Logo

Soạn văn 9 VNEN bài Phong cách Hồ Chí Minh

Soạn văn 9 VNEN bài Phong cách Hồ Chí Minh trang 3 gợi ý trả lời các câu hỏi trong sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 9 tập 1 chương trình mới ngắn gọn, chính xác nhất
5.0
1 lượt đánh giá

Nội dung hướng dẫn giải Bài: Phong cách Hồ Chí Minh được chúng tôi biên soạn bám sát bộ sách giáo khoa môn Ngữ văn 9 chương trình mới (VNEN). Là tài liệu tham khảo hữu ích giúp các em học tốt môn Văn lớp 9.

A. Hoạt động khởi động - Bài: Phong cách Hồ Chí Minh

Em hiểu thế nào là “phong cách”? Hãy trình bày ngắn gọn những cảm nhận của em về “phong cách Hồ Chí Minh”.

Bài làm:

“Phong cách” bao gồm:

- Dáng bộ, điệu bộ.

- Tác phong và lối sống, cách sinh hoạt, làm việc, ứng xử…

Mà tạo nên cái riêng của một người hay một tầng lớp người nào đó.

Cảm nhận riêng của em về “Phong cách Hồ Chí Minh”:

Trong cảm nhận của mình, em thấy Bác Hồ là người có phong cách rất giản dị, gần gũi, khiêm tốn và nhân hậu, chân tình. Bác có một phong cách sống đẹp: cần, kiệm, liêm , chính và thân thiện với mọi người, gắn bó với thiên nhiên, với đất nước.

B. Hoạt động hình thành kiến thức - Bài: Phong cách Hồ Chí Minh

1. Đọc văn bản

2. Tìm hiểu văn bản

a) Vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại có được vốn tri thức văn hóa nhân loại vô cùng sâu rộng? Người đã chịu ảnh hưởng của các nền văn hóa đó như thế nào?

Bài làm:

Chủ tịch Hồ Chí Minh có được vốn tri thức văn hóa nhân loại vô cùng sâu rộng vì Người đã:

+ Nhờ Người đã học tập để nói và viết thạo nhiều thứ tiếng nước ngoài như: Pháp, Anh, Hoa, Nga… Điều này đã tạo thuận lợi cho Người khi tiếp xúc với văn hoá nhiều nước trên thế giới.

+ Người đi nhiều nơi, có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với văn hóa nhiều nước, nhiều dân tộc, nhiều vùng khác nhau trên thế giới, từ Đông sang Tây, từ Bắc chí Nam, khắp các châu lục Á, Âu, Phi, Mĩ…

+ Không chỉ đi nhiều nơi mà còn làm nhiều nghề - tức là học hỏi từ thực tiễn và lao động, ở mọi nơi, mọi lúc.

+ Tìm hiểu văn hoá, nghệ thuật của các khu vực khác nhau trên thế giới một cách sâu sắc, uyên thâm.

Người đã chịu ảnh hưởng của các nền văn hóa đó:

Những ảnh hưởng quốc tế đó đã nhào nặn với cái gốc văn hoá dân tộc không gì lay chuyển được ở Người, để trở thành một nhân cách rất Việt Nam, một lối sống rất bình dị, rất Việt Nam, rất phương Đông, nhưng cũng đồng thời rất mới, rất hiện đại”. Tức là chủ động lựa chọn, tiếp thu những thành tựu văn hoá của nhân loại một cách có phê phán dựa trên nền tảng căn bản của văn hoá dân tộc. Nói ở Bác Hồ có sự thống nhất giữa dân tộc và nhân loại là như thế.

b) Chỉ ra những biểu hiện cho thấy lối sống rất bình dị, rất Việt Nam, rất phương Đông của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bài làm:

- Nơi ở và nơi làm việc rất mộc mạc đơn sơ: “chiếc nhà sàn nhỏ bằng gỗ bên cạnh chiếc ao”, chiếc nhà sàn “chỉ vẻn vẹn có vài phòng tiếp khách, họp Bộ Chính trị, làm việc và ngủ, với những đồ đạc rất mộc mạc đơn sơ”;

- Trang phục giản dị: bộ quần áo bà ba nâu, chiếc áo trấn thủ, đôi dép lốp thô sơ, cái quạt cọ,…

- Ăn uống đạm bạc với những món ăn dân tộc như: cá kho, rau luộc, dưa ghém, cà muối, cháo hoa…

c) Vì sao nói sự kết hợp giữa giản dị và thanh cao là nét nổi bật trong lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bài làm:

- Giản dị mà không kham khổ; giản dị không có nghĩa là dè sẻn, bần tiện.

- Không phải là một cách tự thần thánh hoá, tự làm cho khác đời, hơn đời mà xuất phát từ cốt cách, từ trong quan niệm thẩm mĩ thuần thục, tự nhiên của nhân cách Hồ Chí Minh. Lối sống của Bác là lối sống theo một quan niệm thẩm mĩ: vẻ đẹp giản dị và tự nhiên. Nét đẹp của lối sống này chính là lối sống rất Việt Nam, cách sống của các nhà hiền triết trong lịch sử dân tộc như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm,...

- Bản lĩnh, ý chí của một người chiến sĩ cách mạng đã hòa nhập cùng tâm hồn một nhà thơ lớn. Khao khát cống hiến cho tổ quốc bao nhiêu thì người lại càng yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống bấy nhiêu.

d) Hãy lựa chọn những phương án nêu đúng giá trị nghệ thuật nổi bật của văn bản (ghi vào vở)

(1) Kết hợp một cách tự nhiên, hiệu quả giữa tự sự và bình luận

(2) Chọn lọc những chi tiết tiêu biểu, tạo ấn tượng cho người đọc

(3) Sử dụng thơ của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm để tăng sức gợi cho văn bản

(4) Sử dụng hiệu quả nghệ thuật đối lập trong diễn đạt

Bài làm:

Tất cả các phương án trên đều đúng

e) Tìm dẫn chứng trong văn bản minh họa cho các giá trị nghệ thuật mà em đã xác định.

Bài làm:

(1) Kết hợp một cách tự nhiên, hiệu quả giữa tự sự và bình luận

"Và Người sống ở đó, một mình, với một tư trang ít ỏi, một chiếc va li con với vài bộ áo quần, vài vật kỉ niệm của cuộc đời dài" (lời kể). "Tôi dám chắc không có một vị lãnh tụ, một vị tông thống hay một vị vua hiền nào ngày trước lại sống đến mức giản dị và tiết chế như vậy" (lời bình luận).

(2) Chọn lọc những chi tiết tiêu biểu, tạo ấn tượng cho người đọc.

Khi nói về lối sống giản dị của Bác: "chiếc nhà sàn nhỏ bằng gỗ bên cạnh chiếc ao làm "cung điện" của mình", "trang phục hết sức giản dị, với bộ quần áo bà ba nâu, chiếc áo trấn thủ, đôi dép lốp thô sơ", "những món ăn dân tộc không chút cầu kì, như cá kho, rau luộc, dưa ghém, cà muối, cháo hoa"

(3) Sử dụng thơ của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm để tăng sức gợi cho văn bản

Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm:

"Thu ăn măng trúc, đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao".

(4) Sử dụng hiệu quả nghệ thuật đối lập trong diễn đạt

Vĩ nhân mà hết sức giản dị, gần gũi, am hiểu mọi nền văn hóa nhân loại mà hết sức Việt Nam

3. Tìm hiểu về các phương châm hội thoại

a) Phương châm về lượng

Đọc truyện cười sau và trả lời câu hỏi

ÔNG LÀM SAO THẾ

Một nhà triết học của nước Anh khi lái xe về nông thôn đã bị lạc đường, liền hỏi thăm người nông dân nhờ chỉ giúp:

- Cảm phiền ông, xin hãy nói cho tôi biết hiện tại tôi đang ở nơi nào đây ạ?

- Ông làm sao thế? – Người nông dân nhìn ông ta nói – Chẳng phải ông đang ở trong xe của ông đó sao?

(1) Điều mà nhà triết học muốn hỏi người nông dân là gì?

(2) Thông tin trong câu trả lời của người nông dân có đáp ứng được mong muốn của nhà triết học không? Vì sao?

(3) Từ nội dung câu chuyện, em hãy cho biết: Chúng ta cần tuân thủ những yêu cầu gì trong giao tiếp?

Bài làm:

(1) Điều nhà triết học muốn biết ở đây là địa điểm cụ thể của nơi đó (tên đường, địa danh cụ thể).

(2) Thông tin trong câu trả lời của người nông dân không đáp ứng được mong muốn của nhà triết học. Câu trả lời người nông dan chỉ có nội dung mặc nhiên đã được biết, không có lượng thông tin cần thiết đáp ứng nhu cầu của người đối thoại.

(3) Khi giao tiếp, cần nói đúng nội dung, đáp ứng đúng yêu cầu của cuộc giao tiếp, không thiếu, không thừa.

b) Phương châm về chất

Đọc truyện cười sau và trả lời câu hỏi:

QUẢ BÍ KHỔNG LỒ

Hai anh chàng đi qua một khu vườn trồng bí. Một anh thấy quả bí to, kêu lên:

- Chà, quả bí kia to thật!

Anh bạn có tính hay nói khoác, cười mà bảo rằng:

- Thế thì đã lấy làm gì mà to. Tôi đã từng thấy những quả bí to hơn nhiều. Có một lần, tôi tận mắt trông thấy một quả bí to bằng cả cái nhà đằng kia kìa.

Anh kia nói ngay:

- Thế thì đã lấy gì làm lạ. Tôi còn nhớ, một bân tôi trông thấy một cái nồi đồng to bằng cả cái đình làng ta.

Anh nói khoác ngạc nhiên hỏi:

- Cái nồi ấy dùng để làm gì mà to đến như vậy?

Anh kia giải thích:

- À, thế anh không biết à? Cái nồi ấy dùng để luộc quả bí anh vừa nói ấy mà.

Anh nói khoác biết bạn chế nhạo mình, mới nói lảng ra chuyện khác.

(Truyện cười dân gian Việt Nam)

(1) Truyện cười phê phán điều gì?

(2) Từ câu chuyện trên, em hãy cho biết: Nếu không vì đùa vui thì mình nên nói những điều như thế nào khi giao tiếp?

Bài làm:

(1) Truyện cười phê phán, chế giễu những kẻ chuyên nói khoác, nói những điều vô lí, không có thực trong cuộc sống.

(2) Khi giao tiếp, phải nói đúng sự thật, nói đúng cái tâm của mình. Không nên nói những điều mà mình không tin là đúng hay không có bằng chứng xác thực.

4. Sử dụng một số biện pháp nghệ thuật trong văn bản thuyết minh

a) Thế nào là một văn bản thuyết minh? Những đặc điểm chủ yếu của văn bản thuyết minh? Kể tên những phương pháp thuyết minh thường được sử dụng.

Bài làm:

- Văn bản thuyết minh là kiểu văn bản thường gặp trong mọi lĩnh vực đời sống, có chức năng cung cấp tri thức về đặc điểm, tính chất, nguyên nhân,… của các hiện tượng, sự vật trong tự nhiên, xã hội bằng cách trình bày, giới thiệu, giải thích.

Văn bản thuyết minh không giống với các văn bản thuộc loại tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận vì kiểu văn bản này không nhằm kể chuyện, tái hiện, biểu lộ tình cảm hay nghị luận mà nhằm cung cấp tri thức về các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên và trong xã hội một cách khách quan, chân thực, có ích cho con người.

- Để đạt được hiệu quả giao tiếp gắn với mục đích đặc trưng, ngôn ngữ của văn bản thuyết minh phải đảm bảo tính khoa học, chính xác, rõ ràng, chặt chẽ và hấp dẫn.

- Các phương pháp thuyết minh thường dùng:

+ Phương pháp nêu định nghĩa, giải thích.

+ Phương pháp liệt kê.

+ Phương pháp nêu ví dụ.

+ Phương pháp dùng số liệu.

+ Phương pháp so sánh.

+ Phương pháp phân loại, phân tích.

b) Đọc văn bản và thực hiện yêu cầu:

HẠ LONG - ĐÁ VÀ NƯỚC

Sự kì lạ của Hạ Long là vô tận. Chính là do tài thông minh của Tạo Hoá biết dùng đúng chất liệu hay nhất cho cuộc sáng tạo của mình: Nước. Chính Nước làm cho đá sống dậy, làm cho Đá vốn bất động và vô tri bỗng trở nên linh hoạt, có thể động đến vô tận, và có tri giác, có tâm hồn.

Nước tạo nên sự di chuyển. Và di chuyển theo mọi cách. Có thể mặc cho con thuyền của ta mỏng như lá tre tự nó bập bềnh lên xuống theo cho triều; có thể thả trôi theo chiều gió, theo các dòng chảy quanh co phức tạp giữa các đảo; cũng có thể thong thả khua khẽ mái chèo mà lướt đi, trượt nhẹ và êm trên sóng; có thể nhanh tay hơn một chút để tạo một cảm giác xê dịch thanh thoát; có thể bơi nhanh hơn bằng thuyền buồm, nhanh hơn nữa bằng thuyền máy, cũng như bay trên các ngọn sóng lượn vun vút giữa các đảo trên cano cao tốc; có thể thả sức phóng nhanh hàng giờ, hàng buổi, hàng ngày khắp các trân đồ bát quái đá trộn với nước này. Mà cũng có thể, một người bộ hành tuỳ hứng, lúc đi lúc dừng, lúc nhanh lúc chậm, lúc tiến lúc lùi, thẳng tắp hay quanh co, lao ra những quãng trống hay len lỏi qua các khe hẹp giữa các đảo đá.... Và cái thập loại chúng sinh chen chúc khắp vịnh Hạ Long kia, già đi, tre lại, trang nghiêm hơn hay bỗng nhiên nhí nhảnh tinh nghịch hơn, buồn hơn hay vui hơn,... hoá thân không ngừng. Tuỳ theo góc độ và tốc độ di chuyển của ta trên mặt nước quanh chúng, hoặc độ xa gần và hướng ta tiến đến chúng hay rời xa chúng. Còn tuỳ theo cả hướng ánh sáng rọi vào chúng, hoặc đột nhiên khiến cho mái đầu một nhân vật đá trẻ trung ta chừng đã quen lắm bỗng bạc xoá lên, rõ ràng trước mắt ta là một bậc tiên ông không còn có tuổi. Ánh sáng hắt lên từ mặt nước lung linh chảy khiến những con người bằng đá vây quanh ta trên mặt vịnh càng lung linh, xao động, như đang đi lại, đang tụ lại cùng nhau, hay đang toả ra. Hoặc cũng rất có thể, khi đêm đã xuống, dưới ánh sao chi chít trên bầu trời và chi chít xao động dưới cả mặt nước bí ẩn nữa, sẽ có cuộc họp của cả thế giới người bằng đã sống động đó, biết đâu...!

[...] Để rồi, khi chân trời đằng đông vừa ửng tím nhạt, rồi từ từ chuyển sang hồng... thì tất cả bọn người đá ấy lại hối hả trở về vị trí của họ. Mà vẫn còn nóng hổi hơi thở cuộc sống đêm chưa muốn dứt.

Hạ Long vậy đó, cho ta một bài học, sơ đẳng mà cao sâu: Trên thế gian này, chẳng có gì là vô tri cả. Cho đến cả đá. Ở đây Tạo Hoá đã chọn đá làm một trong hai nguyên liệu chủ yếu và duy nhất của Người để bày nên bản phác thảo của Sự Sống. Chính là Người có ý tứ sâu xa đấy: Người chọn lấy cái vẫn được coi là trơ lì, vô tri nhất để thể hiện cái hồn ríu rít của sự sống. Thiên nhiên bao giờ cũng thông minh đến bất ngờ; nó tạo nên thế giới bằng những nghịch lí đến lạ lùng...

(Nguyên Ngọc, Hạ Long - Đá và Nước, Ban quản lí vịnh Hạ Long, 2002)

(1) Văn bản thuyết minh đặc điểm của đối tượng nào?

(2) Văn bản có cung cấp được tri thức khách quan về đối tượng không? Vì sao?

(3) Kể tên những phương pháp thuyết minh chủ yếu được sử dụng trong văn bản.

(4) Để văn bản thuyết minh được sinh động, tác giả đã vận dụng những biện pháp nghệ thuật nào?

Bài làm:

(1) Thuyết minh về sự kì lạ của vịnh Hạ Long

(2) Văn bản đã cung cấp tri thức khách quan về đối tượng.

(3) Tác giả đã sử dụng phương pháp nêu định nghĩa, giải thích, phân loại , liệt kê,…

(4) Để văn bản thuyết minh được sinh động, tác giả đã vận dụng những biện pháp nghệ thuật nào?

- Biện pháp tưởng tượng, liên tưởng:

+ Nước tạo nên sự di chuyển và di chuyển theo mọi cách tạo nên sự thú vị của cảnh sắc.

+ Tuỳ theo góc độ và tốc độ di chuyển của khách, tuỳ theo cả hướng ánh sáng rọi vào các đảo đá mà thiên nhiên tạo nên thế giới sống động. Biến hoá đến lạ lùng.

- Biện pháp nhân hoá:

+ Đá có tri giác, có tâm hồn

+ Gọi đá là thập loại chúng sinh, là thế giới người, là bọn người bằng đá hối hả trở về.

=> Làm nổi bật đặc điểm của đối tượng thuyết minh, gây hứng thú cho người đọc.

c) Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn văn sau là gì? Nêu tác dụng của biện pháp đó.

Bà thường kể cho tôi nghe rằng chim cú kêu là có ma tới. Tôi hỏi vì sao bà giải thích: “Thế cháu không nghe tiếng cú kêu thường vọng từ bãi tha ma đến hay sao?”. Sau này học môn Sinh học tôi mới biết là không phải như vậy. Chim cú là loài chim ăn thịt, thường ăn thịt lũ chuột đồng, kẻ phá hoại mùa màng. Chim cú là giống vật có lợi, là bạn của nhà nông. Sở dĩ chim cú thường lui tới bãi tha ma là vì ở đó có lũ chuột đồng đào hang, bây giờ mỗi lần nghe tiếng chim cú , tôi chẳng những không sợ mà còn vui vì biết rằng người bạn của nhà nông đang hoạt động.

Bài làm:

Trong đoạn văn, tác giả đã vận dụng thêm biện pháp kể chuyện.

Biện pháp này giúp cho đoạn văn thuyết minh thêm hấp dẫn và sinh động.

d) Từ kết quả của các bài tập trên, em hãy hoàn thành (vào vở) những nội dung cần ghi nhớ sau:

(1) Muốn cho văn bản thuyết minh được sinh động, hấp dẫn, người ta vận dụng thêm một số biện pháp nghệ thuật như (…)

(2) Các biện pháp nghệ thuật cần được sử dụng thích hợp, góp phần làm nổi bật (…) và (…) cho người đọc.

Bài làm:

(1) Muốn cho văn bản thuyết minh được sinh động, hấp dẫn, người ta vận dụng thêm một số biện pháp nghệ thuật như kể chuyện, tự thuật, đối thoại theo lối ẩn dụ, nhân hoá hoặc các hình thức vè, diễn ca,...

(2) Các biện pháp nghệ thuật cần được sử dụng thích hợp, góp phần làm nổi bật đặc điểm của đối tượng thuyết minh và gây hứng thú cho người đọc.

C. Hoạt động luyện tập - Bài: Phong cách Hồ Chí Minh

1. Luyện tập đọc hiểu văn bản Phong cách Hồ Chí Minh

a) Theo em, giá trị cốt lõi và cao đẹp nhất trong phong cách Hồ Chí Minh là gì?

Bài làm:

Theo em, giá trị cốt lõi và cao đẹp nhất trong phong cách Hồ Chí Minh đó là vẻ đẹp hài hòa giữa nhân loại và dân tộc của Người. Dù đi nhiều, tiếp xúc nhiều với đủ mọi nền văn hóa trên thế giới, song, Bác tiếp thu và học hỏi có định hướng, có chọn lọc. Bác vừa tiếp thu những tinh hoa của nhân loại, vừa giữ vững các giá trị văn hóa nước nhà. “Tất cả những ảnh hưởng quốc tế đã được nhà nặn với cái gốc văn hóa dân tộc không gì lay chuyển được”. Phong cách Hồ Chí Minh chính là sự đan xen, kết hợp thống nhất hài hòa của hai nguồn văn hóa quốc tế và dân tộc. Qua đây, ta có thể thấy một giá trị cốt lõi hình thành nên phong cách Hồ Chí Minh đó là tình yêu, lòng tự hào, tự tôn đối với dân tộc mình.

b) Hãy viết đoạn văn thể hiện cảm xúc, suy nghĩ của em về nếp sống thanh cao và giản dị của Bác Hồ gợi ra từ văn bản.

Bài làm:

Nếp sống thanh cao và giản dị là một trong những vẻ đẹp cao cả, đáng quý trong phong cách của Hồ Chí Minh. Là lãnh tụ của cả một đất nước, một dân tộc nhưng Bác chẳng yêu cầu, ham muốn những thứ cao sang, bóng bẩy. Từ nơi ăn chốn ở, trang phục hay ăn uống, Bác đều thực hiện đơn sơ, đạm bạc và giản dị hết mức. Tuy Bác sống giản dị là vậy nhưng lại không hề kham khổ. Trái lại, cách sống giản dị, đạm bạc của Chu tịch Hồ Chí Minh lại vô cùng thanh cao, sang trọng. Đây không phải là lối sống khắc khổ của những con người tự vui trong cảnh nghèo khó, lại càng không phải là “cách tự thần thánh hóa, tự làm cho khác đời, hơn đời”, mà là một cách sống có văn hóa đã trở thành một quan niệm thẩm mĩ: cái đẹp là sự giản dị, tự nhiên. Phong cách sống của Bác có nét gần gũi với các vị hiền triết ngày xưa như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm,… - thanh cao từ trong tâm hồn đến thể xác.

2. Luyện tập về phương châm hội thoại

a) Đọc hai truyện vui dưới đây và cho biết phương châm hội thoại nào đã không được tuân thủ. Lí giải tại sao:

(1) Sông Hồng ở đâu?

Trong giờ học môn Địa lí…

Cô giáo: An, em hãy theo dõi trong sách giáo khoa và cho cô biết sông Hồng nằm ở đâu?

Lan: Thưa cô! Ở phần 3 trang 45 của bài ạ!

Cô giáo: !!!

(2) Nói có đầu có đuôi

Ông nhà giàu nọ có anh giúp việc tính rất bộp chộp,gặp đâu nói đó, chẳng có đầu có cuối gì. Một lần, ông dặn anh ta:

- Mày ăn nói chẳng có đầu có đuôi gì. Họ cười cả ông lẫn mày. Từ nay, nói cái gì cũng cần nói cho có đầu có cuối nghe chưa?

Anh giúp việc vâng vâng rối rít, hứa sẽ nghe lời.

Một hôm ông nhà giàu mặc quần áo đẹp chuẩn bị đi chơi. Ông ta đang ngồi hút thuốc thì thấy anh giúp việc chạy vào lễ phép nói:

- Thưa ông, con tằm nó nhả tơ, người ta đem tơ dệt lụa. Ông mua lụa về may thành áo. Chiếc áo rất đẹp. Hôm nay ông mặc áo đẹp, ông hút thuốc. Tàn thuốc nó rơi vào áo ông…

Ông nhà giàu giật mình nhìn xuống thì áo đã cháy to bằng bàn tay rồi.

Bài làm:

(1) Vi phạm phương châm về chất. Câu trả lời của học sinh không đáp ứng đúng yêu cầu của cuộc giao tiếp.

(2) Vi phạm phương châm về lượng, nói dài dòng, vòng vo, thừa thông tin.

b) Giải thích nghĩa của các thành ngữ sau và cho biết những thành ngữ này có liên quan đến phương châm hội thoại nào: ăn ốc nói mò, ăn không nói có, cãi chày cãi cối, khua môi múa mép, hứa hươu hứa vượn.

Bài làm:

  • Ăn ốc nói mò: những lời nói bịa đặt, không chính xác, không có căn cứ.
  • Ăn không nói có: những lời nói bịa đặt, vu khống nhằm nói xấu, hãm hại người khác.
  • Cãi chày cãi cối: phản đối, cãi lại đến cùng dù mình sai và không cần biết lí lẽ.
  • Khua môi múa mép: nói ba hoa, khoác lác cốt để phô trương.
  • Hứa hươu hứa vượn: hứa hão, hứa để được lòng, không thực hiện lời hứa.

Tất cả những thành ngữ trên đều liên quan đến phương châm về chất.

c) Dựa vào những phương châm hội thoại đã được học để giải thích vì sao người nói đôi khi phải dùng những cách diễn đạt như: như tôi được biết, tôi tin rằng, nếu tôi không nhầm, tôi nghe nói, hình như là,…

Bài làm:

Để đảm bảo tuân thủ phương châm hội thoại về chất. Người nói phải dùng những cách diễn đạt như: như tôi được biết, tôi tin rằng, nếu tôi không nhầm, tôi nghe nói, hình như là,… nhằm bào cho người nghe biết tính xác thực của nhận định hay thông tin mà mình đưa ra chưa được kiểm chứng.

3. Luyện tập sử dụng một số biện pháp nghệ thuật trong văn bản thuyết minh

a) Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi

Phủ Tây Hồ ở bên bờ phía đông của Hồ Tây, nơi có một doi đất ăn ra hồ như bán đảo. Bán đảo đó gọi là làng Tây Hồ, một làng cổ của kinh thành Thăng Long. Ở đầu làng, ngay mép nước có ngôi đền thờ bà Liễu Hạnh - nhân vật có thật sống ở thế kỉ XVII. Dân gian đã thần thánh hóa bà Liễu Hạnh, tôn làm Thánh Mẫu. Những nơi thờ mẫu thường gọi là đền. Nhưng đặc biệt những nơi có liên quan đến mẫu Liễu Hạnh (nơi sinh, nơi hiển thánh) thì gọi là phủ. Phủ Tây Hồ được dựng theo một truyền thuyết: Vào khoảng thế kỉ thứ XVII, ông trạng Phùng Khắc Hoan (1528 - 1613) nhân buổi đi chơi Hồ Tây, bỗng gặp một cô gái xinh đẹp. Họ trò chuyện và cùng nhau làm thơ. Đến khi trạng Phùng hỏi tên tuổi thì cô gái xinh đẹp kia mỉm cười, đọc một bài thơ và vụt biến. Phân tích bài thơ, trạng Phùng nhận ra đó là Thánh Liễu Hạnh. Dân làng Tây Hồ nhân câu chuyện đó lập một ngồi đền thờ bà.

Ngày nay, phủ Tây Hồ thu hút nhiều khách hành hương. Họ đi lễ Mẫu, đồng thời chiêm ngưỡng một cảnh đẹp của Thủ đô.

(1) Đoạn trích trên có tính chất thuyết minh không? Nếu có thì tính chất ấy thể hiện ở điểm nào?

(2) Kể tên biện pháp nghệ thuật chính mà tác giả đã sử dụng. Biện pháp nghệ thuật này đã làm nổi bật nội dung cần thuyết minh và gây hứng thứ cho người đọc như thế nào?

Bài làm:

(1) Đoạn trích trên có tính chất thuyết minh.

Bài viết đã cung cấp cho ta thêm những tri thức về phủ Tây Hồ.

(2) Biện pháp nghệ thuật chính mà tác giả sử dụng là kể chuyện.

Biện pháp này giúp cho việc lí giải nguồn gốc hình thành phủ Tây Hồ thêm li kì, cuốn hút và hấp dẫn người đọc.

b) Lập dàn ý chi tiết cho đề bài sau:

Đề bài: Thuyết minh một trong các đồ dùng học tập: cái bút, cái kéo, cuốn sách, cái cặp/ balo.

Yêu cầu:

- Về nội dung thuyết minh: nêu được công dụng, cấu tạo, chủng loại, lịch sử của đồ dùng đó.

- Về hình thức thuyết minh: vận dụng một số biện pháp nghệ thuật để làm cho bài viết sinh động, hấp dẫn như kể chuyện, tự thuật, hỏi – đáp theo lối nhân hóa,…

D. Hoạt động vận dụng - Bài: Phong cách Hồ Chí Minh

1. Nêu một số bài học sau khi đọc văn bản Phong cách Hồ Chí Minh.

Bài làm:

- Bài học về lối sống giản dị, không xa hoa, phung phí.

- Bài học về ý thức gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa cốt lõi của dân tộc khi giao lưu văn hóa với quốc tế, nhất là trong thời đại hội nhập hiện nay.

►►CLICK NGAY vào nút TẢI VỀ dưới đây để tải về Soạn bài Phong cách Hồ Chí Minh Ngữ văn 9 VNEN file PDF hoàn toàn miễn phí.

Đánh giá bài viết
5.0
1 lượt đánh giá
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
Copyright © 2020 Tailieu.com
DMCA.com Protection Status