Logo

Văn mẫu 10 Giải thích “Trăm năm bia đá vẫn mòn/ Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”

Bài văn mẫu Giải thích câu ca dao: “Trăm năm bia đá vẫn mòn/ Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ” lớp 10 hay nhất giúp các em nâng cao khả năng viết văn để đạt điểm cao trong các bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 10
3.0
5 lượt đánh giá

Top 3 bài nghị luận Giải thích câu ca dao: “Trăm năm bia đá vẫn mòn/ Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ” lớp 10 tuyển chọn, hay nhất sẽ giúp các bạn học sinh tìm hiểu chi tiết về ý nghĩa của câu ca dao này, từ đó hoàn thành tốt cho bài văn nghị luận của mình.

Dàn ý giải thích câu ca dao: “Trăm năm bia đá vẫn mòn/ Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”

Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: câu ca dao: “Trăm năm bia đá vẫn mòn/ Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”.

Lưu ý: Học sinh tự lựa chọn cách viết mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của bản thân mình.

Thân bài

a. Giải thích

“Bia đá vẫn mòn”: Tấm bia đá cứng chắc, người ta khắc tên tưởng nhớ trên đó nhưng thời gian trôi qua tấm bia ấy bị bào mòn.

“Bia miệng vẫn còn trơ trơ”: có những sự việc, những tên tuổi của con người không khắc, không ghi vào bia nhưng vẫn còn mãi như mới hôm nào qua lời kể, lời truyền miệng của con người từ đời này sang đời khác.

Câu ca dao khuyên nhủ con người ta bài học: Phải sống đẹp, sao cho khi đã mất, tiếng thơm vẫn còn mãi về sau, đừng sống thấp hèn để đến khi mất đi trên thế gian tiếng xấu mãi vẫn không phai mờ.

b. Phân tích

Mỗi con người chỉ được sống một lần, chúng ta hãy sống với những hành động đúng đắn nhất để bản thân không phải hối tiếc và sau này để lại cho đời tiếng thơm.

Khi chúng ta sống đúng, sống đẹp, chúng ta sẽ được người đời yêu quý, kính trọng, tin tưởng, từ đó, tiếng thơm sẽ vang xa ngay cả khi con người ta còn sống.

Nếu tất cả co người trong xã hội đều sống đẹp, sống tốt thì xã hội này sẽ lan tỏa được những thông điệp tốt đẹp hơn, chúng ta sẽ có được môi trường sống tốt hơn.

Việc sống lỗi, sống sai không chỉ mang đến cho con người những tổn hại, sự day dứt trong tâm hồn, bị người đời xa lánh, mất niềm tin mà chúng còn để lại tiếng xấu ngay cả khi chúng ta lìa xa cõi đời.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng về những con người sống đẹp, sống có ích để lại tiếng thơm cho đời để minh họa cho bài làm của mình.

Lưu ý: dẫn chứng xác thực, nổi bật, tiêu biểu, được nhiều người biết đến.

d. Phản biện

Trong xã hội vẫn còn có nhiều người sống lỗi, chỉ biết đến lợi ích của bản thân mình mà không quan tâm đến người khác, sẵn sàng làm những việc xấu xa để trục lợi. Lại có những người cố ý tỏ ra tốt bụng, làm những việc che mắt người khác để được tin tưởng, trọng dụng,… những người này đáng bị xã hội thẳng thắn lên án, chỉ trích.

Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận: câu ca dao “Trăm năm bia đá vẫn mòn/Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”; đồng thời rút ra bài học và liên hệ bản thân.

Những bài văn mẫu lớp 10 giải thích câu ca dao: “Trăm năm bia đá vẫn mòn/ Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ” ý nghĩa nhất

Hướng dẫn cách làm bài văn nghị luận Ngữ Văn 10 với chủ đề giải thích câu ca dao: “Trăm năm bia đá vẫn mòn/ Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ” ngắn gọn, hay nhất dưới đây:

Văn mẫu 10 giải thích câu ca dao: “Trăm năm bia đá vẫn mòn/ Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ” số 1

Là con người sống trong xã hội, chúng ta cần phải sống sao cho đúng đạo làm người, đừng vì vật chất xa hoa làm hoen ố danh dự của mình, bởi “tiếng dữ đồn xa”, đã làm điều xấu thì không thể tránh khỏi miệng đời mai mỉa. Câu ca dao:

Trăm năm bia đá vẫn mòn
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.

Lời ca dao nêu lên một hiện tượng thường xảy ra trong cuộc sống: Tấm bia đá kia rất cứng chắc, người ta khắc tên tưởng nhớ người thân trên bia. Nhưng thời gian trôi qua tấm bia ấy bị bào mòn và tên tuổi người xưa cũng mờ theo năm tháng. Nhưng có những sự việc, những tên tuổi của những con người không ai khắc tên, không ghi vào bia, mà việc ấy, những con người ấy vẫn còn mãi như mới hôm nào qua lời kể, lời truyền miệng của con người từ đời này sang đời khác. Bia miệng của người đời có giá trị thật lâu dài. Câu ca dao đưa lên vấn đề ấy nhằm nhắc nhở chúng ta một bài học: Phải sống đẹp, sao cho khi đã mất, tiếng thơm vẫn còn mãi về sau, đừng sống thấp hèn để đến khi mất đi trên thế gian tiếng xấu mãi vẫn không phai mờ.

Lời nhắc nhở trong câu ca dao quý giá vô ngần. Từ xưa đến nay, vạn vật đều có sinh có tử, không ai bất tử bao giờ. Lúc còn sống, chúng ta có người giàu, kẻ nghèo, người tốt, kẻ dở, người hơn kẻ thua... Thế nhưng khi chết đi thì ai cũng chỉ có cái xác không hồn. Ta sẽ không còn gì về vật chất, thân xác mình sẽ trở về với cát bụi. Có còn chăng là mặt tinh thần, tiếng tăm của bản thân. Nếu chúng ta sống “đẹp” thì tiếng thơm lưu truyền mãi ngàn năm, sống “không đẹp” thì suốt đời tiếng xấu vẫn còn, bởi “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”. Đây cũng là quy luật tự nhiên. Nhìn lại những trang sử đã qua của dân tộc, chúng ta vô cùng tự hào trước lời nói hiên ngang bất khuất của Trần Bình Trọng: “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”. Càng tự hào kính phục những tấm gương anh hùng Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, ta càng thấy tức giận và hổ thẹn cho Lê Chiêu Thống với cái tiếng để đời “Cõng rắn cắn gà nhà”, rước giặc Thanh sang xâm chiếm nước ta, Nguyễn Ánh cầu viện thực dân Pháp, “rước voi giày mả tổ”. Hay Tự Đức “bế quan tỏa cảng” làm cho đất nước lạc hậu. Những con người ấy giờ đây thân xác đâu còn nữa mà miệng đời vẫn còn mãi không thôi. Những việc làm của họ để lại nỗi nhục cho dân tộc Việt Nam. Cho nên họ phải chịu sự phê phán, trách móc, lên án của người đời. sống ở trên đời tiền bạc của cải quả là quan trọng, có nó con người mới sống sung sướng đầy đủ. Nhưng cao hơn những thứ của cải quý giá là phẩm chất, danh dự của con người, là tiếng tốt để đời vĩnh cửu. “Cái cò” trong lời ca dao Con cò mà đi ăn đêm đã làm sáng lên tấm gương ấy. Trước cái chết cò con van xin:

Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con

Cò đã cố gắng muốn giữ sự trong sạch thanh cao cho cháu con tự hào về mình. Chúng ta, là con người, ắt phải biết suy nghĩ, biết nhận thức. Vậy ta “thà tốt danh hơn lành áo” để bia miệng của người đời nhắc đến ta bằng những lời tốt đẹp. Đó chẳng phải là gia tài quý có giá trị muôn đời cho con cháu hay sao? Câu ca dao thật sự là bài học sáng giá cho mỗi chúng ta.

Càng suy nghĩ ta càng thâm thìa rằng câu ca dao là động lực giúp ta phát huy mặt tốt, hạn chế mặt xấu để ngày càng sống tốt đẹp hơn, xã hội, đất nước sẽ tiến bộ hơn. Do đó từ nhỏ ta phải xây dựng cho mình một lối sống đẹp, sống làm sao để khi trưởng thành và cả đến lúc chết đi mọi người còn nhớ đến ta với những điều tốt đẹp. Có như thế ta mới không hổ thẹn với con cháu sau này. Nếu ai cũng hiểu được như vậy thì xã hội sẽ ngày một tốt đẹp thêm hơn.

Câu ca dao là lời nhắn nhủ chân tình của người xưa đối với chúng ta. Càng nghĩ ta càng cố gắng rèn luyện mình tốt hơn. Phải sống sao cho khi chết đi không còn hối hận điều gì, bởi mình chưa sống đúng ý nghĩa của một con người. Ta phải sống tốt để không phải mang bia miệng làm tủi lòng ông bà, cha mẹ và cả con cháu sau này.

Giải thích câu ca dao: “Trăm năm bia đá vẫn mòn/ Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ” Ngữ Văn lớp 10 số 2

Những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta đã được lưu giữ lại và truyền đời bằng những câu ca dao, tục ngữ hay lời ăn tiếng nói hàng ngày. Câu ca dao “Trăm năm bia đá vẫn mòn, nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ” mang ý nghĩa khuyên răn con người ta trong lời ăn tiếng nói hàng ngày phải biết ăn nói cho đúng chuẩn mực, bởi lời nói sẽ có ý nghĩa tới muôn đời.

Ăn nói có văn hóa đã trở thành một chuẩn mực trong giao tiếp xã hội, cách giao tiếp sao cho lịch sự sẽ tạo nên những ấn tượng sâu sắc cho mỗi người, và không chỉ có ý nghĩa ngay khi đó mà những giá trị của nó còn được lưu truyền sâu xa hơn nữa. Bia đá khi trải qua mấy nghìn năm sương gió cũng phải hao mòn đi nhưng những lời nói của chúng ta thì sẽ vẫn còn đó, tồn tại mãi mãi chứ không hao mòn hay mất đi. Chúng ta nên nói lời hòa nhã, hợp với lòng người chứ không nên tùy tiện văng ra những lời nói miệt thị, thiếu văn hóa, xúc phạm tới mọi người.

Các cụ cũng có câu “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” là vì vậy, tránh gây cho người khác những tổn thương, mất mát hay khó khăn vì những lời nói của mình. Câu ca dao không chỉ là lời nhắc nhở và cảnh tỉnh lối giao tiếp của chúng ta mà còn đề cập tới phong cách giao tiếp ngày nay, trình độ học vấn ngày nay có thể cao hơn, nhưng trình độ về văn hóa giao tiếp có thể không bằng những thời trước. Chúng ta đang sống trong xã hội ngày càng hiện đại hóa, các công nghệ tiên tiết, thiết bị hiện đại đang là rào cản cho việc giao tiếp của chúng ta, chúng ta ngày càng ít giao tiếp bằng lời nói với nhau, điều đó làm hạn chế đi những kỹ năng giao tiếp khéo léo, cách ứng xử tế nhị của mọi người.

Dần dần chúng ta đang làm phai mờ đi những cách giáo dục về giao tiếp và đối nhân xử thế ở con trẻ, rồi lớn lên chúng có những kiểu giao tiếp không mấy thiện cảm với mọi người. Những lời nói hàng ngày của chúng ta tuy đơn giản vậy thôi nhưng thực ra đều mang ý nghĩa lớn lao, người dân Việt Nam ta thường quan trọng lời ăn tiếng nói, bởi vậy mới có câu “Học ăn, học nói, học gói, học mở” hay “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Chúng ta phải học hỏi, tiếp thu những cái hay, lời nói tốt đẹp để thu phục lòng người, tạo ấn tượng đẹp trong lòng mỗi người và để hình ảnh đẹp đó của mình được lưu truyền mãi về sau này.

Câu ca dao có ý nghĩa sâu sắc và tác động mạnh mẽ tới ý thức văn hóa giao tiếp của người dân Việt Nam, chúng ta cần trân trọng và coi đây là một bài học quý báu, nhắc nhở bản thân và mọi người, giáo dục con cái, hướng đến một xã hội Việt Nam với những lời nói tốt đẹp được lưu truyền và trường tồn mãi với thời gian.

Bài văn mẫu Giải thích câu ca dao: “Trăm năm bia đá vẫn mòn/ Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ” lớp 10 số 3

“Lời nói chẳng mất tiền mua

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”

Trong kho tàng văn học dân gian của Việt Nam ông cha ta để lại vô vàn những câu tục ngữ, ca dao để khuyên bảo và răn đe con người trong cách ăn nói, ứng xử, giao tiếp hàng ngày, người ta có câu “lời nói chẳng mất tiền mua/“lời nói chẳng mất tiền mua”, chẳng ai đánh thuế hay bắt ép bạn phải dùng tiền hay vật chất để mua lời nói, vì thế sao không dùng lời hay ý đẹp để nói với nhau, khi chết đi thân xác không còn với thời gian nhưng lời nói của bạn thì khiến người ta nhớ tới từ đời này sang đời khác.

Ông bà ta có câu “trăm năm bia đá cũng mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ” là câu tục ngữ khuyên răn chúng ta phải nói đúng chuẩn mực, bởi thông qua lời nói, cách giao tiếp, ứng xử của bạn là cách đánh giá phẩm chất, nhân phẩm của mình.

Cách ăn nói của bạn chính là tiêu chuẩn để để đánh giá và bình phẩm về con người bạn. câu tục ngữ khuyên răn chúng ta phải ăn nói sao cho chuẩn mực, lịch sự, phù hợp với từng đối tượng và từng hoàn cảnh nhất định.

Nghĩa đen của câu tục ngữ đó là qua trải qua hàng trăm năm của lịch sự, do yếu tố tự nhiên và khí hậu làm cho bia đá bị mòn và phai dần, còn những câu nói của bạn, dù trải qua hàng ngàn năm thì nó không bị mất đi mà còn tồn tại từ thời đại này sang thời đại khác. Nhưng đằng sau câu tục ngữ đó là cả một ý nghĩa sâu sắc, đó là khuyên răn chúng ta khi nói ra những lời nào thì hãy “uốn lưỡi 9 lần rồi nói” nghĩa là phải cân đo đem đếm xem phải nói với người khác như thế nào, bắt đầu ra sao, nên nói trong những trường hợp nào. Vì thế câu tục ngữ chính là lời dạy bảo con cháu ăn nói sao cho họp lòng người khác, không làm họ bị tổn thương, nhưng phải nói đúng sự thật, không được nói phét, nịnh hot, làm biến chất câu chuyện, nếu như thế chỉ làm cho họ thấy ghét bạn hơn mà thôi.

“Tôm chết để hùm, người chết để tiếng”

Khi chết đi con” tôm” thường để lại cái “hùm” của mình, đó là đặc tính và đặc điểm của loài này, còn con người khi chết đi con người không còn gì hết, tất cả được phân hủy, chỉ còn lời nói, tiếng tăm, hình ảnh của bạn là được người đời nhớ đến. Còn thân xác của bạn thì bị biến mất theo thời gian, nếu còn sống bạn ăn ở tốt và hiền lành thì khi chết đi, bạn được mọi người tôn trọng và tiếc nuối, ngược lại nếu còn sống bạn ăn ở độc ác, không coi trọng ai hết, khi chết đi bạn bị người đời chửi rủa và khinh thường.

Câu tục ngữ giúp chúng ta thức tỉnh và nhận thức được tầm quan trọng của lời nói trong giao tiếp hằng ngày, một người có trí thức, được ăn học đàng hoàng và đầy đủ thì chắc chắn lời ăn tiếng nói của người ta cũng khác so với những người học ít.

Trong thời đại công nghệ thông tin đang phát triển một cách rầm rộ như hiện nay, thay vì việc người ta giao tiếp, nói chuyện với nhau một cách trực tiếp thì giờ đây thông qua facbook, các trang mạng xã hội, con người có thể trò chuyện với nhau ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào mà không cần gặp mặt. Chính điều này đã làm mất đi tính chân thật và ý nghĩa thực sự của lời nói, nhưng cũng không thể phủ nhận sự quan trọng và hữu ích của công nghệ.

Câu tục ngữ là bài học, là lời khuyên bảo mà ông cha ta muốn truyền đạt lại cho con cháu, dạy dỗ và thức tỉnh chúng ta phải ăn nói lịch sự, đoàng hoàng để mình vừa được tiếng mà người nghe cũng cảm thấy vui tai và hạnh phúc, lời nói có thêm bị thêm bớt khi truyền từ người này đến người kia, nhưng nhìn chung là xấu dần đều, vì thế khi nói vấn đề gì chúng ta hãy thật cẩn thận.

CLICK NGAY vào nút TẢI VỀ dưới đây để tải các mẫu bài nghị luận Giải thích câu ca dao: “Trăm năm bia đá vẫn mòn/ Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ” file word, pdf hoàn toàn miễn phí.

Đánh giá bài viết
3.0
5 lượt đánh giá
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
Copyright © 2020 Tailieu.com
DMCA.com Protection Status