Logo

Bài văn hay Biểu cảm về loài cây em yêu ngắn lớp 7

Bài văn hay Biểu cảm về loài cây em yêu ngắn lớp 7 tuyển chọn ý nghĩa nhất là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích giúp các em nâng cao khả năng viết văn để đạt điểm cao trong các bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 7
3.0
5 lượt đánh giá

 Để viết các bài tập làm văn lớp 7 tốt hơn các em cần phải luyện tập chăm chỉ cũng như tham khảo thêm ở các bài văn mẫu mà chúng tôi sưu tầm và giới thiệu trong bài viết này.

Dưới đây là môt số bài văn mẫu Biểu cảm về loài cây em yêu lớp 7 ngắn gọn, có ý nghĩa nhất sẽ giúp các em học hỏi và trau dồi vốn từ ngữ hay hơn để áp dụng vào bài làm của mình.

Biểu cảm về loài cây em yêu ngắn: Cây dừa

Bài văn mẫu Cảm nghĩ về cây dừa ngắn gọn số 1

Cảm nghĩ về cây dừa ngắn gọn

Cây dừa xanh toả nhiều tàu
Dang tay đón gió, gật đầu gọi trăng
Thân dừa bạc phếch tháng năm
Quả dừa – đàn lợn con nằm trên cao…

Đó là những câu thơ vô cùng ngộ nghĩnh, đáng yêu mà nhà thơ Trần Đăng Khoa viết về loài cây em yêu thích nhất: cây dừa.

Những cây dừa thường rất cao lớn, vượt lên cả những mái nhà. Thân cây trơn tuột, được chia thành nhiều khấc. Khách nơi khác thường bảo sao mà khó trèo. Nhưng đối với người dân lớn lên từ cây dừa như em thì chẳng mấy khó khăn. Những tàu lá dừa mọc tít ở trên ngọn, hình dáng như chiếc lá chuối bị gió quật tả tơi. Những nhánh lá đu đưa theo gió, tạo ra tiếng xào xạc vui tai, vỗ về bao đứa trẻ vào giấc ngủ say nồng. Dưới nách lá, là nơi trái dừa sinh ra và phát triển. Những trái dừa kết thành từng chùm, trông hệt như chùm chuông của ông già nô en. Quả dừa nào cũng to tròn, có nhiều nước ngọt mát cùng phần cơm dày dặn. Thật ngon lành làm sao.

Ở vùng đất cát, gió lớn như quê em, dừa là loại cây hiếm hoi phát triển tốt đến như thế. Từng hàng, từng hàng dừa xanh mọc dày đặc. Chúng cắm rễ sâu xuống lòng đất, không chỉ giúp giữ đất, giữ cát hay đem lại cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Mà còn đem lại nguồn kinh tế, thức ăn cho người dân. Người ta uống nước dừa, ăn cùi dừa. Lá dừa dùng làm vỏ cuốn bánh, hay xay ra tạo thuốc màu. Thân dừa, lá dừa, vỏ dừa khô thì để đun nấu, chẳng thiếu gì.

Em mong rằng, cây dừa sẽ được trồng nhiều hơn nữa trên khắp mọi miền tổ quốc. Để dù đi đâu, em cũng được nhìn thấy hình bóng thân thương, tuyệt vời ấy.

Văn mẫu Cảm nghĩ về cây dừa ngắn gọn số 2

Mỗi lần về quê, từ xa em đã được nhìn thấy hình dáng hàng dừa xanh ngát, đung đưa trong gió. Nhìn hình ảnh ấy, em luôn thấy xúc động vô ngần.

Hàng dừa được người dân nơi đây trồng dọc theo bờ sông, dẫn lối đi vào trong làng. Cây dừa rất cao, vượt qua mọi tầng lá xanh của cây cối trong làng. Tàu dừa to, gồm nhiều nhánh lá nhỏ dài, như mái tóc đương xanh của người thiếu nữ xuân thì. Từng trái dừa lủng lẳng dưới tán lá, chứa bao dòng nước ngọt thanh - thứ nước mà những đứa trẻ luôn khao khát hơn bất kì loại nước ngọt nào.

Cây dừa gắn bó, cống hiến vô tư cho cuộc sống của người dân quê em. Người dân cũng vì thế mà tỉ mẩn, không để phí hoài dù chỉ một nhánh lá. Nước dừa, cùi dừa để ăn, uống trực tiếp, rồi con làm thành đủ thứ món ngon như mứt dừa, kẹo dừa hay đem kho với thịt. Lá dừa để tạo màu cho bánh kẹo, để gói bánh, hay phơi khô cả tàu lá lợp mái nhà. Rồi thân, vỏ, lá dừa khô có thể dùng để đun bếp. Những đứa trẻ ngày ngày chơi đùa dưới bóng mát của cây dừa, thi nhau leo lên đến ngọn cây, sung sướng ngắm nhìn thế giới bên ngoài làng quê.

Em rất yêu quý cây dừa. Đối với em cây dừa cũng như một người bạn thân thiết. Dù đi xa nơi đâu, em vẫn luôn nhớ về hình dáng cao lớn, trầm lặng ấy.

Biểu cảm về loài cây em yêu ngắn: Cây bàng

Mẫu văn Cảm nghĩ về cây bàng ngắn gọn số 1

Cảm nghĩ về cây bàng

Trường em có trồng nhiều loại cây cao lớn trên sân, để tạo bóng mát cho học sinh vui chơi, sinh hoạt. Như cây hoa phượng, cây sấu, cây hoa sữa… Trong đó em thích nhất là cây bàng già trong góc sân.

Cây bàng cao khoảng 3 mét, nhưng đã là rất to lớn với đứa trẻ như em. Thân cây thô ráp, xù xì. Bộ rễ bò nổi cả lên mặt đất, ngoằn ngoèo như trăn đất. Tán lá của cây rộng lớn, đặc một màu xanh tươi mát. Che bóng râm cho chúng em vui chơi. Trong tán lá ấy, là cả thế giới thu nhỏ của các loài chim . Chúng ẩn mình trong bóng chiếc lá to như bàn tay người lớn, thỉnh thoảng lại nhảy ra rồi nấp vào làm cả đám trẻ con ồ lên. Phải vào những lúc học sinh vào lớp, chúng mới mạnh dạn ló ra, líu ríu bài ca của thiên nhiên.

Dưới gốc cây bàng, em đã cùng các bạn ngồi trò chuyện, tâm sự, cùng các bạn chơi trò chơi, cùng các bạn ôn bài… Thế là thời học sinh cứ thế trôi qua thật nhanh. Không biết từ lúc nào, cây bàng già ấy đã trở thành một người bạn của em. tuy không nói chuyện với nhau được, nhưng dường như chúng em luôn thấu hiểu lẫn nhau.

Em mong rằng, cây bàng vẫn sẽ luôn mạnh khỏe và tươi tốt. Để sau này, khi trở về thăm trường, em sẽ lại được gặp gỡ người bạn tri kỉ này.

Bài văn mẫu Cảm nghĩ về cây bàng ngắn gọn số 2

Trong các loài cây ở trường thì em ấn tượng nhất với cây bàng, vì khả năng thay đổi ngoạn mục của nó qua các mùa trong năm.

Cây bàng cao đến tận tầng hai của tòa nhà em học. Thân cây to, xù xì đến lạ. Các nhánh, cành cây thì nhiều vô kể, đan xen vào nhau tạo nên một tán lá khổng lồ. Chính tán lá ấy đã tạo nên một vùng bóng mát lớn cho học sinh vui chơi và học tập.

Mùa hạ, tán lá bàng xanh sẫm, dày đặc, tạo ra một chiếc ô xanh lớn, chặn lại mọi ánh nắng. Không tia nắng nào có thể xuyên qua lớp lá ấy cả. Mỗi khi gió thổi qua, các chiếc lá to như cái đĩa con lại đung đưa, tọa nên âm thanh xào xạc, xào xạc. Mùa thu đến, lá chuyển hết sang màu đỏ sẫm, như ánh lửa. Cả tán lá như một ngọn đuốc lớn, cháy hết mình. Và rồi khi cơn mưa cuối thu đầu đông ùa đến, những chiếc lá đỏ theo tiếng gọi của đất mẹ mà từ giã thân cây. Suốt mùa đông giá rét, thân bàng trơ trọi khẳng khiu, trầm lặng đứng giữa trời. Nó đứng im, để chờ đợi khoảnh khắc xuân về, lại bừng lên những mầm non xanh mơn mởn, chẳng mấy chốc, mùa xanh lại tràn trề trên từng nhành cây. Cây bàng lại sống dậy, lại khoác lớp áo mới tràn đầy sức sống.

Cứ như thế, mỗi mùa cây bàng lại có một vẻ đẹp khác nhau. Khiến em luôn say mê ngắm nhìn. Em mong rằng cây bàng sẽ luôn tươi tốt và tràn đầy sức sống như vậy. Để lại gắn bó với thật nhiều nữa các thế hệ học sinh như em.

Biểu cảm về loài cây em yêu ngắn: Cây tre

Văn mẫu Cảm nghĩ về cây tre ngắn gọn số 1

Cảm nghĩ về cây tre ngắn gọn

Tre xanh
Xanh tự bao giờ?
Chuyện ngày xưa... đã có bờ tre xanh
Thân gầy guộc, lá mong manh
Mà sao nên luỹ nên thành tre ơi?

Những câu thơ ấy của nhà thơ Nguyễn Duy đã gợi lên trong em những cảm xúc bồi hồi đến khó tả về cây tre - một loài cây thân thiết, gắn bó với mọi người dân Việt.

Cây tre không to lớn như cây bàng, cây tùng, nhưng lại vô cùng dẻo dai, vững chắc. Thân tre thường chỉ lớn bằng phần bắp tay người lớn, nhưng lại có thế rất cao, vượt hẳn lên trên các tán lá lớn. Thân tre chia thành từng đốt. Càng lên cao đốt càng ngắn dần. Lá tre thì phải gần lên đến ngọn mới xuất hiện, và chia thành rất ít các cành. Đặc biệt, cây tre không bao giờ mọc một mình. Nó luôn mọc thành cụm, gồm nhiều cây đan xen vào nhau. Tạo thành một cây cột, một bức tường vững chắc. Giống như người dân Việt Nam luôn đoàn kết, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, gian khổ. Với đức tính cần kiệm, người dân ta không để phí một bộ phận nào của tre. Tr non, còn gọi là măng, được dùng để chế biến thành nhiều món ăn, như xào, muối chua, phơi khô… Thân tre dùng để đóng bàn ghế, tủ giường, kệ giá… Hoặc tước mỏng ra làm thành dây buộc. Phần lá tre có thể kết hợp phần thân, làm thành mái lá che mưa chắn gió. Những phần không dùng đến thì phơi khô nhóm bếp.

Cây tre là hình ảnh biểu tượng cho những ngôi làng ở Việt Nam. Luôn gắn bó, hiện diện trong nếp sống của người dân.

Mẫu bài văn Cảm nghĩ về cây tre ngắn gọn số 2

Dù đã được đi đến nhiều vùng đất, ngắm nhìn nhiều phong cảnh đẹp, nhiều loài cây lạ quý hiếm. Nhưng với em, lũy tre trước cổng nhà vẫn luôn là loài cây đẹp nhất.

Cây tre mọc thẳng chứ không bao giờ cong vẹo cả. Thân tre khẳng khiu, chỉ to bằng bắp tay là hết mức, nhưng dẻo dai, bền chắc. Các cây tre luôn mọc gần nhau, để đan xen, quấn quýt, tương trợ lẫn nhau, tạo nên bức tường phòng hộ vững chãi. Cây tre giống như là con người vậy. Nó thẳng thắng, không khom lưng cúi đầu trước bất kì thế lực nào, lại luôn đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau. Toàn là những đức tính quý. Đặc biệt cây tre luôn xanh tốt quanh năm. Sẽ có những chiếc lá già bạc phếch rụng về cội, sẽ có những chiếc lá non tơ mới nhú còn xoắn tít lại. Những điều ấy luôn tồn tại cùng nhau.

Cây tre gắn bó với người dân trong từng bữa cơm, từng đồ dùng trong nhà. Cùng người dân chống giặc, cùng người dân đón chào hòa bình độc lập. Cứ thế tre như một người bạn, một người thân thực sự của người dân quê em.

Em mong sao, dù đô thị hóa ngày càng phát triển, thì những rặng tre sẽ được giữ mãi. Để hình ảnh cây tre sẽ mãi luôn hiện hữu ở làng quê thanh bình.

Biểu cảm về loài cây em yêu ngắn: Cây sấu

Bài văn mẫu Cảm nghĩ về cây sấu ngắn gọn số 1

Hà Nội ta là một rừng cây sấu mọc thành hàng dãy phố.

Cây sấu trông hình thù xấu xí cũng như anh Trương Chi người xấu nhưng tiếng hát hay, cây sấu có nhiều đức tính. Hình thù cây sấu rất lẫn với trăm cây khác, nhưng quả sấu chín có một hương ngọt nó thơm một cách khiêm tốn nhưng cũng tự kiêu ngầm. Và ngay từ lúc nó còn là trái xanh non, đem ra làm ‘tương dấm hoặc tan ra trong nước rau muống lúc nắng mới, vị sấu có một hương chua chua cầu kì gớm lên ấy. Cây sấu ra quả là một nguồn cảm xúc mạnh cho những trẻ em nhà nghèo lúc lấm lét trèo lên cây hoặc cầm súng cao su đứng dưới gốc. Cái lúc sấu rụng lá già cũng tỏ ra là một thứ cây có tình. Trong tiếng gió thổi trên thành phố, vẫn thầm thì cái tiếng chào kín đáo của lá sấu gai lên mặt đường nhựa, nó nhịp với tiếng nhát chổi của người công nhân quét rác chuyển bước chữ đinh trên đường phố vắng người. Đêm về sáng, người nạo lòng đường sắt tàu điện có lẽ là người hiểu nhiều nỗi riêng của cây sấu. Trong cuộc hội họp của màu xanh muôn vẻ của cây Việt Nam, cây sấu như ngả sang màu đen bền vững. Những khóm lá xanh già cấc ấy tự nguyện thành một cái nền chắc nịch làm bừng sáng lên những chồi lộc các loại cây quanh mình. Cái gì chắc chắn thường là chậm chạp, cho nên trong hội thi đua mùa xuân trăm cây ra lộc hết cả rồi, rồi ta mới thấy cây sấu đủng đỉnh xoà lên nền nắng mới một vài cái nõn nhỏ.

Cái lúc mà cây sấu biết nhường nhịn kia đã chịu ra lộc thì cũng là lúc cuộc đời đã xuân tàn, luống cà bát một xóm lao động cũng đang trổ những đoá hoa tím nhạt. Và từ đây, giữa đám lộc sâu đang chuyển nhanh sang màu xanh đen cố hữu rồi ngân lên cái tiếng thở dài đầu tiên của con ve sầu hát ngàn trong nắng non.

Tôi đi giữa Hà Nội hôm nay, những gốc sấu vẫn tiếp tục rụng lá cũ, ra lộc mới, vừa nở hoa trên trời, vừa vãi hoa đầy đất. Trên các lề phố, trước cổng các cơ quan, trên mặt đường nhựa, từ khắp năm cửa ô trở vào, hoa sấu vẫn nở, vẫn vương vãi khắp Thủ đô tưng bừng chiến thắng. Trắng tròn như hạt nếp hạt tẻ đầu mùa, hoa sấu kéo dài con đường hoa nhiều quãng cộm hẳn lên như cót gạo nào của khu phố vung vãi ra. Như là vừa có đoàn dân công phụ nữ nào mới gánh gạo khao quân qua đây vừa hối hả trẩy qua, gạo mừng công bị đánh sóng ra hàng yến hàng tạ trên khắp mặt phố đang vào hè. Tiếng ve sầu đầu mùa cưa đều vào không gian Hà Nội, căng thời gian ra mà cưa miết vào.

Mẫu viết TLV Cảm nghĩ về cây sấu ngắn gọn số 2

Hằng năm, vào cữ hạ sớm này, người Hà Nội lại được hưởng những cơn mưa lá sấu ào ạt rơi trong hương sấu dìu dịu, thơm thơm.

Hương lá dịu dàng ướp cả bầu không khí tinh khôi khiến ta những muốn hít thật sâu cho căng tràn lồng ngực. Sau lúc lá rụng là cữ sấu ra hoa. Những mảng hoa hình sao màu trắng sữa chao nghiêng trong gió, đậu xuống mái tóc các cô gái, lấm tấm cả mặt đường.

Giống như hoa sữa mùa thu, cành đào ngày Tết, cây sấu Hà Nội gợi nhớ, gợi thương trong tấm lòng những người xa xứ. Tôi có chị bạn đã theo chồng về Nam ngót hai chục năm, mỗi lần có dịp vẫn không quên nhắn bạn gửi cho ít trái sấu xanh Hà Nội. Ngày hè, mâm cơm mỗi gia đình thành phố chúng ta ít khi thiếu bát nước rau muống luộc dầm sấu, ăn kèm với cà pháo giòn tan. Thức ăn giản dị ấy đã là nỗi khát khao của chị bạn tôi (và các nhiều người khác) mỗi bữa cơm trong cái thành phố phương Nam nóng ngột mà cái mát lạnh của những cốc trà đá không làm dịu nổi. Từ những quả sấu xanh, bàn tay khéo léo và sự tinh tế của các bà nội trợ đã tạo nên món sấu đá, một thứ đồ giải khát dân dã mà đậm đà chất Hà Nội. Hãy tưởng tượng trong cái nóng như nung của trưa hè, bạn vào một gánh hàng rong nơi góc phố. Cô hàng tươi tắn chào mời, thoăn thoắt đôi tay. Thoáng một cái, bạn đã có trong tay cốc sấu đá mát lạnh. Đừng ngại ngần trước vẻ mộc mạc của nó. Những trái sấu xanh vừa độ, gọt vỏ, bỏ hột, chần qua cho bớt vị chua, được thấm đẫm trong cốc nước đường hoa mai ngọt đậm. Chỉ nhấp một ngụm nước, nhai kĩ miếng sấu, cái khát trưa hè đã dần lui. Ấy chưa kể sự mát mẻ và những nhát quạt phây phẩy của cô hàng chiều khách..

Từng qua thời thơ ấu ở Hà Nội, ai chẳng có một lần nghển cổ nhìn lên tán lá cao vút mà ngắm nghía một cách ước ao chùm sấu non xanh hay thích thú chia nhau nhấm nháp món sấu dầm bán trước cổng trường.

Lúc sấu chín cũng là lúc Hà Nội sắp vào thu với man mác heo may, vàng tươi hoa cúc. Mùa nào, tiết nào Hà Nội cũng có cái để mà nhớ, mà thương. Đó chính là cái duyên của thành phố trong mắt, trong lòng những người yêu Hà Nội

CLICK NGAY nút TẢI VỀ dưới đây để tải môt số bài văn mẫu Biểu cảm về loài cây em yêu ngắn gọn file word, pdf hoàn toàn miễn phí

Đánh giá bài viết
3.0
5 lượt đánh giá
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
Copyright © 2020 Tailieu.com
DMCA.com Protection Status