Logo

Soạn văn 9 VNEN bài Con cò (ngắn gọn nhất)

Soạn văn 9 VNEN bài Con cò trang 32 gợi ý trả lời các câu hỏi trong sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 9 tập 2 chương trình mới ngắn gọn, chính xác nhất giúp các em hiểu và nắm được trọng tâm bài học.
5.0
1 lượt đánh giá

Nội dung hướng dẫn giải Bài: Con cò được chúng tôi biên soạn bám sát bộ sách giáo khoa môn Ngữ văn 9 chương trình mới (VNEN). Là tài liệu tham khảo hữu ích giúp các em học tốt môn Văn lớp 9.

A. Hoạt động khởi động - Bài: Con cò

1. Đọc một số câu ca dao có hình ảnh con cò và nêu cảm nhận của em về hình ảnh con cò trong những lời thơ đó.

Bài làm:

Hình ảnh con cò đã nhiều lần xuất hiện trong các bài ca dao như:

Con cò mà đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao

Ông ơi ông vớt tôi nao

Tối có lòng nào ông hãy xáo măng

Có xáo thì xáo nước trong

Đừng xáo nước đục đau lòng cò con!

 

Nước non lận đận một mình

Thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay.

 

Cái cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non

Nàng về nuôi cái cùng con

Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng.

Qua những câu ca dao, ta thấy con cò hiện lên như là một hiện thân của hình ảnh người phụ nữ Việt Nam chịu thương chịu khó, tận tụy suốt đời vì chồng vì con. Người vợ, người mẹ ấy cặm cụi như thân cò, lặn lội sớm hôm, vẫn chịu muôn ngàn đắng cay kiếm miếng ăn cho đàn cò con bé bỏng, để cho chồng có thể bằng bạn, bằng người. Mỗi bài ca dao nói về thân phận con cò lại đã vẽ lên hình tượng một người vợ, người mẹ giàu đức hy sinh.

B. Hoạt động hình thành kiến thức - Bài: Con cò

1. Đọc văn bản Con cò

2. Tìm hiểu văn bản

a) Bài thơ được tác giả chia làm ba đoạn. Hãy xác định nội dung chính của mỗi đoạn. Những chi tiết, hình ảnh nào trong mỗi đoạn thơ giúp em nhận biết được nội dung chính của đoạn?

Bài làm:

Nội dung chính của mỗi đoạn và những chi tiết, hình ảnh thể hiện nội dung chính:

  • Đoạn 1: Hình ảnh con cò qua lời ru bắt đầu đến với tuổi ấu thơ. (Con còn bế trên tay/ Con chưa biết con cò/ Nhưng trong lời mẹ hát/ Có cánh cò đang bay)
  • Đoạn 2: Hình ảnh con cò đi vào tiềm thức của tuổi thơ, trở nên gần gũi và sẽ theo con người đi suốt cuộc đời. (Cò trắng đến làm quen/ Cò đứng ở quanh nôi… - Mai khôn lớn, con theo cò đi học/ Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân…- Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ/Trước hiên nhà/Và trong hơi mát câu văn)
  • Đoạn 3: Từ hình ảnh con cò, nhà thơ suy ngẫm và triết lý về ý nghĩa của lời ru và lòng mẹ đối với cuộc đời mỗi con người.

b) Đọc bảng so sánh sau và cho biết cách vận dụng ca dao của Chế Lan Viên có gì đặc biệt và hình tượng con cò trong đoạn 1 của bài thơ có ý nghĩa gì.

Thơ Chế Lan Viên

Ca dao

Con cò bay la

Con cò bay lả

Con cò cổng phủ

Con cò Đồng Đăng…

Con cò bay lả bay la

Bay từ cổng phủ bay ra cánh đồng

Con cò bay lả bay la

Bay từ cửa phủ bay về Đồng Đăng.

Cò một mình cò phải kiếm lấy ăn

Con có mẹ con chơi rồi lại ngủ.

“Con cò ăn đêm,

Con cò xa tổ,

Cò gặp cành mềm,

Cò sợ xáo măng…”

Ngủ yên! Ngủ yên! Cò ơi, chớ sợ!

Cành có mềm, mẹ đã sẵn tay nâng!

Trong lời ru của mẹ thấm hơi xuân.

Con chưa biết con cò, con vạc.

Con chưa biết những cành mềm mẹ hát,

Sữa mẹ nhiều, con ngủ chẳng phân vân.

Con cò mà đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao

Ông ơi ông vớt tôi nao

Tôi có lòng nào ông có xáo măng

Có xáo thì xáo nước trong

Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.

 

Cái cò, cái vạc, cái nông

Sao mày giẫm lúa nhà ông hỡi cò…

Bài làm:

Nhà thơ Chế Lan Viên chỉ lấy một vài chữ trong mỗi câu ca dao nhằm gợi nhớ những câu ấy. Cách vận dụng ca dao một cách sáng tạo này đã gợi ra những ý nghĩa biểu tượng phong phú của hình ảnh con cò.

Trong đoạn 1, trước hết, con cò gợi hình ảnh làng quê thôn xóm Việt Nam thân thuộc, rất bình dị nhưng cũng rất đỗi thanh bình. Hình ảnh con cò là nét rất riêng, rất duyên dáng, là nét đặc trưng cho làng quê Việt Nam.

Hình ảnh con cò trong lời ru của mẹ còn là “con cò ăn đêm”, “con cò xa tổ”, “cò sợ cành mềm”, “cò sợ xáo măng”, … Đó là những cánh cò tượng trưng cho hình ảnh của người nông dân Việt Nam, người phụ nữ Việt Nam trong cuộc sống lam lũ, nhọc nhằn nhưng giàu lòng nhân ái và đức hi sinh. Con cò còn chính là biểu hiện của tình mẹ, lòng mẹ lớn lao sâu nặng, cả cuộc đời hết lòng vì con.

c) Đọc đoạn 2 của bài thơ và cho biết hình tượng con cò trong đoạn thơ này biến đổi như thế nào so với đoạn 1. Ý nghĩa biểu tượng của hình tượng con cò trong đoạn thơ là gì?

Bài làm:

Trong đoạn thơ 1, hình tượng cánh cò trong lời ru của mẹ là điểm khởi đầu, điểm xuất phát. Sang đoạn thơ 2, cánh cò đã trở thành người bạn tuổi ấu thơ, theo cùng con người trên mỗi chặng đường đi tới, thành bạn đồng hành của con người trong suốt cuộc đời.

Cánh cò không mệt mỏi, bay qua mọi không gian, thời gian, luôn luôn ở bên con từ trong nôi đến khi trưởng thành. Cánh cò ấy như đang bay theo từng mơ ước, khát khao của con. Ở đoạn thơ này, hình ảnh con cò đã mang ý nghĩa biểu tượng cho lòng mẹ, hiện thân cho người mẹ về sự chở che,dìu dắt, nâng đỡ, bao dung, vừa dịu dàng vừa bền bỉ của người mẹ hiền với con.

d) Đoạn 3 của bài thơ có những câu thơ mang tính khái quát như:

"Con dù lớn vẫn là con của mẹ

Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con."

 

"Một con cò thôi

Con cò mẹ hát

Cũng là cuộc đời

Vỗ cánh qua nôi"

Em hiểu như thế nào về những câu thơ trên?

Bài làm:

"Con dù lớn vẫn là con của mẹ

Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con."

Câu thơ giàu tính triết lí và trí tuệ đã khái quát một quy luật của tình cảm có ý nghĩa bền vững, rộng lớn và sâu sắc. Đứa con dù có khôn lớn, trưởng thành thì đối với những người mẹ thì chúng mãi là những đứa con bé bỏng cần bao bọc, chở che. Và dù bước chân của con có đi đến nơi chân trời góc bể thì tấm lòng người mẹ cũng không một phút giây rời xa con.

"Một con cò thôi

Con cò mẹ hát

Cũng là cuộc đời

Vỗ cánh qua nôi"

Những câu thơ triết lí mà vẫn mang âm hưởng lời ru nhẹ nhàng mà sâu sắc. Sự hoá thân của người mẹ vào cánh cò mang nhiều ý nghĩa sâu xa, kết tụ những hi sinh, gian khổ, nhọc nhằn để những lời yêu thương càng trở nên sâu sắc, đằm thắm. Con sẽ mang theo hình ảnh con cò, mang theo những lời hát ru, mang theo tình mẹ như một hành trang không thể thiếu để bước vào đời.

e) Ý nghĩa biểu tượng của hình tượng con cò được bổ sung, biến đổi như thế nào qua các đoạn thơ?

Bài làm:

Đoạn 1: Qua những lời ru quen thuộc, thắm thiết của mẹ, hình ảnh “con cò” đã đến với tâm hồn tuổi ấu thơ một cách vô thức. Những câu ca dao thể hiện ý nghĩa phong phú của biểu tượng con cò: đó là hình ảnh bình dị đặc trưng của làng quê Việt Nam.

Đoạn 2: Con cò trở thành biểu tượng của lòng mẹ bền bỉ, dịu dàng với con. Cánh cò trở thành người bạn đồng hành suốt cuộc đời con từ khi trong nôi cho đến lúc con trưởng thành.

Đoạn 3: Hình tượng con cò được khai thác ở ý nghĩa tượng trưng cho tấm lòng người mẹ lúc nào cũng theo sát bên con. Dù là ở đâu, dù là lúc nào, dù là cuộc sống có nhọc nhằn ra sao thì mẹ vẫn luôn ở bên con. Hình tượng ấy được nhà thơ nhấn mạnh, khái quát thành một quy luật sâu sắc, bền vững của tình mẫu tử.

Em hãy nhận xét về thể thơ, nhịp điệu, giọng điệu của bài thơ. Các yếu tố ấy có tác dụng như thế nào trong việc thể hiện tư tưởng tình cảm, cảm xúc của bài thơ?

Bài làm:

Thể thơ: Bài thơ được viết theo thể tự do nhưng các đoạn thường bắt đầu bằng những câu thơ ngắn có cấu trúc giống nhau, nhiều chỗ lặp lại gợi được âm hưởng lời ru.

Nhịp điệu thơ giàu nhạc điệu như những lời ca dao khiến cho lời thơ dễ dàng đến với tâm thức của người đọc.

Giọng điệu: bài thơ có giọng điệu suy ngẫm và tính triết lí, làm cho bài thơ không chỉ cuốn người đọc vào âm điệu lời ru mà còn hướng nhiều hơn vào sự suy ngẫm và phát hiện.

Nghệ thuật sáng tạo hình ảnh: Nhà thơ đã khéo vận dụng sáng tạo hình ảnh con cò trong ca dao. Đó chính là điểm tựa cho những liên tưởng, tưởng tượng sáng tạo mớ rộng của nhà thơ. Những hình ảnh có tính biểu tượng trong bài thơ lại rất quen thuộc, gần gũi, xác thực nhưng đồng thời cũng giàu sắc thái biểu cảm và hàm chứa những ý nghĩa mới.

3. Tìm hiểu cách làm bài văn nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí

a) (1) Đọc các đề bài sau và chỉ ra điểm giống nhau của các đề bài đó:

Đề 1: Suy nghĩ từ truyện ngụ ngôn Đẽo cày giữa đường.

Đề 2: Đạo lí “Uống nước nhớ nguồn”.

Đề 3: Bàn về tranh giành và nhường nhịn.

Đề 4: Đức tính khiêm nhường.

Đề 5: Có chí thì nên.

Đề 6: Đức tính trung thực.

Đề 7: Tinh thần tự học.

Đề 8: Hút thuốc lá có hại.

Đề 9: Lòng biết ơn của thầy cô giáo.

Đề 10: Suy nghĩ từ câu ca dao:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

(2) Em hãy tự nghĩ ra một đề bài tương tự như các đề bài trên.

Bài làm:

(1) Điểm giống nhau của các đề tài trên:

Tất cả các đề đều đưa ra vấn đề thuộc phạm trù tư tưởng, đạo lí.

Từ các đề 1, 3 và 10 là đề có mệnh lệnh, yêu cầu cụ thể (suy nghĩ, bàn về, ...). Các đề còn lại đều là đề mở không có mệnh lệnh.

(2) Một số đề tương tự:

Đề 1: Suy nghĩ của em về câu tục ngữ: “Thương người như thể thương thân”.

Đề 2: Tinh thần đoàn kết.

Đề 3: Suy nghĩ về câu ngạn ngữ Hi Lạp: “Cái rễ của học hành thì cay đắng nhưng quả của nó thì ngọt ngào”.

Đề 4: Lòng dũng cảm.

Đề 5: Lòng khoan dung

Đề 6: Vai trò của sách đối với con người.

Đề 7:

“Con dù lớn vẫn là con của mẹ

Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con.”

b) Phân tích đề và tìm ý cho đề bài dưới đây:

Đề bài: Suy nghĩ về đạo lí "Uống nước nhớ nguồn".

Trả lời các câu hỏi sau (chọn một hoặc nhiều ý trả lời đúng cho mỗi câu hỏi)

(1) Dòng nào nêu đúng tính chất của đề bài?

  • Nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí.
  • Nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống.

(2) Nội dung bài làm cần có những ý nào dưới đây?

  • Nêu hoàn cảnh sáng tác câu tục ngữ.
  • Giải thích câu tục ngữ (nghĩa đen, nghĩa bóng)
  • Nhận định, đánh giá (tức bình luận) câu tục ngữ
  • Đưa ra những minh chứng thực tiễn.
  • Trình bày suy nghĩ riêng của cá nhân về ý nghĩa câu tục ngữ
  • Liên hệ bản thân
  • Liên hệ đời sống thực tại

(3) Cần huy động những kiến thức, kĩ năng nào để làm bài?

  • Kiến thức, hiểu biết về tục ngữ Việt Nam
  • Kiến thức, hiểu biết về văn hóa Việt Nam
  • Những tri thức về đời sống thực tế
  • Kĩ năng hợp tác
  • Kĩ năng vận dung tri thức đời sống

Bài làm:

Chọn các ý sau:

(1) Chọn Nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí.

(2) Chọn các ý:

  • Giải thích câu tục ngữ (nghĩa đen, nghĩa bóng)
  • Nhận định, đánh giá (tức bình luận) câu tục ngữ
  • Đưa ra những minh chứng thực tiễn.
  • Trình bày suy nghĩ riêng của cá nhân về ý nghĩa câu tục ngữ
  • Liên hệ bản thân
  • Liên hệ đời sống thực tại

(3) Chọn các ý:

  • Kiến thức, hiểu biết về tục ngữ Việt Nam
  • Kiến thức, hiểu biết về văn hóa Việt Nam
  • Những tri thức về đời sống thực tế
  • Kĩ năng vận dung tri thức đời sống

c) Lập dàn ý chi tiết cho đề văn trên.

Bài làm:

Đề bài: Suy nghĩ về đạo lí "Uống nước nhớ nguồn"

DÀN Ý

(1) Mở bài: Giới thiệu và nêu tư tưởng chung của câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn”.

(2) Thân bài:

Giải thích câu tục ngữ:

  • Uống nước: là việc thừa hưởng, hưởng thụ những thành quả mà người khác tạo ra trong quá trình lao động, đấu tranh.
  • Nguồn: Nghĩa đen: là nơi bắt nguồn của nguồn nước, Nghĩa bóng: ở đây là để thể hiện cho sự bắt nguồn của thành quả mà mình hưởng.
  • Nhớ nguồn: nhớ về người đã tạo ra những thành quả lao động
  • Uống nước nhớ nguồn: Khi nhận những thành quả lao động mà người khác tạo ra, chúng ta phải biết ơn họ, những người đã phải đổ mồ hôi nước mắt để tạo ra được những thành quả tốt đẹp cho chúng ta thừa hưởng ngày nay.

Nhận định, đánh giá câu tục ngữ:

- Ý nghĩa của câu tục ngữ (đặc biệt là trong bối cảnh ngày nay):

  • Lời nhắc nhở khuyên nhủ của ông cha ta đối với con cháu, những ai đã, đang và sẽ thừa hưởng thành quả công lao của người đi trước. Đây là một lời dạy đúng đắn, sâu sắc của cha ông. Đó cũng là một truyền thống ân nghĩa của dân tộc Việt Nam từ ngàn đời.
  • Trong thiên nhiên và xã hội, không có một sự vật, một thành quả nào mà không có nguồn gốc, không do công sức lao động tạo nên.
  • Của cải vật chất các thứ do bàn tay người lao động làm ra. Đất nước giàu đẹp do cha ông gầy dựng, gìn giữ tiếp truyền. Con cái là do các bậc cha mẹ sinh thành dưỡng dục. Vì thế, nhớ nguồn là đạo lí tất yếu.
  • Lòng biết ơn là tình cảm đẹp xuất phát từ lòng trân trọng công lao những người “trồng cày" phục vụ cho biết bao người “ăn trái".
  • Uống nước nhớ nguồn là nền tảng vững chắc tạo nên một xã hội thân ái đoàn kết. Lòng vô ơn, bội bạc sẽ khiến con người ích kỉ, ăn bám gia đình, xã hội.

- Lên án, phê phán những biểu hiện không biết “uống nước nhớ nguồn”, “ăn cháo đá bát”,…

- Bài học rút ra từ câu tục ngữ:

  • Chúng ta cần tự hào với lịch sử anh hùng và truyền thống văn hóa vẻ vang của dân tộc
  • Cần cố gắng học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức thật tốt để góp phần đẩy mạnh đất nước, đưa đất nước ngày càng vững mạnh
  • Có ý thức gìn giữ bản sắc, tinh hoa của dân tộc Việt Nam mình và đồng thời tiếp thu một cách có chọn lọc tinh hoa văn hóa nước ngoài.
  • Có ý thức tiết kiệm, chống lãng phí khi sử dụng thành quả lao động của mọi người

(3) Kết bài:

  • Khẳng định lại tính đúng đắn và giá trị của câu tục ngữ.
  • Nêu bài học đối với bản thân và con người ngày nay.

d) Nêu cách làm bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí bằng cách điền từ ngữ thích hợp vào chỗ trống trong ngoặc đơn:

(1) Xác định các phép lập luận cần vận dụng: (…)

(2) Lập dàn bài:

- Mở bài: giới thiệu (…).

- Thân bài:

  • Giải thích, chứng minh (…).
  • Nhận đinh, đánh giá (…).

- Kết bài: Kết luận, tổng kết (…).

Bài làm:

(1) Xác định các phép lập luận cần vận dụng: chứng minh, phân tích, tống hợp

(2) Lập dàn bài:

- Mở bài: giới thiệu vấn đề tư tưởng đạo lí cần bàn luận.

- Thân bài:

  • Giải thích, chứng minh nội dung vấn đề tư tưởng đạo lí.
  • Nhận đinh, đánh giá những vấn đề tư tưởng đạo lí trong bối cảnh của cuộc sống riêng chung.

- Kết bài: Kết luận, tổng kết nêu nhận thức mới tỏ ý khuyên bảo hoặc hành động.

C. Hoạt động luyện tập - Bài: Con cò

1. Luyện tập đọc hiểu văn bản Con cò

a) Đọc lại bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm (Hướng dẫn học Ngữ Văn 9, tập một, Bài 12), đối chiếu với bài Con cò và chỉ ra cách vận dụng lời ru ở mỗi bài thơ. Theo em, tình mẹ và lời ru có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc sống của mỗi người?

Bài làm:

Cách vận dụng lời ru ở mỗi bài thơ:

  • Trong bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ, tác giả Nguyễn Khoa Điềm vừa trò chuyện với em bé bằng giọng điệu giống như lời ru, lại vừa có những lời ru con trực tiếp từ người mẹ. Khúc hát ru của bài thơ này thể hiện tình thương con của người mẹ Tà Ôi gắn liền với tình yêu bộ đôi, yêu làng, yêu đất nước.
  • Trong bài thơ Con cò, tác giả Chế Lan Viên gợi lại điệu hát ru bằng ca dao, qua đó ca ngợi tình mẹ và ý nghĩa của lời ru đối với cuộc sống của mỗi con người.

Tình mẹ cùng lời ru của mẹ mãi là dòng sữa ngọt nuôi dưỡng, nâng đỡ tâm hồn của mỗi con người. Không có lời ru của mẹ, cuộc đời con thật nghèo nàn, thiệt thòi biết mấy. Lời ru của mẹ đã nuôi dưỡng tâm hồn và chắp cánh ước mơ con. Tình mẹ thiêng liêng, bất diệt là hành trang, là sức mạnh sẽ theo bước chân con trên mỗi chặng đường đời.

b) Viết đoạn văn bình những câu sau:

Dù ở gần con,

Dù ở xa con,

Lên rừng xuống bể,

Cò sẽ tìm con,

Cò mãi yêu con.

Con dù lớn vẫn là con của mẹ,

Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con.

Bài làm:

Đoạn thơ thể hiện những suy ngẫm, triết lí sâu sắc về ý nghĩa của lời ru và tình mẹ trong cuộc đời mỗi con người. Nhịp thơ dồn dập, vỗ về “dù ở gần con/ dù ở xa con/ cò sẽ tìm con/ cò mãi yêu con” dường như gợi tả nhịp thổn thức của trái tim người mẹ. Dù có bao khó khăn, vất vả, chông gai, thử thách, dù “lên rừng xuống bể” thì cũng không thể ngăn được bước chân của người mẹ tìm đến con, ngăn được lòng mẹ đi theo con. Ở đây, hình ảnh “con cò” lại mang ý nghĩa biểu tượng cho tình mẹ, lúc nào cũng đến với con trong suốt cả cuộc đời. Từ sự thấu hiểu tấm lòng người mẹ, nhà thơ đã khái quát thành một quy luật của tình cảm có ý nghĩa bền vững, rộng lớn và sâu sắc: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con”. Lời thơ đã từ cảm xúc mở ra những suy tưởng rồi khái quát thành triết lí. Một triết lí của trái tim con người: Đối với mẹ thì bao giờ con cũng bé bỏng, mẹ vẫn phải dõi theo từng bước con đi, sẵn sàng hi sinh cả cuộc đời cho con. Còn con, dù con đi tới nơi đâu và đứng ở vị trí nào, thành công hay thất bại, cao sang hay thấp hèn thì con vẫn mãi cần vòng tay mẹ nâng đỡ, yêu thương và che chở. Chân lí ấy muôn đời vẫn sẽ vĩnh hằng và bất biến.

2. Luyện tập về liên kết câu, liên kết đoạn văn

a) Nêu các phép liên kết câu, liên kết đoạn văn đã học ở bài 21.

Bài làm:

Các phép liên kết câu, liên kết đoạn văn đã học ở bài 21:

  • Phép lặp từ ngữ
  • Phép đồng nghĩa
  • Phép trái nghĩa
  • Phép liên tưởng
  • Phép thế
  • Phép nối.

b) Chỉ ra các phép liên kết câu và liên kết đoạn văn trong những trường hợp sau:

(1) Trường học của chúng ta là trường học của chế độ dân chủ nhân dân, nhằm mục đích đào tạo những công dân và cán bộ tốt, những người chủ tương lai của nước nhà. Về mọi mặt, trường học của chúng ta phải hơn hẳn trường học của thực dân và phong kiến.

Muốn được như thế thì thầy giáo, học trò và cán bộ phải cố gắng hơn nữa để tiến bộ hơn nữa.

(Hồ Chí Minh, Về vấn đề giáo dục)

(2) Văn nghệ đã làm cho tâm hồn họ thực sự được sống. Lời gửi của văn nghệ là sự sống. Sự sống ấy toả đều cho mọi vẻ, mọi mặt của tâm hồn. Văn nghệ nói chuyện với tất cả tâm hồn chúng ta, không riêng gì trí tuệ, nhất là trí thức.

(Nguyễn Đình Thi, Tiếng nói của văn nghệ)

(3) Thật ra, thời gian không phải là một mà là hai: đó vừa là một định luật tự nhiên, khách quan, bao trùm thế giới, vừa là một khái niệm chủ quan của con người đơn độc. Bởi vì chỉ có con người mới có ý thức về thời gian. Con người là sinh vật duy nhất biết rằng mình sẽ chết, và biết rằng thời gian là liên tục.

(Thời gian là gì? trong Tạp chí Tia sáng)

(4) Những người yếu đuối vẫn hay hiền lành. Muốn ác phải là kẻ mạnh.

(Nam Cao, Chí Phèo)

Bài làm:

Các phép liên kết câu và liên kết đoạn được sử dụng trong mỗi trường hợp:

(1) Liên kết câu: Phép lặp từ "trường học"

Liên kết đoạn: Phép thế: "trường học của chúng ta phải hơn hẳn trường học của thực dân và phong kiến" bằng" như thế".

(2) Liên kết câu: Phép lặp: "Văn nghệ"

Liên kết đoạn: Phép lặp: "sự sống"

(3) Liên kết câu: Phép lặp: " thời gian"," con người"

(4) Liên kết câu: Phép trái nghĩa: "yếu đuối" với "mạnh"; "hiền lành" với "ác"

c) Đọc hai câu văn dưới đây và thực hiện yêu cầu:

Thời gian vật lí vô hình, giá lạnh, đi trên một con đường thẳng tắp, đều đặn như một cái máy (tuyệt hảo bởi không bao giờ hư), tạo tác và phá huỷ mọi sinh vật, mọi hiện hữu. Trong khi đó, thời gian tâm lí lại hữu hình, nóng bỏng, quay theo một hình tròn, lúc nhanh lúc chậm với bao kỉ niệm nhớ thương về dĩ vãng, cũng như bao nhiêu dự trù lo lắng cho tương lai.

(Thời gian là gì?, trong Tạp chí Tia sáng)

(1) Tìm trong hai câu văn trên những cặp từ trái nghĩa.

(2) Nêu tác dụng của những cặp từ trái nghĩa trong hai câu văn trên.

Bài làm:

(1) Những cặp từ trái nghĩa (giữa Thời gian vật lí và Thời gian tâm lí) trong hai câu văn:

  • Vô hình - hữu hình
  • Gía lạnh - nóng bỏng
  • Thẳng tắp - hình tròn
  • Đều đặn - lúc nhanh lúc chậm

(2) Những cặp từ trái nghĩa trong hai câu văn trên đã tạo nên mối liên kết chặt chẽ giữa hai câu văn.

D. Hoạt động vận dụng - Bài: Con cò

1. Hai câu thơ: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con” cho em cảm nhận và suy nghĩ gì về tình mẫu tử trong cuộc sống?

Bài làm:

Trình bày dựa theo những gợi ý sau:

Khái quát ý nghĩa câu thơ: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con”

Lời thơ giàu chất trí tuệ và triết lí. Một triết lí của trái tim con người: Đối với mẹ thì bao giờ con cũng bé bỏng, mẹ vẫn phải dõi theo từng bước con đi, sẵn sàng hi sinh cả cuộc đời cho con. Còn con, dù con đi tới nơi đâu và đứng ở vị trí nào, thành công hay thất bại, cao sang hay thấp hèn thì con vẫn mãi cần vòng tay mẹ nâng đỡ, yêu thương và che chở. Chân lí ấy muôn đời vẫn sẽ vĩnh hằng và bất biến.

Từ ý nghĩa ấy, nêu suy nghĩa của mình về tình mẫu tử trong cuộc sống:

- Tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng và có vai trò đặc biệt với mỗi con người:

  • Từ khi con người sinh ra đã có mẹ ở bên, có sự yêu thương che chở của mẹ: mẹ mang thai, sinh chúng ta, chăm chúng ta,….
  • Mẹ là người có tấm lòng cao cả, bao dung, vị tha đối với con cái.
  • Tình mẫu tử cũng là truyền thống đạo lí của dân tộc ta từ xưa

- Tình mẫu tử đối với mỗi người:

  • Được sống trong tình mẫu tử là một may mắn và hạnh phúc không gì sánh bằng, không gì có thể đánh đổi.
  • Thật thiệt thòi và bất hạnh đối với ai phải sống thiếu vắng đi tình mẫu tử.

- Vai trò của tình mẫu tử:

  • Tình mẫu tử như chiếc kim chỉ nam dẫn đường, nhưu ngọn đèn hải đăng soi sáng đường chúng ta đi
  • Giúp thức tỉnh ta trước những cám dỗ trong cuộc sống.

- Phê phán những biểu hiện, những thái độ, hành vi không biết quý trọng tình mẫu tử, bất hiếu với người mẹ của mình.

- Bài học rút ra:

  • Cần biết quý trọng tình mẫu tử. Đòng thời cố gắng rèn luyện, học tập để đền đáp lại công ơn của mẹ.

2. a) Chỉ ra các lỗi về liên kết nội dung trong những đoạn trích sau và nêu cách sửa:

(1) Cắm bơi một mình trong đêm. Trận địa đại đội 2 ở phía bãi bồi bên một dòng sông. Hai bố con cùng viết đơn xin ra mặt trận. Mùa thu hoạch lạc đã vào chặng cuối.

(Dẫn theo Trần Ngọc Thêm)

(2) Năm 19 tuổi chị đẻ đứa con trai, sau đó chồng mắc bệnh, ốm liền trong hai năm rồi chết. Chị làm quần quật phụng dưỡng cha mẹ chồng, hầu hạ chồng, bú mớm cho con. Có những ngày ngắn ngủi cơn bệnh tạm lui, chồng chị yêu thương chị vô cùng.

(Dẫn theo Trần Ngọc Thêm)

Bài làm:

(1) Lỗi về liên kết nội dung: không cùng chung một chủ đề.

Cách sửa: Thêm một số từ ngữ vào để tạo ra liên kết chủ đề giữa các câu:

Cắm bơi một mình trong đêm. Trận địa đại đội 2 của anh ở phía bãi bồi bên một dòng sông. Anh chợt nhớ hồi đầu mùa lạc hai bố con anh cùng viết đơn xin ra mặt trận. Bây giờ thì mùa thu hoạch lạc đã vào chặng cuối.

(2) Lỗi về liên kết nội dung: trình tự các sự việc nêu trong các câu không hợp lí.

Cách sửa: Thêm vào cho câu 2 thành phần trạng ngữ chỉ thời gian để làm rõ diễn biến trước – sau của sự việc:

Năm 19 tuổi chị đẻ đứa con trai, sau đó chồng mắc bệnh, ốm liền trong hai năm rồi chết. Suốt thời gian anh ốm, chị làm quần quật phụng dưỡng cha mẹ chồng, hầu hạ chồng, bú mớm cho con. Có những ngày ngắn ngủi cơn bệnh tạm lui, chồng chị yêu thương chị vô cùng.

b) Chỉ ra các lỗi về liên kết hình thức trong những đoạn trích dưới đây và nêu cách sửa:

(1) Với bộ răng khoẻ cứng, loài nhện khổng lồ này có thể cắn thủng cả giày da. Mọi biện pháp chống lại nó vẫn chưa có kết quả vì chúng sống sâu dưới mặt đất. Hiện nay, người ta vẫn đang thử tìm cách bắt chúng để lấy nọc điều trị cho những người bị nó cắn.

(2) Tại văn phòng, đồng chí Bộ trưởng đã gặp gỡ một số bà con nông dân để trao đổi ý kiến. Mỗi lúc bà con kéo đến hội trường một đông.

Bài làm:

(1) Lỗi về liên kết hình thức: Lỗi thay thế, từ  trong câu 2 không thể thay thế cho loài nhện.

Cách sửa: thay  bằng chúng.

Với bộ răng khoẻ cứng, loài nhện khổng lồ này có thể cắn thủng cả giày da. Mọi biện pháp chống lại chúng vẫn chưa có kết quả vì chúng sống sâu dưới mặt đất. Hiện nay, người ta vẫn đang thử tìm cách bắt chúng để lấy nọc điều trị cho những người bị nó cắn.

(2) Lỗi dùng từ không thống nhất, từ hội trường không thể đồng nghĩa với từ văn phòng cho nên không thể thay thế được cho nhau.

Cách sửa: bỏ từ hội trường trong câu 2 hoặc thay từ này bằng từ văn phòng.

Tại văn phòng, đồng chí Bộ trưởng đã gặp gỡ một số bà con nông dân để trao đổi ý kiến. Mỗi lúc bà con kéo đến văn phòng một đông.

E. Hoạt động tìm tòi mở rộng - Bài: Con cò

2. Sưu tầm các câu ca dao, câu thơ có hình ảnh con cò:

Bài làm:

Các câu ca dao, câu thơ có hình ảnh con cò:

Con cò mà đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao

Ông ơi ông vớt tôi nao

Tối có lòng nào ông hãy xáo măng

Có xáo thì xáo nước trong

Đừng xáo nước đục đau lòng cò con!

 

Con cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non.

 

Con cò lặn lội bờ sông

Ngày xuân mòn mỏi má hồng phôi pha.

 

Cái cò chết tối hôm qua

Có hai hạt gạo với ba đồng tiền

Một đồng mua trống mua kèn

Một đồng mua mỡ đốt đèn thờ vong

Một đồng mua mớ rau răm

Đem về thái nhỏ thờ vong con cò.

 

Cái cò mày mổ cái tôm

Cái tôm quắp lại, lại ôm cái cò

Cái cò mày mổ cái trai

Cái trai quắp lại, lại nhai cái cò.

 

Trời mưa

Quả dưa vẹo vọ

Con ốc nằm co

Con tôm đánh đáo

Con cò kiếm ăn.

 

Nước non lận đận một mình

Thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay.

 

Con cò chết rũ trên cây,

Cò con mở lịch xem ngày làm ma.

Cà cuống uống rượu la đà,

Chim ri ríu rít bò ra lấy phần.

Chào mào thì đánh trống quân,

Chim chích cởi trần, vác mõ đi rao.

►►CLICK NGAY vào nút TẢI VỀ dưới đây để tải về Soạn bài Con cò Ngữ văn 9 VNEN (ngắn gọn nhất) file PDF hoàn toàn miễn phí.

Đánh giá bài viết
5.0
1 lượt đánh giá
Tham khảo thêm:
    CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
    Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
    Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
    Copyright © 2020 Tailieu.com