Logo

Văn mẫu lớp 10: Phân tích, đánh giá một truyện kể tuyển chọn hay nhất

Chia sẻ 2 bài viết mẫu chủ đề: Phân tích, đánh giá một truyện kể chọn lọc hay nhất, giúp các em nắm được dàn bài với các ý triển khai chính, trau dồi vốn từ và các dạng câu hay nhằm hoàn thiện bài viết của mình.
2.0
188 lượt đánh giá

2 Tác phẩm truyện cổ tích: Thần Trụ Trời và Đi san mặt đất khá là quen thuộc với các em, qua bài viết dưới đây hãy cùng chúng tôi phân tích, đánh giá 2 truyện kể thú vị này nhé.

Văn mẫu lớp 10: Viết văn nghị luận phân tích, đánh giá tác phẩm truyện Đi san mặt đất

Dàn bài:

I. Mở bài:
- Giới thiệu truyện kể: "Đi san mặt đất" là truyện của người Lô Lô, trích "Mẹ Trời, Mẹ Đất".
- Nêu nội dung khái quát cần phân tích, đánh giá: Chủ đề và nghệ thuật của truyện "Đi san mặt đất".
II. Thân bài:
1. Xác định chủ đề của truyện kể:
- Truyện "Đi san mặt đất" có chủ đề viết về quá trình khai hoang và cải tạo tự nhiên của người xưa, quá trình này cần có sự giúp sức của tất cả mọi người lúc bấy giờ.
- "Đi san mặt đất" đã khẳng định vai trò của con người trong quá trình tạo lập thế giới.
2. Phân tích, đánh giá các khía cạnh trong chủ đề của truyện kể:
- Phân tích: Quá trình khai hoang và cải tạo tự nhiên của người xưa:
+ Thời gian: "Ngày xưa, từ rất xưa" là thời gian cổ xưa nên không thể xác định.
+ Không gian: Không gian hoang sơ khi "Bầu trời nhìn chưa phẳng/ Mặt đất còn nhấp nhô".
+ Nội dung: Người Lô Lô phải "đi san mặt đất", kiếm những con trâu "sừng cong", "sừng dài" để cày bừa san phẳng mặt đất. Con người đã tập hợp sức mạnh của cộng đồng để chung tay thực hiện công việc.
- Đánh giá: Con người tự ý thức việc cải tạo thiên nhiên để phục vụ cho cuộc sống của chính mình.
3. Đánh giá tác dụng của những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật trong việc thể hiện chủ đề của truyện kể:
- Thể loại thần thoại bằng thơ của người Lô Lô.
- Sử dụng biện pháp nhân hóa.
- Ngôn ngữ giản dị, giàu hình ảnh.
III. Kết bài:
- Khẳng định lại giá trị của chủ đề và hình thức nghệ thuật của truyện kể.
- Nêu ý nghĩa của tác phẩm đối với bản thân và người đọc.

Bài mẫu phân tích, đánh giá tác phẩm truyện Đi san mặt đất

Có lẽ, những bí ẩn về thiên nhiên vẫn là một câu hỏi lớn đối với con người thời cổ. Chính vì vậy, họ đã sáng tạo nên các câu chuyện để trả lời cho những thắc mắc của bản thân. Đọc truyện "Thần Trụ trời", ta thấy được cách phân chia bầu trời và mặt đất. Đọc "Prô-mê-tê và loài người", ta được giải đáp về cách các vị thần tạo ra muôn vật và loài người. Không giống hai tác phẩm trên, truyện "Đi san mặt đất" lại là những lí giải đơn giản về quá trình loài người chung lòng, góp sức san phẳng mặt đất để làm ăn mà không có sự xuất hiện của các vị thần. Truyện gây ấn tượng bởi những đặc sắc trong chủ đề và hình thức nghệ thuật.

Truyện "Đi san mặt đất" có chủ đề viết về quá trình khai hoang và cải tạo tự nhiên của người Lô lô xưa, quá trình này cần có sự giúp sức của tất cả mọi người lúc bấy giờ. Người Lô Lô xưa đã có những nhận thức khá nguyên sơ, đơn giả về thế giới vũ trụ, đồng thời họ cũng có ý thức trong việc cải tạo thế giới sống quanh mình Khi Trái Đất vẫn còn hoang sơ thì người xưa đã cùng nhau đi trình khai hoang và cải tạo tự nhiên. Đó là thời gian không thể xác định, mà người cổ xưa chỉ biết là:

"Ngày xưa, từ rất xưa...
Người già không nhớ nổi
Mấy năm mấy nghìn đời
Ngày xưa từ rất xưa...
Người trẻ không biết tới
Mấy nghìn, mấy vạn năm"

Mốc thời gian không cụ thể khiến chúng ta không thể biết chính xác đó là thời điểm nào. Khoảng thời gian ấy xưa đến mức người già cũng không thể nhớ nổi, người trẻ thì lại chẳng thể biết tới. Và cuộc sống con người lúc bấy lại thật đơn giản. Trước khi đi san mặt đất, con người vẫn sống chung, ở chung và ăn chung với nhau. Người Lô Lô xưa đã biết tận dụng điều kiện tự nhiên để trồng bắp, lấy nước uống từ "bụng đá" "Trồng bắp trên núi cao/ Uống nước từ bụng đá". Tuy nhiên, sống trong không gian hoang sơ, thiếu thốn khi "Bầu trời nhìn chưa phẳng/ Mặt đất còn nhấp nhô" nên con người thời cổ đã khẩn trương cùng nhau đi tái tạo thế giới.

Để có thể san phẳng mặt đất, san phẳng bầu trời thì người Lô Lô đã biết tận dụng sức mạnh của các loài vật xung quanh lúc bấy giờ:

"Kiếm con trâu sừng cong
Chọn con trâu sừng dài"

Họ kiếm những con trâu sừng phải cong, phải dài vì đây là những con trâu khỏe, trâu tốt. Chúng đi cày bừa san đất mà không quản gì mệt nhọc. Có sức giúp đỡ của chúng thì công cuộc cải tạo mặt đất của người Lô Lô xưa chẳng mấy chốc mà thành. Thế nhưng công việc san phẳng mặt đất, san phẳng bầu trời là công việc chung của muôn loài nên con người đã đi chuột chũi cóc, ếch. Đáp lại lời kêu gọi của người Lô Lô xưa, các con vật đều tìm cớ trốn tránh, thoái thác. Không thể trông cậy vào chúng, con người đã tập hợp sức mạnh của nhau để cải tạo thiên nhiên "Giống nào cũng không đi/ Người gọi nhau làm lấy". Truyện "Đi san mặt đất" của người Lô Lô không chỉ đơn thuần là lời lí giải về sự bằng phẳng của mặt đất và bầu trời mà còn phản ánh nhận thức của người Lô Lô xưa về quá trình tạo lập thế giới. Theo cách lí giải của họ, để có được mặt đất, bầu trời bằng phẳng như ngày nay thì người Lô Lô xưa đã phải đi san mặt đất. Con người đã tự biết tập hợp sức mạnh của cộng đồng để chung tay thực hiện công việc. Và qua đây, ta thấy được con người trong buổi sơ khai đã có ý thức trong việc cải tạo thiên nhiên để phục vụ cho cuộc sống của chính mình.

Không chỉ độc đáo ở chủ đề, truyện "Đi san mặt đất" còn có những đặc sắc ở khía cạnh nghệ thuật. Người Lô Lô xưa đã sáng tạo truyện thần thoại bằng hình thức thơ ca với giọng điệu vui tươi, nhí nhảnh tạo cảm giác thích thú cho người đọc.

Bên canh đó, truyện còn sử dụng biện pháp nhân hóa cùng với ngôn ngữ giản dị, giàu hình ảnh. Các con vật được nhân hóa có những cử chỉ giống con người đã giúp cho chuyện trở nên sinh động hơn. Người Lô Lô xưa đã sử dụng ngôn ngữ gần gũi, giản dị giúp cho bạn đọc ở mọi lứa tuổi dễ dàng tiếp nhận truyện.

"Đi san mặt đất" là một trong những truyện thần thoại đặc sắc của người Lô Lô. Truyện đã thể hiện những lí giải nguyên sơ của người xưa về vũ trụ, về thế giới qua thể thơ năm chữ kết hợp sử dụng các biện pháp nghệ thuật. Qua câu chuyện, ta càng thêm ấn tượng với trí tưởng tượng của người xưa trong việc sáng tạo những giá trị văn hóa dân gian.

Văn hay lớp 10: Viết văn nghị luận phân tích, đánh giá tác phẩm truyện Thần Trụ Trời

Dàn ý:

I. Mở bài:

- Giới thiệu về truyện kể: Truyện "Thần Trụ trời" thuộc nhóm thần thoại kể về nguồn gốc vũ trụ, muôn loài hay còn gọi là thần thoại suy nguyên được tác giả Nguyễn Đổng Chi sưu tầm.

- Trình bày khái quát nội dung cần phân tích, đánh giá: Chủ đề và hình thức nghệ thuật của truyện "Thần Trụ trời".

II. Thân bài:

1. Giới thiệu chủ đề của truyện kể và ý nghĩa của chủ đề:

- Truyện "Thần Trụ trời" đã giải thích quá trình tạo lập thế giới: phân chia trời, đất và nguồn gốc hình thành các dạng địa hình như núi, đảo,... một cách sáng tạo qua các yếu tố kì ảo.

2. Phân tích, đánh giá các khía cạnh trong chủ đề của truyện kể:

* Phân tích

- Giải thích quá trình tạo lập thế giới:

  • Giải thích sự phân chia trời, đất thông qua sự kiện thần Trụ trời xây cột đá chống trời.
  • Sự hình thành các dạng địa hình khác nhau: thần lại phá cột đi, lấy đất đá ném tung đi khắp nơi...".

* Đánh giá:

Truyện "Thần Trụ trời" đã cho thấy khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng của con người trong buổi đầu sơ khai.

3. Đánh giá tác dụng của những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật trong việc thể hiện chủ đề của truyện kể:

- Truyện đã xây dựng nhân vật Thần Trụ trời - vị thần sức mạnh siêu nhiên, thực hiện công việc phân chia trời và đất, tạo nên các dạng địa hình khác nhau.

- Thủ pháp cường điệu, phóng đại kết hợp với các chi tiết hư cấu tạo nên một câu chuyện đầy sức hấp dẫn và thuyết phục đối với người đọc.

III. Kết bài:

- Khẳng định lại giá trị của chủ đề và hình thức nghệ thuật của truyện kể.

- Nêu ý nghĩa của tác phẩm đối với bản thân và người đọc.

Bài phân tích, đánh giá truyện Thần Trụ Trời

Mẫu 1:

Thần Trụ Trời” là một tác phẩm dân gian truyền miệng của người Việt cổ được sản sinh từ thời tối cổ và còn tồn tại đến ngày nay, được nhà khảo cứu văn hóa dân gian Nguyễn Đổng Chi sưu tầm, kể lại bằng bản văn trong “Lược khảo về thần thoại Việt Nam”. Qua truyện thần thoại này, người Việt cổ muốn giải thích nguồn gốc các hiện tượng thiên nhiên như vì sao có trời, có đất và vì sao trời với đất lại được phân đôi, vì sao mặt đất lại không bằng phẳng có chỗ lõm có chỗ lồi, vì sao có sông, núi, biển, đảo.

Cho thấy người Việt cổ cũng như nhiều dân tộc khác trên thế giới này đã cố gắng tìm để hiểu rõ những gì có xung quanh họ. Vì cũng chưa tìm hiểu được nhưng họ lại không chịu bó tay, họ bèn sáng tạo ra một vị thần khổng lồ để giải thích tự nhiên vũ trụ một cách hết sức ngây thơ và đáng yêu. Độc giả ngày nay cảm nhận được trong đó cái hồn nhiên và ước mơ của những người Việt cổ muốn vươn lên để giải thích thế giới tự nhiên quanh mình.Mọi chi tiết kể và tả Thần Trụ Trời đều gợi những vòng hào quang, điểm tô tính chất kỳ lạ, phi thường của nhân vật, thần thoại. Truyện đã nhân cách hóa vũ trụ thành một vị thần.

Hành động đầu tiên khi Thần Trụ Trời xuất hiện là “vươn vai đứng dậy, ngẩng cao đầu đội trời lên, giang chân đạp đất xuống,…” cũng là hành động và việc làm có tính phổ biến của nhiều vị thần tạo thiên lập địa khác trên thế giới. như ông Bàn Cổ trong thần thoại Trung Quốc cũng đã làm giống hệt như vậy. Tuy nhiên vẫn có điểm khác biệt chính là sau khi đã xuất hiện trong cõi hỗn độn giống như quả trứng của vũ trụ, ông đạp cho quả trứng tách đôi, nửa trên là trời, nửa dưới là đất và ông tiếp tục đẩy trời lên cao, đạp đất xuống thấp bằng sự biến hóa, lớn lên không ngừng của bản thân ông chứ không phải như Thần Trụ Trời đã xây cột chống trời.

Như vậy cho thấy việc khai thiên lập địa của ông Thần Trụ Trời ở Việt Nam và ông Bàn Cổ ở Trung Quốc vừa có điểm giống nhau vừa có điểm khác nhau. Và đó cũng chính là nét chung và nét riêng có ở trong thần thoại của các dân tộc. Từ cái ban đầu vốn ít ỏi, người Việt cổ cũng như các dân tộc khác trên thế giới không ngừng bổ sung, sáng tạo làm cho nền văn học, nghệ thuật ngày một đa dạng hơn. Chúng ta cũng có thể đánh giá về kho tàng thần thoại Việt Nam đối với nền nghệ thuật Việt Nam như thế nào. Cũng nhờ nghệ thuật phóng đại mà các nhân vật thần thoại có được sức sống lâu bền, vượt qua mọi thời gian để còn lại với chúng ta ngày nay. Thần thoại đã tạo nên cho con người Việt Nam nếp cảm, nếp nghĩ, nếp tư duy đầy hình tượng phóng đại và khoáng đạt.

Truyện thần thoại “Thần Trụ Trời” vừa cho các bạn đọc biết được sự hình thành của trời đất, sông, núi, đá,…vừa cho thấy sự sáng tạo của người Việt cổ. Tuy truyện có nhiều yếu tố hoang đường, phóng đại nhưng cũng có cái lõi của sự thật là con người thời cổ đã khai khẩn, xây dựng, tạo lập đất nước.

Mẫu 2:

Truyện "Thần Trụ trời" thuộc nhóm thần thoại kể về nguồn gốc vũ trụ, muôn loài hay còn gọi là thần thoại suy nguyên được tác giả Nguyễn Đổng Chi sưu tầm. Truyện được coi là tác phẩm có nét đặc sắc trong chủ đề và hình thức nghệ thuật.

"Thần Trụ trời" kể về thần Thần Trụ trời với sức mạnh phi thường đã phân chia bầu trời và mặt đất, dùng đất đá tạo nên núi, đảo,.. Qua đó, câu chuyện đã giải thích nguồn gốc của sự hình thành các sự vật trong tự nhiên một cách sáng tạo.

Mở đầu câu chuyện, tác giả dân gian mở ra không gian vũ trụ hoang sơ "một vùng hỗn độn, tối tăm, lạnh lẽo" và thời gian chưa được xác định rõ ràng "Chưa có vũ trụ, chưa có muôn vật và loài người". Trong khoảnh khắc tối tăm mù mịt ấy, Thần Trụ trời đã xuất hiện với thân hình khổng lồ "Chân thần dài không thể tả xiết". Mỗi bước chân của thần "có thể qua từ vùng này đến vùng nọ, hay từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác". Nhờ sức mạnh phi thường ấy, thần đã tự mình đào đất, đập đá, tạo nên cái cột đá cao và to để chống trời. Cột càng đắp cao, tấm trời lại càng thêm rộng mở. Chẳng bao lâu sau, thần Trụ trời đã đẩy vòm trời lên phía mây xanh, khoảng cách giữa đất trời được phân chia rõ ràng. Sau khi trụ trời xong, thần lại phá cột đá và dùng đất đá ném ra mọi nơi, tạo thành hòn núi, dải đồi cao,... Mượn các hình ảnh thiên nhiên, tác giả dân gian đã giải thích quá trình tạo lập thế giới một cách sáng tạo. Từ đây, chủ đề của truyện trở nên gần gũi và hấp dẫn với bạn đọc.

Chủ đề và nghệ thuật của tác phẩm văn học luôn song hành và bổ sung cho nhau. Truyện "Thần Trụ trời" cũng vậy, những sáng tạo hình thức nghệ thuật về cốt truyện, nhân vật đã đóng góp vào thành công trong việc làm nổi bật chủ đề truyện. Là truyện thần thoại, cốt truyện "Thần Trụ trời" được xây dựng hết sức đơn giản và gần gũi, xoay quanh việc thần Trụ trời làm công việc phân chia đất, trời và tạo nên những dạng địa hình tự nhiên khác nhau. Dựa vào trí tưởng tượng của con người cùng những yếu tố kì ảo, truyện đã giải thích quá trình tạo lập vũ trụ và thế giới tự nhiên. Qua đó, ta cũng thấy được khát khao tìm hiểu và khám phá của con người trong buổi đầu sơ khai. Đặc sắc nghệ thuật còn được thể hiện trong việc xây dựng nhân vật kết hợp sử dụng thủ pháp cường điệu, phóng đại kết hợp với các chi tiết hư cấu. Hình ảnh Thần Trụ trời có kích thước "khổng lồ" với những bước chân rộng lớn, sở hữu sức mạnh phi thường, đã giúp cho người đọc hình dung rõ ràng, sắc nét về một vị thần trong thần thoại.

"Thần Trụ trời" với những đặc sắc trong chủ đề và hình thức nghệ thuật đã mang đến cho bạn đọc câu chuyện thú vị lí giải về nguồn gốc các sự vật trong tự nhiên. Đồng thời truyện cũng phản ánh mong muốn, khát khao được tìm tòi, khám phá của con người trong buổi đầu sơ khai. Mong rằng tác phẩm sẽ mãi để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc yêu thích văn học dân gian của dân tộc.

CLICK NGAY nút TẢI VỀ dưới đây để tải bản Full của tài liệu nha!

Đánh giá bài viết
2.0
188 lượt đánh giá
Tham khảo thêm:
    Có thể bạn quan tâm
    CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
    Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
    Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
    Copyright © 2020 Tailieu.com