Mời các em học sinh lớp 12 và thầy cô cùng tham khảo ngay nội dung Đề thi thử THPT quốc gia năm 2019-2020 môn Ngữ Văn liên trường tỉnh Nghệ An tổ chức lần 1 và lần 2 có đáp án chi tiết chính xác nhất. Mỗi đề thi gồm 2 phần chính là Đọc hiểu và Làm Văn. Cùng xem ngay các câu hỏi nội dung đọc hiểu "từ chối là một kỹ năng sống quan trọng và cốt yếu" của đề lần 1 và nội dung đọc hiểu "hãy là người vô lý" của đề lần 2 có gì đặc biệt cũng như hướng dẫn giải đầy đủ nhất trong nội dung ngay dưới đây.
Đề thi thử THPT quốc gia 2021 môn Văn sở GD Nghệ An có đáp án
Đề thi thử môn Văn THPT Quốc gia 2020 trường Đồng Đậu lần 2
Đề thi thử THPT quốc gia năm 2020 môn Văn trường Phan Ngọc Hiển lần 2
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích rồi thực hiện các yêu cầu:
Từ chối là một kỹ năng sống quan trọng và cốt yếu. Không ai muốn mắc kẹt trong một mối quan hệ không mang lại hạnh phúc. Không ai muốn mắc kẹt với một công việc mà mình căm ghét và không tin vào nó. Không ai muốn cảm thấy rằng họ không thể nói ra điều mình thật sự muốn nói. Nhưng mọi người vẫn lựa chọn điều này. Mọi lúc.
Chúng ta cần phải từ chối một thứ gì đó. Nếu không, ta hoàn toàn không thể có nổi bản sắc cá nhân. Hành động lựa chọn một giá trị cho bản thân đòi hỏi việc từ chối lựa chọn giá trị khác. Nếu muốn có một tình bạn chân thành, tôi sẽ từ chối việc đối xử tệ bạc với bạn bè sau lưng họ. Nếu muốn một cuộc hôn nhân hạnh phúc, tôi sẽ không lấy rượu và ma túy làm lẽ sống của cuộc đời mình.
Thành thực là niềm khao khát tự nhiên của con người. Nhưng một phần của việc sở hữu tính trung thực trong cuộc đời chúng ta là thoải mái việc nói và nghe từ “không”. Theo đó, từ chối khiến cuộc đời bạn tốt đẹp hơn.
(Dẫn theo Mark Manson, Nghệ thuật tinh tế của việc “đếch” quan tâm, NXB Văn học, Hà Nội, 2019, tr.238)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính.
Câu 2. Nêu nội dung của đoạn trích.
Câu 3. Chỉ ra và phân tích hiệu quả của biện pháp tu từ trong đoạn văn: Không ai muốn mắc kẹt trong một mối quan hệ không mang lại hạnh phúc. Không ai muốn mắc kẹt với một công việc mà mình căm ghét và không tin vào nó. Không ai muốn cảm thấy rằng họ không thể nói ra điều mình thật sự muốn nói.
Câu 4. Theo anh/chị, vì sao tác giả viết: một phần của việc sở hữu tính trung thực trong cuộc đời chúng ta là thoải mái việc nói và nghe từ “không”?
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về cách nói lời từ chối.
Câu 2 (5.0 điểm)
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
(Quang Dũng - Tây Tiến, Ngữ văn 12, Tập 1,
NXB Giáo dục, 2008, tr.89)
Anh/chị hãy phân tích đoạn thơ trên, từ đó nhận xét cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng trong cách thể hiện của tác giả.
- Hết-
I. Đọc hiểu
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: nghị luận (0.5 điểm)
Câu 2. Nội dung của đoạn trích: Từ chối là một kĩ năng sống quan trọng, cần thiết giúp khẳng định bản sắc cá nhân và góp phần đảm bảo hạnh phúc cho cuộc sống mỗi người. (0.5 điểm)
Câu 3.
- Biện pháp tu từ: điệp cấu trúc (0.5 điểm)
- Hiệu quả: nhấn mạnh những điều không ai mong muốn sẽ xảy ra trong cuộc sống của mình; tạo giọng văn trùng điệp, dứt khoát. (0.5 điểm)
Câu 4.Trình bày được: (1 điểm)
- Lời từ chối không dễ nói ra, dù nhiều khi rất muốn. Bị từ chối cũng thường khiến con người cảm thấy khó chịu.
- Thiếu kĩ năng từ chối hoặc không thoải mái khi bị từ chối sẽ khiến cuộc sống con người trở nên khiên cưỡng, giả tạo, mệt mỏi.
II. Làm văn
Câu 1. Viết đoạn văn về cách nói lời từ chối
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn (0.25 điểm)
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0.25 điểm)
Cách nói lời từ chối của con người trong cuộc sống
c. Triển khai vấn đề: lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp; đề xuất được cách nói lời từ chối khi cần. (1 điểm)
Có thể triển khai theo hướng:
Từ chối là kĩ năng cần thiết để cuộc sống mỗi người trở nên nhẹ nhàng hơn. Nhưng lời từ chối cũng có thể làm tổn thương đến người khác hoặc tạo áp lực cho chính mình. Vì vậy, để nói lời từ chối, mỗi người cần trung thực với chính mình; học cách nói năng khéo léo, lịch sự; giải thích rõ ràng...
d. Chính tả, ngữ pháp: (0.25 điểm)
Đảm bảo đúng chuẩn tiếng Việt.
e. Sáng tạo: (0.25 điểm)
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2. Phân tích đoạn thơ; nhận xét cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng trong cách thể hiện của tác giả.
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0.25 điểm)
Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0.5 điểm)
Giá trị nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ và cảm hứng lãng mạn, tinh thần bi tráng trong cách thể hiện của tác giả.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm: vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau:
+ Giới thiệu khái quát về tác giả Quang Dũng, tác phẩm “Tây Tiến” và đoạn thơ (0.5 điểm)
+ Phân tích đoạn thơ (2 điểm)
- Nét hào hoa, dũng cảm, vẻ đẹp bi tráng của hình tượng người lính Tây Tiến: ngoại hình kì dị (không mọc tóc, xanh màu lá, dữ oai hùm), tâm hồn mộng mơ, ý chí lẫm liệt (Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm, Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh) vượt lên trên hoàn cảnh bi thương (Rải rác biên cương mồ viễn xứ)
- Bút pháp lãng mạn, nhiều sáng tạo về hình ảnh, ngôn từ, giọng điệu… của tác giả: thủ pháp đối lập, cường điệu, lạ hóa, từ Hán Việt trang trọng, âm điệu hào hùng...
+ Nhận xét cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng trong cách thể hiện của tác giả. (1 điểm)
- Cảm hứng lãng mạn thể hiện ở việc tác giả tô đậm cái phi thường, biệt lệ, tô đậm vẻ đẹp cao cả, lí tưởng, làm nổi bật chất hào hoa, kiêu dũng ở hình tượng người lính bằng ngôn ngữ, hình ảnh mới lạ; thủ pháp đối lập, cường điệu; hồn thơ phóng khoáng, tài hoa.
- Tinh thần bi tráng thể hiện ở việc tác giả không né tránh những mất mát hi sinh mà còn trực tiếp miêu tả và cố ý tô đậm nó; những đau khổ, hy sinh được người lính tiếp nhận bằng ý chí can trường, lẫm liệt không làm cho người đọc bi lụy mà luôn đưa đến những cảm xúc mạnh mẽ, rắn rỏi…
Xem thêm: Phân tích khổ thơ thứ 3 bài thơ Tây Tiến
d. Chính tả, ngữ pháp: (0.25 điểm)
Đảm bảo đúng chuẩn tiếng Việt.
e. Sáng tạo: (0.5 điểm)
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
--------------HẾT----------------
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích:
HÃY LÀ NGƯỜI VÔ LÝ
Một trong những câu nói tôi thích nhất của George Bernard Shaw là: “Người có lý điều chỉnh bản thân theo thế giới; người vô lý kiên định điều chỉnh thế giới theo bản thân. Vì vậy, mọi tiến bộ đều tùy thuộc vào người vô lý.” Hãy suy nghĩ về ý tưởng này trong chốc lát. Đó là một ý tưởng lớn.
Tất nhiên, bạn cần thực tế và ứng xử khôn khéo khi làm việc trong môi trường của mình. Tôi đồng ý rằng việc áp dụng các quan niệm phổ biến với người khác cũng quan trọng. Những rủi ro ngu ngốc có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Nhưng như đã nói, đừng nên sợ hãi trước thất bại hay thất vọng để rồi không dám ước mơ.
Đừng lúc nào cũng tỏ ra có lý và thực dụng, quá nhạy cảm đến nỗi bạn từ chối không chộp lấy cơ hội ngàn vàng khi nó đến. Hãy đẩy xa giới hạn của những gì bạn nghĩ mình có thể thực hiện. Đừng quên rằng những kẻ chỉ trích luôn cười nhạo tầm nhìn của nhiều nhà tư tưởng can trường, nhiều nhà khai phá nổi tiếng. Đừng để ý đến những lời chỉ trích. Luôn ghi nhớ rằng những tiến bộ vượt bậc mà con người đạt tới đều nhờ nỗ lực can trường của một người nào đó từng bị chỉ trích rằng ý tưởng của họ là viễn vông, không thể trở thành hiện thực. Thế giới cần nhiều người biết ước mơ. Cần người vô lý biết đấu tranh chống lại những gì thông thường. Cần người chống lại sự cám dỗ của tính tự mãn và dám hành động theo cách họ vẫn luôn thực hiện. Bạn có thể là một trong những người ấy. Từ ngày hôm nay.
(Trích Đời ngắn đừng ngủ dài, Robin Sharma,
NXB Trẻ, 2014, Tr. 29)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 2. Theo đoạn trích, người có lí và người vô lí khác nhau chỗ nào?
Câu 3. Dựa vào đoạn trích, anh/chị hiểu thế nào là người vô lí?
Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan niệm: “mọi tiến bộ đều tùy thuộc vào người vô lý” không? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về ý nghĩa của việc phá vỡ những giới hạn nhận thức thông thường trong cuộc sống.
Câu 2 (5.0 điểm)
Trong bài thơ Sóng, Xuân Quỳnh viết:
Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ
Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau
(Theo Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019, tr155)
Trình bày cảm nhận của anh/chị về sự tương đồng, hòa hợp giữa hình tượng sóng và em trong đoạn thơ trên.
HẾT
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích: Nghị luận.
Câu 2. Theo đoạn trích, người có lí và người vô lí khác nhau ở chỗ:
“Người có lý điều chỉnh bản thân theo thế giới; người vô lý kiên định điều chỉnh thế giới theo bản thân.”
Tức là người có lí thuận theo những điều hiển nhiên đã được thế giới công nhận, còn người vô lí thì ngược lại.
Câu 3. Dựa vào đoạn trích, người vô lí được hiểu là người biết phản biện, nghi ngờ những kiến thức sẵn có, biết đẩy xa những giới hạn, biết lật lại những cái mặc định, đương nhiên, biết dũng cảm, can trường khai phá cái mới dù bị chỉ trích, cười nhạo viển vông…
Câu 4. Thí sinh nêu ý kiến của mình về quan điểm “mọi tiến bộ đều tùy thuộc vào người vô lý”và lí giải được quan điểm đó. Có thể triển khai theo hướng:
- Đồng tình vì:
+ Người vô lí biết mở rộng, phá vỡ các giới hạn nhận thức để tiếp tục đem đến những nhận thức mới tiến bộ hơn cho loài người;
+ Người vô lí dũng cảm thực hiện những ước mơ lớn tưởng như viển vông bằng tầm nhìn vượt thời đại, mang đến những thành tựu lớn.
- Đồng tình nhưng bổ sung ý kiến:
+ Về cơ bản, mọi tiến bộ đều bắt nguồn từ thực tế, từ tư duy khoa học, từ các hiện tượng có tính quy luật.
+ Người vô lí không đồng nhất với người điên rồ, ảo tưởng, phi thực tế hay những lối tư duy phi lí.
- Nếu thí sinh trả lời không đồng tình, nhưng giải thích hợp lí vẫn cho điểm.
Tham khảo thêm: Tuyển tập đề đọc hiểu Đời ngắn đừng ngủ dài
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, song hành hoặc móc xích.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: ý nghĩa của việc phá vỡ những giới hạn nhận thức thông thường trong cuộc sống.
c. Triển khai vấn đề cần nghị luận
Thí sinh chọn lựa các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ các ý sau:
- Giải thích vấn đề:
+ Giới hạn: Những phạm vi, mức độ nhất định, không thể hoặc không được phép vượt qua.
+ Nhận thức thông thường: sự tiếp thu, am hiểu kiến thức thường có, thường thấy, không có gì đặc biệt.
Vấn đề nghị luận là: bàn luận về ý nghĩa, vai trò của việc vượt lên những nhận thức phổ biến, theo đám đông, theo lối mòn tư duy.
- Bàn luận: về ý nghĩa của việc phá vỡ những giới hạn nhận thức thông thường trong cuộc sống.
+ Với cá nhân: việc phá vỡ giới hạn về nhận thức thông thường, phổ biến như bao người khác sẽ giúp chúng ta thoát khỏi lối mòn nhận thức, phát huy hết trí tuệ bản thân, vượt qua thử thách để thành công
+ Với cộng đồng: phá vỡ giới hạn nhận thức thông thường mang đến những phát minh mới, những thành tựu tiến bộ, thậm chí những bước ngoặt cho nhân loại.
+ Tuy nhiên, phá vỡ giới hạn không có nghĩa là con người sống gấp, sống vội, bỏ qua những giới hạn đạo đức, đốt cháy mình. Tự phá vỡ giới hạn chỉ có ý nghĩa khi cái giới hạn đó chật hẹp, đi ngược với xu thế tiến bộ. Mặt khác, khả năng của mỗi con người là khác nhau, biết giới hạn, biết tự bằng lòng với những gì mình đã có, đang có là cách để con người đạt được bình an và hạnh phúc.
- Bài học: Để làm được điều đó đòi hỏi con người phải không ngừng học hỏi, khám phá, phải quyết tâm đẩy xa các giới hạn nhận thức, phải biết chấp nhận sự chỉ trích, cười nhạo,…
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ
Câu 2
Trình bày cảm nhận của anh/chị về sự tương đồng, hòa hợp giữa hình tượng sóng và em trong đoạn thơ.
Tham khảo văn mẫu: Cảm nhận hình tượng sóng và em trong bài Sóng
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận
Mở bài nêu được vấn đề; Thân bài triển khai được vấn đề; Kết bài khái quát được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Sự tương đồng, hòa hợp giữa hình tượng sóng và em trong đoạn thơ
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau:
* Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn thơ,
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: sự tương đồng, hòa hợp giữa hình tượng sóng và em trong đoạn thơ
* Cảm nhận về sự tương đồng, hòa hợp giữa hình tượng sóng và em:
- Khổ 1, 2: Nhà thơ phát hiện ra những đặc tính tự nhiên của sóng tương đồng với đặc tính của tình yêu, với tâm trạng khi yêu của em.
+ Sóng tồn tại các trạng thái đối cực Dữ dội và dịu êm/Ồn ào và lặng lẽ cũng như những cung bậc cảm xúc của em trong tình yêu.
+ Bản chất của sóng là sự lan tỏa, chảy muôn trùng, theo sông ra biển lớn và luôn có sự cộng hưởng Sóng tìm ra tận bể. Đặc điểm này của sóng tương đồng với khát vọng của em là hướng tới sự lớn lao, cao thượng, từ bỏ cái tầm thường, hữu hạn trong tình yêu.
+ Đặc tính của sóng là trường tồn vĩnh cửu cùng thời gian, như khát vọng tình yêu của em vĩnh hằng, không thay đổi.
- Khổ 3,4: Nhà thơ phát hiện ra sự tương đồng ở nguồn gốc của sóng cũng như nguồn gốc của tình yêu đều lạ lùng, bí ẩn và kì diệu.
+ Mối quan hệ của sóng và em là mối quan hệ giữa con người và vũ trụ, cái nhỏ bé và cái vô cùng, vì vậy em hòa hợp với sóng, mượn hình tượng sóng để cắt nghĩa tình yêu của em.
+ Cội nguồn của sóng là một sự bí ẩn Từ nơi nào sóng lên? Như nguồn cội tình yêu không thể lí giải: Khi nào ta yêu nhau. Tình yêu cũng như thiên nhiên bao la và đầy bí ẩn. Tình yêu như sóng biển, gió trời mênh mông không ai hiểu hết.
* Nghệ thuật thể hiện sự tương đồng hòa hợp giữa sóng và em:
- Xây dựng kết cấu song hành hai hình tượng sóng- em.
- Tạo âm điệu đặc biệt cho bài thơ như nhịp điệu của sóng- tiếng lòng của nhân vật trữ tình bằng cách:
+ Sử dụng thể thơ năm chữ, ngắt nhịp linh hoạt.
+ Tổ chức ngôn từ theo nguyên tắc tương xứng, trùng điệp.
- Xây dựng hình ảnh thơ quen thuộc mà độc đáo.
* Đánh giá:
- Mối quan hệ giữa sóng và em là mối quan hệ tương đồng hòa hợp bởi sóng là hình ảnh ẩn dụ của tâm trạng người con gái đang yêu, là sự hóa thân, phân thân của cái tôi trữ tình. Mỗi trạng thái tâm hồn cụ thể của người phụ nữ đang yêu đều có thể tìm thấy sự tương đồng với một khía cạnh, một đặc tính nào đó của sóng.
Sóng và em có lúc phân đôi để làm nổi bật sự tương đồng, có lúc hòa nhập để cộng hưởng, âm vang. Hai hình tượng đan cài cho nhau nhằm diễn tả đầy đủ, sâu sắc và thấm thía hơn khát vọng tình yêu đang trào dâng trong trái tim nữ sĩ.
- Đoạn trích thể hiện cái Tôi, phong cách nghệ thuật thơ Xuân Quỳnh: giàu nữ tính, vừa hồn nhiên, tươi tắn vừa chân thành, đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng hạnh phúc đời thường.
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
HẾT
Xem thêm Đề thi thử môn Văn THPT Quốc gia 2020 trường Đồng Đậu lần 2