Nội dung hướng dẫn giải Bài 13C: Mỗi câu chuyện nói với chúng ta điều gì? được chúng tôi biên soạn bám sát bộ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 4 chương trình mới (VNEN). Hy vọng đây sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích giúp các em học tốt môn Tiếng Việt lớp 4.
Câu 1.
Đặt câu hỏi để hỏi về nội dung bức ảnh sau:
Đáp án và hướng dẫn giải:
Đặt câu hỏi cho bức ảnh:
- Bác Hồ đang làm gì?
- Bác ngồi đâu để làm việc?
- Trên bàn Bác làm việc có những gì?
- Bác đang nhìn vào cái gì?
Câu 2.
Đọc câu chuyện “Hai bàn tay”. Đặt 3 câu hỏi và trả lời về nội dung câu chuyện.
Hai bàn tay
Hồi ấy, ở Sài Gòn, Bác Hồ có một người bạn tên là Lê.
Một hôm, Bác Hồ hỏi bác Lê:
- Anh có yêu nước không?
Bác Lê trả lời:
- Có chứ.
- Anh có thể giữ bí mật không?
- Có.
- Tôi muốn đi ra nước ngoài xem Pháp và các nước khác họ làm như thế nào, sau đó, trở về giúp đồng bào chúng ta. Nhưng đi một mình cũng mạo hiểm. Anh có muốn đi với tôi không?
Bác Lê sửng sốt:
- Nhưng chúng ta lấy đâu ra tiền mà đi?
- Đây, tiền đây!
Vừa nói, Bác Hồ vừa giơ hai bàn tay ra và nói tiếp:
- Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi. Anh đi với tôi chứ?
(Theo Trần Dân Tiên)
Đáp án và hướng dẫn giải:
- Hỏi: Bác Hồ rủ ai đi cùng?
- Đáp: Bác Hồ rủ một người bạn tên là Lê đi cùng
- Hỏi: Bác Hồ rủ bác Lê đi đâu?
- Đáp: Bác Hồ rủ bác Lê đi ra nước ngoài xem Pháp và các nước khác họ làm như thế nào, sau đó, trở về giúp đồng bào chúng ta.
- Hỏi: Bác Hồ lấy tiền từ đâu để đi?
- Đáp: Bác Hồ sẽ kiếm tiền từ hai bàn tay của mình, Bác luôn sẵn sàng làm bất cứ việc gì để sống và để đi.
Câu 3.
Các tranh sau đây vẽ gì (trang 144 sgk)? Đóng vai nhân vật trong mỗi tranh để nêu câu hỏi tự hỏi mình cho phù hợp?
Đáp án và hướng dẫn giải:
a. Các tranh trên vẽ:
- Hình 1: Một chú ong đang dùng kính lúp để nhìn con bướm nhỏ.
- Hình 2: Một chú dế đang đánh đàn
- Hình 3: Một chú thỏ và chú rùa trong rừng
- Hình 4: Một cậu bé đang ngồi ngủ dưới gốc cây
b. Đóng vai nhân vật trong mỗi tranh để nêu câu hỏi tự hỏi mình
- Hình 1: Sao nhìn qua gương con bướm lại to đến thế nhỉ?
- Hình 2: Tiếng đàn của mình liệu đã làm lay động các loại côn trùng hay chưa?
- Hình 3: (Thỏ) Nếu chạy đua với rùa liệu mình có thắng được không?
- Hình 4: Ngồi ngủ đây không biết quả nó có rơi vào đầu mình không nhỉ?
Câu 1.
Cùng đọc 3 đề bài sau và cho biết đề bài nào thuộc kiểu bài kể chuyện:
- Đề 1: Lớp em vừa có một bạn theo gia đình chuyển đi xa. Em hãy viết thư thăm bạn và kể tình hình học tập của lớp cho bạn em biết.
- Đề 2: Em hãy kể một câu chuyện về một tấm gương rèn luyện thân thể.
- Đề 3: Em hãy tả chiếc áo hoặc chiếc váy em mặc đến trường hôm nay.
Đáp án và hướng dẫn giải:
- Đề thuộc loại văn kể chuyện là: Em hãy kể một câu chuyện về một tấm gương rèn luyện thân thể.
- Sở dĩ đề 2 là đề thuộc loại văn kể chuyện vì khi làm đề này ta phải kể lại một chuỗi sự viêc có liên quan đến nhân vật là tấm gương rèn luyện thân thể.
Câu 2.
Kể chuyện trong nhóm
Mỗi em kể một câu chuyện về một trong các đề tài sau:
a. Đoàn kết, thương yêu bạn bè.
b. Giúp đỡ người tàn tật.
c. Thật thà, trung thực trong đời sống.
d. Chiến thắng bệnh tật.
Đáp án và hướng dẫn giải:
a. Đoàn kết, thương yêu bạn bè:
Phần thưởng
Na là một cô bé tốt bụng, ở lớp, ai cũng mến em. Em gọt bút chì giúp bạn Lan. Em cho bạn Minh nửa cục tẩy. Nhiều lần, em làm trực nhật giúp các bạn bị mệt... Na chỉ buồn vì em học chưa giỏi.
Cuối năm học, cả lớp bàn tán về điểm thi và phần thưởng. Riêng Na chỉ lặng yên nghe các bạn. Em biết mình chưa giỏi môn nào.
Một buổi sáng, vào giờ ra chơi, các bạn trong lớp túm tụm bàn bạc điều gì có về bí mật lắm. Rồi các bạn kéo nhau đến gặp cô giáo.
Cô giáo cho rằng sáng kiến của các bạn rất hay.
Ngày tổng kết năm học, từng học sinh giỏi bước lên bục nhận phần thưởng. Cha mẹ các em cũng hồi hộp. Bất ngờ cô giáo nói:
- Bây giờ cô sẽ trao một phần thưởng đặc biệt. Đây là phần thưởng cả lớp đề nghị tặng bạn Na. Na học chưa giỏi, nhưng em có tấm lòng thật đáng quý.
Na không biết mình có nghe nhầm không. Đỏ bừng mặt, cô bé đứng dậy bước lên bục. Tiếng vỗ tay vang dậy. Mẹ của Na lặng lẽ chấm khăn lên đôi mắt đỏ hoe.
b. Giúp đỡ người tàn tật.
Em có một người anh họ tên Nghĩa kém may mắn bị liệt hai chân từ lúc bé. Thỉnh thoảng em ghé thăm nhà bác, giúp anh Nghĩa làm một số công việc.
Năm nay anh Nghĩa mười lăm tuổi. Tay và vai anh phát triển bình thường nhưng từ bắp đùi xuống hai bàn chân thì co rút, teo lại. Hai chân anh bé xíu rất khó cử động. Khi ngồi một chỗ,anh có thể làm những việc vặt như: xếp quần áo, lau chén để vào tủ. Khi muốn di chuyển, anh dịch chuyển người trên hai cái bàn ngồi thấp sát đất.Hai cái bàn ngồi thay phiên nhau giúp anh “đi” về phía trước hoặc dịch lùi. Tuy có tật bệnh nhưng anh rất chăm làm việc. Em đến nhà giúp anh nấu cám cho lợn ăn. Anh Nghĩa ngồi trên bàn ngồi, cắt rau lang vun thành đống. Em dùng rổ xúc rau đã băm đổ vào thùng rồi đem thùng đó bắc lên bếp đã gác củi sẵn. Sửa cái thùng cho chắc chắn, em lấy xô xách nước đổ vào thùng. Độ ba xô nhỏ thôi, nước đã ngập rau rồi. Trên rau, em xúc bắp xay đổ vào. Khi em đậy nắp thùng xong, anh Nghĩa nhóm bếp. Bác em, mẹ của anh Nghĩa, trước khi đi làm đã gác sẵn củi và mồi nhen lửa. Anh Nghĩa bật quẹt, nhen lửa vào tờ giấy đun vào bếp, em dùng quạt, quạt nhè nhẹ. Chút xíu thôi là củi bắt lửa cháy đượm quanh đáy thùng. Hai anh em em ngồi đun củi, chờ nồi cháo rau sôi lục đục. Khi nồi cháo chín, em giúp anh Nghĩa tắt lửa, vùi củi vào tro cho tắt ngấm rồi phụ anh Nghĩa làm việc khác. Xong việc, em mang đến cho anh Nghĩa mấy quyển truyện thiếu nhi. Anh Nghĩa thích xem truyện tranh Tây Du Kí và lúc nào cũng giành tự đọc, không chịu để em đọc cho nghe.
Em rất thương anh Nghĩa và quý tính tự học, chăm làm của anh. Mặc dù anh tàn tật nhưng anh giúp đỡ mẹ anh rất nhiều trong việc nhà. Anh Nghĩa là tâm gương siêng năngvui sống mà em học tập. Em rất vui được giúp anh Nghĩa.
c. Thật thà, trung thực trong đời sống.
Hôm ấy là ngày kiểm tra học kì môn Toán. Em đọc đề bài và chỉ làm được một câu duy nhất.
Em cắn bút đọc đi, đọc lại đề bài, không có một tý kiến thức nào lóe lên trong đầu. Em không đổi được đơn vị, không biết toán giải làm mấy bước tính. Cả cái hình vẽ tam giác, tứ giác cũng rối mù, rối tinh lên. Em nhìn xung quanh: các bạn cắm cúi viết, đưa tay nhẩm tính. Chỉ có mình em ngơ ngác, dốt đặc. Em chưa biết tính sao thì một tờ giấy tròn vo lăn nhẹ dưới chân. Em nhặt viên giấy, mở ra xem. Đầu trang giấy là dòng chữ: “Bạn viết nhanh lên. Sắp hết giờ rồi!”, dưới đó là bài giải đề bài đang kiểm tra. Thế này là tốt hay tệ đây? Em tự hỏi mình rồi quyết định gấp tờ giấy vuông lại. Em không thể trả lại tờ giấy được vì thầy giáo xem thi sẽ phạt. Hồi lâu, chuông báo hết giờ vang lên. Em nộp bài làm chỉ có một câu của mình rồi thu xếp ra về. Đóng cặp lại,ngâng đầu lên, em thấy Hùng đứng trước bàn mình. Hùng hỏi:
– Bạn chép kịp không?
Em chìa tờ giấy gấp vuông đưa trả lại cho Hùng nói nhỏ:
– Cảm ơn bạn nhưng mình không chép một câu nào cả. Mình làm được câu tính cộng mà thôi!
Hùng tròn mắt:
– Bạn sẽ không đạt điểm tốt trong kì thi.
Em gật đầu:
– Mình sẽ tự học và phải học chăm chỉ. Còn đến ba kì thi nữa cơ mà.
Bài kiểm tra lần ấy em chỉ đạt một điểm và một dấu chấm hỏi. Anh trai em suýt cho em một trận đòn dữ. Em chỉ nói rất nhỏ:
– Em xin hứa sẽ tự học chăm chi.
Em bắt đầu học và làm bài tập từ tiết đầu của năm học. Chỗ nào không hiểu em hỏi anh trai em. Ba lần thi sau. Em đều đạt điểm mười.
Chuyện xảy ra từ hồi em học lớp ba. Cái điểm một lần thi ấy làm các bạn thắc mắc. có bạn cười nhạo em. Riêng em,em vui vì mình đã quyết định đúng theo lời cô giáo dạy: “Phải trung thực khi làm bài!”.
d. Chiến thắng bệnh tật
Anh Danh, kĩ sư trong khu phố em là một tấm gương chiến thắng bệnh tật đáng khâm phục.
Anh Danh bị sốt tê liệt từ bé, hai chân không phát triển được bình thường. May mắn là đôi chân bệnh tật ấy tuy nhỏ một chân thấp một chân cao nhưng vẫn co duỗi và đi lại được. Anh Danh ít khi ra ngoài, anh học tập chăm chỉ và rất giỏi. Những năm Trung học anh đều đạt học sinh giỏi. Rồi anh thi đỗ vào trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, khoa Công nghệ Thông tin. Việc học của anh đôi khi bị gián đoạn vì sức khỏe của anh yếu, thường hay trở bệnh liệt giường. Khi đỡ bệnh, anh đi khập khiễng đến giảng đường trường Đại học. Thường xuyên đau ốm nhưng anh luôn luôn vui vẻ lạc quan. Để rèn luyện thể lực, anh tập chạy tại chỗ, rồi bệnh cũng lui dần. Chân anh không thể trở lại như người bình thường được nhưng anh khỏe khoắn hơn, không ốm đau thường xuyên như trước. Anh nhận bằng tốt nghiệp kĩ sư loại giỏi và được một công ty phần mềm danh tiếng tuyển dụng. Hiện nay anh đã lập gia đình và có một cậu con trai kháu khỉnh.
Có những người kém may mắn, bị bệnh tật nhưng họ vẫn sống tốt và có nhiều công sức đóng góp cho cuộc đời. Họ học tập, rèn luyện, làm việc, cải thiện đời sống của chính họ và cống hiến trí tuệ cho cuộc sống tiến bộ của nhân loại. Những tấm gương như anh Danh luôn luôn nhắc nhở chúng em phải học tập, rèn luyện và không bao giờ được lười biếng, ỷ lại; phải trau dồi bản thân để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
►►CLICK NGAY vào nút TẢI VỀ dưới đây để tải về Giải Bài 13C: Mỗi câu chuyện nói với chúng ta điều gì? Tiếng Việt lớp 4 VNEN file PDF hoàn toàn miễn phí.