Logo

Top 5 mẫu Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân

Top 5 bài văn hay Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân - Bác Hồ muốn khuyên dạy chúng ta điều gì qua hai dòng thơ ấy lớp 7 tuyển chọn ý nghĩa nhất là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích giúp các em nâng cao khả năng viết văn để đạt điểm cao trong các bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 7
5.0
1 lượt đánh giá

Để viết các bài tập làm văn lớp 7 tốt hơn các em cần phải luyện tập chăm chỉ cũng như tham khảo thêm ở các bài văn mẫu mà chúng tôi sưu tầm và giới thiệu trong bài viết này.

Đề bài:

Mùa xuân là Tết trồng cây,

Làm cho đất nước càng ngày càng xuân.

Bác Hồ muốn khuyên dạy chúng ta điều gì qua hai dòng thơ ấy? Vì sao công việc trồng cây trong mùa xuân của đất trời lại có thể góp phần làm nên mùa xuân cho đất nước?

Dưới đây là môt số bài văn mẫu cảm nhận lời dạy của Bác qua hai câu thơ Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân lớp 7 ngắn gọn, có ý nghĩa nhất được chia sẻ miễn phí, hỗ trợ các em ôn luyện hiệu quả.

Bài văn mẫu Mùa xuân là Tết trồng cây làm cho đất nước càng ngày càng xuân số 1

Mỗi năm khi Tết đến xuân về, người dân nước ta lại hồ hởi tham gia vào tết trồng cây do nhà nước phát động. Đó là hoạt động thường niên suốt bao lâu nay, mà khởi điểm là từ lời khuyên dạy của Bác Hồ qua hai câu thơ:

Mùa xuân là Tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân.

Trong hai câu thơ đã xuất hiện cùng lúc hai từ “xuân” nhưng nó lại mang nghĩa khác nhau. Từ xuân ở câu thơ thứ nhất chỉ mùa xuân của đất trời - khi cây cối đâm chồi nảy lộc. Còn từ xuân ở câu thơ thứ hai đã được hoán dụ, chỉ sự phát triển tươi tốt, tươi đẹp, tràn đầy sức sống. Qua hai câu thơ ấy, Bác Hồ đã khẳng định tầm quan trọng của việc trồng cây - hành động giúp cho đất nước thêm tươi trẻ, phát triển, như là đang bước tới mùa xuân của chính mình vậy.

Vào những năm ấy, đất nước ta vừa bước qua hai cuộc chiến tranh lớn với nhiều đau thương, mất mát. Cuộc sống dần trở về quỹ đạo. Cũng là lúc ấy, diện tích rừng cây của nước ta giảm mạnh. Những đất trống đồi trọc tràn lan như nấm sau mưa. Nó đã dẫn đến những hậu quả khôn lường. Bởi rừng cây có vai trò vô cùng to lớn và quan trọng. Chính rừng cây giúp thanh lọc không khí, cung cấp oxi - đảm bảo một bầu không trong lành. Rừng cây giúp hạn chế phần nào tác động của thiên tai như sạt lở đất, lũ lụt. Rừng cây cung cấp nguồn tài nguyên lớn, hỗ trợ sinh hoạt, sản xuất. Rừng cây còn là nơi để nghỉ dưỡng, tham quan, du lịch. Và còn nhiều hơn thế nữa. Chính vì thế, Bác nhận định được tầm quan trọng của trồng cây. Đồng thời khẳng định rằng, nếu chúng ta tích cực trồng nhiều cây, thì hành động ấy sẽ giúp cho đất nước thêm sức sống, phát triển. Từ đó, chiến dịch Tết trồng cây được Bác phát động.

Cho đến nay, việc trồng cây gây rừng vẫn luôn được chú trọng và phát huy không ngừng. Vâng theo lời Bác, người dân hăng hái tham gia trồng cây, không kể xuân hè. Các hoạt động chăm sóc, bảo vệ cây cối cũng được quan tâm hơn. Những buổi, những sách báo mang tính tuyên truyền về ích lợi, giá trị của việc trồng cây cũng được xuất hiện khắp nơi. Cùng với đó, việc khai thác nguồn tài nguyên này cũng được chú trọng. Việc khai thác cây rừng được quy hoạch rõ ràng, theo lộ trình thích hợp. Không khai thác bừa bãi, phung phí, chặt một thì trồng mười. Nhờ đó, lượng đất trọc được phủ xanh ngày càng tăng.

Tuy nhiên, không phải ai cũng thực sự thấm nhuần được lời dạy của Bác. Vẫn có một bộ phận người dân chưa ý thức được tầm quan trọng của cây cối. Họ điềm nhiên, phớt lờ những hoạt động trồng, bảo vệ rừng cây. Đó là những người dân chặt phá rừng già để làm nương rẫy. Là những kẻ buôn lậu, can tâm chặt những cây cả trăm năm tuổi để lấy gỗ bán. Những cá nhân, tập thể này cần phải sớm thay đổi suy nghĩ của bản thân, để cùng đất nước thực hiện lời khuyên của Bác, đưa tổ quốc đi đến mùa xuân.

Là một học sinh, em đã được học và noi theo tấm gương của Bác. Hiểu được tầm quan trọng của việc trồng cây, em luôn nỗ lực để làm theo lời dạy của Bác. Tuy không làm được những việc có tầm ảnh hưởng lớn, nhưng em vẫn nỗ lực hết mình. Em tham gia trồng và chăm sóc cây ở trường. Em phụ bố mẹ tưới nước, nhổ cỏ cho cây ở trong vườn. Em tham gia tuyên truyền cho các bạn, bố mẹ và người thân về tầm quan trọng của rừng, cam kết không sử dụng sản phẩm từ gỗ quý, buôn lậu…

Tuy thời gian đã trôi qua từ lâu rồi, đất nước ta nay đã thay da đổi thịt, nhưng lời dạy của Bác năm ấy đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị. Nó vẫn luôn là kim chỉ nam cho toàn thể nhân dân trong công cuộc xây dựng tổ quốc.

"Mùa xuân là Tết trồng cây, Làm cho đất nước càng ngày càng xuân"

Mẫu bài văn Mùa xuân là Tết trồng cây làm cho đất nước càng ngày càng xuân số 2

Bác Hồ không chỉ là một nhà cách mạng tài ba, một thi sĩ tài năng mà còn là một người cha gần gũi với nhân dân. Bác luôn quan tâm đến mọi mặt đời sống của mọi người, lo lắng cho nhân dân từng li từng tí. Sinh thời, Bác đã đưa ra những lời khuyên rất mực quý báu cho mọi người, những lời khuyên đó còn mang nhiều giá trị đến hôm nay. " Mùa xuân là tết trồng cây. Làm cho đất nước càng ngày càng xuân" là một lời khuyên như thế.

Bác đã chỉ dạy cho chúng ta về lợi ích của việc trồng cây. Mùa xuân là mùa của sức sống mới, mùa mà cây cối được hưởng thụ tiết trời ấm áp với những cơn mưa xuân nhè nhẹ, nhờ đó mà cây dễ dàng phát triển hơn. Nếu mùa hè là những ngày nắng nóng khô hạn, mùa thu lại dễ mưa lũ kéo dài, mùa đông cây cành trơ trọi thì mùa xuân là mùa để cây cối ươm mầm sự sống. Vạn vật đua nhau khoác lên mình vẻ kiêu kì và diễm lệ đua cùng sức sống mùa xuân. Bởi vậy, Bác khuyên ta mùa xuân là thời điểm thuận lợi nhất để trồng cây, hãy xem trồng cây như chuẩn bị Tết vậy, phấn khởi và cùng nhau tình nguyện trồng và chăm sóc cây. Trồng cây trong không khí náo nức, tưng bừng để tạo nên những mầm xanh tươi đẹp. Hãy xem trồng cây như là một phong trào, một lễ hội đầy tươi đẹp của mùa xuân. "Làm cho đất nước càng ngày càng xuân" . Tết trồng cây không chỉ mang lại lượng cây xanh lớn mà còn làm đẹp cho đất nước, làm đẹp cho đời, xuân ở đây là sức sống trường tồn, là sự đẹp đẽ vĩnh cửu của đất nước. Tết trồng cây sẽ mang lại cho đất nước sự tươi mới, tràn trề nhựa sống, là tương lai, là hy vọng vào sự phát triển, đi lên, vươn tới biển lớn năm châu.

Thực tế đã chứng minh, cây xanh mang đến cho chúng ta những lợi ích to lớn. Đó là những con đường ngập tràn màu xanh, những cánh rừng trù phú và giàu có, những khu bảo tồn thiên nhiên giàu đẹp, cây cỏ tươi xanh tạo nên nét đẹp hài hoà, gần gũi tự nhiên. Cây xanh giúp điều hoà khí hậu, tạo nên bầu không khí trong lành, dễ chịu; là lá phổi quan trọng, hút khí cacbonic và thải ra khí oxi duy trì sự sống cho vạn vật. Cây xanh cung cấp cho con người nguồn hoa quả, thực phẩm quý giá, làm đẹp cho đời bởi hương sắc của muôn hoa. Cây xanh còn chống xói mòn đất hiệu quả, ngăn cản những dòng nước chảy xiết của thiên tai, thời tiết. Nếu sự sống không có cây xanh thì không thể tồn tại mãi mãi. Không có cây xanh, con người làm sao có thể sống trong một môi trường trong lành và khỏe mạnh?

Vì thế, lời dạy của Bác như một kim chỉ nam cho hành động của con người qua bao thế hệ. Mùa xuân nào, nhân dân, đất nước cũng tổ chức trồng cây, ra quân sau đợt Tết. Cây xanh được trồng khắp các đường phố, khắp các trường học và các trung tâm. Từ cán bộ công chức, đến học sinh, các em nhỏ cũng chung tay nhau trồng và chăm sóc cây. Đây là một việc làm thường lệ của các cơ quan tổ chức. Nhà nước cũng chủ trương giao đất cho nhân dân trồng cây để phủ xanh đất trống đồi trọc. Nhiều biện pháp ngăn chặn chặt phá rừng làm nương rẫy được đề ra đạt hiệu quả cao. Nhiều rừng cây, khu bảo tồn được xây dựng. Nhiều công viên xanh, khu đô thị xanh ra đời. Tất cả tạo đều nhằm mục đích tạo cho bộ mặt đất nước giàu đẹp và tươi xanh. Nhiều cuộc vận động xanh được mở ra. Bên cạnh đó, vẫn còn một số người vì lợi ích kinh tế mà sẵn sàng hạ đốn những cây sống lâu năm. Đó là hành động rất tàn nhẫn. Nạn chặt phá rừng làm nương rẫy cũng xảy ra nhiều. Điều đó không chỉ ảnh hưởng, gây ô nhiễm môi trường mà còn dẫn đến nhiều sinh vật bị mất đi môi trường sống dẫn đến suy giảm sự đa dạng sinh học.

Vì vậy, vâng theo lời Bác dạy, chúng em, những thế hệ trẻ cháu ngoan Bác Hồ luôn cố gắng học tập và lao động, trồng cây xanh, chăm sóc vườn trường; siêng năng tưới cây, nhổ cỏ, trồng thêm hoa và cây xanh cho vườn trường xinh đẹp, nơi đường làng ngõ xóm. Chúng ta hãy cùng chung tay vì một hành tinh xanh.

Văn mẫu Mùa xuân là Tết trồng cây làm cho đất nước càng ngày càng xuân số 3

Theo quy luật thiên nhiên, một năm có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Mùa xuân mở đầu cho năm mới với bao điều tốt lành. Thời tiết ấm áp khiến cây cối đâm chồi nảy lộc xanh tươi, muôn hoa khoe sắc, tỏa hương. Đâu đâu cũng ríu rít tiếng chim, tạo nên một khung cảnh đẹp đẽ tràn đầy sức sống. Vì thế, mùa xuân được coi là mùa sinh sôi phát triển nhất trong năm.

Sinh thời, Bác Hồ phát động nhân dân hăng hái tham gia phong trào Tết trồng cây. Năm 1960, Bác viết hai câu thơ:

Mùa xuân là Tết trồng cây,
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân.

Bác khuyên khi mùa xuân tới, mỗi người nên trồng một cây xanh để góp phần làm cho quê hương, đất nước ngày càng tươi đẹp. Từ đó, Tết trồng cây đã trở thành một phong tục mới của dân tộc ta trong những ngày xuân.

Bác nói: Mùa xuân là Tết trồng cây không có nghĩa là mọi người chỉ trồng cây trong mấy ngày Tết mà trông cây suốt cả mùa xuân. Bác gọi phong trào trồng cây là Tết trồng cây với hàm ý so sánh không khí náo nức tưng bừng của nó chẳng khác chi ngày Tết... (Vui như Tết). Bác đem lại cho phong trào không khí vui tươi của lễ hội mùa xuân.

Ở câu thơ thứ hai, Bác Hồ nêu rõ mục đích của Tết trồng cây là Làm cho đất nước càng ngày càng xuân. Từ xuân ở câu thơ này không giống như từ xuân ở câu thơ đầu. Nó không còn là tên của một mùa trong năm (danh từ) mà đã chuyển thành tính từ chỉ sự tươi trẻ và sức sống tràn đầy của đất nước đang trên đường phát triển.

Nhắc đến mùa xuân, người ta thường nghĩ tới màu xanh mơn mởn của cỏ cây, hoa lá. Màu xanh ấy mang đến vẻ đẹp tươi mát, trù phú cho đường phố, làng quê. Nếu nơi nào cũng có cây xanh thì đất nước sẽ được bao phủ trong một màu xanh bất tận.

Xét về tác dụng của cây xanh đối với môi trường thì có thể ví cây xanh là lá phổi thiên nhiên kì diệu làm nhiệm vụ hút lọc khí thải, cung cấp khí oxi để duy trì sự sống cho muôn loài, làm trong sạch môi trường quanh ta.

Khí hậu Việt Nam cũng có lúc thất thường. Vào mùa mưa lũ nếu không có những cánh rừng như những bức tường thành vững chắc ngăn gió bão, lụt lội thì biết bao nhà cửa, ruộng vườn sẽ bị cuốn trôi, bao thành quả lao động bị phá hủy... Lũ lụt sẽ gây ra những thảm họa ghê gớm khôn lường.

Không có cây xanh, chúng ta khó có thể tồn tại một cách bình yên. Đất nước xanh tươi, con người khỏe mạnh... là cơ sở vững chắc để chúng ta học tập, lao động và sáng tạo. Trong thời đại ngày nay, bảo vệ môi trường sống là vấn đề cấp thiết được nhân loại đặt lên hàng đầu. Hơn bốn chục năm trước, Bác Hồ đã quan tâm đến điều này bằng việc hô hào toàn dân tham gia Tết trồng cây. Bác quả là vị lãnh tụ cách mạng sáng suốt, có tầm nhìn xa trông rộng.

Mùa xuân này cũng như bao mùa xuân trước, ở khắp mọi miền đất nước, nhân dân ta nô nức tham gia phong trào Tết trồng cây. Mấy năm trở lại đây, nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng cho dân đã động viên mọi người nỗ lực chăm sóc, bảo vệ rừng và trồng thêm cây mới, phủ xanh đất trống đồi trọc. Ở các vùng ven thành phố, phong trào lập trang trại trồng hoa, trồng rau, trồng cây ăn quả ngày càng phát triển. Cây xanh ở thủ đô Hà Nội, ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác luôn được chăm sóc chu đáo bởi bàn tay của các cô chú công nhân và ý thức bảo vệ của người dân.

Việc gìn giữ khu vườn nguyên sinh, rừng đầu nguồn và đưa ra các biện pháp để ngăn chặn việc chặt phá cây rừng bừa bãi đã trở thành mối quan tâm rất lớn của Đảng và Chính phủ.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, nhân dân ta đã trồng được thêm nhiều rừng cây mới ở miền núi, trung du; tạo ra nhiều công viên xanh trong lòng đô thị. Nếu mỗi người tự giác đóng góp một phần nhỏ công sức của mình vào việc phủ xanh đất nước thì chúng ta sẽ được sống trong môi trường xanh-sạch-đẹp. Năm nào trường em cũng tổ chức Tết trồng cây xanh nên cây xanh tỏa bóng mát khắp sân trường. Dưới bóng cây râm mát, chúng em thỏa thích vui chơi. Những mệt mỏi và căng thẳng trong giờ học hầu như tan biến hết, tâm hồn trẻ thơ lại lâng lâng, thanh thản.

Hiện nay, điều đáng buồn là vẫn còn có một số người đi ngược lại lợi ích chung. Họ chỉ biết cái lợi của cá nhân mà không cần biết đến cái thiệt hại của cộng đồng cho nên môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng vì khí thải công nghiệp, vì rừng phòng hộ bị chặt phá và đốt cháy quá nhiều. Vì thế lời Bác Hồ dạy hơn bốn mươi năm trước giờ đây lại càng tỏ rõ ý nghĩa thiết thực và quý báu.

Mẫu viết TLV Mùa xuân là Tết trồng cây làm cho đất nước càng ngày càng xuân số 4

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm và gần gũi với thiên nhiên. Khi đất nước hoà bình, Người kêu gọi: “Người người trồng cây, nhà nhà trồng cây” để bảo vệ môi trường sinh thái cho chính cuộc sống của con người. Người đã xây dựng phong trào Tết trồng cây và phong trào ấy ngày càng được nhân rộng.

Đầu năm 1960, Người đã phát động Tết trồng cây trong toàn dân với lời dạy: “Việc này ít tốn kém mà lợi ích nhiều”. Bác nói: “Trong 10 năm nữa phong cảnh nước ta sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu sẽ hiền hòa hơn, cây gỗ sẽ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”. Ngày 5/01/1961 (ngày 9 tháng Chạp năm Canh Tý), Bác Hồ về thăm Hợp tác xã Lạc Trung của tỉnh Vĩnh Phúc – nơi có phong trào trồng cây hai bên đường và trên các bãi đất trống, Bác ôm ghì 2 đồng chí lãnh đạo của xã thật chặt và hỏi: “Các chú có thấy khó chịu không?”. Rồi Bác ôn tồn bảo: “Cây cũng như người, nó phải có khoảng cách để sống và phát triển, các chú cần hướng dẫn nhân dân trồng cây theo kỹ thuật, trồng cây nào tốt cây đó”.

Trong những năm chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ ở miền Bắc, Bác Hồ vẫn kêu gọi nhân dân trồng cây, giữ lấy màu xanh của đất nước. Bác viết: “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Bác thường xuyên theo dõi, động viên, cổ vũ phong trào Tết trồng cây. Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về, Bác vừa viết báo nhắc nhở nhân dân thực hiện Tết trồng cây, vừa đi thăm và tham gia trồng cây cùng với nhân dân. Trong bài viết cuối cùng của mình về Tết trồng cây ngày 5/2/1969, Bác nhắc tới “ích lợi to lớn cho kinh tế quốc phòng” của việc trồng cây gây rừng, “đồng bào các địa phương phải biến đổi trọc thành vườn cây”. Tự tay Bác đã trồng nhiều cây đa mà nhân dân ta thường gọi bằng cái tên trìu mến “Cây đa Bác Hồ”. Trong khu nhà đơn sơ của mình, Bác đã tạo ra một môi trường thiên nhiên tuyệt đẹp, Bác trồng cây trong vườn, chăm cây như chăm người. Bác thả cá dưới hồ và không cho phép ai được câu, xua đuổi và săn bắt chim trong vườn. Bác nói: “Chim là của quý của thiên nhiên ta phải bảo vệ chúng”.

Trong những lần thăm nước bạn hoặc tiếp đón các vị nguyên thủ quốc gia đến thăm Việt Nam, Bác đều tổ chức trồng cây lưu niệm. Người đã trồng cây đại ở ấn Độ, trồng cây sồi ở Nga và còn gọi đó là “những cây hữu nghị”. Cây lớn lên theo thời gian, không chỉ thể hiện của tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và bạn bè thế giới mà còn thể hiện ý thức bảo vệ môi trường.

Ngay cả đến giờ phút Bác sắp đi xa, trong Di chúc Bác cũng không quên nhắc nhở nhân dân ta ta phải tiếp tục trồng cây gây rừng: “Nếu có kế hoạch trồng cây trên đồi, ai đến thăm thì trồng 1 cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho công nghiệp”.

Từ lời dạy, việc làm của Bác Hồ, chúng ta nhận thấy rằng, con người sống không thể tách rời khỏi thiên nhiên, không thể thiếu trời mây, cây cỏ, phải biết giá trị to lớn mà thiên nhiên ban tặng. Người kêu gọi nhân dân ta phải bảo vệ rừng như bảo vệ ngôi nhà của chính mình vậy.

Ngày nay, khi “ngôi nhà chung” của chúng ta vang lên tiếng kêu cứu, khi con người nhận thức được đầy đủ ý nghĩa của việc trồng và bảo vệ rừng có thể chống nguy cơ thay đổi khí hậu thì lời dạy của Người càng có ý nghĩa biết bao.

Ngoài ra: Một vấn đề được Bác Hồ quan tâm đặc biệt là sự nghiệp trồng cây, trồng người: "Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người". Riêng về việc trồng cây, vào khoảng giữa năm 1959, Bác viết bài thơ kêu gọi nông dân trồng cây.

"Muốn làm nhà cửa tốt
Phải ra sức trồng cây
Chúng ta chuẩn bị từ nay
Dăm năm sau sẽ bắt tay dựng nha"

Sau đó, nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng và đón Tết âm lịch, Bác Hồ chính thức phát động phong trào Tết trồng cây trong cả nước. Phong trào diễn ra trong vòng 1 tháng từ 6/1 đến 6/2/1960.

"Mùa xuân là Tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân"

Kể từ khi phát động phong trào cho đến khi Bác qua đời, mỗi năm cứ khi tết đến, xuân về Bác đều tự mình trồng cây trong Phủ chủ tịch để làm gương. Trực tiếp kêu gọi, theo dõi, nhắc nhở, động viên, vận động phong trào. Và không biết tự khi nào, Tết trồng cây đã trở thành một nếp sống đẹp, một truyền thống gắn bó không thể thiếu trong mỗi người dân khi xuân về.

Xã hội hiện đại là xã hội điện tử, tin học và công nghệ. Nhưng phía sau nó, xã hội hiện đại lại thải ra một lượng chất thải khổng lồ dẫn đến ô nhiễm môi trường, nguồn nước, thức ăn... ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe con người, thẻ việc trồng cây là một việc làm hết sức cần thiết và cấp bách. Mỗi nhà, mỗi khu phố, mỗi ban ngành... đều phải có trách nhiệm trồng cây xanh ở khu vực mình hay ở, những nơi công cộng để bảo vệ môi trường. Đúng như những điều Bác đã dạy trong lời phát động Tết trồng cây khi xưa: "Miền Bắc có độ 14 triệu người, trong số đó độ 3 triệu trẻ em thơ ấu, 1 triệu người từ 8 tuổi trở lên đều có thể trồng cây... Như vậy, mỗi tết trồng được độ 15 triệu cây" thế chẳng mấy chốc đất nước ta sẽ phủ xanh.

Văn mẫu Mùa xuân là Tết trồng cây làm cho đất nước càng ngày càng xuân số 5

Mỗi dịp Tết đến xuân về, khắp đất nước ta lại nô nức với phong trào “Tết trồng cây” đầy sôi nổi. Trong không khí say mê, sôi nổi ấy, ta chợt nhớ đến lời thơ của Bác:

Mùa xuân là Tết trồng cây,
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân.

Hoạt động trồng cây ngày Tết đầy ý nghĩa cũng bắt nguồn từ lời căn dặn ấy của Người. Bác Hồ muốn khuyên dạy chúng ta điều gì qua hai dòng thơ này? Và vì sao việc trồng cây trong mùa xuân của đất trời lại có thể góp phần làm nên mùa xuân của đất nước?

Trong bốn mùa của đất nước, mùa xuân có khí hậu ấm áp, ôn hòa, có mưa xuân lất phất khiến đất đai tươi tốt, cây cối đâm chồi, nảy lộc xanh tươi. Do đó, mùa xuân là mùa thích hợp cho cây trồng phát triển. Trong lời dặn của mình, Bác viết “Mùa xuân là Tết trồng cây” còn mang ý nhắc nhở rằng việc trồng cây không phải việc ngày một, ngày hai mà đó là công việc lâu dài: cả mùa xuân là một dịp Tết, Tết trồng cây. Trong đời sống tinh thần của người Việt, nhắc đến “Tết” là nhắc đến niềm vui, nhắc đến công việc chung của toàn cộng đồng. Gọi là “Tết trồng cây” để khẳng định rằng công việc trồng cây mang lại lợi ích cho dân tộc, chẳng những thế, viết như vậy còn hàm ý nhắc nhở nhân dân phải xã hội hóa hoạt động đầy ý nghĩa này. Bên cạnh đó, mùa xuân bắt đầu một năm mới, trồng cây xanh để cổ vũ tinh thần làm việc của mỗi người, sức khỏe của con người, công việc của con người cũng sẽ dồi dào, phát triển như sức sống của cây mới đầu năm.

Vậy tại sao việc trồng cây lại giúp cho đất nước “càng ngày càng xuân”? Bản thân Bác Hồ là người yêu thiên nhiên, Người nhận thức rõ vai trò của thiên nhiên nói chung và cây xanh nói riêng đối với đời sống. Trồng thêm cây xanh chúng ta cũng góp phần khôi phục lại màu xanh của cây cối sau những vụ tàn phá rừng bừa bãi. Điều đó khiến cho khí hậu được trong lành, giảm thiểu tác hại của khí thải công nghiệp, của khí các-bô-níc mà đời sống tạo ra. Cây xanh cũng làm cho thiên nhiên tươi mát, cảnh quan đẹp đẽ. Đi giữa những hàng cây khiến tâm hồn ta thanh thản, khoáng đạt biết bao. Cây xanh góp phần làm giảm thảm họa xói mòn, rửa trôi đất nông nghiệp. Cây xanh cho con người những nguồn dược liệu quý giá. Cây xanh còn cung cấp cho chúng ta một nguồn tài nguyên phong phú để phát triển ngành công nghiệp gỗ, sản xuất ra những đồ vật hữu dụng trong gia đình,…

Như vậy, nếu phong trào “Tết trồng cây” phát triển mạnh mẽ thì hẳn đất nước ta sẽ trời xuân xuân cả bốn mùa…

Qua hai câu thơ trên, Bác Hồ chẳng những khẳng định vai trò của cây xanh mà còn còn khuyên nhủ nhân dân trồng nhiều cây xanh. Bác đã phát động Tết trồng cây động viên nhân dân trồng cây vào mỗi dịp Tết đến xuân về. Và cho đến hôm nay, truyền thông đẹp đẽ đó của dân tộc ta vẫn được duy trì.

Là những người học sinh, chúng em luôn ghi nhớ hai câu thơ cùng lời khuyên nhủ của Bác Hồ. Chúng em sẽ trồng và bảo vệ cây xanh. Cùng với việc phấn đấu học tập, rèn luyện tốt, đó sẽ là việc để chúng em góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Mùa xuân là Tết trồng cây, Làm cho đất nước càng ngày càng xuân", các bạn học sinh cũng đã và đang tích cực trồng cây trồng cây vào những ngày đầu năm mới. Thông qua 5 bài văn mẫu với đề bài: Bác Hồ muốn khuyên dạy chúng ta điều gì qua hai dòng thơ này, các bạn học sinh cũng có thể hiểu rõ hơn về ý nghĩa và những điều răn dạy của Bác Hồ. Hi vọng tài liệu sẽ giúp các em học sinh biết cách làm văn cũng như đạt kết quả tốt nhất trong các bài thi, bài kiểm tra định kỳ môn Văn của mình.

CLICK NGAY nút TẢI VỀ dưới đây để tải Bài văn mẫu Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân file word, pdf hoàn toàn miễn phí

Đánh giá bài viết
5.0
1 lượt đánh giá
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
Copyright © 2020 Tailieu.com
DMCA.com Protection Status