Logo

Sự tích và ý nghĩa của Tết Đoạn Ngọ mùng 5 tháng 5

Tết Đoạn Ngọ là một trong những nghi lễ truyền thống tồn tại từ ngàn năm của nhân dân ta, nó gắn liền với kinh nghiệm của nhân dân lao động về sự tuần hoàn của quy luật tự nhiên, thời tiết…
5.0
2 lượt đánh giá

Trong tuổi thơ mỗi chúng ta chắc hẳn cũng đã từng được bà, mẹ gọi dậy vào một buổi sáng tháng năm đẹp trời để “làm thủ tục giết sâu bọ” vào ngày Tết Đoan Ngọ rồi đúng không? Nhưng không phải ai cũng rõ về sự tích ra đời và ý nghĩa của ngày lễ đặc biệt này. Để làm rõ những thắc mắc đó, các bạn hãy cùng chúng tôi đi tìm hiểu tại bài viết dưới đây nhé!

Tết Đoan Ngọ là ngày gì?

Ca dao Việt Nam có câu:

"Tháng tư đong đậu nấu chè.

Ăn tết Đoan Ngọ trở về tháng năm."

Tết Đoan Ngọ hay còn được gọi là tết Đoan Dương, được tổ chức vào giờ Ngọ, ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch hằng năm. Đây là một ngày tết truyền thống tại một số quốc gia Đông Á như Việt Nam, Triều Tiên, Đài Loan, Nhật Bản và Trung Quốc. 

"Đoan" có nghĩa là mở đầu, "Ngọ" là khoảng thời gian từ 11 giờ sáng đến 1 giờ chiều, ăn tết Đoan Ngọ là ăn vào buổi trưa. Đoan Ngọ tức là lúc mặt trời bắt đầu ngắn nhất, ở gần trời đất nhất.

Ở Việt Nam, tết Đoan Ngọ còn được gọi với cái tên khá dân dã đó chính là "tết giết sâu bọ". Hiểu đơn giản, đây chính là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài sâu bệnh gây hại cho cây trồng. 

Trong một số ngôn ngữ khác, Tết Đoan Ngọ được dịch ra như sau:

  • Tết Đoan Ngọ tiếng Trung là: 端午節)
  • Tết Đoan Ngọ tiếng Anh là: Mid-year Festival – 5/5 (Lunar)

Mùng 5 tháng 5 la ngày mấy dương lịch 2022?

Tết Đoan Ngọ 2022 (5/5 âm lịch) rơi vào thứ Sáu ngày 3 tháng 6 (3/6/2022 dương lịch). Đây là Ngày: Đinh Hợi, Tháng: Bính Ngọ, Năm: Nhâm Dần, Giờ: Canh Tý, Tháng 5 (Đủ).

Sự tích và ý nghĩa của Tết Đoan Ngọ

Tết Đoạn ngọ là một ngày Lễ truyền thống được tổ chức ở một số quốc gia Đông Á như: Việt Nam, Triều Tiên, Đài Loan, Nhật Bản và Trung Quốc. Ở mỗi quốc gia, ngày lễ này lại mang một ý nghĩa và sự tích gắn liền khác nhau.

Tết Đoan Ngọ có nguồn gốc từ đâu?

Tết Đoan Ngọ nguồn gốc từ đâu? Tại Việt Nam vào một ngày sau vụ mùa, người nông dân tổ chức ăn mừng vì mùa màng bội thu, tuy nhiên năm đó, vào đầu tháng 5, sâu bọ lại kéo đến nhiều, ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch. Người dân đau đầu không biết phải làm thế nào để giải quyết vấn nạn sâu bọ, bỗng có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân. Ông chỉ cho dân chúng, mỗi nhà lập một đàn cúng gồm có trái cây, bánh tro, sau đó ra trước nhà mình vận động thể dục. Người dân làm theo và chỉ một lúc sau, lũ sâu bọ té ngã rũ rượi. Ông lão còn dặn thêm, hằng năm vào đúng ngày này, cứ làm theo những gì mà ông nói sẽ trị được lũ sâu bọ. Dân chúng biết ơn, định cảm tạ thì ông lão đã đi đâu mất. Để tưởng nhớ việc này, người dân gọi ngày này là ngày "giết sâu bọ" hay có người gọi là "tết Đoan Ngọ" vì giờ cúng thường là vào giờ Ngọ.

Thực tế, trong văn hóa Việt Nam, ngày 5 tháng 5 trong lịch âm hằng năm là ngày giỗ Quốc mẫu Âu Cơ. Từ lâu, trong dân gian đã lưu truyền câu ca dao:

"Tháng năm ngày tết Đoan Dương

Là ngày giỗ Mẹ Việt Thường Văn Lang."

Còn ở vùng đồng bằng Nam Bộ, ngày 5 tháng 5 còn được gọi là ngày "Vía Bà" trong tín ngưỡng thờ Linh Sơn Thánh mẫu trên núi Bà Đen.

Tại Đồng Tháp hay một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, ngày 5 tháng 5 âm lịch còn được gọi là ngày "nước quay", cứ theo lệ hằng năm, nước ở thượng nguồn đổ về đến nước ta, làm nước sông trở thành đỏ đục và có nhiều xoáy nước. Và năm nào cũng vậy, ngày 5 tháng 5 được coi là ngày bắt đầu của những mùa lũ hằng năm.

Chính vì vậy, ngày 5 tháng 5 Âm lịch hằng năm, người dân khắp mọi miền tại Việt Nam đều có thói quen sửa soạn lễ lạt và cúng tế.

Truyền thuyết Trung Quốc về Tết Đoan Ngọ

Vào cuối thời Chiến Quốc, có một vị đại thần nước Sở là Khuất Nguyên. Ông là một vị trung thần, đồng thời cũng là một nhà văn hóa nổi tiếng. Tương truyền, ông là tác giả của bài thơ "Ly Tao" nổi tiếng trong văn hóa cổ Trung Hoa, thể hiện tâm trạng đau buồn vì đất nước suy vong. Do can ngăn vua Hoài Vương không được, lại bị gian thần hãm hại, ông liền ôm một tảng đá rồi nhảy xuống sông Mịch La vào ngày 5 tháng 5. Dân chúng địa phương nghe tin, đều hò nhau chèo thuyền đến vớt xác ông nhưng không sao tìm thấy được, họ liền đổ gạo xuống sông, những mong cá không động chạm tới thân xác của ông.

Đến ngày 5 tháng 5 năm sau, người dân địa phương lại chèo thuyền ra giữa sông, mang theo gạo để tế Khuất Nguyên. Về sau, người ta đã dùng thuyền rồng thay thế cho thuyền con, dùng bánh tro thay thế gạo để tế lễ. Hoạt động tế lễ Khuất Nguyên này còn được giữ mãi về sau và được gọi là ngày tết Đoan Ngọ.

Tại Nhật Bản: Ngày này ban đầu được gọi là Tango no Sekku (端午の節句) từ thời Nara và được tổ chức vào ngày thứ năm của tháng năm tính theo âm lịch hay lịch Trung Quốc. Sau khi Nhật Bản chuyển đổi sang lịch Gregorian, ngày này cũng được dịch chuyển sang ngày mùng 5 tháng 5, và được coi là ngày lễ dành cho các bé trai với tên gọi Tết Thiếu nhi (こどもの日), là một ngày đại lễ của Nhật từ năm 1948.

Tại Hàn Quốc: Quốc gia này cũng coi ngày 5 tháng 5 âm lịch là ngày lễ theo truyền thống văn hóa của mình, gọi là Dano (단오) hay là Surit-nal (수릿날). Chưa rõ tục lệ và nguồn gốc liên quan đến ngày mùng 5 tháng 5 của người Hàn Quốc như thế nào, nhưng trong bài báo "Đừng đối đãi với di sản văn hóa như bánh mì" đăng trên báo Tuổi trẻ, trang 16, ngày 22 tháng 6 năm 2004, đã đưa tin:

Hàn Quốc đề nghị Liên Hợp Quốc công nhận Tết Đoan Ngọ vào ngày 5 tháng 5 là "di sản văn hóa phi vật thể" của Hàn Quốc.

Ý nghĩa ngày Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5

Đầu tháng 5 là thời điểm kết thúc vụ chiêm, bước vào vụ mùa. Đây là lúc để bà con nông dân làm lễ tạ ơn trời đất, tổ tiên và ăn mừng mùa vụ. Chính vì vậy, ngày này là ngày để nhân dân bày tỏ lòng thành và cầu mong cho một mùa màng bội thu sắp tới.

Hiện tại ở nhiều làng quê Việt Nam vẫn còn lưu giữ nếp xưa, rất coi trọng ngày tết này. Đây cũng chính là dịp để gia đình sum họp, con cháu dù làm ăn ở xa vẫn cố gắng thu xếp để về bên gia đình. Vào thời điểm này, trái cây, hoa lá cũng bắt đầu đơm hoa kết trái, vì thế, hoa quả là thứ đồ cũng không thể nào thiếu trong những mâm lễ cúng của người dân.

Tết Đoan Ngọ nên ăn món gì cho may mắn?

Đoan Ngọ là lúc mặt trời bắt đầu ngắn nhất và gần trái đất nhất trùng với ngày hạ chí. Theo triết lý y học Đông phương thì hỏa khí (thuộc dương) của trời đất và trong cơ thể con người vào Tết Đoan Dương đều lên đến tột cùng. Vào ngày này dân ta ưa chuộng những món ngon mang tính mát để giải bớt tính hỏa trong cơ thể.

Rượu nếp, nếp cẩm

Đây là thứ không thể thiếu vào ngày tết Đoan Ngọ. Theo quan niệm của nhiều người, bộ phận tiêu hóa của con người thường có các loại ký sinh gây hại, chúng thường nằm sâu trong bụng nên không phải lúc nào cũng tiêu diệt được. Chỉ vào ngày 5 tháng 5 âm lịch, các loại ký sinh này thường ngoi lên, chúng ta mới có thể tận dụng để loại bỏ chúng bằng cách ăn những thức ăn có vị chua, cay, chát, trong đó nổi bật nhất là rượu nếp hay nếp cẩm. Đặc biệt, nếu thưởng thức món rượu này vào buổi sáng, ngay khi thức dậy thì càng hiệu nghiệm.

Bánh tro

Bánh tro là loại bánh có màu vàng đậm, được làm từ gạo nếp ngâm cùng với nước tro của các loại cây khô, sau đó gói trong lá chuối rồi đem luộc.

Hoa quả

Với mong muốn "tiêu diệt sâu bệnh" bên trong cơ thể, người ta thường lựa chọn các loại quả có vị chua như mận, xoài xanh... và ăn chúng vào buổi sáng ngay sau khi thức dậy. 

Tết Đoan Ngọ ăn thịt vịt

Thịt vịt là món ăn không thể thiếu của người miền Trung trong ngày tết Đoan Ngọ. Nhiều người cho rằng, vào những ngày tháng 5 oi nóng thì ăn thịt vịt sẽ giúp cho cơ thể mát mẻ hơn.

Chè trôi nước

Đây là món ăn không thể thiếu vào ngày tết Đoan Ngọ của người miền Nam. Những viên chè làm từ bột nếp, bên trong có nhân đậu xanh, ăn kèm với nước cốt dừa có vị man mát, thơm ngon.

Chè kê

Đây là món ăn đặc trưng của người Huế mỗi dịp tết Đoan Ngọ. Sau khi xay hạt kê và loại bỏ lớp vỏ, người ta ngâm rồi đun sôi cho đến khi nở mềm, sền sệt rồi thêm nước đường cùng chút gừng là đã được một nồi chè kê thơm phức, vô cùng hấp dẫn rồi.

Tết Đoan Ngọ người Trung Quốc ăn gì? Ở Trung Quốc, người ta thường ăn bánh ú hay uống rượu Hùng Hoàng vào ngày này.

Ngày giết sâu bọ nên làm gì​​​​​​​?

Để cầu mong mọi điều thuận muồm xuôi gió, chúng ta cần thực hiện một số việc để tăng thêm phúc khí của bản thân cũng như gia đình, tiêu biểu một số việc như sau:

1. Treo cành xương rồng trên cửa

Đoan Ngọ là thời gian dương khí vượng nhất, muốn cho nhà mình đón được nhiều vượng khí nhất thì bạn có thể treo một nắm cây ngải cứu hoặc một cành xương rồng trên cửa, 2 loại cây này sẽ có tác dụng trừ tà, loại bỏ mọi tà khí. Còn biện pháp tối ưu nhất là bạn sửa sang, quét dọn nhà cửa sạch sẽ một chút.

2. Mang theo một nắm hương (nhang) bên mình

Mang theo một chút hương trầm theo người trong ngày Tết Đoan Dương. Những nguyên liệu để làm ra hương sẽ là vật hộ thân an toàn, vừa có tác dụng phòng bệnh, vừa có tác dụng trừ tà.

3. Tắm bằng thảo mộc

Trong ngày Tết Đoan Ngọ bạn cũng có thể sử dụng nhưng cây cỏ thiên nhiên nấu lên làm nước tắm vừa để xua đi tà khí vừa làm cho cơ thể khỏe mạnh hơn, tinh thần sảng khoái. Các loại cây có thể dùng để đun nước tắm như cỏ mần trầu, bông mã đề, lá mùi già, hương nhu… 

4. Phóng sinh

Đoan Ngọ cũng là thời điểm thích hợp để bạn làm việc thiện như phóng sinh. Điều này có thể là vì chính bản thân mình hoặc cho người nhà, tu nhân tích đức, quảng kết thiện duyên, phóng sinh là phương pháp loại bỏ ưu buồn, đau khổ hiệu quả nhất.

5. Quét dọn phòng vệ sinh

Phòng vệ sinh cần quét dọn sạch sẽ. Phòng vệ sinh mà dơ bẩn thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, như vậy cần quét dọn sạch sẽ, chẳng những làm cho cơ thể khỏe mạnh hơn mà còn có thể đánh bay vận xui.

6. Không đến những nơi có nhiều âm khí

Trong ngày Tết Đoan Ngọ, tốt nhất là bạn không nên tới những nơi có nhiều âm khí như bệnh viện, nghĩa trang, ao hồ, nơi tối tăm, vắng vẻ để tránh bị âm khí làm ảnh hưởng tới sức khỏe và tinh thần.

Những tục lệ ngày Tết Đoan Ngọ

Một số tục lệ, nghi lễ vào ngày lễ này được người dân Việt học hỏi bên Trung Hoa hoặc bắt nguồn từ chính là tục lệ riêng của nước ta:

Tục giết sâu bọ,

Tục nhuộm móng chân móng tay,

Tục đeo bùa tui bùa túi,

Tục tắm nước lá mùi,

Tục khảo cây lấy quả,

Tục hái thuốc vào giờ Ngọ,

Tục treo ngãi cứu để trừ tà,

Tục đi siêu.

Tuy nhiên, phần lớn các tục lệ này nay đã được bãi bỏ, chỉ còn giữ lại tục tắm nước lá và tục đi hái lá thuốc.

Hình ảnh đẹp về ngày Tết giết sâu bọ

Bộ sưu tập những hình ảnh làm nổi bật nét đặc trưng trong văn hóa của người Việt trong ngày Tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch) như về ẩm thực, phong tục truyền thống được chúng tôi sưu tầm dưới đây, mời các bạn cùng chiễm ngưỡng.

Tết Đoan Ngọ có được nghỉ không?

Theo quy định của Bộ luật Lao động 2019, Tết Đoan Ngọ không phải là một trong những ngày nghỉ lễ trong năm được hưởng nguyên lương

=> Tết Đoan Ngọ người lao động không được nghỉ hưởng nguyên lương

Trên đây là tư liệu giúp bạn hiểu thêm về những sự tích, ý nghĩa và những phong tục truyền thống trong dịp Tết Đoan Ngọ ở một số quốc gia Đông Á.

Tết Đoan Ngọ là một dịp đặc biệt, các thành viên trong gia đình đoàn tụ, cùng nhau sửa sang, dọn dẹp nhà cửa, ăn những món ăn truyền thống để gắn kết thêm yêu thương, gắn bó.

Đánh giá bài viết
5.0
2 lượt đánh giá
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
Copyright © 2020 Tailieu.com