Logo

Soạn Bài 8: Quyền sở hữu tài sản và nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ tài sản GDCD lớp 7 VNEN

Soạn Bài 8: Quyền sở hữu tài sản và nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ tài sản GDCD lớp 7 VNEN trang 51 hướng dẫn trả lời câu hỏi trong sách giáo khoa chương trình mới chi tiết, giúp các em tiếp thu bài học hiệu quả
5.0
0 lượt đánh giá

Nội dung hướng dẫn giải Bài 8: Quyền sở hữu tài sản và nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ tài sản được chúng tôi biên soạn bám sát bộ sách giáo khoa môn GDCD lớp 7 chương trình mới (VNEN). Hy vọng đây sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích giúp các em học tốt môn GDCD 7.

Hoạt động khởi động Bài 8: Quyền sở hữu tài sản và nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ tài sản

1. Chơi trò chơi "đoán nhanh ô chữ"

Câu 1: Ô chữ gồm 9 chữ cái: Việc tôn trọng tài sản của người khác thể hiện phẩm chất này?

Câu 2: Ô chữ gồm 7 chữ cái: Đất đai, rừng núi, bệnh viện, trường học, đường quốc lộ, khoáng sản thuộc sở hữu của ai?

Câu 3: Ô chữ gồm 8 chữ cái: Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác..." là nội dung quy định về quyền sở hữu tài sản của công dân trong văn bản pháp luật này?

Bài làm:

Câu 1: Ô chữ gồm 9 chữ cái: Việc tôn trọng tài sản của người khác thể hiện phẩm chất này?

=> TRUNG THỰC

Câu 2: Ô chữ gồm 7 chữ cái: Đất đai, rừng núi, bệnh viện, trường học, đường quốc lộ, khoáng sản thuộc sở hữu của ai?

=> NHÀ NƯỚC

Câu 3: Ô chữ gồm 8 chữ cái: Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác..." là nội dung quy định về quyền sở hữu tài sản của công dân trong văn bản pháp luật này?

=> HIẾN PHÁP

2. Tìm hiểu khái niệm

Trò chơi có nhắc đến các khái niệm "tài sản", "sở hữu", "quyền sở hữu tài sản".

Em hãy viết ra những hiểu biết của mình về các khái niệm này

Bài làm:

Các khái niệm:

Tài sản là của cải vật chất dùng vào mục đích sản xuất hoặc tiêu dùng.

- Khi phân loại tài sản theo chu kỳ sản xuất, ta có tài sản cố định và tài sản lưu động.

- Khi phân loại tài sản theo đặc tính cấu tạo của vật chất, ta có tài sản hữu hình và tài sản vô hình.

Sở hữu là quan hệ xã hội, thông qua đó xác định tài sản thuộc về ai, do ai chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản trong xã hội.

Quyền sở hữu tài sản là quyền của công dân (chủ sở hữu) đối với tài sản thuộc sở hữu của mình.

Hoạt động hình thành kiến thức Bài 8: Quyền sở hữu tài sản và nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ tài sản

1. Tìm hiểu về quyền sở hữu tài sản

a. Cùng trao đổi

- Tên đồ dùng học tập mà em đang sở hữu và tình cảm của em với những đồ dùng đó

- Khi mượn đồ dùng của người khác, em có giữ gìn đồ dùng đó không? Tại sao?

- Nếu có ai lấy trộm đồ dùng của em, em sẻ xử sự như thế nào?

Bài làm:

- Một số đồ dùng học tập mà em đang sở hữu là sách mở, bút thước, cặp sách, máy tính,... Em rất yêu những đồ dùng đó bởi vì em xem chúng là những người bạn, giúp em có nhiều kiến thức và đồng hành cùng em mỗi ngày. Vì vậy, em luôn giữ gìn và bảo vệ chúng luôn sạch sẽ.

- Khi mượn đồ dùng của người khác, em sẽ giữ gìn đồ dùng đó vì đó không phải là đồ của mình nên mình không được phép phá hỏng hay làm bẩn. Hơn nữa, việc mình mượn và giữ gìn đồ của người khác sẽ tạo thiện cảm đối với người cho mình mượn. Như vậy, nếu lần sau mình có mượn tiếp thì họ cũng sẽ vui vẻ và đồng ý.

- Nếu có ai lấy trộm đồ dùng của em, em sẽ tùy thuộc vào giá trị món đồ để xử lí. Nếu em chỉ mất cuốn sách, cuốn vở hay hộp bút màu thì em sẽ báo với bạn lớp trưởng để bạn ấy kiểm tra các bạn trong lớp. Còn nếu em mất đồ dùng có giá trị lớn hơn em sẽ báo cáo với cô chủ nhiệm để cô báo lên ban giám hiệu nhà trường tìm thủ phạm và lấy lại món đồ em đã mất.

b. Quan sát ảnh, đọc thông tin và trả lời câu hỏi:

- Hãy chỉ ra, ai trong trường hợp dưới đây có quyền sở hữu xe, ai chỉ có quyền sử dụng xe và ai có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản xe?

+ Anh Lâm là chủ xe máy

+ Bác Nghĩa là người trông xe đạp ở trường em. Bác thường nhắc chúng em để xe đúng quy định

+ Hùng mượn xe đạp của Nga để đến nhà bạn họp nhóm vì xe của Hùng bị hỏng

- Anh Lâm có thể cho mượn, bán hoặc tặng ai đó chiếc xe máy của mình không? Vì sao?

- Theo em, công dân có những quyền nào đối với tài sản mà mình sở hữu?

Bài làm:

Trong các trường hợp trên, trường hợp:

- Có quyền sở hữu xe là anh Lâm

- Chỉ có quyền sử dụng xe là bạn Hùng

- Trách nhiệm giữ gìn và bảo quản xe là bác Nghĩa và bạn Hùng

Anh Lâm có thể cho mượn, bán hoặc tặng ai đó chiếc xe máy của mình vì anh Lâm là chủ sở hữu chiếc xe máy, vì vậy anh có quyền định đoạt tài sản của mình, anh có thể cho, bán hoặc tặng ai đó, miễn sao anh không sử dụng chiếc xe đó để làm điều phạm pháp và trái quy định của pháp luật.

Theo em, đối với tài sản mình sở hữu, công dân có những quyền:

- Quyền chiếm hữu là quyền trực tiếp nắm giữ, quản lí tài sản

- Quyền sử dụng là quyền khai thác giá trị sử dụng tài sản…

- Quyền định đoạt là quyền quyết định đối với tài sản đó.

c. Hãy ghép các thẻ từ vào ô cho phù hợp:

(Quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt)

..... là quyền khai thác giá trị sử dụng của tài sản và hưởng lợi từ các giá trị sử dụng của tài sản đó

...... là quyền trực tiếp nắm giữ, quản lí tài sản

...... là quyền quyết định đối với tài sản như: mua bán, tặng cho, để lại thừa kế, phá hủy, vứt bỏ...Đây là quyền quan trọng nhất vì nó bao gồm cả hai quyền trên...

Bài làm:

Quyền sử dụng là quyền khai thác giá trị sử dụng của tài sản và hưởng lợi từ các giá trị sử dụng của tài sản đó

Quyền chiếm hữu là quyền trực tiếp nắm giữ, quản lí tài sản

Quyền định đoạt là quyền quyết định đối với tài sản như: mua bán, tặng cho, để lại thừa kế, phá hủy, vứt bỏ... Đây là quyền quan trọng nhất vì nó bao gồm cả hai quyền trên...

Bài làm:

Ta có:

A. Tư liệu sinh hoạt và tư liệu sản xuất Hình 2
B. Vốn và các tài sản dùng trong kinh doanh Hình 5
C. Tiền lương, tiền công, tiền kiếm được từ lao động hợp pháp Hình 6
D. Của cải để dành, tích lũy Hình 1
E. Nhà ở Hình 3
G. Tài sản của nhà nước Hình 4

e. Đọc Điều 32 và Điều 53 trong Hiến Pháp năm 2013: (sgk trang 54)

Từ kết quả thu được ở các hoạt động 1, b, c, d, e, em hãy cho biết thế nào là quyền sở hữu tài sản. Công dân, nhà nước có quyền sở hữu đối với loại tài sản nào?

Bài làm:

Quyền sở hữu tài sản là quyền của công dân (hay còn gọi là chủ sở hữu) đối với tài sản thuộc sở hữu của mình. Quyền sở hữu bao gồm:

- Quyền chiếm hữu

- Quyền sử dụng

- Quyền định đoạt

Công dân, nhà nước có quyền sở hữu đối với loại tài sản:

- Công dân có quyền sở hữu: thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp, tổ chức

- Nhà nước có quyền sở hữu: đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên do nhà nước đầu tư...

2. Xác định nghĩa vụ của công dân trong việc tôn trọng tài sản của người khác và tôn trọng, bảo vệ tài sản của Nhà nước

a. Hãy trao đổi với bạn bên cạnh để hoàn thành bảng sau:

Những hành động thể hiện sự tôn trọng tài sản người khác Những hành động thể hiện sự tôn trọng, bảo vệ tài sản của nhà nước
   

Bài làm:

Những hành động thể hiện sự tôn trọng tài sản người khác Những hành động thể hiện sự tôn trọng, bảo vệ tài sản của nhà nước

- Bảo vệ, giữ gìn tài sản của người khác

- Khi mượn đồ người khác phải giữ gìn cẩn thận

- Nhặt được của rơi đem trả lại cho người bị mất

- Không cắm gửi tài sản của người khác khi mình mượn

- Tố cáo những người chặt phá rừng bừa bãi

- Giữ gìn, bảo vệ các di sản văn hóa

- Bảo vệ môi trường các khu du lịch sinh thái

- Không đánh bắt cá bằng chất nổ hoặc hóa chất...

b. Đọc thông tin sau và trả lời câu hỏi: Nữ sinh nhặt được của rơi trả lại người đánh mất

- Em hãy phân tích và nhận xét về hoàn cảnh, suy nghĩ, hành động của em Bảy

- Nếu em cũng nhặt được chiếc túi như Bảy, em sẽ làm như thế nào? Giải thích tại sao em làm như vậy.

Bài làm:

Phân tích và nhận xét về hoàn cảnh, suy nghĩ, hành động của bạn Bảy:

Đọc thông tin xong em thấy, dù nhà bạn Bảy rất nghèo, nhà em thu nhập chỉ có mấy sào ruộng khoán. Nhưng là một học sinh ngoan ngoãn và học lực khá, nhiều năm liền đạt học sinh tiên tiến nên khi nhặt được túi xách của người khác bạn đã mạnh dạn báo lên cho thầy cô để tìm cách trả lại chiếc túi cho người bị mất. Hành động đó của bạn Bảy rất cao thượng, dù còn bé nhưng bạn đã hiểu được sự vất vả khi kiếm ra những đồng tiền, bởi vậy, bạn không nỡ lấy đi những đồng tiền mồ hôi, xương máu của người đã đánh rơi. Và đây chính là một tấm gương sáng để chúng ta có thể noi theo.

Nếu em cũng nhặt được chiếc túi như Bảy, em sẽ báo với thầy cô hoặc mang lên cơ quan có thẩm quyền để trình báo và tìm lại chủ nhân của chiếc túi. Sở dĩ em làm vậy vì bố mẹ và thầy cô đã dạy, khi nhặt được của rơi phải trả lại cho người bị mất. Hơn nữa, có lần em bị mất một khoản tiền nhỏ nhưng em cảm thấy rất buồn. Bởi vậy, em hiểu được suy nghĩ của người mất đồ, nên em trả lại cho họ đồng thời cũng làm việc có ích cho xã hội.

3. Tìm hiểu trách nhiệm của Nhà nước trong việc công nhận, bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp của công dân và bảo vệ tài sản của nhà nước, lợi ích công cộng

a. Đọc thông tin sau và trả lời câu hỏi

Câu hỏi:

- Quyền sở hữu của công dân đã được ghi nhận như thế nào trong văn bản trên?

- Để có thể đưa ra những quy định này vào trong đời sống, giúp mọi người hiểu biết hơn thì nhà nước cần làm gì?

- Theo em, nhà nước xử lí như thế nào đối với những trường hợp xâm phạm tới tài sản của công dân cũng như của Nhà nước?

Bài làm:

Quyền sở hữu của công dân được ghi nhận:

- Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản

- Trường hợp thật cần thiết vì lí do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường.

Để có thể đưa ra những quy định này vào trong đời sống, giúp mọi người hiểu biết hơn thì nhà nước cần phải tuyên truyền, giáo dục công dân cách thức bảo vệ quyền sở hữu của mình và ý thức tôn trọng quyền sở hữu của người khác.

Theo em, đối với những trường hợp xâm phạm tới tài sản của công dân cũng như của Nhà nước, Nhà nước ta xử lí: phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Thông tin 2: sgk trang 58

Câu hỏi:

- Chìu Qúy N đã chiếm đoạt những tài sản nào của chị Hồng?

- Việc xét xử Chìu Qúy N thể hiện trách nhiệm gì của Nhà nước với quyền sở hữu tài sản của công dân?

- Nếu em chứng kiến hành vi cướp tài sản của N, em sẽ làm gì?

Bài làm:

- Chìu Qúy N đã chiếm đoạt của chị Hồng 270.000 đồng và một chiếc điện thoại di động Nokia 307.

- Việc xét xử Chìu Qúy N thể hiện trách nhiệm bảo vệ tài sản, sự liêm minh của Nhà nước với quyền sở hữu của công dân.

- Nếu em chứng kiến hành vi cướp tài sản của N em sẽ hô hoán thật to để mọi người đến cứu trợ chị Hồng, đồng thời gọi điện cho công an khu vực đến giải quyết.

Thông tin 3: Trang 58 sgk

Câu hỏi:

- Chủ sở hữu tài sản có những quyền gì để bảo vệ tài sản của mình?

- Vận dụng những quy định của các văn bản quy phạm pháp luật đã nêu ở thông tin 1 và 3 để giải quyết các tình huống sau:

+ Nếu một bạn mượn đồ dùng của em nhưng mãi vẫn không trả dù em đã nói nhiều lần, em sẽ làm gì?

+ Em sẽ làm gì nếu em bị cướp tài sản khi đang đi trên đường?

+ Nếu đang đi trên xe bus, em thấy kẻ gian lấy trộm tài sản của người khác, em sẽ xử lí như thế nào?

Bài làm:

Để bảo vệ tài sản của mình, chủ sở hữu tài sản có toàn quyền đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của mình, chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

Giải quyết tình huống:

Nếu một bạn mượn đồ dùng của em nhưng mãi vẫn không trả dù em đã nói nhiều lần, em sẽ làm gì?

=> Em sẽ báo với bố mẹ bạn ấy để nhờ họ xử lí.

Em sẽ làm gì nếu em bị cướp tài sản khi đang đi trên đường?

=> Em sẽ hét lớn để nhờ những người xung quanh trợ giúp. Nếu không thể bắt được tên cướp em sẽ lên cơ quan công an trình báo để nhờ công an tìm lại đồ đã mất của mình.

Nếu đang đi trên xe bus, em thấy kẻ gian lấy trộm tài sản của người khác, em sẽ xử lí như thế nào?

=> Em sẽ hô hào cho mọi người biết để bắt tận tay tên trộm, có tang chứng vật chứng ngay trên xe.

Hoạt động luyện tập Bài 8: Quyền sở hữu tài sản và nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ tài sản

1. Chia sẻ suy nghĩ

Em tán thành hay không tán thành với các quan điểm sau đây? Giải thích vì sao?

Quan điểm Tán thành Không tán thành Giải thích
1. Tài sản chung không cần bảo vệ      
2. Nhà nước không cần phải bảo vệ tài sản của công dân      
3. Mỗi công dân đều phải có ý thức tôn trọng, bảo vệ tài sản của người khác và của Nhà nước      
4. Tài sản của Nhà nước là tài sản thuộc sở hữu của toàn dân      
5. Quyền định đoạt bao hàm quyền chiếm hữu và quyền sử dụng      
6. Người có quyền chiếm hữu thì có quyền định đoạt tài sản      
7. Nhà nước ghi nhận quyền sở hữu về tài sản của công dân để thể hiện sự tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của mọi người dân      

Bài làm:

Quan điểm Tán thành Không tán thành Giải thích
1. Tài sản chung không cần bảo vệ   x Tài sản chung chính là tài sản của nhà nước, công dân phải giữ gìn và bảo vệ.
2. Nhà nước không cần phải bảo vệ tài sản của công dân   x Nếu Nhà nước không bảo vệ tài sản của công dân thì xã hội sẽ mất trật tự, trộm cắp, cướp giật xảy ra khắp nơi...
3. Mỗi công dân đều phải có ý thức tôn trọng, bảo vệ tài sản của người khác và của Nhà nước x   Vì đó là trách nhiệm và nghĩa vụ được quy định rõ ràng trong Hiến Pháp Việt Nam
4. Tài sản của Nhà nước là tài sản thuộc sở hữu của toàn dân x   Tài sản của nhà nước là tài sản thuộc sở hữu của toàn dân, do nhà nước đầu tư, quản lí.
5. Quyền định đoạt bao hàm quyền chiếm hữu và quyền sử dụng x   Quyền định đoạt là quyền quyết định đối với tài sản như: mua bán, tặng cho, để lại thừa kế, phá hủy, vứt bỏ... Đây là quyền quan trọng nhất vì nó bao gồm cả hai quyền trên...
6. Người có quyền chiếm hữu thì có quyền định đoạt tài sản   x Người có quyền chiếm hữu chỉ có quyền khai thác giá trị sử dụng của tài sản và hưởng lợi từ các giá trị sử dụng của tài sản đó chứ không có quyền định đoạt mua bán, tặng cho, kế thừa...
7. Nhà nước ghi nhận quyền sở hữu về tài sản của công dân để thể hiện sự tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của mọi người dân x   Mỗi công dân là một cá thể của xã hội, khi các cá thể phát triển thì xã hội phát triển. Và để cá thể phát triển nhà nước phải có trách nhiệm bảo vệ tài sản của các cá thể đó.

2. Đọc hội thoại và thực hiện nhiệm vụ

a. Đọc hội thoại:

Hùng: Trên báo mạng đưa tin nhặt được số tiền lớn đem trả này các cậu ơi

Hải: À, Lê Doãn Ý (Đại học Mở Hà Nội tại Đà Nẵng) nhặt được hơn 1,3 tỉ đồng đã trả lại người mất chứ gì?

Hùng: Không biết Lê Doãn Ý có biết anh ấy có quyền sử dụng số tiền đó không nhỉ? Anh ấy thật dại khờ khi trả lại tiền

Minh: Theo tớ thì Lê Doãn Ý không có quyền sử dụng mà chỉ có quyền định đoạt só tiền đó thôi

Hải: Các cậu nhầm rồi, nếu không trả lại thì Lê Doãn Ý là người có hành vi trái pháp luật đấy.

b. Thực hiện nhiệm vụ:

- Xác định ý kiến đúng trong hội thoại trên. Giải thích tại sao.

- Em hãy rút ra bài học cho bản thân về tôn trọng tài sản và quyền sở hữu của người khác.

Bài làm:

Ý kiến đúng trong đoạn hội thoại trên là ý kiến của Hải: Các cậu nhầm rồi, nếu không trả lại thì Lê Doãn Ý là người có hành vi trái pháp luật đấy.

Vì: Theo quy định tại Điều 230 Bộ luật Dân sự 2015 quy định tại Điều 230 như sau:

- Người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó; nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.

- Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã đã nhận tài sản phải thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu.

Và pháp luật cũng quy định tại Điều 41, Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) cũng quy định về tội Chiếm giữ trái phép tài sản như sau:

- Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

- Phạm tội chiếm giữ tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng trở lên hoặc cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hoá có giá trị đặc biệt, thì bị phạt tù từ một năm đến 5 năm”.

3. Hoàn thành bảng:

Hãy liệt kê một số hành vi thực hiện đúng và hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghĩa vụ tôn trọng tài sản của người khác và tôn trọng, bảo vệ tài sản của Nhà nước:

Hành vi thực hiện đúng Hành vi vi phạm

 

 

 

Bài làm:

Hành vi thực hiện đúng Hành vi vi phạm

- Luôn giữ gìn và bảo vệ cẩn thận đồ của người khác khi mượn

- Nhặt được của rơi đem trả lại người mất

- Bảo vệ các công trình công cộng như trường học, bệnh viện...

- GIúp người đi đường bắt kẻ trộm đồ

- Trộm cắp tài sản của người khác

- Nhặt được tiền đem cất đi không trả lại

- Mượn đồ người khác nhưng không chịu trả

4. Chơi trò chơi "tiếp sức"

5. Đóng vai và xử lí tình huống

Tình huống 1: Bình 12 tuổi là học sinh lớp 7A. Một hôm Bình mượn xe đạp của bạn Minh (cùng lớp) để đi chơi. Tuy nhiên, Bình đã tự ý đặt xe đạp đó ở hiệu cầm đồ lấy tiền chơi điện tử.

Câu hỏi:

- Em có nhận xét như thế nào về hành vi của Bình?

- Nếu em là Minh, em sẽ làm gì để lấy lại chiếc xe đạp? Giải thích vì sao?

- Theo em, Bình và Minh có những quyền gì đối với chiếc xe đạp đó?

Bài làm:

Em nhận thấy, hành vi của Bình như vậy là không đúng và vi phạm pháp luật. Chiếc xe đạp đó Bình chỉ được phép sử dụng, còn quyền định đoạt chỉ có Minh là chủ của chiếc xe mới có quyền. Vậy mà Bình đã lạm quyền và đi cầm chiếc xe của bạn để lấy tiền đánh điện tử.

Nếu em là Minh, em sẽ tới tiệm cầm đồ để trình bày và lấy chiếc xe đạp về vì: Theo pháp luật quy định tại Điều 309 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về cầm cố tài sản như sau: “Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.”. Do đó tài sản sử dụng trong cầm cố phải là tài sản thuộc quyền sở hữu của bên cầm cố (phải là tài sản của Bình). Nhưng chiếc xe đạp là của Minh và chưa được sự đồng ý của Minh.

Do đó, việc chưa có sự chấp thận của Minh mà tiệm cầm đồ vẫn thực hiện cầm cố đối với chiếc xe đạp không đúng quy định pháp luật. Vì thế giao dịch dân sự này vô hiệu và bên tiệm cầm đồ phải trả lại xe cho Minh, còn Bình phải trả lại khoản tiền đã nhận từ tiệm cầm đồ.

Theo em, Bình có quyền sử dụng xe đạp, còn Minh là chủ của chiếc xe nên có quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt.

Tình huống 2: Lớp 7A và lớp 7B ở cạnh nhau. Giờ ra chơi, học sinh hai lớp nô đùa, xô đẩy nhau ngoài hành lang. Hùng ở lớp 7A đẩy Quang ở lớp 7B ngã vào cánh cửa. Ô cửa kính bị vỡ, hai bạn bỏ chạy và không ai nhận lỗi về mình.

Câu hỏi:

- Hãy chỉ ra những vi phạm của Hùng và Quang?

- Em sẽ góp ý như thế nào với hai bạn?

Bài làm:

Những vi phạm của Hùng và Quang là:

- Phá hỏng tài sản của nhà trường

- Làm sai nhưng không nhận lỗi về mình

Trong trường hợp này em sẽ góp ý với hai bạn là: Kính cửa đã vỡ rồi, hai bạn nên nhận lỗi với cô giáo và ban giám hiệu nhà trường để nhận sai về lỗi lầm của mình. Và hứa với thầy cô sẽ khắc phục hậu quả và không tái phạm vào lần sau. Đó mới là một hành động đúng của người học sinh.

Tình huống 3: Trong khi bắt chuột, ông Nghĩa phát hiện 10 thỏi bạc cổ bị chôn dấu. Ông nghĩ rằng đây là bạc vô chủ bị chôn dấu nên quyền sở hữu thuộc về ông là người tìm thấy.

Câu hỏi:

- Ông Nghĩa suy nghĩ như vậy có đúng không? Tại sao?

- Trong trường hợp này, nếu là ông Nghĩa, em sẽ làm thế nào với số bạc đó?

- Hãy tìm hiểu những quy định của pháp luật đối với trường hợp "quyền sở hữu đối với tài sản vô chủ" (Điều 228), "tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy" (Điều 229) trong Bộ luật Dân sự năm 2015.

Bài làm:

Ông Nghĩa suy nghĩ như vậy là không đúng vì theo pháp luật quy định tại điều 229 Bộ luật Dân sự năm 2015 ghi rõ: Người phát hiện tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm phải thông báo hoặc trả lại ngay cho chủ sở hữu; nếu không biết ai là chủ sở hữu thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp này, nếu là ông Nghĩa, em sẽ đưa 10 thỏi bạc đó lên trình báo cơ quan có thẩm quyền để trình báo.

Những quy định của pháp luật đối với trường hợp "quyền sở hữu đối với tài sản vô chủ" (Điều 228), "tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy" (Điều 229) trong Bộ luật Dân sự năm 2015:

Điều 228. Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu

1. Tài sản vô chủ là tài sản mà chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản đó.

Người đã phát hiện, người đang quản lý tài sản vô chủ là động sản thì có quyền sở hữu tài sản đó, trừ trường hợp luật có quy định khác; nếu tài sản là bất động sản thì thuộc về Nhà nước.

2. Người phát hiện tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu phải thông báo hoặc giao nộp cho Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.

Việc giao nộp phải được lập biên bản, trong đó ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người giao nộp, người nhận, tình trạng, số lượng, khối lượng tài sản giao nộp.

Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã đã nhận tài sản phải thông báo cho người phát hiện về kết quả xác định chủ sở hữu.

Sau 01 năm, kể từ ngày thông báo công khai mà không xác định được ai là chủ sở hữu tài sản là động sản thì quyền sở hữu đối với động sản đó thuộc về người phát hiện tài sản.

Sau 05 năm, kể từ ngày thông báo công khai mà không xác định được ai là chủ sở hữu tài sản là bất động sản thì bất động sản đó thuộc về Nhà nước; người phát hiện được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 229. Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy

1. Người phát hiện tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm phải thông báo hoặc trả lại ngay cho chủ sở hữu; nếu không biết ai là chủ sở hữu thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy mà không có hoặc không xác định được ai là chủ sở hữu thì sau khi trừ chi phí tìm kiếm, bảo quản, quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định như sau:

a. Tài sản được tìm thấy là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hoá theo quy định của Luật di sản văn hóa thì thuộc về Nhà nước; người tìm thấy tài sản đó được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật;

b. Tài sản được tìm thấy không phải là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hoá theo quy định của Luật di sản văn hóa mà có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì thuộc sở hữu của người tìm thấy; nếu tài sản tìm thấy có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người tìm thấy được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước.

Hoạt động vận dụng Bài 8: Quyền sở hữu tài sản và nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ tài sản

1. Nhận diện bản thân

- Em hãy kể những việc làm tốt và chưa tốt của em trong việc tôn trọng tài sản của người khác và tôn trọng, bảo vệ tài sản của Nhà nước

- Nêu những giải pháp để khắc phục những việc làm chưa tốt của bản thân

Bài làm:

Những việc làm tốt Những việc làm chưa tốt

- Mượn sách của bạn giữ gìn cẩn thận, không làm quăn mép

- Nhặt được ví trả lại cho bà cụ đánh rơi

- Bảo vệ, giữ gìn trường, lớp sạch sẽ

- Bảo vệ bàn ghế sạch sẽ, không dùng bút mực ghi lên bàn

- Trêu đùa quá chớn làm rách áo của bạn

- Làm dây mực vào vở ghi của bạn

- Sử dụng đồ của bạn mà chưa xin phép.

=> Giải pháp để khắc phục những việc làm chưa tốt của bản thân là cố gắng học tập, vui chơi lành mạnh, đọc và hiểu những quy định của Pháp luật để nắm rõ luật và thực hiện đúng việc tôn trọng tài sản của người khác và tôn trọng, bảo vệ tài sản của Nhà nước.

2. Nhận diện xung quanh

Hãy quan sát những người xung quanh em, chỉ ra 5 việc tốt và 5 việc làm chưa tốt của họ trong việc tôn trọng, bảo vệ tài sản của người khác, của Nhà nước

Bài làm:

Những việc làm tốt:

- Hoàng nhặt được bút của Ngọc, bạn trả lại cho Ngọc

- Được sự đồng ý của Duyên, Hoa mới cầm xe đạp đi.

- Thấy các bạn bật vòi nước mà không sử dụng, Ngọc chạy lại nhắc nhở và tắt vòi nước

- Chú Tuấn luôn trông xe cẩn thận cho các bạn.

Những việc làm xấu:

- Các bạn nam đá bóng làm vỡ cửa kính

- Tuấn dùng bút mực vẽ bậy lên bàn

- Các bạn nam nghịch làm hỏng xe của Mai rồi không chịu nhận...

3. Noi gương sáng

Hãy kể về một tấm gương mà em thấy ngưỡng mộ về việc tôn trọng và bảo vệ tài sản của người khác, của Nhà nước

Em đã học được gì từ tấm gương đó?

Bài làm:

Ví dụ mẫu:

Bạn Cao Thị Huế Chân và Nguyễn Tiến Thành học sinh lớp 8A7 trường THCS Phan Văn Trị là một hình ảnh đẹp về ý thức nhặt của rơi trả lại người đánh mất rất đáng biểu dương. Hành động của hai bạn đã gieo vào lòng mọi người niềm tin, sự hy vọng về lòng tốt trong cuộc sống của lớp trẻ.

Vào ngày 20/09/2016, hai bạn Huế Chân và Tiến Thành trên đường đi học về đến ngã tư vào đường Chu Văn An (đường vào trường học) thì hai bạn phát hiện có một xắp tiền giấy 500.000 đồng. Thấy số tiền rất lớn hai bạn quyết định mang số tiền này đến trình báo cho Công an phường VII, sau khi công an kiểm tra thì tổng số tiền là 50.000.000 đồng (năm mươi triệu đồng). Sau khi nhận số tiền, cùng ngày công an đã nhận được tin báo của người bị mất và đã làm thủ tục trả lại số tiền trên cho người bị mất.

Việc làm của hai bạn Huế Chân và Tiến Thành tuy nhỏ nhưng mang tính nhân văn sâu sắc và là một hành động đẹp. Trong xã hội hiện nay, đâu đó tiền bạc và vật chất đã có sức lôi cuốn và hủy hoại làm cho đạo đức con người xuống cấp. Tuy nhiên, chúng ta vẫn tin tưởng rằng, còn đó những hành động, những nghĩa cử cao đẹp như Huế Chân, Tiến Thành và nhiều người trong xã hội tiến bộ và văn minh.

Thể hiện ý thức cao, một nhận thức đúng đắn là một tấm gương sáng về đạo đức xứng đáng được tuyên dương cho mọi người học tập. Đặc biệt là đối với học sinh.

Với hành động đó bạn Cao Thị Huế Chân và bạn Nguyễn Tiến Thành đã được Hiệu trưởng trường THCS Phan Văn Trị tuyên dương vào ngày 26/9/2016.

=> Qua đây, em cảm thấy ngưỡng mộ về hai bạn Huế và Thành. Đó là những một nét đẹp của cuộc sống. Trong xã hội hiện nay, bên cạnh một bộ phận giới trẻ có biểu hiện sa sút đạo đức, thì cũng có nhiều bạn trẻ nổi lên như một tấm gương sáng để em và mọi người cùng noi theo.

Hoạt động tìm tòi mở rộng Bài 8: Quyền sở hữu tài sản và nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ tài sản

1. Tập làm tuyên truyền viên

2. Viết bài luận

Em hãy viết một bài luận ngắn về chủ đề "Tình hình xâm phạm tài sản quốc gia hiện nay" và thử đề xuất cách giải quyết của mình để làm giảm thiểu tình trạng đó

Bài làm:

Ví dụ mẫu:

Tài sản của Nhà nước là tài sản thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lí gồm: đất đai, rừng núi, tài nguyên trong lòng đất ....

Hiện nay, tình hình xâm phạm tài sản quốc gia là một vấn đề vô cùng quan trọng đối với đất nước. Gần đây, các trang báo, mạng xã hội thường xuyên đề cập đến việc những tài sản công cộng như cây xanh, đèn chiếu sáng, nắp hố ga, van ngăn triều… bị các đối tượng trộm cắp, xâm hại nhất là ở các thành phố lớn. Từ đó, ta phần nào thấy được nhận thức của nhiều người, họ đang vì cái lợi ích cá nhân quá lớn nên dẫn đến có những hành động vừa “thiếu thẩm mĩ” trong mắt người khác vừa vi phạm những quy định của pháp luật. Họ ngang nhiên xâm phạm và sở hữu những tài sản đó như của mình mà không chút hổ thẹn. Phải chăng vì họ quá thiếu thốn? Không phải vậy, họ cũng là những người lao động, cũng có công ăn, việc làm thế nhưng với suy nghĩ “là của công cộng nên không ai quản lí mình lấy cũng chẳng ai nói gì”. Bởi vậy, hôm nay cái bóng đèn mất, ngày mai nắp cống mất và hành động đó đã chạm vào lòng tham của người khác và vô tình kéo họ vào con đường xấu. Chẳng biết họ sẽ tiết kiệm được bao nhiêu tiền hay bán được bao nhiêu tiền nhưng nhận thấy những hành động đó thật đáng lên án và chê trách. Tại sao nước Nhật họ phát triển đến vậy, vì người ta văn mình, lịch sự và luôn cố gắng vươn lên bằng sức lực của mình, chiếc xe của họ để ngoài đường cả ngày chẳng ai trộm, các dịch vụ công cộng của họ luôn được nhân dân bảo vệ và giữ gìn. Nhìn lại Việt Nam, cảm thấy buồn cho một đất nước. Câu nói “một con sâu làm rầu nồi canh” luôn đúng. Trong khi nhiều người luôn ý thức và bảo vệ tài sản nhà nước thì một bộ phận nhỏ luôn tìm cách lấy đi hoặc phá vỡ…Điều đó làm xấu đi bộ mặt của đất nước. Vì vậy, cần phải có hình thức xử phạt thật nặng đối với những hành vi trộm cắp tài sản chung và đồng thời tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ tài sản nhà nước cũng là bảo vệ tài sản của chúng ta.

►►CLICK NGAY vào nút TẢI VỀ dưới đây để tải về Giải GDCD lớp 7 VNEN Bài 8: Quyền sở hữu tài sản và nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ tài sản file PDF hoàn toàn miễn phí.

Đánh giá bài viết
5.0
0 lượt đánh giá
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
Copyright © 2020 Tailieu.com
DMCA.com Protection Status