Logo

Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn trường THPT Đông Hà 2020 (Có đáp án)

Đề thi thử vào 10 môn Văn trường THPT Đông Hà năm 2020 có lời giải chi tiết, được chúng tôi cập nhật mới nhất từ hệ thống kho đề thi, đề kiểm tra tuyển sinh lớp 10. Hỗ trợ học sinh ôn luyện hiệu quả
5.0
1 lượt đánh giá

Để chuẩn bị cho kì thi vào vào lớp 10 sắp tới, chúng tôi sưu tầm và giới thiệu các em tài liệu Đề thi thử môn Văn vào lớp 10 trường trung học phổ thông Đông Hà tỉnh Quảng Trị năm 2020 có lời giải đi kèm, từ hệ thống kho đề thi tuyển sinh vào lớp 10 trên cả nước. Nhằm giúp các em ôn tập, rèn luyện giải các dạng đề thi khác nhau để chuẩn bị tốt cho kì thi chuyển cấp quan trọng của các em học sinh lớp 9.

Tham khảo thêm một số đề thi thử vào lớp 10 môn học khác:

Đề thi thử tuyển sinh lớp 10 môn văn THPT Đông Hà 2020

I. Đọc hiểu (4,0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi nêu ở dưới:

TIẾNG VỌNG RỪNG SÂU

Có một cậu bé ngỗ nghịch hay bị mẹ khiển trách. Ngày nọ giận mẹ, cậu chạy đến một thung lũng cánh rừng rậm. Lấy hết sức mình, cậu thét lớn: “Tôi ghét người”. Khu rừng có tiếng vọng lại: “Tôi ghét người”. Cậu bé hốt hoảng quay về, sà vào lòng mẹ khóc nức nở. Cậu bé không sao hiểu được từ trong rừng lại có tiếng người ghét cậu.

Người mẹ cầm tay con, đưa cậu trở lại khu rừng. Bà nói: “Giờ thì con hãy hét thật to: Tôi yêu người". Lạ lùng thay, cậu bé vừa dứt tiếng thì có tiếng vọng lại: “Tôi yêu người”. Lúc đó, người mẹ mới giải thích cho con hiểu: “Con ơi, đó là định luật trong cuộc sống của chúng ta. Con cho điều gì, con sẽ nhận điều đó. Ai gieo gió thì ắt gặt bão. Nếu con thù ghét người thì người cũng thù ghét con. Nếu con yêu thương người thì người cũng yêu thương con".

(Theo Quà tặng cuộc sống. NXB Trẻ, 2002)

Câu 1. (0,5 điểm)

Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.

Câu 2. (0,5 điểm)

Xác định và gọi tên thành phần biệt lập trong câu sau: “Con ơi, đó là định luật trong cuộc sống của chúng ta.”

Câu 3. (1,0 điểm)

Thông điệp mà câu chuyện trên mang đến cho người đọc.

Câu 4. (2,0 điểm)

Viết đoạn văn (khoảng 10 dòng) trình bày suy nghĩ của em về vấn đề cho và nhận trong cuộc sống.

II. Làm văn (6,0 điểm)

Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:

....Ta làm con chim hót 

Ta làm một cành hoa 

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến.

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc....

(Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải, SGK Ngữ văn 9, tập hai, tr.56)

Đề thi thử tuyển sinh lớp 10 môn Ngữ văn năm 2020 THPT Đông Hà

Đáp án đề thi thử vào 10 môn Ngữ văn trường THPT Đông Hà

I. Đọc hiểu (4,0 điểm)

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là tự sự

Câu 2: Thành phần biệt lập gọi đáp.

Câu 3: Câu chuyện đề cập đến mối quan hệ giữa “cho” và “nhận” trong cuộc đời mỗi con người. Khi con người trao tặng cho người khác tình cảm gì thì sẽ nhận lại được tình cảm đó.Đấy là mối quan hệ nhân quả và cũng là quy luật tất yếu của cuộc sống.

Câu 4: 

I. Mở bài

- Nhà thơ Tố Hữu có câu “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

- Giữa cuộc sống bộn bề lo âu, chúng ta rất cần những yêu thương và sẻ chia, dù nó bình dị, nhỏ nhoi nhưng đó là một tấm lòng đáng trân trọng. Trao đi yêu thương để nhận lại yêu thương vốn dĩ là một quy luật trong cuộc sống. Đó vẫn là một mối quan hệ nhân quả giữa “cho” và “nhận” mà đôi khi ta không nhận ra.

II. Thân bài

1. Giải thích

- Cho chính là sự san sẻ, giúp đỡ, yêu thương xuất phát từ tâm, từ tim của một người. Dù “cho” rất nhỏ, nhất đời thường nhưng đó là cả một tấm lòng đang quý.

- Nhận chính là được đáp trả, được đền ơn.

- Cho và nhận là một mối quan hệ nhân quả nhưng ẩn chứa trong đó rất nhiều mối quan hệ tương trợ, bổ sung cho nhau.

2. Bàn luận

a) Biểu hiện của cho và nhận

- Trong cuộc sống quanh ta, đâu đó vẫn còn những mảnh đời bất hạnh, đau khổ cần rất nhiều sự sẻ chia, giúp đỡ, bao dung, rộng lượng. Họ cần chúng ta chia ngọt sẻ bùi.

- Chúng ta trao đi yêu thương chúng ta sẽ nhận lại sự thanh thản và niềm vui trong tâm hồn. Dù cái chúng ta nhận lại không phải là vật chất, là những thứ hiển hiện, chỉ là niềm vui, là sự an nhiên mà thôi.

- Khi trao đi hạnh phúc cho người khác, chúng ta mới cảm thấy rằng cuộc sống của mình thực đáng sống và đáng trân trọng. Có nhiều người làm từ thiện cả một đời, họ trao đi rất nhiều mà chẳng mong nhận lại điều gì. Nhưng thứ họ nhận được là sự nhẹ nhõm và bình an trong tâm mình.

- Những người đang cho đi, đôi khi sự nhận lại không phải trong phút chốc, cũng không hẳn nó sẽ hiển hiện ngay trước mắt. Điều bạn nhận lại có khi là cả một quá trình, sau này bạn mới nhận ra mình được đáp trả nhiều hơn cái cho đi đó.

b) Ý nghĩa của cho và nhận

- Cho và nhận là những quy luật của tự nhiên và xã hội loài người. Trong xã hội, vấn đề này càng cần được nhận thức rõ ràng: không cho thì không thể nào nhận được.

- Cho và nhận xứng đáng được ngợi ca với tinh thần ta biết sống vì người khác, một người vì mọi người.

- Cho là một hạnh phúc, vì phải có mới cho được, điều đó càng có ý nghĩa khi cái ta cho không chỉ là vật chất, tiền bạc mà là lòng nhân ái.

- Xã hội càng phát triển, vấn đề cho và nhận càng được nhận thức rõ ràng. Muốn đời sống được nâng lên, mỗi cá nhân phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ, sáng tạo trong nghiên cứu, ứng dụng. Có như vậy, bằng tài năng và sức lực, mới góp phần làm giàu cho Tổ quốc, làm giàu cho bản thân. Khi đó, cái mà ta cho cũng là cái ta nhận. Trong cuộc sống, nếu chỉ cho mà không nhận thì khó duy trì lâu dài, nhưng nếu như cho và lại đòi hỏi được đền đáp thì sự cho mất đi giá trị đích thực của nó.

c) Mở rộng, phản đề

- Cho và nhận đáng phê phán khi: những kẻ tham lam tàn nhẫn sống trên mồ hôi nước mắt của người khác, kẻ tầm thường chỉ muốn nhận muốn vay mà không muốn cho, muốn trả.

- Phê phán một bộ phận lớp trẻ hiện nay chỉ biết nhận từ cha mẹ, từ gia đình, người thân… để rồi sống ích kỉ, vô cảm, không biết chia sẻ với bạn bè, đồng loại.

3. Bài học nhận thức và hành động

- Cuộc sống của mỗi người sẽ trở nên tầm thường nếu chỉ biết nhận mà không biết cho. Vì thế, sống, hãy đừng chỉ biết nhận lấy, mà còn học cách cho đi.

III. Kết bài

- Hãy mở rộng lòng mình để cảm nhận cuộc sống. Hãy yêu thương nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn để xã hội càng văn minh, để cái nắm tay giữa con người với con người thêm ấm áp.

II. Làm văn

Bài văn tham khảo:

Khi đất nước đang trên đà đi lên chủ nghĩa xã hội, hòa nhập với cộng đồng khi cần những con người biết hi sinh, biết cống hiến. Thanh Hải là một trong những nhà thơ tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ, dù sức khỏe không tốt. Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” đã phần nào nêu lên ước nguyện nhỏ nhoi nhưng có ý nghĩa lớn đối với đất nước. Đặc biệt trong hai khổ thơ:

Ta làm con chim hót

Ta làm một nhành hoa

Ta nhập cùng hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi đôi mươi

Dù là khi tóc bạc

Thật vậy, xuyên suốt bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” là niềm vui phơi phới của tác giả trước sự đổi thay mạnh mẽ của đất nước. Một con người đầy nhiệt huyết và khao khát được cống hiến cho đất nước như Thanh Hải thật đáng ngưỡng mộ, trân trọng.

Thanh Hải ước nguyện thật đơn giản, mộc mạc nhưng có ý nghĩa khái quát lớn đối với mỗi người, đặc biệt là người trẻ:

Ta làm con chim hót

Ta làm một nhành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến

Không mơ ước cao xa, vĩ đại, “ta” chỉ ước những điều nhỏ nhoi, bình dị nhưng không phải người nào cũng có thể làm được. “Con chim hót”, “một nhành hoa”... tưởng chừng là những điều bình dị, đơn giản với vẻ đẹp âm thầm và lặng lẽ nhưng lại có ý nghĩa lớn đối với mạch thơ. Tác giả chỉ nguyện hóa thân thành con chim có thể cất vang tiếng hót làm vui vẻ cuộc sống này, được tự do tung bay đến những chân trời mới phục vụ cho nhân dân. Ước làm một nhành hoa để tỏa hương và khoe sắc làm giàu đẹp và phong phú hơn cho quê hương, đất nước. Mặc dù nguyện ước này có phần lạ kì nhưng nó chân chất và gần gũi với đời sống hằng ngày.

Và Thanh Hải còn hi vọng rằng chút cống hiến bé nhỏ của mình sẽ hòa vào biển người rộng lớn, đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến

Chỉ là “một nốt trầm” rất nhỏ nhập vào bản hòa ca nhiều thanh sắc cũng đã khiến cho tác giả quá mãn nguyện, quá hài lòng. Chính tấm chân tình của tác giả khiến người đọc không thể kìm được dòng cảm xúc. Và rồi tự Thanh Hải nhận mình là “một mùa xuân nho nhỏ” giữa mùa xuân lớn của đất nước. Dù mùa xuân ấy lặng lẽ và âm thầm hi sinh, cống hiến nhưng đó là nguyện ước của một con người khát sống, khát yêu thương.

Mùa xuân nho nhỏ nhưng lại có ý nghĩa vô cùng lớn lao. Một mùa xuân nhỏ, góp thành mùa xuân lớn, tích tiểu thành đại là việc mà mỗi người chúng ta cần phải làm, cần phải cố gắng để cống hiến. Và những nguyện ước bình dị nhưng lớn lao đó đã thôi thúc tác giả cống hiến mà không đòi hỏi, chỉ lặng lẽ âm thầm như vậy:

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc

Một ý niệm về thời gian giàu triết lí nhân sinh. Thời gian là tuổi trẻ hay là tuổi già thì cống hiến vẫn luôn là điều cần thiết, không cần phải có suy nghĩ trẻ mới nên cống hiến. Đó là một tấm lòng rất mực cao cả của Thanh hải.

Những lời thơ nhẹ nhàng, chân tình của Thanh Hải cùng với nguyện ước bình dị đã lắng lại trong lòng người đọc nhiều dư âm nhất.

Tham khảo đề thi thử vào lớp 10 khác:

Ngoài ra các em học sinh và thầy cô có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu hữu ích hỗ trợ ôn luyện thi môn ngữ văn khác được cập nhật liên tục tại chuyên trang của chúng tôi.

►►CLICK NGAY vào nút TẢI VỀ dưới đây để tải về đề thi thử môn văn vào 10 năm 2020 trường THPT Đông Hà - Quảng Trị, hỗ trợ tải file word, pdf hoàn toàn miễn phí.

Đánh giá bài viết
5.0
1 lượt đánh giá
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
Copyright © 2020 Tailieu.com