Dàn ý và 6 bài văn mẫu: Cảm nghĩ về bài thơ Rằm tháng giêng ngắn nhất sẽ giúp các bạn học sinh hiểu trọn vẹn hơn về ý nghĩa sâu sắc của bài thơ này và áp dụng làm các bài đọc hiểu hiệu quả nhất
Mở bài
Thân bài
a. Cảm nghĩ về 2 câu thơ đầu:
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,
Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên.
Rằm xuân lồng lộng trăng soi,
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.
→ Khi đêm vào khuya, trăng đã lên nơi cao nhất, phô bày vẻ đẹp mĩ lệ nhất, tỏa ánh sáng dạt dào.
→ Miêu tả không gian rộng lớn, thoáng đãng, tràn ngập ánh sáng dìu dịu của mặt trăng.
→ Những từ xuân được lặp lại nối tiếp nhau để khẳng định mùa xuân, sắc xuân đang tràn ngập khắp nơi
→ Miêu tả khung cảnh mà sông nước và bầu trời như được dung hòa, đan cài làm một bởi mùa xuân
→ Khắc họa bức tranh thiên nhiên mùa xuân trong một đêm trăng rộng lớn, bát ngát vô cùng sinh động tươi đẹp, uyển chuyển.
b. Cảm nghĩ về 2 câu thơ cuối:
Yên ba thâm xứ đàm quân sự,
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.
Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.
- Hình ảnh con người: “bàn bạc việc quân” - hình ảnh con người là những chiến sĩ - tập trung bàn bạc, lo lắng cho việc nước, việc dân - dù là trong 1 đêm trăng đẹp đến như vậy.
- Thời gian:
→ Các chiến sĩ đã bàn bạc hăng say, tập trung đến rất khuya vẫn không dừng lại → Tinh thần quyết tâm, lo lắng cho tổ quốc
→ Trăng như một người chiến sĩ cũng thức cùng, lắng lo cùng với các chiến sĩ
→ Tất cả cùng tập trung, cùng đồng lòng vì sự nghiệp bảo vệ tổ quốc
→ Hình ảnh ánh trăng sáng trải đầy thuyền còn tượng trưng cho tương lai sáng rọi phía trước của đất nước khi có những con người hết lòng, hết sức vì tổ quốc như vậy.
- Hình ảnh song hành trăng - con người (nghệ sĩ - chiến sĩ) quen thuộc thường được nhắc đến trong các tác phẩm của Hồ Chí Minh, như:
“Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”
→ Khẳng định sự giao hòa cảm xúc của nhà thơ: vừa là chiến sĩ hết lòng vì đất nước, vừa là nhà thơ với tâm hồn nhạy cảm.
Kết bài
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được chúng ta biết đến với tư cách là một nhà chính trị gia xuất sắc. Đồng thời, Người cũng được biết đến là một nhà văn lỗi lạc. Tâm hồn nghệ sĩ và trái tim chiến sĩ dung hòa làm một tạo nên Hồ Chí Minh không thể nào được lặp lại. Những điều đó thầm nhuần trong các sáng tác của người. Trong đó, không thể không nhắc đến bài thơ Rằm tháng giêng.
Bài thơ được viết bằng chữ Hán theo thể thất ngôn tứ tuyệt - một thể thơ trung đại vô cùng quen thuộc. Hai câu thơ đầu, tâm hồn nghệ sĩ được thoải mái rộng mở, hô ứng với cảnh xuân vời vợi.
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,
Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên.
Chính giữa đêm khuya, trăng tròn vành vạnh, là thời điểm lãng mạn nhất của một đêm trăng. Còn gì bằng, thi sĩ ngồi trên chiếc thuyền lênh đênh trên dòng sông mà ngắm nghía cái vẻ đẹp tròn đầy của trăng. Và lại càng đẹp hơn khi đêm trăng đó lại chính là một đêm xuân. Xuân ngự trị trên cả bức tranh phong cảnh. Sắc xuân như men rượu làm người say, mà cảnh cũng say theo. Khiến dòng sông, bầu trời nhuốm đầy vẻ xuân. Tác giả dùng liên tiếp ba chữ xuân trong một câu thơ bảy chữ khiến sắc xuân phơi phới, dồn dập, đầy ắp đến tràn đầy. Hơi men mùa xuân loang ra trên dòng sông, trên mây trời, trên ánh trăng, xóa nhòa đi mọi khoảng cách. Khiến bầu trời như hòa làm một với dòng sông. Tất cả là một chiều không gian đương lúc xuân thì. Thật là một cảnh đẹp hiếm có. Khiến cho trái tim người nghệ sĩ vì thế phải say sưa.
Thế nhưng trong khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời ấy, người nghệ sĩ vẫn không bỏ quên đi nhiệm vụ cao cả của mình, không quên đi phần còn lại của con người mình: đó là một người chiến sĩ. Những con người xuất hiện trong câu thơ thông qua hình ảnh “đàm quân sự”. Dù cảnh sắc mùa xuân hữu tình hấp dẫn đến như vậy, nhưng những người chiến sĩ vẫn một lòng tập trung vào công việc. Họ hăng say, chuyên tâm nghiên cứu những đường lối, chính sách phục vụ cho công cuộc chiến đấu của dân tộc đến quên cả thời gian, quên cả không gian.
Yên ba thâm xứ đàm quân sự,
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.
Dù đêm đã rất khuya, dù cảnh sắc thiên nhiên vô cùng hấp dẫn, thì cũng không thể nào làm lung lay ý chí của người chiến sĩ ở trong chiếc thuyền kia được. Chính vì đêm khuya, nên ánh trăng chính viên, trải đầy ánh ngọc ánh ngà lên lướt cả con thuyền, dát bạc cả dòng sông. Và cũng có lẽ, đó chính là ánh sáng của tương lai rạng ngời phía trước. Rằng chiến dịch rồi sẽ thành công vang dội, người dân rồi sẽ nô nức vui mừng độc lập, nhờ có những người chiến sĩ một lòng vì nước vì dân mà quên đi tất cả trong chiếc thuyền ngoài kia.
Bài thơ Rằm tháng giêng đã khắc họa nên một bức tranh thiên nhiên vô cùng thơ mộng, hữu tình, khắc họa chân dung một người nghệ sĩ với tâm hồn nhạy cảm trong Hồ Chủ tịch. Nhưng đồng thời, hình ảnh người chiến sĩ Hồ Chí Minh cũng hiện lên rõ nét qua hình ảnh con người đàm quân sự. Như vậy, chiến sĩ - nghệ sĩ - hai con người tưởng như đối lập nay đã được dung hòa làm một, thể hiện trong một tác phẩm thơ. Nhờ đó, tạo nên một tác phẩm thơ thành công như Rằm tháng giêng.
Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam ta. Là người tiên phong dẫn lối cho đất nước ta bước ra khỏi tấm màn đen của đêm trường nô lệ. Đó là những điều người người nói đến khi nhắc về Hồ Chủ tịch. Thế nhưng, bên cạnh đó, Người còn là một nhà thơ, một người nghệ sĩ đích thực với tâm hồn nhạy cảm và những tác phẩm giàu giá trị. Trong đó, chúng ta không thể không nhắc đến bài thơ Rằm tháng giêng.
Đây là một tác phẩm thơ được viết bằng chữ Hán theo thể thất ngôn tứ tuyệt đường luật quen thuộc. Ngay cả cấu tứ bài thơ cũng không có gì quá mới khi hai câu thơ đầu dành để tả cảnh, hai câu thơ sau ngụ tình, tả người. Nhưng bằng tài năng, bằng trái tim nhạy cảm nhà thơ đã vẽ nên những câu thơ với hình ảnh hấp dẫn, sống động, và những ý thơ dạt dào tình cảm, ý nghĩa.
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,
Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên.
Mở đầu bài thơ là hình ảnh thiên nhiên vô cùng tươi đẹp. Đó là vào một đêm của mùa xuân, khi mặt trăng tròn đầy viên mãn ngự trị trên trời cao. Ấy là lúc khắp đất trời sung sướng mà vẫy vùng trong bể trăng đầy ăm ắp. Cái thứ ánh sáng trắng ngọc trắng ngà ấy phủ lên những lớp vàng, bạc óng ánh. Khiến cho đất trời như đẹp hơn, tình tứ hơn. Bởi vậy, mà sắc xuân, hương xuân cũng thấm đẫm hơn trên cảnh vật. Dòng sông, con nước, bầu trời không còn là nó của ngày hôm qua nữa. Mà khoác lên mình tấm áo mới, trở thành sông xuân, trời xuân. Hình ảnh thơ khiến người đọc lâng lâng trong cảm giác khi xuân chín nục, tỏa ngát thơm hương. Bầu trời, dòng sông được mùa xuân thấm đượm, lồng vào nhau, dây dưa khó phân. Mà có lẽ cũng chẳng cần phân tách, nên chúng cứ thế mà đan vào nhau, tuy hai mà một. Cả bức tranh thiên nhiên trở nên rộng lớn và thoáng đãng khi cả đất trời ngự về trên dòng thơ. Và từng hơi thở cũng vì thế mà nhẹ nhàng, mê say hơn, khi sắc xuân đương nồng thắm, sinh động mà luân chuyển, mà chảy âm ỉ trong lòng thơ.
Trong khung cảnh mê say ngây ngất ấy, hình ảnh con người hiện lên ẩn sau hình ảnh chiếc thuyền trôi giữa con sông. Điều đặc biệt là, những con người ấy đến nơi đây không phải để thưởng nguyệt hay đọc thơ mà là để làm việc:
Yên ba thâm xứ đàm quân sự,
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.
Những con người trong chiếc thuyền đấy là những người chiến sĩ đang tập trung để bàn bạc việc quân sự, để bảo vệ tổ quốc. Tinh thần ấy, không chút nào bị tác động, bị lay chuyển, dù là cảnh sắc tươi đẹp ở bên ngoài thuyền. Các chiến sĩ ấy bàn bạc việc quân miệt mài đến tận đêm khuya vẫn chẳng dừng lại. Đến tận quá nửa đêm, khi ánh trăng đã tắm đẫm cả con thuyền vẫn còn miệt mài suy nghĩ.
Hình ảnh ánh trăng trải đầy thuyền là một hình ảnh vô cùng thơ mộng. Ánh trăng như một người bạn, một người đồng chí luôn ở bên quan tâm, đồng hành cùng các chiến sĩ. Hình ảnh trăng - người chiến sĩ là cặp hình ảnh song hành quen thuộc trong các tác phẩm thơ của chủ tịch Hồ Chí Minh. Nó thể hiện sự gắn kết giữa con người và thiên nhiên, luôn ở bên, sát cánh cùng nhau. Ngoài ra, bức tranh sáng rọi của ánh trăng, còn thể hiện một niềm tin vững chắc về tương lai tươi sáng ở phía trước của đất nước ta. Đó là một tương lai hạnh phúc, độc lập, bình yên, như khuôn trăng tròn đầy ở trên kia.
Bài thơ Rằm tháng giêng đã xây dựng nên một đêm trăng mùa xuân tươi đẹp, hấp dẫn. Cả bài thơ khắc họa nên bầu không gian rộng lớn, thoáng đãng, trong đó xuất hiện hình ảnh con người tuy nhỏ bé, nhưng khó để bỏ qua được. Từ đó, thể hiện được tài năng, tâm thế của tác giả. Đó là một trái tim tràn đầy tình yêu thiên nhiên, nhưng vẫn không quên nhiệm vụ đối với tổ quốc. Thật không sai khi gọi Hồ Chí Minh là “nhà thơ chiến sĩ”.
Trăng luôn là niềm cảm hứng bất tận của nhiều nhà thơ, thi sĩ, trăng mang lại vẻ đẹp từ thiên nhiên lung linh huyền ảo, ánh trăng trong bài thơ “Rằm tháng giêng” của Hồ Chí Minh người ta còn cảm nhận được cả chất “nghệ sĩ” của một thi nhân.
Bài thơ được Bác viết bằng thể thơ cổ, sử dụng trong thơ ca trung đại: thất ngôn tứ tuyệt. Về sau, bài thơ được dịch giả Xuân Thủy dịch sang thể thơ lục bát với tên gọi quen thuộc đó là “Rằm tháng giêng”:
“Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.”
Bài thơ được sáng tác vào năm 1947, lúc này Bác đang bộn bề công việc, chiến trận đang diễn ra ác liệt, người chiến sĩ cách mạng Hồ Chí Minh phải vượt qua khắc nghiệt của thời đại, ngắm nhìn vầng trăng và đưa ra vần thơ tuyệt diệu:
“Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân”
Bức tranh đêm trăng đẹp được bác vẽ ra thật đẹp, lúc ấy đã về khuya, trời đã bắt đầu có những cơn gió nhẹ. Mặt trăng tròn, tỏa ánh sáng khắp nơi khiến nhân gian dòng sông trăng lấp lánh. Trăng soi màu trời, trăng soi tiếng hát, trăng soi cả những con người đang ngồi ngắm ánh trăng giữa đêm khuya với tâm trạng đầy những tâm sự. Bác sử dụng từ láy “lồng lộng” để nói về sắc thái ánh trăng đêm nay. Ánh trăng tỏa sáng như đang ấp ôm, xoa dịu những tâm hồn lo lắng nhạy cảm trước những quyết sách lớn đối với vận mệnh của đất nước.
Ánh trăng ngày xuân làm vạn vật cũng trở nên xuân. Sắc xuân từ ánh trăng chan hòa vào cảnh vật, vào thiên nhiên, vào cuộc sống:
“Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân”
Các hình ảnh “sông xuân”, “nước xuân” và “trời xuân”. Các hình ảnh trên của mùa xuân như đang soi chiếu vào lẫn nhau, tôn lên nhau làm rạng rỡ thêm cho vẻ đẹp mùa xuân. Điệp từ “xuân” lặp lại ba lần như khẳng định cảnh sắc thiên nhiên mùa xuân trong đêm rằm. Không gian ấy được mở ra theo chiều cao, chiều sâu và cả chiều rộng khiên bức tranh đêm nguyên tiêu không chỉ bó hẹp mà lại mở ra đến vô cùng vô tận.
“Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”
Vẻ đẹp thiên nhiên rực rỡ cũng không làm cho người chiến sĩ quên đi nhiệm vụ trọng đại đang gánh vác. Ánh trăng kia thấu cảm cho sự vất vả, lo toan của người thi nhân – chiến sĩ. Có lẽ chỉ cần như thế là đủ để thấy được tinh thần trách nhiệm và niềm mong muốn của Bác to lớn đến thế nào. Vầng trăng vẫn lặng lẽ dõi theo con người với tâm hồn cao đẹp đợi chờ lúc họ trở về:
“Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”
Đã đến khuya vậy mà trăng vẫn tràn ngập khắp nơi, trăng như đang chờ, đồng hành, đồng cảm cùng thi nhân. Hình ảnh “trăng ngân đầy thuyền” rất đẹp và lạ, ánh trăng soi dòng nước hay là ánh trăng “rơi xuống mạn thuyền” theo thi nhân đi vào bàn bạc quân tình, chính sự.
Trăng gắn bó với người nghệ sĩ biết trân quý vẻ đẹp của trăng và chính người nghệ sĩ ấy cũng có một tâm hồn lãng mạn mới đủ sức nhìn thấy đêm trăng đồng hành, đồng cảm. Trong hoàn cảnh chiến tranh mà con người và thiên nhiên vẫn giao cảm, đồng hành và chia sẻ cùng nhau. Tác giả phải có tâm hồn lạc quan, yêu thiên nhiên thì mới viết nên những vần thơ hay và lay động lòng người như vậy.
Bài thơ “Rằm tháng giêng” Bác đã vẽ ra bức tranh ngày xuân tuyệt đẹp và có nhiều điều trăn trở về vận mệnh ẩn sâu trong từng câu thơ. Bài thơ Rằm tháng giêng cũng cho thấy được phong thái ung dung, tinh thần lạc quan trong mọi hoàn cảnh của Bác, Bác phải có tâm hồn lạc quan, yêu thiên nhiên thì mới viết nên những vần thơ hay và lay động lòng người như vậy.
Bác Hồ vị lãnh tụ dân tộc con người giản dị và tài giỏi, bên cạnh đó Bác cũng là một thi sĩ với hồn thơ tài hoa. Bác để lại nhiều bài thơ giá trị cho nền thi ca nước nhà. “Rằm tháng Giêng” là một tác phẩm có giá trị và được nhiều người biết đến. Sau chiến dịch Việt Bắc 1947 quân ta dành ưu thế trước thực dân Pháp. Trong hoàn cảnh đó bài thơ xuất hiện như tiếp thêm tinh thần cho quân và dân ta, đồng thời thể hiện được tấm lòng của con người cách mạng vì nước vì dân của Bác Hồ.
Bản dịch:
Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền
Câu đầu tiên đó là ánh trăng đêm chiếu tỏa bao la trong đêm xuân. Hình ảnh ánh trăng được dùng rất nhiều trong các bài thơ Bác, nếu để ý các bài thơ của Bác ánh trăng xuất hiện như người bạn tri kỷ.
Câu thơ tiếp:
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Từ “xuân” lặp lại tạo ra không gian tràn đầy sắc xuân. Sông, nước, ánh trăng khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp làm cho không gian ngày xuân thêm rực rỡ.
Giữa dòng bàn bạc việc quân.
Sau khi Bác miêu cảnh thiên nhiên tựa như người thi sĩ ngắm trăng. Tuy nhiên 2 câu thơ sau cho thấy nỗi lòng của Bác, lo lắng cho tương lai cách mạng, Bác bàn bạc việc quân ở trên thuyền. Bác như giao hòa với thiên nhiên tuyệt sắc. Người luôn hết lòng vì nước vì dân. Công việc bộn bề nhưng Bác vẫn không quên thưởng thức thiên nhiên, thể hiện sự lạc quan của người cách mạng trong hoàn cảnh chiến tranh.
Câu thơ cuối:
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền
Con thuyền là ẩn dụ về thắng lợi của cách mạng. Con thuyền chứa đầy ánh trăng báo hiệu cho ngày chiến thắng không còn xa nữa. Câu thơ thể hiện được sự lạc quan, niềm tin về ngày chiến thắng của cách mạng.
Bài thơ Rằm tháng Giêng là một bài thơ hay của Bác, bài thơ miêu tả không gian thiên nhiên tuyệt đẹp trong mùa xuân. Bác và chiến sĩ bàn bạc việc quân ngay trên thuyền. Đồng thời thể hiện sự lạc quan vào tương lai của cách mạng.
Rằm tháng Giêng năm 1948, trên chiếc thuyền neo đậu giữa một dòng sông ở chiến khu Việt Bắc, Hồ Chủ tịch cùng Trung ương Đảng và Chính phủ mở cuộc họp tổng kết về tình hình quân sự thời kì đầu kháng chiến chống Pháp (1947 – 1948). Cuộc họp tan thì đêm đã khuya. Trăng rằm tỏa sáng khắp mặt đất bao la. Cảnh sông núi trong đêm càng trở nên đẹp đẽ và thơ mộng. Cảm hứng dâng cao, Bác đã ứng khẩu làm bài thơ thất ngôn tứ tuyệt bằng chữ Hán, tựa là Nguyên tiêu:
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,
Xuân sang xuân thủy tiếp xuân thiên.
Yên ba thâm xứ đàm quân sự,
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.
Sau đó, nhà thơ Xuân Thủy dịch bài thơ ra tiếng Việt dưới thể lục bát, với tên là Rằm tháng Giêng. Bản dịch giữ được gần hết ý thơ trong nguyên tác với nội dung thể hiện tình yêu thiên nhiên và lòng yêu nước thiết tha của Bác Hồ.
Nếu trong bài Cảnh khuya, Bác tả cảnh trăng đẹp chốn rừng sâu thì ở bài này, Bác tả cảnh trăng trên sông nước:
Rằm xuân lồng lộng trăng soi,
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.
Vầng trăng tròn đầy, tỏa sáng bát ngát khắp bầu trời, mặt đất trong đêm Nguyên tiêu. Khung cảnh mênh mông, tưởng như sông nước tiếp liền với bầu trời: Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân. Vạn vật ăm ắp sức xuân: sông xuân, nước xuân và trời xuân nối tiếp, giao hòa, tạo nên một vũ trụ căng đầy sức sống, làm náo nức lòng người. Điệp từ xuân được lặp lại nhiều lần với ý tạo vật cùng lòng người đều phơi phới khí thế tươi vui.
Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.
Trên một chiếc thuyền thu nhỏ giữa chốn mịt mù khói sóng (yên ba thâm xứ), Bác cùng Chính phủ và Trung ương Đảng luận bàn việc quân, việc nước. Công việc trọng đại đến chừng nào, nhất là trong hoàn cảnh buổi đầu kháng chiến đầy thiếu thốn, gian khổ. Tuy vậy, gian khổ không làm vơi đi cảm xúc, thi hứng trong lòng Bác. Buổi họp kết thúc vào lúc nửa đêm. Trăng tròn vành vạnh treo giữa trời (nguyệt chính viên) đang tỏa sáng. Cảnh sông nước trong đêm lại càng thêm thơ mộng. Dòng sông trở thành dòng sông trăng và con thuyền cũng dường như trở đầy ắp ánh trăng (trăng ngân đầy thuyền). Trước đêm trăng đẹp, tâm hồn Bác lâng lâng. Bác thả hồn hòa nhập với thiên nhiên mà Bác vốn coi là một người bạn tri âm, tri kỉ. Trong lòng Bác dâng trào một niềm vui, niềm tin vào thắng lợi của Cách mạng, của kháng chiến. Hình ảnh con thuyền trở đầy ánh trăng lướt nhẹ trên dòng sông trăng là một hình ảnh lãng mạn có ý nghĩa tượng trưng sâu sắc. Phải có một phong thái ung dung tự tại và niềm lạc quan mãnh liệt vào tương lai thì nhà thơ mới sáng tạo ra được hình tượng nghệ thuật độc đáo trong một hoàn cảnh đặc biệt như vậy.
Bài thơ Rằm tháng Giêng với âm hưởng khỏe khoắn, tươi vui đã đem lại cho người đọc cảm xúc thanh cao, trong sáng. Bài thơ là dẫn chứng tiêu biểu chứng minh Bác Hồ vừa là một lãnh tụ cách mạng tài ba, vừa là một nghệ sĩ có trái tim vô cùng nhạy cảm.
Năm 1947, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đang trong giai đoạn khó khăn, phức tạp. Chủ tịch Hồ Chí Minh với cương vị người chỉ huy tối cao của cuộc kháng chiến không khỏi âu lo, trằn trọc. Nỗi lòng ấy của Người đã được thể hiện tinh tế trong bài thơ Cảnh khuya mà chúng ta từng đọc. Bước sang năm 1948, tình hình đất nước và sự nghiệp kháng chiến có nhiều chuyển biến khả quan. Niềm vui đang trở lại. Do đó vào đêm rằm tháng giêng (âm lịch) năm đó, sau một cuộc họp bàn việc quốc kế quân cơ, Bác đã hứng khởi sáng tác bài thơ: Nguyên tiêu (Rằm tháng giêng).
Phiên âm chữ Hán:
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,
Xuân giang xuân thuỷ tiếp xuân thiên;
Yên ba thâm xứ đàm quân sự,
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.
Xuân Thuỷ dịch:
Rằm xuân lồng lộng trăng soi,
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân;
Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.
Tác phẩm thuộc thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật, nguyên văn bằng chữ Hán. Nếu chúng ta dịch nghĩa của bản phiên âm thì bài thơ ấy có thể như sau:
Nhà thơ Xuân Thuỷ dịch Nguyên tiêu sang thơ tiếng Việt chuyển thành thơ lục bát, thể hiện khá tốt nội dung, ý nghĩa, nhưng đã làm hao hụt phần nào âm điệu và ngôn từ của bài thơ nguyên tác. Do đó, khi đọc bài thơ, ta cần cố gắng kết hợp bản dịch thơ với nguyên tác thì mới cảm nhận chính xác vẻ đẹp của thơ Bác.
Bài Nguyên tiêu viết về đề tài tả cảnh thiên nhiên, rất gần với thơ Đường. Cả những hình ảnh, từ ngữ, âm điệu, vần điệu của bài thơ cũng vậy. Đọc bài thơ, lắng nghe âm điệu và thoáng qua các chất liệu tạo vật như trăng tròn, sông xuân, nước xuân, trời xuân, khói sóng, nửa đêm, đầy thuyền... ta có cảm giác thơ của Bác Hồ giống thơ của Trương Kế trong bài Phong Kiều dạ bạc (Đêm ngủ ở bến Phong Kiều), nhất là câu cuối của hai bài. Kết bài Phong Kiều dạ bạc, Trương Kế viết: "Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền". Hồ Chí Minh viết: "Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền", về vóc dáng, hai câu thơ gần giống nhau, nhưng về cốt cách, bản chất thì khác nhau một trời một vực. Nói khác đi, bài thơ Nguyên tiêu tuy sử dụng nhiều chất liệu cổ thi, nhưng vẫn là một sáng tạo nghệ thuật đặc sắc của Hồ Chí Minh, mang vẻ đẹp, sức sống và tinh thần của thời đại mới. Bác làm thơ Đường nhưng không máy móc mà đầy sáng tạo. Mỗi bài thơ của Người thể hiện tài năng và tâm hồn, trí tuệ của người chiến sĩ cách mạng hài hoà phong cách người nghệ sĩ ngày nay.
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,
Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên;
(Rằm xuân lồng lộng trăng soi,
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân)
Hai câu thơ đầu vẽ ra một bức tranh thiên nhiên đêm rằm tháng giêng sáng quá, đẹp quá. Bầu trời cao rộng, thoáng đãng. Trăng tròn đầy. Cả không gian tràn ngập sức sống, trải mênh mang tường như không có giới hạn. Tất cả đều tươi trẻ, dào dạt cảnh xuân. Dòng sông mùa xuân, nước mùa xuân nối liền với bầu trời xuân. Trong nguyên tác chữ Hán, tác giả dùng điệp từ "xuân" ba lần liền mạch, nối nhau, ngân nga như một dòng nhạc xanh êm dịu. Câu thơ có bảy tiếng thì năm tiếng có thanh không: Xuân giang, xuân..., xuân thiên mang âm hưởng bay bổng, gợi cảm giác trong trẻo, rộng lớn, thảnh thơi, thanh bình, thú vị làm sao. Nhà thơ Hồ Chí Minh vẫn dùng ngòi bút chấm phá chọn nét cảnh tiêu biểu, ấn tượng, hài hòa thống nhất với nhau, đã tạo ra một bức tranh đêm rằm tháng giêng ở chiến khu Việt Bắc năm 1948, vừa mang vẻ đẹp của tạo vật vừa ẩn dụ cho tình hình kháng chiến đầy triển vọng lúc bấy giờ. Đằng sau bức tranh ấy, là một cái nhìn, một cảm hứng, một phong thái bình tĩnh, ung dung, thanh thản của người nghệ sĩ - chiến sĩ.
Đến hai câu kết của bài thơ thì chất chiến sĩ – nghệ sĩ càng hiện rõ:
Yên ba thâm xứ đàm quân sự,
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.
(Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền)
Một cuộc họp bàn việc quốc kế quân cơ đã diễn ra trong đêm rằm tháng giêng ấy. Vị trí cuộc họp ở đâu? Ở "yên ba thâm xứ" tức là ở "trên khói sóng nơi sâu thẳm", bí mật và thiêng liêng như trong huyền thoại vậy. Thế giới từng gọi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta là "cuộc kháng chiến thần thánh", có lẽ cũng căn cứ một phần vào cơ quan đầu não - những người chỉ huy kháng chiến - tài ba, huyền thoại này chăng? Cuộc họp ấy đã bàn bạc, nhận định và quyết định những điều gì, chúng ta không biết. Song điều chắc chắn chúng ta có thể tin được là cuộc họp ấy đã thành công rực rỡ, đem lại niềm vui, niềm tin cho mọi người. Do đó, lúc tan họp, mọi người ra về giữa đêm khuya, thấy trời như sáng ra, trăng như tròn hơn, ánh trăng ăm ắp đầy cả khoang thuyền: "Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền" (Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền). Cả câu thơ nguyên tác lẫn câu thơ dịch đều đẹp. Những chiến sĩ kháng chiến chống ngoại xâm như được ngồi trên ánh sáng, tắm trong ánh trăng. Tất cả, ánh trăng rằm trên bầu trời Tổ quốc, con thuyền trên dòng sông quê hương và những tướng lĩnh của cuộc kháng chiến, tiêu biểu nhất là Hồ Chí Minh đã hòa hợp với nhau, cùng tỏa sáng cho nhau trong sức sống thanh xuân, trong niềm lạc quan và niềm tin chiến thắng.
Có thể nói, nếu bài Cảnh khuya thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu nước, mối lo âu và tinh thần trách nhiệm đối với sự nghiệp của đất nước thì bài "Nguyên tiêu" vừa nối tiếp vữa nâng cao những cảm hứng ấy của Bác Hồ, đồng thời thể hiện rõ hơn tinh thần chủ động, phong thái ung dung, lạc quan, niềm tin vững chắc ở sự nghiệp cách mạng của vị lãnh tụ, người chiến sĩ - người nghệ sĩ Hồ Chí Minh. Bài thơ vừa mang âm điệu cổ điển vừa thể hiện tinh thần thời đại, khỏe khoắn, trẻ trung. Nhờ đó, đêm rằm tháng giêng năm 1948 ấy vốn đã sáng, càng thêm sáng vì có nhiều niềm vui tỏa sáng...
CLICK NGAY nút TẢI VỀ dưới đây để tải những mẫu Cảm nghĩ về bài thơ Rằm tháng giêng file word, pdf hoàn toàn miễn phí