn từ dung dị, gần gũi, với cách sử dụng tử vận “eo” tài tình ta còn thấy được tài năng nghệ thuật bậc thầy của Nguyễn Khuyến.

Bài văn mẫu số 2: Phân tích bức tranh mùa thu qua bài thơ Câu cá mùa thu

   Viết về đề tài mùa thu đã từng có rất nhiều những thi nhân mặc khách như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du thả hồn mình với non nước mây trời nhưng phải đến Nguyễn Khuyến với chùm thơ thu thì cảnh thu mới thực sự hiện lên rõ nét có những đặc trưng của riêng nó. Đặc biệt là bài “Thu điếu” “điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam”. Bức tranh thu thanh bình, tĩnh lặng với những hình ảnh giản dị, mộc mạc mà có sức hấp dẫn riêng được thi sĩ đặc tả qua tám câu thơ thất ngôn bát cú Đường luật.

   Nếu như trong thơ Nguyễn Trãi cảnh thu vẫn là thu mượn với những hình ảnh ước lệ, tượng trưng thì đến Nguyễn Khuyến bằng tài năng của mình đã đưa thơ Việt Nam phát triển lên một bước mới gần với hiện thực, cụ thể và sinh động hơn trong bút pháp miêu tả. Mùa thu trong thơ ông là mùa thu của dân tộc, mùa thu của vùng quê chiêm trũng Bắc Bộ.

   Mở đầu là khung cảnh mùa thu được hiện ra trước mắt với hình ảnh:

    “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

    Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”

   Cảnh thu được gói vào trong không gian eo hẹp và tĩnh lặng, ao thu bé tí nổi lên là chiếc thuyền câu bé tẻo teo. Hai câu thơ gợi cho ta thấy một không gian thật nên thơ chữ tình để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng độc giả.

   Nguyễn Khuyến tả cảnh thu không chỉ dừng lại ở đó mà còn miêu tả thật sinh động với hình ảnh “sóng biếc”, “lá vàng” có những chuyển động thật nhẹ nhàng, tinh tế. Cái động ấy càng tô đậm thêm sự tĩnh tại của cảnh vật với nghệ thuật lấy động tả tĩnh. Chữ “vèo” gợi ra cái thanh mảnh, mong manh của chiếc lá mùa thu nhưng có một sức hút làm nên đặc sắc nghệ thuật khiến cho Tản Đà phải tâm đắc, khâm phục. Ông thổ lộ một đời thơ ông mới có được một câu thơ vừa ý “Vèo trông lá rụng đầy sân”.

   Nguyễn Khuyến như hóa thân thành nhà quay phim, tầm nhìn của ông như chiếc máy quay khi gần, khi xa, khi ở dưới mặt ao rồi lại quay đến tầm cao trên bầu trời hay là cả chiều sâu hun hút của ngõ trúc quanh co. Ngõ trúc là đặc trưng của làng quê Bắc Bộ. Phải là một con người có tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước đến vô cùng mới có được tầm nhìn bao quát đến từng chi tiết miêu tả cảnh thu. Màu xanh của da trời, màu xanh của trúc bao trùm lên sắc màu của không gian. Cảnh vật trở nên u tịch, cô liêu, hiu hắt với tính từ “vắng teo” tức là vắng tanh, vắng ngắt không một bóng người đồng thời cũng cho thấy sự thoáng đãng, trong lành của không gian nơi đây.

   Cảnh thu trong bài thơ “Câu cá màu thu” là khung cảnh đẹp có sự vắng lặng, thanh bình. Mọi sự vận động đều trở nên rất nhẹ nhàng, chuyển động mà như có như không của sóng gợn, của lá thu duyên dáng bay trong gió. Con người ở đây cũng vậy không hề to lớn như những con người của thời đại với tư thế “hoành sóc” như trong “Thuật hoài” của Phạm Ngũ Lão mà nó cô liêu, đơn độc nhỏ bé trong không gian:

    “Tựa gối buông cần lâu chẳng được

    Cá đâu đớp động dưới chân bèo”

   Nguyễn Khuyến xuất hiện với tư thế ngồi bó gối buông cần thả câu toát lên vẻ trầm tư tạo nên một đường nét bất động trên nền bức tranh thu tĩnh lặng. Nhà thơ như mơ hồ giữa thực tại mà bất giác bị giật mình khi tiếng cá đớp động dưới chân bèo. Có thể nói âm thanh vang lên trên cái nền tĩnh động của không gian là nét đặc sắc trong phong cách nghệ thuật tả cảnh của nhà thơ. Con người và cảnh vật như hòa vào nhau làm một tạo nên một bức tranh thủy mặc đậm chất cổ điển. Cái tĩnh cái buồn ấy nó không chết lặng mà vẫn có sự trong sáng, thơ mộng và có sức sống bất diệt trong thơ ca.

   Bài thơ “Câu cá mùa thu” đã đặc tả được bức tranh mùa thu của làng cảnh Việt Nam thật với tất cả những vẻ đẹp đơn sơ, bình dị đậm chất thôn quê được tái hiện qua lăng kính tâm hồn và thành công với nghệ thuật miêu tả tài tình của tác giả. Nguyễn Lộc đã nhận định: “Nói về thiên nhiên, trong văn học cổ có rất nhiều, tả cái đẹp của thiên nhiên mùa thu trong văn học cổ rất hay. Nhưng trước Nguyễn Khuyến chưa bao giờ có một thiên nhiên đậm đà phong vị của quê hương đất nước đến thế.”

CLICK NGAY vào nút TẢI VỀ dưới đây để tải các bài văn mẫu: Phân tích bức tranh mùa thu qua bài thơ Câu cá mùa thu Văn lớp 11 file word, pdf hoàn toàn miễn phí.

Đánh giá bài viết
2.7
6 lượt đánh giá
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
Copyright © 2020 Tailieu.com
DMCA.com Protection Status