Logo

Giải Giáo Dục Công Dân 6 VNEN Bài 5: Giao tiếp có văn hóa

Giải Giáo Dục Công Dân 6 VNEN Bài 5: Giao tiếp có văn hóa hướng dẫn trả lời các câu hỏi trong SGK chi tiết, dễ hiểu. Giúp học sinh nắm chắc kiến thức trọng tâm bài học.
5.0
1 lượt đánh giá

Hướng dẫn giải bài tập Giáo Dục Công Dân lớp 6 Bài 5: Giao tiếp có văn hóa VNEN chi tiết, dễ hiểu được biên soạn bởi đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm chia sẻ. Hy vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp học sinh trong quá trình học tập.

Giải GDCD lớp 6 VNEN Bài 5: Hoạt động khởi động

Hát tập thể

a. Cách tiến hành

Học sinh cả lớp cùng hát bài  Chim vành khuyên (sáng tác: nhạc sĩ Hoàng Vân) vừa hát vừa thực hiện động tác chào theo lời bài hát

b. Thảo luận:

Em có thể rút ra điều gì từ bài hát trên?

Bài làm:

Bài hát: Chim vành khuyên

Có con chìm vành khuyên nhỏ

Dáng trông thật ngoan ngoãn quá

Gọi dạ, bảo vâng lễ phép ngoan nhất nhà.

Chim gặp bác Chào Mào, "chào bác!"

Chim gặp cô Sơn Ca, "chào cô!"

Chim gặp anh Chích Choè, "chào anh!"

Có con chìm vành khuyên nhỏ

Dáng trông thật ngoan ngoãn quá

Gọn gàng, đẹp xinh, cũng giống như chúng mình

=> Từ bài hát trên em rút ra: Chúng ta phải có hành vi, cư xử lễ phép, đúng chuẩn mực với những người xung quanh.

Giải Giáo Dục Công Dân lớp 6 VNEN Bài 5: Hoạt động hình thành kiến thức

1. Tìm hiểu về giao tiếp có văn hóa

  • Vì sao người ta lại chào hỏi nhau mỗi khi gặp gỡ?

  • Cách chào hỏi trong mỗi tình huống có giống nhau không?

  • Qua trò chơi vừa rồi, em thấy cách chào hỏi phụ thuộc vào những yếu tố nào?

Bài làm:

  • Người ta thường chào hỏi nhau mỗi khi gặp gỡ là vì chào hỏi là biểu lộ sự thân thiết, quen biết, đồng thời là một phương tiện đặc biệt để gây thiện cảm. Người dưới gặp người trên mà không chào hỏi sẽ là người thiếu lễ độ. Còn người trên không đáp lại lời chào của người dưới sẽ bị mang tiếng là kẻ khinh người, hách dịch.

  • Ở mỗi trường hợp, hoàn cảnh khác nhau sẽ có cách chào hỏi khác nhau. Ví dụ:

    • Với thầy cô: lễ phép

    • Với bạn bè: Thân mật, chan hòa…

  • Qua trò chơi vừa rồi, em thấy cách chào hỏi phụ thuộc vào những yếu tố: địa điểm, đối tượng, không gian, thời gian…

2. Tìm hiểu các biểu hiện của hành vi giao tiếp có văn hóa

a. Em hãy xác định những biểu hiện của hành vi giao tiếp có văn hóa bằng cách khoanh tròn vào chữ số trước các ý đúng:

1. Nói năng lịch sự, tế nhị

2. Nói tục, chửi bậy, dùng từ lóng

3. Giọng nói vừa đủ nghe, không nói quá to hoặc quá nhỏ

4. Cách nói giản dị, dễ hiểu, phù hợp với đối tượng giao tiếp

5. Chăm chú lắng nghe khi người khác nói

6. Ngắt lời người khác mà không xin lỗi trước

7. Không nhìn vào đối tượng khi nói chuyện với họ.

8. Luôn chú ý tìm ra những điểm hay, điểm tốt của người khác để khen ngợi và học hỏi.

9. Mỉa mai, chê bai, hạ thấp, chỉ trích nặng nề đối tượng giao tiếp

10. Tự hào, nói về mình quá nhiều

11. Tôn trọng đối tượng giao tiếp và nhu cầu của họ

12. Biết đặt mình vào địa vị của người khác để hiểu và cảm thông với họ

13. Tỏ vẻ ta đây, tỏ vẻ biết điều

14. Dùng những từ không hay để nói về người khác

15. Chân thành, cầu thị khi giao tiếp

16. Luôn nhã nhặn, mỉm cười khi giao tiếp

17. Gây gổ, sử dụng vũ lực với người khác

18. Chào hỏi khi gặp gỡ

19. Biết cảm ơn khi được người khác quan tâm, giúp đỡ việc gì, dù nhỏ.

20. Biết lỗi khi làm phiền người khác

21. Ăn mặc lòe loẹt, cười đùa vui vẻ trong đám hiếu.

22. Tỏ ý sốt ruột khi người khác đang nói với mình

23. Quan tâm hỏi han, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với người khác

24. Các cử chỉ như: ngáp dài, gãi, vân vê gấu áo, cắn móng tay, xì mũi, khạc nhổ….khi giao tiếp

Bài làm:

Những biểu hiện của hành vi giao tiếp có văn hóa là:

1. Nói năng lịch sự, tế nhị

. Giọng nói vừa đủ nghe, không nói quá to hoặc quá nhỏ

4. Cách nói giản dị, dễ hiểu, phù hợp với đối tượng giao tiếp

5. Chăm chú lắng nghe khi người khác nói

8. Luôn chú ý tìm ra những điểm hay, điểm tốt của người khác để khen ngợi và học hỏi.

11. Tôn trọng đối tượng giao tiếp và nhu cầu của họ

12. Biết đặt mình vào địa vị của người khác để hiểu và cảm thông với họ

15. Chân thành, cầu thị khi giao tiếp

16. Luôn nhã nhặn, mỉm cười khi giao tiếp

18. Chào hỏi khi gặp gỡ

19. Biết cảm ơn khi được người khác quan tâm, giúp đỡ việc gì, dù nhỏ.

20. Biết lỗi khi làm phiền người khác

23. Quan tâm hỏi han, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với người khác

b. Thảo luận:

Hành vi giao tiếp có văn hóa được dựa trên những phẩm chất nào?

1. Tự trọng                   2. Tôn trọng người khác

3. Khiêm tốn                 4. Giản dị

5. Trung thực               6. Tiết kiệm

7. Dũng cảm                8. Vượt khó khăn

9. Nhân ái                   10. Khoan dung

Bài làm:

Hành vi giao tiếp có văn hóa được dựa trên những phẩm chất:

  • Tôn trọng người khác

  • khiêm tốn

  • giản dị

  • nhân ái

  • khoan dung

3. Tìm hiểu ý nghĩa của hành vi giao tiếp có văn hóa

a. Hãy nhớ lại và chia sẻ với bạn bè về một hành vi giao tiếp có văn hóa mà em đã thể hiện đối với một người nào đó:

  • Em đã cư xử như thế nào?

  • Họ đã biểu lộ thái độ như thế nào khi nhận được hành vi giao tiếp có văn hóa đó của em?

  • Cảm xúc của em như thế nào sau khi thực hiện hành vi đó?

Bài làm:

Ví dụ: Em đi học về thấy bạn của mẹ đến nhà chơi. Em vào nhà vòng tay cúi chào các cô, các chú. Cô chú chào lại em và khen em ngoan. Em mỉm cười cảm ơn và xin phép cô chú và mẹ để lên phòng cất đồ.

Như vậy, em đã cư xử lễ phép với những người bạn của mẹ. Chính vì vậy các cô chú cảm thấy rất hài lòng và vui vẻ.

Sau khi thực hiện hành vi đó, em cảm thấy rất vui, lòng cảm thấy thoải mái khi nhận được lời khen và cảm thấy mình đã làm được một việc tốt.

b. Đọc câu chuyện sau và trả lời câu hỏi:

  • Vì sao ông Giang lại nói rằng ông thấy đau nhói ở tim?

  • Hành vi giao tiếp, ứng xử của những thanh niên trẻ đi xe máy trong truyện đã tác động như thế nào đến ông Giang và những người dân xung quanh?

Bài làm:

  • Ông Giang nói rằng ông thấy đau nhói ở tim vì ông thấy những hành động và cách cư xử của đám trẻ rất hỗn và thiếu lễ độ.

  • Hành vi giao tiếp, ứng xử của những thanh niên trẻ đi xe máy trong truyện đã khiến cho ông Giang và những người xung quanh cảm thấy bất bình và buồn lòng. Bởi đó không chỉ là hành động vi phạm pháp luật mà còn là những hành động thể hiện nhân cách và cách cư xử thiếu trách nhiệm, thiếu văn hóa và lối sống vô cảm của lũ trẻ. Điều này khiến ông lo lắng cho giới trẻ và cho cả xã hội.

c. Thảo luận:

Hành vi giao tiếp có văn hóa có ý nghĩa như thế nào trong đời sống?

Bài làm:

Hành vi giao tiếp có văn hóa có ý nghĩa:

  • Góp phần xây dựng mối quan hệ xã hội tốt đẹp giữa người với người

  • Làm cho mọi người cảm thấy dễ chịu, giúp cho các cá nhân dễ dàng hòa hợp hơn, cộng tác với mọi người dễ dàng hơn.

Giải VNEN GDCD 6 Bài 5: Hoạt động luyện tập

1. Liên hệ thực tế

  • Em có nhận xét gì về hành vi giao tiếp của các bạn học sinh trong lớp, trong trường, ở địa phương mình hiện nay?

  • Chúng ta cần có thái độ như thế nào khi chứng kiến các hành vi đó?

Bài làm:

Em nhận thấy, hiện nay nhiều bạn học sinh giao tiếp có văn hóa ở trường cũng ở lớp, ở địa phương. Tuy nhiên, một số bạn lại có những hành vi thiếu văn hóa, thiếu tôn trọng người lớn và những người xung quanh mình.

Khi chứng kiến những hành vi thiếu văn hóa đó, chúng ta cần phải nhắc nhở để họ có thể thấy được điểm sai của mình để lần sau có thể khắc phục.

2. Lựa chọn cách xử lí tình huống

Em sẽ hành động như thế nào trong mỗi tình huống sau đây để thể hiện la một người giao tiếp có văn hóa? (Khoanh tròn vào chữ cái trước hành động em chọn):

Tình huống 1: Một người bạn cũ đến nhà em chơi. Hai bạn ngồi nói chuyện, hàn huyên rất vui vẻ. Người bạn cũ vẫn say sưa ôn lại kỉ niệm cũ thì đến giờ em phải đi có việc quan trọng.

Em sẽ:

A. Nói với bạn là mình cần phải đi có việc

B. Xin lỗi bạn không thể tiếp tục trò chuyện mặc dù rất tiếc và giải thích lí do

C. Tỏ ý sốt ruột, chốc chốc lại nhìn đồng hồ

D. Bỏ đi mà không giải thích lí do

Tình huống 2: Giờ ra chơi, em đang ngồi tranh thủ làm bài tập thì có hai bạn trong lớp mải chơi đùa nhau, khiến một bạn bị ngã và xô mạnh vào người em, làm rơi cả sách vở của em xuống đất?

Em sẽ:

A. Tức giận, mắng cho hai bạn một trận

B. Tức giận, đẩy mạnh bạn ra hoặc sử dụng vũ lực để cảnh cáo

C. Nhẹ nhàng trách bạn phải cẩn thận

D. Im lặng cho qua

Tình huống 3: Trong giờ sinh hoạt lớp, bạn chủ tịch hội đồng tự quản đang nhận xét một điều không đúng về em

Em sẽ:

A. Đứng lên, phản ứng lại

B. Tự ái, bỏ ra ngoài

C. Đợi bạn nói hết rồi mình đưa ra ý kiến

D. Quay sang phân bua với các bạn của nhóm bên cạnh

Bài làm:

  • Tình huống 1: Đáp án B. Xin lỗi bạn không thể tiếp tục trò chuyện mặc dù rất tiếc và giải thích lí do

  • Tình huống 2: Đáp án C. Nhẹ nhàng trách bạn phải cẩn thận

  • Tình huống 3: Đáp án C. Đợi bạn nói hết rồi mình đưa ra ý kiến

3. Đóng vai

a. Mỗi nhóm hãy dựa vào một trong các tình huống sau, xây dựng thành kịch bản cụ thể có nhân vật, có lời thoại và cách giao tiếp, ứng xử

  • Tình huống 1: Trên đường đạp xe từ trường về nhà, Tiến sơ ý đâm phải xe đạp của một bạn đi đằng trước khiến cả hai bạn cùng ngã. Bạn đó rất tức giận và mắng Tiến thậm tệ.... Tiến nên xử lí như thế nào?

  • Tình huống 2: Sau giờ ra chơi, Hoa trở vào lớp và phát hiện cuốn nhật kí của mình để trong cặp đang bị mấy bạn ngồi cạnh lấy ra đọc trộm và cười thích thú khiến Hoa rất tức giận...

Nếu em là Hoa, em sẽ ứng xử như thế nào trong tình huống đó?

Bài làm:

Xây dựng kịch bản tình huống 1

Tiến đang ung dung đạp xe từ trường về nhà, mải nhìn trời nhìn đất, chiếc xe đạp của Tiến va vào chiếc xe của bạn phía trước khiến cả hai người cùng ngã.

Tiến: (vội vàng đứng dậy chạy lại đỡ bạn) Cậu ơi, cậu có bị làm sao không? Tớ ẩu quá, tớ xin lỗi cậu.

Bạn: (Mặt nhăn nhó và quát lớn) Xin lỗi cái gì, mắt mũi để đâu mà cái đường rộng thế cũng đâm vào người ta vậy hả?

Tiến: (dựng xe của bạn dậy, mặt ăn năn) Tớ biết lỗi của mình rồi, cậu bỏ qua cho tớ nhé.

Bạn: Đây, vừa rách áo vừa bị mẹ mắng sao mà bỏ qua được

Tiến: (mặt buồn rầu) Tớ thực sự không cố ý, nhưng nếu tớ đã lỡ làm rách áo của cậu thì để tớ về xin mẹ mua cho cậu chiếc áo mới nhé. Rồi tớ sẽ đi cùng cậu đến xin lỗi bố mẹ cậu.

Bạn: Thôi khỏi đi, đúng là đen đủi mà (rồi bỏ đi).

Tiến: (nói với theo) Tớ xin lỗi nha, lần sau tớ sẽ đi chú ý hơn.

Xây dựng kịch bản tình huống 2

Hoa đi căng tin về và thấy Mai, Lan và Ngọc đang xúm lại chỗ bàn mình, vừa đọc vừa cười rất thỏa thích, Hoa tiến lại gần và nói:

-  Các cậu đang làm gì mà vui vậy, cho tớ xem cùng vời.

Cả lũ vội dấu quyển sổ nhật kí đi, rồi nói bâng quơ không có gì.

Bỗng bạn Tuấn từ cuối lớp nói vọng lên:

- Bọn nó đọc nhật kí của cậu đấy.

Hoa quay lại và hỏi:

- Có thật vậy không, hãy trả lời tớ đi?

Mai lên tiếng:

- Tại tớ thấy quyển sổ nó lòi ra nên bọn tớ mượn đọc thôi

Khuôn mặt Hoa rất khó chịu, nhưng Hoa kìm chế và từ từ nói:

- Các cậu sẽ như thế nào nếu bị người khác đọc trộm nhật kí? Đó là quyền riêng tư của mỗi người nên việc làm của các cậu vừa không tôn trọng tớ vừa là hành vi vi phạm pháp luật đấy. Nếu các cậu muốn đọc, các cậu có thể xin phép tớ trước, được sự đồng ý của tớ thì các cậu mới được xem nó. Các cậu làm tớ thất vọng và buồn quá đấy.

Lan lên giọng:

- Bọn tớ mới chỉ xem một tý thôi mà, cũng chỉ là mấy cái linh tinh chứ có gì quan trọng đâu

Hoa tiếp tục nói:

- Dù nó không có gì quan trọng nhưng đó là quyền riêng tư của tớ và không ai có quyền xâm phạm khi chưa được sự cho phép của tớ. Với lại, đây là đồ của tớ, các cậu không thể tự tiện lấy xem như vậy được. Điều đó là không tốt.

Cảm thấy Hoa nói đúng, Ngọc tiếp lời:

- Bọn tớ sai rồi, bọn tớ xin lỗi cậu. Mong cậu bỏ qua lần này cho bọn tớ. Bọn tớ hứa lần sau sẽ không bao giờ làm như vậy nữa đâu. Cậu đừng giận bọn tớ nữa nhé.

Thấy Ngọc xin lỗi, Mai và Lan cũng xin lỗi cho qua chuyện:

- Bọn tớ sai, xin lỗi cậu, được chưa.

Gương mặt Hoa rất thất vọng về hai bạn Mai và Lan, nhưng trống trường đã điểm, Hoa chấp nhận lời xin lỗi của các bạn rồi vào học.

4. Trải nghiệm và chia sẻ

Trong cuộc sống hằng ngày, em đã bao giờ gặp những tình huống tương tự như trong các tiểu phẩm ở phần trên chưa? Khi đó em đã giao tiếp, ứng xử ra sao? Bây giờ, nếu gặp lại tình huống như vậy, em sẽ thay đổi, điều chỉnh lại cách ứng xử của mình như thế nào?

Bài làm:

Trong cuộc sống hằng ngày, em đã từng có lần đi xe đạp đâm vào xe của bạn khác. Khi đó em cũng đã đỡ bạn dậy, dựng xe lên cho bạn và xin lỗi bạn về sự bất cẩn của mình. Thật may mắn khi bạn cũng không trách mắng mình mà còn cảm thông với mình nên mọi việc được xử lí nhanh chóng.

Giải VNEN Giáo Dục Công Dân 6 Bài 5: Hoạt động vận dụng

1. Xây dựng kế hoạch thay đổi bản thân

Em hãy suy ngẫm về hành vi giao tiếp của bản thân. Xem hành vi nào em muốn thay đổi và sắp xếp chúng theo đúng thứ tự từ dễ đến khó. Sau đó lập kế hoạch thay đổi bản thân. Nhớ ghi lại kết quả và cảm xúc của mình khi thay đổi.

Bài làm:

Thời gian

Mục tiêu thay đổi

Hành động/ Hành vi giao tiếp có văn hóa

Kết quả thay đổi

Tuần thứ nhất

Tạo hình ảnh vui tươi, thân thiện, lễ phép với mọi người trong khi giao tiếp

Luôn nở nụ cười khi gặp người khác.

Chào hỏi thân thiện, đúng từ ngữ xưng hô

 

Tuần thứ hai

Không nói trống không với người lớn

Nói cảm ơn khi người khác giúp đỡ.

Khi giao tiếp phải gọi dạ, bảo vâng

 

Tuần thứ ba

Nói “không” với các từ ngữ thô tục, thiếu văn hóa

Tuyệt đối không sử dụng từ ngữ thô tục

Trước khi nói phải suy nghĩ.

 

Tuần thứ tư

Hành động văn hóa trong giao tiếp

Khi cảm ơn người lớn phải cúi đầu

Mỉm cười khi được người khác khen

Giúp đỡ người già, trẻ nhỏ...

 

2. Cùng chia sẻ

3. Viết thông điệp

Em hãy viết một thông điệp ngắn để kêu gọi, nhắc nhở bạn bè và mọi người hãy giao tiếp có văn hóa với nhau.

Bài làm:

Đối với mỗi cá nhân, giao tiếp không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống đời thường mà nó còn quyết định đến hiệu quả làm việc cũng như mức độ thành công trong sự nghiệp của mỗi người. Những người có chuyên môn trung bình hợp tác với đồng nghiệp, ứng xử linh hoạt sẽ thành công hơn những người chỉ khá về chuyên môn nhưng thiếu tinh thần hợp tác hoặc không biết cách hợp tác. Vì thế mà bây giờ chúng ta phải có những biện pháp như là: cổ động, tuyên truyền, giáo dục...

Giao tiếp tốt là thể hiện một tư duy rõ ràng, mạch lạc. Dựa vào lời ăn, tiếng nói, người ta đánh giá phẩm chất của con người: “Người thanh, tiếng nói cũng thanh. Chuông kêu, khẽ đánh bên thành cũng kêu”.

Bởi vậy, hãy cư xử có văn hóa với mọi người để xây dựng xã hội văn minh và tiến bộ.

Giải VNEN GDCD lớp 6 Bài 5: Hoạt động tìm tòi mở rộng

1. Những câu giao tiếp có văn hóa

Hãy viết các dạng câu hỏi cụ thể để thể hiện hành vi giao tiếp có văn hóa trong các tình huống giao tiếp với các đối tượng khác nhau:

Tình huống

Hành vi ứng xử văn hóa

Chào hỏi khi gặp gỡ

Cháu chào bác, bác có khỏe không ạ?

Cháu chào cô, cô đi đâu đấy ạ?

Chào cậu, cậu có gì mà trông vui thế?

Xin chào, bạn dạo này có gì mới không?

Chào tạm biệt khi chia tay

 

Khen ngợi và học hỏi những điểm tích cực của người khác

 

Thể hiện sự biết ơn khi được quan tâm hoặc giúp đỡ

 

Khi có lỗi hoặc khi phải làm phiền người khác

 

Khi cần sự giúp đỡ của người khác

 

Khi muốn ngắt lời của người khác

 

Thể hiện sự không hài lòng về người khác

 

Thể hiện sự không đồng ý với quan điểm của người khác

 

Bài làm:

Tình huống

Hành vi ứng xử văn hóa

Chào hỏi khi gặp gỡ

Cháu chào bác, bác có khỏe không ạ?

Cháu chào cô, cô đi đâu đấy ạ?

Chào cậu, cậu có gì mà trông vui thế?

Xin chào, bạn dạo này có gì mới không?

Chào tạm biệt khi chia tay

Cháu chào bà, bà nhớ giữ gìn sức khỏe bà nha.

Chào cậu, hẹn gặp cậu vào một dịp gần nhất

Cháu chào cô, có dịp mời cô qua nhà cháu chơi ạ.

Cháu chào bác, bác đi đường cẩn thận ạ.

Khen ngợi và học hỏi những điểm tích cực của người khác

Bà ơi, sao bà giỏi vậy, cháu tự hào về bà quá ạ.

Ôi, bé Ben giỏi quá.

Chị ơi, em ngưỡng mộ chị quá, em phải học hỏi chị nhiều.

Sao chú có thể làm được điều đó ạ, cháu ngưỡng mộ chú quá ạ.

Thể hiện sự biết ơn khi được quan tâm hoặc giúp đỡ

Cháu cảm ơn chú rất nhiều ạ.

Ngại quá, cháu đã làm phiền cô rồi, cháu cảm ơn cô nhiều ạ.

Cảm ơn cậu đã giúp đỡ tớ nhé.

Khi có lỗi hoặc khi phải làm phiền người khác

Mình xin lỗi cô về sự sơ suất này

Cháu xin lỗi vì đã làm phiền bác

Tớ xin lỗi cậu nhiều nhé.

Khi cần sự giúp đỡ của người khác

Xin lỗi, chú có thể giúp cháu khiêng vật này được không ạ?

Cậu có thể chỉ giúp tớ việc này được không?

Khi muốn ngắt lời của người khác

Xin phép cậu cho tớ ngặt lời một chút.

Cháu xin lỗi khi ngắt lời cô, cháu xin phép nói một chút ạ.

Thể hiện sự không hài lòng về người khác

Mình nghĩ cậu sẽ làm được tốt hơn như vậy

Bà ơi, cháu nghĩ bà không nên làm như vậy ạ, vì ...

Chúng ta không nên làm như vậy vì...

Thể hiện sự không đồng ý với quan điểm của người khác

Xin lỗi bà, cháu không đồng ý với ý kiến đó ạ vì...

Theo mình, mình nghĩ ý kiến đó chưa đúng vì...

Cháu nghĩ đó là ý kiến hay nhưng chúng ta nên...

2. Sưu tầm

a. Mỗi nhóm hãy sưu tầm, tìm hiểu và viết một bài khoảng 2-3 trang  về thực trạng hành vi giao tiếp của học sinh trung học cơ sở hiện nay

b. Sưu tầm một số quy tắc giao tiếp có văn hóa của các dân tộc ở Việt Nam và trên thế giới.

Bài làm:

Tiên học lễ, hậu học văn’’ là bài học đầu khi bước chân vào lớp một. Nhưng lớn lên, rất nhiều học sinh đã lãng quên điều đó, để rồi có những hành vi ứng xử thiếu văn hóa với thầy cô, bạn bè, người lớn tuổi ngay trong môi trường giáo dục. Đây là vấn đề cấp thiết không chỉ của nhà trường mà toàn xã hội phải quan tâm.

Ứng xử thiếu văn hóa là tình trạng xuống cấp của văn hóa học đường được hiểu là tình trạng xuống cấp trong lối giao tiếp ứng xử giữa học sinh với học sinh, giữa học sinh với thầy cô. Có thể thấy ứng xử thiếu văn hóa diễn ra ở nhiều nơi, đang dóng lên hồi chuông cảnh báo cho xã hội hiện nay .

Đi giữa sân trường chúng ta có thể nghe thấy những câu nói tục, chửi bậy của một số bạn học sinh - một hành vi ứng xử thiếu văn hóa của các cô cậu được xem là nam thanh, nữ tú. Nhiều bạn học sinh cho rằng chửi bậy, nói tục là một phương pháp hiệu quả để giảm căng thẳng, stress thậm chí còn cho đó là “cá tính” của mình, dám nói tức là dám thể hiện cá tính. Hơn thế nữa, hằng ngày trên các phương tiện truyền thông đại chúng xuất hiện rất nhiều những phát ngôn gây sốc của các thần tượng nổi tiếng khiến các bạn học sinh lầm tưởng đó là cách gây được sự chú ý, lập tức tung hê và áp dụng ngay vào trong trường học. Ai cũng biết rằng lứa tuổi học trò không ai là chưa từng sai phạm lỗi lầm. Không ai dám tự nhận mình là hoàn hảo. Nhưng các bạn học sinh hiện nay đang cố gắng thể hiện cá tính một cách không đúng đắn. Khi cắp sách đến trường chúng ta khó tránh khỏi những mâu thuẫn, xích mích đối với bạn bè. Trước đây, những xích mích đó chỉ là những chuyện bình thường, tranh luận để tìm ra cái sai, để tập nói tiếng xin lỗi, cám ơn và đôi khi lại có thêm bạn mới. Nhưng hiện nay, những xích mích không chỉ đơn thuần là tranh cãi trong phạm vi nhà trường mà nó vượt ra ngoài xã hội. Gần đây, dư luận bàng hoàng với các video đăng rầm rộ trên mạng xã hội các vụ đánh nhau của học sinh mà điều đặc biệt là những “diễn viên” trong các clip trên đều là học sinh nữ . Các bạn học sinh nam nữ hiện đại có lẽ đang xem nhẹ việc bạo lực học đường . Cứ ngỡ cách ứng xử thiếu văn hóa của các bạn học sinh chỉ dừng lại ở đó, nhưng không - ngoài chửi thề, nói bậy, cãi vã thì còn có bạn cãi lại thầy cô. Thầy cô là người chúng ta phải mang ơn thật nhiều nhưng có lẽ một số bạn học sinh đã không nhận ra điều đó. Chỉ ở việc nhỏ nhặt nhất là cúi chào thầy cô thôi mà cũng thật khó khăn. Một số bạn xem việc chào thầy cô thật vất vả. Khi thầy cô quan tâm khuyên nhủ thì lòng “ tự ái” đã lấn át tất cả mọi thứ và họ cãi lại thầy cô. Một cách ứng xử khác là việc sai phạm nội quy trường lớp ở một số học sinh nữ trong việc tô son đánh phấn và các bạn nam có các kiểu tóc phản cảm...

Nếu như cứ than trách về cách ứng xử của học sinh, thì có lẽ chúng ta cũng nên nhìn xem điều gì đã khiến các bạn ấy như vậy ? Điều gì đã khiến các bạn ấy trở thành một bộ phận học sinh của nhà trường thiếu văn hóa trong cách ứng xử? Đầu tiên có lẽ là sự giáo dục từ gia đình. Vì nhiều lí do khác nhau mà cha mẹ các bạn học sinh không thể quán xuyến được con em mình, không trang bị cho con em kĩ năng sống. Có thể tổ ấm gia đình tan vỡ, cha mẹ không gương mẫu, nuôi dạy con cái không đúng cách là một trong những lí do cốt lõi đưa đầy các bạn học sinh đến tình trạng phạm tội, sống ngoài vòng pháp luật và tạo thêm sức ép cho xã hội . Bên cạnh đó, trên các trang mạng xã hội có trò chơi trực tuyến gây ảnh hưởng không ít đối với các bạn học sinh. Một số bạn thường xuyên chơi game online – loại hình giải trí đông người tham gia - dẫn đến việc nghiệm game rồi trở thành “con nghiện” và quên cuộc sống thực của mình, sa đà vào cuộc sống ảo giác và thực hiện những hành vi bạo lực, những hành vi vi phạm pháp luật . Cách ứng xử thiếu văn hóa lại càng rõ hơn khi các bạn học sinh thích thể hiện cá tính của mình không kiểm soát được hành vi và rất dễ bị kích động . Tất cả những cách ứng xử trên không tốt đối với học sinh đang còn ngồi trên ghế nhà trường .

Chúng ta cần phải nhìn nhận và thay đổi lại bản thân, phân biệt được điều đúng, sai và học theo những việc làm tốt. Cần có sự chung tay góp sức của cả gia đình, nhà trường và xã hội. Gia đình cần quan tâm con em mình nhiều hơn nữa. Trường học chú trọng nâng cao văn hóa ứng xử của học sinh. Cần có nhiều bài học về đạo đức và cách ứng xử của học sinh trong nhà trường và ngoài xã hội. Bên cạnh đó cần đặt ra những hình phạt nghiêm khắc cho các học sinh vi phạm.

Dân gian thường nói “có tiền mua tiên cũng được”. Tiền có lẽ giúp chúng ta được nhiều việc, tiền có lẽ mua được nhiều thứ quý giá nhưng lại không bao giờ mua được nhân cách của một con người. Cho dù có tài giỏi thế nào mà không có nhân cách thì cũng là người không tốt. Cái quan trọng nhất của một con người cớ sao ta không gìn giữ, cớ sao ta lại làm cho nó xuống cấp? Nhìn qua cách ứng xử thiếu văn hóa của một bộ phận học sinh trong nhà trường, em cảm thấy mình cần rèn kỹ năng sống và hoàn thiện bản thân hơn. Bên cạnh đó, tất cả học sinh cần có ý thức hơn trong việc giữ gìn lối sống văn hóa, để tạo một mội trường học tập lành mạnh, thân thiện.

Một số quy tắc giao tiếp văn hóa của nước Nhật:

  • Tất cả mọi người đều đứng bên trái (riêng ở Osaka thì đứng bên phải)

  • Luôn phải xếp hàng để lên tàu xe

  • Cúi đầu để chào hỏi người khác thay vì bắt tay, ôm hôn

  • Không nói to, cười đùa, bật nhạc ầm ĩ.

  • Người cùng giới đi ngoài đường không choàng vai bá cổ nhau.

  • Khi lên tàu, xe bus thì chờ cho những người xuống tàu/xe ra hết rồi mới lên.

  • khi ăn cơm nên cầm bát cơm trên tay chứ đừng đặt trên bàn rồi cúi đầu xuống ăn

  • Khi ngồi trong bàn ăn, không nên tự rót nước/rượu cho bản thân mà hãy rót cho người bên cạnh.

  • Luôn luôn ăn tất ca những gì được dọn mời

  • Ở Nhật, phụ nữ thường ăn mặc kín đáo, hầu như không mặc hở ngực hoặc lưng.

  • Không hỏi tuổi người đang nói chuyện với mình.

  • Không dùng ngón tay chỉ vào người khác.

  • Ngoài người yêu, vợ, chồng, con ra, không nên động chạm vào người đang nói chuyện với mình kể cả lúc thân mật cũng như lúc giận giữ, cãi cọ.

►►CLICK NGAY vào nút TẢI VỀ dưới đây để tải về Giải Giáo Dục Công Dân lớp 6 Bài 5: Giao tiếp có văn hóa sách VNEN file PDF hoàn toàn miễn phí.

Đánh giá bài viết
5.0
1 lượt đánh giá
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
Copyright © 2020 Tailieu.com
DMCA.com Protection Status