Logo

Phân tích đoạn trích "Việc nhân nghĩa… tan tác chim muông" trong Bình Ngô đại cáo

Bài văn mẫu Phân tích đoạn trích "Việc nhân nghĩa… tan tác chim muông" trong bài Bình Ngô đại cáo lớp 10 hay nhất là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích giúp các em nâng cao khả năng viết văn môn Ngữ Văn 10
2.8
8 lượt đánh giá

Những bài văn mẫu Phân tích đoạn trích "Việc nhân nghĩa… tan tác chim muông" trong bài Bình Ngô đại cáo Văn 10 tuyển chọn, hay nhất sẽ giúp các em học sinh đưa ra các lập luận, lý lẽ chính xác và ý nghĩa nhất để hoàn thành xuất sắc bài viết của mình.

Phân tích đoạn trích "Việc nhân nghĩa… tan tác chim muông" trong bài Bình Ngô đại cáo Ngữ Văn lớp 10 mẫu 1

Nguyễn Trãi là một tác giả lớn, có nhiều sáng tác bằng chữ Hán và chữ Nôm. Những tác phẩm nổi tiếng và được bạn đọc biết đến nhiều nhất chính là “Bình Ngô đại cáo”. Đây là sáng tác được Nguyễn Trãi thừa lệnh của Lê Lợi sau chiến thắng giặc Minh, nó có giá trị như một bản Tuyên ngôn độc lập.

“Bình Ngô đại cáo” được viết vào tháng chạp, năm Đinh Mùi. Bài cáo đã thể hiện giá trị nhân đạo sâu sắc cũng như lời răn đe của người dân Việt đến những kẻ có ý đồ xâm chiếm nước Nam. Đoạn trích thấm đẫm giá trị lịch sử, nghệ thuật và nội dung sâu sắc.

Giá trị nhân đạo được thể hiện rõ nét trong 10 câu đầu của bài thơ:

Từng nghe:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo

Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

Núi sông bờ cõi đã chia

Phong tục Bắc Nam cũng khác

Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương

Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau

Song hào kiệt thời nào cũng có.

Khi nhắc tới dân tộc

“Đại Cáo bình ngô” có giá trị như một bản tuyên ngôn độc lập, được viết theo thể cáo. Cáo là một thể nghị luận được vua chúa sử dụng để trình bày một chủ trương, một sự nghiệp hay một tuyên bố nào đó cho mọi người.

Hai câu thơ đầu của “Bình Ngô đại cáo” thấm đẫm tư tưởng nhân nghĩa, là cội nguồn sức mạnh của cuộc kháng chiến, là linh hồn của bài cáo

Nhà văn định nghĩa từ nhân nghĩa như sau: Nhân nghĩa đó là một tư tưởng của dân tộc đã được hình thành và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử. Nói tới mục đích của nhân nghĩa thì tác giả khẳng định là “cốt để yên dân”, là bảo vệ hạnh phúc của nhân dân. Hạnh phúc của một đất nước là độc lập, tự tôn dân tộc, quốc gia, còn hạnh phúc lớn nhất của dân là được sống trong môi trường hoà bình, yên ổn làm ăn, không lâm vào cảnh chết chóc, đau thương.

“Từng nghe:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”

Mở đầu bài cáo tác giả đã đưa ra tư tưởng, nhân nghĩa, nhân đạo. “Nhân” có nghĩa là người, “nghĩa” chính đáng, “nhân nghĩa” là mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người trên cơ sở tình thương và đạo lý. Nguyễn Trãi đã Việt hóa tư tưởng nhân nghĩa của mình, chắt lọc những gì cơ bản và quan trọng nhất, nhân nghĩa là lo cho dân, vì dân, cốt “yên dân”, “lo trừ bạo cho dân”, vì dân mà diệt trừ cái ác chống lại giặc ngoại xâm, bảo vệ dân tộc bằng chiến tranh chính nghĩa.

Tư tưởng của ông là sự kết hợp hài hòa và tinh túy giữa nhân dân và thực tiễn của dân tộc, ông đứng trên cơ sở, lập trường của nhân dân thông qua đó để vạch trần, tố cáo tội ác của quân thù và bộ mặt giả nhân, giả nghĩa của chúng. Qua đó để chứng tỏ rằng Nguyễn Trãi là người vì dân, vì nước, cống hiến suốt đời vì dân tộc.

Tác giả đã nêu rõ chính nghĩa, nhân nghĩa thì phải làm gì: Nhân nghĩa gắn liền với việc bảo vệ chủ quyền đất nước, khẳng định chủ quyền quốc gia, tinh thần độc lập dân tộc:

“Nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

Núi sông bờ cõi đã riêng

Phong tục Bắc Nam cũng khác”

Nước ta được biết đến là một trong những cái nôi của nền văn minh loài người có nhà nước, địa lý, lãnh thổ, ngôn ngữ và tiếng nói riêng, để tồn tại và phát triển chúng ta đã phải đổ biết bao nhiêu xương máu để giữ được nền độc lập cho dân tộc. vì thế nó là niềm tự hào dân tộc “…hào kiệt đời nào cũng có”, là truyền thống yêu chính trực, ghét gian tà, căm thù sâu sắc bọn giặc cướp nước, bán nước:

“Quân cuồng Minh đã thừa cơ gây vạ

Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh

Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn

Vùi con đỏ xuống hầm tai vạ”

Bên cạnh đó ta còn hiểu rằng: Nhân nghĩa còn là sự chia sẻ, cảm thông với nỗi khổ của người dân mất nước:

“Người bị ép xuống biển dòng lưng mò ngọc, ngán thay cá mập thuồng luồng

Kẻ bị đem vào núi đãi cát tìm vàng, khốn nổi rừng sâu nước độc

….

Nheo nhóc thay kẻ goá bụa khốn cùng”

Nhắc tới nhân nghĩa tác giả còn nêu rõ: Nhân nghĩa là cội nguồn của cuộc sống. Có nhân nghĩa thì thành công, không nhân nghĩa thì thất bại. Bọn giặc Minh xâm lược đã:

“Dối trời, lừa dân đủ muôn nghìn kế

Gây binh, kết oán trái hai mươi năm

Bại nhân nghĩa, nát cả đất trời”

Nhân nghĩa thì không làm trái với đạo lý làm người, không áp bức, bóc lột người khác, chính vì vậy cho nên phải chịu cảnh “ thây chết đầy đường” “máu trôi đỏ nước” “nhơ để ngàn năm”

Nhân dân ta có một lòng yêu nước nồng nàn mà không bất cứ kẻ thù, thế lực nào có thể dập tắt được. Nhân nghĩa làm nên sức mạnh, vì nhân nghĩa quân ta đã:

“Đánh một trận, sạch không kình ngạc,

Đánh hai trận, tan tác chim muông”

Chúng ta tuyên bố với thế giới rằng Việt Nam là đất nước yêu chuộng hòa bình, sống và hợp tác cùng bè bạn thế giới. Nguyễn Trãi là một người rất hiểu lẽ đời và ông có con mắt nhìn xa trông rộng khi biết được điều ấy, Nhân nghĩa còn là tinh thần yêu chuộng hoà bình, công lý, tình nhân loại, là sự hiếu sinh, hiếu hoà, sự độ lượng bao dung thể hiện tinh thần nhân đạo cao cả của dân tộc ta, đã mở đường hiếu sinh cho kẻ thù khi chúng đã bị bại vong.

Văn mẫu lớp 10 Phân tích đoạn trích "Việc nhân nghĩa… tan tác chim muông" trong bài Bình Ngô đại cáo mẫu 2

Nguyễn Trãi đã từng viết: “Bui có một lòng trung lẫn hiếu/ Mài chăng khuyết nhuộm chăng đen”, câu thơ đã cho thấy khí tiết, tấm lòng suốt một đời vì dân vì nước của ông. Nguồn gốc tạo nên tấm lòng đẹp đẽ ấy chính là tư tưởng nhân nghĩa. Tư tưởng nhân nghĩa là kim chỉ nam, chi phối toàn bộ sáng tác của Nguyễn Trãi. Bình Ngô đại cáo được viết cũng không phải nằm ngoài vòng ấy. Tư tưởng nhân nghĩa chi phối toàn bộ tác phẩm này của ông.

Mở đầu tác phẩm, Nguyễn Trãi đã khẳng định:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.

Nhân là khái niệm trung tâm của tư tưởng nho gia, nhân tức là yêu thương con người; nghĩa là những điều hợp lẽ phải, làm theo khuôn phép xử thế. Mạnh Tử đã kết hợp hai khái niệm này tạo thành “nhân nghĩa” là nguyên tắc ứng xử cơ bản trong quan hệ giữa con người với nhau, giữa con người phải yêu thương nhau. Đến Nguyễn Trãi, ông đã nâng tư tưởng lên một tầm cao mới, nhân nghĩa với Nguyễn Trãi không chỉ dừng ở hành xử yêu thương mà còn phải là làm cho nhân dân có cuộc sống yên ổn “yên dân” và cách thức hành động chính là “trừ bạo”. Trừ bạo ở đây chính là tiêu diệt quân Minh xâm lược, để đem lại cuộc sống an bình, hạnh phúc cho nhân dân. Cả đời ông luôn lo nghĩ cho dân, luôn mong nhân dân sống trong an ấm, no đủ: “Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng/ Dân giàu đủ khắp đòi phương”, ông lo cho dân bằng tất cả tấm lòng, tình yêu thương bao la. Đây là tư tưởng vô cùng tiến bộ và cho đến ngay nay nó vẫn còn giữ nguyên giá trị. Câu luận đề này chính là sợ dây đỏ để Nguyễn Trãi triển khai toàn bộ tác phẩm của mình.

Để làm nổi bật tư tưởng nhân nghĩa, Nguyễn Trãi đã lật mở những trang sử hào hùng trong quá khứ của dân tộc để thấy được thất bại thảm hại của những kẻ luôn mang tư tưởng xâm lược nước khác, giọng văn ở đây thật hào sảng:

Lưu Cung tham công nên thất bại,

Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong

Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô

Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã.

Không chỉ ở quá khứ, mà ngay cả ở thời điểm hiện tại, quân Minh đã gây ra biết bao tội ác cho nhân ta: “Người bị bắt xuống biển còng lưng mò ngọc, ngán thay cá mập, thuồng luồng/ Kẻ bị đem vào núi đãi cát tìm vàng, khốn nỗi rừng thiêng nước độc”… Tội ác của chúng “Bại nhân nghĩa nát cả đất trời” khiến cho “Lẽ nào trời đất dung tha/ Ai bảo thần dân chịu được?”. Đọc những câu thơ ta như cảm nhận được hết nỗi đau khổ, tủi nhục mà nhân dân đã phải chịu đựng suốt bao năm qua và càng căm tức hơn những tội ác của quân Minh đối với người dân vô tội.

Chính bởi tội ác khiến cả trời đất không dung tha như vậy nên Lê Lợi đã phất cờ, đứng lên khởi nghĩa, dành lại độc lập cho dân tộc: “Trời thử lòng trao cho mệnh lớn/ Ta gắng chí khắc phục gian lao”. Chính Lê Lợi đã hiện thực hóa tư tưởng nhân nghĩa, tiêu diệt kẻ cường bạo để đem lại cuộc sống bình yên cho muôn dân: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo”. Sau bao năm tháng nếm mật, nằm gai, nghĩa quân trải qua biết bao thử thách, cuối cùng ngày một lớn mạnh, nhận được sử ủng hộ của muôn dân: “Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới/ Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”. Toàn dân đoàn kết một lòng đem hết sức mạnh thể chất và tinh thần chống lại bọn cuồng Minh. Bởi đây là cuộc kháng chiến chính nghĩa nên thế và lực của ta ngày một cải thiện, từ thế bị động, yếu ớt ta chuyển sang thế chủ động, liên tục tấn công như vũ bão, giáng những đòn mạnh mẽ làm kẻ thù không kịp trở tay: “Trần Trí, Sơn Thọ nghe hơi mà mất vía/ Lí An, Phương Chính nín thở cầu thoát thân”. Quân ta đi đến đâu chiến thắng đến đó, uy lực và sức mạnh không gì có thể sánh nổi: “Gươm mài đá, đá núi cùng mòn/…/Đánh hai trận tan tác chim muông”. Trái lại, kẻ thù lộ diện là những kẻ ham sống sợ chết, khi thất bại kẻ đầu hàng, kẻ dày xéo lên nhau hòng thoát thân: “lê gối dâng tờ tạ tội” “trói tay để tự xin hàng”. Nguyễn Trãi liệt kê hàng loạt thất bại thảm hại của kẻ thù với câu văn giàu hình ảnh: thây chất đầy đường, máu trôi đỏ nước, khiếp vía mà vỡ mật, xéo lên nhau chạy để thoát thân,… Biện pháp liệt kê đã tỏ ra vô cùng đắc dụng, giọng văn hào hùng, sảng khoái, Nguyễn Trãi đã lên tiếng khẳng định lại một lần nữa sức mạnh của tư tưởng nhân nghĩa, tư tưởng ấy đã đem lại chiến thắng vẻ vang cho dân tộc ta.

Tư tưởng nhân nghĩa còn được thể hiện trong cách đối đãi với kẻ thù. Mặc dù giặc Minh gây ra những tội ác tày trời với nhân dân ta, nhưng khi chúng bại trận, thua thảm hại, cầu hòa, quân ta lập tức đồng ý: Họ đã tham sống sợ chết, mà hòa hiếu thực lòng/ Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức. Đây là hành động đối xử hết sức nhân văn, nhân bản với kẻ thù, cho chúng một con đường sống, cấp vài nghìn thuyền cho chúng về nước. Cách làm này vừa khiến chúng thua trong tâm phục khẩu phục, vừa tạo điều kiện cho nhân dân ta nghỉ ngơi, dưỡng sức sau những năm dài gian lao chiến đấu, đồng thời đây cũng là cơ hội để triều đình mới xây dựng đất nước vững mạnh cả về kinh tế và quân sự. Quả là “Chẳng những mưu kế kì diệu/ Cũng là chưa thấy xưa nay”.

Chiến công oanh liệt được kết thúc bằng lời tuyên bố đầy khí thế, hào hùng: “Xã tắc từ đây vững bền/ Giang sơn từ đây đổi mới/ Kiền khôn bĩ rồi lại thái/ Nhật nguyệt hối rồi lại minh”. Tư tưởng nhân nghĩa đã đem lại sức mạnh vô biên cho quân dân ta, giúp dân ta giành được thắng lợi vẻ vang, không chỉ giành lại độc lập cho dân tộc mà còn cho thấy tư thế, tầm vóc của một dân tộc luôn sống và đề cao đạo lý nhân nghĩa.

Với ngòi bút chính luận sắc sảo, lập luận sắc bén hùng hồn, dẫn chứng phong phú thuyết phục, Nguyễn Trãi đã tạo nên một áng thiên cổ hùng văn cho muôn đời. Giá trị của áng thiên cổ ấy chính là tư tưởng nhân nghĩa sáng ngời cho đến mãi muôn đời sau.

CLICK NGAY vào nút TẢI VỀ dưới đây để tải các bài văn mẫu Phân tích đoạn trích "Việc nhân nghĩa… tan tác chim muông" trong bài Bình Ngô đại cáo Ngữ Văn lớp 10 file word, pdf hoàn toàn miễn phí.

Đánh giá bài viết
2.8
8 lượt đánh giá
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
Copyright © 2020 Tailieu.com
DMCA.com Protection Status