Logo

Soạn Bài 3: Hòa bình, hợp tác và phát triển GDCD lớp 9 VNEN

Soạn Bài 3: Hòa bình, hợp tác và phát triển GDCD lớp 9 VNEN trang 17 hướng dẫn trả lời câu hỏi sách giáo khoa chương trình mới chính xác nhất, giúp các em tiếp thu bài học hiệu quả
5.0
0 lượt đánh giá

Nội dung hướng dẫn giải Bài 3: Hòa bình, hợp tác và phát triển được chúng tôi biên soạn bám sát bộ sách giáo khoa môn Giáo dục công dân lớp 9 chương trình mới (VNEN). Hy vọng đây sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích giúp các em học tốt môn GDCD 9.

Hoạt động khởi động Bài 3: Hòa bình, hợp tác và phát triển

  • Hãy nêu những điều em biết về hòa bình, hợp tác và phát triển
  • Còn những điều gì em muốn biết về hòa bình, hợp tác và phát triển

Trả lời:

Những điều em biết về hòa bình, hợp tác và phát triển là:

  • Hòa bình là xã hội không có chiến tranh, không dùng vũ lực để giải quyết các tranh chấp trong quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc, các nhóm chính trị xã hội. Hòa bình đối ngược với chiến tranh. Nhìn chung hòa bình thường không liên tục mà thi thoảng bị gián đoạn.
  • Hợp tác là cùng chung sức làm việc, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong công việc, lĩnh vực nào đó. Hiện nay, nước ta đã và đang hợp tác với nhiều nước, nhiều tổ chức kinh tế để cùng thúc đẩy nhau phát triển.
  • Phát triển là một phạm trù của triết học, là quá trình vận động tiến lên từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn của một sự vật...

Những điều em muốn biết về hòa bình, hợp tác và phát triển là:

  • Những biểu hiện của hòa bình, hợp tác và phát triển
  • Ý nghĩa, tầm quan trọng của hòa bình, hợp tác và phát triển
  • Mối quan hệ giữa hòa bình, hợp tác và phát triển.

Hoạt động hình thành kiến thức Bài 3: Hòa bình, hợp tác và phát triển

1. Tìm hiểu về hòa bình và hợp tác

a. Bằng những kiến thức đã biết về hòa bình, hợp tác, thảo luận nhóm và ghi những thông tin phù hợp vào bảng theo mẫu dưới đây:

  Hòa bình Hợp tác
Quan niệm    
Biểu hiện    
Ý nghĩa, tầm quan trọng    
Trách nhiệm của học sinh    

Bài làm:

Điền thông tin phù hợp vào bảng:

  Hòa bình Hợp tác
Quan niệm
  • Hoà bình là tình trạng không có chiến tranh hay xung đột vũ trang, là mối quan hệ hiểu biết, tôn trọng, bình đẳng và hợp tác giữa các quốc gia - dân tộc, giữa con người với con người, là khát vọng của toàn nhân loại.
  • Hợp tác là chung sức làm việc, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong công việc, lĩnh vực nào đó vì mục đích chung.
Biểu hiện
  • Giữ gìn cuộc sống bình yên
  • Dùng thương lượng, đàm phán để giải quyết mọi mâu thuẫn, xung đột giữa các dân tộc, tôn giáo và quốc gia
  • Không để xảy ra chiến tranh hay xung đột vũ trang.
  • Chung sức, giúp đỡ lẫn nhau
  • Hợp tác trên cơ sở tự do bình đẳng, hai bên cùng có lợi, không có hại cho người khác.
Ý nghĩa, tầm quan trọng
  • Hòa bình giúp cho ta có được cuộc sống bình yên, xã hội ổn định và phát triển, không để xảy ra chiến tranh hay xung đột vũ trang
  • Hợp tác quốc tế để cùng nhau giải quyết những vấn đề bức xúc mang tính toàn cầu
  • Giúp đỡ tạo điều kiện cho các nước nghèo phát triển
  • Để đạt được mục tiêu hòa bình cho toàn nhân loại.
Trách nhiệm của học sinh
  • Học hỏi những điều hay của người khác.
  • Chung sống thân ái, khoan dung với các bạn và mọi người xung quanh;
  • Khuyên can, hoà giải khi các bạn có bất đồng, xích mích .... vv
  • Tôn trọng nền văn hóa của các dân tộc, quốc gia khác.
  • Giao lưu với thanh niên, thiếu niên quốc tế .
  • Rèn luyện và học tập tốt, rèn luyện tinh thần hợp tác với bạn bè và những người xung quanh
  • Quan tâm đến tình hình Việt Nam và thế giới
  • Có tinh thần đoàn kết, hữu nghị với những người nước ngoài.
  • Tham gia các hoạt động học tập, lao động và các hoạt động tinh thần khác…

b. Lấy ví dụ thực tế về một số hoạt động bảo vệ hòa bình mà lớp em/ trường em/ địa phương em đã tổ chức?

Bài làm:

Những hoạt động bảo vệ hòa bình mà lớp em/ trường em/ địa phương em tổ chức là:

  • Trường tổ chức viết thư "khát vọng hòa bình"
  • Tổ chức các hoạt động mít tinh về chiến tranh, ủng hộ hòa bình
  • Các hoạt động vẽ tranh, văn nghệ tưởng nhớ ngày chất độc da cam và phản đối chiến tranh trên thế giới....

c. Lấy ví dụ thực tế về một số hoạt động hợp tác giữa địa phương em với các địa phương khác, giữa Việt Nam với các nước khác?

Bài làm:

Một số hoạt động hợp tác giữa địa phương em với các địa phương khác, giữa Việt Nam với các nước khác:

  • Việt Nam trở thành thanh viên của tổ chức thương mại ASEAN
  • Công an quận Thanh Xuân hợp tác với công an quận Cầu Giấy ra quân dẹp trật tự an ninh dịp tết Nguyên Đán
  • Lớp em và lớp 9B cùng nhau tổ chức kêu gọi quyên góp sách vở, bút thức, quần áo cũ còn sử dụng được cho các bạn nhỏ vùng sâu vùng xa....

2. Tìm hiểu về phát triển

a. Khái niệm phát triển (Sgk)

b. Chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về phát triển đất nước (sgk)

c. Thảo luận nhóm

Điều gì sẽ xảy ra nếu chỉ chú ý đến tăng trưởng kinh tế mà không quan tâm đến bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên? Cho ví dụ thực tế để chứng minh.

Bài làm:

Trước đây người ta thường đồng nhất tăng trưởng kinh tế với phát triển, nên chạy theo chỉ tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc dân (GNP) và thu nhập bình quân đầu người bằng bất cứ giá nào. Nhưng càng ngày người ta càng nhận ra rằng, tăng trưởng kinh tế chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ để phát triển. Giờ đây, bên cạnh chú ý đến tăng trưởng kinh tế người ta còn quan tâm đến bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Bởi việc chỉ tập trung phát triển mà lãng quên môi trường và tài nguyên thiên nhiên đã khiến cho môi trường ngày càng ô nhiễm nặng nề, tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt.

Điển hình mới đây nhất là vụ xả nước thải chưa xử lí ra biển ở khu công nghiệp Formosa ở Hà Tĩnh. Sự phát triển kinh tế của vùng đó đã được người dân công nhận, nhưng khu công nghiệp lại tập trung phát triển mà không chú ý đến khâu xử lí nước thải mà xả nước bẩn ra biển dẫn đến hậu quả vùng biển Hà Tĩnh và một số tỉnh lân cận ô nhiễm nghiêm trọng, sinh vật biển chết thối quanh bờ biển, người dân vùng ven biển phải đối mặt với nhiều nguy hiểm.

Điều gì sẽ xảy ra nếu chỉ chú ý đến tăng trưởng kinh tế mà không quan tâm đến phát triển xã hội và phát triển con người? Cho ví dụ thực tế để chứng minh?

Bài làm:

Trước đây người ta thường đồng nhất tăng trưởng kinh tế với phát triển, nên chạy theo chỉ tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc dân (GNP) và thu nhập bình quân đầu người bằng bất cứ giá nào. Nhưng càng ngày người ta càng nhận ra rằng, tăng trưởng kinh tế chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ để phát triển. Nói cách khác, ngày nay không thể chỉ chú ý đến tốc độ tăng trưởng mà còn phải quan tâm đến tính chất của tăng trưởng, tức là đạt được tăng trưởng bằng cách nào, những ai tham gia, thể chế nào được hình thành và những ai được hưởng lợi thành quả của sự tăng trưởng ấy?... Có những nước nhờ nguồn tài nguyên giàu có (dầu mỏ, kim loại quý hiếm...), ủy thác cho các công ty xuyên quốc gia khai thác, xuất khẩu và chia lời, nên thu nhập quốc dân tính theo đầu người tăng nhanh và đạt mức rất cao. Nhưng chỉ một tầng lớp nhỏ bên trên được hưởng lợi, đa số người dân vẫn nghèo đói vì sự tăng trưởng kinh tế nói trên không tác động đến phần còn lại của nền kinh tế quốc dân. Nguồn ngoại tệ thu được chảy vào các ngân hàng của các nước phát triển chứ không được tái đầu tư. Sự tăng trưởng kinh tế như vậy không thể coi là "sự phát triển".

Điều gì đang xảy ra đối với sự nghèo khổ, thất nghiệp và sự bất bình đẳng? Nếu như cả ba vấn đề này trở nên ít nghiêm trọng hơn thì đó là nền kinh tế đang trải qua một thời kỳ phát triển. Nếu một hoặc hai trong các vấn đề trung tâm ấy trở nên xấu đi, đặc biệt, nếu cả ba cùng bị xấu đi mà coi kết quả đó là "phát triển" thì thật lạ lùng, ngay cả khi thu nhập bình quân tính theo đầu người tăng lên. Như vậy, phát triển phải là sự tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ con người và phát triển xã hội.

Nếu chi phát triển kinh tế mà không phát triển con người và phát triển xã hội thì sự phát triển đó sẽ không bền vững.

Lấy một ví dụ thực tế của địa phương em hoặc trên đất nước về việc thực hiện chủ trương phát triển bền vững của Đảng ta.

Bài làm:

Ví dụ:

Địa phương em thuộc vùng miền núi chủ yếu là đất đồi, nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế, huyện Yên Thế đã khuyến khích bà con tận dụng vườn đất đồi để phát triển trồng vải và chăn nuôi gà thả vườn. Với chính sách hỗ trợ ban đầu, huyện đã mở lớp tập huấn, hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc cây vải cũng như gà thả vườn bằng những phương pháp khoa học và hiện đại nhất của viện nông nghiệp Việt Nam.

Sau khi học lớp bồi dưỡng kiến thức, các hộ dân nhận tiền hỗ trợ và triển khai trồng vải trên vùng đất đồi, tận dụng vùng đất trống dưới tán cây, các hộ dân đã chăn nuôi gà thả đồi. Trong quá trình thực hiện, các cán bộ nông nghiệp huyện và viện nông nghiệp liên tục đến xem xét tình hình và hướng dẫn cụ thể hơn cho bà con. Đến nay, vải Bắc Giang và gà đồi Bắc Giang đã trở thành thương hiệu nổi tiếng cả nước và thậm chí xuất khẩu sang nước ngoài. Thu nhập người dân tăng lên đáng kể, mô hình đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người thất nghiệp trước đây, đời sống ấm no hơn. Từ 20 hộ dân ban đầu nay mô hình trồng vải nuôi gà đã lan rộng ra nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, giúp cho tỉnh Bắc Giang ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn....

d. Trách nhiệm của học sinh trong việc góp phần tham gia phát triển địa phương, phát triển đất nước.

Hãy ghi những việc làm phù hợp của học sinh để góp phần tham gia phát triển địa phương, phát triển đất nước:

  • Chăm chỉ học tập
  • Tích cực rèn luyện đạo đức, lối sống
  • Tập thể dục thể thao

Bài làm:

Những việc làm phù hợp của học sinh để góp phần tham gia phát triển địa phương, phát triển đất nước:

  • Chăm chỉ học tập
  • Tích cực rèn luyện đạo đức, lối sống
  • Tập thể dục thể thao
  • Tham gia hoạt động vệ sinh, bảo vệ nơi mình sinh sống
  • Tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương
  • Tham gia tuyên truyền các chính sách phát triển của Đảng và nhà nước....

3. Tìm hiểu mối quan hệ giữa hòa bình, hợp tác và phát triển.

Đọc, suy ngẫm và lí giải về các ý kiến dưới đây:

  • Xây dựng mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa các cộng đồng, quốc gia, giữa các nhóm, giữa các cá nhân là cách bảo vệ hòa bình vững chắc nhất
  • Hòa bình và hợp tác là yếu tố quan trọng, thuận lợi để phát triển cá nhân, cộng đồng, đất nước.
  • Phát triển cá nhân, cộng đồng, đất nước, giúp cho việc bảo vệ hòa bình và hợp tác thêm hiệu quả.

Bài làm:

  • Xây dựng mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa các cộng đồng, quốc gia, giữa các nhóm, giữa các cá nhân là cách bảo vệ hòa bình vững chắc nhất

=> Theo em, hòa bình là không xảy ra chiến tranh. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến chiến tranh, đó chính là sự uy hiếp, sự mâu thuẫn, bất quan điểm... Vậy, để bảo vệ hòa bình, chúng ta phải biến những bất đồng, mâu thuẫn đó thành sự hòa hợp và có điểm tương đồng với nhau. Vậy làm bằng cách nào, đó là xây dựng mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa các cộng đồng, quốc gia, giữa các nhóm, giữa các cá nhân. Khi đó, mọi hiềm khích sẽ được xóa bỏ, hòa bình sẽ lên ngôi.

  • Xây dựng mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa các cộng đồng, quốc gia, giữa các nhóm, giữa các cá nhân

=> Có lẽ, trên thế giới chưa có đất nước nào bị chiến tranh mà nền kinh tế vẫn phát triển và bền vững không bị khủng hoảng. Chính vì vậy, yếu tố đầu tiên quyết định đến sự phát triển kinh tế là đất nước đó hòa bình. Mặt khác, nếu đất nước hòa bình nhưng chỉ hoạt động đơn độc, tự mày mò, tự tìm kiếm thì liệu đến bao giờ đất nước đó mới phát triển và bắt kịp được xu thế của xã hội. Vì vậy, yếu tố quan trọng thứ hai đó chính là sự hợp tác. Hợp tác để học hỏi, để tiếp thu và được chuyển nhượng cái hay, cái tiến bộ. Vì vậy, hòa bình và hợp tác là hai yếu tố quan trọng của phát triển cá nhân, cộng đồng và xã hội.

  • Phát triển cá nhân, cộng đồng, đất nước, giúp cho việc bảo vệ hòa bình và hợp tác thêm hiệu quả.

=> Một người hiêu biết, một cộng đồng tiến bộ, một đất nước văn minh sẽ giải quyết mọi mâu thuẫn, xích mích bằng những cách văn minh, không phải là vũ trang. Vì vậy, nó sẽ giúp việc bảo vệ hòa bình và hợp tác thêm hiệu quả.

Hoạt động luyện tập Bài 3: Hòa bình, hợp tác và phát triển

1. Vẽ sơ đồ thể hiện mối quan hệ giữa hòa bình, hợp tác và phát triển

Bài làm:

2. Em/ nhóm em/ lớp em/ trường em đã tham gia những hoạt động bảo vệ hòa bình, hoạt động hợp tác, hoạt động phát triển cộng đồng nào? Cảm xúc của em khi tham gia các hoạt động đó? Em có mong muốn, đề xuất gì cho các hoạt động tiếp theo?

Bài làm:

Những hoạt động của em, lớp em, trường em để bảo vệ hòa bình, hoạt động hợp tác, hoạt động phát triển cộng đồng là:

  • Viết thư "khát vọng hòa bình"
  • Trường em hớp tác với đoàn thanh niên xã tổ chức hoạt động thu gom rác thải trong khu vực xã.
  • Trường em tổ chức giao lưu trao đổi kinh nghiệm học tập với trường THCS Bạch Ngọc
  • Giao lưu, mít tinh nhân ngày chất độc da cam, đồng thời kêu gọi mọi người phản đổi chiến tranh bảo vệ hòa bình...

Khi được tham gia các hoạt đông đó em cảm thấy rất vui, vì đó là những việc làm tốt, những việc làm có ý nghĩa cho bản thân. Thông qua hành động của mình, em đã góp một phần nhỏ vào việc bảo vệ hòa bình và hợp tác giúp mình ngày càng phát triển hơn.

Trong thời gian tới, em mong muốn nhà trường kết hợp với tổ chức khác, kêu gọi mọi người quyên góp ủng hộ các em nhỏ miền núi để các em được ấm hơn trong mùa đông sắp tới.

3. Em nghĩ gì về hành vi bạo lực ở học sinh Trung học cơ sở hiện nay?

Bài làm:

Theo em được biết, tại Việt Nam, bạo lực học đường hiện nay đang là vấn đề rất nghiệm trọng. Theo một số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo,chỉ trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1600 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học. Cũng theo một số thống kê, khoảng 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau và 11.000 học sinh thì có một em bị thôi học vì đánh nhau. Những số liệu này cho thấy, tình trạng bạo lực học đường đang là vấn đề nhức nhối tại mọi cấp học, lớp học với mức độ gia tăng ngày càng cao và hậu quả ngày càng lớn.

Có thể nói, nguyên nhân của tình trạng này một phần ở cái tôi cá nhân quá cao của giới trẻ cũng như sự chú trọng về học văn hóa mà lãng quên giáo dục "tiên học lễ, hậu học văn" của nhà trường. Và hơn nữa cũng không thể không nhắc đến thiếu sót trong sự bảo ban, dạy dỗ con cái của nhiều bậc phụ huynh...

Như vậy, học sinh, bố mẹ, nhà trường đều có một phần trách nhiệm ở trong đó, vì vậy, để hạn chế tình trạng này, các bạn học sinh nên rèn luyện để nâng cao nhận thức và hiểu biết để giải quyết mọi chuyện trong hòa bình thay vì bạo lực. Nhà trường nên có những môn học kĩ năng sống cho học sinh, có sự liên kết với phụ huynh và địa phương để xử lí khi có hiện tượng bạo lực. Các bậc phụ huynh nên chú trọng dạy con cách sống thay vì quan trọng hóa con điểm 9, điểm 10....

Hi vọng, bằng sự cố gắng đó, tình trạng bạo lực học đường sẽ ngày càng thuyên giảm.

Trường em có hiện tượng này không? Theo em, hành vi bạo lực học đường đã gây nên những hậu quả như thế nào?

Bài làm:

Trường em thi thoảng vẫn có hiện tượng bạo lực học đường.

Theo em, hành vi bạo lực học đường đã gây ra những hậu quả:

  • Ảnh hưởng trực tiếp đến học tập và tâm lý của bạn bị bạo hành
  • Người gây bạo lực sẽ không phát triển toàn diện nhân cách, bị nhiều người khinh bỉ, ghét bỏ
  • Xã hội từ đó tạo thành một trào lưu "kẻ mạnh hiếp yếu" của giới học sinh.
  • Gây ra những hậu quả nghiêm trọng có thể dẫn đến thương tích, mất mạng...

Em và các bạn cần làm gì để phòng chống các hành vi bạo lực học đường?

Bài làm:

Để phòng chống các hành vi bạo lực học đường, em và các bạn cần:

  • Khi trở thành nạn nhân của bạo lực học đường em sẽ khẩn trương báo cáo với bố mẹ, thầy cô giáo hoặc người lớn gần đó để có thể giúp đỡ mình.
  • Khi chứng kiến hành vi bạo lực học đường em sẽ báo với thầy cô giáo hoặc cơ quan chức năng gần nhất để giải cứu cho bạn bị bạo lực.
  • Khi biết về nguy cơ một vụ bạo lực sắp xảy ra, em sẽ âm thầm báo với nhà trường để nhà trường can ngăn kịp thời.

4. Cùng các bạn trong nhóm vẽ một bức tranh hoặc xây dựng một thông điệp để bảo vệ hòa bình/ về hợp tác/ về phát triển cộng đồng, đất nước.

Bài làm:

Hoạt động vận dụng Bài 3: Hòa bình, hợp tác và phát triển

1. Cùng các bạn trong nhóm, trong lớp hợp tác lập kế hoạch một hoạt động phòng chống bạo lực học đường ở lớp/ ở trường em và thực hiện hoạt động đó theo kế hoạch đã lập ra.

Bài làm:

Ví dụ: Nhân dịp đợt sinh hoạt lớp cuối tháng, lớp em sẽ tổ chức sinh hoạt có chủ để " Bạn biết gì về bạo lực học đường". Theo đó, trước buổi sinh hoạt, các bạn sẽ phân công nhau tìm hiểu kiến thức bạo lực học đường. Một số bạn phụ trách câu hỏi nhanh cho trò chơi? Một số bạn đóng kịch nói về hậu quả bạo lực học đường. Một số bạn thuyết trình về "bạo lực học đường" và cuối cùng là lắng nghe ý kiến của các bạn về bạo lực học đường và cùng nhau tìm ra giải pháp để đẩy lùi "bạo lực học đường".

2. Cùng các bạn trong nhóm, trong lớp hợp tác lập kế hoạch một hoạt động phát triển cộng đồng và thực hiện hoạt động đó theo kế hoạch đề ra.

Bài làm:

Ví dụ: Hoạt động cộng đồng: "Phát bánh trung thu cho các em nhỏ ở làng SOS"

Phân công công việc:

Cả lớp sẽ cùng nhau tìm kiếm và liên hệ với một số nhà ủng hộ (có thể bố mẹ, ông bà, anh em người thân khá giả, nhà mạnh thường quân....) để xin tiền để mua bánh tặng các em.

Ngoài ra, các nhóm phụ trách thêm một số việc như sau:

  • Nhóm 1: Phụ trách tìm kiếm và tổ chức trò chơi với các em
  • Nhóm 2: Xin ý kiến của trường và liên hệ với ban quản lí của trại trẻ mồ côi SOS
  • Nhóm 3: Phụ trách ca nhạc, văn nghệ trong buổi thăm các em nhỏ.
  • Nhóm 4: Phụ trách gom tiền và mua bánh, kẹo cho các em nhỏ.

Hoạt động tìm tòi, mở rộng Bài 3: Hòa bình, hợp tác và phát triển

1. Tìm hiểu một số hoạt động bảo vệ hòa bình của nhân dân ta và nhân dân thế giới.

Bài làm:

Một số hoạt động bảo vệ hòa bình của nhân dân ta và nhân dân thế giới:

  • Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
  • Liên Hợp Quốc đứng ra giải quyết ổn thỏa mọi vấn đề mâu thuẫn của các nước thành viên
  • Mọi mâu thuẫn của các nước đều được giải quyết bằng đàm phán trong hòa bình của cấp cao các nước đó...

2. Tìm hiểu về một số hoạt động hợp tác của địa phương em/ của nước ta với các địa phương khác/ nước khác trên thế giới

Bài làm:

Một số hoạt động hợp tác của nước ta với nước ngoài:

  • Nhà máy lọc dầu Dung Quất: Việt Nam hợp tác với Nga.
  • Đại lộ Đông Tây từ TPHCM đi Cam pu chia, Lào, Thái lan: Việt Nam hợp tác với Nhật bản
  • Hầm đường bộ Hải vân: Việt Nam hợp tác với Nhật bản
  • Đường ngầm vượt sông Thủ Thiêm: Việt Nam hợp tác với Nhật bản.
  • Cầu Mỹ Thuận: Việt Nam hợp tác với Úc.
  • Cầu Cần thơ: Việt Nam hợp tác với Nhật bản.
  • Bệnh viện Hữu Nghị: Việt Nam hợp tác với Liên Xô
  • Cầu Nhật Tân - Hà Nội: Việt Nam hợp tác với Nhật Bản.
  • Tuyến đường cao tốc nối Cầu Nhật Tân với sân bay Nội Bài: Việt Nam hợp tác với Nhật Bản.

3. Tìm hiểu một số thành tựu phát triển nổi bật của địa phương em, của nước ta (trên các lĩnh vực: kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa, bảo vệ môi trường)

Bài làm:

Thành tựu phát triển nổi bật của địa phương em, của nước ta trong năm qua:

  • GDP Việt Nam năm 2017 ước tính tăng 6,81% so với năm 2016.
  • Có thêm 2 Di sản phi vật thể nhân loại (hát bài chòi và hát xoan) và 1 Di sản tư liệu thế giới (châu bản triều Nguyễn)
  • Thể thao Việt Nam vươn ra biển lớn: lần đầu tiên Đội tuyển bóng đá U20 có vé dự FIFA U20 World Cup, năm đầu tiên Việt Nam có 6 đội tuyển bóng đá quốc gia giành quyền tham dự Vòng Chung kết châu Á ...
  • Năm 2017, Việt Nam đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội do Quốc hội đề ra.
  • Năm 2017, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được xử lý nghiêm minh như vụ Hà Văn Thắm và 50 đồng phạm xảy ra tại Oceanbank; vụ án Châu Thị Thu Nga và 9 đồng phạm xảy ra tại Công ty Housing Group... Việc cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, tạm đình chỉ nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội, khởi tố và bắt tạm giam ông Đinh La Thăng...

►►CLICK NGAY vào nút TẢI VỀ dưới đây để tải về Giải GDCD lớp 9 VNEN Bài 3: Hòa bình, hợp tác và phát triển file PDF hoàn toàn miễn phí.

Đánh giá bài viết
5.0
0 lượt đánh giá
Tham khảo thêm:
    CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
    Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
    Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
    Copyright © 2020 Tailieu.com