Logo

Giải Tiếng Việt VNEN lớp 5 Tập 1 Bài 25B: Không quên cội nguồn

Giải bài tập Tiếng Việt lớp 5 VNEN Bài 25B: Không quên cội nguồn Tập 1 sách giáo khoa chương trình mới chi tiết, dễ hiểu giúp các em tiếp thu bài học hiệu quả.
5.0
1 lượt đánh giá

Nội dung hướng dẫn giải Bài 25B: Không quên cội nguồn được chúng tôi biên soạn bám sát bộ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5 chương trình mới (VNEN). Là tài liệu tham khảo hữu ích giúp các em học tốt môn Tiếng Việt lớp 5.

Hoạt động cơ bản - Bài 25B Tiếng Việt lớp 5 VNEN

Câu 1. Quan sát bức tranh và trả lời câu hỏi:

a. Bức tranh vẽ cảnh gì? Mỗi em nói một câu về vẻ đẹp của cảnh trong tranh.

b. Em hiểu cửa sông nghĩa là gì?

Lời giải chi tiết:

a. Bức tranh vẽ cảnh thiên nhiên sông nước và hoạt động của con người ở một khu vực cửa sông. Một số câu nói lên vẻ đẹp của bức tranh:

- Dòng sông êm đềm và thơ mộng.

- Từng chiếc thuyền neo đậu bên bờ sông thật nhộn nhịp.

- Phía xa là biên rộng nhấp nhô từng cánh buồm no gió.

b. Theo em, cửa sông chính là nơi dòng sông chảy ra và đổ vào biển hoặc hồ lớn.

Câu 2. Nghe thầy cô (hoặc bạn) đọc bài:

Cửa sông

(Trích)

Là cửa nhưng không then khóa
Cũng không khép lại bao giờ
Mênh mông một vùng sóng nước
Mở ra bao nỗi đợi chờ.
Nơi những dòng sông cần mẫn
Gửi lại phù sa bãi bồi
Để nước ngọt ùa ra biển
Sau cuộc hành trình xa xôi.
Nơi biển tìm về với đất
Bằng con sóng nhớ bạc đầu
Chất muối hòa trong vị ngọt
Thành vũng nước lợ nông sâu.
Nơi cá đối vào đẻ trứng
Nơi tôm rảo đến búng càng
Cần câu uốn cong lưỡi sóng
Thuyền ai lấp lóa đêm trăng.
Nơi con tàu chào mặt đất
Còi ngân lên khúc giã từ
Cửa sông tiễn người ra biển
Mây trắng lành như phong thư.
Dù giáp mặt cùng biển rộng
Cửa sông chẳng dứt cội nguồn
Lá xanh mỗi lần trôi xuống
Bỗng… nhớ một vùng núi non

Quang Huy

Câu 3. Chọn lời giải nghĩa ở cột B cho phù hợp với mỗi từ ngữ ở cột A

Lời giải chi tiết:

Câu 5. Thảo luận, trả lời câu hỏi:

a. Trong khổ thơ đầu, tác giả dùng những từ ngữ nào để nói về nơi sông chảy ra biển? Cách giới thiệu ấy có gì hay?

b. Theo bài thơ, cửa sông là địa điểm đặc biệt như thế nào? Dựa vào nội dung bài thơ, hãy nói tiếp để hoàn thành câu

- Cửa sông là nơi những dòng sông cần mẫn ...

- nơi nước ngọt ... nơi biến ...

- nơi nước ngọt của những con sông và nước mặn của biển cả ... nơi cá tôm ...

- nơi những chiếc thuyền câu ...

- nơi những con tàu ...

- nơi tiễn ...

c. Phép nhân hóa ở khổ thơ cuối giúp tác giả nói lên điều gì về "tấm lòng" của cửa sông đối với cội nguồn?

Lời giải chi tiết:

a. Tác giả dùng những từ ngữ để nói về nơi sông chảy ra biển là:

Là cửa nhưng không then khoá
Cũng không khép lại bao giờ
Mênh mông một vùng sóng nước
Mở ra bao nỗi đợi chờ.

→ Cách nói đó rất đặc biệt: cửa sông giống như một cánh cửa của dòng sông mở ra để đi vào lòng biển lớn. Cửa sông cũng là một cái cửa nhưng khác cửa bình thường, giúp người đọc hiểu thế nào là cửa sông, cảm thấy cửa sông rất thân quen.

b. Theo bài thơ, cửa sông là địa điểm đặc biệt:

- Cửa sông là nơi những dòng sông cần mẫn gửi lại phù sa để bồi đắp bãi bờ.

- nơi nước ngọt chảy vào biển rộng, nơi biển cả tìm về với đất liền.

- nơi nước ngọt của những con sông và nước mặn của biển cả tạo thành vùng nước lợ nơi cá tôm hội tụ

- nơi những chiếc thuyền câu lấp lóa đêm trăng.

- nơi những con tàu chào mặt đất.

- nơi tiễn người ra biển.

c.

- Biện pháp nhân hóa được thể hiện qua những từ ngữ trong khổ thơ cuối:

+ Dù giáp mặt cùng biển rộng

+ Cửa sông chẳng dứt cội nguồn

+ Bỗng … nhớ một vùng núi non.

- Phép nhân hoá giúp tác giả nói được “tấm lòng” của cửa sông là không quên nguồn cội.

Hoạt động thực hành - Bài 25B Tiếng Việt VNEN lớp 5

Câu 1. Chọn và viết bài văn miêu tả theo một trong những đề bài dưới đây:

Lời giải chi tiết:

- Đề 1: Tả quyển sách Hướng dẫn học Tiếng Việt 5, tập 2

Sau buổi thi học kì 1 ở trường, em trở về nhà để dọn dẹp lại góc học tập của mình. Những cuốn sách tập 1 sẽ được cất đi để nhường vị trí cho những cuốn sách tập 2. Trong đó, em thích nhất là quyển Tiếng Việt lớp 5 tập 2.

Cũng như các quyển sách khác, quyển Tiếng Việt lớp 5 tập 2 cũng có hình chữ nhật với kích thước tương tự. Tuy nhiên, nó có phần mỏng hơn so với cuốn sách tập 1. Tông màu chủ đạo của bìa sách là màu xanh dương - màu của hòa bình và tự do. Phía trên cùng bìa sách là tên bộ giáo dục. Ngay phía dưới, là tên quyển sách “TIẾNG VIỆT” được viết in hoa rất lớn màu tím đậm nổi bật trong chiếc khung màu trắng. Góc bên phải cạnh chân của chữ Việt là số 5 màu hồng sẫm, và chữ “Tập hai” nhỏ ở phía dưới. Chiếm phần lớn bìa sách là một bức tranh rất đẹp. Đó là cảnh các bạn học sinh đang ngồi trên ngọn đồi lộng gió nhìn về xóm làng, ruộng nương trù phú ở phía dưới. Điều đặc biệt là các bạn học sinh mặc trên mình những bộ trang phục của các dân tộc khác nhau. Chính chi tiết này đã thể hiện được tính nhân văn của cuốn sách. Tất cả các bạn học sinh dù thuộc dân tộc nào đều bình đẳng và có quyền được học tập như nhau.

Bên trong cuốn sách, kiến thức vẫn được chia thành từng tuần như tập 1. Với các mục tập đọc, chính tả, luyện từ và câu, tập làm văn. Tuy nhiên, các bài tập đọc đã dài hơn, và kiến thức cũng khó hơn nữa.

Ngay khi cầm sách, em đã chăm chú đọc qua một lượt các bài đọc. Em sẽ cố gắng học thật chăm chỉ để đạt kết quả tốt.

Câu 2. Đọc bài văn trong nhóm, bình chọn bài văn hay nhất của nhóm. Cả lớp cùng bình chọn bài văn hay nhất.

Câu 3. Nghe thầy cô kẻ câu chuyện:

Vì muôn dân

1. Năm 1235, khi Trần Quốc Tuấn mới 5, 6 tuổi, cha ông là Trần Liễu có chuyện tị hiềm với vua Trần Thái Tông. Năm 1251, Trần Liễu lâm bệnh nặng, trước khi mất có trăng trối: “Con hãy vì cha mà lấy thiên hạ. Nếu không, nơi chín suối, cha không thể nhắm mắt!”. Biết cha không quên hận cũ, thương cha, Quốc Tuấn đành gật đầu để cha yên lòng, nhưng ông không cho đó là điều phải và luôn tìm cách hòa giải mối hiềm khích trong gia tộc.

2. Cuối năm 1284, nhà Nguyên lại kéo hàng chục vạn quân sang xâm chiếm nước ta.Thế giặc mạnh như chẻ tre. Vua Trần Nhân Tông (cháu Trần Thái Tông) cho vời Hưng Đạo về kinh. Vừa từ Vạn Kiếp về tới Thăng Long, đậu thuyền ở bến Đông, ông sai mời Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải (con vua Trần Thái Tông) đến cùng bàn kế đánh giặc. Biết Quang Khải ngại tắm, ông sai nấu sẵn nước thơm và xin được tắm giùm. Ông tự tay cởi áo cho Quang Khải, dội nước thơm cho Quang Khải và thân mật đùa:

- Hôm nay, thật mau mắn, tôi được tắm hầu Thái sư.

Quang Khải cũng kìm nỗi xúc động, đùa lại:

- Tôi mới thật có may mắn vì được Quốc công Tiết chế tắm cho.

Trước tấm lòng chân tình của cả hai người, mối hiềm khích giữa hai bên được cởi bỏ.

3. Hôm sau, hai người vào cung. Vua đã chờ sẵn để bàn việc nước.

Nhà vua băn khoăn:

- Lần trước, giặc Nguyên đã bị ta đánh bại. Nhưng lần này, chúng đông và mạnh hơn trước bội phần. Các khanh xem có kế gì để giữ yên xã tắc?

Hưng Đạo trình bày kĩ mọi việc, từ trấn giữ biên thùy, cắt cử các tướng…., đoạn ông nhấn mạnh:

- Nên triệu gấp các bô lão về kinh để cùng luận bàn. Có sức mạnh nào bằng sức của trăm họ! Anh em hòa thuận, trên dưới một lòng thì giặc kia mạnh mấy cũng phải tan!

Vua y lời.

Một sáng đầu xuân năm 1285, bộ lão từ mọi miền đất nước tụ hội về điện Diên Hồng. Vua quan nhà Trần tề tựu đông đủ. Vua ướm hỏi:

- Nhà Nguyên sai sứ giả mang thư sang, xin mượn đường để đánh Chăm-pa. Ý các khanh thế nào?

Hưng Đạo tâu:

- Cho giặc mượn đường là mất nước!

Cả điện đồng thanh:

- Không cho giặc mượn đường!

Vua hỏi tiếp:

- Ta nên hòa hay nên đánh?

Điện Diên Hồng như rung lên bởi những tiếng hô của muôn người:

- Nên đánh!

- Sát Thát!

4. Nhờ trên dưới đồng lòng, vua tôi hòa thuận… quân dân ta đã đánh tan giặc Nguyên, giữ vững độc lập dân tộc.

Câu 4. Dựa vào tranh vẽ dưới đây, em hãy kể lại từng đoạn câu chuyện

Lời giải chi tiết:

- Tranh 1: Cha của Trần Quốc Tuấn trước khi qua đời dặn con phải giành lại ngôi vua. Trần Quốc Tuấn không cho điều đó là phải, nhưng thương cha nên gật đầu.

- Tranh 2: Năm 1284, giặc Nguyên lại sang xâm lược nước ta.

- Tranh 3: Trần Quốc Tuấn mời Trần Quang Khải xuống thuyền của mình ở bến Đông để cùng bàn kế đánh giặc.

- Tranh 4: Trần Quốc Tuấn tự tay dội nước tắm cho Trần Quang Khải,khéo léo cởi bỏ mâu thuẫn gia tộc.

- Tranh 5: Theo lời Trần Quốc Tuấn, vua mở Hội nghị Diên Hồng triệu tập các bô lão từ mọi miền đất nước. Vua tôi đồng lòng quyết tâm diệt giặc

- Tranh 6: Cả nước đoàn kết một lòng nên giặc nguyên đã bị đánh tan, giữ vững độc lập dân tộc.

Câu 5. Trao đổi về ý nghĩa câu chuyện

Lời giải chi tiết:

Câu chuyện "Vì muôn dân" nhằm ca ngợi tinh thần đoàn kết của dân tộc ta và ý chí đánh tan kẻ thù xâm lược, giữ yên bờ cõi, giang sơn gấm vóc của những người dân Việt Nam.

►►CLICK NGAY vào nút TẢI VỀ dưới đây để tải về Giải Bài 25B: Không quên cội nguồn Tiếng Việt lớp 5 VNEN file PDF hoàn toàn miễn phí.

Đánh giá bài viết
5.0
1 lượt đánh giá
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
Copyright © 2020 Tailieu.com