Logo

Soạn văn 9 VNEN bài Chương trình địa phương tổng kết phần văn bản nhật dụng

Soạn văn 9 VNEN bài Chương trình địa phương tổng kết phần văn bản nhật dụng trang 63 gợi ý trả lời các câu hỏi trong sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 9 tập 2 chương trình mới ngắn gọn, chính xác nhất.
5.0
1 lượt đánh giá

Nội dung hướng dẫn giải Bài: Chương trình địa phương tổng kết phần văn bản nhật dụng được chúng tôi biên soạn bám sát bộ sách giáo khoa môn Ngữ văn 9 chương trình mới (VNEN). Là tài liệu tham khảo hữu ích giúp các em học tốt môn Văn lớp 9.

A. Hoạt động khởi động - Bài: Chương trình địa phương tổng kết phần văn bản nhật dụng

1. Đọc truyện cười sau và thực hiện yêu cầu:

Anh học trò bước vào cổng, thấy con chó chạy ra sủa, nhe răng dữ tợn nên hoảng sợ định đi ra. Chủ nhà thấy vậy nói với anh:

- Anh sợ nó à? Con chó nhà tui, không có răng mô!

Anh học trò ngạc nhiên nói:

- Tôi thấy nó nhe nguyên cả hai hàm răng mà sao anh lại bảo là nó không có răng.

a) Chỉ ra từ ngữ địa phương trong câu chuyện.

b) Vì sao câu chuyện gây cười?

Bài làm:

a) Từ ngữ địa phương trong câu chuyện: tui, răng mô.

b) Câu chuyện gây cười do sự hiểu nhầm trong hội thoại giữa anh học trò và chủ nhà.

Chủ nhà nói không răng mô tức là không sao đâu.

Anh học trò lại hiểu nhầm là chủ nhà nói con chó không răng (bộ phận cứng, sắc, nhọn dùng để nhai, cắn thức ăn ở trong miệng).

B. Hoạt động hình thành kiến thức - Bài: Chương trình địa phương tổng kết phần văn bản nhật dụng

1. Luyện tập về chương trình địa phương

Đọc đoạn trích và thực hiện yêu cầu:

a) Mỗi lần bị xúc động, vết thẹo dài bên má phải lại đỏ ửng lên, giần giật, trông rất dễ sợ. Với vẻ xúc động ấy và hai tay vẫn đưa về phía trước, anh chầm chậm bước tới, giọng lặp bặp run run:

- Ba đây con!

- Ba đây con!

(Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà)

b) Nghe mẹ nó bảo gọi ba vào ăn cơm thì nó bảo lại:

- Thì má cứ kêu đi.

Mẹ nó đâm nổi giận, quơ đũa bếp dọa đánh, nó phải gọi nhưng lại nói trổng:

- Vô ăn cơm!

Anh Sáu vẫn ngồi im, giả vờ không nghe, chờ nó gọi "ba vô ăn cơm". Con bé cứ đứng trong bếp nói vọng ra:

- Cơm chín rồi! - Anh cũng không quay lại. Con bé bực quá, quay lại mẹ và bảo:

- Con kêu rồi mà người ta không nghe.

(Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà)

c) Bữa sau, đang nấu cơm thì mẹ nó chạy đi mua thức ăn. Mẹ nó dặn, ở nhà có gì cần thì gọi ba giúp cho. Nó không nói không rằng, cứ lui cui dưới bếp. Nghe nồi cơm sôi, nó giở nắp, lấy đũa bếp sơ qua - nồi cơm hơi to, nhắm không thể nhắc xuống để chắt nước được, đến lúc đó nó mới nhìn lên anh Sáu. Tôi nghĩ thầm, con bé đang bị dồn vào thế bí, chắc nó phải gọi ba thôi. Nó nhìn dáo dác một lúc rồi kêu lên:

- Cơm sôi rồi, chắt nước giùm cái! - Nó cũng lại nói trổng.

(Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà)

d) Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời.

(Thanh Hải, Một mùa xuân nho nhỏ)

(1) Điền từ ngữ địa phương trong các đoạn trích trên và từ ngữ toàn dân tương ứng vào bảng sau:

Đoạn trích

Từ ngữ địa phương

Từ ngữ toàn dân tương ứng

a)

 

 

b)

 

 

c)

 

 

d)

 

 

Bài làm:

Đoạn trích

Từ ngữ địa phương

Từ ngữ toàn dân tương ứng

a)

Thẹo

Dễ sợ

Lặp bặp

Ba

Sẹo

Sợ lắm

Lắp bắp

Bố, cha

b)

Kêu

Đâm

Đũa bếp

Nói trổng

Mẹ

Gọi

Trở thành

Đũa cả

Nói trống không

Vào

c)

Bữa sau

Lui cui

Nhắm

Giở nắp

Dáo dác

Giùm

Hôm sau

Lúi húi

Cho là

Mở nắp

Nháo nhác

Giúp

d)

Chi

(2) Có nên để cho nhân vật Thu trong truyện Chiếc lược ngà dùng từ ngữ toàn dân không? Tại sao?

Bài làm:

Không nên để nhân vật Thu dùng từ ngữ toàn dân vì tuổi em còn nhỏ. Em chưa được đi nhiều, tiếp xúc và biết nhiều những từ ngữ địa phương nên ngôn ngữ của em vẫn đậm đà chất Nam Bộ - địa phương em sinh sống. Bên cạnh đó, việc dùng từ địa phương sẽ giúp cho cô bé trở nên đáng yêu và đậm chất Nam Bộ hơn.

(3) Tại sao trong lời kể chuyện của tác giả cũng có những từ ngữ địa phương?

Bài làm:

Vì bối cảnh câu chuyện là một vùng quê Nam Bộ với nhân vật là những con người thuộc vùng quê ấy nên việc trong lời kể chuyện của tác giả cũng có những từ ngữ địa phương giúp cho câu chuyện mang đậm sắc thái Nam Bộ hơn, trở nên gần gũi, chân thực hơn.

2. Luyện tập về văn bản nhật dụng

a) Chương trình Ngữ văn THCS đã xác định rõ: “Khái niệm văn bản nhật dụng không phải là khái niệm thể loại, cũng không chỉ kiểu văn bản. Nó chỉ đề cập tới chức năng, đề tài và tính cập nhật của nội dung văn bản mà thôi.”

Hãy cho biết thế nào là tính cập nhật của văn bản nhật dụng?

Bài làm:

Tính cập nhật của văn bản nhật dụng là tính kịp thời trong việc đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của cuộc sống hằng ngày, cuộc sống hiện đại, thể hiện rõ ở chức năng, đề tài. Các đề tài có tính cập nhật đó là phải gắn với cuộc sống bức thiết hằng ngày, gắn với những vấn đề cơ bản của cộng đồng. Cái thường nhật gắn với cái lâu dài của sự phát triển lịch sử xã hội.

b) Hoàn thiện bảng sau về các văn bản nhật dụng đã học trong chương trình Ngữ văn THCS:

Lớp

Tên văn bản

Nội dung chính

Thể loại

6

 

 

 

7

 

 

 

8

 

 

 

9

 

 

 

Bài làm:

Lớp

Tên văn bản

Nội dung chính

Thể loại

6

Cầu Long Biên - Chứng nhân lịch sử.

Di tích lịch sử

Bút kí

Bức thư của thủ lĩnh da đỏ

Quan hệ giữa thiên nhiên và con người

Thư từ

Động Phong Nha

Danh lam thắng cảnh

Thuyết minh

7

Cổng trường mở ra

Giáo dục

Hồi kí

Mẹ tôi

Vai trò của người phụ nữ

Truyện ngắn

Cuộc chia tay của những con búp bê

Mái ấm gia đình

Truyện ngắn

Ca Huế trên sông Hương

Văn hóa

Bút kí

8

Thông tin về Ngày trái đất năm 2000

Môi trường

Thông báo

Ôn dịch thuốc lá

Tệ nạn xã hội

Nghị luận

Bài toán dân số

Dân số và tương lai loài người

Nghị luận

9

Phong cách Hồ Chí Minh

Giữ gìn bản sắc dân tộc và hội nhập thế giới

Thuyết minh

Đấu tranh cho một thế giới hòa bình

Bảo vệ hòa bình, chống chiến tranh

Xã luận

Tuyên bố thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em.

Quyền sống của con người

Nghị luận

3. Luyện tập về thơ

a) Phân tích ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh con cò trong bài thơ cùng tên của Chế Lan Viên.

Bài làm:

Đoạn 1: Qua những lời ru quen thuộc, thắm thiết của mẹ, hình ảnh “con cò” đã đến với tâm hồn tuổi ấu thơ một cách vô thức. Những câu ca dao thể hiện ý nghĩa phong phú của biểu tượng con cò: đó là hình ảnh bình dị đặc trưng của làng quê Việt Nam.

Đoạn 2: Con cò trở thành biểu tượng của lòng mẹ bền bỉ, dịu dàng với con. Cánh cò trở thành người bạn đồng hành suốt cuộc đời con từ khi trong nôi cho đến lúc con trưởng thành.

Đoạn 3: Hình tượng con cò được khai thác ở ý nghĩa tượng trưng cho tấm lòng người mẹ lúc nào cũng theo sát bên con. Dù là ở đâu, dù là lúc nào, dù là cuộc sống có nhọc nhằn ra sao thì mẹ vẫn luôn ở bên con. Hình tượng ấy được nhà thơ nhấn mạnh, khái quát thành một quy luật sâu sắc, bền vững của tình mẫu tử.

b) Nêu ý nghĩa của các hình ảnh ẩn dụ: mặt trời, vầng trăng, tràng hoa trong bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương.

Bài làm:

  • Hình ảnh mặt trời: “mặt trời trong lăng” là hình ảnh ẩn dụ đầy sáng tạo ngầm chỉ Bác Hồ kính yêu. Bác Hồ chính là nguồn ánh sáng, nguồn sức mạnh lớn lao và vĩ địa của dân tộc Việt Nam. Bác đã đem đến ánh sáng của Đảng, của cách mạng để soi đường dẫn lối cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do, thống nhất đất nước. Thông qua hình ảnh ẩn dụ đó, tác giả vừa ca ngợi sự vĩ đại, vừa thể hiện lòng kính yêu của nhân dân đối với Bác.
  • Hình ảnh vầng trăng: “vầng trăng sáng dịu hiền” là hình ảnh ẩn dụ cho tâm hồn sáng trong, thanh cao, đẹp đẽ và cao cả của Bác. Đồng thời hình ảnh vầng trăng còn gợi ta nhớ đến những bài thơ tràn ngập ánh trăng của Người.
  • Hình ảnh tràng hoa đã trở thành hình ảnh ẩn dụ cho tấm lòng, cho sự kính yêu, niềm ngưỡng vọng lãnh tụ. Cuộc đời mỗi người đã nở hoa dưới ánh sáng của Bác.

c) Phân tích những từ ngữ, hình ảnh thể hiện sự cảm nhận tinh tế của Hữu Thỉnh về những chuyển biến của đất trời lúc giao mùa trong bài Sang thu.

Bài làm:

  • Động từ “phả” được sử dụng hết sức đặc sắc và có hồn giúp gợi hương ổi chín như đang quyện lại, nồng nàn và lan toa trong không gian.
  • Nghệ thuật nhân hóa qua từ láy “chùng chình” khiến cho làn sương mùa thu dường như cũng mang theo tâm trạng. Màn sương nửa đi, nửa ở như đang chờ đợi ai hay lưu luyến điều gì.
  • Nghệ thuật nhân hóa qua từ láy “dềnh dàng” khiến dòng sông mùa thu như đang trầm xuống, đang ngẫm nghĩ, suy tư. Dòng sông trở nên thật có tình.
  • Những cụm từ “vẫn còn”, “đã vơi dần”, “cũng bớt”,… là một cách nói mơ hồ thể hiện một sự nhạy cảm đầy tinh tế của tác giả.
  • Hình ảnh Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu là một sự liên tưởng thú vị - một hình ảnh đầy chất thơ của tác giả. Đông từ "vắt" được sử dụng hết sức tinh tế và đắt giá để gợi ra hình ảnh đám mây như đang mải mê lấn sang màu thu nhưng vẫn còn chút gì đó vấn vương mùa hạ. Cái cách “vắt nửa mình” thật thi vị. Hình ảnh “đám mây” vắt ngang trên bầu trời tựa như một cây cầu bắc ngang hai bến hạ - thu.

C. Hoạt động vận dụng - Bài: Chương trình địa phương tổng kết phần văn bản nhật dụng

2. Tìm 3 – 5 câu ca dao có sử dụng từ ngữ địa phương. Gạch dưới những từ ngữ địa phương đó và chuyển sang từ ngữ toàn dân tương ứng.

Bài làm:

Đường  xứ Nghệ quanh quanh -> vào
Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ.

Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng, mênh mông bát ngát, -> này
Đứng bên  đồng ngó bên ni đồng, cũng bát ngát mênh mông. -> kia

Tay bưng đĩa muối mà lầm

Vừa đi vừa húp  ầm xuống mương. -> ngã

Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng

Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi. -> bạn

Tay bưng dĩa muối dĩa gừng -> đĩa

Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau.

3. Viết bài tập làm văn số 7 – Nghị luận văn học

Đề bài tham khảo

Đề 1: Lấy nhan đề "Tình đời trong chiếc lá", em hãy viết bài nêu suy nghĩ của mình về đoạn trích truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng của O Hen-ri.

Đề 2: Vẻ đẹp mộng mơ và ý nghĩa sâu sắc của bài thơ Mây và sóng của Ta – go.

Đề 3: Phân tích hình ảnh bếp lửa trong bài thơ cùng tên của Bằng Việt.

Bài làm:

Đề 3: Phân tích hình ảnh bếp lửa trong bài thơ cùng tên của Bằng Việt.

Tuổi thơ của mỗi người dù có qua thì vẫn sẽ luôn để lại trong ta những dư âm khó phai mờ. Với nhà thơ Xuân Quỳnh, cái dư âm ấy là “Tiếng gà trưa”, với tác giả Tế Hanh, dư âm ấy lại là dòng sông quê êm ả. Còn đối với nhà thơ Bằng Việt, lắng đọng sâu xa trong tâm khảm của ông chính là hình ảnh bếp lửa đơn sơ mà thân thuộc, gắn liền với những kỉ niệm xúc động về người bà yêu dấu. Từ hình ảnh khó quên ấy của tuổi thơ, Bằng Việt đã viết nên bài thơ “Bếp lửa” đầy xúc động.

Hình ảnh bếp lửa đã khơi nguồn cho dòng hồi tưởng, cảm xúc về bà của tác giả:

Một bếp lửa chờn vờn sương sớm

Một bếp lửa ấp iu nồng đượm

Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.

Tác giả nói “một bếp lửa” là nhắc đến một điều rất riêng tư đã khắc sâu một dấu ấn không bao giờ phai mờ trong kí ức của mình. Bếp lửa là một hình ảnh rất thân thuộc, gần gũi với mỗi gia đình Việt. Ba tiếng “một bếp lửa” được nhắc lại hai lần, trở thành điệp khúc mở đầu bài thơ với giọng điệu sâu lắng, như gợi lên dòng cảm xúc nghẹn ngào đang trào dâng trong lòng tác giả. Hình ảnh “Bếp lửa chờn vờn sương sớm” gợi tả một bếp lửa có thật, được cảm nhận bằng thị giác, ẩn hiện trong làn sương sớm mờ ảo. Đó là một hình ảnh rất thực và đẹp, một vẻ đẹp lung linh nhưng vẫn rất gần gũi. “Bếp lửa ấp iu nồng đượm” gợi lên sự thân thương, ấp ủ. Từ láy “ấp iu” gợi bàn tay kiên nhẫn, khéo léo và tấm lòng chi chút của người nhóm lửa, lại rất chính xác với công việc nhóm bếp cụ thể. Hình ảnh bếp lửa đã đánh thức rất tự nhiên dòng hồi tưởng của cháu về bà: “Cháu thương bà biết mấy nắng mưa”. Tình thương tràn đầy của cháu đã được bộc lộ một cách trực tiếp và giản dị. Cụm từ “biết mấy nắng mưa” gợi lên cuộc sống lam lũ, vất vả, cực nhọc của người bà. Đọng lại trong lòng người đọc chính là chữ “thương” đầy sự thấu hiểu và biết ơn của người cháu. Ba câu thơ mở đầu đã diễn tả cảm xúc đang dâng lên cùng với những kí ức, hồi tưởng của tác giả về bếp lửa, về bà, là sự khái quát tình cảm của người cháu với cuộc đời lam lũ của người bà.

Hình ảnh bếp lửa luôn gắn liền với hình ảnh người bà cùng những kỉ niệm khó phai của tuổi thơ tác giả. Những kí ức tuổi thơ ùa về trong tâm trí, nhà thơ Bằng Việt như thấy lại cả một khoảng trời thơ ấu bên cạnh bà với một cuộc sống có nhiều gian khổ, thiếu thốn nhọc nhằn nhưng chứa chan tình bà cháu:

Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói

Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi

Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy

Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu

Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay.

Lẽ thường, vui thì người ta cũng nhớ, nhưng những kỉ niệm buồn thường sâu đậm hơn nhiều. Tuổi thơ ấy có bóng đen ghê rợn, đau buồn của nạn đói năm 1945. Đó là năm "đói mòn đói mỏi", "bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy". Cụm từ “đói mòn đói mỏi” đã diễn tả chân thật những cực khổ của hai bà cháu trong thời kì tăm tối của dân tộc ấy. Đứa trẻ đã sớm có ý thức tự lập và phải sống trong sự cưu mang của người bà. Giọng thơ lúc này như trầm xuống, nao nao lòng người. Những kí ức ấy đã in dấu sâu đậm trong lòng nhà thơ để bây giờ nghĩ lại “sống mũi còn cay”.

Tiếp theo là những kỉ niệm suốt tám năm cháu ở cùng bà. Vẫn là hình ảnh bếp lửa thân thuộc ấy gắn liền với hình ảnh người bà và theo suốt tuổi thơ:

Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa

Tu hú kêu trên những cánh đồng xa

Tu hú kêu bà con nhớ không bà?

Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế

Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế!

Mẹ cùng cha công tác bận không về

Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe

Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học

Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà

Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?

Những hình ảnh của quá khứ hiện về thật sống động, tất cả như đang diễn ra ngay trước mắt người cháu. Khi nhớ về những kỉ niệm, dòng hổi tưởng của tác giả gắn với âm thanh của tiếng chim tu hú – âm thanh quen thuộc của chốn đồng quê mỗi dịp hè về. Nó cứ vang vọng trong lời thơ và cuộn trào lên trong lòng người xa xứ. “Tám năm ròng cháu sống cùng bà” – tám năm cháu nhận được sự yêu thương, che chở, dưỡng nuôi tâm hồn từ tấm lòng của bà. Tám năm ấy, cháu sống cùng bà vất vả, khó khăn nhưng đầy tình yêu thương. Các từ ngữ “bà bảo”, “bà dạy”, “bà chăm” diễn tả một cách sâu sắc và thấm thía tấm lòng đôn hậu, yêu thương của người bà với đứa cháu nhỏ. Bà hiện lên như một bà tiên trong truyện cổ tích. Bà đã nuôi dưỡng cả thể xác và tâm hồn của cháu.

Dòng hồi tưởng vẫn tiếp tục trôi chảy đến những kỉ niệm về những năm kháng chiến, khi giặc đốt làng “cháy tàn cháy rụi”

“Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi

Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi

Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh”

Trong hoàn cảnh ấy, hình ảnh người bà hiện lên lại càng sáng rõ những phẩm chất cao quý, trở thành hậu phương vững chắc để người công tác xa được yên lòng:

Mày có viết thư chớ kể này kể nọ

Cứ bảo nhà vẫn được bình yên

Bà không chỉ là chỗ dựa cho đứa cháu thơ, là điểm tựa cho các con đang chiến đấu mà còn là hậu phương vững chắc cho cả tiền tuyến, góp phần không nhỏ vào cuộc kháng chiến chung của dân tộc. Tình cảm bà cháu hòa quyện trong tình yêu quê hương, Tổ quốc.

Trong suốt hành trình của tuổi thơ, những kỉ niệm về người bà luôn gắn liền với hình ảnh bếp lửa. Bếp lửa gắn với cái “đói mòn đói mỏi”, với cuộc sống khó khăn của hai bà cháu, gắn liền với tình yêu thương cao cả của bà. Và từ đây, bếp lửa đã trở thành một biểu tượng:

Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen

Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn

Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng…

Từ hình ảnh bếp lửa cụ thể ở câu trên, tác giả chuyển thành hình ảnh ngọn lửa trong lòng bà. “Ngọn lửa” ấy mang ý nghĩa ẩn dụ, biểu tượng cho sức sống, cho tình thương, cho niềm tin của bà trong cuộc sống của hai bà cháu, của gia đình và của cả dân tộc. “Ngọn lửa” là biểu tượng của sự sống muôn đời bất diệt, không chỉ riêng bà mà còn của cả toàn dân tộc ta. Từ hình ảnh bếp lửa cụ thể, bài thơ đã gợi đến ngọn lửa với ý nghĩa trừu tượng, khái quát. Bà không chỉ là người nhóm lửa, giữ lửa mà còn là người truyền lửa – ngọn lửa của sự sống, niềm tin cho các thế hệ nối tiếp.

Từ những hồi tưởng về kỉ niệm tuổi thơ sống bên bà, người cháu đã suy ngẫm về bà, về hình ảnh bếp lửa:

Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa

Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ

Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm

Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm

Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi

Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui

Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ.

Cả cuộc đời bà đã giành để hy sinh cho con, cho cháu “mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ”. Và hình ảnh nhọc nhằn, vất vả ấy của bà vân luôn gắn liền với hình ranh bếp lửa. Điệp ngữ “nhóm” được nhắc lại bốn lần với những ý nghĩa phong phú, gợi nhiều liên tưởng. Bà nhóm “niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi” dạy cho cháu tình yêu xóm làng, yêu mảnh đất quê hương nghèo khổ. Bà nhóm “nồi xôi gạo mới sẻ chung” vui dạy cho cháu biết yêu thương, san sẻ với mọi người. Cuối cùng bà “nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ” để giáo dục, thức tỉnh, truyền cho cháu niềm tin và mơ ước để mai sau khôn lớn nên người. Ở đây, người bà không chỉ là biểu tượng của người “nhóm lửa”, “giữ lửa” mà còn là biểu tượng cho thế hệ cha anh “truyền lửa” – ngọn lửa của sự sống, lòng lạc quan, yêu đời, niềm tin cho các thế hệ nối tiếp. Trong tâm trí nhà thơ, bếp lửa và bà là những gì tuy thật bình dị, song ẩn giấu điều cao quý thiêng liêng. Cảm xúc dâng trào, tác giả đã phải thốt lên: “Ôi kì lạ và thiêng liêng – bếp lửa!”. Từ ngọn lửa của bà, cháu nhận ra một niềm tin dai dẳng, cháu hiểu được linh hồn của cả một dân tộc gian lao nhưng tình nghĩa. Hình ảnh bà và hình ảnh bếp lửa sáng đẹp lung linh trong tâm hồn nhà thơ.

Từ những suy ngẫm về cuộc đời bà và bếp lửa, bài thơ khép lai bằng những dòng tự bạch của người cháu đi xa khi đã trưởng thành:

Giờ cháu đã đi xa, có ngọn khói trăm tàu,

Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả,

Nhưng vẫn chẳng bao giờ quên nhắc nhở:

- Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?

Khoảng cách về không gian, thời gian và cả khoảng cách về sự văn minh, hiện địa cũng chẳng thể khiến người cháu lãng quên đi ánh sáng và hơi ấm từ bếp lửa cùng tình thương của bà. Cháu sẽ không bao giờ quên và chẳng thể nào quên được vì đó chính là nguồn cội, là nơi mà tuổi thơ của cháu được nuôi dưỡng để lớn lên từ đó. Đó là đạo lí thủy chung, tình nghĩa mà người Việt Nam được nuôi dưỡng từ thuở ấu thơ.

Trong hành trình cuộc đời của mỗi con người có những ngày tháng, những kỷ niệm và những con người không thể nào quên được. Hình ảnh bếp lửa “ấp iu nồng đượm” cùng tình thương sâu sắc của bà chính là những cội nguồn nuôi dưỡng tâm hồn của nhà thơ. Hình ảnh bếp lửa ấy sẽ luôn khắc khoải, luôn cháy mãi không chỉ trong lòng tác giả, trong lòng người đọc và còn trong cả những trang thơ của văn học Việt Nam.

D. Hoạt động tìm tòi mở rộng - Bài: Chương trình địa phương tổng kết phần văn bản nhật dụng

1. Sưu tầm một số truyện cười có nội dung liên quan đến các sử dụng từ ngữ địa phương. Ghi lại những từ ngữ địa phương trong các truyện đó và chuyển sang từ ngữ toàn dân tương ứng.

Bài làm:

Một anh chàng ngoài Bắc vào Huế, thấy cô lái đò xinh đẹp nên muốn làm quen, sau lời chào cô gái hỏi:

- Răng anh ở chỗ ni?

Anh chàng bực mình nghĩ cô gái có vấn đề nên đáp:

- Răng tôi ở trong mồm chứ ở đâu?

2. Trao đổi về những vấn đề có tính thời sự trong nhà trường hiện nay có thể làm đề tài để viết một văn bản nhật dụng.

Bài làm:

Tham khảo một số đề tài sau:

  • Bệnh thành tích trong giáo dục
  • Bạo lực học đường (từ phía học sinh – học sinh hoặc giáo viên – học sinh)
  • Giáo dục giới tính trong nhà trường
  • Trầm cảm ở giới trẻ hiện nay
  • Tệ nạn xã hội trong học đường

►►CLICK NGAY vào nút TẢI VỀ dưới đây để tải về Soạn bài Chương trình địa phương tổng kết phần văn bản nhật dụng Ngữ văn 9 VNEN file PDF hoàn toàn miễn phí.

Đánh giá bài viết
5.0
1 lượt đánh giá
Tham khảo thêm:
    CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
    Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
    Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
    Copyright © 2020 Tailieu.com