Logo

Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn trường THPT Uông Bí 2021 - Lần 2 (Có đáp án)

Đề thi thử vào 10 môn Văn trường THPT Uông Bí năm 2021 (Lần 2) có lời giải chi tiết, được chúng tôi cập nhật mới nhất từ hệ thống kho đề thi, đề kiểm tra tuyển sinh lớp 10. Hỗ trợ học sinh ôn luyện hiệu quả
3.2
5 lượt đánh giá

Để chuẩn bị cho kì thi vào vào lớp 10 sắp tới, chúng tôi sưu tầm và giới thiệu các em tài liệu Đề thi thử môn Văn vào lớp 10 trường trung học phổ thông Uông Bí lần 2 năm 2021 có lời giải đi kèm, từ hệ thống kho đề thi tuyển sinh vào lớp 10 trên cả nước. Nhằm giúp các em ôn tập, rèn luyện giải các dạng đề thi khác nhau để chuẩn bị tốt cho kì thi chuyển cấp quan trọng của các em học sinh lớp 9.

Đề thi thử tuyển sinh lớp 10 môn văn THPT Uông Bí 2021 - Lần 2

I.Đọc hiểu (2,0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Xin dạy cho cháu biết đến thế giới kì diệu của sách, nhưng cũng để cho cháu đủ thời gian để lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống: đàn chim tung cánh trên bầu trời, đàn ong bay lượn trong nắng, và những bông hoa nở ngát trên đồi xanh…

Ở trường, xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi. Xin hãy tạo cho cháu có niềm tin vào ý kiến của bản thân, cho dù tất cả mọi người xung quanh đều cho rằng ý kiến ấy là không đúng…

Xin hãy dạy cho cháu biết cách đối xử dịu dàng với những người hòa nhã và cứng rắn đối với kẻ thô bạo. Xin tạo cho cháu sức mạnh để không chạy theo đám đông khi tất cả mọi người chạy theo thời thế”.

(Trích thư của Tổng thống Mĩ Lin - Côn gửi thầy hiệu trưởng của con trai mình - Những câu chuyện về người thầy)

Câu 1 (0,5 điểm) Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản trên?

Câu 2 (0,5 điểm) Tóm tắt ngắn gọn nội dung văn bản.

Câu 3 (0,5 điểm) Phân tích tác dụng của một biện pháp tu từ trong văn bản.

Câu 4 (0,5 điểm) Thông điệp mà tác giả gửi đến bạn đọc qua văn bản là gì?

II. Làm văn (8,0 điểm)

Câu 1. (3,0 điểm)

Từ văn bản đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 từ) có sử dụng lời dẫn trực tiếp nêu suy nghĩ của mình về câu nói của Tổng thống Mĩ Lin-Côn: “Xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi”

Câu 2. (5,0 điểm)

Cảm nhận vẻ đẹp bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh.

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về

 

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu

 

Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi.

(Ngữ văn 9, NXB Giáo dục Việt Nam, 2011)

Đề thi thử tuyển sinh lớp 10 môn Ngữ văn THPT Uông Bí lần 2 2021

Đáp án đề thi thử vào 10 môn Ngữ văn trường THPT Uống Bí (lần 2)

I. Đọc hiểu

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: nghị luận.

Câu 2: Nội dung: Người cha mong thầy giáo hãy dạy cho con biết sự quý giá của sách, biết yêu quý cuộc sống, biết đối nhân xử thế, có lòng trung thực, có sức mạnh, có niềm tin vào bản thân.

Câu 3: - HS chọn đúng một trong số các biện pháp nghệ thuật: Liệt kê, lặp cấu trúc cú pháp, so sánh, đối lập, điệp từ, điệp ngữ.

- Nêu được tác dụng của biện pháp tu từ đó :...

Câu 4: Thông điệp của tác giả: Trường học không chỉ là nơi truyền đạt kiến thức mà còn nơi giáo dục nhân cách học sinh, trong đó người thầy giáo có vai trò định hướng để đào tạo ra những con người toàn diện về thể chất, trí tuệ, tâm hồn.

II. Làm văn 

Câu 1: 

a. Xác định đúng vấn đề nghị luận, trích dẫn câu nói

b. Giải thích

- Chấp nhận thi rớt là trung thực với chính mình; gian lận khi thi là hành vi làm trái so với qui định của học sinh khi thi cử như nhìn bài bạn, mang tài liệu vào phòng thi để quay cóp, …để thi đỗ bằng được.

- Câu nói khẳng định: chấp nhận thi rớt một cách trung thực còn vinh dự hơn thi đỗ nhờ gian lận; đề cao đến đức tính trung thực của con người.

c. Bàn luận, mở rộng

- Làm bài bằng thực lực và chỉ chấp nhận đỗ đạt bằng thực lực của mình là hành động tự trọng; chấp nhận thi rớt khiến học sinh đánh giá đúng bản thân để nỗ lực đạt mục tiêu.

- Gian lận trong thi cử gây nhiều tác hại xấu cho học sinh, khiến học sinh luôn ở trong tâm thế ỷ lại, sống dựa dẫm, không có ý chí vươn lên; chất lượng giáo dục không thực chất.

- Gian lận để có được kết quả cao trong thi cử nhưng mất đi lòng tự trọng.

- Phê phán những người thiếu trung thực trong thi cử và trong cuộc sống.

(HS nêu dẫn chứng và lý giải)

d. Bài học nhận thức và hành động

- Câu nói nhắc chúng ta phải trung thực trong thi cử cũng như trong cuộc sống. Coi trọng thực chất, không chấp nhận gian dối.

- Phê phán lối học, lối sống giả dối.

Câu 2: 

Mở bài

- Giới thiệu chung về Hữu Thỉnh

- Nêu khái quát cảm nhận về bài thơ bài thơ Sang thu.

Thân bài

a. Cảm nhận vẻ đẹp từng khổ thơ

* Khổ 1. Vẻ đẹp không gian làng quê lúc sang thu

- Tín hiệu:

+ Hương ổi: mộc mạc, thơm ngọt phả trong gió, tạo dư vị nồng nàn, lan toả mạnh trong không gian.

+ Gió se là gió nhẹ, khô và hơi lạnh – gió của mùa thu, được ướp hương thơm ổi chín như sánh lại, mang theo hương vị riêng của đồng quê.

+ Sương chùng chình: phép nhân hóa, gợi hình ảnh làn sương mỏng thong thả như cố ý chậm lại, lưu luyến bâng khuâng nơi đường thôn ngõ xóm.

+ Ngõ vừa mang ý hiện thực là ngõ nhỏ nơi thôn xóm lại như là ẩn dụ với cửa ngõ của thời gian đang từ từ bước qua ranh giới giữa hạ và thu.

-> Tín hiệu quen thuộc, dân dã mà thi vị của mùa thu vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ được cảm nhận qua nhiều giác quan, tình yêu thiên nhiên tha thiết.

- Cảm xúc của nhà thơ

+ Bỗng: ngỡ ngàng trong khoảnh khắc giao mùa.

+ Hình như: lời tự hỏi mơ hồ, bâng khuâng trước bước đi của thời gian.

-> Tình thái từ biểu lộ tâm hồn nhạy cảm, tinh tế.

* Khổ 2. Vẻ đẹp không gian đất trời lúc sang thu

- Cảnh vật:

+ Dòng sông dềnh dàng vừa khoan thai, tĩnh lặng, hiền hòa khi mùa lũ đi qua vừa ngập ngừng níu kéo nhịp thở của mùa hạ.

+ Chim bắt đầu cảm nhận được chút se lạnh của tiết trời, vội vã tìm về nơi ấm áp.

-> Từ láy và hình ảnh đăng đối giàu chất tạo hình đã thể hiện sinh động nhịp thở của đất trời khi sang thu.

+ Đám mây vắt nửa mình sang thu tạo liên tưởng thú vị, mây như dải lụa mềm nối liền giữa mùa hạ và mùa thu -> Nghệ thuật nhân hóa khiến đám mây vừa hư vừa thực, tái hiện được nhịp điệu của thời gian, hữu hình hóa cánh cổng thời gian vốn vô hình qua hình ảnh đám mây.

- Nhà thơ có trí tưởng tượng bay bổng và tình yêu tha thiết với thiên nhiên

* Khổ cuối. Chiêm nghiệm trước mùa thu

- Hiện tượng nắng, mưa, sấm là những biểu hiện đặc trưng của mùa hạ cũng đã đổi khác qua cách sắp xếp từ ngữ giảm dần về mức độ: vẫn còn, vơi, bớt khi đất trời sang thu.

- Suy ngẫm, chiêm nghiệm được gợi từ hình ảnh ẩn dụ: sấm là biểu tượng cho những vang động bất thường của ngoại cảnh, của cuộc đời, hàng cây đứng tuổi gợi tả những con người từng trải, từng vượt qua những khó khăn, thăng trầm.

-> Từ thay đổi của thiên nhiên, tác giả liên tưởng đến bản lĩnh cứng cỏi của con người trước biến động của cuộc đời và nhân dân ta trước những thách thức khó khăn, gian khổ.

b. Đánh giá, liên hệ mở rộng

- Bài thơ được viết theo thể năm chữ, hình ảnh thơ đẹp, giàu sức gợi, ngôn ngữ trong sáng, giàu sức biểu cảm đã có tác dụng diễn tả những trạng thái của cảnh vật và sự cảm nhận tinh tế, nhạy cảm của thi nhân trước thiên nhiên, vũ trụ đất trời khi bắt đầu sang thu.

- Với Sang thu, Hữu Thỉnh đã góp thêm một nét thu mang dấu ấn riêng của mình vào những chùm thơ thu hay và đẹp của thơ ca Việt Nam.

Kết bài

- Khẳng định vấn đề nghị luận: Sự mới mẻ trong cách cảm nhận mùa thu của Hữu Thỉnh, tình yêu đời, yêu thiên nhiên đất nước sâu sắc của nhà thơ.

- Liên hệ bản thân.

Tham khảo đề thi thử vào lớp 10 khác:

Ngoài ra các em học sinh và thầy cô có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu hữu ích hỗ trợ ôn luyện thi môn ngữ văn khác được cập nhật liên tục tại chuyên trang của chúng tôi.

►►CLICK NGAY vào nút TẢI VỀ dưới đây để tải về đề thi thử môn văn vào 10 năm 2021 trường THPT Uông Bí lần 2, hỗ trợ tải file word, pdf hoàn toàn miễn phí.

Đánh giá bài viết
3.2
5 lượt đánh giá
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
Copyright © 2020 Tailieu.com