Logo

4 đề khảo sát chất lượng đầu năm lớp 6 môn Văn năm 2022 Phần 1

Tổng hợp bộ đề thi khảo sát đầu năm môn Ngữ Văn 6 năm 2022 Phần 1 nhằm hỗ trợ các em học sinh ôn luyện giải đề đạt hiệu quả nhất. File tải PDF hoàn toàn miễn phí.
3.2
20 lượt đánh giá

Chuẩn bị bước vào năm học mới đồng nghĩa với việc các kỳ thi kiểm tra chất lượng đầu vào sẽ diễn ra nhằm đánh giá sơ bộ năng lực của các em, từ đó có định hướng phân lớp và học tập phù hợp nhất. 

Để phục vụ ôn thi chất lượng đầu năm, chúng tôi xin giới thiệu Bộ đề thi khảo sát đầu năm lớp 6 môn Ngữ Văn năm 2022 Phần 1 từ hệ thống đề thi để giúp các em ôn luyện hiệu quả. Mời các bạn tham khảo chi tiết dưới đây.

Bộ đề thi khảo sát chất lượng đầu năm lớp 6 môn Văn năm 2022

Mời quý thầy cô và các em theo dõi chi tiết dưới đây:

Đề thi KSCL đầu năm lớp 6 môn Văn số 1

A. Đọc thầm bài văn sau:

Hương làng

Làng tôi là một làng nghèo nên chẳng có nhà nào thừa đất để trồng hoa mà ngắm.

Tuy vậy, đi trong làng, tôi luôn thấy những làn hương quen thuộc của đất quê. Đó là những mùi thơm mộc mạc chân chất.

Chiều chiều hoa thiên lí cứ thoảng nhẹ đâu đây, lọc qua không khí rồi bay nhẹ đến, rồi thoáng cái lại bay đi. Tháng ba, tháng tư, hoa cau thơm lạ lùng. Tháng tám, tháng chín, hoa ngâu cứ nồng nàn những viên trứng cua tí tẹo, ẩn sau tầng lá xanh rậm rạp. Tưởng như có thể sờ được, nắm được những làn hương ấy.

Ngày mùa, mùi thơm từ đồng thơm vào, thơm trên đường làng, thơm ngoài sân đình, sân hợp tác, thơm trên các ngõ, đó là hương cốm, hương lúa, hương rơm rạ, cứ muốn căng lồng ngực ra mà hít thở đến no nê, giống như hương thơm từ nồi cơm gạo mới, mẹ bắc ra và gọi cả nhà ngồi vào quanh mâm.

Mùa xuân, ngắt một cái lá chanh, lá bưởi, một lá xương xông, một chiếc lá lốt, một nhánh hương nhu, nhánh bạc hà...hai tay mình như cũng đã biến thành lá, đượm mùi thơm mãi không thôi.

Nước hoa ư? Nước hoa chỉ là một thứ hăng hắc giả tạo, làm sao bằng được mùi rơm rạ trong nắng, mùi hoa bưởi trong sương, mùi hoa ngâu trong chiều, mùi hoa sen trong gió...

Hương làng ơi, cứ thơm mãi nhé!

( Theo Băng Sơn )

B. Dựa vào nội dung bài đọc, khoanh tròn vào chữ cái trước ý trả lời đúng cho mỗi câu hỏi dưới đây:

Câu 1: Tác giả cho rằng mùi thơm của làng mình có là do đâu?

A. Do mùi thơm của nước hoa.

B. Do mùi thơm của cây lá trong làng.

C. Do mùi thơm của nồi cơm gạo mới.

Câu 2: Trong câu: “Đó là những mùi thơm mộc mạc chân chất”, từ “đó” chỉ cái gì?

A. Đất quê

B. Làng

C. Làn hương quen thuộc của đất quê.

Câu 3: Những hương thơm nào giống như hương thơm từ nồi cơm gạo mới?

A. Hương cốm, hương lúa, hương rơm rạ.

B. Hương hoa thiên lí, hoa ngâu, hoa cau.

C. Hương hoa sen, hoa bưởi, hoa chanh.

Câu 4: Tại sao tác giả lại cho rằng những mùi thơm đó là những mùi thơm “mộc mạc chân chất”?

A. Vì những mùi thơm đó không thơm như mùi nước hoa.

B. Vì những mùi thơm đó là những làn hương quen thuộc của đất quê.

C. Vì những mùi thơm đó không phải mua bằng nhiều tiền.

Câu 5: Từ “làn hương” thuộc từ loại nào?

A. Danh từ

B. Động từ

C. Tính từ

Câu 6: Câu: “Tháng ba, tháng tư, hoa cau thơm lạ lùng.” thuộc kiểu câu gì?

A. Câu kể Ai là gì?

B. Câu kể Ai làm gì?

C. Câu kể Ai thế nào?

Câu 7: Chủ ngữ trong câu: “Tháng ba, tháng tư, hoa cau thơm lạ lùng.” là gì?

A. Tháng ba

B. tháng tư

C. hoa cau

Câu 8: Dấu phẩy trong câu sau có tác dụng gì?

Chiều chiều hoa thiên lí cứ thoảng nhẹ đâu đây, lọc qua không khí rồi nhẹ bay đến, rồi thoáng cái lại bay đi.

A. Ngăn cách các vế câu trong câu ghép.

B. Ngăn cách các bộ phận vị ngữ trong câu.

C. Ngăn cách trạng ngữ với bộ phận chính của câu.

Câu 9: Dòng nào sau đây chỉ gồm toàn những từ láy?

A. không khí, lạ lùng, nồng nàn, no nê, hăng hắc.

B. rậm rạp, lạ lùng, nồng nàn, no nê, hăng hắc.

C. rơm rạ, rậm rạp, nồng nàn, no nê, hăng hắc.

Câu 10: Hai câu sau liên kết với nhau bằng cách nào?

Tuy vậy, đi trong làng, tôi luôn thấy những làn hương quen thuộc của đất quê. Đó là những mùi thơm mộc mạc chân chất.

A. Thay thế từ ngữ

B. Lặp từ ngữ

C. Dùng từ ngữ nối

II. Tập làm văn

Đề bài: Em hãy tả hình dáng và những nết tốt của một người bạn đã học cùng lớp với em ở trường Tiểu học mà em quý mến.

Đề khảo sát chất lượng đầu năm lớp 6 môn Văn số 2

I. Phần Văn - Tiếng Việt: (2.0 điểm)

Đọc kỹ đoạn thơ sau rồi trả lời các câu hỏi bên dưới:

Chú bé loắt choắt

Cái xắc xinh xinh

Cái chân thoăn thoắt

Cái đầu nghênh nghênh

Câu 1: Xác định từ láy trong đoạn thơ trên? Những từ nào là láy bộ phận, từ nào là láy toàn bộ? (1.0 điểm)

…………………………………………………………………………………………………………………………………………

Câu 2: Nêu nội dung chính của đoạn thơ trên? (1.0 điểm)

…………………………………………………………………………………………………………………………………………

II. Phần tập làm văn: (8.0 điểm)

Em hãy tả một người mà em yêu thích.

…………………………………………………………………………………………………………………………………………

Đề thi khảo sát đầu năm lớp 6 môn Văn số 3

I. PHẦN TRẮC NGHIỆM ( 2 điểm ).

Khoanh tròn vào chữ cái mà em cho là đúng nhất cho mỗi câu hỏi sau:

Câu 1: Nhóm từ nào sau đây không đồng nghĩa với nhau?

A. cần cù, chăm chỉ

B. ăn, xơi

C. biếu, tặng

D. thật thà, chăm chỉ

Câu 2: Cặp từ nào dưới đây không trái nghĩa với nhau?

A. xấu – đẹp

B. chăm – lười

C. ngu – dốt

D. trắng – đen

Câu 3: Các từ sau đây đồng âm với nhau , đúng hay sai?

Đá bóng , nước đá , hòn đá

A. Đúng

B. Sai

Câu 4: Từ nào sau đây là từ Hán Việt?

A. đất nước

B. sông núi

C. giang sơn

D. nước nhà;

Câu 5: Từ nào sau đây không phải là từ láy?

A. rì rào

B. hoàng hôn

C. lấp lánh

D. xôn xao

Câu 6: Câu văn : “Trời mưa to quá nên tôi đi học muộn .” là câu đơn hay câu ghép?

A. câu đơn

B. câu ghép

Câu 7: Chọn từ nào là thích hợp để điền vào chỗ trống trong câu văn sau:

“Mặt trời mọc, sương ...”

A. tan dần

B. mất dần

C. biến mất

D. rơi dần;

Câu 8: Câu văn sau sử dụng biện pháp nghệ thuật gì?

“Chú gà trống cất tiếng gáy vang :Ò ó o …,tiếng gáy của nó chẳng khác gì như một hồi kèn xung trận, thúc giục mọi người thức dậy chào đón một ngày mới bắt đầu ”

A. So sánh

B. nhân hoá

C.cả A B đều đúng

II. PHẦN TỰ LUẬN (8 điểm)

Tả lại dòng sông quê em.

Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm lớp 6 môn Văn số 4

Câu 1 (1 điểm)

a. Em hãy tìm 3 từ đồng nghĩa với từ Tổ quốc

Ôi Tổ quốc giang sơn hùng vĩ

Đất anh hùng của thế kỷ hai mươi!

b. Tìm các cặp từ trái nghĩa trong các thành ngữ, tục ngữ dưới đây.

Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay

Ra sông nhớ suối có ngày nhớ đêm.

(Tố Hữu)

Lá lành đùm lá rách.

Câu 2 (1 điểm)

Cho đoạn văn sau:

"Cứ mỗi năm, cây gạo lại xòe thêm được một tán lá tròn vươn cao lên trời xanh. Thân nó xù xì, gai góc, mốc meo, vậy mà lá thì xanh mởn, non tươi, dập dờn đùa với gió. Vào mùa hoa, cây gạo như đám lửa đỏ ngang trời hừng hực cháy. Bến sông bừng lên đẹp lạ kì."

(Trích Cây gạo ngoài bến sông -Tiếng Việt 5 tập 2)

a) Xếp các từ sau thành từ ghép và từ láy: trời xanh, xù xì, non tươi, dập dờn.

b) Câu văn: "Vào mùa hoa, cây gạo như đám lửa đỏ ngang trời hừng hực cháy" tác giả sử dụng biện pháp tu từ gì?

Câu 3 (2 điểm)

Trong truyền thuyết "Con Rồng, cháu Tiên" (Ngữ văn 6, tập 1) có nhiều chi tiết tưởng tượng kì ảo. Hãy chỉ ra một vài chi tiết và nêu ý nghĩa nghệ thuật của chi tiết đó?

Câu 4 (1 điểm)

Tìm quan hệ từ thích hợp với mỗi chỗ trống trong câu văn sau để tạo ra 3 câu ghép chỉ quan hệ tương phản:

................Mai đau chân................Mai vẫn đi học.

Câu 5: Tập làm văn (5 điểm)

Ngôi trường Tiểu học đã gắn bó sâu sắc với tuổi thơ em, em hãy tả lại ngôi trường yêu dấu đó.

►►CLICK NGAY vào nút TẢI VỀ dưới đây để tải về 4 đề khảo sát chất lượng đầu năm lớp 6 môn Văn năm 2022 Phần 1 file PDF hoàn toàn miễn phí.

Đánh giá bài viết
3.2
20 lượt đánh giá
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
Copyright © 2020 Tailieu.com