Logo

Soạn văn 7 VNEN Bài 11: Cảnh khuya hay nhất

Soạn văn 7 VNEN Bài 11: Cảnh khuya trang 71 - 75 gợi ý trả lời các câu hỏi trong sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 7 tập 1 chương trình mới ngắn gọn, chính xác nhất
5.0
0 lượt đánh giá

Mời các em học sinh và quý thầy cô tham khảo hướng dẫn soạn Bài 11: Cảnh khuya Ngữ Văn lớp 7 tập 1 VNEN được đội ngũ chuyên gia biên soạn đầy đủ và ngắn gọn dưới đây.

Hoạt động khởi động Bài 11: Cảnh khuya

1. Hãy kể tên một số tác phẩm của Hồ Chí Minh mà em đã được học.

2. Qua những tác phẩm đó em hãy trình bày hiểu biết của em về Bác Hồ.

Trả lời

1. Một số tác phẩm của Hồ Chí Minh mà em đã được học: Ngắm trăng, không đề (sách giáo khoa tiếng việt 4).

2. Hiểu biết của em về Bác Hồ:

Hồ Chí Minh (19 tháng 5 năm 1890 – 2 tháng 9 năm 1969), tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung. Quê nội của người ở Làng sen, Huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Bác là nhà cách mạng, người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, một trong những người đặt nền móng và lãnh đạo công cuộc đấu tranh giành độc lập, toàn vẹn lãnh thổ cho Việt Nam trong thế kỷ XX, một chiến sĩ cộng sản quốc tế. Ông là người viết và đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong thời gian 1945–1969, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam trong thời gian 1951–1969.

Hoạt động hình thành kiến thức Bài 11: Cảnh khuya

1. Đọc văn bản sau: Cảnh khuya

2. Tìm hiểu văn bản

a. Dựa vào đoạn văn dưới đây, em hãy giới thiệu về tác giả Hồ Chí Minh và hoàn cảnh sáng tác bài thơ Cảnh Khuya bằng hai câu.

Trả lời

Hồ Chí Minh là vì lãnh tụ vĩ đại của dân tộc và cách mạng Việt Nam, là một danh nhân văn hóa thế giới và là một nhà thơ lớn. Người viết bài thơ cảnh khuya ở chiên khu Việt Bắc, trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1954).

b. Bài thơ Cảnh Khuya được viết theo thể thơ nào? Em hãy chỉ ra đặc điểm về số tiếng (chữ) trong mỗi câu thơ,số câu thơ của bài, cách gieo vần, ngắt nhịp của bài thơ cảm xúc bao trùm của bài thơ là gì?

Trả lời

- Thể thơ: Thất ngôn tứ tuyệt đường luật.

- Đặc điểm: Mỗi bài có 4 dòng, mỗi dòng 7 chữ. Hiệp vần ở chữ cuối cùng của các dòng 1,2,4, ngắt nhịp ở câu 1, nhịp 3/4.

- Cảm xúc bao trùm toàn bài thơ: tình yêu thiên nhiên, đất nước và phong thái ung dung, tự tại của Bác Hồ.

c. Đọc hai câu đầu của bài thơ và thực hiện các yêu cầu sau:

1. Hãy tưởng tượng và miêu tả bức trang thiên nhiên (không gian,thời gian,âm thanh,cảnh vật,màu sắc,....) trong 2 câu thơ trên.

2. Biện pháp nghệ thuật nào được sử dụng trong 2 câu thơ đầu? Phân tích hiệu quả của phép tu từ đó

3. Câu thơ thứ 2 có gì đặc biệt về từ ngữ và đã gợi ra vẻ đẹp của cảnh trăng rừng như thế nào?

4. Từ vẻ đẹp của cảnh trăng rừng em nghĩ gì về tình cảm của tác giả đối với thiên nhiên?

Trả lời

1. Hai câu đầu của bài thơ thiên về tả cảnh:

Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa

• Không gian: chiến khu Việt Bắc.

• Thời gian: đêm khuya.

• Âm thanh của tiếng suối: tiếng suối trong rừng xa xa vọng lại như tiếng hát của người con gái trong trẻo ngân vang.

• Cảnh đêm trăng đẹp đầy chất thơ. Ánh trăng vàng đêm khuya tạo thành những bóng hoa trên mặt đất.

• Điệp từ “lồng” tạo vẻ đẹp lung linh huyền ảo, bóng cây lấp lánh ánh trăng, ấm áp, thân tình.

-> Hai câu thơ vẻ lên một cảnh đêm khuya nơi chiến khu Việt Bắc lung linh, huyền ảo, êm đềm.

2. Biện pháp nghệ thuật so sánh tiếng suối trong với tiếng hát ca. => Tác dụng: gợi lên âm thanh tiếng hát trong trẻo, hiến cho tiếng suối của rừng Việt Bắc trờ nên gần gũi với con người hơn và mang sức sống trẻ trung

3. Câu thơ thứ 2 đặc biệt ở: Điệp từ “lồng” được nhắc lại 2 lần nhằm nhấn mạnh vào vẻ đẹp của trăng in trên mặt đất.

• Lồng (1): ánh trăng soi vào bóng cây cô thụ lồng vào tán cây.

• Lồng (2): bóng tán cây được trăng chiếu vào in hình xuống mặt đất thành những bông hoa tuyệt đẹp.

=> Hai câu thơ vẻ lên một cảnh đêm khuya nơi chiến khu Việt Bắc trong một đêm trăng vô cùng thanh bình êm ả, huyền ảo, thân tình.

4.Từ vẻ đẹp của cảnh trăng rừng là sự gắn bó, gần gũi với thiên nhiên của tác giả.

d. Đọc 2 câu cuối của bài thơ và trả lời câu hỏi:

1. Hai câu thơ này đã cho thấy vẻ đẹp và chiều sâu tâm hồn của tác giả như thế nào?

2. Tại sao nói điệp ngữ chưa ngủ đặt ở cuối câu thứ ba và đầu câu thứ tư như là một bản lề mở ra hai phía của tâm trạng trong cùng một con người?

Trả lời

1. Câu thơ mở ra hai thế giới tâm trạng của nhân vật, hai khía cạnh của một tâm hồn tác giả:

• Chưa ngủ vì cảnh khuya quá đẹp -> tâm hồn nghệ sĩ.

• Chưa ngủ vì thao thức lo lắng vì vận mệnh của đất nước -> tâm hồn chiến sĩ .

2. Tác dụng sự lặp lại của điệp từ:" chưa ngủ":

• Thể hiện sự hòa hợp giữa con người và cảnh vật.

• Chưa ngủ là vì chưa muốn ngủ - thế chủ động -> say mê cảnh sắc thiên nhiên

=> Điệp ngữ “chưa ngủ” : Bất ngờ mở ra vẻ đẹp và chiều sâu mới trong tâm hồn nhà thơ: Thao thức chưa ngủ còn vì lo nghĩ đến vận mệnh đất nước.

e. Từ hoàn cảnh sáng tác bài Cảnh khuya, em hiểu gì về con người Hồ Chí Minh?

Trả lời

Bài thơ được ra đời giữa thời điểm cuộc kháng chiến chống Pháp diễn ra ác liệt. Trên chiến khu Việt Bắc trong cảnh đêm khuya tĩnh lặng, Bác Hồ đã có những giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi. Mặc dù là một người chiến sĩ nhưng bác cũng là một thi sĩ. Tâm hồn người vẫn lạc quan, ung dung, tự tại, hòa hợp và say đắm tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên trong mọi hoàn cảnh. Song đằng sau bức tranh thiên nhiên huyền ảo, lung linh, ấy là một nỗi niềm đau đáu về vận mệnh dân tộc của một người chiến sĩ cách mạng kiên trung.

g. Bài thơ có những nét đặc sắc gì về nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật tả cảnh ngụ tình?

Trả lời

Nghệ thuật:

• Vận dụng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt.

• Biện pháp tu từ so sánh, ẩn dụ, điệp từ.

• Sử dụng nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, vừa trực tiếp dãi bày tình cảm, tâm trạng của nhà thơ.

3. Tìm hiểu về từ đồng âm

a. Giải thích nghĩa của mỗi từ lồng trong các câu sau:

(1) Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa.

(2) Mua được con chim, bạn tôi nhốt ngay vào lồng.

(3) Con ngựa đang đứng bỗng lồng lên.

b. Nghĩa của các từ lồng trên có liên quan gì đến nhau không?

c. Căn cứ vào đâu mà em phân biệt được nghĩa của các từ lồng trong ba câu trên?

d. các từ lồng trong ba câu trên được coi là những từ đồng âm. Theo em thế nào là từ đồng âm?

Trả lời

a. Giải thích nghĩa của:

• Lồng (1):

+ Lồng (Trăng lồng cổ thụ ): ánh trăng soi vào bóng cây cô thụ lồng vào tán cây.

+ Lồng( lồng hoa): bóng tán cây được trăng chiếu vào in hình xuống mặt đất thành những bông hoa tuyệt đẹp.

• Lồng (2): Chỉ đồ vật đan thưa bằng tre, nứa, nhựa, sắt để nhốt chim hoặc gà, vịt, cá.

• Lồng (3): Chỉ hoạt động bất ngờ, đột ngột với một sức mạnh rất khó kìm giữ. Ý muốn nói ngựa, trâu vùng lên hoặc chạy xông xáo

b. Nghĩa của các từ lồng trên có không liên quan gì đến nhau.

c. Chúng ta phân biệt được ý nghĩa của từ lồng ở hai câu trên là dựa vào ngữ cảnh giao tiếp.

d. Từ đồng âm là những từ giống nhau về âm thanh nhưng khác nghĩa.

4. Tìm hiểu về các yếu tố tự sự, miêu tả trong văn bản biểu cảm

a. Tìm các yếu tố tự sự và miêu tả trong bài thơ Cảnh khuya và nêu ý nghĩa của chúng đối với bài thơ.

b. Hãy chỉ ra các yếu tố tự sự, yếu tố miêu tả và cảm nghĩ của tác giả trong đoạn trích sau. Nếu không có các yếu tố tự sự và miêu tả thì tình cảm của tác giả có thể bộc lộ được không? Vì sao?

Những ngón chân của bố khum khum, lúc nào cũng như bám vào đất để khỏi trơn ngã. Người ta nói "đấy là bàn chân vất vả". Gan bàn chân bao giờ cũng xám xịt và lỗ rỗ, bao giờ cũng khuyết một miếng, không đầy đặn như gan bàn chân người khác. Mu bàn chân mốc trắng, bong da từng bãi, lại có nốt lấm tấm. Đêm nào bố cũng ngâm nước nóng hoà muối, gãi lấy gãi để rồi xỏ vào đôi guốc mộc. Khi ngủ bố rên, rên vì đau mình, nhưng cũng rên vì nhức chân. Rượu tê thấp không tài nào xoa bóp khỏi.

Bố đi chân đất. Bố đi ngang dọc đông tây đâu đâu con không hiểu. Con chỉ thấy ngày nào bố cũng ngâm chân xuống nước, xuống bùn để câu quăng. Bố tất bật đi từ khi sương còn đẫm ngọn cây ngọn cỏ. Khi bố về cũng là lúc cây cỏ đẫm sương đêm. Cái thúng câu bao lần chà đi xát lại bằng sắn thuyền. Cái ống câu nhẵn mòn, cái cần câu bóng dấu tay cầm... Con chỉ biết cái hòm đồ nghề cắt tóc sực mùi dầu máy tra tông-đơ, cái ghế xép bao lần thay vải, nó theo bố đi xa lắm

Bố ơi! Bố chữa làm sao được lành lặn đôi chân ấy: đôi bàn chân dầm sương dãi nắng đã thành bệnh.

(Duy Khán, Tuổi thơ im lặng)

c) Hãy nêu mục đích sử dụng yếu tố tự sự và miêu tả trong bài văn biểu cảm?

Trả lời

a. Các yếu tố trong bài cảnh khuya:

• Tự sự: kể về việc ngắm cảnh đêm trăng và về việc Bác chưa ngủ.

• Miêu tả: miêu tả tiếng suối, trăng, cảnh núi rừng Việt Bắc.

=> Ý nghĩa: làm nổi bật tình yêu thiên nhiên và lòng yêu nước của Bác.

b. Các yếu tố trong đoạn trích:

• Yếu tố tự sự: kế về việc bố ngâm chân, rên mình đau nhức việc bố đi quăng câu.

• Yếu tố miêu tả tập trung tả bàn chân của bố: màu, ngón, gan, mu của bàn chân, thúng câu, ống câu của bố, hòm đồ nghề cắt tóc...

• Cảm nghĩ: người con thương xót, xót xa đôi bàn chân dầm sương dãi nắng của người bố

=> Nếu không có yếu tố tự sự và miêu tả thì yếu tố biểu cảm khó thực hiện được và hạn chế sự xúc động.Các yếu tố này giúp cho tác giả thể hiện cảm xúc của mình một cách chân thực hơn.

c. Mục đích:

• Gợi ra đối tượng biểu cảm và gửi gắm cảm xúc.

• Tự sự, miêu tả nhằm khơi gợi cảm xúc, đòn bẩy thể hiện cảm xúc.

Hoạt động luyện tập Bài 11: Cảnh khuya

1. Chỉ ra tác dụng của biện pháp nghệ thuật so sánh trong các câu Tiếng suối trong như tiếng hát xa bằng việc liên hệ so sánh với câu thơ sau:

Côn Sơn suối chảy rì rầm

Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai

(Nguyễn Trãi, Bài ca Côn Sơn)

Trả lời

- Trong bài cảnh khuya tác giả so sánh tiếng suối trong với tiếng hát ca.

- Trong câu thơ trên, tác giả so sánh tiếng suối như tiếng đàn cầm.

=> Cách so sánh trong bài cảnh khuya làm cho tiếng suối gần gũi với con người hơn, có sức sống trẻ trung và mang không khí đầy lạc quan của cuộc kháng chiến ở núi rừng Việt Bắc

2. Phân tích bức tranh thiên nhiên và bức chân dung tự họa của Hồ Chí Minh trong bài thơ cảnh khuya?

Trả lời

Bài thơ Cảnh khuya được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết vào năm 1947 ở chiến khu Việt Bắc. Cuối năm 1947, quân Pháp ồ ạt tấn công lên Việt Bắc hòng tiêu diệt lực lượng chủ yếu và cơ quan đầu não lãnh đạo cuộc kháng chiến. Chiến dịch Việt Bắc của quân và dân ta làm thất bại ý đồ của địch và tiêu diệt nhiều lực lượng của chúng. Giữa hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề và những thử thách ác liệt tưởng chừng khó có thể vượt qua. Bác Hồ vẫn giữ được phong thái ung dung, tự tại. Người vẫn dành cho mình những giây phút thanh thản để thưởng thức vẻ đẹp cua thiên nhiên nơi chiến khu Việt Bắc. Mở đầu bức tranh thiên nhiên Việt Bắc là cảnh đêm khuya dưới ánh trăng và âm thanh tiếng suối trong trẻo:

    Tiếng suối trong như tiếng hát xa

    Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa

Hai câu thơ gợi lên một cảnh đêm khuya nơi chiến khu Việt Bắc trong một đêm trăng vô cùng thanh bình êm ả, huyền ảo, thân tình. Màn đêm buông xuống, mọi vật chìm trong tĩnh lặng, ánh trăng lên cao và bắt đầu lan tỏa, bao phủ khắp mặt đất. Ánh trăng soi vào bóng cây cô thụ lồng vào tán cây. Khi bóng tán cây được trăng chiếu vào in hình xuống mặt đất thành những bông hoa tuyệt đẹp. Bóng trăng và bóng cây quấn quýt, lồng vào từng khóm hoa rồi in lên mặt đất. Điệp từ lồng được nhắc lại tới 2 lần trong cùng một câu thơ tạo nên một khung cảnh thiên nhiên lung linh được quan sát thật tinh tế. Trong không gian yên tĩnh ấy, âm thanh tiếng suối vang vọng trong trẻo như tiếng hát trữ tình sâu lắng. Đó là nghệ thuật lấy động tả tĩnh, tiếng suối càng làm cho không gian vốn tĩnh lặng lại càng tĩnh lặng hơn. Tiếng suối, bóng trăng, bóng cây, bóng hoa hòa quyện, quấn quýt bên nhau. Thật là một bức tranh “thi trung hữu họa”, “thi trung hữu nhạc”. Người và vật giờ đây đã gắn bó và giao hòa với nhau.

Nếu ở hai câu đầu là cảnh đẹp đêm trăng nơi rừng núi Việt Bắc thì hai câu sau là hình ảnh và tâm trạng của người chiến sĩ vì nước vì dân:

    Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

    Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà

Giữa bức tranh thiên nhiên rộng lớn và hữu tình như vậy, hình ảnh con người xuất hiện khiến cho bức tranh thiên nhiên có hồn hơn. Trong đêm khuya yên tĩnh, tâm trạng thi sĩ bỗng vút cao thả hồn theo cảnh đẹp đêm trăng bởi đêm nay Bác chưa ngủ. Bác chưa ngủ một phần vì bức tranh thiên nhiên quá đẹp và hơn thế nữa Bác chưa ngủ vì thao thức lo lắng cho vận mệnh của đất nước. Bác chưa ngủ vì tâm hồn thi sĩ xao xuyến trước cảnh đẹp, vì nghĩ đến trách nhiệm to lớn, nặng nề của người chiến sĩ khi lãnh đạo nhân dân kháng chiến.

Bài thơ được ra đời giữa thời điểm cuộc kháng chiến chống Pháp diễn ra ác liệt. Trên chiến khu Việt Bắc trong cảnh đêm khuya tĩnh lặng, Bác Hồ đã có những giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi. Mặc dù là một người chiến sĩ nhưng bác cũng là một thi sĩ. Tâm hồn người vẫn lạc quan, ung dung, tự tại, hòa hợp và say đắm tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên trong mọi hoàn cảnh. Song đằng sau bức tranh thiên nhiên huyền ảo, lung linh, ấy là một nỗi niềm đau đáu về vận mệnh dân tộc của một người chiến sĩ cách mạng kiên trung.

3. Hãy đặt câu với mỗi từ bác có các nghĩa sau đây:

• bác 1 : anh chị của cha hay mẹ của mình

• bác 2 : gạt bỏ quan điểm, ý kiến của người khác bằng lí lẽ của mình

• bác 3 : làm chín thức ăn mặn bằng cách đung nhỏ lửa và quấy cho đến khi sền sệt

Trả lời

- Bác 1: Bác tôi xa quê đã hơn hai mươi năm.

- Bác 2: Ý kiến của bạn không đúng, tôi bác bỏ hoàn toàn.

- Bác 3: Chị tôi bác trứng rất ngon.

4. Tìm từ đồng âm với từ canh và từ vì sao trong đoạn thơ sau và đặt câu với từ vừa tìm được

Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt

Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh

Trả lời

- Đồng âm với từ canh: Canh giờ, bát canh, canh thịt, canh đêm, canh gác...

- Đồng âm với từ sao: Sao biển, sao trời, ông sao, sao hỏa, sao mộc,...

5. Trong câu chuyện sau đây, có mấy từ là? Hãy giải thích nghĩa của mỗi từ là?

Ông chủ hiệu chuyên giặt là quần áo treo biển: " Giặt là hấp". Một người qua đường bình luận: "giặt là tốt chứ sao lại là hấp?". Chủ tiệm nghe thấy liền phân bua:

- Ông này hay thật! Là là là chứ không phải là là

Trả lời

Trong bài từ là xuất hiện 9 lần như sau:

Ông chủ hiệu chuyên giặt (1) quần áo treo biển: "Giặt (2) hấp". Một người qua đường bình luận: "giặt (3) tốt chứ sao lại là hấp?". Chủ tiệm nghe thấy liền phân bua:

- Ông này hay thật! (4) (5) (7) chứ không phải (8) (9)

Nghĩa của mỗi từ:

• là 1,2,5,7: là hành động dùng bàn ủi làm nóng đưa đi đưa lại trên một bề mặt để làm phẳng

• là 3,4,8: là động từ đặc biệt biểu thị quan hệ giữa phần nêu đối tượng cùng với phần chỉ ra nội dung nhận thức hay giải thích

• là 6,9: là trợ từ làm đệm cho lời nói có sắc thái tự nhiên hoặc sắc thái nhận định chủ quan của người nói

Hoạt động vận dụng Bài 11: Cảnh khuya

1. Phân tích vai trò của yếu tố tự sự và miêu tả trong đoạn thơ sau:

Mình về với Bác đường xuôi

Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người

Nhớ Ông Cụ mắt sáng ngời

Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường

Nhớ Người những sáng tinh sương

Ung dung yên ngựa trên đường suối reo

Nhớ chân Người bước lên đèo

Người đi rừng núi trông theo bóng Người...

Trả lời

Phân tích vai trò của yếu tố tự sự và miêu tả:

- Yếu tố tự sự kể về sự việc Bác Hồ chia tay với người dân Việt Bắc để trở lại Hà Nội.

- Vai trò yếu tố tự sự: gợi nỗi nhớ thương của những người dân Việt Bắc, tình yêu của họ đối với Bác-vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc khi Người từ chiến khu Việt Bắc trở lại thủ đô Hà Nội sau hơn ba ngàn ngày khói lửa.

- Yếu tố miêu tả: đôi mắt Bác sáng ngời, áo nâu, túi vải, phong thái ung dung, tự tại của Bác.

- Vai trò của yếu tố miêu tả: khắc họa sâu đậm hình ảnh giản dị, mộc mạc và sự tài trí của Bác.

2. Việt bài tập làm văn số 3- Văn biểu cảm (làm tại lớp)

Đề bài: Cảm nghĩ về người thân.

Trả lời

1. Yêu cầu chung:

- Nội dung: Cảm nghĩ về một người thân.

- Thể loại: biểu cảm kết hợp tự sự.

2. Yêu cầu cụ thể: Bài làm đảm bảo bố cục 3 phần

a. Mở bài:

- Giới thiệu chung về người thân: Tên, tuổi, nghề nghiệp, tình cảm của em với người thân đó

b. Thân bài:

- Ngoại hình: dáng cao, thấp, nét mặt,...

- Lời nói: Nhẹ nhàng, nghiêm khắc, cử chỉ thể hiện phẩm chất của người thân.

- Hình ảnh người đó gắn với hành động: Chăm lo chu đáo, hướng dẫn em học tập ,… =>những kỉ niệm sâu sắc, không bao giờ quên.

- Với xóm làng, với người xung quanh: hoà nhã, thân mật….

- Tình cảm của người thân với mình: yêu thương, bao dung,...

c. Kết bài:

- Tình cảm của em đối với người thân.

- Nêu suy nghĩ trách nhiệm của em đối với người thân.

Hoạt động tìm tòi mở rộng Bài 11: Cảnh khuya

1. Sưu tầm một số bài thơ của Hồ Chí Minh và có hình ảnh trăng. Em hãy ghi lại cảm nhận của mình về một hình ảnh trăng trong thơ Hồ Chí Minh mà em thích nhất.

Trả lời

Rằm xuân lồng lộng trăng soi

Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân

Giữa dòng bàn bạc việc quân

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền

(Nguyên tiêu)

►►CLICK NGAY vào nút TẢI VỀ dưới đây để tải về Soạn Ngữ văn lớp 7 sách VNEN Bài 11: Cảnh khuya file PDF hoàn toàn miễn phí.

Đánh giá bài viết
5.0
0 lượt đánh giá
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
Copyright © 2020 Tailieu.com
DMCA.com Protection Status