Logo

2 Bộ đề thi Tiếng Việt lớp 5 giữa học kì 2 2022 - Phần 2 (Có đáp án)

Tổng hợp 2 bộ đề thi Tiếng Việt lớp 5 giữa học kì 2 2022 - Phần 2 có đáp án và hướng dẫn giải chi tiết từ đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm biên soạn và chia sẻ. Hỗ trợ các em ôn luyện giải đề đạt hiệu quả.
2.4
19 lượt đánh giá

Kì thi giữa kì 2 sắp tới, chúng tôi xin giới thiệu đến các em 2 bộ đề thi Tiếng việt lớp 5 giữa kì 2 - Phần 2 năm 2022 có lời giải chi tiết. Nội dung bám sát theo chương trình học trong nhà trường. Giúp các bạn học sinh ôn tập và luyện tập làm quen với nhiều dạng đề, đồng thời cũng chuẩn bị tốt cho kì thi sắp tới của mình. Mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây.

Đề thi giữa kì 2 Tiếng Việt lớp 5 năm 2022 - Đề số 1

A. Kiểm tra Đọc

I. Đọc thầm

Cho và nhận

Một cô giáo đã giúp tôi hiểu rõ ý nghĩa phức tạp của việc cho và nhận.

Khi thấy tôi cầm sách trong giờ tập đọc, cô đã nhận thấy có gì không bình thường, cô liền thu xếp cho tôi đi khám mắt. Cô không đưa tôi đến bệnh viện, mà dẫn tôi đến bác sĩ nhãn khoa riêng của cô. Ít hôm sau, như với một người bạn, cô đưa cho tôi một cặp kính.

- Em không thể nhận được! Em không có tiền trả đâu thưa cô! – Tôi nói, cảm thấy ngượng ngùng vì nhà mình nghèo.

Thấy vậy, cô liền kể một câu chuyện cho tôi nghe. Chuyện kể rằng: “ Hồi cô còn nhỏ, một người hàng xóm đã mua kính cho cô. Bà ấy bảo, một ngày kia cô sẽ trả cho cặp kính đó bằng cách tặng cho một cô bé khác. Em thấy chưa, cặp kính này đã được trả tiền từ trước khi em ra đời”. Thế rồi, cô nói với tôi những lời nồng hậu nhất, mà chưa ai khác từng nói với tôi: “Một ngày nào đó, em sẽ mua kính cho một cô bé khác”.

Cô nhìn tôi như một người cho. Cô làm cho tôi thành người có trách nhiệm. Cô tin tôi có thể có một cái gì để trao cho người khác. Cô chấp nhận tôi như thành viên của cùng một thế giới mà cô đang sống. Tôi bước ra khỏi phòng, tay giữ chặt kính trong tay, không phải như kẻ vừa được nhận món quà, mà như người chuyển tiếp món quà cho người khác với tấm lòng tận tụy.

(Xuân Lương)

Đọc thầm bài đọc và trả lời các câu hỏi bằng cách khoanh vào chữ cái đặt trước câu trả lời đúng nhất hoặc hoàn thiện các bài tập theo yêu cầu:

Câu 1: Vì sao cô giáo lại dẫn bạn học sinh đi khám mắt?

A. Vì bạn ấy bị đau mắt.

B. Vì bạn ấy không có tiền

C. Vì bạn ấy không biết chỗ khám mắt.

D. Vì cô đã thấy bạn ấy cầm sách đọc một cách không bình thường.

Câu 2: Cô giáo đã làm gì để bạn học sinh vui vẻ nhận kính?

A. Nói rằng đó là cặp kính rẻ tiền nên bạn không phải bận tâm.

B. Nói rằng có ai đó nhờ cô mua tặng bạn.

C. Kể cho bạn nghe một câu chuyện để bạn hiểu rằng bạn không phải là người được nhận quà mà chỉ là người chuyền tiếp món quà cho người khác.

D. Vì lời ngọt ngào, dễ thương của cô .

Câu 3: Việc làm đó chứng tỏ cô là người thế nào?

A. Cô là người quan tâm đến học sinh.

B. Cô rất giỏi về y học.

C. Cô muốn mọi người biết mình là người có lòng tốt.

D. Nói rằng cô muốn tặng em làm kỉ niệm.

Câu 4: Việc cô thuyết phục bạn học sinh nhận kính của mình cho thấy cô là người thế nào?

A. Cô là người thường dùng phần thưởng để khuyến khích học sinh.

B. Cô là người hiểu rất rõ ý nghĩa của việc cho và nhận.

C. Cô là người luôn sống vì người khác.

D. Cô là người biết làm cho người khác vui lòng.

Câu 5: Câu chuyện muốn nói với em điều gì?

Câu 6: Trong các từ sau đây, từ nào có tiếng “công” có nghĩa là của chung, của nhà nước

A. công minh

B. công nhân

C. công cộng

D. công lí

Câu 7: Câu nào sau đây là câu ghép:

A. Một cô giáo đã giúp tôi hiểu rõ ý nghĩa phức tạp của việc cho và nhận.

B. Khi thấy tôi cầm sách trong giờ tập đọc, cô đã nhận thấy có gì không bình thường, cô liền thu xếp cho tôi đi khám mắt.

C. Thấy vậy, cô liền kể một câu chuyện cho tôi nghe.

Câu 8: Các câu trong đoạn văn sau “Cô nhìn tôi như một người cho. Cô làm cho tôi thành người có trách nhiệm. Cô tin tôi có thể có một cái gì để trao cho người khác. Cô chấp nhận tôi như thành viên của cùng một thế giới mà cô đang sống.” Liên kiết với nhau bằng cách lặp lại từ:

A. Cô

B. Tôi

C. Cô và tôi

Câu 9: Dòng nào dưới đây nêu đúng nghĩa của từ “ trật tự”

A. Tình trạng ổn định, có tổ chức, có kỉ luật.

B. Trạng thái bình yên, không có chiến tranh.

C. Trạng thái yên ổn, bình lặng, không ồn ào.

II. Đọc thành tiếng:

HS đọc một đoạn văn thuộc chủ đề đã học và trả lời 01 câu hỏi về nội dung bài. Nội dung bài đọc và câu hỏi do GV lựa chọn trong các bài Tập đọc từ tuần 19 đến tuần 26, SGK Tiếng Việt 5, tập II. GV thực hiện đánh giá theo yêu cầu kiến thức, kĩ năng của chương trình. (Phần đọc thành tiếng 2,5 điểm, trả lời câu hỏi 0,5 điểm).

B. Kiểm tra Viết

I. Chính tả:

1. Chính tả: Giáo viên đọc cho học sinh nghe – viết bài: “ Nghĩa thầy trò” (đoạn từ đầu đến mang ơn rất nặng) – sách Tiếng Việt 5, Tập II trang 79

2. Bài tập Viết lại các tên riêng sau cho đúng chính tả: Ten-sinh no-rơ-gay, chi-ca-gô

II. Tập làm văn Đề bài :

Hãy tả một đồ vật mà em yêu thích nhất

Đáp án đề thi Tiếng Việt giữa kì 2 lớp 5 năm 2022 (Đề số 1)

A. Kiểm tra Đọc

I. Đọc thầm và làm bài tập

Câu 1 2 3 4 6 7 8 9
Đáp án D C A B C B C A

Câu 5:

Đáp án: Khuyên chúng ta sống không chỉ biết nhận mà còn phải biết cho.

B. Kiểm tra Viết

II. Tập làm văn

Bài làm

Đố các bạn ngồi học mà không có bàn được đấy. Chắc chắn sẽ chẳng có ai có thể ngồi như thế đâu nhỉ? Chính vì lẽ đó mà vô tình chiếc bàn đã trở nên thân thiết với học sinh chúng ta. Tớ cũng có một chiếc bàn học đấy, các bạn có muốn biết về bạn ấy không? Vì tớ có rất nhiều sách vở nên bố mẹ tớ đã chọn mua cho tớ một chiếc bàn học thật to.

Bàn ấy được kê thật ngay ngắn ở góc phòng học của tớ. Bàn được làm từ gỗ xoan đào, khoác bên ngoài một chiếc áo với những đường vân gỗ nổi lên thật giống với những dải lụa. Ngoài ra, bạn bàn của tớ còn được đánh véc ni bóng loáng, trông rõ đẹp. Mặt bàn rất láng và phẳng, có màu nâu nhạt hơi nghiêng về phía tớ ngồi. Bàn có bốn chân, chống đỡ bốn góc, mỗi chân có bốn cạnh, phần trên ăn vào bốn góc, kéo thẳng như thả dọi xuống mặt đất. Các cạnh của chân bàn được gọt thu dần lại, phía dưới chỉ còn bằng một nửa phần trên khiến cho cái bàn thanh thoát hẳn lên Không những thế, bạn còn giúp tớ nhiều việc lắm đó. Đó chính là sáu ngăn của bàn. Mỗi ngăn đều được phân chia rất rõ ràng, chính vì thế mà tớ chẳng bao giờ sợ nhầm ngăn này với ngăn kia. Hai ngăn ở bên trái và phải là nơi ở của sách. Hai ngăn ở giữa là nơi cư trú của vở. Còn hai ngăn ở phía trên là nơi tớ để những loại sách tham khảo và các loại truyện đọc. Ngoài ra, bàn còn có một ngăn kéo rất thuận tiện, tớ thường để những bài kiểm tra và giấy tờ quan trọng vào trong đó. Mỗi khi về đến nhà, nhìn thấy bàn là tớ lại muốn ngồi học luôn. không chỉ có bàn là bạn thân thôi mà luôn sát cánh bên tớ và bàn là bạn ghế. Bạn ấy cũng được tạo nên bởi gỗ và có bộ quần áo y trang bàn, trông hai bạn ấy thật ngộ nghĩnh! Bàn luôn giúp tớ ngồi học một cách thoải mái, vào mỗi buổi sáng tớ vừa học, vừa nghe tiếng chim hót trong trẻo ngoài vườn và nhìn những tia nắng sớm dịu dàng chen qua kẽ lá, nhảy nhót trên mặt bàn như nô đùa với tớ. Chính điều đó đã tạo cho tớ một cảm hứng để học tốt hơn!

Trải qua đã gần bốn năm rồi, bàn và ghế – người bạn thân thiết của tớ, giúp tớ đạt những danh hiệu học sinh giỏi và dù cho có lớn lên, có học cao hơn nữa thì hai bạn ấy sẽ luôn là người bạn giúp tớ đi tới những chân trời mơ ước.

Đề thi Tiếng Việt giữa học kì 2 lớp 5 năm 2022 - Đề số 2

A. Kiểm tra đọc: (10 điểm)

I. Đọc thành tiếng: (4 điểm)

GV cho HS bốc thăm đọc một trong các đoạn của bài văn sau và trả lời câu hỏi về nội dung của bài đọc.

1. Người công dân số Một (tiếp theo) (Trang 10 – TV5/T2)

2. Thái sư Trần Thủ Độ (Trang 15 – TV5/T2)

3. Trí dũng song toàn (Trang 25 – TV5/T2)

4. Cao Bằng (Trang 41 – TV5/T2)

5. Phân xử tài tình (Trang 46 – TV5/T2)

6. Hộp thư mật (Trang 62 – TV5/T2)

7. Cửa sông (Trang 74 – TV5/T2)

8. Nghĩa thầy trò (Trang 79 – TV5/T2)

9. Đất nước (Trang 94 – TV5/T2)

II. Đọc hiểu: (6 điểm)

Đọc bài văn sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

Rừng gỗ quý

            Xưa có vùng đất toàn đồi cỏ tranh hoặc tre nứa. Gia đình nhà họ có bốn người phải sống chui rúc trong gian lều ọp ẹp và chật chội.

            Một hôm, ông bố vừa chợp mắt, một cánh rừng đầy lim, sến, táu cứng như sắt hiện ra. Ông nghĩ bụng: “Giá vùng ta cũng có những thứ cây này thì tha hồ làm nhà ở bền chắc”. Chợt nghe tiếng nhạc, ông ngoảnh lại thì thấy các cô tiên nữ đang múa hát trên đám cỏ xanh. Một cô tiên chạy lại hỏi:

            - Ông lão đến đây có việc gì?

            - Tôi đi tìm gỗ làm nhà, thấy rừng gỗ quý ở đây mà thèm quá!

            - Được, ta cho ông cái hộp này, ông sẽ có tất cả. Nhưng về nhà ông mới được mở ra! Ông lão cảm ơn cô tiên rồi bỏ hộp vào túi mang về. Dọc đường, mùi thơm từ chiếc hộp tỏa ra ngào ngạt làm ông thích quá. Ông lấy hộp ra, định hé xem một tí rồi đậy lại ngay. Nào ngờ, nắp hộp vừa hé thì bao nhiêu cột kèo, ván gỗ tuôn ra ào ào, lao xuống suối trôi mất. Tần ngần một lúc, ông quay lại khu rừng kể rõ sự việc rồi năn nỉ cô tiên cho cái hộp khác. Đưa ông lão cái hộp thứ hai, cô tiên lại căn dặn:

            - Lần này, ta cho lão những thứ quý gấp trăm lần trước. Nhưng nhất thiết phải về đến nhà mới được mở ra!

            Hộp lần này rất nhẹ, không thơm, lắc nghe lốc cốc như hạt đỗ. Ông mang hộp về theo đúng lời tiên dặn...

            Nghe tiếng chim hót, ông lão choàng tỉnh giấc. Thì ra đó chỉ là giấc mơ. Nghĩ mãi, ông chợt hiểu: "Cô tiên cho cái hộp quý là có ý bảo ta tìm hạt cây mà gieo trồng, giống như lúa ngô vậy". Ông liền bảo các con đi xa tìm hạt cây về gieo trồng. Chẳng bao lâu, những đồi tranh, tre nứa đã trở thành rừng gỗ quý. Dân làng lấy gỗ làm nhà, không còn những túp lều lụp xụp như xưa.

Truyện cổ Tày - Nùng

Câu 1. Khi thấy hiện ra cánh rừng gỗ quý, ông lão ước mong điều gì? (0.5 điểm)

A. Có vài cây gỗ quý để cho gia đình mình làm nhà ở bền chắc.

B. Có những thứ cây gỗ quý trên vùng mình để làm nhà ở bền chắc

C. Nhà của mình được làm bằng các thứ cây gỗ quý để được bền chắc

D. Được làm chủ nhân của cánh rừng đầy những cây gỗ quý như thế này.

Câu 2. Vì sao ông lão biết các cô tiên nữ múa hát trên đám cỏ xanh? (0.5 điểm)

A. Vì ông chợt nghe thấy tiếng hát.

B. Vì có cô tiên nữ chạy lại hỏi ông.

C. Vì ông chợt nghe thấy tiếng nhạc và ngoảnh lại phía sau.

D. Vì ông chợt nghe thấy tiếng nhạc.

Câu 3. Cô tiên cho ông lão chiếc hộp thứ nhất đựng những gì? (0.5 điểm)

A. Hoa quả chín thơm ngào ngạt.

B. Rất nhiều cột kèo, ván gỗ.

C. Rất nhiều hạt cây gỗ quý.

D. Ngôi nhà làm bằng gỗ quý.

Câu 4. Những đặc điểm nào cho biết chiếc hộp thứ hai đựng hạt cây gỗ quý? (0.5 điểm)

A. Tỏa mùi thơm ngào ngạt, có giá trị gấp trăm lần chiếc hộp trước.

B. Tỏa mùi thơm nhẹ, lắc nghe lốc cốc, quý gấp trăm lần hộp trước.

C. Nhẹ, không thơm, lắc nghe lốc cốc, quý gấp trăm lần hộp trước

D. Nhẹ, không thơm, lắc không kêu, có giá trị gấp trăm lần hộp trước.

Câu 5.. Vì sao nói hộp thứ hai quý gấp trăm lần hộp thứ nhất? (0.5 điểm)

A. Vì có nhiều loại gỗ quý giá hơn ở hộp trước.

B. Vì có nhiều cột kèo, ván gỗ hơn ở hộp trước.

C. Vì có nhiều hạt cây để chia cho cả dân làng.

D. Vì có nhiều hạt cây để trồng nên rừng gỗ quý.

Câu 6. Dòng nào dưới đây nêu đúng ý nghĩa câu chuyện? (0.5 điểm)

A. Muốn có rừng gỗ quý, phải làm đúng lời cô tiên dặn dò trong mơ.

B. Muốn có rừng gỗ quý, phải cải tạo những đồi cỏ tranh, tre nứa.

C. Muốn có rừng gỗ quý, phải tìm hạt cây để gieo trồng, chăm sóc.

D. Muốn có rừng gỗ quý, phải đi thật xa để tìm cây giống thật tốt.

Câu 7. Các vế trong câu “Một hôm, ông bố vừa chợp mắt, một cánh rừng đầy lim, sếu, táu cứng như sắt đã hiện ra.” Được nối với nhau bằng cách nào? (1.5 điểm)

Câu 8. Hai câu cuối bài “Chẳng bao lâu, những đồi tranh, tre nứa đã trở thành rừng gỗ quý. Dân làng lấy gỗ làm nhà, không còn những túp lều lụp xụp như xưa.”Được liên kết với nhau bằng cách nào? (1.5 điểm)

B. Kiểm tra viết: (10 điểm)

I. Chính tả (Nghe – viết): (4 điểm)

Lập làng giữ biển

  Bố Nhụ vẫn nói rất điềm tĩnh:

     - Ở đấy đất rộng, bãi dài, cây xanh, nước ngọt, ngư trường gần. Chả còn gì hay hơn cho một làng biển. Ngày xưa, lúc nào cũng mong có đất để dân chài phơi được một vàng lưới, buộc được một con thuyền. Bây giờ đất đấy, rộng hết tầm mắt. Đất của nước mình, mình không đến ở thì để cho ai?

II. Tập làm văn: (6 điểm)

Em hãy tả lại người bạn thân ở trường của em. 

Đáp án đề thi giữa kì 2 môn Tiếng Việt lớp 5 năm 2022 (Đề số 2)

A. Kiểm tra đọc

I. Đọc thành tiếng

- Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng, tốc độ đạt yêu cầu.

- Đọc đúng tiếng, từ (không đọc sai quá 5 tiếng)

- Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa

- Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc

II. Đọc hiểu

Câu 1: B. Có những thứ cây gỗ quý trên vùng mình để làm nhà ở bền chắc.

Câu 2: C. Vì ông chợt nghe thấy tiếng nhạc và ngoảnh lại phía sau.

Câu 3: B. Rất nhiều cột kèo, ván gỗ.

Câu 4: C. Nhẹ, không thơm, lắc nghe lốc cốc, quý gấp trăm lần hộp trước

Câu 5:  D. Vì có nhiều hạt cây để trồng nên rừng gỗ quý.

Câu 6: C. Muốn có rừng gỗ quý, phải tìm hạt cây để gieo trồng, chăm sóc.

Câu 7:

Một hôm, ông bố / vừa chợp mắt, một cánh rừng / đầy lim, sếu, táu cứng như sắt đã hiện ra.

- Vế 1: Một hôm, ông bố vừa chợp mắt.

- Vế 2: Một cánh rừng đầy lim, sếu, táu cứng như sắt đã hiện ra.

Hai vế câu được nối với nhau bởi cặp từ hô ứng vừa… đã

Câu 8.

Hai câu cuối bài được liên kết với nhau bằng cách lặp từ ngữ “gỗ”

B. Kiểm tra viết

I. Chính tả:

- Tốc độ đạt yêu cầu

- Chữ viết rõ ràng, viết đúng chữ, cỡ chữ

- Viết đúng chính tả (không mắc quá 5 lỗi)

- Trình bày đúng quy định, viết sạch, đẹp

II. Tập làm văn:

Bài viết tham khảo:

            Em có rất nhiều người bạn nhưng người đã gắn bó với em từ tấm bé là Thủy. Cô bạn ở ngay cạnh nhà em, thân thiết với em ngay từ khi hai đứa còn học mẫu giáo với nhau.

            Thủy có dáng người nhỏ nhắn, xinh xắn. Vóc dáng nhỏ bé nhưng bù lại Thủy rất nhanh nhẹn. Thoắt cái đã làm xong việc đâu ra đấy, thoắt cái đã chạy tới chỗ này, thoắt cái đã bước tới chỗ kia. Thủy có một mái tóc đen mượt, dài tới ngang lưng. Trong khi mà nhiều bạn đã bắt đầu theo đuổi mái tóc ngắn, nhuộm màu thì Thủy vẫn trung thành với nét đẹp truyền thống đó. Mái tóc đen đó càng làm nổi bật làm da trắng của bạn. Đôi mắt của Thủy to, long lanh và đen lay láy. Mỗi lúc nói chuyện đôi mắt ấy sáng lấp láy, linh động khiến ai cũng phải mải miết chú ý mà ngước nhìn. Người ta nói đôi mắt là cửa sổ tâm hồn của mỗi người, nhìn vào đôi mắt ươn ướt ấy ngay từ đầu em đã cảm nhận được Thủy là cô bạn vô cùng nhạy cảm và sống nội tâm. Khuôn miệng bạn lúc nào cũng mỉm cười vui vẻ, mỗi lần cười tươi lại lộ ra lúm đồng tiền duyên ơi là duyên.

Thủy là một cô bé vô cùng hài hước, ở đâu có bạn ấy thì ở đó sẽ không bao giờ thiếu những tiếng cười. Người ta bảo vui vẻ không phải là một loại tính cách mà nó là một loại năng lực, năng lực khiến cho những người xung quanh mình được vui vẻ. Khi nghe câu này em đã nghĩ đến Thủy, cô bạn sở hữu năng lực vui vẻ cực mạnh. Những câu chuyện của Thủy luôn thu hút mọi người và kéo gần tất cả lại với nhau. Lúc kể chuyện, đôi tay thường khua lên khua xuống, cái đầu lí lắc khiến ai trong chúng em đều cảm thấy vui vẻ. Đừng tưởng Thủy nhỏ con mà coi thường, bạn ấy còn rất thích giúp đỡ và bênh vực bạn bè. Đâu đâu cũng sẵn sàng sẵn tay giúp đỡ bạn bè mình. Còn nhớ hồi lớp 4 có một bạn trong lớp bị bắt nạt, Thủy không ngại đứng ra bênh vực và bảo vệ. Đồng thời Thủy cũng vô cùng  khéo léo, mỗi bức tranh mà Thủy vẽ vào giờ Mĩ thuật luôn sống đống, có hồn và mang một vẻ đẹp riêng chẳng lẫn đi đâu được. Mùa đông vừa rồi, Thủy tặng cho em một chiếc khăn bạn ấy tự đan khiến em thật bất ngờ, hóa ra bạn ấy còn biết đan nữa.

            Em và Thủy chơi với nhau từ hồi mẫu giáo, chuyện vui buồn gì chúng em cũng cùng nhau trải qua cả. Cả tuổi thơ của em đều  tràn ngập hình dáng Thủy in hằn vào từng  kỉ niệm. Có một lần sinh nhật, vì Thủy đi xa về không kịp mua  quà tặng đúng ngày cho em, vào hôm sinh nhật bạn đã nói “Cậu ước điều gì? Tớ sẽ giúp cậu thực hiện”. Lúc đó em nói bừa rằng “Cậu cõng tớ ra hồ bơi đi” Không ngờ Thủy với vóc dáng nhỏ con khi ấy lại nhất quyết đòi cõng em ra hồ thật. Đó thật sự là món quà mà cả đời này em cũng không thể nào quên được.

            Người ta bảo những người bạn ở bên nhau từ thuở còn nhỏ sẽ ở bên nhau mãi mãi em tin rằng tình bạn của em với Thủy cũng sẽ như vậy.Chúng em sẽ cố gắng cùng nhau học tập thật tốt, chia sẻ với nhau những buồn vui trong cuộc sống và trở thành những người có ích cho xã hội.

Tham khảo thêm:

►►CLICK NGAY vào nút TẢI VỀ dưới đây để tải về 2 bộ đề thi giữa học kì 2 lớp 5 Tiếng Việt - Phần 2 năm 2022 có lời giải chi tiết, đây đủ nhất file tải PDF hoàn toàn miễn phí!

Đánh giá bài viết
2.4
19 lượt đánh giá
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
Copyright © 2020 Tailieu.com
DMCA.com Protection Status